User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Uong thuoc
 
Tác dụng phụ của thuốc (side effects) là những tác dụng gây triệu chứng khó chịu hoặc nguy hiểm chúng ta không muốn do thuốc dùng gây ra. Thí dụ, có thuốc uống vào làm bao tử chúng ta khó chịu, có thuốc khiến da nổi mẩn đỏ.
 
Không phải ai dùng thuốc tác dụng phụ của thuốc cũng xảy ra, song có một số người bị. Nhiều trường hợp, tác dụng phụ của thuốc khiến chúng ta không dùng được thuốc ta cần.
 
Những tác dụng phụ hay xảy ra do các thuốc chúng ta dùng:
 
* Buồn nôn hoặc ói mửa.
* Chóng mặt.
* Khó chịu bao tử, tiêu chảy hoặc bón.
* Ăn ngon hơn hoặc ngược lại, chán ăn.
* Khó ngủ.
* Ho khan lâu ngày không bớt.
* Da nổi mẩn đỏ.
* Cảm thấy mệt hoặc buồn ngủ, hoặc dễ mệt.
* Cảm thấy lo âu căng thẳng, hoặc buồn chán.
 
Nên làm gì khi tác dụng phụ xảy ra?
 
Điều này tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của tác dụng phụ. Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc, nếu xảy ra, cũng nhẹ thôi, khiến ta khó chịu song không nguy hiểm. Thỉnh thoảng, có trường hợp khiến nguy đến tính mạng, thí dụ khi tác dụng phụ gây những phản ứng nhạy cảm (allergic reactions) nặng làm ngộp thở, trụy tim mạch.
 
Chúng ta gọi 911 khi dùng một thuốc mới và đột nhiên có bất cứ triệu chứng nào dưới đây:
 
* Khò khè, ngộp thở.
* Đau ngực, hoặc ngực như bó chặt lại (chest tightness).
* Xỉu hoặc có cảm giác sắp xỉu đến nơi.
* Sưng mặt, môi, lưỡi, hay cổ họng.
* Giật kinh phong.
 
Nhẹ hơn, chúng ta gọi bác sĩ hỏi ý kiến khi dùng một thuốc mới và có bất cứ triệu chứng nào dưới đây:
 
* Da nổi mẩn đỏ, ngứa.
* Đau bụng dữ dội, hoặc ói mửa.
* Cảm thấy buồn chán, muốn tự tử.
 
Còn nếu tác dụng phụ của thuốc chỉ khiến chúng ta hơi khó chịu, chúng ta gọi hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ nhà thuốc, không nên tự ý ngừng thuốc ta đổ tội cho đang gây vấn đề. Nhiều thuốc quan trọng không thể ngưng, có thuốc lại chỉ nên ngưng từ từ, giảm lượng xuống thấp hơn rồi mới ngưng hẳn được.
 
Khi bạn gọi bác sĩ hỏi ý kiến, bác sĩ sẽ xem xét, có phải triệu chứng bạn cảm nhận thấy thực do thuốc gây ra không, hoặc do chuyện gì khác không liên quan đến thuốc cả. Nếu triệu chứng bạn mới có do thuốc gây ra thực, bác sĩ có thể hạ lượng thuốc xuống thấp hơn hoặc đổi sang một thuốc khác.
 
Ngay cả khi chúng ta không thể hạ lượng thuốc xuống thấp hơn hoặc đổi sang thuốc khác, cũng có những cách để làm giảm các tác dụng phụ:
 
Nhiều thuốc khi mới uống, gây tác dụng phụ trong thời gian đầu, rồi từ từ các tác dụng phụ sẽ dần bớt.
 
Chúng ta có thể thay đổi cách dùng thuốc. Thí dụ, thuốc khiến ta buồn ngủ ban ngày, chúng ta uống thuốc vào lúc trước khi đi ngủ; thuốc khiến bao tử ta khó chịu nếu uống lúc bụng đói, ta uống chúng lúc bụng no; nếu thuốc uống chung với thuốc khác gây vấn đề, thì ta uống chúng riêng ra.
 
Đôi khi chúng ta có thể chống đỡ tác dụng phụ của thuốc bằng cách thay đổi cách ăn uống hoặc dùng thêm một thuốc khác. Thí dụ, thuốc uống vào làm bón, khó đi cầu, chúng ta ăn thêm rau trái, uống thêm nước, hoặc dùng thêm thuốc giúp phân mềm (stool softener); thuốc khiến vấn đề tình dục chúng ta giảm, chúng ta có thể nhờ bác sĩ cho thuốc như Viagra chẳng hạn để sửa chữa vấn đề này.
 
Dùng thuốc không đúng cách, tác dụng phụ cũng có thể xảy ra. Chẳng hạn, như uống thuốc không đều, ngày uống ngày không; uống thuốc không đúng giờ giấc; tự ý uống thêm thuốc. Vì thế chúng ta cần uống thuốc đúng như lời bác sĩ dặn dò. 
 
Tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc
 
Mỗi lần được bác sĩ biên toa cho một thuốc mới, chúng ta nên hỏi bác sĩ thuốc có thể gây tác dụng phụ nào, và trong trường hợp tác dụng phụ của thuốc xảy ra, chúng ta nên làm gì.
 
Dược sĩ ở nhà thuốc cũng là người có thể trả lời giúp chúng ta những câu hỏi này.
 
Nếu đọc được tiếng Anh, và chai thuốc có tài liệu gửi kèm, chúng ta cũng nên đọc qua tài liệu gửi kèm, xem thuốc được dùng vào mục đích gì, có thể gây những tác dụng phụ nào, … Giỏi hơn nữa, chúng ta ghé website www.fda.gov của chính phủ đọc về các tác dụng phụ của thuốc và rất nhiều những lời khuyên hữu ích khác về việc dùng thuốc.
 
Xe hơi giúp ta đi đây đó, song có thể gây tai nạn chết người, con dao ở nhà giúp ta có những món ăn hàng ngày, song có thể khiến ta đứt tay. Dụng cụ nào được chế tạo ra cũng với mục đích phục vụ con người, nhưng đều có tác dụng phụ. Thuốc dùng cũng vậy. Chúng ta dùng thuốc thận trọng, bác sĩ trước khi biên toa cho thuốc mới, xem lại các thuốc người bệnh đang dùng, cân phân xem thuốc mới có thực cần thiết không và nên dùng với phân lượng nào ít gây tác dụng phụ [đặc biệt với các vị cao niên: “go slowly with low dose” (đi từ từ thôi và với lượng thấp)]; còn người bệnh nếu có bất cứ triệu chứng gì khác lạ, hãy nghĩ đến tác dụng phụ gây bởi các thuốc đang dùng trước đã, thay vì vội xin thêm một thuốc mới để chữa triệu chứng này.
 
Càng nhiều thuốc, tác dụng phụ do thuốc càng dễ xảy ta, chúng ta chỉ nên dùng những thuốc thực cần thiết, và biết rõ về thuốc đang dùng, cũng là bước đầu để ngừa những tác dụng phụ.
Nguyễn Văn Đức

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com