Có những kỷ niệm thấm sâu vào tâm trí bắt nguồn từ những món ăn dân dã, đậm chất quê nhà. Ở đó có bàn tay chăm lo của mẹ qua từng cách chế biến tạo thêm sự phong phú trong mỗi món tưởng chừng như đơn giản ấy tượng trưng cho tình yêu mà mẹ dành cho các con.
Nghe mẹ kể lại rằng lúc xưa quê miền Trung nghèo khổ của mẹ, vùng đất với những hạt cát khô cằn cộng những sỏi đá nhấp nhô hay những cánh đồng trải dài được bao bọc bởi núi đồi và uốn quanh là dòng sông hiền hoà, đậm chất mộc mạc của miền Trung nắng gió. Miền Trung đất cày lên sỏi đá, mùa hạn nắng chói chang và mùa mưa thì ngập úng, lũ quét và mất mùa. Với khí hậu khắc nghiệt như thế, khi thì cơn nóng cháy da, lúc thì gió cuồng mưa lũ, nhưng cây chuối vẫn kiên gan, chống chỏi quyết liệt, nhiều khi đến trụi hết lá.
Không những thế, cây chuối còn rất hữu dụng cho con người. Những thân chuối thường được dùng kết làm chiếc bè để di chuyển trong những mùa nước lũ, tàu lá kết thành mũ để đội che nắng che mưa. Công dụng cây chuối không chỉ có bao nhiêu đó mà còn có vô số lợi ích khác nữa. Cây chuối là loại cây rất phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam. Đây là loại cây dễ trồng, bất kỳ chỗ nào và loại đất gì cũng có thể trồng được. Chuối là loại cây ăn quả chỉ cho ra quả một lần, sau đó cây chuối có thể vẫn phát triển tươi tốt nhưng lại không thể kết trái được nữa. Cũng vì vậy mà sau khi cây chuối cho ra buồng chuối có thể thu hoạch thì người trồng thường chặt thân của cây ấy đi. Từ gốc của thân cây bị chặt sẽ lại mọc ra cây mới và có thể kết trái nên người trồng cũng không phải mất công trồng lại nữa. Cho nên chỉ cần trồng một ít cây chuối trong vườn lúc đầu, sau đó có thể sinh sôi nảy nở thành một vườn chuối.
Các sản phẩm từ cây chuối như bắp chuối, quả chuối, thân chuối, củ chuối và lá chuối, người dân quê khi không dùng hết thì mang bán cũng kiếm được ít tiền. Thân chuối có thể chế biến thành nhiều món ăn, cứ việc thái nhỏ thân chuối ra rồi chế biến như những loại thực phẩm khác nhau, kể cả làm thực phẩm cho gia súc như: gà, heo. Lá chuối dùng để gói nhiều loại bánh bánh và trái chuối chín hoặc sống đều có thể chế biến những món ăn dân dã nhưng hương vị thì đậm hồn quê hương. Quả chuối là loại trái cây quen thuộc, giàu chất dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Từ những quả chuối bình dị và quen thuộc của làng quê VN, người ta đã sáng tạo và chế biến những món ăn vặt hấp dẫn và ngon lạ lùng: chuối sống nấu, chuối chín cũng nấu được, chuối sống ăn sống với cơm và mắm, chuối chín ăn bình thường hoặc nấu chè, luộc hoặc phơi khô để dành ăn trong nhiều ngày.
Bắp chuối hay hoa chuối cũng là món ăn phổ biến đối với những gia đình VN. Riêng mẹ tôi thì đã chế biến rất nhiều món từ bắp chuối. Khi hái một bắp chuối từ trên cây xuống là ngầm hiểu rằng đang ăn những thứ tinh hoa nhất từ chuối. Cách thái thường vẫn là mỏng và nhỏ thành sợi. Món đầu tiên tôi được ăn sơ chế khá đơn giản bằng cách cho đường, muối trộn đều vào bắp chuối đã được thái nhỏ, sau đó cho thêm đậu phộng rang là có thể thành món gỏi bắp chuối hay nộm hoa chuối. Nếu ai đó thích đậm đà hơn thì trộn thêm thịt heo ba chỉ, tôm luộc hay tôm khô vào. Hoa chuối sau khi thái nhỏ rửa sạch có thể ăn như rau sống, chấm các loại nước chấm đều ngon và càng hấp dẫn hơn khi cho vào nồi lẫu.
Bắp chuối xào với các loại thịt, tôm cũng là một món ăn ngon miệng, Có thể xào chay với cà chua, mẻ gạo, thêm gia vị vào là có thể ăn. Nhiều người thích ăn bắp chuối nấu với đậu và ốc. Nhiều món khác nữa chế biến từ bắp chuối như nấu canh, kho, xào, hấp, trộn…với những thứ khác tùy mỗi người. Bắp chuối cũng có thể nấu với các loại rau quả khác như khế hoặc đôi khi chỉ đơn giản xào lên với ít dầu và nêm nếm ít gia vị là đã có một bữa ngon rồi. Bắp chuối vừa ngọt thơm vừa có chút vị chát càng làm cho vị giác phong phú thêm. Nhiều người lúc đầu không biết ăn bắp chuối nhưng khi đã biết ăn rồi dần dần cũng đâm nghiện luôn.
Nói gì thì nói chứ món mà mẹ thường nấu mà tôi thích nhất vẫn là món canh bắp chuối. Thái từng lát bắp chuối thật mỏng sau đó ngâm vào thau nước muối pha loãng có vắt thêm một ít nước cốt chanh để tránh bị đen. Bắc nồi lên bếp, đổ một ít dầu vào, cho đậu phọng đã giã nhỏ vào phi, thêm một ít lát hành củ. Tiếng xèo xèo đậu phộng quyện lẫn mùi hành khi được phi lên làm thơm nức mũi, chưa ăn mà đã thấy thèm. Sau khi phi xong đậu phộng thì thêm nước vào nồi, đậy nắp vung chờ nước sôi. Khi nồi nước sôi lên thì nhìn thấy nước trắng như sữa đó là màu của đậu phộng giã nhỏ. Vớt những lát bắp chuối đang ngâm trong thau ra cho ráo nước rồi bỏ vào nồi đậy nắp vung lại đun cho đến khi sôi. Nồi canh sôi tầm khoảng năm phút thì những lát bắp chuối chín mềm chuyển qua màu nâu, tắt bếp và thái lá lốt thêm vào nồi canh, quậy đều, nêm nếm thêm gia vị vừa ăn. Một mùi thơm ngậy của lá lốt quyện với đậu phộng, màu trắng của nước đậu, màu xanh của lá lốt, màu nâu của bắp chuối và màu đỏ của vài vụn ớt bột hòa quyện vào nhau rất đẹp mắt. Vị béo của đậu phộng và vị hơi chát của bắp chuối tạo thành vị khó tả, nó rất riêng không lẫn vào đâu được.
(Mặc dù món này mẹ hay nấu nhưng cũng nghe mẹ nói rằng xuất xứ món canh này, có người nói đó là món ăn của người bản địa nhưng lại có người nói rằng đó là món ăn dân dã của người dân Bắc bộ mang theo trong mỗi chuyến di dân)
Giờ đây, mỗi lần có dịp đi xa, thấy có nhà ai đó trồng vài bụi chuối, tôi cảm nhận được từng cành cây ngọn cỏ như thấm đẫm giọt mồ hôi của mẹ. Và cho đến bây giờ, tuy mẹ đã không còn trên cõi đời, cũng không được diễm phúc có thể ở nơi mà mẹ đã sinh ra và không thấy vườn nhà còn nhiều cây chuối theo như mẹ kể. Nhưng ở trong tâm trí tôi vẫn in đậm hình ảnh món canh bắp chuối tuyệt vời trong những năm tháng ngọt ngào bên mẹ.
Mỹ Trí Tử
2019