
Hình minh họa trên net
Với những nghiên cứu thận trọng trong nhiều năm qua, giới khoa học đã đưa ra kết luận trái với quan niệm bấy lâu nay rằng rượu có hại cho sức khỏe. Chính xác hơn, rượu với liều lượng hạn chế có thể làm giảm nguy cơ xảy ra bệnh tim mạnh, rượu làm “thông thoáng” động mạch và thậm chí còn giúp nâng cao tuổi thọ con người!
Những phát hiện về ảnh hưởng tốt của rượu trong khoảng thập niên qua khác hoàn toàn với các ý kiến “truyền thống” trước đây. Các nhà khoa học hiện nay khẳng định rằng dùng rượu với liều lượng hạn chế sẽ đem lại nhiều điều có lợi cho cơ thể. Người uống rượu thường xuyên với liều lượng thấp sẽ sống lâu hơn, ít bị cảm lạnh hơn, bụng không bị phệ và không gặp những dị ứng khó chịu khi dùng một số loại thức ăn như tôm chẳng hạn. Nói tóm lại, người uống rượu chừng mực không gặp bất kỳ mối nguy nào cho cơ thể, trừ chứng đau lưng do… phải khuân những két rượu. Trong số những điểm lợi kể trên, điều đáng chú ý nhất vẫn là khả năng làm giảm nguy cơ xảy ra bệnh tim mạch – một trong những căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất.
Các nghiên cứu liên tục trong khoảng thập niên qua cho phép người ta đi đến kết luận rằng rượu với liều lượng thấp sẽ làm giảm 50% nguy cơ xảy ra các chứng bệnh liên quan đến tim mạch và người dùng rượu chừng mực thì tốt hơn rất nhiều so với người suốt đời không nếm một giọt rượu nào. R. Curtis Ellison – nhà khoa học từng khảo sát về rượu và bệnh tim mạch thuộc Ðại Học Boston – thậm chí còn đi xa hơn khi kết luận rằng nếu kiêng cữ rượu hoàn toàn thì đó là “một hành động đóng vai trò chính yếu dẫn đến đủ thứ loại bệnh dính dáng đến tim mạch”. Không ít người hoài nghi cho rằng nhà khoa học nào khi tuyên bố tương tự đều thuộc loại ghiền rượu và họ đã bị giới sản xuất rượu mua chuộc để đưa ra những ý kiến tốt đẹp về “sự có lợi của rượu đối với sức khỏe”. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng cho đến nay sự hiểu biết về rượu vẫn còn khá hạn chế: chẳng hạn, một số đệ tử Lưu Linh không bao giờ mắc phải những chứng như cảm lạnh hoặc sổ mủi, số khác trở nên suy nhược hẳn khi không dùng rượu; tại sao rượu lại tốt hơn vài loại alcohol khác; dùng bao nhiêu rượu để có thể được gọi là “chừng mực” vì rõ ràng tửu lượng của từng người khác nhau…?
Thị trường rượu từng lên cơn sốt cách đây vài chục năm khi Morley Safer sang Lyons (Pháp) một thời gian rồi trở về Mỹ với câu chuyện dài 60 phút trên truyền hình kể về sự có lợi “không thể kể ra hết” của rượu. Morley cho biết tuy người Pháp thích dùng thức ăn chứa nhiều chất béo nhưng tỉ lệ mắc bệnh tim mạch của họ chỉ bằng 1/3 so với người Mỹ, nhờ dân Pháp uống rượu nhiều. Vậy là trong suốt nhiều thế kỷ thờ ơ với các loại rượu, người Mỹ bỗng trở nên làm quen dùng rượu thay bia trong bữa ăn. Cũng cần biết thêm rằng người Mỹ thích dùng bia (trung bình 10 chai/tuần) và chỉ có khoảng 16% người Mỹ dùng rượu hơn một lần trong một tuần. Tạp chí y học The Lancet mới đây – khi thực hiện cuộc nghiên cứu, so sánh mức độ có thể gây tử vong và lượng tiêu thụ rượu tại 21 nước phát triển – cho thấy tỉ lệ mắc bệnh tim mạch giảm một cách đáng kể tại quốc gia nào có lượng tiêu thụ rượu cao. Cuộc nghiên cứu cũng cho biết nếu dùng 1-2 ly rượu hoặc bia một ngày thì nguy cơ bị bệnh tim tấn công giảm đến 50%.
Nếu căn cứ vào khả năng tiêu thụ rượu của người Pháp và kết luận họ có sức đề kháng với bệnh tim mạch thì không hoàn toàn chính xác. Serge Renaud thuộc Viện quốc gia về y tế và sức khỏe tại Lyons cho biết thêm rằng sự trường thọ của người dân ở quê hương ông có phần đóng góp của nhiều yếu tố khác. Dân Pháp ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc hơn người Mỹ. Hai ly rượu dùng kèm với thức ăn có quá nhiều thịt thì mọi chuyện không khá gì hơn. Serge cũng sắp xuất bản công trình nghiên cứu trên 36.000 người Pháp mà ông đã theo dõi trong suốt 10-15 năm qua, cho biết những người uống 2-4 ly rượu/ngày thì có khả năng giảm thiểu từ 30-40% tất cả các chứng bệnh nguy hiểm gây tử vong cao!
Tuy những ý kiến về rượu còn gây nhiều tranh cãi, nhưng các nhà khoa học đều biết rằng tất cả các loại alcohol đều có khả năng làm thông động mạch, bằng cách hủy trừ các chất nhầy của những vón máu cục – những tế bào máu rất nhỏ thường bám vào các chất béo gây tắc nghẽn động mạch. Alcohol cũng làm tăng HDL (high-density lipoprotein) – một loại cholesterol tốt. Phenolics trong rượu – một loại chất chống lại sự oxít hóa – có thể kháng lại sự phá hủy các tế bào, ngăn chận bước khởi đầu của bệnh ung thư.
Liệu với những ưu điểm như vậy, rượu có nên được dùng như một loại dược phẩm? Chắc chắn là không, bởi trong bất kỳ điều kiện nào, rượu không thể đem lại sự kiện toàn cho sức khỏe nếu người ta không quan tâm đến chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn và sử dụng rượu vượt quá mức giới hạn mà cơ thể có thể chấp nhận được. Các nhà khoa học khuyên rằng người dưới 21 tuổi không nên dùng rượu, người có thân nhân trong gia đình mang tiền sử ghiền rượu nặng, phụ nữ có thai hoặc đang muốn có thai. Ðiều không thể chối cãi là người ghiền thuốc lá không nên dùng nhiều rượu.
Alcohol và nicotine sẽ “cộng tác” để tạo điều kiện xuất hiện đủ thứ loại ung thư – trong đó không thể không kể đến ung thư thực quản, đầu và cổ. Rượu cũng giống như một loại aspirin dạng chất lỏng: dùng thường xuyên sẽ dẫn đến chứng trầm uất ghê gớm. Những người không đồng ý với ý kiến cho rằng rượu đem lại ảnh hưởng tốt cho sức khỏe đã nêu dẫn chứng khá thuyết phục: khi lượng rượu tiêu thụ tính trên đầu người giảm từ 18,3 lít trong năm 1965 xuống còn 13,1 lít trong năm 1988 thì tỉ lệ người mắc bệnh tim cũng giảm theo. Ngoài bệnh xơ gan – theo nhiều nhà nghiên cứu khác – rượu còn là tác nhân chủ yếu gây ra đủ thứ chứng bệnh đáng phiền muộn, chứ không có lợi chút nào cho sức khỏe, nhất là đối với nữ giới. Cơ thể phụ nữ chứa ít nước hơn nam giới, nên rượu lâu “phân hủy” và tạo cảm giác say sưa dữ dội hơn. Vì thế, phụ nữ ghiền rượu dễ bị bệnh gan và nếu chỉ dùng 2-3 ly rượu/ngày thôi, phụ nữ có nguy cơ bị cắt bỏ cặp vú do ung thư. Dùng hơn 2 ly/ngày, phụ nữ cũng dễ bị rối loạn kinh nguyệt, dẫn đến hiện tượng tắt kinh sớm. Nói tóm lại, đối với bất kỳ phái nam hay nữ, rượu không nên được xem như là liều thuốc tốt cho cơ thể.
Tín Nghĩa