User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
lyquanhoang
 
Sáng nay trời trở gió và bầu không khí lạnh tràn về nơi Tín ở, đọc báo thời tiết nhiệt độ bây giờ là 58độ F tức khoảng chừng 14độ C. Nhiệt độ này là lý tưởng đối với những người sống ở miền Bắc, nhưng lại là quá lạnh đối với Tín và những người sống ở xứ sở mặt trời quanh năm này.
 
Tín pha cho mình ly cà phê đen không đường bỏ vào vài cục đá, anh có thói quen uống cafe đá đằng đẵng mấy chục năm rồi kể cả từ hồi còn ở Việt Nam. Chính vậy nên mấy đứa bạn ở chung thường nói anh khùng, crazy, trời lạnh bỏ mẹ vậy mà vẫn cà phê đá.
 
Pha ly ca phê cho mình xong, ngồi trầm ngâm trong im lặng, anh đang sắp xếp ý để hoàn thành một truyện ngắn đang viết dở dang.
 
Điện thoại reng, có tiếng Lực (biệt danh là Lực xụi). Sở dĩ có biệt danh này là vì ngày xưa lúc gia nhập quân ngũ, sau khi ra trường, Lực mang lon Thiếu Úy được phân bổ ở Tiểu Khu Phan Rang, Tháp Chàm. Sĩ Quan trẻ tuổi, đàn hay hát giỏi, khiêu vũ điêu luyện, Lực đã lọt vào mắt xanh của không biết bao nhiêu cô gái đẹp của vùng đất gió như phang, nắng như rang, nhưng xui xẻo cho Lực là cậu ta lại yêu và theo đuổi một cô gái xinh như mộng, ái nữ của vị Tiểu Khu Trưởng là xếp của cậu ta. Thế là một ngày đẹp trời đã kết thúc những ngày rong chơi nhàn nhã vây bọc xung quanh là những kiều nữ, tính luôn cả ái nữ của vị Tiểu Khu Trưởng, Lực nhận quyết định ra vùng giới tuyến, về Trung Đoàn 53, Sư Đoàn 23 Bộ Binh trấn đóng theo biên giới Việt, Lào, Campuchea.
 
Trong một trận đánh Lực bị đứt động mạch ở tay và khi xuất viện, tay Lực bị xụi vĩnh viễn, rồi ra Hội Đồng Y Khoa, Lực được quyết định cho về vườn. Khi về vườn Lực xin được làm giáo viên Tiểu Học, nghe đâu ở Ninh Chữ. Thế rồi sau 1975, Lực được lưu dụng làm giáo viên miền núi xoá nạn mù chữ nhưng vẫn không bỏ cái tật đào hoa, đến đâu là có người yêu đó, miệng dẻo queo như kẹo mạch nha, làm sao các cô không mê tít thò lò.
 
Tín quen biết và thân với Lực từ dạo ấy, như bao giáo viên lưu dụng. Lúc ấy Tín đang dạy Văn ở một trường Trung Học Đệ Nhất và Đệ Nhị Cấp ở Phan Rang và sau khoá học chính trị 1975 Tín bị điều chuyển về một huyện miền núi và tiếp tục công việc giảng dạy. Cũng trong thời gian này anh quen biết và kết thân với nhiều người bạn khác như Do, một tay chơi đàn Classic nổi tiếng ở Thạch Hà (đã đi xa vì nhồi máu cơ tim); Trần Hữu Hội, tâm hồn mênh mông tràn đầy chất lãng mạn (bây giờ là nhà văn); Trần Hữu Giáo, anh của Hội, Sĩ Quan chế độ cũ, sau học tập cải tạo về làm nông, một tay luôn sống chung thân với những bất mãn; Lê Quang Hoà, cựu sinh viên Đại Học Huế, lúc ấy cũng là giáo viên miền núi như Lực xụi; Linh Mục Nguyễn Hữu Hoàng, thụ phong năm 1976, được Tòa Giám Mục đưa về làm Linh Mục coi sóc một giáo xứ miền núi; Truyền, TNXP về làm nông; hoặc Kim Anh, Phương nhí.
 
Cái thời vàng son, đói nhiều hơn no nhưng cả bọn vẫn cà phê thuốc vấn hoặc năm thỉnh mười thoảng lên đời phì phèo dăm ba điếu thuốc lá nông nghiệp hoặc Thủ Đô được phân phát theo tiêu chuẩn hàng tháng. Tín còn nhớ dạo ấy miếng thịt quý như vàng, bởi theo tiêu chuẩn mỗi người chỉ được cấp phát một hoặc hai lạng thịt mỗi tháng và mọi người có thể tưởng tượng được rằng sau mỗi tiết dạy anh em lại ra rừng hái rau dền rừng luộc với muối cộng chút bột ngọt làm canh, gạo thì chỉ được 5 kg cộng với 8 kg khoai mì, ăn rau dền miết rồi, nói xin lỗi, đi ngoài thấy toàn phân xanh lè. Lâu lâu anh vù về thăm nhà, mẹ thấy gầy trơ xương tội nghiệp, bà lại chạy vạy đâu đó mua cho một hai ký thịt heo ở chợ trời về, luộc lên ngâm mắm đưa cho con đem lên trường ăn dần, nhưng nào có ăn dần được, tập trung cả bọn lại với thịt ngâm mắm, rau rừng và vài lít rượu đế có nhúng thuốc sâu. Biết vậy mà cả đám đâu có thằng nào sợ chết, ăn uống như là ngày mai sẽ không còn được ăn, từ đó Tín nghiệm ra đước một chân lý là cái đói có thể làm cho người ta trở nên hèn hạ một cách không ngờ, chẳng hạn trong cuộc họp giáo viên cuối tháng để phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm như thuốc lá, bột ngọt, lốp xe đạp, xe đạp v.v. Đã có những cặp vợ chồng như Đặng Xuân Long, Nguyễn Thị Thuý, họ đã bình bầu cho nhau để có được danh hiệu xuất sắc để được mua một hai chiếc lốp xe đạp hoặc chiếc xe đạp và sau đó bán đi kiếm lời, rốt cuộc kẻ được thì mặt mày hơn hớn như hoa hướng dương, kẻ không được thì mặt mày hậm hực, tức tối. Cái đói nghèo thật kinh khủng, nó làm cho con người ta quên hết thế nào là danh dự, tư cách con người, mọi người đã trở nên lố bịch và hèn kém một cách tội nghiệp. Nhưng riêng với nhóm bạn của Tín, tất cả hầu như bất cần, có những tháng sau khi lãnh hàng nhu yếu phẩm cả bọn tập trung lại bán hết số hàng ấy cho con buôn lấy tiền chỉ để làm một chầu nhậu quên bờ, quên bến và hôm sau lại chấp nhận những bữa ăn đạm bạc mà thức ăn chỉ là canh toàn quốc nấu với rau dền rừng được nấu với muối và bột ngọt. Ấy vậy mà đời vẫn vui, và còn hồn nhiên tụ tập lại đàn ca hát xướng suốt đêm để đến sáng hôm sau lên lớp với những khuôn mặt hốc hác thiếu ngủ thiếu ăn.
 
Tín vẫn còn nhớ như in cái lần tỏ tình đầy ấn tượng của anh với cô giáo Loan. Hôm ấy cả nhóm giáo viên qua Cà Dập, một phân hiệu 2 của trường, toạ lạc cạnh một ngôi làng của người dân tộc K' hor để dự giờ và muốn qua. Phân hiệu này phải vượt qua một dòng suối cạn, nhưng đêm qua mưa suốt đêm và giòng suối cạn tràn ngập nước, dân làng ở đó đã làm tạm một cái cầu bằng những nhánh cây rừng cho mọi người qua lại, chờ cho cả nhóm giáo viên qua hết, Tín qua sau cùng với cô giáo Loan. Anh bước từng bước trên những nhánh cây yếu ớt lắc lư, Loan qua sau. Đợi cho Loan đến giữa dòng suối anh mới nói. "Nào em hãy nói là em yêu anh đi, nói đi, nói yêu anh đi, không anh xô em xuống suối và anh cùng nhảy xuống rồi cả hai chúng ta cùng chết trên giòng suối tình yêu này". Cô giáo Loan thật tội nghiệp vừa mếu, vừa khóc, vừa nói em yêu anh và khi qua đến bờ bên kia, khi thấy cả đám giáo viên cười phá lên chọc ghẹo, Loan rượt theo Tín, vừa đuổi theo vừa nói: "Ông quỷ, tui phải giết ông hôm nay mới đã giận."
 
Hay nói về cô Cẩm Tú, độc thân lại sợ ma. Một đêm sau khi đi chơi nhà phụ huynh, Tín trở về khu tập thể, khu tập thể chỉ là một lớp học trống được ngăn đôi bằng những tấm tôn, một bên là nơi ở của nam giáo viên, một bên là nữ vì vậy mọi tiếng động hoặc ai nói gì bên kia đều nghe rõ mồn một. Khi Tín chuẩn bị lên giường ngủ, anh nghe có tiếng cái thau nhôm cọ xát dưới nền nhà và sau đó là tiếng nước xối vào thau nghe rồn rột, anh cảm thấy buồn tiểu ngồi dậy để đi ra nhà vệ sinh cách phòng tập thể không xa, bước xuống anh nhìn thấy một dòng nước loang lổ từ phía phòng nữ chảy sang vì nền nhà bị dốc và bởi cái thau bị lủng. Chợt anh muốn đùa dai nên tằng hắng giọng và nói trống không: "Coi mà lấy khăn lau cho sạch nền nhà không mai tui loa loa cho cả làng biết là mệt lắm đó" rồi anh bỏ ra ngoài châm điếu thuốc ngồi hút dưới hàng hiên cười khục khục trong cuống họng.
 
Rồi lại nói về Cao Xuân Thành, hắn người Ninh Hoà, dạy Sử, rất nhát. Một đêm hắn chột bụng chạy ra nhà vệ sinh mà nhà vệ sinh lại cách khu tập thể một khoảng đất trống đầy bóng tối. Vừa sợ, vừa chột bụng nên chưa đến nhà vệ sinh hắn không kềm nổi nên phóng đại cái sự đời trên mặt đất, sau đó hốt đất và lá khô phủ lên sơ sài. Hôm sau trong lúc uống cà phê sáng, Tín nói, "Có phải hôm qua cậu đại tiện trên khu đất trống phải không? Khôn hồn thì dọn dẹp sạch sẽ rồi chạy ra phố mua bó nhang và con gà làm mâm cơm tạ tội với người chết đi. Cậu biết không, ngay chỗ cậu phóng uế, dưới đất là một ngôi mộ cổ vô danh đó. Làm ngay đi, không tối nay hồn ma về nó vặn họng cậu vì cái tội ỉa trên đầu người chết đó." Thế là cả bọn được một bữa chè chén no say và một trận cười ra nước mắt khi chứng kiến cái cảnh Thành dọn dẹp sạch sẽ cái của nợ hắn thải ra đêm qua rồi thành kính đốt nhang bày gà và xôi ra xì xụp khấn vái.
 
Những ngày gian khổ mà không kém phần vui vẻ rồi cũng đã trôi qua. Bạn bè mỗi người tản mác khắp nơi. Lực đã thôi không còn đi dạy miền núi nữa, về làm vườn và vẫn không chừa được cái tật dan díu tùm lum tà la với phái đẹp. Hoà chuyển về Phan Rang lập gia đình rồi nghe đâu tiếp tục nghề giáo một thời gian ngắn ở Ka Rom (Du Long), sau về làm bên Y Tế. Hội, Giáo di chuyển gia đình vào Sài Gòn tiếp tục viết văn, sinh hoạt với một số trang web văn chương. Do và Truyền cùng gia đình vào Hoà Bình, Xuyên Mộc làm cao su, và rồi Do cũng đã rời bỏ cuộc đời để làm một chuyến hành trình vào hư không sau một cơn nhồi máu cơ tim. Hội thì sau một cơn bệnh đã cống hiến cho cuộc đời một cái chân để cho ra đời hai tập truyện là "Hạt Mầm Trót Vay""Số Mệnh". Còn bản thân Tín cũng bỏ dạy về quê làm công nhân cho một lò vôi, công việc hết sức nặng nhọc như lặn xuống biển đục đá san hô, chất lên bè tre đẩy vào bờ, bốc lên xe ba lua, chẻ đá, vô lò ra lò, sàn vôi v.v... Sau một thời gian, không kham nổi công việc, anh đã bỏ vào Sài Gòn. Thời gian đầu mưu sinh bằng công việc bán sách cũ dọc theo vỉa hè và cũng nhờ công việc này anh đã đọc rất nhiều để giết thời gian trong những lúc không có khách. Khách hàng đến với Tín thường có hai loại: bán sách và mua sách, vì vậy anh đã sưu tập được nhiều bộ sách quý và giữ lại làm tài sản tinh thần riêng cho mình, còn mua sách thường là những học sinh nghèo, bác phu xe, chị bán hàng rong, những chị em công nhân.
 
Cuộc sống đã trôi qua chóng vánh thật bất ngờ. Cả bọn ngày nào mới tròm trèm hai lăm cái xuân xanh nay đứa nào đứa nấy đã tiến đến cái ngưỡng "thất thập cổ lai hi", có dâu con, rể cháu đầy đàn.
 
Tín sau một thời gian lăn lộn kiếm sống bằng nghề bán sách cũ và cũng nhờ vốn liếng tiếng Anh, anh đã chuyển qua làm hướng dẫn viên đưa khách Tây đi du lịch từ Nam ra Bắc, đồng bằng, cao nguyên, để rồi sau đó như số mệnh đã định đoạt, lưu lạc qua nửa vòng trái đất, để rồi mỗi ngày gặm nhấm nỗi buồn của kẻ tha hương, để nhớ về từng người bạn thân yêu, từng người quen kẻ lạ, từng người thân yêu đã bước qua cuộc đời mình.
 
Những ngày buồn bã hồi tưởng lại một phần đời trong quá khứ, anh thường chua chát tự ví von cuộc đời mình như con sóc, chạy lên chạy xuống trên nhánh cây khô và tự dốc ngược đời mình vào những chuyện không đâu như lời nhận xét của đám bạn cùng phòng.
 
Cứ như vậy mỗi ngày Tín lập đi lập lại một thói quen đơn điệu: Tự pha cho mình một tách cà phê và ngồi trầm ngâm hàng giờ để lục lọi lại những ngăn kéo ký ức, rồi cho phép mình hồi tưởng về một quãng đời xa xăm trong quá khứ nhưng mà quá đỗi thân thương. Thế rồi ngày tháng cũng trôi qua và cuộc đời cũng sắp hết, mùa cũng sắp qua, xuân hạ thu đông lần lượt như những người bạn, người tình đến rồi đi và không bao giờ báo trước dù là chỉ với một tín hiệu nhỏ nhoi như những tia chớp trên bầu trời đen kịt trong những ngày giông bão.
 
Như vậy đó, Tín đã sống những ngày tràn ngập niềm hân hoan chen lẫn với những khổ đau, cả hai như một loại keo dán sắt bám vào cuộc đời anh không rời. Anh đã từng tự vỗ về và phủ dụ mình rằng hãy sống vui và bằng lòng với những gì mày đã có trong quá khứ và hiện tại rồi đời mày cũng sẽ trôi qua, suy nghĩ nhiều làm gì cho mệt mỏi. Đã có lúc anh bất cần mọi thứ và cũng có những lúc anh thèm khát mọi thứ, chẳng hạn như một vòng tay, những lời nói dịu dàng, những cuộc tụ họp bạn bè thân tình thâu đêm suốt sáng, những khung cảnh ấm áp với âm nhạc trữ tình, những bước nhảy đam mê và bên cạnh là người bạn nhảy xinh đẹp làm anh như muốn thiếp đi dù là trong giây phút. Tín là như vậy, một kẻ luôn sống với những ký ức của quá khứ êm đềm, tràn đầy giông bão, nước mắt chen lẫn tiếng cười khinh bạc, những ngày mà cuộc đời đã có những lúc tưởng rằng như đã đến chỗ tận cùng, những ngày tràn ngập yêu thương, những cuộc hạnh ngộ tràn đầy sự bất ngờ nhưng không kém phần thú vị. Anh lại nhớ về những người đàn bà, những vòng tay đã đến với đời mình, nhưng rồi lại ra đi không một lời báo trước. Anh luôn tự hỏi: "Có phải mình chỉ là một kẻ dị hợm để không một ai có thể dừng lâu với mình trong những cuộc tình tràn đầy màu sắc lãng mạn, âm nhạc và niềm đam mê không rời?" Ngước nhìn lên bầu trời xanh thẳm, đây đó là những cánh chim hải âu bay lượn trong khung cảnh mùa thu sắp qua đi và cái giá rét của mùa đông lại sắp về trên một xứ sở xa lạ mà "vậy là mình sắp bước qua một tuổi nữa, còn rất nhiều điều cần làm mà thời gian thì quá ư là hạn hẹp". Anh chép miệng thở dài như tiếc nuối cho một quãng đời trai trẻ đã qua.
 
Lại nhớ về những ngày tháng ở Đức Linh, Thuận Hải. Anh em giáo viên thường nói đùa khi có người hỏi dạy ở đâu, mọi người thường cười cười nói: "Tụi tui dạy ở huyện Thất Kinh, tỉnh Sợ Hãi", nói xong cả đám cười bò lăn bò càng. Những ngày tháng ấy, những ngày tháng gạo châu củi quế, ngôi trường toạ lạc gần trạm thuế vụ vì vậy khi nào muốn có tiền uống rượu cứ luân phiên một hai thằng ra vận chuyển hàng lậu cho chị em dân buôn là tối hôm ấy lại có một trận nhậu kinh thiên động địa. Rượu được đựng trong một cái can bằng nhựa màu vàng, dung tích khoảng năm lít.
Hôm ấy nhờ có tiền vận chuyển hàng lậu nên bữa nhậu khá huy hoàng. Mồi là một con cá lóc được hấp với bún tàu và nấm thêm vài trái xoài chua, một ít khô cá do Huy quê ở miền Tây mang lên. Bữa nhậu khá long trọng với lời khai mạc khá dí dỏm của Tín:
 
- "Kính thưa quý anh chị đồng nghiệp, quý anh mạnh thường quân xâm mình, hy sinh thân mình chuyển hàng lậu, xin chân thành cám ơn quý anh đã không tiếc thân mình để có được bữa nhậu huy sờ hoàng hôm nay một hai ba nào chúng ta zô!"
 
Lực lên tiếng:
 
- "Chúng ta không được quên ơn con "khủng long" làm mồi cho bữa nhậu nha các bạn. Zô. Zô. Zô."
 
Thoáng chốc can rượu 5 lít đã bốc hơi hết từ lúc nào. May thay lúc ấy có chú Tùng, dân địa phương tấp vô sau, mới vô được hai ba ly gì đó, thấy hết rượu bèn chụp lấy cái can không đi mua tiếp (luật giang hồ ở đây là vậy, cứ người nào vô sau thấy hết rượu là tự động đi mua, đôi khi kèm luôn cả mồi nữa không cần ai nhắc). Cứ thế cuộc rượu kéo dài đến sáng mới bế mạc. Tín cảm thấy mình sắp sửa lên cõi nát bàn, rồi Lực lè nhè một bài hát "Anh đến thăm em đêm Ba Mươi, còn đêm nào vui bằng đêm Ba Mươi, anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em". Vừa hát Lực vừa xua những nhát chổi dọn dẹp bãi chiến vừa diễn ra, trong khi đó Hội ôm đàn đệm theo bằng hợp âm rời rạc. Tín ôm cái gối ôm, tưởng tượng như đang ôm đào lắc lư theo tiếng nhạc. Thọ gầy nói: "Cha ni chừ vẫn còn mê nhảy đầm với nhảy đìa". Lê Quang Hoà thì ngồi trầm ngâm nói: "Thôi đi ngủ đi tụi bay, khuya rồi, du kích vô kiểm tra bây chừ thì khốn". Nói đến Lê Quang Hoà lại nhớ tên ni ngày ấy cũng khá đào hoa không thua kém gì Lực xụi, có thể kể ra một số nàng đã bị chàng trai lãng tử Hoà Huế mê hoặc như XĐ, Dạ Lê, Thu Vân.
 
Vâng, sáng hôm nay Tín đã như sống lại một phần đời trong quá khứ với những vui buồn lẫn lộn và từ trong sâu thẳm, anh thấy xuất hiện, dường như là một vết xước làm anh cảm thấy buốt và rát tựa như những linh hồn của quá khứ đang trở về quay quần xung quanh giống như bữa nhậu kinh thiên và mồi là một con khủng long nằm trên chiếc dĩa nhôm đơn điệu giữa cuộc đời đầy rắc rối và nhiêu khê.
 
Và những ngày sắp tới đang còn ở phía trước, Tín cảm thấy không vui, không buồn, lửng lơ. Sự câm lặng nơi anh như hóa đá. Anh luôn tự hỏi mình với nỗi hốt hoảng không tên, không màu sắc và hình hài là: "Những ngày tháng trong quá khứ bây giờ đang ở đâu?"
 
Cuối cùng cũng chỉ còn lại là những hoài niệm sâu lắng như những tiếng thở dài đầy tiểc nuối và một lúc nào đó anh sẽ không còn là anh nữa với những ngày tháng lạnh giá như hôm nay, bên cạnh là cốc cà phê đậm đặc phủ đầy sương khói, sự quạnh hiu, nỗi buồn và niềm vui không đong đầy những mảnh ký ức mong manh, và rồi cuối cùng cũng chỉ là một dấu chấm hết.
 
Rồi đến một lúc nào đó anh cũng phải ra đi thôi, chuyến đi hoàn toàn không hề được báo trước. Anh tự hỏi "liệu có gì vui ở chốn ấy?". Liệu có con đường nào dẫn tôi trở về thăm lại những năm tháng đã trôi qua và bây giờ phía trước anh là con đường đầy bóng tối, sâu hun hút lòng huyệt mộ.
 
Còn có con đường nào cho tôi về với em, về với bạn bè thân quen một thời xa lắc.
 
Một trận mưa lớn vừa đổ xuống thành phố đêm qua.
 
Người người ra đi. Người người ở lại.
 
Từng dòng người lũ lượt.
 
Nơi đó sẽ không còn niềm vui hay nỗi buồn.
 
Những ngày ấy đã qua rồi, không thể nào quay trở lại, bởi có bao giờ kim đồng hồ chạy ngược chiều với vòng quay của nó. Tín luôn có một ước mơ khá viễn vông là ước gì thời gian quay trở lại, lúc đó anh và những người bạn lúc còn là những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ tuổi đôi mươi, sống cùng niềm vui trộn lẫn với những khổ đau, luôn ray rứt bận tâm suốt một đời vì là những kẻ sinh bất phùng thời, và bức màn vẫn còn đó, sau lưng bức màn là cả một quãng đời trong quá khứ và chỉ cần một chút lay động nhẹ, bức màn được vén lên và chúng lại hiện lên rõ mồn một như mới ngày hôm qua và không kém phần sinh động.
 
Khi đặt bút viết những giòng này Tín đã không biết là mình nên bắt đầu từ đâu, bởi phần đời mà anh và các bạn đã sống, đã đóng nhiều vai khác nhau, một vài người trong những vai ấy có kẻ đã ra đi, có người còn tồn tại trên nhiều tỉnh thành khác nhau, thậm chí có những người đang ở xa cách quê hương mình, nửa vòng trái đất nhưng luôn sống và sống với những hình ảnh quá khứ thời trai trẻ của mình, hình ảnh của những người bạn thân thương của mình.
 
Điều này giống như lời của một ai đó đã nói: Viết chính là sống lại một phần đời đã qua và sống nốt phần đời còn lại.
 
Lý Quang Hoàn
những ngày tháng 10
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com