Tháp chùa là những công trình tháp được đặt tại các ngôi chùa Việt Nam. Cùng với quá trình đạo Phật du nhập vào Việt Nam, tháp trở thành một bộ phận không thể tách rời trong các ngôi chùa Việt. Trong khoảng hai nghìn năm, từ thời kỳ Phật giáo bắt đầu vào Việt Nam cho đến thời hiện đại, hình thức và ý nghĩa tôn giáo của ngôi tháp đã thay đổi và trở nên vô cùng đa dạng, phong phú. Nhiều ngôi tháp đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị, di tích lịch sử quan trọng và biểu tượng văn hóa nổi bật của đất nước. Nó cũng là biểu tượng đức Phật và tòa nhà kỷ niệm Ngài. Theo cổ truyền, khi Ngài tịch diệt, thánh tích chia ra làm tám phần dành cho tám quốc vương Ajatashatru xứ Magadha, Licchavî xứ Vaishālî, Shakya xứ Kapilavastu, Buli xứ Allakappa, Koliya xứ Ramagama, Brahman xứ Vethadipa, hai Malla các xứ Pāpā và Kusinâgar. Hình thức stupa thay đổi tùy nơi. anda có hình một cái chén lật ngược hay một hình ống như ở Sarnath, nếu đặt trên đế vuông thì có ba tầng cấp, lắm khi có một hay nhiều cửa torana, một hàng rào vedika dể hạng chế lối đi quanh anpradakshinapatha, một sân harmika mang chattra với nhiều chiếc dù nhỏ. Ở Tây Tạng stupa gọi là chorten (đọc sơ ten) hay kumbum lúc ban đầu dành có các thánh tích đức Phật Sakyamuni, sau biến dần thành áo quan rất lớn, có khi bằng vàng dành cho các vị được xem là thánh như dalai-darma hay panchem-lama Mỗi một phần của stupa có một ý nghĩa tượng trưng chính xác
- Trục chính là trục thế giới nối liền âm phù, quả đất và thiên đàng
- Nền vuông liên kết với yếu tố đất, tiêu biểu những đức hạnh thực tế tinh thần
- Vòm bát úp tượng trưng môt giọt, yếu tố nước, nghĩa là tính lưu
- Phần hình lửa thường có mười ba dĩa chồng chất, tượng trưng yếu tố lửa, nghĩa là nhiệt độ và mười ba trạng thái siêu nhân tình
- Hình bán nguyệt hay lưỡi liềm tiêu biểu yếu tố không khí tức sự trong suốt.
Chorten giữa Lhassa và Ganden. - Chorten Kumbum Gyantsé
Đồng thời với Phật giáo, stupa phát triển kháp Á đông nhưng dần dần chỉ còn nhiệm vụ cất giữ tro cốt vị tu sĩ trù trì hay một người hoặc có danh tiếng họặc có đóng góp cho chùa. Stupa có thể xây cùng lúc với chùa hay sau, Ví dụ chùa Thiên Mụ được xây năm 1601 lúc sơ khai nhà Nguyễn mà mãi đến năm 1844-1845 vua Thiệu Trị mới cất bửu tháp Phước Duyên cảm ơn bà nội đã nuôi dưỡng mình sau khi mồ côi mẹ. Đứng ngay sau nền Hương Nguyện bửu tháp, lúc đầu mang tên Từ Nhân, (người Pháp gọi "tháp Khổng Tử" ?) bảy tầng bên ngoài hình bát giác (tám góc), bên grong hình tròn, cao hơn 20m, kể từ mặt nước sông Hương thì cao gấp đôi. Ngó lên ngọn tháp bảy tầng, Một đêm em dậy mấy lần nghe chuông... Tháp có tường bằng gạch nung già để trần không tô, dùng mạch vôi hồ kết dính, xây trên nền đá thanh cứng với một lớp móng chôn vùi dưới đất không biết dày bao nhiêu, trông tương tự tháp Chăm. Cả tám mặt đều có lan can, hai cửa trước và sau, trang trí bằng gạch hoa tráng men Long Thọ hay pháp lam. Mỗi tầng tháp có cửa tò vò cho ánh sáng lọt vào, cửa tròn thông gió không hoàn toàn cân đối, lại có hoa văn khác nhau : chữ thọ (tầng dưới cùng), chữ vạn (tầng tư và tầng trên cùng), hoa thị 4 cánh (các tầng năm và sáu) hay 6 cánh (tầng ba). Muốn lên tầng trên, khách phải trèo một cầu thang xoắn ốc hướng tay mặt chứ không phải hướng tay trái như thường lệ. Lên càng cao, tháp càng nhỏ lại nhưng kiến thiết các tầng đều giống nhau. Cầu thang xoắn ốc không đưa lên đến tầng chót, muốn lên phải dùng một cái thang gỗ bắc trong một ô cửa và di động được. Nghe nói lúc trước tầng nầy được bảo vệ chặt chẽ, có ổ khóa do bộ Lễ quản lý! Vậy mà tượng Phật bằng vàng (nếu có) đặt ở đây vẫn bị mất! Trên của tò vò có bức hoàng phi đề Tự Tại Thiên xác định đây là cõi Trời. Qua cửa tò vò khách được chiêm ngưỡng vừa một quang cảnh sông núi hùng vĩ chốn đế đô, vừa một bức tranh hữu tình của đất nước Hương Bình, nơi gặp gỡ sông nước và non cao. Chùa Thiên Mụ còn có môt tháp nhỏ chứa tro cốt hòa thượng Thích Quảng Độ suốt đời dã chăm nom cống hiến cho chùa.
Tháp Phước Duyên Chùa Thiên Mụ
Phật giáo nhập tịch Việt Nam vào khoảng thế kỷ III hay II trước kỷ nguyên ta, đến từ Nam Á hay Trung Hoa, lúc nước ta chưa có một đạo giáo nào. Rất dễ hiểu Phật giáo thời sơ khai ấy hỗn hợp với tín ngưỡng bản địa như Lão giáo là đạo giáo truyền thống Trung Hoa hay thuyết vật linh nhân gian của ta. Đến từ Ấn Độ hay Trung Hoa, Việt Nam trở thành một trung tâm địa phương trọng đại Phật giáo Hinayana nhất là Đại thừa ở Luy Lâu, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Luy Lâu xưa là kinh đô vùng sông Hán thời Giao Chỉ, nơi nhiều tu sĩ truyền giáo Ấn Độ theo gót những nhà thương mại ghé chân trên đường qua Trung Hoa. Bắt đầu từ nay, vì kề cạnh, Việt Nam và Trung Hoa chia sẻ với nhau di sản văn hóa, triết lý và đạo giáo. Phật giáo Việt Nam từ đấy liên hê với Phât giáo Trung Hoa. Đặc biệt Phật giáo Tiểu thừa hay Nguyên thủy Theravana nảy nở trong miền nam sau cuộc thôn tính lãnh thổ Khmer. Theo lịch sử biết được, thì Đạo Phật nguyên thủy thực sự của Đức Phật chỉ tồn tại khoảng 250 năm tức sau lần kiết tập thứ 3 dưới thời vua Asoka. Sau đó, Đạo Phật gần như tan rã vì sự phân chia các bộ phái. Các dữ kiện lịch sử được ghi lại rất phức tạp. Tuy nhiên Theravada là một phái sớm thoát ra khỏi sự tranh chấp, các trưởng lão mang các tạng kinh được kiết tập lần thứ ba đi về Sri Lanka và bảo tồn tại đây một Đạo. Có thể có rất nhiều tranh cãi tại đây, nhưng thực tế là hiện nay Đạo Phật thực sự nguyên thủy và các trường phái gần với Đạo Phật nguyên thủy hiện không còn tồn tại nữa!
Trong khi Đạo Phật đại thừa tức Đạo Phật "phát triển" đề cập đến vô số các pháp môn khác nhau, thì năm bộ kinh Nikaya của Đạo Phật nguyên thủy chỉ thống nhất một con đường tu tập duy nhất. Hệ phái Theravada,ở Việt Nam có Nam tông Kinh và Nam tông Khmer. Theo số liệu thống kê năm 2017, Nam tông Kinh có 132 ngôi chùa trải dài trên 24 tỉnh thành trong cả nước.
Chùa Thánh Duyên (Túy Vân) - Chùa Thiền Lâm
Trong miền nam, chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam tọa lạc tại số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3 TpHCM. Hai hòa thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm, nhân vào nam truyền bá đạo Phật, cho xây dựng chùa, lấy nguyên mẫu thiết kế từ một ngôi chùa cùng tên ở Bắc Giang, vốn là trung tâm truyền bá của Thiền phái Trúc Lâm. Chùa Vĩnh Nghiêm được khởi cồng năm 1964 tại khu sình lầy bên cạnh rạch sông Thị Nghè cũ. Trong quá trình thi công, phải đổ thêm 40.000m3 đất lấp sình lầy. Công trình được hoàn thành về cơ bản vào năm 1971, gồm Phật điện, bảo tháp và cơ sở hạ tầng khác. Tiền xây dựng được lấy từ đóng góp công đức của chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức tăng, ni và Phật tử, chủ yểu có nguyên quán ở miền Bắc sống tại miền Nam. Năm 1982, chùa Vĩnh Nghiêm xây thêm bảo tháp Xá lợi Cộng Đồng, Tháp Xá Lợi Cộng Đồng xây phía sau, bên trái (từ cổng nhìn vào trong) Phật điện, có 4 tầng, cao 25 m dựng năm 1982, hoàn thành năm 1984. Tháp cũng được xây theo một kiểu khá độc đáo. Có các cầu thang từ sân dẫn lên trên. Đây là nơi để lọ đựng tro thi hài người chết mà thân nhân của họ gởi và gìn giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm. Tháp Đá gồm 7 tầng cao 14m của chùa Vĩnh Nghiêm được hoàn thành vào ngày 27 tháng 12 năm 2003, được coi là tháp đá cao nhất hồi ấy và công phu nhất Việt Nam. Tháp Quán Thế Âm nằm bên trái (từ cổng nhìn vào trong) Phật điện, gồm 7 tầng, cao gần 40m, được xây cùng lúc với chùa. Tháp hình vuông, mỗi cạnh đáy 6 m. Ðỉnh tháp có 9 bánh xe vòng tròn và những hình khối tròn gọi là Long xa và Quy châu. Đây là ngôi tháp đồ sộ thuộc hàng bậc nhất trong các ngôi bảo tháp của Phật giáo Việt Nam.
Tháp Quán Thế Âm - Tháp Đá chùa Vĩnh Nghiêm
Ngôi chùa Xá Lợi được xây dựng theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, nổi bật với ngôi Chính điện và tháp Chuông bảy tầng ngay cổng.. Các hạng mục có trong chùa bao gồm: cổng tam quan, tháp chuông, ngôi chính điện, giảng đường, thư viện,...Chính điện có chiều rộng 15m2 và chiều dài 31m2, xung quanh chính điện có treo 14 bộ tranh mô tả lịch sử cuộc đời đức Phật từ lúc Đản sanh đến khi nhập Niết bàn. Những bức tranh này được vẽ với chất liệu sơn bột màu nên rất sinh động, nhìn trông vào như đắp nổi. Đặc biệt, trên chính điện chùa còn có một tháp bằng ngọc, hình lá bồ đề. Đây chính là nơi đựng ngọc Xá Lợi của đức Phật Thích Ca, đây chính là lý do vì sao có nhiều du khách tới tham quan ngôi chùa này. Điểm khác biệt của chùa Xá Lợi với những ngôi chùa khác ở Sài Gòn là ngay cạnh cổng tam quan chính đó là Tháp Chuông bảy tầng cao 32m thu hút rất nhiều sự chú ý của du khách cũng như người qua đường. Còn một điều đặc biệt nữa mà chỉ cần chú ý một chút là bạn có thể thấy được đó chính là ngôi chùa không có câu đối. Và để lại cho sự thiếu đó thì ở đây có những pháp khí quí giá khác như chính điện chùa Xá Lợi chỉ đặt một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn. Một tháp bằng bạc đựng ngọc Xá lợi của Đức Hoạt Phật Chương Gia Đại Sư do Pháp sư Diễn Bồi được đem từ Đài Loan sang tặng chùa vào ngày 11/12/1960. Một ngọn tháp bằng đồng theo kiểu ngọn tháp cổ đã tìm lại được dưới đất sâu tại Ấn Độ hồi thế kỉ XVIII. Ngọn tháp này do chính ông S. Gupta, Tổng Lãnh Sự Ấn Độ tại Việt Nam nhân danh Ban tổ chức lễ kỉ niệm Buddha Jayanti tặng cho Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt tại chùa Xá Lợi vào ngày 25/8/1957. Không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà chùa Xá Lợi còn là trung tâm học thuật quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Tại đây lưu trữ một pho kinh bối diệp cổ chép bằng chữ Pali trên lá ô bôi (lá muôn) có liên đại cách nay trên 1.000 năm. Chiều dài 45 cm, ngang 6 cm và hai đầu có dùi lỗ để xỏ chỉ xâu lại, bìa bằng gỗ sơn son thếp vàng hoa văn cầu kỳ, được bọc trong một khăn lụa ngũ sắc.
Tháp Chuông Chùa Xá Lợi
Về với thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người, đặc biệt là du khách hành hương khó lòng mà bỏ qua cơ hội thăm quan chiêm ngưỡng ngôi chùa Bửu Long với lối kiến trúc vô cùng lộng lẫy mà cũng không kém phần linh thiêng. Nằm trên một ngọn đồi phía Tây sông Đồng Nai, chùa Bửu Long tọa lạc tại số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, cách trung tâm TpHCM khoảng 20km, có tên chính thức là thiền viện Tổ Đình Bửu Long. Được thành lập năm 1942, đến năm 2007, chùa Bửu Long được đầu tư xây dựng và trùng tu thêm, trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Thái Lan, Ấn Độ cùng tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn. Khu vực chính điện và khuôn viên xung quanh chùa được xây dựng hoàn toàn dựa theo thiết kế của trụ trì Thích Viên Minh. Bảo tháp Gotama Cetiya, bảo tháp chính của chùa, với chiều cao 56m cùng bốn tháp phụ xung quanh, được xây dựng theo lối kiến trúc cung điện với màu trắng chủ đạo, phối cùng màu vàng rực rỡ ở phần chóp của kiến trúc chùa Thái Lan. Góp mặt vói những chùa đẹp nhất thế giới, chùa Bửu Long còn được người dân Sài Gòn nhắc đến với cái tên thân thuộc là "chùa Thái Lan". Đứng từ xa bạn có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn bảo tháp cao sừng sững nổi bật giữa nền trời xanh. Ngôi chùa có vẻ đẹp độc đáo, vô cùng lộng lẫy. Giao thoa giữa phong cách kiến trúc của triều Nguyễn Việt Nam với phong cách kiến trúc Phật giáo Nam tông ở Đông Nam Á. Bao quanh khuôn viên chùa là những hàng cây già thẳng tắp kết hợp hài hòa với hồ nước hình bán nguyệt quanh năm trong xanh như ngọc, tĩnh lặng là điểm nhấn trong thiết kế của ngôi chùa. Bảo tháp Gotama Cetiya có độ cao 56m, rộng 2000 mét vuông với sức chứa lên đến 2000 người. Đây được xem là ngọn bảo tháp lớn nhất Việt Nam. Gotama Cetiya gồm 1 tháp trung tâm cao 7 tầng và 4 tháp nhỏ (Đản Sinh, Thành Đạo, Pháp Luân và Niết Bàn). Khi đến đây, khách đừng quên tham quan khu vực hội trường vô cùng bề thế tại tầng trệt và tầng 2. Tại tầng 3,4 là thiền đường và tầng 5 là nơi lưu giữ xá lợi Phật. Từ vị trí này bạn có thể dễ dàng phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn sông Đồng Nai hiền hòa.
Bảo Tháp Gotama Cetiya - chùa Bửu Long
Một trong những ngôi chùa cổ nhất ở TpHCM, là Chùa Giác Lâm Đây là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam. Chùa Giác Lâm còn có tên gọi khác là Cẩm Sơn hay Cẩm Đệm. Vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, chùa Giác Lâm được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương quyên tiền để xây dựng nên. Ban đầu, chùa có tên gọi là chùa Sơn Can. Về sau, do ngôi chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn mà người ta gọi ngôi chùa là chùa Cẩm Sơn. Ngoài ra, chùa còn có cái tên khác là Cẩm Đệm. Vì cư sĩ Thụy Long có tên riêng là Cẩm và làm nghề đan đệm bán nên người địa phương gọi ông là ông Cẩm Đệm. Đến năm 1774, sau khi Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc (Trụ chì chùa Từ Ân) đã cử đệ tử của mình là Thiền Sư Tổ Tông - Viên Quang về trụ trì ngôi chùa này, chùa được đổi tên thành Giác Lâm. Dưới thời thiền sư Viên Quang trụ trì ngôi chùa, chùa Giác Lâm là trung tâm đầu tiên đào tạo về kinh điển, giới luật cho chư tăng ở Gia Định và cả Nam Bộ. Vào năm 1873, dưới thời Thiền sư Minh Khiên trụ trì ngôi chùa, đây còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số sách Phật giáo. Chùa trước đây không có cổng tam quan. Sau này, vào năm 1995, cổng tam quan mới được xây dựng. Giác Lâm là ngôi chùa đặc trưng, có lối kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc hình chữ tam của các ngôi chùa Nam Bộ. Ban đầu, người ta gọi chùa với nhiều cái tên Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm.Năm 1774, thiền sư Viên Quang cho đổi tên thành chùa Giác Lâm. Lúc này, Giác Lâm đã trở thành trung tâm Phật giáo hàng đầu tại khu vực, thu hút rất đông phật tử. Năm 1798, sau nửa thế kỷ xây dựng, chùa được trùng tu, mở rộng và ngày càng phát triển hoạt động Phật giáo. Ngày 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827), thiền sư Viên Quang qua đời, thiền sư Hải Tịnh lên kế vị. Từ năm 1939-1945, chùa được tiến hành trùng tu. Thời gian này, chùa là nơi trú ẩn của rất nhiều nhà hoạt động cách mạng. Năm 1953, chùa tiếp nhận cây bồ đề và viên ngọc xá lợi Phật từ Sri Lanka và đưa về chùa Long Vân an trí. Ngày 16/11/1988, chùa Giác Lâm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Giác Lâm là ngôi chùa đặc trưng, có lối kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc hình chữ Tam của các ngôi chùa Nam Bộ. Đặc biệt, cạnh chính điện, có tháp tổ Hồng Hưng. Tháp cao 3 tầng với kiến trúc được thiết kế một cách tỉ mỉ, phức tạp. Và đặc biệt, trên tháp còn gắn hơn 1.000 đĩa trang trí. Đây là những chiếc đĩa đã được làm và nung ở Lái Thiêu (Bình Dương). Đĩa được gắn vào tòa tháp vào nửa đầu thế kỷ X.
Ở ngay Hà nội chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), có lịch sử gần 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam. Chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Trong các năm 1624, 1628 và 1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay. Khuôn viên chùa có Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: "Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp". Năm 1998, ngôi Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng, đến năm 2003 thì hoàn thành tạo thành khu vườn tháp của chùa. Ngôi Bảo Tháp cao 15m, gồm 11 tầng. Ở mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô cửa hình vòm. Đặc biệt, trên đỉnh có một tháp sen 9 tầng (Cửu phẩm liên hoa) được tạc bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại rất mềm mại. Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng - nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.
chùa Trấn Quốc - Bảo Tháp
Ở ngoài Bắc tháp xưa cổ không thiếu. Chùa Keo có tên chữ Thần Quang tự là một ngôi chùa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Tương truyền, dưới thời vua Lý Thánh Tông, chùa Keo được xây dựng ở bờ ven sông Hồng từ năm 1061, sư tổ của chùa chính là Lý Triều Quốc Sư:. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo. Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện. Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng). Công việc xây dựng ngôi chùa Keo Thượng được bắt đầu từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê. Sau khi xây dựng xong, chùa được trùng tu nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941... Phần ngoài thờ Phật có gần 100 pho tượng. Sau khu thừ Phật là khu thờ thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa. Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796. Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc. Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh.. Có câu ca dao về hội chùa Keo "Dù cho cha đánh mẹ treo Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm."
gác chuông chùa Keo
Chùa Bút Tháp còn gọi Ninh Phúc tự hay nôm na hơn chùa Nhạn Tháp, chùa Tháp. Tên cũ chùa là Thiếu Lâm Tự, Hoàng Cung Tự. Theo sách Địa chí Hà Bắc (1982) thì chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278). Thiền sư Huyền Quang (đỗ Trạng nguyên năm 1297) đã trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen. Ngọn tháp này nay không còn nữa. Đến thế kỷ 17, chùa đã trở nên nổi tiếng với sư trụ trì là Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590-1644), người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, sang Việt Nam năm 1633 và trụ trì ở chùa. Năm 1644, Hòa thượng viên tịch. Tiếp đó, người kế nghiệp trụ trì chùa Bút Tháp là Thiền sư Minh Hạnh, học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyết Chuyết. Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diệu Viên) đã rời bỏ cung thất, về đây tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ), xin phép Chúa Trịnh Tráng, rồi bỏ tiền của, ruộng lộc ra công đức để trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong. Cụm kiến trúc trung tâm ở Chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên chạy song hành được bố trí đăng đối trên một đường "Thần Đạo" với hai dãy hành lang chạy suốt dọc chùa ở hai bên bao bọc, đó là tòa Tiền Đường Thượng Điện, cầu đá tòa Thích Thiện Am Trung Đường, phủ thờ nhà Hậu Đường và hàng tháp đá. Sự bố trí chặt chẽ ở khu vực trung tâm này thể hiện một nội dung tư tưởng về giáo lý của đạo Phật. Phật điện của chùa gần như nguyên sơ của chùa cổ Việt Nam, gồm 10 nếp nhà nằm trên một trục dài hơn 100 m. Qua cửa tam quan, đến gác chuông hai tầng, tám mái. Chùa chính với ba dãy nhà Tiền đường - Thiên hương - Thượng điện tạo thành chữ "công". Chùa Bút Tháp có nhiều tượng cổ với giá trị thẩm mỹ cao, trong đó nổi bật nhất là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay thế kỷ XVII. Ngoài tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, hai kiệt tác điêu khắc khác nữa làm thành một bộ ba tác phẩm danh bất hư truyền là tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư và tượng Thị Kính. Pho tượng Tuyết Sơn ở đây cũng là một kiệt tác của thế kỷ XVII. Từ thượng điện, đi qua một chiếc cầu đá có ba nhịp uốn cong dẫn đến ngôi nhà gọi là Tích Thiện am. Trên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông hoa lá. Tích Thiện am là một ngôi nhà có ba tầng mái. Trong Tích thiện am, có cây Cửu Phẩm Liên Hoa, là một tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại. Chùa có tháp Báo Nghiêm thờ Hoà thượng Chuyết Chuyết, đỉnh tháp là ngọn bút trông giống như cây bút khổng lồ vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05 mét, năm tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh; ngoài tầng đáy rộng hơn với mái hiên nhô ra; bốn tầng trên gần giống nhau, mỗi cạnh rộng 2 m. Năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29 m. Ngoài kỹ thuật xây dựng đá, phần bệ tượng được bao quanh bằng hai vòng tường cấu tạo bằng cột và lan can. Riêng ở tầng dưới cùng của toà tháp này có mười ba bức chạm đá với lấy đề tài chủ yếu là các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.
Tháp Bảo Nghiêm - Cầu đá
Tháp cũng như chùa nhiều lắm không sao kể hết nhất là vẻ đẹp còn tùy mỗi người. Đời sống tâm linh là một phần không thể thiếu đối với người dân Việt Nam. Trải dài khắp đất nước với bao nhiêu thắng cảnh là những tháp và chùa không chỉ nổi tiếng về sự linh thiêng mà còn lưu giữ bề dày văn hóa - lịch sử đến vài trăm năm. Tháp và chùa luôn được xem là một biểu tượng của sự tâm linh, tôn nghiêm. Mỗi dịp lễ tết, người Việt Nam lại cùng gia đình, người thân đến chùa để cầu nguyện, xin những điều an lành cho bản thân và cả gia đình. Vì vậy mà chùa trở thành một trong những kiến trúc phổ biến ở Việt Nam. Cảnh đẹp Việt Nam là những danh lam thắng cảnh kết tinh từ vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa lịch sử. Những cảnh đẹp Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn khiến cho du khách quốc tế phải trầm trồ, thích thú. Trên bản đồ du lịch Việt Nam, các danh thắng tuyệt đẹp trở thành điểm đến lý tưởng không nên bỏ lỡ vì sức hút từ vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời và sự hiếu khách của con người! Tháp chùa cũng như chùa không phải ngôi nào cũng đẹp và không phải ngôi chùa nào cũng lừng danh nhưng lắm khi tháp chùa được cho là đẹp vì được xây dựng trong khuôn viên một chùa lừng danh. Những tháp chùa và nhất là những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam là điểm tâm linh dịp tết Nguyên Đán. Những ngày đầu năm đối với người Việt là lúc mà những tín đồ tâm linh tìm về với nguồn cội. Tìm về chốn tĩnh lặng linh thiêng để dâng nén hương thơm cầu mong những điều an lành may mắn trong một năm mới âm lịch. Đó là văn hóa của người Việt ta từ xưa tới nay.
Trái khế trong sân chùa Từ Hiếu
Bài nầy soạn nhằm lúc Thiền sư Nhất Hạnh (1916-2022) viên tịch ở chùa Từ Hiếu nơi Thầy an dưỡng 4 năm, nơi Thầy xuất gia năm 16 tuổi, lá rụng về cội, khép lại cuộc đời sống động trên một đất nước chinh chiến, khước từ bảo tháp, xá lợi. Kính cẩn cầu chúc hương hồn Thầy thảnh thơi nơi bồng lai tiên cảnh.
Võ Quang Yến
Nhà dưỡng lão La Faiencerie thành Sceaux.
Năm Mới Nhâm Dần - 2022
Năm Mới Nhâm Dần - 2022