Phạm Thiên Thư - Khóc nhau xin nhỏ lệ vào thiên thu
Vậy mà rồi họ gặp lại nhau giữa cái thế giới lúc nhúc người là người sau khi kéo nhau bỏ nước chạy tán loạn vì “được” ... giải phóng. Chuyện lạ. Mà còn lạ hơn nữa, sau khi mọi thứ mơ mộng đã bị lột trần trụi theo đà lớn đại của tuổi tác, và nhất là sự phản bội trắng trợn của lịch sử, gặp lại nhau rồi họ lại... yêu nhau cho được. Cái đó mới kỳ.
Số là, có một lúc nào đó khoảng nửa phần sau của thế kỷ trước, một người sanh đẻ đâu tận ngoài Trung rồi theo gia đình lánh giặc chạy tuốt vô trong Nam tới chỗ gần như hết chỗ chạy, ở lại đó từ khi tóc cắt bum-bê tới khi biết thả lỏng ngún nguẩy nửa lưng. Còn người kia thì sanh đẻ đâu miệt Cai Lậy Cái Bè rồi được cha mẹ gởi cho lên Sài Gòn ăn học là chánh, phụ thêm vài món ăn... chơi. Xong xuôi dù được cha mẹ cưng như trứng mỏng lại không chịu về quê mà lại xách vali xuống tới hết chỗ xuống để lập nghiệp.
Đường đời trăm vạn ngả, hổng chọn ngả nào lại ngay ngả... tiền định mà chọn! Dẫu vậy, cũng có suôn sẻ gì đâu. Dẫu gặp rồi biết, rồi quen... rồi... níu kéo nhau vào tuyệt lộ cũng phải trải qua mấy chục năm trường. ..........
Hồi đó - ôi cái tiếng hồi đó gợi lên nghe xa lơ xa lắc mà nghe ra thương ơi là thương - hồi đó gọi bà là nàng cho đúng thời... hồi đó.
Hồi đó, tóc nàng đen đen, ngắn-chưa-đầy-búi, dẫu vậy trời đã giấu sẵn sắc hương khi hoa còn mới nụ. Gái mới lớn, thiên tư đĩnh ngộ. Mắt sáng, thông minh, thùy mị, mặc áo dài còn suôn đuột, ngày hai buổi đến trường, mắt cứ chăm chăm vào sách vở. Bạn bè trai gái trêu chọc mà lòng không chút vẩn vơ. Nàng lo học, mọi thứ. Từ bài vở nhà trường đến công dung ngôn hạnh. Con đường từ nhà tới lớp dài thậm thượt, lúc nắng sớm khi mưa chiều, nàng đạp xe đi về, đều đặn như con thoi trong khung dệt. Có khi chút sương muối thấm vai áo mỏng làm nàng rùng mình khi qua cầu buổi sớm. Có khi vệt trăng khuya chợt xiên ngang phòng học làm nàng chợt ngó lơ ra trời đêm. Nhưng rồi mọi thứ trở lại bình thường, chút bâng khuâng như cái hắt hơi bất chợt khi trời trở gió, không đủ sức làm nàng quên lãng chuyện học. Cha mẹ, thầy cô, bạn bè, em út... ai cũng mến chuộng. Vả lại, là con gái mà ý chí lại cao, thích học hỏi, cứ nghĩ sẽ có ngày đem tài năng đi phục vụ xã hội. Tiền mẹ cho ăn hàng, lại cứ để dành mua sách đọc.
Giữa thời kỳ đang học đòi đổi mới, phái đẹp ai cũng cho mình có quyền... làm đẹp. Quần là áo lụa, phấn son, kiềng vòng, giày dép... hổng mua được đồ thiệt thì xài đồ giả. Thời đó, đồ giả Hồng Kông bán chạy như tôm tươi. Vả lại, luật pháp bắt ở xa mà ngắm, có cho ai sờ soạng đâu mà biết thực hư. Bởi vậy đẹp xấu gì cũng chưng diện thả dàn. Vậy mà nàng cứ dửng dưng dầu gia đình thuộc hàng khá giả. Từ nhỏ xíu áo bà ba nút bóp gài tới tận cổ, lớn chút nhiều lắm là cổ bà lai hơ hớ cái ức ngực phập phồng, đến chừng trổ mã vẫn những chiếc áo dài tơ trắng đơn sơ, quần sa-teng đen trơn láng ... Ngay cả khi những người bạn cùng lớp đã õng ẹo những chiếc áo nịt viền ren ríu rít, nàng vẫn y nguyên chiếc áo lá không tay mà mẹ đã may cho bằng vải tơ trắng, phủ hờ hai núm ngực mới vừa nhu nhú như núm cau. Cái kiểu ngây thơ mà không hay nằm vạ. Vậy rồi, theo thời gian, nàng lớn lên. Tóc đen thêm pha lẫn chút huyền. Đôi con mắt tinh anh giấu giếm đôi khi những tia nhìn xao xuyến. Mình mẫy căng đầy theo năm tháng, chỗ nông sâu thêm sắc sảo. Và bắt đầu nhúm cỏ tơ huyền níu theo tuổi xuân mà ríu rít. Nói chung, nghĩa là nàng đã vào tuổi thiếu nữ để yêu và được yêu như bất cứ ai cùng trang lứa. Dù là tình yêu kiểu Paul et Virginie hay như Cécile trong Bonjour tristesse của Françoise Sagan. Nhưng không. Nàng vẫn khăng khăng đi theo con đường đã chọn từ nhỏ. Vẫn sách vở. Vẫn bút mực. Học trong trường không đủ, nàng xin tiền cha mẹ đóng thêm lệ phí cho những cua đêm hay cuối tuần... Ngày tháng vẫn chỉ bầu bạn với sách vở học trò, chẳng thèm để ý gì đến những tia nhìn liếc ngang liếc dọc của đám con trai đồng lứa. Điểm lạ nhất giữa hồn thiếu nữ là trái với cái quan niệm thông thưòng của hết thảy người đi học là hễ giỏi toán với khoa học thì chẳng màng gì tới văn thơ. Và ngược lại. Vậy mà không. Điểm toán cứ cao mà điểm văn chương cũng không thấp. Ba cái định đề của hình học với mớ phương trình đại số, công thức hóa học với định luật vật lý nếu đã thao thao thì mấy lời thủ thỉ của Bà Huyện Thanh quan một buổi chiều hôm lỡ bước vẫn làm ray rứt con tim non chưa từng sứt mẻ. Có lần học những lời than thở của cung nữ chốn lãnh cung, mắt nàng lại rưng rưng như chính mình phận số hẩm hiu!!!
Vậy đó, con gái mới lớn vốn-sẵn-tính-trời, dẫu không thiếu mấy mũi tên nhọn của mấy cậu Appolo đồng lứa nhắm bắn tới tấp, nàng vẫn nhẹ nhàng thanh thoát lăng ba vi bộ thoát hiểm. Ngặt nỗi, chẳng biết tại sao, mà có ai biết được tại sao, họa may là chỉ có ông trời mà ông trời thì người ta lại hay la là không có mắt, vậy thì còn ai mà biết được cái chuyện ngặt-nỗi nầy. Con đường thiếu nữ nàng đi lẽ ra phải suôn sẻ thẳng thớm như mặt giấy trắng học trò nàng hay nâng niu mỗi khi cắn bút làm bài. Vậy mà không. Không? Không! Mặc kệ cái đám yến anh rắp ranh bắn sẻ nàng cứ chắc dạ làm ngơ. Mắt chỉ đăm đắm vào sách vở mặc kệ tấm thân con gái cứ phơi phới dậy thì. Ngày qua ngày... mọi lời ong bướm chẳng để lọt vào tai.
Cho tới khi... Ờ cho tới khi, khi nào nàng cũng không nhớ rõ, chỉ mài mại khi sắp hết tuổi Trung Học... bỗng dưng có một lần nào đó, lớp vỏ cứng bọc kín trái tim nàng bỗng hở một đường kẽ, để lọt vào... một cái gì chưa từng, một khuôn mặt rất quen mà chừng vẫn lạ, một giọng nói nghe ra thân thích mà chẳng hề ruột rà, một dáng dấp gần mà lại như xa, xa như cái khoảng cách khắc nghiệt của lề thói xã hội thời đó... dưng không rồi đâm sầm vào lòng nàng mà nàng không hay biết. Cái kẽ hở độc hại đó, nó hé ra rồi bít kín lại tức thời. Từ đó nàng nhìn nàng kỹ hơn mỗi buổi sáng soi gương. Từ đó nàng vén vạt áo dài duyên dáng hơn mỗi khi ngồi xuống ghế.
Ôi sự huyền diệu bất nhơn của trái tim thời mới lớn.
Vậy đó, rồi nàng đi tiếp con đường nàng đã chọn mà không đắn đo gì về những xáo động tận trong góc kín của tâm tư. Dĩ nhiên đó không phải là một cơn phong ba. Đó chỉ là một chút sóng ngầm, lặng lẽ vỗ đập, vỗ đập cùng tận dưới đáy lòng nàng, vốn vẫn như một vùng biển lặng.
Đường nàng đi vốn có hoa có bướm. Và có những mộng ước bình thường như mọi con gái con nhà lành nào khác. Học hành thành đạt. Việc làm tốt, vừa báo đáp cha mẹ vừa phục vụ đất nước xã hội. Rồi lập gia đình xứng đôi vừa lứa. Rồi sinh con đẻ cái nối tiếp cái vòng đời lẩn quẩn lăng quăng không biết mệt... Chỉ có một trục trặc nhỏ, nhỏ xíu, mà nàng không ngờ tới. Mà có ai ngờ được đâu. Cái thứ tình cảm lộn mâm lộn chén. Cái thứ tình cảm trái chìa, trật trịa đủ điều, tuổi tác, danh phận, ngôi thứ... mấy cái thứ vẽ vời của một xã hội vốn dĩ đã và đang ngủ gà ngủ gật từ thuở ông Khổng Tử còn đi chu du thiên hạ! Cái bóng, cái vóc, cái dáng... đã có lần len theo kẽ hở mà lọt vào trái tim nàng, cái bóng, cái vóc, cái dáng đó đó, nó chen lọt vô mê cung của lòng nàng rồi là không chịu chen ra nữa. Nó ở miết trong đó, lẫn lút, len lách, lấp ló, lững lờ... như có như không, như tròng như tréo... nó khéo tới nỗi ngay cả chính nàng, nàng cũng không ngờ tới. Nó theo nàng đi sớm về trưa, ăn ngủ, học hành, đôi khi lẻn theo một cơn gió thoảng trên rặng liễu trước nhà làm lòng nàng chợt xao xuyến. Rồi thôi. Có khi nhập theo một câu thơ tình lãng mạn của ai đó làm nàng chợt thấy bâng khuâng. Rồi cũng thôi. Nàng vẫn yên tâm yên lành nương theo con đường đã chọn. Cho đến khi xảy ra... một cái trợt chân. Ờ một bước chân lỡ trợt. Rồi... có một cái gì đó mà chẳng biết là cái gì giữ ghịt mớ hình sương bóng khói đó lại trong tầng sâu, kín nhất của lòng. Nàng biết vậy đó, mà không muốn đuổi đi dù thật ra cũng không biết là có thể giữ lại không nữa. Nó đã ở đó thì ở lại đó. Vậy thôi. Rồi-cứ-thế-dòng-đời-trôi-lặng-lẽ...
Xảy cái, lịch sử nổi điên. Cuộc đời son trẻ của nàng rồi cũng phải chịu cảnh ba đào như phần số chung của dân tộc. Tháng Tư năm Bảy Lăm, miền Nam mất. Chút may mắn vì sinh sau đẻ muộn, nàng không phải chịu cảnh trầm kha như lớp anh chị chú bác. Nhưng rồi vừa lên đại học cũng phải bỏ ngang mà theo cha mẹ tìm ghe bỏ xứ. Nàng bỏ xứ sở, bỏ lại hết mọi thứ, quần áo, sách vở, vòng vàng, bạn bè thân sơ và mộng mị... Nhưng có một thứ, dẫu đã tượng hình nhưng có rõ rệt gì đâu, nàng vẫn đem theo. Đem theo mà cứ ngờ ngợ là bỏ lại. Xứ người, nàng học thêm tiếng Mỹ rồi tiếp tục theo chương trình đại học. Năm thứ nhất, thứ hai. Năm thứ ba, thứ tư rồi ra trường. Mấy năm đại học, bus đầu ngày khi tuyết giăng giăng mù phố xá, bus cuối ngày khi đêm đã chập choạng lọ mặt người, nàng lặn lội đi sớm về trưa, âm thầm chăm chú học tập. Dòng đời trôi chảy không biết mệt. Mọi việc tuần tự diễn ra theo kiểu mấy hột lúc lắc đổ xí ngầu. Nàng có thêm bạn mới, tình cảm cũng xoay trở theo nhịp sống mới. Cái bóng xưa lúc thúc trong lòng nàng, khi bên ngoài, cuộc đời mới dang tay đón nàng vào, rạng rỡ. Có việc làm mới, đời sống khá hơn. Rồi thì cũng y như cái giọng điệu mà Nguyễn Bính đã chắc mẻm gái-lớn-lên-ai-chẳng-lấy-chồng, nàng bắt đầu được nghe những lời rủ rỉ rù rì của mẹ, khi ngon ngọt, lúc trì tréo. Nghe riết cũng thành quen, nhưng rồi đến lúc sức ép trở thành nước mắt ngắn nước mắt dài làm nàng hết chịu nổi. Lại nữa, cái thứ tin dữ từ quê nhà đưa sang mỗi ngày một tệ hại hơn, cả nước trở thành một cái nhà tù lớn giam giữ bên trong muôn ngàn cái nhà tù nhỏ, mất hút trong đó, người nàng muốn đợi! Thúc ép, dẩy nẩy, cự nự... chần chờ... chần chờ... rồi... rồi... nàng lập gia đình với người con trai đã đeo đuổi nàng từ lúc còn là láng giềng cách nhau có cái-giậu mồng-tơi-xanh-dờn ở quê nhà, vượt biên chung tàu, tị nạn chung xóm rồi học hành đỗ đạt chung trường. Kể ra cũng đáng làm gương cho những trai gái bỏ quê đi tứ xứ. Nàng làm vợ. Rồi làm mẹ. Rồi tan vỡ. Ly hôn. Có điều nàng không ngờ. Ngay trong đêm tân hôn, giữa gối chăn xô lệch, nàng đã chảy nước mắt. Giọt nước mắt hạnh phúc? Không! Có một điều gì làm nàng tức tưởi. Làm như một thất hứa dẫu đã có đâu ra đâu, một hẹn thề.
Từng mùa thu qua hốt đi từng bựng lá vàng, kể cả hạnh phúc và khổ đau. Tóc dài thêm, uốn cong rồi cắt ngắn... rồi lại ra dài. Sợi đen huyền có lúc lợt lạt thanh xuân ngả sang màu thu úa. Nàng nuôi con, một mình. Cái bóng trong lòng vẫn lủi thủi đi theo. Ngày lại ngày qua. Năm này năm khác.
Hồi đó (bis)
Hồi đó ông cũng còn là... chàng. Kể ra chàng cũng con nhà gia giáo. Tội cái chỉ có ham chơi. Tuổi nhỏ, học trong trường sở đã đủ, chàng lại còn ham học hỏi... nơi trường đời. Mới nứt mắt, đã theo bạn tụ năm tụ bảy nơi đầu phố, áo phanh ngực, hút lén thuốc lá lẻ ba-đồng-bốn-điếu-Ruby, thi nhau thả khói chữ o, lấy le với quí vị nữ nhi qua lại. Lớn lên chút, vào Trung Học, ngày ngày cũng sách vở cặm cụi trong lớp với thầy cô, nhưng trống tan trường vừa dứt tiếng đã phóng theo đàn anh qua lại mấy cái quán xá học đòi Dương Châu mộng. Đèn đỏ đèn xanh rượu vàng rượu trắng, thứ nào cũng thử cũng nếm cho biết mùi đời... Đã vậy, lại còn thả lòng mê mẩn mấy tay phóng đảng làm thơ khi un khói tương tư thảo, rải chữ nghĩa phù thủy làm mộng mị suốt một thời mới lớn. Chàng sống nửa thực nửa chiêm bao. Vậy mà rồi trời thương trời dắt hay sao mà cũng trải qua mấy kỳ thi trót lọt. Lên tới đại học, lọt vào ngay cái trường dạy làm cái nghề y như đóng khung nhốt tranh. Cạnh dài cạnh ngắn phải thẳng băng, góc vuông 90 độ thiếu điều không được sai chạy một nhẻo. Thiệt là tréo ngoe với tâm địa. Bởi vậy, nhớ tới những lúc bung thùa phá phách ở quê xưa, vừa ra trường, chàng đã chọn nhiệm sở ngay cái chỗ xa quê không-còn-đâu-xa-hơn-nữa. Cái chỗ rồi ra trở thành bến đỗ cho con thuyền đã lạc nẻo, từ khi...
Số trời! Bởi vậy cho nên. Mấy năm đầu, chàng sống và làm việc như trửng giỡn với cuộc đời. Dẫu chiến tranh và nghề nghiệp vẫn như con ngáo ộp hù dọa loanh quanh, chàng vẫn tìm được ra cho mình ngả rẽ lối tắt để sống cái phần thực của mình, để khỏi biến thái theo những lề thói giả tạo. Một chút nghiêm trang, một chút dung dị, một chút cung cách, một chút phóng túng và rất nhiều chân thành. Lòng mở ra như vòng tay mở ra hết mức, rộng đến muôn trùng để ôm hết cả cái thế giới chung quanh, dù thế giới đó có hoa bướm hay đầy rẫy đạn bom, dù hồn nhiên hay dạn dày sóng gió. Từ trong vô thức, như có gì thúc giục chàng đáp đền ơn nghĩa mà đất nước ông bà đã un đúc cho riêng, xúi chàng yêu đời yêu người dù đời dù người có đáng yêu hay không lại là chuyện khác.
Chàng sống, làm việc ... và tuổi trẻ dọn cho chàng đầy thực phẩm của trần gian. Có món mặn món ngọt món bùi món lờ lợ, nhưng tuyệt đối không có món chay tịnh. Món nào cũng âm ấp ân tình ân nghĩa. Đời sống bao la, chàng như ngựa chứng được thả lỏng dây cương, mặc tình chạy nhảy. Đời đẹp như một bài thơ tự do bất cần vần điệu. Chính lúc đó, lúc nào, ai mà biết được. Ai đem phân chất một mùi hương. Hay bản cầm ca tôi chỉ thương. Đúng vậy ai mà xác định được tôi yêu hay bị (được) yêu giờ Tý hay giờ Tị, ngày hoàng đạo hay ngày tam nương, tháng Giêng năm nhuần hay tháng Chạp năm hổng nhuần. Cái chuyện nó tới thì tới, mà không tới thì dẫu có chắp tay xin xỏ cũng đành không. Ngày đó tháng đó năm đó chàng được nàng để ý tới rồi nhốt trong lòng suốt bao nhiêu năm mà chẳng ai biết ai hay. Mà cũng ngộ, chàng vốn dĩ là loại lung lăng, mà một khi bị (được) nhốt trong trái tim bít chịt của nàng rồi là thúc thủ nằm yên không mảy may cọ quậy, đằng đẵng suốt bao nhiêu năm.
Tới đây thì hồi đó của chàng và của nàng đã có thể nhập lại làm một.
Hồi đó, nàng đang đi học và chàng đang đi làm. Hai chuyện làm chẳng mắc mớ gì nhau. Lẽ ra, sẽ và phải là chuyện hai con đường song song như bao nhiêu đường kẻ song song trong hình học. Có vẽ tới cuối trời, rồi cũng sẽ mãi song song. Và như vậy thì có gì mà nói. Đằng này...
Đằng này, khi không rồi một hôm rỗi rảnh, chàng ra quán nước bờ sông, gọi chai bia uống cầm chừng, đợi chuyến xe đò tài chót từ Sài gòn chở báo mới về. Quán chiều vắng hoe. Mới nửa ngụm đầu và chưa kịp tan hơi thuốc thơm quen thuộc, đã giựt mình nghe tiếng kêu giựt ngược. Ê Hoàng, Ho... à... rồi bặt ngang. Giựt mình, quay lại, một ông Thiếu Úy trạc tuổi chàng, miệng há ra chưa kịp khép lại, vẻ sượng sùng. Ồ ồ x... i... n lỗi, tui lầm với người bạn tui. Tự nhiên, chàng nhoẻn miệng cười thật tươi, xuề xòa... có gì đâu Thiếu Úy. Rồi cũng tự nhiên chàng có cảm tình ngang xương với người Thiếu Úy trẻ. Gương mặt cũng quen quen... Sao tui thấy dường như mình có gặp nhau ở đâu rồi. 65, 66 có học Văn Khoa phải hông. À, có... 69 bị động viên Thủ Đức khóa 6/70. Tui cũng khóa 6 /70. A tha hương ngộ cố tri. Tui một mình Thiếu Úy một mình, vậy mình ngồi chung bàn cho vui, bia uống một mình buồn quá. Kỷ niệm ở Thủ Đức kể nhau nghe giòn giã. Mãn khóa, chàng biệt phái, anh ta ra chiến trường. Đụng trận mấy lần, lãnh chiến thương bội tinh rồi được đổi về phòng hành quân Tiểu Khu.
Vậy đó mà quen nhau rồi trở nên thân thiết. Cà phê, thuốc lá, bia 33, Martell cổ lùn, văn Nguyễn Đình Toàn, thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Tây nhạc Mỹ, chuyện Đêm Màu Hồng, chuyện Hầm Gió đủ thứ trên trời dưới đất... Càng lúc giao tình càng thêm mật thiết. Nhiều lần hai người uống rượu đêm tỉnh nhỏ có tiếng đại bác cầm canh rồi cả hai cùng chảy nước mắt vì số phần hẩm hiu của dân tộc. Cuối năm đó, người bạn mời về nhà anh ruột phía ngoại ô ăn giỗ. Chiều gần Tết, trời đất giãn ra, ớn lạnh. Ngoại ô ửng chút nắng vàng. Gõ cửa, mở ra một khuôn mặt con gái. Mắt sáng, má hồng đào, tóc lưng chừng vai. Dạ... Tui tìm anh Sinh. Dạ... chú em sau nhà. Mời ông vô. Nàng đó. Khi qua cửa, chàng nghe thoang thoáng mùi hoa lài trên mái tóc mới gội.
Rồi là chào hỏi, thưa gởi rộn ràng. Cuối bữa, chàng trở thành người quen biết với hết hai bên nội ngoại chú bác cô dì. Tưởng vậy rồi thôi. Nhiều lắm là năm tới năm sau lại được rủ đi ăn giỗ. Được vậy đã là vui cho cái kiểu ở nhà trọ ăn cơm tháng của chàng. Nhưng không, cuộc đời nhiễu sự hơn nhiều lắm. Sau lần đó, giữa cái tỉnh nhỏ có rất nhiều chim nhạn trắng hay bay về mỗi sớm nắng hay chiều sương, thỉnh thoảng lại chạm mặt nhau trên những ngõ phố qua lại bất ngờ. Cũng chỉ là những chào hỏi kín đáo, nép thẹn thùng sau chiếc nón lá che nghiêng. Khá hơn chút, một nụ cười tươi không che được hết nét ngại ngùng. Chàng và người bạn vẫn tiếp tục gặp nhau, những giọt cà phê đặc sệt, những chai bia sủi bọt, những câu thơ của một tác giả quen tên, những trận đánh đẫm máu đâu đó... Rồi người bạn cưới vợ. Tiệc cưới đơn giản nhưng thân mật. Chàng được mời lên chúc mừng. Mới nói được mấy câu đã thoáng thấy trên gương mặt con gái lần đầu tiên làm quen với má phấn môi son, sáng hồng lên như thích thú khi nghe chàng xổ thơ hai-vai-tơ-tóc-bền-trời-đất, một-gánh-cương-thường-nặng-núi-sông. Sẵn đà, chàng chơi luôn một bài bossa nova tặng bạn. Giọng khàn pha thêm chất rượu mạnh nghe dẻo nhẹo như mạch nha. Vậy mà ngó xuống thấy nàng nhịp tay với cô em họ ngồi bên, cười tươi, thêm cái háy mắt nghịch ngợm. Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo. Làn mây xanh vây quanh ánh vàng hồng chiếu xuống niềm tin. Ủa, sao lạ vậy, có bao giờ chàng chịu mở miệng ca hát trước đám đông, ngay cả khi bị ép uổng. Tại hơi rượu ? À, mà có thấm gì mấy ly cognac pha soda. Vậy sao phát ca hát um xùm giữa tiệc cưới của người ta vầy nè. Chẳng lẽ tại ánh mắt tinh nghịch và cái miệng cười tủm tỉm khiến chàng hứng chí. Sao lạ vậy cà. Nghĩ vậy rồi vụt ngưng ngang. Sượng trân. Chàng lên tiếng xin lỗi. Tiệc cưới ồn ào chắc chẳng ai để ý. Khi đi ngang bàn nàng ngồi, chàng còn thấy nụ cười mím giấu đằng sau chiếc khăn tay.
Sau đó, mối liên lạc coi bộ trơn tru hơn. Gặp ngoài đường có thêm đôi ba lời thăm hỏi, chút chuyện nắng mưa. Có lần, ngoắc lại hỏi mượn quyển sách cũ. Chú Sinh nói... ơ... có cuốn gì... giảng luận của Hà Như Chi. Ờ có mà cũ mèm. Mà Th. cần để làm bài luận văn. Chàng về lục rương sách cũ, phủi bụi vuốt ve cho thẳng thớm, đợi tan trường, đón ngay đầu cầu giao sách. Cô nhỏ lính quính giữa đám bạn tò mò, lí nhí cám ơn rồi nhét sách vào cặp đi thẳng. Rồi, lâu lâu, một quyển tiểu thuyết, một tập thơ... trao tận tay. Có khi là một bài báo mà chàng thích thú khi đọc được trên một nguyệt san văn chương, khi không rồi cũng muốn cho cô ta đọc theo. Lạ hén. Có lần giữa bàn rượu, người bạn vô tình than con cháu có bài sinh ngữ khó quá mà anh ta bí. Tự dưng rồi chàng tình nguyện khan. Để cuối tuần tui ghé ngang chỉ cho...
Vậy đó... Vậy đó... hổng biết ai xúi dại xúi khôn mà càng lúc cái hàng rào ngăn đôi càng bị rút bớt những chấn song. Dĩ nhiên, vẫn là cái quan hệ rất... gia giáo của một thời luân-lý-giáo-khoa-thư! Cả hai biết phận mình dẫu dường như giữa hai người có cái gì đó cột không chặt mà bứt không ra...
Tháng 7 năm sau, người bạn tử trận khi cô vợ mới cưới vừa cấn thai đứa con đầu lòng. Vừa phong phanh hay tin, chàng xách xe chạy thẳng tới nhà để hỏi han. Mùa hè, trưa lóa nắng. Xóm vắng hoe. Vừa bước qua ngạch cửa, mắt còn hấp háy với bóng tối, một vòng tay đã ôm chầm lấy chàng, một tấm thân dịu oặt và một tiếng khóc nấc nghẹn. Chú Sinh chết rồi... Bất ngờ, chàng dang tay đỡ, mắt rướm theo... Một phút? Hai, ba phút? Ai mà đếm được. Chỉ biết ngay lúc đó, lòng chàng ràn rụa một nỗi niềm kỳ lạ. Xúc động vì cái chết của người bạn thân đồng lứa? Rung động vì những sợi tơ tình bất chợt? Hay... tại phơn phớt mùi thơm của dậy thì trinh nữ? Hay là tổng hợp của mọi thứ, mọi điều, êm đềm của kỷ niệm, đớn đau của thực tại, mù mịt của mai sau... Ờ, mà ai đem phân chất một mùi hương!
Hôm tang lễ, giữa đám đông, khi tiếng kèn đồng hạ huyệt vừa trổi lên, chàng bắt gặp tia nhìn của nàng, tia nhìn có một vẻ gì khẩn thiết, rối ren một tiếng kêu cứu thầm lặng. Cõi lòng chàng ê ẩm như vừa có một con sóng vỗ sạt bờ. Cái chuyện phải đến rồi sẽ đến. Không lúc này thì lúc khác. Chuyện của một người tình còn tuổi học trò với một người đàn ông cách biệt tuổi tác đếm vuột mười đầu ngón tay và đã lãnh một trọng trách với xã hội nghe ra có phải đạo hay không? Thiên hạ sẽ xì xầm bàn tán bĩu môi nguýt háy? Cái thị xã nhỏ xíu đi dăm-phút-đã-về-chốn-cũ rồi có sẽ nổ bùng ra trận chiến dư luận. Ai sẽ bị đem treo giàn hỏa. Và ai sẽ hốt tro đem rải tứ phương!
May thay, chưa ai phải mỏi miệng xỉ vả và chói tai nghe khen chê thì đã mỏi miệng nhai bo bo và chói tai nghe khẩu hiệu. Người của cách mạng tháng tám bỏ rừng vô phố, mặc tình vơ vét của chìm của nổi. Người của Mỹ Ngụy hè nhau bỏ phố, kẻ thì chạy ra biển, người thì kéo vô tù. Nàng theo gia đình bước xuống ghe. Chàng vác bị vô rừng học-tập-cải-tạo. Chuyện không xảy ra như trong mấy vở tuồng cải lương có hậu, trước khi vãn hát thế nào cũng có màn xuống vọng cổ phựt đèn màu cho đôi trẻ ca bài sum hợp. Không. Chuyện xảy ra có tính bi kịch Hy Lạp hơn nhiều. Mối tình-trong-như-đã-mặt ngoài-còn-e đó mới chỉ nhập đề lung khởi thì đã bị kết luận lãng xẹt. Bởi vì cách nhau cái biển Thái Bình rộng mênh mông nối thêm cái rừng nhà tù gọi là cải tạo thì phải nói là vô phương hy vọng có ngày Kim Kiều tái hợp.
Đã có bao nhiêu ghe thuyền trôi giạt ngoài biển chẳng bao giờ cặp bến. Đã có bao nhiêu trinh tiết bị vùi dập nơi đảo Ko-Kra. Đã có bao nhiêu tuổi trẻ bị đói lạnh đánh đập bệnh tật tra khảo... đến bỏ mạng trong các trại lán cheo leo... Ờ thì làm sao mà biết được. Cho nên rằng... thì... là... coi như vô vọng, cái mối tình chưa quá một lần ước vọng.
******************
Ba năm sau, ra tù, chàng qua xóm cũ gặp bà vú đã giữ nàng lúc còn bé. Bà có trao lại cho chàng một gói giấy dầu nhỏ chừng bằng bàn tay, với lời dặn trống không rằng... hổng có quên. Mấy lời nhắn không quên lọt qua kẽ miệng móm mém của bà già nhai trầu nghe nó giễu cợt mà thảm não làm sao. Kiểu như giọt nước mắt ứa ra trên khóe mắt của tên hề nhoè nhoẹt son phấn.
Đợi đêm về, trên căn gác nhỏ ở đậu nhà người bạn, sau một ngày vác mướn ngoài chợ, chàng mở ra xem. Hóa ra là tập nhật ký mà nàng đã giữ chằng chằng khi còn ở nhà. Thứ nhật ký vớ vẩn của mấy cô học trò mới lớn thường hay lén lút viết rồi lén lút giấu như gia bảo. Nhật ký có ghi đủ ngày tháng năm. Nửa phần đầu ngó bộ vẩn vơ chuyện trời trăng mây nước, phần giữa vui buồn hờn giận với mấy người bạn cùng lớp. Phần cuối dày gấp đôi hai phần đầu gộp lại... Về khuya, ngọn đèn dầu lụn bấc cháy chập chờn làm mấy hàng chữ lắt lay như gọi nhớ. Nước mắt cứ như chực hờ.
Ngày ... tháng ... năm ...
Chú Sinh dẫn về một người bạn mới. Nhìn ông ta thấy là lạ. Người gì gầy hổng chừng gió thổi cũng bay. Tóc tai như mấy ông du đãng nhưng nói năng nghe bay bướm mà lại chững chạc như mấy ông thầy dạy trong trường.
..................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Chiều đi học về, trên đường tình cờ gặp người bạn mới của chú Sinh. Ông ta nhìn mình cười cười làm nhỏ bạn nhéo tay mình hỏi ai. Mình nói bạn của chú Sinh mà nó không tin. Mà cái ông gì cũng kỳ, khi đi qua rồi còn ngoái lại nhìn mình làm mình lúng túng, gật đầu chào lần nữa. Thiệt là... Hổng biết gò má mình có ửng đỏ gì hông mà nhỏ bạn cứ ngó mình cười khúc khích. Ngõ về nhà hôm nay sao đi hoài mà như không muốn tới.
.................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Hôm thứ Hai, bài tập Pháp văn khó quá trời. May mà có chú V. tới hôm Chúa Nhật. Nếu không, chắc là mất điểm nhiều lắm. Hôm nào chú ấy tới nữa chắc phải nói với má nấu chè đãi ...
..................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Hoá ra chú V. có làm thơ. Bữa kia, lật trong cuốn sách chú cho mượn, có một bài thơ lục bát viết trên giấy tập, kể chuyện tình lỡ dở gì đó. Thơ gì đọc buồn thấy mồ. Bữa nào gặp, phải hỏi cho ra lẽ.
...................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Hôm qua, Tr. lại đòi qua học chung mà mình từ chối. Nhà cách cái hàng rào, cũng đã thân thiết nhiều năm mà không biết sao độ rày mình không muốn gặp thường nữa. Tội nghiệp Tr., học giỏi, hiền lành. Hổng biết tại sao!!!!
.....................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Hôm nay chú V. hứa mà không đến!!! Mình chờ cả buổi trời. Sao tự nhiên mình thấy như hờn mát hay sao á. Hổng tới thì thôi tội gì mà mình giận. Má la mình làm gì mà như mất hồn, làm bể cái tách kiểu của ba. Mình chối tại bài vở nhiều quá... Hôm qua con nhỏ Liên cũng chọc mình làm gì mà cỡ này diện quá, mặc áo mousselin mỏng te. ...................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Nhắc tới cái áo mousselin sao kỳ quá. Hôm mới may, mặc thử mình thấy mắc cỡ quá trời. Vải gì mà mặc vô coi như không mặc gì hết, thấy bên trong hết trơn. Mà mình đã xếp cất dưới ngăn tủ chót. Sao bữa tiệc cưới chú Sinh mình lại lôi ra...!!! ......................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Cuốn truyện Chiếc cầu trên sông Drina của chú V. cho mượn hay quá, nhưng có đoạn mình không hiểu rõ, chắc hôm nào nhờ chú ấy giải thích giùm. Hôm qua đi ăn tiệm với chú Sinh và chú V. Nghe chú ấy kể chuyện thời sinh viên ở Sài Gòn thích ghê. Coi vậy mà bụi đời dữ. Ờ, nhưng nghe chuyện đi phòng trà, đi nhảy đầm... làm mình cũng thấy náo nức. Nhất là chuyện cái quán Văn cạnh trường Văn Khoa cũ, với Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn làm mình ước phải chi ....
.................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Đêm qua sao trằn trọc khó ngủ. Rồi sực nhớ mấy câu thơ của Xuân Diệu mà ông thầy lớp Đệ Nhị có nhắc tới trong giờ văn học sử Làm sao cắt nghĩa được tình yêu Có nghĩa gì đâu một buổi chiều Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu... ????????????
..................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Rằm tháng Chạp rồi, còn nửa tháng nữa là Tết. Trời thấm lạnh. Cỡ này chiều tới sớm. Tại gần tết hay sao mà độ rày mình lơ đễnh quá. Bài vở cứ dồn cục. Mắt mở to mà chữ nghĩa gì như cứ nhảy lung tung. Mấy bài Triết học thì cứ như kinh, đọc tới đọc lui mà hổng hiểu gì hết. Hôm lễ quốc khánh, ba má kêu chú Sinh với chú V. về ăn cơm canh chua bông súng. Má sai ra cắt cọng súng ngay vừa lúc hai người đi xe tới. Chú Sinh đi thẳng vào nhà. Chú V. thì tấp lại cạnh hồ, dựng xe. Đang loay hoay với cái sào tre ráng kéo thêm chùm bông kẹt dưới lùm cây trang, bỗng trợt chân... cây sào sút tay lọt xuống nước, mình cố gượng mà bờ cỏ trơn quá, chân mặt trợt thêm... vừa lúc có bàn tay ai chụp ngay bả vai mình kéo ngược lại. Mình ngả úp mình vào... mình chú V... Chú lảo đảo, cố gượng lại. Hai người ngã sát thân vào nhau vừa lúc hai cánh tay đàn ông ôm ghịt lấy mình. Mặt mũi mình úp sát ngực chú ấy. Mùi đàn ông lạ thấm vào mũi. Bỗng thấy run. Hai cặp chân thì ịn hẳn vào nhau, sát rạt. Một cảm giác lạ lùng chưa từng có, như luồng điện, phát chạy rần khắp người. Có một điều gì kỳ diệu như choàng ụp lấy toàn thân. Rồi, dưng không... dưng không mình nghe rin rít... Một chút gì, chút gì rìn rịn ... Chú V. buông tay ra, mình tỉnh lại, bẽn lẽn cám ơn chú rồi xách giỏ bông súng đi thẳng vào bếp giao cho má. Mấy người đàn ông cười nói vang rân ngoài nhà trước. Mình lẻn vào phòng riêng đóng kín cửa. Nhìn lại mình trong tủ kiếng, hai má đỏ au. Thay vội cái quần vải bết bùn. Mà sao... mà sao... cái quần lót... ờ sao mà... ??????????
.................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Chú Sinh chết, mình thấy như mất một chỗ tựa quen thuộc. Hôm đám tang, sao có lúc mình muốn được ngả vào vòng tay của... mà khóc cho hết nước mắt. Nhưng có dám đâu! Sao mình không can đảm hơn!!!
.................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Nghe ba than là trời sụp. Ngoài phố đầy người lạ, súng ống kè kè. Người ngoài chợ trốn kín trong nhà. Người trong quê đổ ra đầy đường. Mấy cái loa lải nhải chói tai. Rồi ai nấy bắt đầu đổ ra đường mua bán. Bàn ghế, chén dĩa, quần áo, bàn ủi... Má bắt đầu bắt ăn dè sẻn. Hồi giặc giã ai cũng khổ. Bây giờ hòa bình, người ta thấy khổ hơn. Rồi... nghe tin chú V. bị bắt đi cải tạo mà người ta đồn không biết bao giờ thả ra. Sao mình giống ba, thấy như trời lại sụp thêm lần nữa. Không kịp nhắn một lời.
.....................................
Ngày ... tháng ... năm ...
Hôm qua, theo nhỏ bạn, trốn ba má xách giỏ đồ ăn mua đại ngoài chợ, đón xe lam rồi thêm một chuyến đò dọc, đi tuốt xuống Chợ Kinh nghe đồn là chỗ tập trung cải tạo. Hỏi thăm rồi năn nỉ xin vô thăm mà người ta không cho. Mình khóc mà cái đám công an vẫn khăng khăng. Đành lội trở về mà đi như không muốn nổi.
.............................
Ngày ... tháng ... năm ...
V. ơi, bây giờ anh ở đâu???? !!!
.............................
Ngày ... tháng ... năm ...
Nghe đồn người ta đã đày hết vào miệt U minh gì đó. Mình cố hỏi han mà không ai hay biết gì hơn!!!
.............................
Ngày ... tháng ... năm ...
Đời sống gì kỳ quá. Ai nấy như chỉ muốn tránh mặt nhau. Gặp nhau mới hai ba câu thăm hỏi đã quày quả bỏ đi. Trong nhà thì cứ thì thụt nói mà như ngậm miệng. Mà cỡ này sao mình hay khóc! Nhiều đêm muốn khóc to cho hả mà rồi cứ phải vùi mặt xuống gối mà lặng lẽ... !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
............................... Ngày ... tháng ... năm ... Ba và bác hai hàng xóm đang lo ghe. Bị bể thì ở tù. Mà nếu đi thoát ? Đi thoát rồi làm sao còn gặp lại ... Làm sao đây, trời ơi ... ...............................
Ngày ... tháng ... năm ...
Mai theo ba má đi rồi. Đi tới đâu. Có ai biết gì đâu. Nghe ba nói người ta đồn có tàu Mỹ đón ngoài khơi. Mà biển thì mênh mông. Sao mình không ở lại. Mà ở lại rồi làm sao, có gặp lại được không. Mà làm sao mình bỏ được ba má đây. Làm sao đây, trời ơi!... V. ơi!
Cuốn nhật ký ngưng ngang ở đó. Còn vài hàng chữ nữa mà chàng đọc không ra. Giống như là bị nước làm nhòe đi. Nước mưa hay nước mắt?
****************
Hai năm nữa trôi qua, cám cảnh người đàn bà đã lẽo đẽo theo chàng mưa nắng chợ trời, đỡ đần miếng ăn viên thuốc, chàng cưới quách cô ta làm vợ. Năm sau nữa lời thêm đứa con. Mối tình xưa như một viên thuốc đắng, ngậm riết cũng thành quen. Đôi khi, giữa khuya trằn trọc bên người vợ đã ngủ yên, chàng bỗng nhớ. Nỗi nhớ lãng đãng như có như không, như chút khói hương quợn lại sau đốm nhang tàn. Lòng quặn đôi chút xót xa dù cứ chằng chằng theo ngày tháng. Nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu. Mà thực sự có vấn vương cách mấy cũng chẳng có thì giờ đâu mà vương vấn. Miếng cơm thì thúc hối mà đám công an thì như bầy ruồi vo ve đeo cứng. Người đi xa thì đã bóng chim tăm cá. Chàng sống như một thứ hình nhân, lê lết qua từng buổi, không mục đích, chẳng đợi ngày mai. Chút lãng mạn xưa như cơn gió trái mùa, có phe phẩy cũng không đủ hong khô mồ hôi mùa nắng cháy.
Vậy đó, rồi thêm mươi năm nữa. Chương trình HO thò bàn tay dài qua đại dương quơ hốt cái đám cùng đường mạt vận, kẹt lại giữa biển hận thù. Chàng đưa vợ con qua Mỹ, không thân thích, chẳng vốn liếng, ở tuốt cái tiểu bang lọt thỏm giữa những cánh đồng rộng mênh mông và chìm lỉm dưới những cơn bão tuyết trắng trời. Rồi là bá nghệ, lau chùi, cắt cỏ, giao hàng... thở hít cái không khí tự do kể ra cũng vừa ý. Cuộc đời của một tên tù cải tạo tưởng vậy cũng tạm yên. Người vợ ít học được cái tần tảo. Đứa con có trường lớp khang trang. Chàng sáng sớm xách xe tới hãng, mài miệt lau chùi máy móc, tối mịt lái xe về. Tròm trèm cũng hai mươi mấy năm sau ngày vỡ tổ. Ngày qua ... Ngày qua ... Rồi khi không có hôm sao tự dưng lòng thấy bồi hồi, đang lái xe ngon trớn trên xa lộ tự dưng lách ra, ghé lại chiếc quán lộ thiên, mua ly cà phê nhạt thếch, rồi ngồi đó ngẩn ngơ khi chiều đang úp mặt, móc vội bao thuốc lá, gỡ tờ giấy bạc nguệch ngoạc mấy câu thơ đâu bất chợt nẩy ra trong cái đầu vốn đã đặc cứng từ khi mất nước. Chứng nào tật nấy. Tưởng đã thôi. Có hôm, nửa đêm về sáng, khi vợ con đã ngủ yên, bỗng nhiên bật dậy, chui vô góc bếp, mở ngọn đèn tù mù, lôi giấy ra ghi ghi chép chép. Mà chữ nghĩa đâu như bị ức hiếp từ đời nào, vuột ra không ngưng. Có hôm mải miết tới hừng sáng, giựt mình gói ghém rồi phóng xe cho kịp tới hãng. Lắm khi vợ càu nhàu, chàng buồn rầu phân trần mấy lời rồi im. Thơ. Văn. Viết rồi cất tuốt trong hộc tủ quần áo. Lâu lâu, một mình, chàng lôi ra đọc. Có khi cười mỉm. Có khi khóc lặng.
Có hôm nổi hứng bất tử, chàng gồng mình chép lại rồi mua tem gởi cho mấy tờ báo chữ Việt đang sống ngắc ngoải trên thị trường chữ nghĩa nước người. Làm mà cứ nghĩ như gởi gió cho mây ngàn bay. Nhưng rồi lắm khi cũng thấy được mớ chữ nghĩa của chàng nằm thờ thẫn bên cạnh mấy cái khung quảng cáo thịt thà với lại nước mắm tương chao. Một lần bí quá, chàng lục vội trong mớ ký ức còm cõi của mình một bài thơ cũ, đâu từ cái thuở tình non vừa mới nhú, đã có lần làm bộ bỏ quên cho người xem lén. Vậy rồi bỗng một hôm, trên mục nhắn tin của một bán nguyệt san vừa đăng một truyện ngắn và bài thơ đó của chàng, chàng nhận được một lời nhắn tin lạ. Hỏi quê quán, hỏi thêm chỗ làm việc trước năm 75... và nhắc đến tên của một người Thiếu Úy tử trận năm 74... cùng với số điện thoại để liên lạc. Quá bất ngờ, chàng ngại ngần... nhưng rồi sau vài ba ngày nghĩ đi nghĩ lại, chàng gọi đại. Vừa xưng tên tuổi, bên kia đầu dây đã nghe một tiếng nấc nghẹn. Hóa ra bài thơ năm cũ nàng đọc qua một lần từ hồi đó rồi nhớ mãi. Bài thơ không gọi tên ai nhưng nàng đã nhận ra là có mình ở trỏng. Hơn ba mươi năm sau, đọc lại trên mặt báo, nàng lại nhận ra... Rồi là cái giọng nữ dù đã pha ít nhiều năm tháng nhưng vẫn còn nguyên âm sắc quen thuộc ngày nào. Vừa trân trọng vừa dịu dàng ... Một thoáng thôi mà mấy chục năm qua bỗng dội ngược lại... tuổi trẻ, tiếng cười, nước mắt, hạnh phúc, khổ đau... Một thoáng thôi mà bao nhiêu tiếc nuối, giận hờn, tức tưởi... đổ dồn lại từ hai đầu dây viễn liên. Bên kia, người đàn bà đã quá xuân thì, khóc. Bên này, người đàn ông vừa bén tuổi già cũng không cầm được nước mắt. Một lần gọi qua. Hai lần gọi lại... Vài ba ngày. Năm ba bữa. Thăm hỏi. Kể lể. Chuyện xưa nhắc lại. Mỗi lần nhắc là mỗi lần nghe thút thít. Chuyện nay hỏi han. Mỗi lần hỏi han là từng lần đắp đổi, từng nỗi ân cần. Nay nhắc viên thuốc cảm. Mai hiệu thuốc bổ. Kể ra đã tới lúc cần. Cô gái năm xưa đã có thể gọi là bà. Và người trai trẻ thời đó, đã quằn lên vai bao nhiêu là năm tháng...
Dẫu vậy mà sao tình không chịu già. Mối tình câm một thuở bây giờ mở miệng kêu rêu không biết mỏi. Làm như may mắn bắt lại được liên lạc sau bao nhiêu trắc trở, nó còn náo nức thêm gấp bội vì bấy nhiêu tức tưởi, bấy nhiêu dồn nén, chỉ chực hờ được tung hê một lần. Làm như có một thao thức muốn đền ơn, muốn cho, cho hết, muốn nhận, nhận hết những tặng phẩm của cuộc tình bạc phận. Kiểu như kẻ chết hụt mới biết được giá trị của cuộc sống và thèm được sống, cả hai bắt lại nhịp đập của con tim thời mới lớn. Mà còn hơn vậy nữa. Cái tâm lý nghịch thường chạy đuổi với thời gian càng làm họ trở nên quính quáng, lụp chụp, như kẻ sợ trễ đò khi bên kia sông chiều đã sụp xuống. Họ sợ không kịp, sợ trễ tràng. Họ sợ làm anh chàng khách viễn phương trong truyện Kiều của Nguyễn Du, vừa khi giáp mặt thì-đà-trâm-gãy-bình-rơi-bao-giờ. Chính nỗi ám ảnh kiểu hụt hơi đó làm họ càng thương vội thương vàng, thương càng thương bất kể. Như muốn bù, muốn đền kể cả phải chi có tính lời tính lãi họ cũng sẵn lòng trả đúp. Nhớ nhung. Trông mong. Chờ đợi. Ngay đến giận hờn... Đủ hết mấy món ăn chơi mà kể từ khi ông bà Adam với Eva làm sút mấy cái lá nho rồi bị đuổi xuống trần gian làm gương cho đám hậu thế.
Kể ra cũng ngộ. Tình yêu hổng thua thuốc bổ. Tình yêu làm người ta trẻ ra bất chấp tuổi tác, dẫu có phải dối già. Ở xa, vậy mà bà bỗng để ý lại mấy vết chân chim trì trì hai bên đuôi mắt, ra đường dặm đậm thêm chút phấn son, chăm chút lại kiểu áo kiểu quần, mấy thứ mà bà đã bỏ ơ thờ từ khi lỡ dở chuyện gia đình sau mươi năm tới Mỹ. Còn ông, người thi sĩ lỡ vận, rồi lại mài miệt làm thơ. Sáng sớm khi lái xe tới hãng, giữa trưa giờ ăn khi miệng nhai trệu trạo miếng pizza, chiều về tay chân dầu mỡ lấm lem... mà thơ thì cứ thơ thẩn... hoài trong cái đầu đã có mòi quên quên nhớ nhớ. Đặc biệt toàn là thơ tình nhớ anh thèm em tới sốt ruột. Ngộ thiệt. Hết tình xa tới tình nhớ, rồi tình lỡ đến tình hận, tình ở đâu mà cứ mọc đầy trong thơ ông như cỏ dại làm như ngoài cái chữ tình không còn chữ nào đáng nhắc đến nữa. Ôi, tình si... dẫu muộn!
Bởi vậy cho nên, cái chuyện phải đến sẽ đến.
Sau hơn hai năm nối lại được sợi xích thằng đã bị sút sổ vì thời cuộc, sau mấy trăm lần tái ngộ trên mấy sợi dây điện thoại chạy chằng chịt qua núi qua sông, họ quyết định tái ngộ một lần bằng mắt mũi tay chân thịt da xương cốt. Cả hai tính ngày tính tháng, kiếm nơi kiếm chỗ. Sau hết cuối mùa xuân năm đó, hai người từ hai-phương-trời-cách-biệt, lấy vé máy bay bay thẳng một lèo tới nơi hẹn. Trời, làm sao nói hết nỗi rạo rực, niềm xúc động của cả hai từ tháng trước, từ tuần trước, từ ngày trước khi khởi hành. Hổng biết bà thì sao-mà hổng chừng cũng vậy, chớ ông thì khỏi nói. Ba cái bệnh nhức mỏi, đau khớp tay, nhức khớp chưn sao tự dưng biến đâu mất tiêu. Ông thấy như mình vừa được uống một lần mấy chục thang thuốc bổ. Rồi mấy bài boléro đâu từ cái thuở mới mười lăm mười bảy như cứ gõ nhịp trong đầu. Kể cả nó xúi cái miệng ông cứ lầm thầm... ai cho tôi tình yêu của ngày thơ ngày mộng. Ông đi tới đi lui ngó bộ nhanh nhẹn hơn, quần áo ủi ép phẳng phiu hơn. Kể cả mấy sợi tóc bạc cứng đầu mọc tới mọc lui cũng bị ông thẳng tay nhổ sạch. Thiệt là tình yêu còn mạnh hơn ngàn lần mấy vụ học tập cải tạo của việt cộng sau khi cướp miền Nam. Vậy rồi, một đêm gần tới ngày hẹn, còn đang nằm thao thức bỗng nhiên ông nghĩ tới một điều. Đã lâu rồi, chắc phải kể từ khi qua tới xứ người, lao mình vào cuộc tranh sống bằng đủ thứ nghề mà chẳng có nghề nào xài được một chữ nhứt của mớ chữ nghĩa ông đã chắt chiu suốt một thời tuổi trẻ, trì trì thêm cái hận mất nước, nhồi thêm đó sự rẻ rúng của thế giới chung quanh, làm ông buồn chán đến đâm ra thưa thớt chuyện gối chăn. Lâu ngày, cả đến hơi hướm phấn son có khi làm ông nhảy mũi liên hồi. Lại nữa, cỡ này ông hay bị mất ngủ phải dùng cả Valium. Lần nào thiếu thuốc là có khi trằn trọc cả đêm, sáng ra mệt đừ, lắm khi tay chân xuôi xị hết muốn cọ quậy. Nghĩ tới vậy rồi ông đâm ra lo lắng. Lo lắng lại làm ông thao thức. Ông nằm chờ đêm qua, bồn chồn. Mới hửng sáng ông đã trỗi dậy, xách túi đồ ăn phóng xe nhanh tới hãng. Ông đi tìm bạn ông, người bạn mới mà thân thiết từ mấy năm qua. Hai người có những bữa rượu chung hết mực chân tình. Ông ta lại là tay chơi lão luyện, quen biết đủ mọi giới, đã từng cố vấn cho ông vượt qua nhiều chuyện khó khăn. Thật ra, ông có muốn chia sẻ với ai đâu về cái hạnh phúc tuyệt vời vừa tìm lại được. Nhưng lần này, cũng phải đành thôi. Không vậy thì lỡ khi gặp chuyện, chỗ lạ nước lạ cái biết nhờ ai?
Như vậy rồi không biết hai người nhỏ to chuyện gì trong góc căng-tin của hãng, trước hai ly cà phê bốc khói. Chỉ biết khi tiếng chuông báo giờ vang lên, người bạn móc trong bóp một hộp nhỏ rồi nhét vào tay ông một viên thuốc xanh lơ hình bầu dục. Lại nghe ông ta nói vói lại trước khi quay lưng... “bảo đảm”, khi thấy hiện trên mặt ông vẻ phân vân.
Vâng, ông không hết phân vân. Kể cả đắn đo lo lắng... Có ai thấu nỗi lòng của ông, người sắp đi nối lại mối tình đã chớm nở từ... thế kỷ trước.
Vậy rồi, lo lắng đắn đo gì nữa cũng tới ngày. Ông sắp sửa kỹ càng mọi thứ. Ngoài quần áo giấy tờ, ông còn cẩn thận nhét viên thuốc sinh tử của người bạn cho trong cái hộp nhỏ xíu đựng thuốc ngủ ông vẫn thường cất trong bóp-phơi mang theo mình mỗi bận có chuyện đi xa. Rồi gọi taxi ra phi trường bay một mạch tới nơi hẹn. Ở đó, đợi thêm chuyến bay của bà tới sau nửa tiếng. Không khí chộn rộn của sân bay quốc tế không làm ông bớt bồn chồn. Ông đi tới đi lui. Ông đi qua đi lại. Ông lén nhìn mình trong mấy cái tủ kiếng bày hàng. Ông ưỡn ngực, cố giữ vai ngang. Ông nghiêng đầu nhìn nghiêng. Ông ngó ngay nhìn thẳng. Đôi khi lại ngoái tay nắn nắn cái bóp trong túi quần sau.
Vậy rồi bà tới. Từ bên kia cửa kiếng, ông thấy bà mỉm cười. Ơi nụ cười mím ngày xưa, nụ cười thay cho một cái gật đầu hay ngay cả một cái lắc đầu. Mái tóc lưng vai giờ cắt ngắn làm ông thấy bà như cao lên bù cho cái dáng thanh xuân đã lỡ độ. Một chút tuổi tác làm bớt đi vẻ liếng thoắng nhường cho vẻ trầm tĩnh, tự tin. Ông bước tới, bà để cái túi xách tay xuống, nhìn ông cười lặng, rồi hai người ôm nhau. Cái ôm thứ nhì sau mấy chục năm đằng đẵng. Bà úp mặt vào ngực ông. Thịt da có nhận ra nhau không mà sao bà bật khóc. Mắt ông cũng cay xè. Ông siết bà trong vòng tay gầy guộc nghe như cả một chuỗi ngày xưa quày quả quay về. Người qua kẻ lại ồn ào mà họ thấy như không. Họ đứng đó giữa muôn trùng kỷ niệm. Câu đầu tiên bà nói với ông anh gầy quá rồi ngưng ngang. Hai con mắt đã có triệu điều để nói. Lặng hồi lâu. Rồi hai người hôn nhau, lịch sự như Tây với đầm, dù trong lòng yêu thương đã sôi như nồi cơm chín tới.
Giây phút xúc động qua đi rồi là hỏi han tự sự. Chuyện không đầu không đuôi mà rôm rả. Hai người gọi taxi về khách sạn. Trên xe, ông hôn lên má bà, cảm lại cái mùi da thịt thoáng hương hoa đồng cỏ nội của khu nhà nằm dọc con đường liên tỉnh, dù mấy chục năm qua, son phấn xứ người hẳn phải làm phôi phai ít nhiều. Ông tưởng tượng? Hay chính lòng ông vẫn là tấm lòng mười mươi năm trước, yêu người con gái ngây thơ, trong trắng đến độ không dám tỏ tình. Về tới phòng riêng, không gian kín mít, ông ôm bà trong tay thiệt lâu, thiệt lâu... không nói không rằng chỉ thấy trong người có ít nhiều gợn sóng. Bà để yên hồi lâu rồi gỡ tay ông nói nhỏ để em thay đồ rồi gọi ít đồ ăn tối. Thật ra chắc ai cũng không thấy đói. Nhưng kệ, đêm còn dài...
Bữa ăn chỉ là dịp để săn sóc nhau, sẻ cho nhau miếng thịt, san cho nhau miếng rượu nho, kể lể thêm cho nhau những sóng gió mà mỗi người đã gánh chịu riêng mình...
Đêm càng về khuya, tình cũ càng hâm nóng. Hai người thay đồ ngủ. Chuyến bay dài xuyên qua hai múi giờ làm ông cũng hơi vật vờ. Cộng thêm vui tình vui miệng ông nốc cạn gần nửa chai rượu đỏ. Ban nãy cẩn thận, ông đã vào phòng tắm rửa mặt cho tỉnh táo rồi nuốt vội viên thuốc người bạn đã căn dặn. Tự tin, ông lên giường trước, bà còn bận tay lau sạch lớp phấn son. Ông vói tay tắt đèn lớn, mở ngọn đèn ngủ đầu giường. Bóng đêm như đồng lõa cho những kẻ yêu nhau, phả ra cái bóng mờ mờ như nửa che nửa hở. Ngoài cửa kính, con trăng hạ tuần len lén núp sau mấy vạt mây đen. Bà xong rồi, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh giường. Chiếc áo ngủ bằng lụa màu huyết dụ lượn lờ như gợn sóng. Ông chồm dậy, dang tay ôm ghịt lấy bà. Ngay lúc đó bỗng nhiên bà nhớ lại tên nhân vật nữ trong truyện Tình Yêu Thời Thổ Tả của Gabriel Garcia Márquez, người đàn bà đã yêu lại người tình đầu sau hơn năm mươi năm làm mẹ và làm vợ của một người đàn ông khác mới vừa tạ thế. Fermina. Phải rồi Fermina. Nhớ lại rồi bà ngửa mặt, mắt khép hờ, đón môi ông trên môi mình. Hai cặp môi gạ gẫm nhau, nấn níu. Điệu như người tài tử ciné rất nổi tiếng trong những năm 60, ông vòng tay ngang lưng đỡ bà nằm ngửa xuống. Mình bà dịu nhĩu. Trong đầu bà có chút rối ren. Nhưng rồi... thôi kệ, dù gì... Bà nghĩ vậy rồi... buông xuôi. Ông lần tay mở sợi dây nơ thắt ngang eo...
Ngay lúc đó, trong người ông như có cơn sóng tràn, dẫu không như mùa lũ, mà y như nước rong từ tốn... từ tốn... Ông nhắm mắt, lắng nghe... lắng nghe... năm giây, mười giây... mà làm như con nước đổi chiều hay sao, chưa tới bờ mà đã ngập ngừng, ngập ngừng... Chính lúc đó, hai mí mắt ông trĩu xuống, ông cố nhướng lên mà hai mí cứ trì xuống... Cùng lúc ông cảm thấy cả người bải hoải, mấy sớ thịt như nhão ra. Cơn buồn ngủ ở đâu bỗng xề tới, từ trên đầu chui xuống, tới giữa thân rồi chuồi luôn xuống tới cái chỗ lẽ ra phải thức. Bà vẫn nằm yên, ngóng đợi. Ông úp mặt vào ngực bà như muốn tìm một chỗ dựa cho cái đầu nặng trì. Ôi nung núc. Ôi mịn màng. Dịu dàng, bà úp bàn tay num núp lên vuốt vuốt mấy sợi tóc thưa của ông như thể dỗ em. Ôi ẩn mật. Ôi diệu kỳ. Được thế, cái ngủ duỗi dài lên mình mẩy tay chân ông vừa lúc trong đầu ông nẩy lên một tia chớp. Chết cha, hay là ban nãy mình uống lộn thuốc ngủ. Rồi... rồi làm như ông quên hết, quên mình đang ở đâu, quên mình đang làm gì, ông chuồi vào giấc ngủ ngon lành, cũng êm ả, cũng suôn sẻ như những lần nửa khuya dậy tìm hộp Valian. Ông nằm trên mình bà, da thịt úp trên da thịt, hai bộ đồ ngủ xốc xếch nằm buồn xo dưới chân giường. Ngoài trời, con trăng coi bộ cũng ái ngại bỏ đi đâu mất tiêu. Bà nằm im, vòng tay gác hờ lên lưng ông. Cảm nghe hơi nằng nặng mà không dám nhúc nhích. Trong lòng bà có nỗi niềm gì là lạ, càng lúc càng mênh mông. Mênh mông như cả cái dòng lịch sử điên khùng đã xô giạt tình yêu đến những bến bờ tuyệt vọng. Mênh mông như dung lượng vô biên của những con tim chớm yêu mà đã thành định mệnh. Bà nằm im. Không nhúc nhích, kể cả một cái cựa mình. Bà nằm im, như để kềm chặt một giấc mộng, như sợ mộng rồi bay đi. Trong đầu bà, hiện ra từng nếp gấp. Khu vườn xưa. Ngôi nhà cũ. Cha mẹ đã mất. Em út đã xa. Người chú tử trận. Vạt áo dài trắng. Dãy lớp buồn hiu. Những cuốn sách. Những trang thơ. Tập nhật ký. Và... và người đàn ông còn trẻ, lãng mạn, hào hoa... đã ghé qua đời bà, một lần. Chỉ một lần mà dấu chân ray rớt lại mãi. Còn mãi.
Bỗng dưng, bà cảm thấy như mình trôi bềnh bồng vào một cõi trời nào khác, có hoa mà hoa rồi tàn, có chim chóc bay lượn nhưng chim chóc rồi cũng có khi bạt gió. Dẫu vậy, sau cùng bà đã thực hiện được cái ước muốn thầm lặng ngày tang lễ của người chú, hơn bốn mươi năm trước. Dựa đầu vào niềm tin yêu của mình.
Lòng bà như tan vào một nỗi vỗ về thầm lặng của hư không, lớn lao mà lao xao những lọn sóng ân cần. Lòng chợt thấy bình an, rất bất ngờ. Thứ bình an chưa bao giờ bà có được, từ khi bỏ xứ ra đi...
Bà siết nhẹ vòng tay... rồi chìm vào giấc ngủ...
5g sáng, cái phone tay reo lên. Hai người bật dậy. Cửa sổ mờ sương. Chuyến bay trở lại của hai người về hai nơi khác nhau, sớm trễ cách nhau một tiếng đồng hồ.
Rồi có bao giờ, dẫu chỉ một lần, họ chuyển hết được vào nhau, nỗi nhớ thương, lòng sầu hận, lời oán trách về sự trễ tràng...
Có bao giờ, còn có bao giờ, dẫu chỉ một lần, họ chắt chiu gởi được chút lệ... vào tận... tới... thiên thu.
Cao Vị Khanh
Nguồn: http://www.caovikhanh.com/