User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
anhmatrongtheo
                
Năm tôi lên lớp Nhất, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp Tiểu Học nên cuối năm chỉ còn một kỳ thi Đệ Thất, nghĩa là thi vô lớp Đệ Thất trường Trung Học công lập.
 
Tôi thi rớt Đệ Thất. Bố tôi nói tôi học sớm một năm, bây giờ ở lại học lớp Nhất, sang năm rán thi đậu Đệ Thất cũng không muộn.
 
Một hôm ông bạn của bố tôi sang nhà chơi, hai ông ngồi hàn huyên tâm sự, hết chuyện xa rồi đến chuyện gần và đem chuyện gia đình kể cho nhau nghe. Nghe chuyện về tôi, ông bạn của bố tôi mới bàn vào rằng, học sớm một năm vẫn tốt hơn, rủi sau này tình hình chiến sự căng thẳng, chính phủ có đôn quân cũng không bị kẹt. Nghe có lý, bố tôi lập tức nộp đơn xin cho tôi theo học trường Trung Học bán công, học phí trường “Văn Hóa Quân Đội Quang Trung” chỉ bằng một phần ba học phí trường tư thục. Y như rằng, cuối năm học lớp Đệ Nhị bị đôn quân, một số bạn học chung của tôi kẹt tuổi, đậu Tú Tài 1 xong phải đi Thủ Đức chứ không được học tiếp.
 
Trường của quân đội dĩ nhiên ưu tiên cho các gia đình tử sĩ, rồi đến các gia đình quân nhân hiện dịch. Bố tôi đã giải ngũ mà còn nộp đơn trễ nên tôi thuộc thành phần dự bị, nằm trong danh sách chờ đợi, khi nào có chỗ trống thì sẽ được cho vào học. Mẹ tôi bàn đóng tiền cho tôi học trường tư thục trong lúc chờ đợi nhưng bố tôi không chịu, ông bảo đời lính nay đây mai đó, nắng mưa là bạn, sương gió là nhà, chỉ nay mai sẽ có người bị đổi đi sẽ có chỗ trống. Kết quả là tôi nhập học sau ngày khai giảng 4 tuần lễ.
 
Ngày tôi đến trường, thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Hữu Lễ mặc quân phục nên tôi biết cấp bậc Thiếu Úy của thầy. Thầy Lễ dẫn tôi xuống lớp học và giao tôi cho cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo sư phụ trách môn Anh Văn của lớp. Cô Nguyệt là dân Bắc Kỳ di cư 54, cô theo đạo Công Giáo, vóc người nhỏ nhắn, xinh xắn, nói năng duyên dáng, dịu dàng. Tuổi cô chừng 23 − 24, còn độc thân, ở chung nhà với mẹ và các em ở Chợ Cầu, cách trường khoảng 3 cây số, cô đi dạy bằng chiếc xe Velo-Solex cáu cạnh.
 
Vừa bước chân vào lớp học là tôi bị điểm huyệt, sững sờ trước đôi mắt nai dịu hiền và mái tóc cắt mái hiên của cô gái ngồi đầu bàn nhất dãy nữ. Chẳng mấy chốc tôi biết cô tên Phan Thị Mỹ Dung và vài người ngồi quanh cô. Ngồi cùng bàn đầu, kế bên Dung là Hà, nhà ở Ngã Tư Trung Chánh, cháu gọi ba chị em các cô giáo Châu, Kiếm, Thắm nổi tiếng của trường Tiểu Học công lập Trung Mỹ Tây bằng cô.
 
Sau lưng Dung, ngồi đầu bàn hai là Lâm Thị Nga, nhà ở Chợ Cầu, xéo xéo bên kia đường đối diện nhà cô Nguyệt. Ngồi cùng bàn hai, kề bên Nga là Huỳnh Thị Thanh Xuân, nhà ở chợ Hóc Môn. Kế bên Xuân là Ngô Thị Oanh, nhà cũng ở chợ Hóc Môn.
 
Ngồi đầu bàn ba sau lưng Nga là Bạch Thu Hồng, con gái chủ đại lý la de nước ngọt Hồng Phát ở Ngã Ba Cây Điệp. Ngồi cùng bàn ba kế bên Hồng là Nguyễn Thị Hoàng, nhà ở Trung Chánh. Kế bên Hoàng là Trần Thị Bích Thủy, con gái út ông Toàn Thắng, chủ đại lý la de nước ngọt ở Ngã Tư Trung Chánh.
 
Điều đặc biệt là chỉ trong tuần lễ đầu tiên, tôi đã âm thầm lần theo dấu chân Dung tìm đến tận nhà nàng: Dinh Quận Trưởng Quận Hóc Môn. Sứ mệnh thật sự rất phức tạp bởi vì Đường Quang Trung ngày đó tấp nập vô cùng, các chuyến xe đò Cửu Hiệp và xe Lam-bro của các tuyến đường Hóc Môn – Gò Vấp và Bà Điểm – Gò Vấp chạy ngang đường này, cộng thêm các chuyến xe Lam-bro đường ngắn Chợ Cầu – Hóc Môn và Chợ Cầu – Trung Chánh nhằm phục vụ học sinh nữa.
 
Dung, Xuân, Oanh ở gần nhà nhau nên kết thân và đi chơi chung với nhau. Dung thùy mỵ dịu dàng, Xuân tung tăng lí lắc, Oanh điềm đạm nhân hậu, lúc nào cũng ra vẻ bậc chị chăm lo cho hai em, bởi vì Oanh lớn hơn Dung và Xuân tới đâu ba tuổi. Bộ ba thường đi học và về chung bằng xe Lam-bro, thỉnh thoảng cũng có tài xế lái xe Jeep của nhà Dung đưa đón cả ba nàng, cho nên chuyện theo dõi dấu chân Dung không phải việc dễ dàng. Đôi lúc tôi cũng tự hào nghĩ rằng, tại tôi không nổi tiếng nên thiên hạ không biết đến, chứ so ra tôi cũng to gan nào kém cụ Nguyễn Khuyến hồi nhỏ đi học dám mơ tưởng con gái viên Tri Huyện đâu. Tục truyền rằng cụ Nguyễn Khuyến hồi trẻ đã nổi tiếng có tài làm thơ, viên Tri Huyện muốn răn cậu học trò nên biết thân biết phận, mới cho vời Nguyễn Khuyến vào phủ và ra đề tài “Cua trông trăng” buộc Nguyễn Khuyến phải ứng khẩu làm thơ, nếu không làm được sẽ bị phạt đòn. Làm gì Nguyễn Khuyến không hiểu, viên Tri Huyện muốn làm nhục ông, ví ông như phận cua cáy mà học đòi mơ tưởng chị Hằng, nên ông xuất khẩu đọc rằng:
 
Vằng vặc đêm thu ánh xế chừng,
Ham thanh, cua cũng muốn trông trăng.
Nghiêng mai lách ngược qua dòng biếc,
Ghé yếm bò ngang nhỡn bóng hằng.
Cung quế chờn vờn hương mới bén,
Vườn đào thoang thoảng gió như nâng.
Một mai cá nước cua vui phận,
Trăng muốn tìm cua, dễ được chăng?
 
Lớp học của tôi ngày đó thường thiếu giáo sư, một phần do động viên nên các thầy đang dạy nửa chừng bị kêu nhập ngũ, nhưng lý do chính yếu là tài chánh eo hẹp nên mức lương nhà trường trả cho thầy cô không được cao, hễ tìm được việc làm khác là họ giã từ.
 
Tuần nào lớp tôi cũng có một hoặc hai lần không có giáo sư, bình thường thì học trò ngồi yên trong lớp, muốn làm gì thì làm nhưng không được làm ồn ảnh hưởng đến các lớp học khác vì đã có Giám Thị qua lại giữ gìn trật tự, hễ lọt vào hai giờ sau thì được cho về sớm. Về sớm có nghĩa là ra khỏi khuôn viên trường, không được lảng vảng mà làm phiền những học sinh khác.
 
Khuôn viên Quang Trung rộng lớn, nổi tiếng với những hàng cây bã đậu được trồng dọc theo hai bên lề đường tỏa bóng mát. Những bãi cỏ bát ngát được phủ bóng mát bởi hàng hàng lớp lớp những gốc điệp hùng vỹ. Bãi tập luyện bạt ngàn hút tầm mắt với những rạp băng ngồi bằng gỗ xếp lớp như bậc thang có mái tôn che dành cho từng Đại Đội tập huấn trông như những chiếc nấm khổng lồ…
 
Được về sớm, những người bạn trong lớp thường tụm năm, tụm bảy chơi đùa khắp chốn. Tôi chưa có bạn nên hễ nghỉ là đạp xe chạy thẳng về nhà chăm sóc bầy gà, ngày đó tôi mê nuôi gà tre.
 
Một chiều kia được nghỉ hai giờ sau, tôi đang loay hoay chăm sóc bầy gà ở một góc vườn sân trước, chợt nghe tiếng con gái thỏ thẻ từ ngoài bờ giậu vọng vào, “Đúng rồi, nhà của Trung đó!” Nhìn qua kẽ lá, tôi thấy Dung, Xuân, Oanh đang đứng lớ ngớ ngoài góc bờ giậu nhà tôi phân bua, té ra đâu chỉ bọn con trai mới theo tìm dấu vết con gái. Lòng tôi rộn lên niềm vui hoang dại khó diễn tả, tôi cất cao tiếng mời, “Phải rồi, nhà tôi đây, mời các chị vào chơi!”
 
Dung bị bất ngờ đứng thộn ra không biết phản ứng thế nào, Xuân nhảy cỡn lên reo, “Thấy chưa! Xuân nói có sai đâu!” Oanh điềm đạm hỏi tôi lối vào rồi kéo tay hai nàng đi về phía cổng ở góc kia sân để vào nhà tôi, tôi cũng đi ngược ra cổng đón ba nàng vào.
 
Sân trước nhà tôi rộng lớn, bờ giậu dâm bụt dầy phủ kín xung quanh. Trong sân bố tôi trồng đủ loại, nào là hoa ngâu, hoa sói, hoa quế, hoa lài, hoa dạ lý và hoa ngọc lan ngạt ngào hương thơm ngát, ít ai bước vào mà không cất tiếng khen ngợi. Dĩ nhiên mấy nàng thích lắm, trầm trồ ngắm hết bụi này lại ngắm đến bụi kia, miệng khen tíu tít như tiếng chim non mới ra giàng. Tôi trèo lên cây ngọc lan bẻ ba nhánh bông mang tặng ba nàng. Tôi đã tế nhị lựa ba nhánh bông trông không khác biệt, vậy mà cũng bị Xuận lên tiếng càm ràm, “Sao chùm của Dung nhiều bông hơn tụi này?” Từ đó tôi nhập chung bọn với ba nàng, những ngày nghỉ sớm không còn chạy thẳng về nhà chăm sóc bầy gà nữa.
 
Một hôm biết nghỉ hai giờ sau, mấy nhóm bạn rủ nhau đến nhà thăm cô Nguyệt. Đầu giờ trước khi vô học, Dung nhắc nhở nhỏ với tôi, “Trung chở Dung đó nha!” Tôi hớn hở, “Dĩ nhiên rồi!” Thế mà đến lúc khởi hành cả Dung và tôi đều không dám chủ động, hai đứa đứng lặng thinh hồi hộp chờ Oanh sắp xếp xem ai đi với ai. Để rồi hai đứa bùng lên niềm vui khi nghe lời phán của Oanh rằng, “Dung đi với Trung!”
 
Thu đi, Đông đến, Xuân về, chẳng mấy chốc mà mùa Hè lại đến. Buổi trưa Quang Trung bây giờ rộn rã tiếng ve than, những bãi cỏ ngập cánh phượng rơi đỏ ối trông như xác pháo. Những chiều không có giáo sư được cho về sớm, chúng tôi sóng vai bước trên xác pháo, nhặt cánh hoa rơi và để lòng thổn thức theo tiếng ve rên rỉ. Một hôm nhìn nhánh phượng trên tay, Dung nhướng đôi mắt nai hỏi tôi:
 
− Sao màu đỏ lại gọi là màu của sự chiến thắng?
 
Tôi lên giọng:
 
− Màu đỏ là biểu tượng của Hành Hỏa. Lửa thiêu rụi mọi thứ nên màu đỏ được gọi là màu của sự chiến thắng.
 
Dung vặn lại:
 
− Thế sao người ta cũng nói màu đỏ tượng trưng cho máu?
 
Tôi gượng gạo giải thích:
 
− Nói đến chiến thắng tất có người đại bại. Đại bại thì máu phải đổ, máu càng đổ nhiều thì chiến thắng càng to.
 
Dung nói thay cho câu kết luận:
 
− Máu cũng tượng trưng cho sự ly biệt. Vậy màu đỏ của phượng là màu của biệt ly!
 
Chính ý nghĩ màu máu của phượng tượng trưng cho sự biệt ly của Dung đã gợi ý cho tôi ghi 4 câu thơ trong lưu bút của nàng:
 
Huyết Phượng rơi đầy báo biệt ly,
Tâm tư buồn thảm lệ đong đầy.
Bạn về tôi ở, ta cùng hẹn,
Hân hoan hội ngộ, buổi tựu trường. 
 
Thế nhưng ngày hội ngộ không bao giờ đến, buổi tựu trường vắng bóng cả Dung, Xuân và Oanh. Tôi như ngồi trên lửa bỏng, chờ tan học đạp xe thẳng đến Dinh Quận Trưởng Quận Hóc Môn, hỏi thăm thì anh Quân Cảnh gác cổng cho biết, vị cựu Quận Trưởng đã được thuyên chuyển công tác, gia đình ông đã dọn đi cách đây một tháng tròn. Vài ngày sau, một bạn học nhà ở chợ Hóc Môn cho tôi hay, Xuân phụ mẹ buôn bán ngoài chợ, còn Oanh đã lên xe hoa về với nhà chồng…
 
Đúng mười năm sau. 
 
Khi buổi học cuối cùng kết thúc, tôi vừa dắt xe ra khỏi cổng trường thì thấy Dung đang đứng xéo xéo trước cổng trường, trên lề đường Phan Đình Phùng gần ngã tư đường Duy Tân chờ người đến đón. Mừng rỡ, tôi chạy bổ đến, hớn hở: 
 
− Dung nhớ ai đây không? 
 
Mắt Dung cũng vụt lên niềm hân hoan, nàng cười thật tươi: 
 
− Sao không? Trung khỏe không? 
 
Thế rồi tiếng ồn ào chẳng đâu ra đâu như bầy ong vỡ tổ: 
 
− Trung cũng học đây sao?
 
− Dung học Khoa Thương Nghiệp. Trung học lớp nào?
 
− Học chung ở đây đã hai năm rồi mà sao mình không gặp nhau? 
 
Tôi chưa kịp nhắc lại chuyện xưa, cũng chưa kịp hỏi, “Trung chở Dung nha?” thì chiếc xe Honda đen đã tắp vào phía trước, ngước ánh mắt nai buồn, Dung nhẹ nhàng chào tôi, “Dung phải về rồi, Trung nhớ bảo trọng!”
 
Rồi nàng ngồi nghiêng một bên lên sau yên chiếc xe Honda đen. Chiếc xe thẳng đường Phan Đình Phùng lao tới, tôi nhìn theo cho tới khi chiếc xe mất hút tầm mắt, đôi mắt nai hiền cũng dán chặt vào mắt tôi cho đến khi không còn có thể nhìn thấy được nhau.
 
Phạm Khắc Trung
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com