User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
dongtinh
 
(Dưới đây là tự truyện của cô ô môi tên Hạ mà tác giả đã ghi lại.)
 
Tôi là con út trong một gia đình có sáu đứa con, mà tất cả đều là con gái. Gia đình tôi theo xưa, nên việc nối dõi tông đường được xem là hệ trọng. Vì quá mong một đứa con trai, nên má tôi cứ phải sanh thêm mãi. Thời buổi khó khăn này, nuôi một bầy con đông đúc như vậy thật là quá vất vả, ba má tôi thấm mệt rồi, nên quyết định sau lần này, dứt khoát sẽ không sanh thêm nữa, vì má tôi cũng xấp xỉ bốn mươi tuổi rồi. 
 
Ba má tôi hồi hộp mong đợi đứa con, đặt hết hy vọng vào lần mang thai cuối cùng này, biết đâu trời thương mà ban cho một cậu quí tử. Trước khi mang thai tôi, má đã ăn chay, niệm Phật, và trong suốt thời kỳ mang thai tôi, má đi hết đền này tới chùa kia van vái, cầu xin Phật trời ban cho ông bà một mụn trai nối dòng. Tội nghiệp má, bà ít hiểu biết về khoa học nên không biết rằng sự tạo giống đã có từ khi thai nhi còn là một cái phôi. Khi mụ bà đã nặn giống rồi thì chẳng gì có thể thay đổi được, cho dù có cầu xin cách nào đi nữa. Chín tháng mười ngày qua mau, thấm thoát đã đến kỳ má tôi nở nhụy khai hoa, tôi ra chào đời vào một đêm tối trời không trăng sao. Khi bà đỡ báo tin là con gái, má tôi đã khóc ngay trên bàn sanh, còn ba không ngăn được tiếng thở dài thất vọng. Thế đấy, tôi sinh ra đời chẳng ai vui mừng, cha mẹ đón tôi vào đời bằng những tiếng khóc và tiếng thở dài. Phải chăng đó là điềm xui, báo trước cuộc đời của tôi sau này sẽ bất hạnh.
 
Ba đặt tên tôi là Hạ vì tôi được sanh ra vào mùa hè. Mặc dù tôi không phải là đứa con mong đợi, nhưng ba má vẫn thương yêu tôi như các chị của tôi, dù sao cũng là con mà, hơn nữa lại là đứa út. 
 
Giống như đa số những đứa bé con đàn khác, tôi hay ăn chóng lớn, rất dễ nuôi. Tôi lớn mau như thổi, mới mười một tháng đã biết đi lẫm đẫm. Ngày tôi đầy năm, ba má làm tiệc mừng, người ta dắt tôi đến trước một cái bàn bày đầy vật dụng, đồ chơi, mà sau này tôi mới biết dùng để trắc nghiệm, xem tôi sẽ chọn nghề gì trong tương lai. Tôi lướt qua những con búp bê, thú nhồi bông, gương lược, nồi xoong, cây bút, lọ màu, v.v. là những thứ các chị tôi vẫn chơi hàng ngày, chẳng thấy gì hấp dẫn. Nhưng rồi mắt tôi sáng lên, tôi xà vào ôm lấy trái banh tròn tròn, to đùng và lạ mắt quá, chưa từng thấy...  Mọi người cười ồ, các chị tôi reo lên thích thú:
 
- Coi kìa! bé Hạ thích chơi đá banh giống con trai.
 
Nhưng sau cùng, tôi vơ lấy cái ống nghe có hai cái gọng bằng kền sáng loáng, coi lạ mắt nhất, tôi quàng vào cổ và nhất định không chịu buông…
 
- A! Thì ra cu cậu muốn lớn lên sẽ làm bác sĩ.
 
Má nói một cách hãnh diện và nhìn ba cười đắc ý. Tôi tưởng má nói lộn, và ba sẽ chữa lại hai tiếng "cu cậu" má dùng một cách vô tình. Nhưng không, ba chỉ gật gù, mỉm cười:
 
- Mai sau bé Hạ sẽ học giỏi, con hơn cha là nhà có phước.
 
Tôi sáng dạ hơn các chị, và càng lớn càng giống ba như đổ khuôn, từ khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mày rậm, cái miệng hơi rộng, đến nước da hơi ngăm đen, trong khi các chị tôi đều có làn da trắng mát giống má. Ba thường ngắm tôi và nói với má bằng một giọng tiếc rẻ:
 
- Mụ bà nắn lộn, lẽ ra nó phải là con trai mới đúng.
 
Má cười:
 
- Bé Hạ còn nhỏ, muốn nó là trai thì sẽ tập cho nó thành con trai, dễ mà. Chừng lớn sẽ hay.
 
Ba gật gù mỉm cười, không phản đối. Mới đầu tưởng hai người nói rỡn chơi, ai dè làm thiệt, từ từ từng bước một, hai ông bà bắt đầu trò chơi thú vị của họ. Bước đầu tiên, tôi được ba đưa đi cắt tóc, và được má sắm cho một bộ đồ mới: quần short, áo sơ mi, giày ba ta, mũ lưỡi trai. Thế là chỉ trong chốc lát, tôi đã thay đổi hoàn toàn, trông ra dáng một chú bé kháu khỉnh. Nhà không mấy khá giả, nên từ nhỏ tôi vẫn phải mặc đồ thừa của các chị, bây giờ bỗng chốc được mặc quần áo mới kiểu con trai, tóc húi cua… Trông tôi chắc lạ và ngộ nghĩnh lắm, các chị xúm lại trầm trồ ngắm nghía, reo hò ầm ỹ.
 
- A ha! Bé Hạ giống con trai quá.
 
 Chị Hồng lớn nhất, lên chín tuổi, có vẻ hiểu biết nên hỏi má:
 
- Sao bé Hạ lại ăn mặc kiểu con trai hở má?
 
Má vừa nói vừa cười:
 
- Bé Hạ là con trai thì phải bận đồ con trai chớ sao?
 
Chị Hồng tưởng má nói rỡn nên cũng cười. Các chị kia còn bé quá, không phân biệt trai, gái khác nhau thế nào, nên không thắc mắc chi cả. Má lại dặn dò:
 
- Từ nay tụi bay phải kêu bé Hạ là cu Hạ hoặc thằng Hạ, nghe chưa? Nó là con trai chứ có phải con gái như tụi bay đâu.
 
Các chị còn ngây thơ, không hiểu ra sao cả, cứ tưởng ai cũng làm con gái một dạo, rồi sẽ thành con trai, chỉ chưa biết lúc nào mình sẽ thành con trai mà thôi. Nhưng con nít đâu có thắc mắc lâu, các chị đều thích thú vì có một đứa em mặt mũi phương phi, ăn mặc, tóc tai khác hẳn với mình. So với những tên con gái rất đẹp, rất dịu dàng của các chị tôi: Hồng, Diễm, Oanh, Nga, Loan thì cái tên Hạ của tôi nghe cũng ngang ngang, khác hẳn. Khách khứa, bạn bè, ngay cả mấy người hàng xóm đều lầm tưởng tôi là con trai, mọi người trong nhà cũng đã quen miệng kêu tôi là “thằng Hạ” thay vì "con Hạ”.
 
Thật tình trong giai đoạn này, tôi rất sung sướng vì được mặc toàn quần áo mới và được mọi người cưng chiều. Ba má mua cho tôi nhiều đồ chơi, toàn là đồ chơi cho con trai: xe tăng, tàu bò, máy bay, súng giả, kiếm gỗ… Ba má và các chị đều hãnh diện có một đứa con trai ở trong nhà, như bao nhiêu gia đình khác. Đi ra ngoài, ai cũng dành nhau dắt tay cu Hạ, và hễ được ai khen “thằng nhỏ kháu khỉnh” thì ba má tôi cũng sung sướng y như tôi đã là một “thằng nhỏ” thiệt sự. Chính tôi cũng tưởng mình là con trai, nên chơi toàn những trò mạnh bạo, và tính nết thì cứng cỏi, khô khan, vì tôi được huấn luyện như thế. Có lần thấy các chị bày trò bán hàng vui quá, tôi xán lại đòi chơi chung, tức thì bị xua đuổi:
 
- Ê, đi chỗ khác chơi! Trò chơi này dành cho con gái mà.
 
Mỗi khi tôi nhõng nhẽo, hay khóc nhè, thì cũng bị chế giễu:
 
- Lêu lêu mắc cỡ! Con trai mà mít ướt.
 
Thế là tôi vội nín bặt để khỏi bị mang tiếng là giống... con gái (!?!) 
 
Như thế đó, tôi được giáo dục, rèn luyện để dẹp bỏ cái bản tính nữ nhi của mình. Để khỏi bị chê là yếu đuối như con gái, tôi cũng tập đá banh, chạy nhảy, thả diều, leo cây bắt tổ chim, đánh đinh đánh đáo… Cả ngày dang nắng, da tôi đen nhẻm, tóc khét nắng, bây giờ bề ngoài trông tôi đã giống hệt một chú bé rắn giỏi, bậm trợn. Vì nỗ lực muốn là con trai, tôi có hơi quá đà, bắt chước cả những tác phong du côn, chưởi thề, đánh lộn của mấy đứa xếp sòng. Có một trận đánh đã để lại trên cằm tôi một vết rách, tôi bặm môi cố nhịn đau, không khóc. Ba cười ha hả, vuốt tóc tôi, khen:
 
- Hoan hô! con cho địch thủ đo ván rồi, giỏi quá.
 
Vết thương sau khi lành, để lại một vết sẹo dài, má an ủi:
 
- Con trai trông thế mới anh hùng.
 
Trời! cả ba má đều đã lậm quá rồi, tưởng tượng quá hoá thực, chẳng ai còn nhớ tôi chỉ là một đứa bé trai giả hiệu. 
 
Đội lốt con trai lúc nhỏ chẳng có gì trở ngại, chỉ khi lớn lên mới thấy rắc rối. Năm chín, mười tuổi, tôi bắt đầu thấy khổ sở hết sức vì cứ phải giấu giếm bản ngã của mình. Cho dù tôi đánh lộn rất hăng, chạy nhảy, leo trèo chẳng thua ai, nhưng thể chất vẫn là con gái, tôi không thể thắng được sự sợ hãi những vật rất tầm thường đối với phái nam, nhưng thật là ghê gớm đối với phái nữ. Tôi sợ những con vật nhỏ xíu, nhũn nhũn như sâu, nhện, trùn và nhất là những con chuột con đỏ hỏn, chỉ nhìn thấy thôi cũng đủ chết khiếp, thế mà cứ phải làm ra bạo dạn, để khỏi bị chê cười. Nhưng che dấu mãi cũng có ngày lòi đuôi, lũ bạn rắn mắc biết được nhược điểm của tôi, lại càng trêu tợn. Có lần bắt được một ổ chuột con, tụi nó lén bỏ vào túi áo tôi. Khi phát giác ra được, tôi đã hét lên kinh hoàng, liệng luôn cái áo rồi đứng khóc. Một đứa chạy lại vuốt má tôi, nhăn nhó làm trò khỉ:
 
- Đừng khóc nữa em nhỏ! để anh đưa em về bú tí má.
 
Thế là cả bọn rú lên cười, tôi rượt tụi nó không lại, nên tức tối chạy về nhà… mách má, để nghe má nói một câu xanh rờn:
 
- Nín đi cưng của má, con trai hỏng có khóc, người ta cười. Đừng thèm chấp tụi nó, má sẽ đền bù cho con.
 
Để an ủi, má mua cho tôi một cái tàu thủy chạy trên nước. Nhờ có cái tàu, tụi nó làm lành và nịnh tôi để gạ chơi chung. Cả bọn rủ nhau đi tắm sông, tôi cũng cởi trần, mặc quần xà lỏn, nhào xuống nước, bơi ùm ùm.
 
Mùa hè, tôi nhập bọn với lũ trẻ lối xóm đi câu cá. Tôi cũng vác giỏ, xách cần câu hăng hái lắm, nhưng tới khi phải móc những con trùn đang ngo ngoe gớm khiếp vào lưỡi câu thì tôi run lẩy bẩy, sợ muốn ói, không tài nào làm được, nên bị tụi bạn cho vào vòng loại, không cho chơi chung. Tôi phải năn nỉ gãy lưỡi, lần sau mới được tháp tùng, mà chỉ được giữ chân xách giỏ và được chia cho những con cá đẹt, hạng bét…
 
Tụi con trai chơi tàn ác kinh khủng, bắt dế chọi, cầm râu rế quay mòng mòng như chong chóng, lại đâm kim vào đầu dế để kích thích cho dế hung lên trước khi bắt đầu trận đấu. Tôi đứng nhìn cuộc tranh hùng mà bủn rủn cả người, dế say xông vào nhau, đá nhau chí tử, một mất một còn. Trong khi lũ con trai hò hét để hỗ trợ cho dế của mình, tôi thì thầm cầu mong cho cuộc đấu mau chấm dứt. Con nào thắng được tụi nó cưng như cưng trứng, con nào thua mà chưa chết, tụi nó ngắt đầu không nương tay. Tôi rùng mình, đợi tụi nó đi hết, tôi lượm xác con dế đáng thương kia lên, cho vào một cái hộp quẹt rỗng, đem đi chôn. Tôi đã âm thầm khóc trong cái đám ma dế đó, nhưng chỉ một lần đó thôi, tôi để dành nước mắt khóc cho cuộc đời của tôi sau này.
 
Thời gian trôi, tôi lớn lên trong thể xác con gái, nhưng tâm hồn và tính nết con trai. Vì đóng quá lâu một vở kịch, tôi đã nhập vai, diễn xuất một cách tài tình và thật tự nhiên vai trò của một cậu bé. Tôi đã nam hoá lúc nào không hay, từ cử chỉ, điệu bộ đi đứng, tới cách ăn nói, suy nghĩ, và hành động. Nhưng rồi một sự kiện xảy tới khiến tôi không thể tiếp tục giả trai được nữa. Năm mười bốn tuổi, tôi bắt đầu có kinh nguyệt, và thân thể phát triển với những đường nét của thiếu nữ. Trò chơi của ba má không thể tiếp diễn được nữa, vở kịch phải được chấm dứt, ba tuyên bố:
 
- Từ nay bé Hạ không được làm con trai nữa!
 
Chỉ giản dị có thế, tôi chẳng còn nhớ cảm tưởng của tôi lúc đó vui, buồn ra sao trước quyết định của ba má tôi. Mười bốn năm trong lốt con trai, giờ đột ngột phải làm con gái, tôi bỡ ngỡ như là vừa được tái sinh qua một kiếp khác.
 
Tôi được để tóc dài, vẫn mặc quần jean, nhưng được má tăng cường thêm cho vài cái áo thun có bông xanh, đỏ đủ màu. Mới đầu thì chẳng làm sao, vì thời buổi nay, bọn trai gái híp pi ăn mặc, tóc tai gần gần giống nhau, chẳng ai buồn để ý. Thế nhưng sau ba tháng hè, thấy tôi trở lại trường trong y phục áo dài, và móng tay sơn hồng, ôi thôi một cuộc địa chấn xảy ra, bọn học trò cả nam lẫn nữ đều ồ lên những tiếng kêu kinh ngạc, họ nhìn tôi như nhìn một con quái vật:
 
- Mẻ, thằng này mới đổi giống, tụi bay ơi!
 
Chúng nó xì xào bàn tán và đứng xa xa chỉ trỏ. Việc đến tai Ban Giám Hiệu, ba má tôi được mời đến, hồ sơ được mở ra, bây giờ họ mới bật ngửa ra rằng tôi chỉ là một đứa con gái đội lốt trai. Chẳng biết Ban Giám Hiệu nói gì với ba má tôi, nhưng khi về đến nhà, cả hai đều có vẻ nghĩ ngợi và buồn rầu, họ nhìn tôi bằng những cặp mắt áy náy, rồi thở dài.
 
Cuộc đời của tôi bắt đầu lật qua một trang vở mới, lũ con trai lánh xa tôi như lánh hủi, tẩy chay không cho tôi chơi chung các trò chơi thả diều, đá banh, tennis là những môn thể thao xưa kia chúng vẫn phục tôi là tay cừ. Tôi tìm đến làm quen với lũ con gái, nhưng chúng nó lạnh nhạt lờ đi, có đứa còn tàn nhẫn nói thẳng vào mặt:
 
- Tụi tôi không thích kết bạn với những người lại cái.
 
Tôi xấu hổ chỉ muốn độn thổ, làm sao chứng minh tôi cũng là con gái như chúng nó? chẳng lẽ lại cởi quần áo ra khoe cái giống của mình? Nhục quá, tôi chỉ muốn khóc, nhưng không khóc được, ngay cả mạch nước mắt cũng khô cạn vì bao nhiêu năm cứ bị đè nén.
 
Không chịu nổi những lời đàm tiếu, tôi chán nản chỉ muốn bỏ học. May sao một năm sau, gia đình tôi có giấy đi định cư tại Hoa Kỳ do chị Hồng bảo lãnh, chị lấy chồng người Mỹ từ hai năm trước. Thật sự ba má cũng không muốn xa rời quê huơng, xa mồ mả, tổ tiên của ông bà, nhưng ba má muốn chuộc lỗi với tôi, ông bà quyết định đem tôi đi xa, đến một nơi hoàn toàn xa lạ, không ai biết tung tích của tôi. Nơi đây cũng có nhiều gia đình Việt Nam đến từ nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng thật may, họ không biết gia đình tôi. Nơi đây, tôi học làm con gái trở lại, tôi sửa tướng đi, sửa cách ăn nói, cố gắng tìm cho ra một người bạn trai. Thật không dễ dàng, bao nhiêu năm làm con trai đã tạo cho tôi một dáng đi cứng cỏi, nói năng dạn dĩ, tự nhiên, không e dè, ý tứ, và tính tình thì thẳng thắn, bộc trực với những tiếng cười hào sảng, hồn nhiên… Tất cả những cử chỉ này đều thật đẹp đối với phái nam, nhưng thật là khó coi đối với phái nữ. Cố gắng cách mấy, tôi vẫn có dáng vẻ của một cô gái ba trợn, và bị bạn bè trong trường đặt cho danh hiệu “tom boy” nghĩa là một người nam trong thân thể nữ.
 
Là con gái mà tôi ăn nói không mềm mỏng dịu dàng, không biết yểu điệu, làm dáng, không yêu hoa, yêu bướm, không thích mộng mơ, không biết bàn chuyện thời trang… nên lũ con gái chẳng đứa nào muốn kết bạn. Tôi cũng không biết e lệ, không biết làm duyên, nhõng nhẽo với bọn con trai để được chiều chuộng, nịnh đầm… Buồn hơn nữa, lũ con trai trề môi, chê tôi con gái gì mà tướng tá thô kệch, cái mặt xấu xí có thẹo, chân tay gân guốc, kết quả của những trận đấu bóng rổ, đá banh, leo cây, đánh đu…
 
Chẳng bên nào công nhận tôi thuộc phái của họ. Tôi cũng hoang mang tự hỏi mình là ai? nam hay nữ?  Phải đội lốt con trai quá lâu, tôi đã mất đi nữ tính, và ngoại hình cũng bị ảnh hưởng.
 
Các chị của tôi chẳng những đã xinh đẹp, mà người nào cũng biết nấu nướng, vá may rất khéo, còn tôi làm việc gì cũng lụp chụp, đổ vỡ nên thường bị má rầy:
 
- Cái con này đoảng, sao mà vụng về quá trời vậy nè?
 
Má quên rằng chính má muốn cho tôi làm con trai, nên má và các chị có ai dạy tôi bếp núc đâu?  Bị rầy oan, tôi không cãi nhưng buồn lắm, nếu có thể khóc được, có lẽ sẽ dễ chịu hơn nhiều.
 
Nhưng tôi không khóc, từ nhỏ, tôi đã được dạy dỗ không được tỏ ra yếu đuối, phải cố chiến thắng bản năng của mình. Thật tình, tôi cũng chẳng mấy thích thú công việc nấu nướng, nhưng tôi cảm thấy tủi thân bị mọi người trong nhà ngầm cho là vô tích sự, làm việc gì, chẳng bao giờ mẹ và các chị nhờ đến tôi. Ở trường thì cô đơn vì không có bạn, tôi dồn hết tâm trí vào việc học và học rất giỏi. Tôi biết làm gì hơn là vùi đầu vào sách vở? tôi chỉ thấy niềm vui qua sách vở. Năm mười tám tuổi, lên đại học, tôi chọn ngành y khoa, thực hiện cái mộng làm bác sĩ, chẳng phải vì lý tưởng cứu nhân độ thế, mà vì tôi nghĩ cái nghề này khô khan, hợp với con người khô khan của tôi. Tôi tốt nghiệp bác sĩ năm ba mươi tuổi. Trong thời gian này, các chị của tôi lần lượt đi lấy chồng cả, ai cũng khen ba má tôi có phước, gả trôi được năm cô con gái. Nhưng đến đứa út thì tự nhiên khựng lại, mà khựng lâu lắm. Chị kế tôi chỉ hơn tôi một tuổi mà đã có hai con, còn tôi bây giờ đã ngoài ba mươi, mà vẫn chưa có đám nào đi nói. Ba má sốt ruột, các anh rể được rỉ tai bảo giới thiệu bạn trai cho cô út. Có vài người đến coi mắt, nhưng rồi lặng lẽ rút lui, chắc chẳng có cậu trai nào thích cưới một cô gái xấu xí, có tướng đàn ông. Mẹ tôi thất vọng, nghe bà thở vắn than dài, tôi càng thêm buồn tủi.
 
Không, tôi không đổ lỗi hoàn toàn cho ba má tôi, có lẽ bản chất bẩm sinh của tôi lúc nhỏ cũng là một đứa bé gái ngang tàng, dung mạo lại không xinh đẹp, dịu dàng như các chị của tôi. Nhưng nếu cái nam tính ấy không được thúc đẩy để phát triển mạnh mẽ thêm, thì sẽ từ từ giảm đi, và khi lớn lên, có lẽ tôi cũng sẽ trở thành một thiếu nữ bình thường, có chồng con tử tế. Thiếu gì những cô gái xấu xí mà vẫn lấy được chồng? Nhưng đã muộn rồi, ba má hối hận nhận thấy hậu quả đó do ba má gây ra, nên cố gắng yêu thương, bù đắp cho tôi nhiều gấp đôi các chị. Cả nhà chỉ có mình tôi được ăn học tới nơi, tới chốn, đỗ đạt cao, có danh vọng, có địa vị. Tôi làm ra nhiều tiền, nhưng tiền bạc đâu có mua được hạnh phúc? 
 
Mỗi lần được mời đi dự một đám cưới, má tôi lại thở dài tự trách, và nhìn tôi với vẻ áy náy. Tôi xốn xang khó chịu, nhưng vẫn gượng cười, nói đùa:
 
- Cần chi phải lấy chồng, hở má? con sống độc thân như thế này cũng có cái thích, vì không phải vướng bận.
 
Thật ra thì tôi chỉ nói cứng ở ngoài miệng, chứ trong thâm tâm thì nghĩ khác, tôi cũng muốn được làm vợ, làm mẹ, sống cuộc đời bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác. Tôi biết cuộc đời độc thân bất đắc dĩ của tôi sẽ lạt lẽo, vô vị lắm, danh vọng, bạc tiền bao nhiêu cũng không thể lấp đầy cái khoảng trống cô đơn đó được.
 
Đời sống ở bên Mỹ văn minh, tân tiến, luân lý không khắt khe như ở bên nhà. Người Mỹ tư tưởng tự do, phóng khoáng, nam nữ giao du với nhau một cách tự nhiên, không phải lúc nào cũng có tình ý. Ra trường, đi làm, tôi có nhiều bạn, cả nam lẫn nữ, nhưng tình bạn không thể thay thế được tình yêu. Đúng ra có một lần, tôi được lọt mắt xanh của một anh đồng nghiệp người Mỹ gốc Phi Châu, làm chung trong cùng bệnh viện. Khi anh ta ngỏ lời yêu tôi và muốn cưới tôi làm vợ. Không do dự, tôi từ chối ngay, chẳng phải vì kỳ thị anh da đen, cũng chẳng phải vì anh lớn tuổi - anh năm mươi, còn tôi cũng gần bốn chục - mà chỉ vì khổ người anh to lớn quá, nặng gấp đôi người tôi, mặt anh trông dữ dằn… Nhưng lý do chính mà tôi ngại nhất là cái dĩ vãng đã ba lần ly dị vợ của anh. Bị tôi từ chối, anh phật ý, bỏ đi làm nơi khác. Thôi cũng xong một bề.
 
Cha tôi qua đời năm tôi vừa tròn bốn mươi tuổi. Tôi ở với má, các chị có gia đình riêng, bận bịu con cái và ở xa, nên ít khi tới lui thăm viếng. Nhà chỉ còn hai má con, vắng vẻ lại càng thêm buồn. Không còn hy vọng lấy chồng, tôi chuyển qua hướng đi mới, lấy công việc làm vui. Tôi bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu về cách chữa bệnh tâm thần. Công trình nghiên cứu của tôi có vài kết quả gây được sự chú ý, được báo chí đăng tải, và tên tôi được nhiều người biết đến. Tôi thật sự chẳng thích thú gì lắm, tôi không thích nổi danh, cũng chẳng muốn là một người đàn bà của khoa học, tôi miệt mài làm việc chỉ để quên đi cái thời gian dài đăng đẳng mà vô vị.
 
Một hôm người ta giao cho tôi một bệnh nhân người Việt Nam còn trẻ, mắc bệnh tâm thần, cô bị khủng hoảng thần kinh sau khi chứng kiến cái chết của cha mẹ trong một thảm cảnh gia đình. Cha cô là một người nghiện rượu, mỗi khi lên cơn say thường đánh đập vợ con rất tàn nhẫn. Mẹ cô cắn răng chịu đựng, không đi khai báo, cũng không dám ly dị, phần sợ bị chồng trả thù, phần sợ xấu hổ (!?!) Lần cuối cùng, trong một cơn uất ức vì bị chồng đối xử tàn bạo, mẹ cô đã dùng con dao bếp chém liên tiếp vào cha cô cho tới chết, sau đó bà cắt mạch máu tự tử, trước sự chứng kiến kinh hoàng của cô. Khi người ta đem cô vào bệnh viện, trông cô không còn hình thù của con người, đầu tóc rối bù, đôi mắt lạc thần. Cô ngồi thu hình trên giường như một con thú bị thương, thỉnh thoảng lại sợ hãi kêu rú lên từng chập. Hồ sơ bệnh lý ghi:
 
“Nguyễn Thị T, nữ 26 tuổi, độc thân, làm việc bán hàng trong một siêu thị.  Trong quá khứ đã hai lần phải nhập viện:
 
Lần thứ nhất: ngày… tháng…năm… hội chứng mental aberration (rối loạn tinh thần)
 
Lần thứ hai: ngày… tháng… năm… hội chứng depression (trầm cảm)
 
Thường xuyên mất ngủ, hơi bị thiếu máu, ngoài ra mọi thử nghiệm khác đều bình thường.”
 
Tôi nhìn người bệnh của mình, cô ta trông gầy còm yếu đuối, mặt mũi bơ phờ, hốc hác, ngơ ngác đến tội nghiệp. Cô từ chối tất cả mọi sự săn sóc, và co rúm người lại mỗi khi có nam y tá tới gần. Tôi hiểu lý do là vì cô ta sợ đàn ông, nên ra lệnh mọi cho mọi người lui ra hết. Khi chỉ còn một mình tôi, cô ta có vẻ yên tâm hơn. Tôi nhẹ nhàng bước tới, đặt tay lên vai cô, mỉm cười làm quen, tôi bắt đầu hỏi han…
 
Hai tuần sau, chúng tôi đã thân nhau như đôi bạn, T kể cho tôi nghe vì sao cô không lập gia đình, mặc dù có nhiều người theo đuổi, vì cô có nhan sắc. Cô sợ đàn ông, trong suốt quãng đời thơ ấu, cô đã phải chứng kiến những cảnh tàn bạo, cha hành hung mẹ, khiến cô rất sợ cha, sợ luôn tất cả những người đàn ông, nói chung. Theo cô, tất cả đàn ông đều là những tên vũ phu ác độc, cần phải lánh xa, cô chỉ có thiện cảm với người cùng phái… Cô kể bằng một giọng hết sức chân thành, dứt lời cô ôm mặt khóc, vẻ yếu đuối, bi thương trông rất tội nghiệp.
 
Thời gian trôi, vụ án dần dần chìm vào quên lãng, không được đem ra xét xử, vì cả hung thủ lẫn nạn nhân đều đã chết. Cô nhân chứng cũng đã lành bệnh, tôi ký giấy cho cô xuất viện. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, không phải liên lạc giữa bác sĩ với bệnh nhân, mà là liên lạc giữa hai người bạn gái cùng hoàn cảnh cô đơn, tìm đến nhau, chia sẻ tâm tình. 
 
Từ khi có T là bạn, tôi không còn cảm thấy cô đơn, chúng tôi cảm thông nhau, thương yêu, giúp đỡ, chăm sóc, an ủi lẫn nhau. Tôi thương hoàn cảnh của T, thương cách ăn nói dịu dàng, thương vẻ mong manh yếu đuối của T, vẻ yếu đuối mà tôi rất muốn đem sức mạnh của mình ra che chở. Ngược lại T cũng tìm thấy ở tôi một người hiểu cô hơn hết, một người đủ vững mạnh để cô nương tựa, một người mà cô đặt hết lòng tin sẽ đem lại cho cô niềm vui trong cuộc đời đầy những đau khổ này. Cả hai đều cảm thấy sự hiện diện của người nọ đối với người kia là cần thiết. Dần dần tình yêu nẩy nở, chúng tôi cảm thấy không thể sống thiếu nhau được. Sau khi T bán căn nhà vẫn gợi cho cô những kỷ niệm buồn, chúng tôi làm đám cưới. Tôi đem T về sống chung như hai người bạn đường, như đôi tình nhân khắng khít, rất hạnh phúc, rất sung sướng... 
 
Từ ngày có T, cuộc đời của tôi bỗng thay đổi hẳn, một chân trời mới như mở rộng trước mắt, tôi thấy đời sống sao mà đẹp quá, đáng yêu quá. Mọi mơ ước đều trở nên hiện thực, tôi có đủ cả, danh vọng, tiền bạc và tình yêu… Bây giờ tôi sống cho tôi, cho người tôi yêu, bất chấp sự chê cười, xa lánh của mọi người chung quanh, kể cả gia đình tôi nữa. Khi tôi thú nhận là tôi yêu T và đang chung sống với T, các chị đã nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi lẫn kinh tởm.  Chị Năm bưng mặt khóc:
 
- Hạ ơi! thế là từ nay chị mất em, cuộc đời em coi như bỏ đi rồi.
 
- Sao mày lại đổ đốn ra thế? Chị Sáu giận dữ mắng: "Uổng công ba má nuôi mày ăn học, tưởng đem danh giá đến cho gia đình, nào ngờ…”
 
- Tụi tao vô phước có đứa em ô môi, xấu hổ quá. Bây giờ ra đường, chúng tao phải che mặt, không dám nhìn thiên hạ. Chị Ba, chị Tư chì chiết.
 
Chị Hai tàn nhẫn hơn:
 
- Mày và con yêu quái đó đi luôn đi, đi cho thật xa, đừng bao giờ về nữa, tao nhục với bạn bè, họ hàng, với gia đình nhà chồng...
 
Còn má tôi thì không nói gì cả, bây giờ bà đã già lắm, không đủ tỉnh táo để phản đối hoặc có ý kiến. Má cũng chẳng còn nhớ trò đùa của má năm xưa, tưởng rằng vô hại, không ngờ đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời của tôi. Chắc là định mệnh đã an bài, thôi thì cứ nhắm mắt phó thác cho số mệnh.
 
Câu chuyện của T và tôi khởi đầu là như thế, diễn biến đi đến kết quả thiên hạ xầm xì chúng tôi là ô môi, họ nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt tò mò và khinh bỉ. Mặc kệ, chúng tôi phải sống cho mình, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu. Thiên hạ chỉ biết chê trách, không biết cảm thông, chúng tôi thương yêu người cùng phái, đâu phải là một tội ác? cũng chẳng làm hại đến trật tự xã hội. Chúng tôi cũng chỉ là những con người thôi, những con người bình thường như tất cả mọi người, vì bản năng bẩm sinh, hoặc vì hoàn cảnh đặc biệt, nên tìm đến với nhau, có gì là không đúng chứ? Trong trường hợp nào, chúng tôi cũng chỉ là những người đáng thương, chứ không đáng trách, trời bắt phải mang cái nghiệp oan trái, chứ chúng tôi có muốn thế đâu?
 
Nếu coi đây là một chứng bệnh thì người bệnh cũng đâu có lỗi? Do bẩm sinh, những con người đồng tính luyến ái có đời sống tình dục bất bình thường, không theo định luật âm dương, chứ chẳng ai muốn làm một người dị biệt. Làm gì có cái mốt ô môi? làm gì có phong trào đồng tính luyến ái? Căn bệnh bẩm sinh này, thời nào cũng có. Ngày xưa, luân lý khắt khe, người ta che đậy, giấu giếm sự thực, không ai dám bộc lộ, sợ xấu hổ… Những con người khốn khổ đó đã phải cắn răng chịu đựng, không dám sống cho mình. Có người gượng ép lập gia đình, lấy người khác phái, và cũng sinh con, nhưng không có hạnh phúc, kết quả thường đi đến tan vỡ, chẳng những khổ cho mình, mà còn khổ lây đến người hôn phối. 
 
Ngày nay theo đà văn minh, trong một xã hội tân tiến, con người cũng cởi mở hơn xưa, chẳng ai muốn cứ phải giả dối mãi. Chúng tôi chỉ mong được công khai sống theo cách sống của mình, không muốn cứ phải lén lút núp trong bóng tối nữa, mong sao nhân loại sẽ vì tình người, chấp nhận sự hiện hữu của chúng tôi và cho chúng tôi có một chỗ đứng trong xã hội.
 
 
Phương Lan
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com