
Tôi thấy trong nhiều gia đình, nhất là những gia đình đã bén rễ lâu năm trong một khu xóm, thường có ít nhiều cổ vật kỷ niệm trao truyền từ đời này sang đời khác. Có gia đình lưu giữ từ đời cố cựu nào tấm liễn vua ban ‘Tứ đại đồng đường’, nâng niu để trong hộp cẩn xà cừ hay treo trang trọng trên bàn thờ, màu nhiễu đỏ lâu ngày theo thời gian đã ngả sang màu nâu, mờ mờ sau lần kính xảm, vận hạn gia đình xuống dốc thê thảm, thế mà chủ nhân vẫn còn lấy được câu chuyện cũ làm đề tài nhai đi nhai lại trong những buổi giỗ chạp. Có gia đình trải qua nhiều năm loạn lạc, bom rơi trên đầu, lựu đạn mìn bẫy vướng dưới chân, mà vẫn cố giữ cho bằng được chiếc tủ thờ chân quỳ gia bảo. Nhiều người cho là nhờ những linh vật đó mà gia đình tránh được những phút hiểm nghèo. Vật gia bảo lắm khi dính liền với người, chẳng hạn một chiếc vòng đeo cổ đồng đen lưu truyền có ba khoen treo trên cổ cô gái Thượng tôi gặp trong một chuyến băng rừng, buổi tối ngủ lại bản quen cô ta kể chuyện chiếc vòng nhỏ bé phù hộ cô ta và cả gia đình. Cô nói: ‘ai muốn cướp cái vòng này phải bước qua xác em’. Giọng nói sắc đanh trái ngược với những lời nhỏ nhẹ tâm sự của cô mới hai phút trước bỗng đưa đến cho tôi cái cảm giác gai gai trong sống lưng như trong một ngày trước đó không xa khi tôi vừa nghe một bạn trong tổ chức tranh đấu nọ khẳng khái xác định trước đám sinh viên chúng tôi về lý tưởng anh theo: ‘Ai muốn tôi bỏ lý tưởng này thì phải bước qua xác tôi trước đã.’ Ôi vật gia bảo, cho dù trừu tượng đến mấy, lắm khi cũng đeo đuổi con người ta đến cùng tận.
Cái sập gụ của gia đình tôi có thể cũng được coi là vật gia bảo. Tôi không biết gia đình tôi lưu truyền chiếc sập gụ đến nay đã được mấy đời rồi. Tôi chỉ biết lúc tôi lấy được đủ trí nhớ trời ban thì đã thấy chiếc sập chễm chệ trong một góc nhà. Tuổi chiếc sập thường là một đề tài cho các ông khách già của ba tôi cùng nhau tra cứu. Cho đến bây giờ cũng không ai biết đích xác, vì thực ra điều này cũng không thiết thực lắm trong cuộc xoay vần của đời sống bận bịu áo cơm. Chỉ biết là ông cố, cố, cố... của tôi được vua Thiệu Trị hay Tự Ðức gì đó ban cho món vật thừa, thải ra của triều đình trong một dịp sửa sang nội điện. Chuyện này đem đối chiếu với lịch sử thì chẳng đâu trúng đâu. Thiệu Trị, Tự Ðức lúc quyền sinh sát lê dân trong tay thì cũng chỉ mới cách đây gần hai trăm năm. Như thế thì không có lẽ nào những ông già bà cả trong dòng họ lại không có ai nhớ được lai lịch của nó. Thế mà, ngay cả bà cô tôi, tuổi gần bách niên, răng rụng gần hết nhưng vẫn bỏm bẻm cố níu lấy cổ tục nhai trầu, cũng không biết hơn tôi về tuổi chiếc sập gụ. Có ai hỏi bà chỉ cười bảo: tuổi tao tao còn không nhớ nữa là cái sập. Giấy khai sinh thời đó còn chưa ai lập thì lấy đâu ra mảnh biên lai mua chiếc sập cổ, trong cái thời đại mà tấm văn tự cầm nhà đợ ruộng chắc cũng chỉ là một mảnh giấy ngoằn ngoèo ít chữ giữa hai bên, may ra được thêm con triện đỏ chói của lão lý trưởng.
Cái sập cổ gia bảo không ai biết tuổi đó vì vậy đương nhiên trở thành một vật thiêng liêng trong gia đình. Giống như một ông lão run rẩy lập cập lần từng bước với chiếc gậy chống có tiện đầu rồng, được cả xóm kính trọng, chiếc sập gỗ gụ nâu thẫm kê một góc gian nhà trong cũng run rẩy lập cập chờ ngày đổ sụm bốn chân to chắc như đôi cặp đùi võ sĩ gờm nhau trên đài. Cũng như đối với những vị quan quyền sắp đến tuổi về hưu, chiếc sập được mọi người e dè gượng nhẹ như một đặc ân trước ngày Trời rũ sổ. Ðối với tôi những ngày còn bé, chiếc sập, mặc dù là vật sử dụng hàng ngày, nhưng cũng mang một vẻ thần bí nào đó, như một ông thần coi sóc nhà cửa.
Chỗ linh thiêng đó, buổi tối là chỗ ông nội tôi ngủ. Cả tài sản của ông tôi chỉ gói gọn trong một chiếc rương nhỏ bằng gỗ dưới gầm sập, trong xếp ngay ngắn mấy bộ áo the thâm cùng chiếc khăn đóng ông tha lôi từ miền bắc vào, trong ngày di cư, và một mớ sách ông may mắn còn cất được sau những lần biến loạn. Ngoài chiếc rương và mấy bộ quần áo thay đổi thường nhật, ông tôi chỉ còn một chiếc gối mây dùng gối đầu tứ thời bát tiết. Cái gối mây, cái vật kỳ dị, một khung gỗ cứng đan chằng chịt những sợi mây mật cật đã xỉn màu và gây gây mùi mồ hôi bám lại theo năm tháng. Cái gối mây này, nghe bà cô tôi kể lại, có từ những ngày ông còn say với bộ dọc tẩu ngà của một thời vàng son gia đình. Sau này, gia đình sa sút, một hôm ông đập dọc, chôn điếu, thề không hút nữa. Lời thề được ông giữ trọn đến ngày phong trào bài trừ tứ đổ tường được phát động thời gian sau ngày di cư. Lúc đó ông đành cai suông để giữ thể diện cho một gia đình nho học. Dù sao cũng là một điều làm ông hãnh diện, là một trong những người cao tay ấn hơn bà tiên nâu. Là kẻ cả trong nhà, lời ông có uy lực như lời vua ban cho đám quần thần, lũ cháu chúng tôi, nhiều tối chen chúc bên cạnh nghe ông kể chuyện. Ông hãnh diện cũng phải. Trong ba thế hệ còn sống đó, chiếc sập, theo như lời ông, là chỗ để dạy dỗ con cái. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho miếng ngọt miếng bùi. Ông thường bảo vậy. Tôi biết cha tôi không thoát được những phút nằm sấp trên sập để nhận mấy roi vào mông đau quắn đít, cũng như tôi đã từng chịu cái hình phạt cha truyền con nối này trên cùng một mặt sập gỗ cứng. Chỉ có ông là người duy nhất trong dòng họ thoát cái khổ hình này, bởi ông là một cậu bé vâng lời chăm chỉ học hành. Tôi không chịu lý luận của ông, bẻ lại:
‘Ông không biết đá banh, chọi đáo...’
Ông trợn mắt nạt đùa:
‘Thằng này con nhà mất dạy. Áo mặc không qua khỏi đầu, trứng mà lại đòi khôn hơn rận à? Trẻ thì phải chăm đèn sách, cứ theo mấy đám lêu lổng…’
Tôi đành câm miệng hến. Cũng bởi ông cũng la, cũng đòn, nhưng tôi thấy trong ông cả một tình thương bao la. Một ngày bỏ học mải chơi tạt hình, cha tôi nghe thầy mách lại, nọc đầu tôi giã một trận gãy cả roi mây. Tôi nhìn ông nằm bên cạnh cầu cứu. Ông quay mặt vào trong, nói:
‘Cái thứ không nghe lời đánh cho nó chết đi.’
Tôi vừa sợ vừa ức, khóc rống. May thay nhờ cái roi gãy, ba tôi chỉ còn biết hậm hực mấy câu vuốt đuôi rồi bỏ ra ngoài ngồi uống trà, than trời trách đất. Tôi sụp xuống ngay chân sập, tấm tức. Bỗng tôi nghe tiếng sụt sịt, ngoảnh lên, thấy ông đang chớp đôi mắt lão đỏ hoe. Tôi ngạc nhiên quên cả khóc. Ông quay lên, vẫy tôi lại gần, xoa đầu, giọng dịu dàng:
‘Cháu còn bé mà không biết nghe lời bố mẹ, thì không ra cái gì cả. Ông buồn lắm.’
Ông kéo tôi lên sập, lần những vết roi cuộn ngang dọc lưng và mông tôi, dỗ:
‘Thôi nằm xuống đi ông xoa cho. Có đau lắm không cháu.’
Ông vừa nói vừa vuốt lưng tôi nhè nhẹ như sợ tôi bị đau. Còn tôi lơ đãng nhìn ra khoảnh sân nhỏ vừa lần tìm những dấu sứt và mấy lỗ đinh quen thuộc của chiếc sập như thể tìm dấu vết của một người bạn thân quen, để rồi ngủ mê đi lúc nào không biết. Bàn tay của ông và bàn tay của mẹ tôi là hai liều thuốc ngủ thần diệu.
Cứ thế, trong đời sống hàng ngày, cái sập thường là chỗ tụ hội gia đình, chỗ chơi đùa của hai anh em chúng tôi buổi tối, là chỗ tôi bao đêm nằm quay lưng cho ông gãi để nghe cảm giác nhột nhột chạy lăn tăn dọc theo sống lưng, mắt lim dim nhìn mấy chú thằn lằn đuổi nhau bên ánh đèn Hoa Kỳ, hay tò mò ngó anh tôi nghiêng đầu làm bài tập, dáng anh còng còng, khi nhìn nghiêng tôi chỉ thấy nổi bật cái mũi vẹo và cặp môi mấp máy. Nhiều trưa nằm ngủ tỉ mẩn lần theo các cạnh sập, tôi thuộc lòng đến cả từng sớ gỗ. Những kỷ niệm đẹp đáng nhớ tuy nhiều nhưng cũng khó cân bằng nổi những sợ hãi khi nằm sấp trên sập sợ sệt ngoái cổ lại nhìn ngọn roi mây nhịp nhịp theo lời kể tội, đang chực vụt xuống. Vì thế tôi có phần sợ cái sập hơn là yêu nó. Nhiều lần tôi tự hỏi: tại sao cha tôi lại có thể yêu một vật làm cho người khổ sở vì những trận đòn của ông nội tôi, vốn nổi tiếng nghiêm khắc với con cái. Sau này lớn lên, từng trải trong cuộc đời, tôi tìm ra lời giải đáp: kỷ niệm có khi không hẳn ở những hình ảnh đẹp gợi đến mỗi khi nhắc lại, mà là một cái gì đó mơ hồ không thể nói được, nhưng nó mang một ấn tượng mạnh, bắt ta phải giữ mãi trong tận cùng não bộ. Như sau này tôi đã xa một người con gái tên Lụa, người mang đến cho tôi nhiều phiền muộn hơn niềm vui, nhưng mỗi lần nghĩ đến cô ta tôi vẫn thấy nao nao trong lòng.
Những buổi trưa hè trời nóng đến gỗ cũng tươm mồ hôi, tôi nằm lăn trên nền gạch tàu mát rượi. Từ góc độ đó nhìn lên, cái sập mang một vẻ đe dọa, như một cái bẫy sập khổng lồ cót két cựa mình theo từng cử động của ông tôi. Trong gầm sập thường lấp ló mấy sợi màng nhện chấp chới theo từng hơi thổi tinh nghịch. Những buổi trưa oi bức đó ông tôi thường nằm lẩy Kiều, tay phe phẩy quạt. Có lẽ ông nhớ đâu đọc đó, những mảnh thơ không đầu không đuôi, nhưng tiếng vang của lời ngâm dội từ gậm sập ra mang một âm thanh bí ẩn như tiếng lũ ma âm thầm trốn lánh trong chiếc rương đóng kín phủ đầy bụi để trong một góc đầu chiếc sập. Nhiều lúc tôi tuởng như có một cái đầu nào đó ló ra, giương đôi mắt trắng dã ráo hoảnh nhìn láo liên, nhưng quay lại nhìn, chỉ thấy chiếc hòm nằm lù lù trong góc tối. Cái sập lẫn chiếc rương đen che phủ nhiều bí ẩn gợi óc tò mò con trẻ của tôi. Có buổi trưa tình cờ lăn lộn chui trong đám đồ táp nham bên dưới, tôi chợt thấy trong góc rương ló ra một cuốn tập quăn góc. Tò mò rút ra, cuốn tập đã phai màu, nhàu nát, chi chít những chữ nhỏ li ti. Vừa đọc vài giòng, tôi nóng cả mặt vì những hành ảnh dâm tục bên trong. Tôi vừa chui ra thì anh tôi ở đâu lù lù xuất hiện. Thấy cuốn tập, anh trừng mắt, giật phăng ngay lấy, nhét vào cạp quần. Tôi tru tréo: ‘Em mách...’ Anh giơ nắm đấm dí vào sát mũi. Tôi thấy rõ từng đường gân nổi phồng trên những đốt ngón tay. Anh rít lên: ‘Bé con. Mày mà mách thì dập sống mũi, nghe chưa?’ Bản tính nhút nhát, tôi im ngay. Cái sợ che lấp cả nỗi ức bị gọi là bé con. Tôi sợ đến nỗi sau đó bỏ luôn cả thói nằm lê nghịch ngợm trong gậm sập. Cái rương với lũ ma tưởng tượng bí ẩn vì thế được ở yên ngoài tầm mắt soi mói của tôi. Nhất là từ khi ông tôi mất đi, chiếc rương lâu ngày bị bỏ trong quên lãng, bám bụi, co ro, tủi thân nhớ người bạn cả chục năm cận kề.
Ông tôi mất đi đúng vào những ngày đói kém. Cũng may cho ông. Ngày chiến cuộc ngừng ông như có linh cảm một bất trắc sẽ phủ chụp xuống gia đình. ‘Hòa bình mà trong bụng ấm ức thì chẳng ra cái thá gì cả.’ Ông thở dài sườn sượt cả ngày. Ðể rồi như tự an ủi chính mình, ông bảo lũ chúng tôi: ‘Thanh bình cũng phải có cái giá của nó. Chắc cũng phải chịu đói kém ít lâu.’ Nhưng ông không ngờ cái giá của thanh bình lại đắt hơn ông tưởng. Ðể đổi lấy thanh bình trước hết là có chia ly. Gần một nửa họ hàng tôi đã thành người xa xứ. Rồi những nguời bà con từ miền đất lạ vào thăm, một hai lần rồi không thấy trở lại nữa. Có lẽ họ cũng thấm câu ‘họ hàng xa không bằng láng giềng gần’. Nhưng những chia lìa ấy không gây ấn tượng mạnh trong đầu tôi bằng một ngày anh tôi, tính tình kín đáo, một buổi tối về muộn với nét mặt thờ thẫn. Anh quăng vội xe đạp trong góc nhà, chạy vào bếp thì thầm với mẹ tôi. Tôi chắc anh lại vòi vĩnh đồng tiền lẻ như thói quen từ nhỏ được nuông chiều. Sau đó anh rút vội lên gác xép, lục lọi. Tôi thấy mẹ tôi lập cập nhóm lửa nấu cơm, ngọn lửa vỏ dừa đỏ đòng đọc, mù khói, khét lẹt căn bếp. Tôi ngồi nhìn anh tôi trệu trạo nhai bát cơm độn khoai mì trộn muối mè, hỏi: ‘Anh đi đâu về muộn dữ vậy?’ Anh ừ hử không nói. Ðến bát thứ ba, anh bỏ đũa, nhìn tôi, hỏi: ‘Mai tao đi mày có buồn không?’ ‘Anh đi đâu?’ Mẹ tôi suỵt, bảo tôi nói khẽ. Tôi chợt hiểu, và lúc ấy cũng đã đủ khôn lớn để ngăn giọt nước mắt. Tôi hỏi ngây ngô: ‘Anh đi thật hả?’ Anh cười bảo có lẽ tao là người thứ hai trong nhà có cái may mắn không trải qua những ngày tủi cực. Thế là tôi mất người anh cho đến tận bây giờ.
Anh tôi đi rồi, nhà vắng huếch hoác. Những ngăn tủ rỗng sau mỗi lần tảo thanh đồ cũ đem rải các sạp chợ trời mang một bộ mặt ngạc nhiên đến thê thảm. Chúng hé mắt rón rén dòm những người trong nhà giờ cũng chẳng còn đề ý gì đến những ngăn tủ trống không, để ý thức được thân phận một kẻ không mang lại lợi ích gì, đang chờ giờ đào thải. Quả thật, tình cảnh nhà tôi xuống dốc một cách đáng sợ. Những chiếc bàn, chiếc ghế run chân đã đi trước dọn đường. Sau đó là những vật còn lành lặn hơn. Cái tủ chè chân quỳ không còn chè, không còn ly tách. Cái trạn úp chén đã được thay bằng mấy cái nồi nhôm to nay không còn dùng để nấu cỗ nữa, chén bát mẻ sau bữa ăn, rửa xong cũng khỏi cần phải cất dọn. Cho đến khi cả nhà còn thu lại trong một khoảnh giang sơn với những vật dụng tối thiểu cho một đời sống con người thì tôi cảm thấy hoảng sợ thực sự.
Nhà trống, lòng con người dường như cũng trống theo. Tình cảm như bốc hơi hết cả. Người ta hà tiện từng lời nói, hoặc dường như tôi chỉ còn nghe tiếng trách móc cằn nhằn. Trong xóm số người điên đã tăng lên nhiều lần. Có lẽ chỉ còn cha tôi có đủ kiên nhẫn. Hoặc giả từ khi lấy mẹ tôi, ông không bao giờ phải đụng tay đến cuộc đời vật chất. Mọi thứ đã có mẹ tôi chu toàn. Ông luôn luôn đem sách thánh hiền ra giảng: ‘Giấy rách phải giữ lấy lề’, ‘Nghèo cho sạch, rách cho thơm’. Mẹ tôi thì càm ràm mỗi khi giá gạo giá thịt lên, nói ông quân tử tàu. Nhất là từ khi thằng bé út ra đời. Một ngày chưa tan buổi chợ, mẹ tôi về nhà, quẳng phịch cái làn nylon xuống đất, thở. Cha tôi hất hàm, nhìn cái giỏ trống không, hỏi:
‘Mẹ nó làm sao thế?’
‘Tiên sư nó! Có mấy trăm bạc mà nó cũng không tha.’
‘Ai?’
‘Còn ai vào đây nữa. Ngoài đường quân cướp như rươi ấy. Ông ở nhà chỉ biết có ăn làm sao biết dược cái khổ của tôi.’
Cha tôi vặc lên: ‘Bà nói gì thì cũng nói nhỏ nhẹ một tí. Chung quanh hàng xóm, nhà mình nề nếp, phải có lề lối một tí chứ.’ Mẹ tôi chì chiết: ‘Lề lối cũng chẳng còn cái mẹ gì nữa. Nếu đạo đức mà mài ra bán được tôi cũng đem mài tuốt.’ Cha tôi chỉ bàn thờ gia tiên, mặt đỏ gay: ‘Này đạo đức ở trên ấy cả, mang ra chợ mà đổi gạo.’ Mẹ tôi lu loa: ‘Ôi hàng xóm ơi! Ôi trời cao đất dày ơi! Sang mà xem ông chồng tôi đây này.’ Nhưng hàng xóm hẳn cũng bận chuyện gạo cơm, chỉ thấy dãy phố đứng im với cửa sắt ngậm tăm. Ngay cả cái đĩa bay vào tường vỡ nên một tiếng choang khô khan cũng không có lời đáp lại. Có lẽ chuyện chửi nhau đã trở nên thường tình, và gia đình thuận thảo trở thành một hiện tượng kỳ dị. Tôi nắm chặt tay thằng bé út, xanh mặt nhìn một chuyện chưa từng xảy ra từ ngày tôi hiểu tiếng người. Mẹ tôi lúc này đã trở lại con người tốt nhịn như xưa, ngồi sụp xuống thu dọn mảnh sứ vỡ lăn lóc trên sàn gạch mẻ trong tiếng thút thít. Tôi sà lại gần, nói nhỏ vào tai: ‘Mẹ để con nhịn đói một bữa cũng được.’ Mẹ tôi quay sang chẳng nói một lời. Chỉ có nước mắt rưng rưng của hai mẹ con và tiếng thằng bé ằng ặc khóc trong một bản năng sinh tồn của cơ thể với chiếc bao tử nhỏ bé lép kẹp.
Nhưng cho dù tôi không nói, những bữa cơm từ ngày ấy theo thời gian cũng dần dần nghèo đi chất thịt và giàu thêm chất rau. Cũng từ ngày ấy tôi hiểu tường tận thế nào là cái đói. Mắt tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy lúc thì củ khoai luộc, lúc thì cái bắp ngô. Có khi như thấy miếng thịt nằm ngay trong đầu. Có khi thấy con gà lởn vởn trước mắt. Có khi tưởng như thấy con cá nhởn nhơ bơi trong đám mưa rào oi bức. Thằng em tôi càng lớn càng ăn tợn. Tôi thường phải nhường cơm cho nó, nửa tự nguyện mỗi khi nó tỏ ra dễ thương với tôi, nửa dưới áp lực của song thân, những lúc chúng tôi cãi vã. Mẹ tôi mấy lần bảo bâng quơ: ‘Hay mình mang cái sập bán quách đi, cũng được vài tháng cầm hơi.’ Cha tôi gạt phắt: ‘Bán thế nào được. Ðồ thừa tự, của gia bảo mà bà nỡ lòng nào làm thế, không sợ ông bà ở dưới đất nghe thấy à.’ Thế là tôi lại đói quắt queo thêm một thời gian nữa trong niềm hy vọng mong manh. Cha tôi biết tôi thèm miếng quà, không phải vì thèm suông, mà vì cái nhu cầu của tất cả các tế bào, ông thỉnh thoảng nói với tôi: ‘Cố lên con. Ngày xưa bố mẹ cũng có lúc đói đến nỗi đọt sắn cũng không có mà ăn.’ Ông nhắc lại cho tôi câu chuyện từ ông bố truyền lại, về cái nạn đói khủng khiếp mà gia đình tôi đã thoát khỏi, trong khi ông nội tôi vẫn không bỏ cái lý tưởng đánh Tây đuổi Nhật. Tôi gục gặc đầu, nhưng trong lòng vẫn không phục. Cái lý tưởng người ta không thể đem bán cho ai được nên đành phải giữ, nhưng vật dụng mang ra chợ, dù tồi cách mấy, cũng đổi được mấy lon gạo. Dù ức, nhưng cãi lại đấng sinh thành trong hoàn cảnh này là không phải đạo, thành ra tôi đành chôn cái ức trong lòng. Ðến lúc ấy thì những mẩu bánh, miếng thịt, con gà lại lần lượt rủ nhau đi diễu trong đầu. Nhất là con gà. Chắc tại ông bộ đội nhà hàng xóm xéo cửa nhà tôi có nuôi con gà tre trống, tiếng gáy è è của nó mỗi sáng như đánh thức con gà trong trong tôi nổi dậy cùng một lượt với tiếng sôi bụng óc ách. Con gà trong đầu, khốn thay, luôn luôn xui tôi tìm đủ mọi lý do làm cho con gà thật đang loanh quanh trong sân nhà hàng xóm trở thành vật sở hữu của tôi. Cuối cùng tôi đổ tội cho ông chủ của nó bằng một lý luận xem ra rất giản dị, vì tôi đã nghe những luận điệu tương tự từ một số người ngoài phố tôi gặp: tụi bò vàng đã làm gia đình tôi khốn đốn, thì tôi sẽ phải làm cho nó khốn nạn lại.
Tôi nghe lũ bạn có lần nói: ‘Bắt gà ấy à. Dễ lắm. Chỉ cần một tép tỏi, xát vào tay, là đố chú gà nào dám hó hé.’ Thế là tôi phác họa độc kế. Một buổi trưa, khi đã đào đủ một ống bơ giun đất lổn nhổn, tôi xách cuốn truyện bọc trong cái bao nylon ra đầu hè, ngồi lim dim. Chiếc lon trùn nằm vừa tầm tay. Chú gà đói mon men lại. Ðợi đến con giun thứ hai vừa bị cắp, tôi quơ bàn tay xát nhánh tỏi giã nát chụp lấy cổ. Chưa đầy một phút sau chú gà nóng ấm đã mềm rũ nằm gọn trong bao. Tôi mang về, giấu sau bếp. Buổi chiều tan chợ, mẹ tôi về, tôi mang con gà cứng đơ ra khoe: ‘Mẹ. Chắc con gà bị xe đụng. Con lượm được ngoài ngõ.’ Mẹ tôi nhìn tôi chằm chằm. Linh tính người nữ cộng với bản năng người mẹ, bà đoán ngay ra điều chẳng lành: ‘Con nói thật đi. Gà nhà ai thế?’ Tôi chối: ‘Con không biết nữa. Con thấy nó chết trong bụi.’ Mẹ tôi lật đi lật lại cái thây, rồi hốt hoảng: ‘Gà này là gà bà Tư cán bộ đây mà.’ Tôi không nói, cúi đầu chịu một tội không cần thú. Mẹ tôi chảy nước mắt, hỏi: ‘Con thèm thịt gà lắm phải không?’ Tôi gật. Mẹ tôi dí mạnh ngón tay vào trán tôi, bảo khẽ: ‘Cấm không được hở môi cho ai biết đấy nhá.’ Thế là buổi tối tôi có một ơ nhỏ thịt gà rim mặn, ăn ba ngày. Mớ lông tang vật nằm sâu trong hầm cầu tiêu. Ít hôm sau tôi thấy có người đàn ông đến gõ cửa hỏi thăm mẹ tôi. Ông ta xem chiếc sập, lắc lắc, ngồi lên nhún nhảy, cúi xem dưới gậm, rồi lại đứng ngửa ra sau bĩu môi chê bai. Mẹ tôi thì cứ xoa hai tay với nhau, cười cười, nài nỉ. Buổi chiều, ông ta trở lại với chiếc xe ba gác và hai người phụ. Chỉ trong loáng mắt chiếc sập đã lật bốn chân nằm thẳng trên xe. Ðây là lần thứ hai một vật rất thân với tôi ra đi một cách bất ngờ. Cha tôi đi thăm bác Hòa cả ngày không có nhà. Buổi tối ông về, tôi nín thở chờ đợi. Thấy mất chiếc sập, ông hốt hoảng, mặt tái xanh, nhưng hiểu ngay sự việc. Ông ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu, đưa tay áo quệt mồ hôi, gằn giọng hỏi mẹ tôi:
‘Bà bán chiếc sập rồi à?’
‘Ừ.’
‘Bán cho ai? Sao lại bán đi? Bà có biết là bà giết tôi còn hơn...’
‘Sao lại giết. Ông nhìn thằng Thành xem. Nó đói vêu vao cả người. Tôi không muốn nó vì đói mà trở thành một thằng ăn cắp.’
Chưa bao giờ mẹ tôi nói với cha tôi bằng một giọng bình thản nhưng cương quyết như thế. Bà kể lại chuyện con gà của tôi, trong khi tôi xấu hổ chạy tọt lên gác. Tôi không biết bà Mạnh Mẫu có tấm lòng yêu con như thế nào, chứ tôi nghĩ chuyện của mẹ tôi đánh đổi chiếc sập gia bảo, cái mà cả song thân tôi có lẽ quý hơn mạng sống mình, để lấy bữa cơm cho thằng con như tôi, phải được loan truyền cho mọi người được biết, thay chuyện thầy Mạnh. Mẹ tôi đã phải chịu một sự lựa chọn gắt gao. Giữa cái thúc giục của lòng và ý lực dẫn dắt mục đích đang theo, sự lựa chọn nhiều khi gay gắt thế đấy.
Thế là tạm thời những miếng thịt, những bát canh có tôm, có sườn lại trở về lai rai trong bữa tối. Chưa được hai tháng thì tôi linh cảm ông thần đói lại sắp chầu chực trước cửa. May thay, đúng lúc ấy mẹ tôi nhận được giấy báo lĩnh quà của anh tôi gửi về. Sau mấy tiếng đồng hồ chen chân xếp hàng, cuối cùng hai mẹ con tôi cũng tha lôi về được một bao tải đầy ắp những đồ lỉnh kỉnh. Tôi cầm cái kẹo mút chùn chụt như mấy năm về trước, hít hà:
‘Mẹ, chắc bên ấy anh con cũng mút kẹo suốt ngày.’
‘Cái thằng chỉ nói bậy. Nó lớn rồi còn kẹo bánh gì nữa.’
Thùng quà nhỏ như một giòng sông mang lại hồi sinh cho miếng đất khô cằn. Mẹ tôi lập tức tóm hai cái quần bò tất tả ra chợ. Tối ấy trong nhà lại vang tiếng nồi loong coong. Bàn thờ tổ tiên lại thoảng mùi trầm và tiếng mẹ tôi xì xụp cúng vái. Hạ cỗ, mẹ tôi múc cho tôi một bát miến đầy, giọng rưng rưng:
‘Ăn đi con, kẻo miến nguội hết bây giờ.’
Cả nhà bốn người ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu đã sờn mép, trải trước tủ thờ. Tôi nhìn cha tôi vừa rung đùi vừa nhẩm lại bức thư gấp làm bốn. Thằng út và xong miếng cơm cuối vội vã chạy đi lục lọi mấy ngăn tủ rỗng, tìm hòn bi buổi sáng giấu trong đó. Trong cảnh đầm ấm chỉ thiếu có anh tôi. Người anh mà cha tôi cho là giang hồ bạt mạng, nhiều lúc không muốn nhìn mặt. Mẹ tôi nói, giọng bùi ngùi:
‘Không hiểu thằng ấy nó có nhớ nhà không ông nhỉ?’
Cha tôi ngửa cổ dốc non nửa cốc bia hơi còn lại, giọng ráo hoảnh:
‘Bà chỉ vẽ chuyện. Nó có nhớ mới có quà về cho mình chứ. Ít năm nữa nếu trời thương biết đâu mình lại có dịp gặp nó.’
Tôi biết ông nói lảng để giấu cơn xúc động. Trong xóm có tiếng hò reo của đám trẻ hàng xóm báo giờ cúp điện đã hết, những ngọn đèn chợt sáng bừng lên rồi có tiếng tuồng cải lương trong truyền hình léo nhéo. Cảnh gia đình sum họp bỗng dẫn tôi trở lại những ngày xưa của mấy năm trước, cũng với bốn người, cha mẹ và hai anh em tôi. Giờ anh tôi đã phiêu bạt xứ người, thay vào đó là thằng bé út. Tôi bỗng thấy trong lòng quặn đau. Nhìn lại nơi để chiếc sập với bao nhiêu kỷ niệm của anh em chúng tôi. Chiếc sập ra đi, để lại một khoảng gạch còn mới, một khoảng gạch sạch bóng với bốn vết chân tròn còn đậm nét. Chắc còn lâu lắm những dấu vết này mới phai mờ. Mấy ngày hôm nay tôi bất chợt nhận ra mình cứ vô tình nhìn vào cái khoảng kỷ niệm ấy, như mong có một phép mầu trả chiếc sập gia bảo lại cho chúng tôi để lưu truyền đến đời sau. Tôi nghe người ta nói khi có người qua đời, những kẻ còn ở lại dương thế trong những ngày chưa liệm cũng thường cũng có những lúc thờ thẫn rê tay trên cái xác không hồn như để một lần nữa xác nhận cái điều mình đã biết, trong một hy vọng mong manh hơn sợi chỉ chờ đợi một phép mầu. Có lẽ tôi, và cả mẹ tôi cũng đang ở tâm trạng ấy, vì bất giác tôi nghe tiếng mẹ tôi thở dài:
‘Nếu biết thằng Thuận sắp gửi quà về thì cố giữ lấy cái sập, bây giờ còn chỗ mà ngồi.’
Cha tôi chợt bỏ đũa đứng dậy bước ra nhà sau. Cảnh êm đềm sum họp bỗng tan biến. Tôi sững sờ nhìn mẹ tôi đang chớp mắt, môi mím lại. Thấy tôi nhìn, bà ngượng nghịu quay mặt đi, nói:
‘Con ăn đi chứ, ngồi đấy mà nhìn mãi.’
Bỗng dưng tôi chợt hiểu. Việc lưu giữ chiếc sập gụ, như theo đuổi một thứ lý tưởng con con rất thực tế của gia đình tôi, đã mất đi cùng chiếc sập, có lẽ giờ này đã thành củi chụm cho một cái bếp nào đó. Hòn đá đã ném đi làm sao thu lại được. Những êm ấm của gia đình đã một lần sứt mẻ, ngay cả tôi cũng phạm tội và bắt mẹ tôi phạm tội theo, mặc dù mọi sự việc xảy ra chỉ do hoàn cảnh nghèo khó đẩy đưa. Nhưng hạnh phúc không phải là thứ mà trong khi túng ngặt ta có thể mang đi cầm đỡ, để đến lúc no đủ thì chuộc về. Từ đấy tôi đâm căm thù sự nghèo đói. Trong cái thù có pha lẫn sợ sệt. Tôi đã mang đủ hành trang đời để thấy cái cánh tay đói kém đã bóc đi tấm vỏ thánh thiện của con người, để lộ ra đủ thứ bầy nhầy nhơ nhớp, ngay cả đối với người rất thân. Từ cái nhìn đó sau này đôi khi tôi trở nên quá độ lượng với mọi người, nhưng kỳ thực chỉ vì không muốn để bất kỳ ai lâm cảnh khốn khó đến phải bán cả cái tâm mình đi, để cái vỏ cuộc đời vẫn còn nguyên nét mỹ miều của trí tưởng tượng trong tôi.
Nguyễn Hiền