Hắn ở đây lâu thật, có tiền thật, có ơn với gia đình mình thật, nhưng hắn lớn hơn con cả mười tuổi, lại cái nghề gì mà ông không ra ông thằng chẳng ra thằng. Phải kiếm đứa có học có hành, có bằng có cấp, chứ bỏ thằng Ngà mà lấy cái thằng thằng Ấn này thì thật là… thật là… uổng công đi… Mỹ!

Có cô con gái phơi phới xuân xanh, cha mẹ cô cũng đâm ra có giá. (Minh họa: Piyapong Saydaung/Pixabay)
1.
Cô đến Mỹ như một kẻ bị lưu đày. Trong lúc mọi người vui mừng tíu tít vì được đặt chân đến vùng đất lạ với biết bao điều mới mẻ, cô lại dửng dưng, lạnh lùng, gần như vô cảm. Cô đi, đứng, nằm, ngồi, sờ, mó, ngắm nghía mọi thứ, nhưng tâm hồn cô rỗng không. Tất cả dường như đều chẳng dính dáng gì đến cô.
Ban ngày, cô theo mọi người đi đó đi đây, ăn uống, mua sắm… như một cái máy. Ban đêm, khi mọi người đã đi ngủ, cô một mình mở cửa bước ra sân sau, nhìn lên không gian vô tận. Ngày tháng cũ vời xa thăm thẳm, mất hút đâu dưới khoảng chân trời mờ mịt.
Từng mảnh hình ảnh Ngà chập chờn vây quanh. Ðôi mắt to, lưỡng quyền cao, những nốt mụn đỏ nằm quanh mũi, miệng rộng để hé ra mấy chiếc răng cửa chen lấn không đều, chiếc cổ cao có nốt ruồi nằm gần vai, tiếng cười giọng nói rổn rảng, hơi thuốc lá và thỉnh thoảng, mùi rượu đế.
À, còn nữa, chiếc áo chim cò, hai túi có nắp gài, cái hộp quẹt màu xanh lục, chiếc nhẫn Mỹ to, có chữ N nổi ở phía trên. Bữa đó, sau nhiều lần năn nỉ, cô cho Ngà hôn khi cả hai đứng khuất ở bụi chuối sau hè. Muốn thử cho biết. Ngà thở phì phò, nóng hổi bên tai, những ngón tay nham nhám sờ mó thân thể cô như rắn bò, nhột gần chết. Ngà áp mặt vào má cô hôn hít, trườn lên môi, trật ra trật vào. Gớm. Cô người như lửa đốt, muốn hôn lại, nhưng luống cuống chưa biết làm sao, hôn đại vào má Ngà một cái rồi đẩy ra, bỏ chạy. Về nhà, người còn run rẩy, nóng hôi hổi như bị cảm.
Lần cuối cùng trước khi chia tay, không đợi Ngà đòi, cô kéo đầu Ngà xuống hôn lấy hôn để. Ngà thụ động, buồn bã, ngẩn ngơ. Ðến lúc giã từ, Ngà đứng im như cái cột trụ xi măng, mắt nhìn cô không chớp, tuyệt không nói lấy một lời. Giờ nhớ lại, cô không hiểu tại sao lúc đó cô đủ can đảm bước đi, để Ngà đứng đó một mình. Vào Sài Gòn, càng gần ngày lên máy bay, cô càng buồn, càng nhớ, càng quay quắt, sốt ruột. Ngày ngẩn ngơ, đêm, ôm gối âm thầm khóc. Nhưng cô không đủ can đảm bỏ gia đình, quay trở ra với Ngà như đã từng đau đáu nghĩ đến. Cô cắn răng ra đi trong một trái tim tan nát và một hy vọng gặp lại hão huyền. Cô một mình, một mình, nỗi sầu trĩu nặng.
2.
Mẹ cô nói: “Mẹ biết con buồn. Nhưng rồi con sẽ quên. Mẹ đã từng yêu, nên mẹ biết. Tình yêu đầu lúc nào cũng da diết, sôi nổi, tưởng như mất đi, mình không sống được, nhưng tình đầu là tình nông nổi. Ngà không xứng với con đâu. Mà rồi hắn cũng quên con thôi.”
Cô im lặng. Mẹ bao giờ cũng có lý.
3.
Cô giấu mẹ gửi thư đều cho Ngà. Cô nói đến nỗi buồn mênh mông của cô trên xứ lạ quê người. Cô nhớ Ngà da diết. Cô vẫn mơ ước được mãi mãi sống bên Ngà. Thiếu Ngà, đời cô vô nghĩa. Lần viết thư nào cũng kèm theo nước mắt. Ngà hồi âm với những lời lẽ yêu đương nồng thắm, những nhớ nhung chất ngất. Ngà nhắc nhở lại từng kỷ niệm. Hẹn ở góc phố, cầm tay ở hàng chè tàu, đưa thư ở quán nước, uống nước cam ở chợ, đèo nhau trên chiếc xe đạp, ngồi với mẹ Ngà trên tấm phản… Những kỷ niệm nho nhỏ, vui vui thế mà làm cho cô như được sống lại hết thảy cả một quãng đời thơ mộng. Cô bồn chồn, rạo rực với những ngày vui không cách gì tìm thấy trên đất Mỹ này.
Cứ nhắc lại mãi niềm thương nỗi nhớ rồi cũng chán, cô đổi đề tài. Cô bắt đầu kể cho Ngà về đời sống ở Mỹ. Cô học lái xe, cô đi học lại Trung Học, cô học nói tiếng Anh, cô chơi với bạn bè Việt, bạn bè Mỹ, cô đi sóp-ping, đi dự pa-đì cuối tuần. Kèm theo, cô gửi về cho Ngà tấm hình cô mặc áo đầm chụp trước mặt nhà bên cạnh hai chiếc xe hơi cũ mới mua, mặt mày buồn buồn. Lại nôn nóng trông thư. Lần này, thư Ngà đến chậm. Đã thế, thư lại ngắn, chưa đầy một trang giấy. Khác với những lần trước, thư toàn là những lời cay đắng, trách móc, than thân trách phận. Cô hết sức ngạc nhiên. Đọc xong thư, cô thao thức suốt đêm không ngủ được và cảm thấy ân hận là mình không tế nhị. Cô viết lại một lá thư dài, thanh minh cho hoàn cảnh của cô.
Dù đang sống một đời sống tiện nghi hơn trước, nhưng cô không hề cảm thấy có chút hạnh phúc nào. Và cô hứa hẹn sẽ tìm cách về thăm, khi đó, hai đứa sẽ cùng nhau bàn tính chuyện tương lai. Không thư hồi âm. Cô lại viết nữa, thư dài hơn, kể lể kỷ niệm và thề nguyền chuyện thủy chung. Lại vẫn không hồi âm. Cô giận, cô hờn, nhưng chẳng biết làm sao được. Xa quá là xa. Ngà mà có ở đây, cô sẽ cắn vào tay anh chàng cho chảy máu mới hả.
4.
Ngà biệt vô âm tín. Y như thể anh chàng không hề có mặt trên đời này. Cô đâm ra biếng ăn, mất ngủ, chán học. Buồn riết đến cạn cả buồn.
Một hôm, cô thức giấc nửa đêm, lại mở cửa một mình bước ra sân sau. Cũng khoảng không gian vô tận đó, hôm nay cô nhìn thấy bầu trời đầy sao và ánh sáng rực rỡ muôn màu từ những cao ốc thành phố tỏa ra trong bóng đêm. Lòng cô bỗng dịu lại. Như một phép lạ, cô đã đến đây, ở đây, hóa kiếp. Nhìn về chân trời, tưởng tượng đàng sau khoảng không gian mịt mù đó là nơi cô đã từng ở, từng chơi đùa, từng yêu đương sao bây giờ nghe như một thế giới khác, nghèo nàn, buồn bã, vô vọng.
Cha mẹ cô tất tả ngược xuôi kiếm sống. Anh chị cô lý lịch xấu không vào được Đại Học. Còn cô phải bỏ học nửa chừng, đi học thợ may, mở cái tiệm nho nhỏ đầu đường cả năm mà vẫn ế lên ế xuống. Ngà thì áo quần quê mùa, xấu xí. Ăn nói thì cả cục cả hòn. Tiệm sửa xe của Ngà khá hơn đôi chút, nhưng chưa thấy có gì hứa hẹn. Nhà cửa nhớp nhúa, lúc nào cũng bốc lên mùi hôi hám, khác hẳn với ở đây, vào nhà xí mà vẫn nghe mùi thơm. Bà mẹ Ngà lại cứ bỏm bẻm nhai trầu, bập bẹ điếu thuốc vấn, trông đến khiếp.
Đêm đó, lần đầu tiên, Ngà trốn biệt khỏi giấc mơ.
Hôm sau, cô lục thư Ngà ra. Những chiếc phong bì nhỏ, xấu xí, những hàng chữ nguệch ngoạc, viết cái địa chỉ Mỹ thì trật lên trật xuống, chỗ thiếu chữ “t” chỗ thừa chữ “s.” Ðã thế, thư gửi đi Mỹ mà trên phong bì thư đề họ trước tên sau, lại còn đủ thứ dấu sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã lung tung, trông không giống ai, không khéo làm cho người ta giao lầm nhà. Tên người ta bây giờ là Phuong Thao Ngo, anh chàng Ngà này lại cứ đề Ngô Thị Phương Thảo, trông quê một cục. Nhất là đoạn Ngà nhắc đến cái quán may đầu đường của cô. Qua đây, người ta đâu có còn là con bé thợ may tầm thường, trình độ lớp Tám nữa. Bây giờ ta đi học “high school!” Ta nói được tiếng Anh! Ta còn biết “dance” nữa cà! Ta văn minh hơn bên đó nhiều. Mai mốt có tiền, ta sẽ về thăm. Ta sẽ ăn mặc kiểu Việt kiều. Ta sẽ tiêu tiền như nước cho bà con xóm giềng lé mắt chơi. Ðâu có như xưa.
Cầm lui cầm tới, ngần ngừ một hồi, cô từ từ ném những lá thư của Ngà vào giỏ rác, gần bàn học. Còn cái ảnh, cô cũng định ném luôn, nhưng tự dưng, thấy Ngà tội nghiệp. Suốt đời, Ngà sẽ bị nhốt trong cái mảnh đất nghèo nàn, buồn bã đó. Dù sao, Ngà cũng yêu cô. Còn cô, cô vẫn mắc nợ Ngà một lời hứa hẹn. Thôi, giữ chiếc ảnh để trong “album” như một kỷ niệm thuở thiếu thời, cũng vui.
5.
Mẹ cười, nói với cô: “Con thấy không, mẹ mấy khi nói sai. Bây giờ con đã thấy rõ chưa. Thằng Ngà tội nghiệp thật, nhưng chỉ là một thằng nhà quê, sao mà cân xứng với con cho được. Ở đây, con xem, khối người, cho con mặc tình lựa chọn. Bạn bè của ba đông, con cái họ cả bầy, đứa kỹ sư, đứa dược sĩ, đứa thầy giáo, đứa chuyên viên… Theo mẹ thấy, cứ từ từ. Con giao du rộng rãi vào, tìm hiểu đứa này đứa nọ, thế nào chẳng dính được một đứa tài đức vẹn toàn cho ấm tấm thân.”
Ừ, thì mẹ đã nói là đúng. Mẹ là mẹ mà.
6.
Ngà biến mất hẳn khỏi cô nhẹ nhàng không ngờ. Như thể cô chưa từng quen. Thỉnh thoảng, có nhớ, thì cũng như nhớ mấy đứa bạn vớ vẩn đâu đó ở đầu xóm. Hết ray rứt, mặt mày cô càng ngày càng trắng ra, hồng hào. Cô tập mặc váy ngắn, váy dài. Cô đi dự pa-đì, tập nhảy nhót vui chơi bạn bè. Lại còn sinh nhật nữa. Ở Việt Nam, cô không hề nhớ cô sinh ngày nào. Bắt chước bạn, cô xin ba mẹ tổ chức sinh nhật, mời cả vài chục người, có nhảy đầm, có hát “karaoke” quay vào video trông như nhà đại gia ở Sài Gòn. Nhớ lại mấy con bạn nhà giàu ở Việt Nam, cái mặt cứ dương dương dễ ghét! Đâu có thấm gì với cô bây giờ. Bọn chúng làm gì có xe hơi, có máy vi tính, có TV phòng khách, TV phòng ngủ.
Bỏ Ngà lại sau lưng kỷ niệm, lòng cô đột nhiên rộng mở. Và khám phá ra cô là vốn quý trong cái cộng đồng đồng hương trai thừa gái thiếu này. Hèn gì, từ khi gia đình cô mới đến định cư ở vùng này là đám con trai không biết từ đâu cứ lân la tới nhà. Gặp cô là chàng nào chàng nấy mắt sáng trưng, chào hỏi tía lia, giành nhau mời đi ăn, đòi chở đi thăm thú cảnh này cảnh nọ. Biết mình đắt giá, cô bắt đầu ngoe nguẩy. Ăn nói nghe ra kín kẽ, cao đạo như tiểu thư.
Có cô con gái phơi phới xuân xanh, cha mẹ cô cũng đâm ra có giá. Bạn cũ, bạn mới của ba mẹ cứ tuần nào cũng tới nhà tụ họp, rượu trà, lại còn kèm theo mấy anh con trai, đứa này thì technician, đứa thì đang college, đứa thì vài năm nữa là kỹ sư vi tính… Đứa nào cũng áo quần kiểu cọ, thấy bóng cô thấp thoáng đâu đó là mặt mày hí hửng, mắt liếc ngang liếc dọc làm điệu làm bộ. Chả bù với bên quê nhà, mới quen được Ngà mà má cô trông đã ra chiều cảm động, cứ săm soi hỏi thăm gia cảnh Ngà, hết cha mẹ đến ông nội bà nội, hết ông ngoại bà ngoại đến anh chị em, cô dì chú bác, không chừa một ai.

Cô và Ngà từng có mối tình đẹp. (Minh họa: Giampiero Ruggieri/Pixabay)
7.
Anh chàng tên Ấn, dân vượt biên 1983, lớn hơn cô cả chục tuổi. Không biết học hành đến đâu, nhưng nghe nói anh chàng đang làm chủ một cái “job” chuyên tuyển công nhân làm tiền mặt cho một hãng xưởng nào đó. Khi gia đình cô vừa sang, đang hết sức bỡ ngỡ trên đất mới thì không biết từ đâu, anh chàng xuất hiện. Nếu cần dùng chữ để diễn tả một người tốt, thì Ấn sẽ nhận được tất cả. Cởi mở, thân tình, lịch sự, tháo vát, thiện chí, xông xáo, rộng rãi. Ấn bưng ghế, khiêng bàn, chở đi chợ, đi làm giấy tờ, đi xin trợ cấp, đi thông dịch. Sáng trưa chiều tối, hễ gọi là có ngay. Nhờ đâu làm đó, việc gì cũng chu đáo.
Hầu như một hai bữa, anh chàng ghé nhà một lần, ngồi con cà con kê, kể đủ thứ chuyện về nước Mỹ. Mẹ, chị và các em cô ngồi quanh, say sưa lắng nghe. Nhiều lúc, anh chàng mang đến một thùng bia, ở lại uống với ba cô đến nửa đêm mới về. Anh chàng biếu nhà cô một cái VCR mới toanh để nghe nhạc. Thỉnh thoảng, chàng ta còn giành trả bill điện, bill gas mặc dầu ba mẹ cô giãy nảy không chịu. Khác với mấy chàng sinh viên, Ấn trông bộ chẳng mấy ga lăng với gái, hiếm khi lân la, xoắn xuýt bỡn cợt với cô.
Gặp cô, anh chàng chào, hỏi han vu vơ vài chuyện trời mưa trời nắng rồi thôi, quay sang nói chuyện với cha mẹ hay anh trai cô hay giúp cha cô sửa sang một cái gì đó trong nhà. Trong thâm tâm, cô coi Ấn như một người anh bà con tốt bụng, giao du với Ấn một cách bình thản, không băn khoăn. Hễ có việc gì cần, là nhờ Ấn giúp. Ngay cả khi đi pa-đì với bạn bè trong trường, cô cũng nhờ Ấn. Anh chàng chở cô đến, thả cô chơi đùa với bạn bè; khi xong, gọi, Ấn lại đến chở cô về, vui vẻ.
Mẹ cô bảo: “Người ta có tình, người ta giúp mình, thì mình cứ nhận cho người ta vui, đâu có sao. Mình mới sang, ai cũng có bổn phận phải giúp đỡ mình. Sau này, có điều kiện, mình trả ơn lại chứ vội gì.”
8.
Một hôm, mẹ cô bảo: “Nghe nói thằng Ấn này đang để ý con đó. Từ nay trở đi, giao du với nó, con nhớ coi chừng. nếu nó có gạ gẫm, tán tỉnh thì dứt khoát từ chối ngay. Đừng để người ta hy vọng này nọ, rồi sinh chuyện không hay. Kể ra thằng này cũng tội, nhưng tội là một chuyện…”
Cô nói ngay, đời nào, mẹ ơi, mẹ đừng lo. Cô cảm thấy buồn cười trong bụng. Đúng là anh chàng tưởng bở. Bọn con trai học hành ngon lành ngày đêm tán tỉnh cô, cô chẳng thèm để ý, anh chàng này lấy tư cách gì mà dám tơ tưởng. Từ đó, cô giữ ý, thấy Ấn đến là cô tránh. Lỡ gặp, chào hỏi, cô hờ hững chào lại, cố giữ mặt lạnh lùng, không hỏi han đon đả như trước. Cô cũng chấm dứt luôn chuyện nhờ vả Ấn chở đi, chở về như mọi khi. Chắc anh chàng sẽ buồn vì thấy cô thay đổi thái độ, nhưng buồn thì buồn, ráng chịu, cô không thể làm khác hơn.
Ấy thế mà Ấn cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Anh chàng vẫn thân tình, vui vẻ, tháo vát, lui tới giúp đỡ nhà cô như bình thường. Trông bộ anh chàng chẳng quan tâm gì đến chuyện cô thay đổi cách cư xử. Càng tốt, đỡ bận tâm. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, cô thấy anh chàng này cũng lạ! Chẳng lẽ chàng ta không biết tự ái?
Bẵng đi một thời gian, một hôm, mẹ cô bảo lâu nay sao không thấy thằng Ấn đến chơi, đang cần đi sở an sinh xã hội để làm giấy tờ mà không biết nhờ ai chở. Cô chợt giật mình, băn khoăn tự hỏi, ừ nhỉ, Ấn ở đâu mà lâu nay không thấy ghé. Hèn gì…
9.
Thế rồi, Ấn đến. Vừa thấy anh chàng, cô quên cả chuyện giữ kẽ bấy lâu, chạy vội đến, giọng nghe ra vui mừng:
- Trời anh Ấn! Anh đi đâu mà “thẳng cò o ngón” vậy. Mẹ em trông anh quá trời.
- Đến mùa thuế, phải lo thanh toán tiền lương công nhân và làm giấy tờ thuế má, Chi à. Ở bên này, làm bi-dờ-nít, khai thuế là chuyện trên đầu trên cổ. Làm sai, làm thiếu là rắc rối vô cùng… Mai mốt đi làm rồi Chi biết.
Giọng cô, không hiểu sao, nghe ra có phần nũng nịu:
- Bận nỗi gì mà chẳng thèm ghé qua. Bộ anh quên cái nhà này rồi hả…
-Đâu có, đâu có, bận thiệt tình mà… hai bác có nhà phải không Chi, để tui vào hỏi cái này chút với lại xin lỗi hai bác.
Vừa nói anh chàng vừa đi vào nhà trong. Cô nhìn theo, hụt hẫng. Suốt hôm đó, không hiểu sao, cô trở nên bần thần. Lòng dạ cô thấp tha thấp thỏm, xôn xao vô cớ.
10.
Diện áo quần, ngắm lui ngắm tới trong gương, thấy đã đủ đẹp, cô nhắc điện thoại, ngần ngừ, bỏ xuống rồi lại nhắc lên, nói liền một mạch:
- Anh Ấn, anh có rảnh không, tới chở Chi đi trường chút, chiều nay, Chi có họp nhóm, nhóm học ở nhà trường ấy mà, tuần nào cũng phải họp một lần, mà… mà… nếu anh bận thì thôi…
- Không bận gì cả, Chi. Đợi tui chút, tui thay áo quần, tui tới ngay. Chi chờ nhé.
Trên đường đến trường, cô bỗng đổi ý:
- Mà thôi, Chi thấy cũng không cần họp nhóm nữa. Bài homework Chi làm xong rồi. Hay là, hay là… anh chở Chi đi chợ Macy chút được không?
- Ờ… ờ… sao Chi không nói trước, cứ tưởng là…
Cô phụng phịu:
- Thì ai biết… Mà anh bận thì thôi, từ nay, Chi không dám nhờ nữa đâu. Cho Chi.
- Không, không, Chi hiểu lầm rồi. Chi muốn đi đâu, tui chở đi. Đừng ngại.
- Chi muốn ghé chợ tìm mua cái áo ấm. Nghe nói xứ này, mùa tuyết lạnh lắm, phải không anh?
- Ừ lạnh lắm!
Nghe Ấn nói lạnh lắm, tự nhiên, cô cảm thấy rất lạnh, hai tay ôm ngực, nhìn Ấn cười tủm tỉm.
11.
Mẹ nói: “Độ rày, con trông bộ lạc lòng rồi đa. Bọn đàn ông con trai Việt bên này quái quỷ lắm. Thấy con gái mới qua là lấy quà cáp ra dụ khị. Cái áo ấm ấy bộn tiền lắm… hay là trả lại…”
- Mẹ, con thích cái này. Mùa lạnh ở đây lạnh lắm, tụi bạn lớp con áo này áo nọ…
- Làm như nhà giàu lắm! Mà thôi, lỡ rồi, không lẽ mua rồi mà đi trả lại, thắng Ấn nó cười cho. Mai nhắn hắn tới, để mẹ, để mẹ… mẹ trả tiền lại. Nhưng để tuần sau đi, bây giờ mẹ còn kẹt mấy việc, đợi lãnh tiền trợ cấp tháng tới rồi tính. Mà mẹ nói với con rồi, cái thằng Ấn này không xứng chút nào với con đâu. Hắn ở đây lâu thật, có tiền thật, có ơn với gia đình mình thật, nhưng hắn lớn hơn con cả mười tuổi, lại cái nghề gì mà ông không ra ông thằng chẳng ra thằng. Phải kiếm đứa có học có hành, có bằng có cấp, chứ bỏ thằng Ngà mà lấy cái thằng thằng Ấn này thì thật là… thật là… uổng công đi… Mỹ!
Cô thảng thốt:
- Mẹ…!
- Đừng cãi mẹ. Mẹ biết con chỉ thương hại thắng Ấn thôi, chứ chẳng phải yêu ót gì đâu. Cái gì xuất phát từ lòng thương hại thì không bền. Mà trông bộ hắn cũng biết thân biết phận… không làm khó làm dễ gì đâu.
- Mẹ, không có đâu, con chằng, con chẳng…
- Đừng nói gì nữa, “tui đi guốc trong bụng” cô rồi.
- Mẹ…!
- Nói thì nói vậy, con đừng cắt đứt vội, vừa tội nghiệp, lại vừa mất nhờ. Dù sao, hắn cũng có tình hơn mấy đứa khác. Con cứ từ từ mà xa hắn.
12.
Cô nghe lời mẹ dặn, từ từ xa Ấn.
Như đã từng bỏ Ngà.
Trần Doãn Nho