Bìa cuốn hồi ký Nặng Gánh Ân Tình của tác giả Trần Văn Trữ.
Nhớ hồi mấy năm 1984, 1985, tôi không nhớ chính xác là năm nào, có một lần giữa mùa nước ngập tháng mười âm lịch, tôi đang trầm mình trong nước sâu đến cần cổ để đùa rong trôi theo chiều gió tháng mười, tôi gặp một chiếc xuồng do một đứa cháu quen trong làng đang chở một người đàn ông gầy nhưng với cặp kiếng cận trên khuôn mặt xương xương, dù đang dưới nước sâu nhưng tôi nhận ra ngay đây là một người có trí thức chứ hổng phải dân ruộng thường mà tôi biết ở làng mình.
Chiếc xuồng chống rào rào qua những vạt rong đuôi chồn từ bên kia Xáng Lớn, con đường thủy chạy cặp theo con đường liên tỉnh lộ số 8 nối liền giữa Sá Đéc-Lấp Vò và đang đi ngang qua miếng ruộng của tôi. Chiếc xuồng dừng lại và đứa cháu giới thiệu: “Con chở cậu sáu Trữ vô thăm cậu Năm.”
Cậu Năm mà đứa cháu nhắc là ông anh Năm của tôi, người có một đời binh nghiệp với ngành công binh kiến tạo từ những năm 1957 tới tháng tư năm 1975 và trong khoảng đời ấy, anh tôi cũng có lần đi tu nghiệp Hoa Kỳ gần một năm về ngành công binh ở Baltimore thuộc tiểu bang Maryland. Đứa cháu mà trong làng bà con hay gọi tên của cháu là C, con của người bà con trong xóm hồi còn nhỏ. Cháu C sở dĩ quen anh Trữ vì cháu có nhà gần nhà anh Trữ và cháu cũng làm ruộng, trồng mía cách nhà anh Trữ chừng vài miếng ruộng bên con đường liên tỉnh lộ số 8 Sa Đéc-Lấp Vò ấy. Tôi chào anh và tiếp tục công việc dọn rong của mình; và cháu C thì đưa anh Trữ vô nhà gặp ông anh Năm của tôi nằm khuất sau bờ tre gai dày nhằm che gió trong vườn.
Đây cũng là lần đầu hai anh gặp và quen nhau qua cháu C giới thiệu. Có lẽ nhờ cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh và nhứt là cùng tình chiến hữu, và cả hai anh cùng có thời tu nghiệp ở Mỹ, nên hai anh rất hợp gu và kết thân nhau từ ngày ấy cho chí đến bây giờ, có đến trên ba mươi mấy năm, rất thân thiết dù anh Năm tôi còn ở lại làng quê và anh Trữ đang ở Boston (Massachusettes); và riêng tôi mãi mãi chỉ dám là đứa em của hai anh trong tình thân ái từ những ngày cách nay hơn ba mươi mấy năm ấy.
Và có lần tôi đã viết:
“Nhớ lần đầu, anh Trần gặp tôi trên cánh đồng nước ngập Tháng Mười đang lúc tôi hì hụp dọn rong, những vạt rong quấn chặt như những nghèo khó bám chặt đời ruộng rẫy, gặp người lạ tôi không dám nói chuyện với anh nhiều. Vậy mà rồi, có dịp là anh cứ nhắc hoài lần gặp gỡ ấy như một niềm vui gặp bạn cố tri. Mãi về sau này, anh còn nhớ cái cảm tưởng lúc bấy giờ và cho tới bây giờ là anh nghĩ thương cho tôi sao quá bé bỏng trên cánh đồng nước bao la, lạnh lẽo quá đỗi như vậy...”
(Trích bài “Quê Nội, Buổi Chợ Cuối Năm” trong cuốn Tình Thầy Trò, trang 241, năm 2005)
Từ trái: Anh Trần Văn Trữ và Hai Trầu (Hình chụp tại nhà anh Trữ, Boston, ngày 31 tháng 7 năm 2016)
Thú thật, kể từ ngày quen biết ấy với anh cho chí đến sau này, tôi chỉ biết rất khái lược về những gì về một người anh kết nghĩa là anh Trữ trong tình anh em thương nhau mà mỗi lần anh em chúng tôi gặp lại nhau, anh thường hay nhắc với tôi về những ngày làm ruộng ở Lấp Vò ngày xa xưa ấy và một lần tôi có ghi lại mấy hàng về anh Trữ:
“Đi loanh quanh một hồi, tôi thấy mỏi nhừ đôi chân. Ngồi bên lề một quán cà phê trên cái ghế nhỏ đặt ngay trên nền xi măng, tôi nghe lại mùi cà phê pha bằng vợt vải thơm phưng phức một hương vị cũ ngày nào. Nhìn người qua kẻ lại chợt tôi miên man nhớ những người quen cũ cùng ngồi với tôi lúc trước nơi đây, nay đã tản lạc khắp mọi nơi. Như anh Trần ở cây số 8 bên bờ kinh xáng Lớn, vào những ngày chợ Tết như ngày này, anh đạp chiếc xe đạp cọc cạch từ nhà lên chợ quận có đến năm cây số để bổ hàng về bán sống đấp đổi qua ngày. Vậy mà rồi, anh cũng sống lây lất với vài ba công ruộng phía sau hè thuộc vùng kinh tế mới cộng với nghề vá xe đạp, phụ thêm những món hàng tạp hóa chở vừa đầy hai giỏ xách đệm bàng. Thế cũng đủ một đời sống an bần. Mà anh Trần, đâu phải người cố cựu gì ở cái quận lỵ bé nhỏ này. Anh ở tuốt biệt ngoài miền Trung. Nghe đâu quê anh vùng Triệu Phong, Quảng Trị thì phải. Có lẽ vì anh có giọng nói miền Trung duy nhất ở đây nên anh là mẫu người dễ nhận và anh được dân trong vùng đồn đãi là người vừa học rộng vừa hiền nữa. Sau này được biết, trước kia anh là một sĩ quan tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, sau 75 về đây làm ruộng như Tô Đông Pha về miền Hải Nam cuốc đất trồng khoai, tứ cố vô thân. Anh Trần sống với phong cách “thắng không kiêu, bại không nản”. Thế nên ở vùng chợ quận này ai cũng quí mến anh vì cái phong cách ấy, một người tài giỏi không gặp thời. Tôi có bạn người bạn của anh Trần, người đồng cảnh ngộ cũng là một ông bạn tâm giao giữa chợ đời heo hút này cũng là một người tài thất vận. Ông làm ruộng, anh Trần làm ruộng; cả hai cùng nhìn những vạt lúa trúng mùa mà lâng lâng những nỗi niềm. Họ chia nhau điếu thuốc. Họ mừng nhau mùa lúa đơm bông và họ thấm thía những niềm riêng khó cắt nghĩa...”
(Trích bài “Quê Nội, Buổi Chợ Cuối Năm” trong cuốn Tình Thầy Trò, trang 241, năm 2005) [Phần này anh dùng cái tựa: ”Đôi Dòng Chứng Thư” chương 24, trong tập hồi ký NGÂT, trang 139 như một kỷ niệm giữa hai anh em.]
Thế rồi, mới tuần rồi, tôi nhận được tập hồi ký “Nặng Gánh Ân Tình” do anh gởi tặng, tập hồi ký này ấn hành vào cuối năm 2017. Tôi mừng quá vì tôi biết anh rất có tài và kiến thức của anh rất uyên bác, nhưng chưa lần nào tôi nghe anh thổ lộ là anh viết sách dù anh là người rất mê sách vở. Thế là tôi mở sách ra đọc ngay tức thì một mạch là hết những trang hồi ký mỏng của anh trong đêm đầu tiên ấy. Và ngày hôm sau, tôi đọc lại một lần nữa và cứ thế, hễ có dịp rảnh là tôi lại đọc lại, đọc lại nhiều lần như vậy, nhiều lúc tôi bị xúc động qua những dòng chữ của anh nên tôi càng cảm thông với hoàn cảnh khốn khó của anh hơn mà cũng là của chính tôi nữa qua những tháng năm nhiễu nhương mà anh có ghi trong các trang hồi ký ấy…
Hồi ký “Nặng Gánh Ân Tình” của anh Trần Văn Trữ với 167 trang sách mỏng, gồm 28 chương cùng với phần Thay Lời Kết ở gần cuối sách.
Cái đặc điểm đầu tiên ở đây mà tôi nhận thấy là tập hồi ký này không có mục lục như các tập sách mà người đọc thường thấy. Thay vào đó là những chương sách được ghi bằng những con số một cách liên tục từ 1 đến 28. Điều ấy, tôi nghĩ nó không đơn giản chỉ là không có phần “mục lục” không thôi, mà ở đó tác giả hàm ý muốn cho người đọc thấy được rằng dòng đời của một người như một dòng sông liền mạch, không thể cắt lìa dòng nước ra từng khúc sông này với khúc sông khác. Vì thế ở tập hồi ký này, người đọc sẽ đọc những trang sách ấy với mối dây liền lạc như đi qua những bến bờ mà một đời tác giả đã từng đi qua và chiêm nghiệm một cách thích thú, xuôi dòng…
Vì mục đính muốn có cái nhìn tổng quát về tập hồi ký này, nên tôi mạo muội ghi lại từng tựa nhỏ trong tập hồi ký với nhiều hồi ức của tác giả qua 28 tựa đề mà tôi tạm gọi là 28 chương sách. Chữ “chương” ở đây là do tôi dùng chứ với tính tình trầm lặng và khiêm cung ở tác giả, anh cũng không xài chữ “chương” như tôi nghĩ với cái nghĩa có cái gì đó hơi to tát quá; nhưng phải thành thật nhận ra rằng, mỗi tựa bài qua 28 đề mục như thế, sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi nghĩ mỗi tựa bài như vậy rất xứng đáng là những “chương” trong tập hồi ký “Nặng Gánh Ân Tình” của tác giả. Không những ở đó là những chương sách không thôi, mà nó còn là những chương đời của chính tác giả nữa.
Xin mời bạn, lần lượt lướt qua những chương đời ấy:
Chương 1: Quảng Trị Quê Tôi. (từ trang 7 đến trang 13)
Chương 2: Bóng Cha, Tình Mẹ (từ trang 15 đến trang 25)
Chương 3: Từ Trường Thiếu Sinh Quân Vào Võ Bị Đà Lạt (từ trang 20 đến trang 25)
Chương 4: Chuyện Ngắn Của Những Cuộc Tình Dài (từ trang 27 đến trang 33)
Chương 5: Đại Đội Hắc Báo (từ trang 34 đến trang 42)
Chương 6: Văn Phòng Tham Mưu Trưởng (từ trang 43 đến trang 48)
Chương 7: Tướng Trưởng Với Võ Bị Đà lạt (từ trang 49 đến trang 56)
Chương 8: Tướng Trưởng Và Lòng Nhơn Ái (từ trang 57 đến trang 61)
Chương 9: Khóa Tu Nghiệp (từ trang 62 đến trang 67)
Chương 10: Tình Đồng Môn Thiếu Sinh Quân Và Võ Bị (từ trang 68 đến trang 75)
Chương 11: Tan Tác (từ trang 76 đến trang 82)
Chương 12: Tù Đày (từ trang 83 đến trang 89)
Chương 13: Để Nhớ, Để Quên (từ trang 90 đến trang 94)
Chương 14: Chuyện Kiếm Hiệp (từ trang 95 đến trang 100)
Chương 15: Những Tù Nhân Đáng Nhớ (từ trang 101 đến trang 104)
Chương 16: Những Dư Âm (từ trang 105 đến trang 109)
Chương 17: Phận Hèn Đâu Dám Quản Sa (từ trang 110 đến trang 111)
Chương 18: Được Phóng Thích (từ trang 112 đến trang 116)
Chương 19: Ngày Trở Về (từ trang 117 đến trang 121)
Chương 20: Tìm Kế Sinh Sống (từ trang 122 đến trang 125)
Chương 21: Mất Mẹ (từ trang 126 đến trang 128)
Chương 22: Các Con Đi Học (từ trang 129 đến trang 133)
Chương 23: Được Độ Trì (từ trang 134 đến trang 138)
Chương 24: Đôi Dòng Chứng Thư (từ trang 139 đến trang 141)
Chương 25: Đưa Mẹ Về Quê (từ trang 142 đến trang 146)
Chương 26: Ra Đi (tư 2trang 147 đến trang 149)
Chương 27: Tự Do (từ trang 150 đến trang 155)
Chương 28: Bằng Hữu (từ trang 156 đến trang 165)
Thay Lời Kết (từ trang 166 đến trang 167)
Qua 28 chương sách như vừa kể, bạn chưa cần phải đọc hết từng chương, có lẽ bạn cũng nhận ra ngay một đặc điểm nữa của tập hồi ký này là tác giả viết rất ngắn, ngắn đến độ có chương chỉ vỏn vẹn từ 1 hoặc 2 trang là đã tóm lược được gần như trọn vẹn một khoảng đời.
Tôi đã từng đọc nhiều hồi ký của nhiều tác giả tên tuổi như hồi ký Thời Đại Của Tôi của giáo sư Vũ Quốc Thúc (năm 2010), gồm hai cuốn, cuốn một với cái tựa “Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử” dày 417 trang và cuốn hai với tựa “Đời Tôi Qua Các Thời Biến” dày 700 trang; hoặc “Ký Ức Huỳnh Văn Lang” (người sáng lập tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn), cũng gồm hai cuốn khổ lớn với cuốn một 656 trang (2011) và cuốn hai 840 trang (2012); hoặc mỏng hơn, có cuốn hồi ký Những Năm Tháng Ấy của Vũ Ngọc Phan cũng lên tới 400 trang (1993); và còn rất nhiều cuốn hồi ký khác nữa rất dày...
Có lẽ bạn sẽ nói với tôi rằng hồi ký của mỗi người dày hay mỏng là do mỗi đời người mỗi khác. Tôi đồng ý với bạn là mỗi đời người không ai giống ai; nhưng với một người sống qua các giai đoạn thăng trầm của dòng sông mà đã trải qua biết bao gian khổ, nhiễu nhương của thời cuộc; có lúc nghèo khổ; có lúc đi học; có lúc làm quan; có lúc tù đày; có lúc mò cua bắt ốc; có lúc lấy thân dang nắng cuốc đất đấp bờ, bồi vũng; có lúc lặn lội cùng với sâu bọ giữa đám lúa sắp vào mùa đơm bông kết hột trên cánh đồng của một vùng đất lạ; có lúc với hoàn cảnh thắt ngặt mà mẹ thì già, vợ thì yếu, con thì thơ ấu dại khờ, nhiều lúc gạo không đủ no cho các con giữa đời nghèo cực… Đó là chưa kể với kiến thức của một người vốn là giáo sư của Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu những năm thời còn rất trẻ; rồi tốt nghiệp khóa 19 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, với văn bằng tốt nghiệp ngang bằng với văn bằng Đại Học ngoài đời; đó là chưa kể cái vốn lúc anh còn đi tu nghiệp Mã Lai, rồi năm 1971 anh lại đi tu nghiệp Hoa Kỳ với khóa Bộ Binh Cao Cấp (Infantry Officer Advanced Course); theo đó, trong hồi ký anh kể lại, nhờ các khóa tu nghiệp này dù lúc bấy giờ cái món sinh ngữ rất khó đối với anh nhưng nhờ đó mà trình độ Anh ngữ của anh sau này được vững vàng và đã giúp anh khi định cư ở Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 1994, anh đã vào làm việc tại bộ phận được gọi là OLAR (Office of Laboratory Animal Research) thuộc Tổng Y Viện thuộc tiểu bang Massachusettes (Massacuchettes General Hospital) ở bộ phận thí nghiệm về động vật trong suốt 12 năm dài cho đến lúc về hưu.
Bằng chừng ấy vốn liếng và chất liệu sống của tác giả như tôi vừa dẫn, tôi nghĩ chắc không lấy gì làm khó khăn cho lắm đối với anh khi anh muốn ghi lại thật dài về đời mình! Thế nhưng cái hay ở đây là anh không muốn làm như vậy.
Trong một thư trao đổi với tôi mới đây, anh có viết:
“Thật ra như tui đã nói là một tay ngang, nhớ gì ghi nấy, bớt đi vì quên hay thấy không cần chứ khi viết ra thì phải lấy cái chân thật làm đầu.”
Vâng, “khi viết ra thì phải lấy cái chân thật làm đầu”, tôi nghĩ rằng đây là một trong những yếu tố làm cho 167 trang hồi ký “Nặng Gánh Ân Tình” của anh rất giá trị và hấp dẫn.
Từ những chương sách khá ngắn ấy, tôi nhận ra được sự thận trọng của tác giả trong việc dùng chữ. Qua 28 chương sách, tôi không thấy chỗ nào anh dùng chữ mới bây giờ. Đó là một trong những ưu điểm của những trang hồi ký của tác giả. Bởi lẽ hai chữ “hồi ký” vốn nó đã mang ý nghĩa của việc gì đã cũ, nên việc dùng chữ cho những trang ký ức cũ của mình là một trong những yếu tố được tác giả lưu tâm chọn lựa và nó đã làm cho tác giả thành công là nhờ vậy.
Dĩ nhiên, khi người đọc đọc hồi ký “Nặng Gánh Ân Tình” của Trần Văn Trữ là các bạn sẽ đọc những gì tác giả viết trên những trang sách ấy. Mặc dù tác giả viết hồi ký là viết cho mình, cho con cháu của mình để sau này các cháu có dịp đọc những gì ba các cháu viết nhưng với cương vị người đọc, chúng ta sẽ bắt gặp ở mỗi chương nó sẽ mang lại cho chúng ta những gì? Đó là một lãnh hội tùy vào mỗi người đọc, và dĩ nhiên có sự khác nhau của mỗi người.
Theo thiển ý của tôi, một người nhà quê già, có một thời cùng làm ruộng với tác giả, có một thời cùng tù đày như tác giả, có một thời cùng nghèo khó như tác giả, có một thời mang trong lòng nỗi lo lắng băn khoăn về sự học hành của con cái như tác giả, và còn nhiều cái cùng như tác giả trong những lúc nhiễu nhương của dòng đời mà tôi đã từng trải qua, tôi thiết nghĩ tập hồi ký Nặng Gánh Ân Tình nó mang vào đời một cái đạo trọng. Mà tôi nghĩ đó cái đạo rất gần và rất thiết thực. Đó là đạo làm người!
Không phải thế sao khi ở Chương 1, mở đầu, tác giả viết:
“Hình như Ông Trời đã in vào lòng mỗi người cái hồn quê hương như hình ảnh người mẹ bất kể hình dạng hay tâm tính. Không có đứa con nào từ chối mẹ mình cũng như không ai mà không thấy nơi chôn nhau cắt rún là nơi ấp ủ cho mình nguồn sống.” (Chương 1, trang 7)
Đó bạn thấy chưa, chỉ với mấy dòng mở đầu rất ngắn gọn cho những trang sách mỏng như tôi vừa trích, tác giả đã mang đến cho chúng ta hình ảnh “ÔNG TRỜI” với “MẸ và QUÊ HƯƠNG” mà mỗi mỗi chúng ta là những người làm con phải thuộc nằm lòng. Thì đó không phải là đạo làm người thì còn được gọi là gì nữa đây?
Ở gần cuối chương này, nhơn tác giả nhắc về quê hương Quảng Trị của mình, anh có nhắc đến các nhân tài vùng đất khô cằn xa xôi ấy của anh, được gọi là “nhân kiệt” trong câu nói ở cửa miệng người đời là “địa linh nhân kiệt”; rồi anh lại đặt ra câu hỏi cho chính anh mà cũng cho cả người đọc nữa: “Cho nên tôi vẫn tự hỏi, phải chăng “địa linh” là yếu tố duy nhất đào tạo nên “nhân kiệt”. Mà nếu thế thì những yếu tố nào tạo thành “địa linh.” (Chương 1, trang 12)
Đây là một câu hỏi rất ý nhị mà khó, không dễ gì trả lời cho thỏa đáng được; và đây cũng là lần đầu tôi được nghe câu hỏi thú vị này! Tôi nghiệm ra, có thể đó là một trong những cái bí quyết mà tác giả với chất liệu sống hơn tám mươi năm dạn dày kinh nghiệm ở trường đời đã mang đến cho người đọc một ý tưởng vô cùng hấp dẫn và làm người đọc là một người nhà quê già như tôi phải bồi hồi suy nghĩ!
Quả thật với câu hỏi rất thú vị ấy đã khiến tôi phải tìm đọc lại sách vở xưa để tìm hiểu xem người xưa quan niệm như thế nào về sự hình thành của vũ trụ cùng sự tương quan giữa con người với trời đất nữa (1). Thích lắm!
Còn trong đời sống thực thường ngày ở nhà quê, thường thường chắc bạn còn nhớ ở nhà quê mình rất kính trọng đất đai nơi mình ở. Và bà con mình có tập tục cho rằng đất nào cũng là đất linh; nên ở mỗi phần đất thổ cư hay đất ruộng trong đồng thỉnh thoảng người ta có lập miếu thờ ông THỔ THẦN; còn trong các ngày Tết, ngày giỗ khi dọn mâm lễ vật lên cúng vái thì thường dọn đủ ba mâm: Một mâm cúng ông bà, cha mẹ đã khuất bóng là chánh; một mâm cúng cô bác; và còn một mâm nữa dành để cúng đất đai viên trạch. Mâm đất đai viên trạch là mâm cơm cúng thức ăn kiếng thần đất tại chỗ mình đang ở. Do vậy mà đất nào cũng linh; và đặc biệt chỗ nào có nhiều người cò tài xuất chúng thì lúc bấy giờ vùng đất đó được mênh danh là "Địa Linh Nhân Kiệt".
Rồi bạn hãy tiếp tục tìm đọc tiếp từng chương sách mà tôi vừa liệt kê ấy, bạn sẽ thấy lòng mình cảm động và se thắt lại, bạn sẽ thấy rõ hơn về cái đạo trọng ấy mà nhiều khi vì đời sống quá bận rộn, quá tất bật, hoặc vì mình hơi lơ là với những gì xảy ra quanh mình, nên chúng ta đôi lúc hơi để lòng mình trôi tuột theo thời gian mà quên những hương sắc nồng nàn đang lan tỏa ra chung quanh đời sống quý báu này của mỗi mỗi chúng ta!
Hình kỷ niệm gia đình chúng tôi ghé thăm gia đình anh chị Trần Văn Trữ ở Boston (Massachusettes) hồi tháng 7 năm 2016. Từ trái: Anh Trần Văn Trữ, Hai Trầu, Phương-Thảo, Quế-Sương, chị Hai Trầu, chị Trần Văn Trữ, Út Hiếu. [Trong hình cháu Phương Thảo và Quế Sương (tên ở nhà và trong hồi ký gọi Bé Na), con gái Út của anh chị Trần Văn Trữ; cả hai cháu học cùng trường trung học quân lỵ Lấp Vò lúc ở quê nhà , khi qua Boston, hai cháu cùng học chung trường Đại Học Dược Khoa Boston (Massachusettes College of Pharmacy and Health Sciences viết tắt MCPHS ở Boston, tốt nghiệp năm 2000.]
Hầu như trong các trang sách hồi ký mà các tác giả viết về các đấng sanh thành của mình, luôn luôn làm người đọc xúc động. Chẳng hạn như trong Hồi Ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê khi viết về thân mẫu của tiên sinh, tôi đọc mà bồi hồi thương cảm các đấng sanh thành lẫn tác giả:
“Cha tôi mất là bắt đầu thời suy của gia đình tôi. Sau mấy tháng nghỉ chợ để lo thuốc thang và ma chay cho cha tôi, vốn liếng của mẹ tôi chắc không còn gì, may mà khỏi mang nợ vì có số ba mươi đồng cha tôi để lại.
Mẹ tôi buồn khổ nhưng không không than thở, không thất vọng, âm thầm chống nghịch cảnh. Người lại đi bán hàng, tôi lại đi học, không có gì thay đổi, chỉ khác có thêm bàn thờ của cha tôi và dải khăn sô trên đầu mẹ tôi.”
(…)
Mẹ tôi ra đi từ tờ mờ đất, mùa đông cũng như mùa hè, ngày mưa cũng như ngày nắng, ra bến sông ở gần cầu Đất cách nhà tôi độ một cây số, đón ghe để mua trái cây; dưa hấu, dứa (khóm), bưởi, mía tùy mùa, rồi thuê xe kéo chở về chợ Đồng Xuân, chia lại cho bạn hàng để lấy chút huê hồng, còn thì bán buôn cho những người ở những chợ nhỏ, cũng bán lẻ nữa.
Bốn giờ chiều tan chợ, người nghỉ bán, đi đòi tiền bạn hàng thiếu tối mới về tới nhà, lâu lâu đội về một thúng gạo. Có hồi đội về một thúng lạc để bóc vỏ thuê cho người ta: cả nhà ăn cơm xong, xúm lại bóc vỏ độ một giờ là xong, tiền công không biết được bao nhiêu, lợi là vỏ lạc về mình để đun bếp, đỡ mua củi…” (2)
Còn tác giả Trần Văn Trữ chắc cũng không khác mấy. Xin mời bạn cùng mở lại các trang sách như Chương 2: Bóng Cha, Tình Mẹ (từ trang 15 đến trang 25), bạn sẽ nhận ra nỗi niềm của tác giả:
“Quê tôi gọi cha là Thầy. Thầy tôi là một nhà nho. Ba lần lều chõng vào Huế thi là cả ba lần vào đến “tam trường” thì bị hỏng. Thế là viễn ảnh được bổ làm Tri phủ hoặc Tri huyện biến thành mây khói. Gặp lúc giao thời và giặc giã nổi lên, Thầy tôi chán nản về quê sống với cây cỏ, ruộng đồng.
Người vợ chính thất của Thầy tôi mất để lại năm trai một gái. Tất cả các anh chị tôi đã yên bề gia thất trước khi Thầy lấy Mẹ tôi khoảng năm năm sau khi mẹ Đích mất. Thầy tôi cưới Mẹ tôi lúc đã 50 tuổi, cách Mẹ tôi đến 30 tuổi. Mọi công việc trong nhà ngoài đồng như dệt cửi, ruộng vườn đều một mình Mẹ tôi lo liệu. Mẹ tôi sinh được sáu người con nhưng chỉ còn lại ba. Chị cả tôi vụng về nên lúc chín, mười tuổi tôi đã vừa đi học vừa phụ giúp mẹ. Tôi biết mót lúa, bắt ốc, mò cua và câu cá. Mỗi khi câu được khoảng mười con cá trê là mẹ tôi cho đem đi đổi lấy gạo. Là con trai nhưng tôi biết phụ mẹ trồng và thu hoạch bông vải, đánh trục chỉ trong việc khung cửi và cả đến việc nấu ăn.
Con nào mà chẳng yêu mẹ, nhưng riêng tôi, nhìn mẹ thức khuya dậy sớm lo hết mọi công việc nặng nhọc, tôi không ngần ngại chuyện gì có thể đỡ đần cho mẹ…”(Nặng Gánh Ân Tình, trang 15)
Thưa bạn, thú thật là tôi tình cờ mời bạn đọc những trang sách của hai nhà viết về các đấng sinh thành của mình như tôi vừa trích, một của bậc tiền bối Nguyễn Hiến Lê và một của anh Trần Văn Trữ, nhưng sao tôi cảm thấy ngoài niềm xúc động của mình ra, tôi còn nghe như tự đáy lòng của những người con hiếu đạo ấy luôn luôn có một tiếng nhạc vang vang trong hồn với cung bậc trầm trầm mà chan chứa biết bao nỗi niềm của những người con có hiếu rất giống nhau. Bạn có nhận ra điều ấy không? Văn chương nó có cái hay và thâm thúy như vậy là nhờ ở sự chân thật; bởi lẽ không ai viết về các đấng sanh thành ra mình mà lại dám viết dối, viết trật bao giờ!
Thêm nữa, nếu có cơ may, bạn nên tìm đọc được Chương 21: Mất Mẹ (từ trang 126 đến trang 128), và Chương 25: Đưa Mẹ Về Quê (từ trang 142 đến trang 146), với lời văn gọn mà thiết tha của tác giả tôi nghĩ bạn sẽ thấy lòng mình bồi hồi hơn, xúc động hơn về đạo hiếu mà tác giả Trần Văn Trữ đã dành biết bao nước mắt để viết về những ngày cuối đời của Mẹ mình!!!
Có được lòng hiếu thảo ấy, chúng ta nếu không nhắc đến tình thương yêu của hiền thê của tác giả, quả là một chút gì đó chưa trọn vẹn. Xin mời bạn nghe tác giả viết về chị Trần Văn Trữ:
“Cũng nhờ em im lặng, yểm trợ, không bao giờ ngăn cản những việc làm hiếu đạo của tôi nên tôi rất yên tâm trong phần sau của cuộc đời. Tôi một mình phải nuôi Mẹ già, lo lập gia đình cho chị gái, nuôi em ăn học và lập gia đình ho em. Đến nay chị gái đã 86 tuổi ở quê nhà, tôi vẫn phải cùng em gái bao bọc chị. Mồ mả hai bên nội ngoại tôi cũng lo xong. Tôi nghĩ nếu gặp phải một bà vợ ích kỷ, suốt ngày mè nheo thì ra sao đây?
Tôi yêu vợ tôi có thể không bằng mối tình cuồng nhiệt đam mê, hay say đắm lãng mạn nhưng êm ái và bền chặt. Tình yêu ấy có bóng dáng của tình yêu dành cho người em gái không bao giờ có thể dứt ra được dầu có qua bao nhiêu sóng gió, khác với bóng dáng của người tình. Tôi “Yêu nàng như tình yêu em gái” (Hữu Loan). [Nặng Gánh Ân Tình, trang 32]
Vâng thưa bạn, tôi không có ý ghi lại hết ra đây những gì tác giả Trần Văn Trữ đã viết trong tập hồi ký của anh, vì tôi muốn dành cho các bạn có cái thú khi tự mình đi tìm những trang đời ấy của tác giả để đọc; nhưng tôi tin chắc rằng ở đó nó bàng bạc nỗi lòng của tác giả lúc nào cũng nhớ tới những ân nhân mà trong dòng đời tác giả may mắn gặp được để rồi hễ có dịp, bằng mọi cách, tác giả mong mỏi được đền ơn đáp nghĩa các vị ân nhân ấy được vẹn toàn rồi anh mới thỏa lòng. Tôi biết được điều ấy không phải vì tôi đọc sách rồi nói mò, mà chính ông anh Năm tôi, được nhắc qua ở trên, có lúc anh tôi chính là chứng nhân của việc làm đầy ý nghĩa ấy! Thật đáng kính trọng thay!
Hiếu thảo với cha mẹ, thương chị thương em, thương gia đình, thương bạn bè thân thiết, biết ơn ân nhân, biết ơn đời, và luôn tìm cách đền ơn đáp nghĩa…, có lẽ đó là một trong những đạo trọng của đạo làm người trong hồi ký Nặng Gánh Ân Tình của tác giả Trần Văn Trữ. Tôi đã học được ở anh về cái đạo trọng ấy một cách thiết thực qua những trang đời rất ý nghĩa này vậy!
Lương Thư Trung
Houston, ngày 15 tháng 8 năm 2018
Phụ chú:
1/ Vũ Trụ Thành Hình
(Tử Liệt Tử viết: Tích giả thánh nhân…)
“Thầy Liệt Tử bảo:
Các thánh nhân đời xưa cho rằng âm dương điều hòa trời đất (tức vũ trụ). Cái hữu hình từ cái vô hình mà ra, vậy thì trời đất ở đâu mà ra? Cho nên ta bảo rằng cái Thái Dịch, cái Thái Sơ, cái Thái Thủy, cái Thái Tố.
Cái Thái Dịch (cái Biến đổi lớn) là cái trạng thái chưa thành khí; khi khí bắt đầu thành thì là cái Thái Sơ; khi hình bắt đầu thành thì là cái Thái Tố. Khi có đủ khí, hình, chất rồi mà ba cái đó chưa tách rời nhau ra thì gọi là Hỗn luân. Gọi là Hỗn luân vì vạn vật còn hỗn hợp nhau, chưa rời nhau ra. Nhìn vào không thấy, rờ nắm không được, cho nên gọi là Dịch (Biến đổi), biến đổi thì không có hình nào (nhất định) cả. Nó biến đổi mà thành ra Một; Một biến thành ra Bảy; Bảy biến thành ra Chín. Tới Chín là cùng, rồi lại trở về Một(*). Một là khởi thủy của các sự biến hình. Cái trong nhẹ bốc lên thành trời, cái đục và nặng lắng xuống thành đất; còn cái khí xung hòa (**) thì thành người.
Vậy trời và đất chứa cái tinh của vạn vật, mà vạn vật hóa sinh.”
(Liệt Tử và Dương Tử, trang 88, Nguyễn Hiến Lê dịch và giới thiệu, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, năm 1972.)
Sự hình thành Vũ Trụ là như thế, còn quan niệm của Dương Tử về con người và vạn vật thì sao?
Đồng Hóa Với Vạn Vật
“Dương Chu nói:
Con người bản chất giống trời đất, có đức tính của ngũ hành, là loài tối linh trong vạn vật, nhưng móng tay và răng không đủ để tự vệ, da thịt không đủ để kháng cự, chạy không đủ để trốn nguy; lại không có lông để che nắng tránh lạnh. Phải nhờ cậy vào ngoại vật để tự nuôi sống, nhưng phải dùng mưu trí chứ không ỷ vào sức mạnh được Cho nên trí khôn qúi ở chỗ nó bảo tồn được thân ta; mà sức mạnh đáng khinh ở chỗ nó tàn bạo với các sinh vật khác.
Thân ta không phải là của ta, nhưng đã sinh ra rồi thì không thể không bảo toàn nó được. Các sinh vật khác không phải là của ta, nhưng đã có chúng rồi thì không được diệt trừ chúng đi.
Đời sống tùy thuộc thân ta, mà thức ăn của ta tùy thuộc vạn vật. Tuy bảo toàn được thân ta, nhưng không làm chủ hoàn toàn nó được; tuy không diệt trừ các sinh vật khác, nhưng không thể làm chủ hoàn toàn chúng được. Làm chủ vật và làm chủ thân ta, tự ý muốn làm gì cho thân mình và cho vạn vật cũng được, họa may bậc thánh nhân mới được vậy. Coi thân mình là vạn vật, coi vạn vật là thân mình, thì chỉ bậc chí tôn mới được vậy. Đó là tột bực của sự hoàn thiện (4).
(Đồng Hóa Với Vạn Vật trong Liệt Tử và Dương Tử, trang 280, Nguyễn Hiến Lê dịch và giới thiệu, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, năm 1972.)
(*) Lão Tử nói: “Đạo sinh ra Một, Một sinh ra Hai, Hai sinh ra Ba, Ba sinh ra vạn vật” (Đạo Đức Kinh, chương 42)
(**) Xung hòa nghĩa là ở trung gian mà ôn hòa. (Liệt tử Và Dương Tử (sđd), trang 89
2/ Trích Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, Tập I, Chương IV, Những Năm Tiểu Học, trang 63, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, tháng 10 năm 1989.