User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
mua thu ngap tran la phong
 
Những gợn gió thu nhè nhẹ thổi về, nắng lấp lánh xuyên qua kẽ lá, gợi nhớ những mùa thu vàng đã chảy qua tuổi hoa niên. Nàng thu lại đến, rất khẽ, chúng ta cảm được sự hiện diện của nàng khi ánh lửa hè đã bớt gay gắt, và trong không khí có một luồng hơi dìu dịu, thơm mát như hơi thở của người yêu dấu đã từng thỏ thẻ, thì thầm bên tai những câu nói yêu thương cho một thời để nhớ, một thời để quên...
 
Thi nhân, hơn ai hết, cảm được sự có mặt của nàng qua mùi nước hoa của nàng mà họ thường gọi là hơi thu. Mấy thế kỷ qua, nàng thu đã là người tình của thi nhân từ Lamartine, Jacques Prévert, Tản Ðà, Lưu Trọng Lư đến Robert Frost... họ đều yêu mùa thu thắm thiết. Thi nhân tha hồ thêu áo gấm cho nàng, mưa thu thì gọi là lệ thu, gió thu thì được tặng mỹ danh là thu phong, còn nắng thu thì được thi nhân dệt thành nắng lụa...
 
Trải qua bao năm tháng, ngôn ngữ thơ vẫn còn dành những chỗ trang trọng cho thu, ý thu chưa bao giờ cạn, thơ thu chưa bao giờ tận ngôn. Thu không những chỉ làm đẹp riêng cho thi nhân mà nàng còn làm đẹp cho cả nhân gian, nếu họ biết chiêm ngưỡng nhan sắc, duyên dáng của nàng. Hồi còn ở quê nhà, tôi để ý thấy có hai loại lá đổi màu khá đẹp là lá cây bàng và lá cây cao su, cây bàng thì mọc lẻ loi, cao su trồng thành rừng nên màu sắc đồng nhất hơn tuy không rực rỡ bằng các cây ngoài thiên nhiên, nơi có bốn mùa thay đổi rõ rệt. Thuở còn học nhiếp ảnh nghệ thuật với thầy Phạm Văn Mùi ở hội Việt Mỹ Sàigòn, chúng tôi chỉ chơi ảnh đen trắng, các ảnh màu lúc đó do các tay thợ tô màu bằng tay, nên có dịp thấy các bức ảnh mùa thu ở trời Tây, chúng tôi thường nghĩ đó là các ảnh tô màu chứ trong trời đất làm gì có cảnh đẹp tự nhiên như vậy.
 
Ðến khi được học bổng sang Mỹ vào năm 1971, tôi mới thực sự đối diện với nàng thu diễm kiều và tráng lệ. Tất cả các thi nhân, khoa học gia và dân gian ai cũng đồng ý sự thay đổi hoa lá theo mùa là một kỳ công của tạo hóa. Mỗi lần nàng thu thay áo, nàng dễ mê hoặc lòng người. Lại thêm nền trời xanh thẫm của mùa thu và những buổi hoàng hôn bàng bạc áng mây chiều tim tím mà nàng mang theo như những món trang sức không bao giờ nàng rời xa... Nàng thu rất lãng mạn nhưng nàng thu cũng đầy bí ẩn. Cái gì khiến áo nàng thay màu, tại sao lá lại rụng, nỗi thắc mắc đó khiến một giáo sư sinh vật học tại trường Old Dominion University phải bỏ cả đời ra nghiên cứu vẫn chưa giải đáp được hết các ẩn số đành phải chịu thua ông trời, người họa sĩ pha màu tuyệt luân.
 
May thay, một nhà khảo cứu về di truyền học, giáo sư Frank S. Santamour Jr. của viện National Arboretum, Washington, D.C. đã mặc khải được phần nào các bí ẩn trên. Theo ông, cây thay lá vì cần lá mới mỗi năm. Sâu bọ thích ăn lá non, nên cây phải tăng trưởng thay lá nhiều hơn theo định luật bù trừ, còn lá chết là để nuôi dưỡng đất. Lá để thoát hơi nước và oxygen mà chúng ta thở. Vào mùa đông, khi mặt đất đóng băng, nước theo rễ hút lên cây được lưu trữ mà không bị thất thoát qua ngả lá. Tuyết và nước đá rất nặng. Nếu cây giữ lại lá mùa đông, cành nặng trĩu sẽ bị gãy. Các loại evergreen như cây thông thì khác vì lá nhỏ và nhọn nên ít chở tuyết.
 
Các cây evergreen cũng thay lá mỗi một hoặc hai năm, thay từ từ vào mùa xuân lẫn mùa thu, tuy chúng không đổi màu như loại deciduous. Lá rụng là do ở mỗi cuống lá có một bó li-be mộc, khi thu đến, cây cảm thấy được ngày bỗng ngắn hơn và nhiệt độ lạnh hơn do vị trí của mặt trời xa dần đường xích đạo (equator), để đi dần đến thu phân (solstice), một lớp bần được cấu tạo chỗ cuống lá (abscission layer), chỗ đó thành vết sẹo, cản trở đường tiếp tế thực phẩm từ thân ra lá. Ðồng thời, chất nhựa (sap), thực phẩm của lá bị cản lối trở về thân cây, hóa hợp với các phân tử khác tạo nên chất anthocyanin, chất làm lá trổ màu đỏ và màu tím.
 
Lá lìa cành khi lớp bần khô đi, sinh mệnh của lá, một kiếp phù du, một đời hoa gấm, lúc đó chỉ đợi có một thoáng gió thu mong manh đến mang đi. Còn các màu khác vẫn có đó, nhưng bị chất chlorophill là chất dùng ánh sáng mặt trời và hơi nước chế biến chất carbon dioxide thành đường, thức ăn cho cây. Dưới ảnh hưởng của mặt trời, cây ngưng sản xuất chất chlorophill, làm giảm thiểu sự biến dưỡng (metabolism), cây dần dần đi vào trạng thái ngủ (dormant) giống như loài gấu ngủ suốt mùa đông (hibernating). Ðó là lúc màu vàng và màu cam hiện lên cấu tạo bởi nhiễm sắc hoàng tố (carotenoids). Các carotenoids này cùng một nhiễm sắc chất với củ cà rốt. Nó cũng có trong bơ và lòng đỏ trứng, lạ thay, do gà vịt và bò ăn rau cỏ có chứa các nhiễm sắc tố nêu trên. Còn màu nâu, như màu lá các loại cây sồi, là do chất tannin, cũng có trong các loại lá trà.
 
Mỗi chủng loại cây đều được cấu tạo và trang điểm bằng các loại hóa chất khác nhau. Nhờ đó mà có được bao nhiêu màu lá khác nhau với mỗi gam độ (tint, shade) rực rỡ khác nhau. Thường thì khi lớp tế bào dưới cùng thân lá được thiên nhiên hóa hợp cho đến lúc lá đổi màu độ hai tuần lễ, tùy thuộc vào giống cây, vào mưa nắng, nhiệt độ, ánh sáng, mật độ... nên mới có sự đổi màu trước sau và có loại rất trễ nhưng rất đẹp như cây Bradford Pear. Lá thu đẹp khác nhau còn tùy theo miền, theo vĩ tuyến và độ cao.
 
Colorado nổi tiếng với lá Aspen (xem phim White Fang), vùng New England nhất là Vermont nổi tiếng với lá phong, xa hơn có Canada Maple Leaf ngay trên lá quốc kỳ. Virginia thì có các rừng Dogwood (Sơn Thù Du) dọc theo dãy Appalachian, qua đến West Virginia thì có Monogahela National Forest ở Seneca Rocks... Mùa thu, ôi những mùa thu buồn và đẹp lãng mạn đã để lại biết bao nhiêu tác phẩm đầy màu sắc kỷ niệm trong văn chương. Cứ mỗi thu qua, tôi lại buồn buồn tự hỏi, mình còn gặp lại nàng thu bao nhiêu lần nữa? Không còn lâu đâu. Hỡi thế nhân, có lần nào người nghỉ tay một lúc trong cuộc chạy đua với đô la, lái xe lên đèo Skyline Drive hoặc Harper's Ferry để làm bạn với lá thu? 
 
Robert Frost, nhà thơ của thiên nhiên, đã có lần thốt lên: My sorrow, when she's here with me Thinks these dark days of autumn rain Are beautiful as days can be... Hỡi nàng thu, xin trả lại em chiếc áo vàng thu, xin trả lại em những bước tương tư, xin trả lại em chút hạnh phúc lang thang, vì em, chiếc lá lang thang, đã biết làm đẹp cuộc đời trước khi em trở về với cát bụi...
Trời thu trong vắt đáy gương
Lá phong ngập lối nhớ thương trở vàng
Ðời em trang điểm cho chàng
Dẫu cho áo đẫm lệ hàng em trao
 
Tàn hơi nhựa vẫn dâng trào
Hiến dâng chàng chiếc cẩm bào luyến lưu
Ngõ quanh dẫn lối tương tư
Xa anh gối mộng úa từ thiên thu 
 
(Virginia, chớm thu 1995) 
Thái Thụy Vy
 
Nhà thơ Thái Thụy Vy, tên thật là Đỗ Khoa Luật, quê quán Biên Hòa, Đồng Nai, từng là một sỹ quan quân y trong quân lực VNCH. Ông đã xuất bản nhiều sách bao gồm nhiều thi tập, truyện ngắn, biên khảo, v.v. Ông đặc biệt yêu màu tím và vì vậy trong thơ văn của ông, ta thấy luôn phảng phất đâu đó sắc màu tím hiền hòa.  Hiện ông đang cư ngụ tại Chandler, Arizona.  Mời quý độc giả vào trang nhà của tác giả để tìm đọc nhiều bài vở giá trị: 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com