User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chieuqueptg
Chiều quê. (Hình: Võ Thanh Quang)
1.
 
Hồi ông cố tôi còn sống, sau mỗi mùa chụp đìa chấm dứt ông lựa ra 5-7 cặp cá lóc, cá trê, chặt đuôi rồi đem thả xuống đìa cũ. Đến mùa mưa xuống, nước tràn đồng, lũ cá rời bỏ vùng nước chật chội làm cuộc ngao du sơn thủy, tung tăng vùng vẫy trên những thửa ruộng, lung bàu với làn nước mát mẻ, ngọt lành và khoảng trời cao thoáng đãng.
 
Đến khi mùa mưa chấm dứt, nước trên đồng cạn dần, bầy cá lại lần lượt trở về miệng đìa cũ như một cuộc đoàn tụ sau những ngày tháng ly hương. Câu chuyện gợi hình ảnh những lưu dân xa xứ mưu sinh, như tôi, cứ mỗi năm lại dắt díu nhau trở về quê xứ hưởng một cái Tết đoàn tụ.
 
Rồi đến mùa chụp đìa, ông cố tôi tìm lại những con cá đã được làm dấu hồi năm trước, thì chúng vẫn còn đầy đủ không sót con nào, họa hoằn lắm có năm cũng thiếu mất một, hai con. Ông cố tôi nói, có thể nó bị dính câu của người săn cá, cũng có khi là do những anh chàng có máu giang hồ, khi nước rút không chịu về đìa cũ mà tìm cách thoát ra sông, tìm đến vùng biển rộng trời cao để thỏa chí vẫy vùng. Chúng nương theo dòng nước trôi ra cửa biển, nhưng đâu biết được có những mối hiểm nguy đang chực chờ phía trước. Một sai lầm lớn nhứt trong đời. Gặp lúc nước biển chảy ngược vô sông rạch, cá quen sống ở môi trường nước ngọt gặp nước mặn thì hết nhớt, mờ mắt, không còn cựa quậy rồi nổi lờ đờ trên mặt nước, chấm dứt cuộc đời! Dân quê gọi cá “chết dại.” Chữ “dại” có hai nghĩa. Cái dại thứ nhứt hiểu theo nghĩa bệnh lý. Cái dại thứ hai là ngu dại, dại dột. Câu chuyện cuộc đời.
batcaptg
Bắt cá. (Hình: Võ Thanh Quang)
 
2.
Quê tôi ở chót mũi Cà Mau, xứ rừng U Minh “tràm xanh nước đỏ.” Là rẻo đất cuối cùng của tổ quốc, nên không lạ gì với những địa danh như Đầm Cùng, Cái Cùng, Kinh Cùng… “Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng/ Tràm xanh, củi lụt anh hùng thiếu chi.” Cà Mau-U Minh ngày xưa được biết đến là xứ sở giàu nhứt về tôm cá, chim muông… của Nam Kỳ Lục Tỉnh mà cho đến nay dân gian vẫn còn lưu truyền những giai thoại hơi… khó tin nhưng không phải là không có.
 
Sinh động nhứt là những câu chuyện về ngày “hội” ba khía, hội trăn, hội cá đường… đến những “quái kiệt” vang danh một thời. Mà nhớ nhứt, sống dai nhứt là chuyện “nói dóc” của Bác Ba Phi. Ngay tình mà nói, Bác Ba Phi đâu có nói dóc, ổng chỉ “thêm mắm, dặm muối” cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn, giúp vui cho cuộc đời, xem đó là niềm hãnh diện của xứ sở mà thôi.
 
Xin kể giai thoại một nhân vật thuộc hàng “quái kiệt.” Tên cúng cơm của ông là gì, lâu rồi tôi không nhớ, nhưng cả vùng rừng tràm huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, rộng mênh mông ngày trước ai cũng biết cái tên “ông Ba Đìa,” biệt danh của ông nông dân chỉ biết đọc, biết viết mà dân U Minh gắn cho ổng.
 
Nghề của ông Ba Đìa là đi mua “mão” đìa của người khác, dùng lưới chụp rồi bán cho dân lái cá. Mỗi năm, vào dịp cận Tết là ổng bắt đầu mùa ra nghề. Chỉ hai bàn tay không, cái áo vắt vai và cái quần xà lỏn, đến họng đìa nào vừa ý, ổng chỉ thọt chưa xuống nước một lúc đã biết họng đìa này có khoảng bao nhiêu cá, khó có sai chạy. Còn hễ đã cởi áo trầm mình xuống nước, rờ rẫm một lúc lâu thì ổng “đánh” trúng phóc: họng đìa này có bao nhiêu ký cá lóc, bao nhiêu ký cá trê. Đến khi chụp cá lên, đưa lên cân thì kết quả chỉ xê xích năm, ba ký là nhiều. Bởi vậy dân trong vùng “ngán” ổng, trước khi dứt giá bán phải cân nhắc, tính tới tính lui, sợ bị hố.
 
Ông Ba Đìa còn thêm cái biệt tài coi bông sậy. Nhìn màu sắc của bông sậy, ổng biết chắc ngày nào nắng, ngày nào mưa, lúc nào là đến lúc mưa sòng. Đương lúc trời nắng chang chang, thấy ông Ba Đìa vác lúa giống thảy xuống ao ngâm là cả xóm cũng rần rần bắt chước ngâm theo…
 
“Nhì dân Hà Bá, nhứt phá sơn lâm,” có lẽ nghiệm ra “lời nguyền” đó mà sau này ông Ba Đìa thôi không còn tiếp tục hành nghề nữa. Ở tuổi về già, ổng còn sống với chút hoài niệm của một thời xa lắc, với danh vị một “ông vua” không ngai của vùng đất lắm điều lạ lẫm này. Đêm đêm, nằm gác tay lên trán trên bộ vạc tre sau chòi bếp nghe tiếng gió rừng rú rít, tiếng cá táp mồi, ông ngẫm ngợi điều gì, nào ai biết! Ở tuổi già, mỗi người đều chọn một cách tu.
 
contrauptg
Mùa gặt. (Hình: Võ Thanh Quang)
3.
 
Bấm đốt ngón tay mới giật mình, đã tròn 28 năm lìa bỏ quê xứ lên định cư ở đất Sài Gòn, vì sinh kế. Tuổi càng chồng chất thì cảm giác con đường “về cố quận” ngày càng lùi xa. Trần Thanh Phương, một nhà báo đàn anh cùng quê, lúc sinh thời đã có lần thốt lên trong một bài viết đầy cảm xúc “Về nhà mình xa quá, má ơi!”
 
“Mồ tổ cha mày, hồi nào tới giờ nhà mình vẫn ở đây, con sanh ra cũng ở tại chỗ này, chớ má có dời đi đâu hồi nào mà con trách móc?” Bà má mắng yêu thằng con trai Phương tóc đã nhuốm bạc của má như vậy.
 
“Bóng đâu đã xế ngang đầu/ Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi.” Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Con cá đến mùa cũng biết tìm về chốn cũ.
 
Gẫm tôi như một con cá quen mùi bùn đất, ruộng đồng với gió mát trăng thanh, cũng vì miếng cơm manh áo phải đành chịu “rộng” giữa chốn “Sài thành hoa lệ” của những ngọn đèn ngọn xanh ngọn đỏ, một khung trời chật hẹp với mùi xăng nhớt của đường phố đông người chật như nêm, như bầy cá trong cái hộp vĩ đại.
 
Tôi là con cá trong cá hộp đó. Một con cá luôn thổn thức nhớ đồng.
 
Phan Trường Giang

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com