User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
vien duong lao crop 1632273192052
 
Hai chữ “Nursing Home” ở Mỹ và “Viện Dưỡng Lão/Nhà Già” ở Việt Nam, tuy cùng chỉ nơi để nuôi dưỡng các cụ già nhưng được hiểu một cách khác nhau từ khi tôi có cơ hội sống trong xã hội Mỹ và được chứng kiến cách sinh hoạt của các cụ tại những nơi này. Dĩ nhiên nếu đem so sánh hai cơ sở này về phương diện tiện nghi, điều kiện sinh hoạt, phương cách săn sóc thì quả thực không hợp lý chút nào: đem nước Mỹ là nước tiên tiến giàu mạnh vào bậc nhất thế giới để so sánh với Việt Nam mình! Tôi chỉ muốn nói tới cảm nghĩ của tôi khi đến thăm thân nhân sống trong Nursing Home ỏ Mỹ và các cụ già đang sống trong các Viện Dưỡng Lão ở Việt Nam bây giờ mà tôi được thấy qua đài TV/SBTN.
 
Tôi có một bà cô ở San Jose, CA. Cụ ngoài 90 tuổi, không lập gia đình và khi không còn tự lo cho mình trong cuộc sống hàng ngày, các cháu phải đưa cụ vô ở trong Nursing Home. Dĩ nhiên cô tôi rất buồn, vì đang sống trong một Apartment complex gồm hai phòng đầy đủ tiện nghi, thuộc loại dành cho “low income”, cụ trả tiền rent một phần, còn lại được Housing Authority trợ cấp. Với số tiền già khiêm tốn, cô tôi sống tương đối thoải mái, trong tuần có các cháu ghé thăm, hàng ngày hàng xóm giúp đỡ khi cần thiết. Đúng là… không có gì quý bằng độc lập – tự do!!!
 
Cuộc sống của cụ dĩ nhiên không kéo dài mãi như vậy. Ngày mà cụ không thể tự lo cho mình, giường chiếu rất hôi hám và cần có sự săn sóc thường xuyên, chúng tôi quyết định phải chuyển cụ vô một Nursing Home để họ săn sóc cụ. Nếu còn ở Việt Nam trước 1975, cụ sẽ tiếp tục ở nhà, sẽ thuê người làm ở lại trong nhà để hầu hạ, sẽ có y tá tới lo sức khoẻ. Tôi quên nói là cô tôi thuộc thành phần khá giả, lúc trẻ làm ăn buôn bán khá thành công. Ở Việt Nam, tôi rất ít thấy con cháu gửi bố mẹ già vô Viện Dưỡng Lão, hình như làm như vậy là bất hiếu. Lúc trẻ bố mẹ mình lo cho mình thì bây giờ bố mẹ già, mình có bổn phận báo hiếu, lo cho bố mẹ. Tôi thấy nhiều gia đình tuy không giàu có nhưng vẫn giữ bố mẹ ở nhà để phụng dưỡng. Cảnh “tứ đại đồng đường” ở nước mình trước đây không hiếm, tinh thần Khổng Giáo hình như đã ăn sâu trong nếp sống hàng ngày, quan hệ gia đình cũng rất chặt chẽ. Gia đình được hiểu gồm ông bà cha mẹ vợ chồng con cái. Cảnh ba thế hệ sống dưới cùng một mái nhà là rất phổ biến, tới Mỹ tôi thấy “gia đình” thường chỉ bao gồm vợ chồng con cái mà thôi. Bố mẹ anh chị em thuộc loại “extended family”, điều này thể hiện rõ nhất trong các gia đình có con cái lấy người “ngoại quốc”. Ngay thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của lối sống nặng về “cá nhân” của Mỹ.
 
Thôi, nhập gia tuỳ tục, mình sống ở Mỹ thì phải theo lối sống ở Mỹ, lội ngược dòng sẽ mệt lắm!!! Đó cũng chính là lý do khi tôi đến thăm cô tôi ở Nursing Home, tôi chợt nghĩ và hình dung ra “l’ombre du moi que je SERAIS dans peut être dix ou vingt ans” cũng giống như Anatole France đã nhớ lại hình bóng mình như một cậu bé nhảy tung tăng trong ngày tựu trường, chỉ khác nhau là Anatole France và tôi có giòng tư tưởng đi ngược trục thời gian mà thôi!!!
 
Gia đình tôi ở tiểu bang Washington, mỗi khi có dịp nghỉ tôi thường về San Jose thăm bà con họ hàng, và không bao giờ quên ghé thăm cô tôi ở Nursing Home. Tôi còn nhớ, khi tới thăm cô tôi vào một buổi trưa, không khí tại đây khá nhộn nhịp, kẻ ra người vô như người nhà vào thăm thân nhân, các nhân viên chuẩn bị đẩy xe lăn cho các cụ ra ăn trưa, xe chở các khay đồ ăn được di chuyển trong hành lang, khu nhà ăn. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy bác NKT ngồi trên một xe lăn bên cạnh bàn ăn. Bác trông rất tỉnh táo, tôi nhận ra ngay vì bác là một ân nhân của tôi. Bác là bạn ông ngoại các cháu, và khi còn làm Tổng Trưởng Giáo Dục đã ký giấy cho tôi được thuyên chuyển từ Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt sang dạy học tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Trong thời gian này, giáo sư LVT là Tổng Cục Trưởng và không cho ai được thuyên chuyển đi nơi khác. Cũng may cho tôi là lúc đó tôi có một vài “cán bộ nằm vùng” là các bạn VTH, NTB, VĐD ở Khoa Cơ Bản giúp đỡ nên việc thuyên chuyển tương đối êm thắm. Bạn H khoá trước tôi một năm nhưng học cùng Chứng Chỉ Physique Generale, bạn B là anh rể, còn bạn D thì học chung nhau từ thời trung học ở Hà Nội, từ năm 1952-1953.
 
Trở lại chuyện bác NKT, tôi chào hỏi rất ân cần nhưng không thấy nói gì mà lại quay đi phía khác. Tôi hơi lạ thì một cụ bà cũng vừa tới bàn ăn, cho biết bác NKT bị stroke và nay thì không nhận ra ai nữa, gia đình phải đưa bác vô đây vì không có khả năng chăm sóc tại nhà. Hàng ngày cụ bà vào giúp việc ăn uống cho cụ ông ba bữa sáng trưa chiều. Được chứng kiến hoạt cảnh bữa ăn trưa tại đây, tôi mới thấy thương xót các cụ và hiểu cuộc sống của con người thực mỏng manh, mới ngày nào bước vào cuộc đời với bao nhiêu hoài bão, ước mơ, rồi chợt một chiều tóc trắng như vôi và đang lặng lẽ tiếp nối cuộc hành trình cô đơn tại Nursing Home này đến điểm chót của cuộc đời.
 
Tôi quan sát khu ăn trưa này và nhận thấy tại các dãy bàn kê song song, các cụ ngồi ăn lặng lẽ trước khay thức ăn nếu còn tự lo cho mình. Ở mấy bàn tròn gần đó, tôi thấy một số cụ phải nhờ y công phụ giúp, mỗi y công ngồi giữa hai cụ và lần lượt dùng thìa xúc thức ăn cho từng người. Tội nghiệp cho mấy cụ, hoặc còn no hay thức ăn không hợp khẩu vị nên lấy tay gạt ra hoặc ngoảnh đầu đi chỗ khác thì y công một tay nắm cằm, một tay cố nhét thức ăn vô miệng. Có những cụ hai tay vái lấy vái để xin y công tha cho khỏi BỊ ăn!!! Trông cảnh thương tâm này, tôi không cầm nổi nước mắt nghĩ tới một ngày nào đó, rất có thể mình sẽ là một trong mấy cụ này. Tôi không nghĩ con cái mình bất hiếu với mình nhưng hoàn cảnh xã hội này không cho phép con cái lo cho bố mẹ già tại nhà, nhất là trường hợp mà điều kiện sức khoẻ đòi hỏi phải cần y tá hay bác sĩ săn sóc thường xuyên. Tôi được biết trong Nursing Home, mỗi sáng đều có y tá ghé lại mỗi phòng để thăm các cụ và nếu cần thì liên lạc với bác sĩ xin thuốc men hay phải chuyển sang nhà thương nếu thấy cần thiết. Nếu chúng ta may mắn thì có con cái hay bà con ở cùng tỉnh, có thể ghé thăm mỗi ngày sau giờ làm việc, điều này rất phổ biến. Tuy nhiên cũng có trường hợp các con cháu phải đi làm ở xa, không tiện thăm viếng thường xuyên được, tôi thấy tội nghiệp lắm. Khi cụ này được thân nhân thăm viếng, hoặc mang quà bánh đến, cụ kia nhìn một cách thèm muốn và cảm thấy tủi thân, trông thương tâm lắm. Có thể cụ đó nghĩ là cùng một kiếp người mà sao họ may mắn còn mình thì bất hạnh như thế này. Và có thể nếu cụ là một phật tử chân chính thì sẽ nghĩ đến cái nghiệp và luật nhân quả, chắc kiếp trước mình đã phạm tội nên kiếp này phải trả thôi!!!
 
Một dịp khác, tôi đến thăm cô tôi vào buổi sáng. Sinh hoạt vào lúc này cũng nhộn nhịp lắm. Đến hơi sớm nên tôi phải chờ ỏ ngoài và chỉ có thể quan sát qua cửa ngoài thôi. Đoàn y công đang làm công tác vệ sinh và dọn dẹp các giường. Tôi nghe rõ một cụ nào đó đang gào thét khi một y công bế cụ đi tắm rửa, hay thay khăn trải giường, không còn chút gì là “personal privacy” nữa vì hình như cụ đã vãi ra khăn trải giường đêm qua. Ở đây, giang sơn của mỗi cụ là cái giường và một phần chiếc bàn đặt giữa hai giường, tài sản của mỗi cụ như thế nào và bao nhiêu tôi không được rõ.
 
Cô tôi sống ở Nursing Home được khoảng hơn một năm và đã lặng lẽ ra đi tại nơi này vào một đêm, không một người thân ở bên vào những giây phút chót của cuộc đời và thân nhân chỉ được Ban Giám Đốc thông báo vào buổi sáng hôm sau. Tạo hoá thực oái oăm, người muốn đi thì bắt ở lại, còn người muốn ở lại thì lại bắt đi! Lần nào các cháu vô thăm, cụ cũng năn nỉ cho về nhà và luôn luôn cầu nguyện Đức Phật sớm cho siêu thoát và lời thỉnh cầu của cụ đã không được chấp thuận. Trong khi đó thì một người bạn rất thân của tôi, 76 tuổi, còn yêu đời lắm chưa muốn đi chút nào thì lại nhận được vé lên tàu, làm thủ tục giấy tờ từ tháng Hai, đến tháng Năm thì tàu chạy!!! Bạn tôi đang hăng hái cùng tôi chuẩn bị cho chuyến du lịch Âu Châu vào tháng 5/2012 thì tự nhiên một ngày đẹp trời thấy hơi đau ở ngực, rồi sau đó mỗi khi ăn lại muốn ói. Lúc đầu bạn tôi cũng nghĩ đây chỉ là chút “trục trặc kỹ thuật” thường xảy ra cho các xe hơi cũ đã chạy mấy trăm ngàn miles, nhưng càng ngày cơn đau càng nặng hơn, bác sĩ gia đình yêu cầu bạn tôi làm một số thử nghiệm như Scan, MRI và kết quả thử nghiệm là bản án tử hình: bạn tôi đã bị ung thư lá lách, một bướu độc khá lớn nằm ngay giữa lá lách, không thể giải phẫu được nữa và ung thư của bạn tôi đã ở giai đoạn “metastasis”, có nghĩa là đã lan sang các bộ phận khác trong cơ thể, radiation therapy hay chemotherapy cũng không giúp ích gì mà chỉ làm đau đớn cho thể xác hơn vì những “side effects” hay biến chứng của những cách trị liệu này. Theo chuẩn định của các bác sĩ chuyên môn, bạn tôi chỉ còn sống được một tới hai tháng nữa là cùng. Tâm trạng của bạn tôi khi nhận được tin này có lẽ cũng như các tử tù đang chờ ngày mang ra hành quyết, chuyện quá đột ngột vì bạn tôi chưa kịp chuẩn bị cho chuyến tàu suốt này!!! Còn nước còn tát, bạn tôi quyết định làm radiation therapy xem có chút hy vọng gì không, may ra một phép lạ sẽ cứu được mình nhưng chuyện đó đã không xảy ra và sau hai ba lần làm radiation therapy cơn ói cũng như đau đớn nơi vùng ngực càng tăng, liều lượng thuốc “paint killer” như morphine cũng như thuốc làm giảm ói càng cao mà cũng không giúp được ích gì. Chúng tôi quen nhau từ thời bắt đầu vào Đại Học Khoa Học, năm 1955. Trong suốt 57 năm, tình bạn giữa chúng tôi qua những thăng trầm của cuộc sống, vẫn không thay đổi chút nào. Tôi đã sang thăm bạn tôi một tuần lễ và trong nhà thương cũng như ở nhà, những khi hiệu ứng của morphine hơi thuyên giảm, bạn tôi đã tâm sự là chỉ cầu xin cho được sống thêm một hai năm nữa, thực ra chẳng biết thế nào là đủ, ở tuổi này ra đi cũng là “trung thọ” rồi!!!
 
Trong cuộc sống vợ chồng, thế nào rồi cũng kẻ trước người sau sẽ ra đi, mấy ai ra đi cùng một lúc đâu. Và với lối sống của xã hội nặng về vật chất này, con cháu chúng ta dù hiếu thảo đến mấy cũng sẽ phải đưa chúng ta vô Nursing Home một khi chúng ta không còn khả năng tự lo cho chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi thấy người Mỹ sống rất độc lập, lúc trẻ cũng như về già, ít trông cậy vào con cái. Chuyện người Mỹ khi về già vào sống ở Nursing Home là chuyện rất phổ biến. Nếu có tiền thì ở loại sang, đầy đủ tiện nghi hơn, có người lo cơm nước hàng ngày, có y tá săn sóc sức khoẻ. Ở thành phố Olympia tiểu bang Washington nơi tôi cư ngụ, loại Nursing Home này giá chừng 5000 tới 7000 một tháng cho một người. Ở San Jose tôi không được rõ, nơi Cô tôi ở thuộc loại dành cho “low income”, trợ cấp tiền già họ lấy hết, thiếu bao nhiêu sẽ do liên bang/tiểu bang trợ cấp. Từ ngày cô tôi dọn vô đây, tinh thần thì dĩ nhiên xuống lắm nhưng phải nói là “ngoại hình” thì khá hơn trước nhiều, thơm tho sạch sẽ và gọn ghẽ hơn, đầu tóc chải chuốt hơn vì có người tắm rửa và lo cho ăn uống hàng ngày. Nếu những cụ nào tinh thần còn minh mẫn để suy ngẫm về cuộc đời thì chắc sẽ buồn lắm, vì hiểu rằng cuộc hành trình cô đơn này sẽ đưa mình đến chiếc hộp hay lọ tại một nhà quàn nào đó, điểm chót của cuộc đời.
 
Tôi rất kính phục Bác Sĩ Kevorkien, người đã sáng chế ra một dụng cụ tuy đơn giản nhưng mang một triết lý sống vô cùng hợp lý. Đó là dụng cụ giúp người nào cảm thấy đã mất “quality of life” và muốn kết thúc đời mình một cách nhẹ nhàng, không muốn bị bệnh tật hành hạ thân xác, thí dụ như trường hợp ung thư gan vào giai đoạn chót, nếu còn muốn tiếp tục sống tuy không còn chút hy vọng gì để chữa trị nữa người bệnh sẽ đau đớn vô cùng, chỉ còn kéo dài cuộc sống trong cơn mê dài nhờ thuốc giảm đau Morphine qua I V. Người bệnh thường mời các thân nhân tới chứng kiến là minh làm quyết định này trong tình trạng còn minh mẫn, không bị ai ép buộc, hoạc để lại chúc thư cho biết đây là một hành động tự nguyện, muốn lựa chọn cách ra đi nhẹ nhàng cho thân xác. Đây là chứng từ mang tính chất pháp lý để tránh phiền luỵ cho thân còn lại.
 
Tôi có quen một vài cặp bạn già, thuộc loại “thất thập cổ lai hi”, cuộc sống tương đói ổn định, không còn trên lo cho bố mẹ và dưới cho con cháu, tài chánh thoải mái, sức khoẻ cũng tạm OK, nghĩa là xe tuy cũ nhưng đề vẫn còn nổ và vẫn chạy cà tịch cà tang được. Tuy nhiên có một điều mà hình như vô tình hay cố tình quên đi cái yếu tố quan trọng vô cùng, đó là “thời gian”. Ngày tháng của thế hệ này qua mau như cuộn giấy nhà cầu gần đến cái lõi rồi, vậy mà cứ mạnh ai nấy sống, không tận hưởng cái thú của người bạn đồng hành trên quãng đường ngắn ngủi còn lại này. Bà xã tôi có bà cô sống ở Luân Đôn, hai ông bà đều trên 70, khi bà ấy còn sống thì hai vợ chồng đúng là mạnh ai nấy sống, rất ít khi thấy hai vợ chồng cùng đi chơi với nhau, thậm chí bữa ăn cũng ít khi ăn cùng đến khi bà vợ bị ung thư tử cung, vì khám phá ra quá trễ nên đã mất sau một thời gian ngắn. Lúc đó ông chồng mới cảm thấy cô đơn trong căn nhà vắng lặng, mà trước đây đã “take it for granted” sự hiện diện của người bạn đời của mình. Khi chúng tôi du lịch qua Âu Châu, có ghé Luân Đôn thăm, ông rất buồn, tâm sự hàng giờ về những lỗi lầm trong quá khứ, ân hận đã để mất quãng thời gian quý báu còn lại của hai vợ chồng lúc hoàng hôn của cuộc đời. Cái khôi hài là bây giờ chỗ nào chúng tôi cũng thấy ông treo ảnh của bà vợ, nhưng để làm gì, thời gian trôi qua rồi, làm sao níu kéo lại được nữa!!!
 
Tôi thầm nghĩ, mỗi chúng ta khi bước vào đời đều được cấp cuốn chi phiếu ‘ba vạn sáu ngàn ngày’ không phân biệt sang hèn hay giàu nghèo. Trong thời kỳ son trẻ, chúng ta đã tiêu xài vốn thời gian này rất thoải mái, không cần đắn đo suy nghĩ. Có những người không may mắn chưa xài được bao nhiêu đã phải ra đi như tỷ phú Steve Jobs, trong khi các cụ thuộc loại ‘tiên thọ’ thì xài hết mà còn được cái may có thêm chút ‘bonus’ vài năm!!! Chúng ta đều hiểu tiền bạc không mua được thời gian và tỷ phú Steve Jobs đã ra đi trong tức tưởi khi đang ở đỉnh cao của danh vọng tiền tài mà không mua được thêm một giây một phút! Cái may mắn của chúng ta, lứa tuổi thuộc loại thất-bát thập cổ lai hy này, là còn chút sức khoẻ để vui thú với con cháu, bạn bè thì thực là quý. Vốn thời gian càng cạn thì tiêu pha càng kỹ lưỡng, nghĩa là phải hưởng thụ từng phút từng giây. Điểm lại số bạn già, cứ lần lượt ra đi nghĩ mà buồn. Hiện tại và tương lai dể dành cho thế hệ trẻ, chúng ta sống với quá khứ. Mỗi hình ảnh, âm thanh hay hương vị gì cũng có thể đưa chúng ta trở lại quãng thời gian cũ. Nhạc mẫu của tôi cách đây mấy năm, sáng nào cũng nhắc phôn gọi cho bạn bè, thế mà chỉ vài năm thôi, cụ chẳng còn ai để chia sẻ những kỷ niệm của quá khứ. Cuộc sống của người già mong manh như ngọn đèn trước gió, chỉ cần một làn gió nhẹ cũng đủ thổi tắt! Vào cuối mỗi ngày, nếu chúng ta thấy đã sống hết mình, vui hưởng những giây phút quý báu với người thân, thế là hạnh phúc rồi! Live Today, đúng như vậy. Tôi có đọc được hai câu thơ của Tịnh Liên mà thấy vô cùng hợp với triết lý sống của thế hệ chúng ta:
 
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Lại cho ta một ngày nữa để yêu thương
 
GS Nguyễn Thượng Khang
Nguyên phụ tá giám đốc
Trường Khoa Học Cơ Bản thuộc Trường Kỹ Sư Phú Thọ, Sài Gòn
 
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com