Cái thư hoàn toàn chẳng bao giờ ngờ tới, đến trong buổi chiều cuối năm, khiến tôi sững người suốt cả mấy ngày. Gần như đã hơn hai mươi năm, tôi mới nhìn thấy lại những hàng chữ mỏng nét nhưng cứng cáp, và đều đặn ấy. Cái thư, của dì Thuyền. Cái thư viết trên giấy màu vàng nhạt, với những đường hoa văn thanh tú, làm nổi bật màu mực đen tuyền cùng những dấu chấm câu, ngắt đoạn rõ ràng. Ở cuối thư, vẫn bay bướm một chữ ký dài. Vẫn lạ thường hai giòng tái bút chẳng hề có chút gì liên quan đến nội dung phía trên, “dì có trồng trong nhà hai chậu dâm bụt, màu vàng, và màu đỏ. Cây đang độ ra hoa. Lớn kinh khủng. Mát rượi cả mắt. Ngự xuống đây, dì cho coi”.
Lá thư của dì Thuyền. Văn chương chữ nghĩa của dì Thuyền. Phong cách của dì Thuyền. Hoàn toàn chẳng hề thay đổi. Hoàn toàn chẳng giống bất cứ người nào tôi từng gặp gỡ, từng quen biết trong đời. Lá thư làm tôi đã phải lật đi lật lại nhiều lần. Săm soi nhiều lần. Ðọc tới đọc lui nhiều lần. Nhưng cuối cùng, vẫn ngỡ mình nằm mơ.
Dì Thuyền viết, “chỗ Ngự ở cách chỗ dì năm trăm cây số. Ðoạn đường có thể gọi là hơi xa. Nhưng mà dì biết chắc chắn, chẳng bao giờ là ngăn sông cách núi, là cản trở, là chướng ngại cho Ngự, vì Ngự biết, dì luôn chờ Ngự ở nơi này. Dì đã dọn dẹp một căn phòng, cửa sổ quay về phía mặt trời mọc như Ngự vẫn thích ngày xưa. Ðã soạn sẵn một chỗ, để Ngự có thể nghe chim hót vào buổi sáng, ngó lá hoa khép cánh vào buổi chiều. Ngự xuống, dì sẽ dẫn Ngự đi thăm hồ. Ngũ hồ. Mùa này còn lạnh ghê lắm đó Ngự. Nhưng dì nghĩ chắc khung cảnh này không khác trời mơ của Ngự ngày xưa mấy đâu. Xuống, tha hồ cho Ngự mơ mộng. Xuống, dì nấu cho Ngự ăn mấy bữa. Ngự thích cá chiên sả ớt phải không? Lâu rồi dì không làm, nhưng chắc chắn sẽ không dở đâu, cam đoan với Ngự đó. Xuống, nghe Ngự?”. Và rồi dì chấm dứt lá thư, một cách hết sức đột ngột, “thăm Ngự. Nhớ Ngự dễ sợ”.
o O o
Chưa đi, tôi đã mơ. Ðúng ra, tôi bềnh bồng giữa mộng và thực. Mơ và tỉnh. Mặt tôi cứ nóng ran lên, người cứ bồn chồn và hơi thở cứ như không thoát nổi khỏi cuống họng cách bình thường khi nghĩ tới dì. Tôi lao chao giống một chiếc lá trong cơn gió xoay chiều. Giống hệt như bao nhiêu năm đã thấp tha thấp thỏm, lòng chẳng hề yên, cũng chẳng thể tịnh, không biết dì đã trôi giạt về đâu, tọa vị phương trời nào.
Nhưng thật tình, có lúc tôi đã định bụng sẽ lơ luôn, sẽ không trả lời, coi như chẳng nhận được một lá thư nào của dì. Tuy nhiên cuối cùng, không chịu nổi, tôi đành sắp xếp ngày giờ nghỉ, đành vội vã viết cho dì dăm ba hàng, báo cho biết ngày tôi tới, rồi ra mua vé khứ hồi khăn gói xuống miền Nam, mà không hề thắc mắc tại sao dì lại có được địa chỉ tôi một cách chính xác như thế.
Tôi đi, như với hư ảo, với mộng mị. Nhà dì Thuyền nằm trên ngọn đồi nhỏ, lượn quanh dưới chân đồi là một giòng suối nước chảy trong vắt. Trời bắt đầu chớm sang Xuân, tuyết hết còn đóng ụ trắng xóa ven bờ như tôi tưởng, mà đã phủ đầy những mảng rêu non. Giữa giòng đã lăn tăn nhiều cơn sóng nhỏ, lờ lững vài cụm rong màu xanh lục đậm, vài chiếc lá vàng trôi nhẹ tựa những con thuyền tí hon lênh đênh trên sóng. Dăm ba con cá hương, mình lốm đốm màu hồng nhạt, quẫy đuôi quanh những vũng nước cạn. Thỉnh thoảng đây đó vắt ngang con suối, hai ba chiếc cầu gỗ cũ kỹ, mươi nhánh cây già đang độ đơm hoa, trổ lộc, nghiêng bóng, soi mình xuống mặt nước. Khuất sau rặng dương, thấp thoáng vài mái ngói, vài bức tường bằng gỗ sồi của những ngôi nhà nghỉ cuối tuần, vài đống củi thông dành để sưởi cho mùa đông, vài đóa Tulip nở sớm, vài bụi trúc Á châu lạc lõng vàng lá. Một phần trục quay của bánh xe nước thủy điện được xây dựng từ trước thời Ðệ Nhất Thế Chiến, ẩn hiện sau hàng phong lá đỏ năm cánh nhìn xa trông như vòng đu quay khổng lồ của đoàn xiếc.
Thắm Nguyễn
Căn nhà, lẫn khung cảnh ở chung quanh đều đẹp hơn tôi có thể tưởng tượng rất nhiều. Khứu giác tôi sực nức mùi thơm của lá, mùi hăng hắc của gỗ, mùi nồng ẩm của đất, cùng mùi ngai ngái của rong rêu. Có lúc, tôi đã tưởng như mình đang đứng trước một bức tranh cổ của thế kỷ trước với những màu sắc vàng, nâu và hồng nhạt pha lẫn lộn vào nhau. Có khi tôi lại ngỡ mình đang rơi rớt vào một cơn mơ nào đó, huyễn hoặc. Một cơn mơ tiếp theo những cơn mộng du hư hư ảo ảo, bàng hoàng ma quái từ lúc nhận ra những nét chữ của dì Thuyền trên phong thư. Và cũng có lúc tôi lại mường tượng mình ngồi trong một rạp ciné đang trình chiếu những đoạn phim cũ kỹ, xưa rích xưa rang.
Tôi có cảm giác hệt như vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài mê mệt, không kịp nhận ra được không gian và thời gian mình đang hiện hữu. Cả lúc chiếc taxi vòng vèo từ chân đồi lên đến đỉnh, xuyên qua những con đường trải nhựa gập ghềnh, nghe tiếng động cơ nổ khe khẽ bên tai, nghe tiếng người tài xế xôn xao bắt chuyện, mắt chạm những hình ảnh rất thực, rất gần, mà tôi vẫn cứ như không thể đào thoát ra khỏi cái trạng thái bềnh bồng, say khướt một cách kỳ quặc ấy.
o O o
Dì Thuyền ốm nhom. Mảnh mai như một đóa hoa cúc gầy cuối thu. Vẻ u buồn không giấu được, buồn u ẩn như một câu thơ, làm tôi giật cả mình lúc trông thấy khuôn mặt dì xao xác hiện ra sau ngưỡng cửa. Dì có vẻ như đang chìm đắm, như rơi hẳn vào một khoảng không dị thường trước mặt. Cơ hồ quanh dì không có ánh sáng, không có ban ngày. Lúc dì ôm tôi, bờ vai nhỏ dưới lớp áo mùa Xuân mỏng mảnh chạm vào bắp tay tôi, cứng ngắc khiến không muốn mà tôi cũng rùng mình. Tôi có cảm tưởng da thịt dì chừng như tan biến mất, chỉ còn lại những mảnh xương kết dính vào với nhau. Lổn ngổn. Khô khốc. Tôi thảng thốt kêu lên một câu vô cùng thừa thãi. Dì ốm dễ sợ! Dì Thuyền bật cười buông tôi ra. Mắt dì long lanh ướt. Ðôi con mắt dài. Hình thuyền, y hệt như tên dì. Rèm mi suôn thẳng lúc nhìn xuống trông như những bàn tay buông xuôi, đầu hàng số phận. Ðôi tròng mắt dì nâu trong, nhưng cái nhìn thờ ơ, buồn rầu. Nơi cuối đuôi mắt, còn hằn nhiều vết chân chim thật rõ nét ngay cả lúc không cười. Tôi kêu thầm. Dì Thuyền già hơn, héo hắt hơn tôi đã tưởng tượng rất nhiều…
Căn phòng dì Thuyền dành cho tôi, không chỉ nghe được tiếng chim hót buổi sáng, lá hoa khép cánh vào buổi chiều như dì viết, mà còn thấy được một mảng trời bát ngát, và những hàng thông xa tít cuối chân đồi. Ðêm đầu tiên ngủ ở nhà dì Thuyền, ly trà đen của Anh vậy mà cũng làm tôi thao thức, không yên giấc. Nửa đêm, tôi trở mình ra đứng lặng bên cửa sổ nhìn vào khoảng bóng tối đen mịt. Ðêm tàn trăng, đêm nguyệt tận. Ðêm ngơ ngác buồn. Ðêm thinh lặng như không hề có tiếng động. Không bước chân người, không lao rít vòng bánh xe, không động cơ nổ giòn như ở phố, nhưng tuyệt nhiên cũng không cả tiếng kêu ri ri của côn trùng, tiếng gió thổi qua đầu nhà xao xác.
Ðêm hoang vắng vậy mà lòng tôi hết sức ngổn ngang. Dẫu đã cố tránh, tôi vẫn nghĩ mãi đến khuôn mặt âu sầu hiếm hoi những nụ cười dịu ngọt của dì Thuyền. Dẫu đã cố không liên tưởng gì cả, tôi vẫn thấy chờn vờn trước mặt mình, hình ảnh đơn côi của con chim chiều lẻ bạn. Tôi có cảm tưởng dì khi quen khi lạ, khi gần khi xa. Có lúc tôi thấy dì cũ kỹ, chẳng hề thay đổi. Thời gian, không gian như đứng lại trong dì. Nhưng cũng có lúc tôi bối rối thể như đang đối diện với một ai đó chưa hề biết mặt, nghe tên. Có lúc dì làm tôi chòng chành, không định hướng được cả mình.
Chiều, bao nhiêu năm mới gặp lại nhau, mà hai dì cháu đã nói với nhau về kiếp nhân sinh phù phiếm, về những khoảnh khắc đã qua đi trong đời của một con người. Ðúng ra, dì Thuyền nói, tôi ngồi nghe. Tôi ngồi quan sát, ngồi lóng ngóng, cố tìm trong giọng nói của dì, trong những thanh âm ít thấy vẻ lạc quan yêu đời mà cứ sầu thảm như một tiếng khèn, một điều gì đó khác hơn những điều dì đang đề cập.
Dì Thuyền kể lể chuyện tình, chuyện xa nhà, chuyện lấy chồng, rồi chuyện góa bụa, hệt như đang kể về một người nào đó, hệt như đấy là những mảnh đời của ai khác, không dính dáng gì đến mình. Như dì đọc cho tôi nghe một chương tiểu thuyết, một khúc truyện ngắn. Họa hoằn lắm, tôi mới bắt gặp được chút bồi hồi thường thấy khi người ta nhắc nhớ chuyện dĩ vãng. Hiếm hoi lắm, tôi mới nhận ra bóng dáng dì Thuyền ngày xưa của tôi thấp thoáng trong các câu chuyện kể của dì. Chỉ trừ một lần duy nhất, dì dừng lại, hỏi thăm tôi về một góc phố, một con đường, vài ba quán ăn, và tiệm cà phê ngày trước tôi và dì từng có dịp đi với nhau bằng một chút bâng khuâng mơ màng.
Rồi sau đó, dì lại trở về cái kiểu cách ban đầu. Dì nói lâu quá dì chưa về thăm lại thị xã. Và dì kể, đã có lúc dì thèm nghe tiếng guốc gõ vang trên hè phố, thèm thấy một nhành bông phượng đỏ chói đến não lòng. Lúc dì Thuyền nói với tôi như vậy, kể với tôi như vậy, tôi đã ngồi yên, úp hai bàn tay lên nhau trong lòng, mắt vướng thật lâu trên khuôn mặt thờ ơ của dì, tự hỏi lòng, chẳng biết là dì không muốn lật lại những trang đời đã qua đi với mình, hay dì không còn nhớ đến chúng nữa. Suốt buổi chuyện vãn với dì, tôi đã cố ý chờ dì nhắc đến những mối quan hệ xưa cũ, những tên người, những kỷ niệm buồn vui ngày ấy, nhưng gần như dì không hề đá động đến bất cứ ai tiếng nào. Cả sự hiện diện của tôi trong vùng ký ức dì, cũng gần như không có. Như trước mặt dì bây giờ, tôi chỉ là một người khách lạ, ghé trọ qua một buổi chiều, buổi tối nào đó, ngẫu hứng, được dì kể chuyện lòng cho nghe.
Tôi đã ngồi yên suốt buổi chiều. Yên với rối rắm. Yên với ngạc nhiên, với khúc mắc. Với nghi hoặc chẳng chung quanh mình có thật hay không. Diễn biến có thật hay không. Gặp gỡ với dì Thuyền có thật hay không.
o O o
Ðêm hôm trước, không biết tôi đi ngủ từ bao giờ, vào giường như thế nào, nhưng sáng ra, thật sớm, tôi đã thức dậy. Vệ sinh cá nhân xong, tôi lại ra đứng cạnh cửa sổ, thả mắt ra khoảng không gian bao la bên ngoài. Hàng cây xa đen lạnh, in đậm những nhánh xương gầy lên bầu trời còn nhờ nhờ đục một màu xám. Tự dưng cái không khí bàng bạc, không rõ nét buổi đầu ngày gây cho tôi cảm giác hoan lạc, thơ thới. Tôi chợt thèm đắm mình vào cái lạnh se mặt, và những cơn gió chớm Xuân làm tê dại đôi bàn tay thả trần. Cuối cùng, tôi nhẹ gót xuống nhà, khẽ khàng khép cửa rồi thả bộ xuống con đường duy nhất dẫn xuống suối.
Trời còn ướt đẫm sương đêm như tôi nghĩ. Mặt đất mềm mướt dưới chân tôi. Lẫn trong đám cỏ non mới nhú, vươn ra những đóa bồ công anh, cúc dại bắt đầu hé cánh. Ở thành phố tôi sống, khoảnh trời ngoài khung cửa, dường như nơi nào cũng giới hạn, cũng chật hẹp giữa những dãy nhà cao tầng. Mảnh đất dưới chân cũng chẳng khác gì. Cũng nhỏ bé, cũng rào chắn bởi những dậu sắt thép ngay hàng thẳng lối, hoặc những giậu cây kiểng thấp ngang tầm mắt. Còn ở đây, suối, như không thượng nguồn, không cuối sóng, đất và trời, mênh mông như vô tận, cỏ và hoa, nõn nà như tranh vẽ khiến tôi choáng ngợp. Mọi bâng khuâng day trở đêm hôm trước, như đang chìm xuống, tan biến mất vào hư không.
Tôi lần theo con suối, lang thang trên những con đường đất quanh co, mãi cho tới lúc nắng buổi sáng bắt đầu loang ra, trải vàng rực xuống đồi cỏ bờ bên kia mới tìm đường lên cầu về nhà dì Thuyền. Tự dưng không nghĩ ngợi gì cả mà cái cảm giác u buồn, ngùi ngùi chợt quay về trong tôi. Lên đến khoảng cao nhất, tôi chẳng còn muốn đi nữa, nên dừng lại, đứng nhìn xuống giòng nước chảy.
Xuôi gần sát xuống chân đồi, con suối đã không còn những cơn sóng gợn lăn tăn hiền hòa, mà thay vào đó là những đám bọt trắng xóa cuộn sôi ở giữa giòng. Tôi nhận ra trời đất mang mang không còn làm tôi khướt say như lúc ban đầu nữa. Tôi nhớ đêm hôm qua, trước khi đưa tôi lên phòng ngủ, đến lưng chừng cầu thang, dì Thuyền bỗng ngừng lại, đứng yên một lát bên cửa sổ nhìn xuống khu vườn đang chìm trong bóng tối của mình, rồi thấp giọng:
– Trăng tàn, nhìn buồn ghê hả Ngự?
Ðêm hôm qua tôi đã chẳng nói gì với dì, nhưng sáng nay dưng không tôi lại nhớ đến câu thơ của Bùi Giáng, dì Thuyền vẫn hay đọc ngày xưa, em về mấy thế kỷ sau, nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không, ta đi còn gửi đôi giòng, lá rơi có dội ở trong sương mù… mà bất giác không ngăn được một tiếng thở dài.
Chiều qua, dì kể cho tôi nghe về người chồng không cùng màu da, về những ngày cuối cùng đau đớn của ông, và nỗi cô đơn của cả ông lẫn dì lúc ông vật vã chiến đấu với tử thần. “Trước khi chết, người ta sẽ kêu lên bằng tiếng mẹ đẻ”. Dì Thuyền nói với tôi như vậy. Vẫn bằng giọng kể bình thường cố hữu, bằng đôi mắt chớp nhẹ nhàng, bằng tia nhìn mông lung ra ngoài khung cửa sổ. Hầu như chẳng hề có nỗi chua xót nào hiện lên trong đôi mắt dì, hầu như chẳng có nỗi đắng cay nào toát ra trên môi dì, và mãi đến cuối câu chuyện, dì cũng cứ giữ nguyên một giọng kể như thế, chuyện trò như thế, nhưng lòng tôi nặng xuống, tim lói nhói, quẫy đau một cách kỳ quặc.
Tôi đã cố gắng không tưởng tượng gì hết về một đời sống buồn tẻ của một con người. Cố gắng nghĩ dì chọn mảnh đất này, khung cảnh này chỉ vì ngẫu nhiên, tình cờ để không thấy xa xót trong lòng nhưng cuối cùng vẫn không quên câu nói của dì đêm qua. Vẫn thấy mình lọt thỏm vào mớ ký ức không mấy vui. Tôi ngước mặt nhìn lên trời. Ánh trăng lúc đứng trong cửa sổ tôi đã tìm không thấy, bỗng như le lói, mỏng mảnh và khuyết tựa một chiếc lá lúa uốn cong trong cơn gió, hiện ra trước mặt tôi buồn rầu. Tôi chạnh lòng. Lá thư hò hẹn của dì Thuyền, tôi tình cờ tìm thấy trong ngăn kéo ngày xưa cũng vất vưởng chạy qua trí tôi một cách sầu não. Tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết tôi sẽ nói gì nếu như lát nữa đây, sau khi nhấp một ngụm trà, uống một hớp cà phê, dì Thuyền bỗng nhắc lại chuyện ngày xưa. Không biết tôi sẽ phản ứng thế nào, trả lời ra sao, nếu như dì bảo dì đã sống một cuộc đời buồn bã, âu sầu như thế này là bởi lần dự tính ra đi năm xưa của dì không thành. Mường tượng dì sẽ hỏi tôi:
– Chắc ngày xưa Ngự không thích dì? Ngự ghét dì?
Chẳng biết rồi tôi có suôn sẻ được một câu trả lời hay không. Chẳng biết rồi tôi có dám nói với dì, mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình đã làm đúng. Tuy nhiên mường tượng, thử mường tượng khi dì Thuyền hỏi tôi như thế, chất vấn tôi như thế, biết tôi có đủ can đảm, có anh dũng nói ra những điều tôi suy nghĩ, hay tôi lại ú ớ phân trần, rồi đổ lỗi bởi, tại. Bởi thuở ấy tôi còn bé, tại thuở ấy tôi chưa thể thông cảm, chưa thể hiểu được thế nào là tình yêu.
o O o
Tôi thở dài. Cúi nhìn xuống giòng suối. Mặt nước chao động không ngừng làm tôi không còn nhìn thấy ánh trăng khuyết, trăng thượng tuần mờ ảo in trên nền trời xám. Tôi nhận ra cái cảm giác nhờn nhợn, khó chịu và bàng hoàng như ngày xưa, khi nhớ đến lần bắt gặp dì Thuyền và người anh họ hôn nhau dưới bóng đêm mờ mịt phía sau vườn, tuy không còn dữ dội nữa, nhưng rõ ràng cho đến giờ phút này, tôi vẫn không thể nào cho phép mình chấp nhận được một điều trái luân lý như vậy xảy ra. Trong suốt hơn hai mươi năm biền biệt tin tức nhau, dẫu vẫn cố hết sức nghĩ tốt về dì, cố không làm mất đi những hình ảnh đẹp về dì ngày còn nhỏ, và vẫn cố làm một quan tòa rộng lượng biện hộ cho dì, nhưng sâu kín trong tôi, cơn chấn động phản đối chừng như cũng không hề thay đổi. Ðâu đó, lý trí tôi vẫn nguyên vẹn bão nổi. Mỗi bận dẫu tình cờ hay hữu ý mà mớ ký ức ấy bừng lên trong tâm khảm, tôi vẫn thấy mình lẩy bẩy run như khi chạy đi tìm mẹ, hoảng hốt đưa lá thư hò hẹn của dì cho mẹ. Tôi vẫn không thể biện minh được cho dì. Không đồng lõa được với cái tình yêu của dì ngày ấy.
o O o
Tôi buồn rầu thở dài, quay trở lại nhà dì Thuyền. Nắng lên trong soi rõ những cụm hoa nở vàng rực rỡ trên thềm nhà dì. Tôi gặp dì ngay ở đầu con dốc. Chừng như dì cũng mới đi một vòng, loanh quanh gần đấy để tìm tôi. Thấy tôi, dì cười, nụ cười ngọt ngào hiếm hoi nở ra:
– Tưởng Ngự lạc đâu rồi.
Không biết bởi đã quen mắt, hay tại trời nắng, mà tôi thấy dì có vẻ tươi trẻ ra dẫu dì vẫn mặc chiếc áo len xám, chiếc váy xanh đậm chiều qua. Tôi vừa bước lên bậc thềm, vừa cười trả với dì Thuyền:
– Nếu có vị lãnh chúa nào ở gần đâu đây thì Ngự có lạc cũng đáng lắm chứ bộ.
Tiếng cười của dì Thuyền vỡ ra trong veo. Dì rủ tôi vào nhà uống cà phê. Tôi gật đầu, bước theo dì lên thềm, nhưng cùng lúc, chân cứ như đang bước những bước lạ, trí cứ lẩn quẩn ở một vùng trời tăm tối, không trăng sao nào đó. Nắng, nhưng tôi cứ thấy mình đang lắc chao trong đêm nguyệt tận. Cứ thấy mình lành lạnh ở bờ vai, gây gây ở cột xương sống. Và sâu thẳm trong tôi, tôi cứ thấy mình não nề buồn.
Tôi nhận ra một điều rất phi lý đang xảy ra trong tôi, rằng, ngày xưa dì Thuyền tránh gặp tôi, tránh nói chuyện với tôi vì mặc cảm, vì xấu hổ, vì tôi đã đứng về phía “chân lý”, chuyện xảy ra hơn hai mươi năm qua, ngoảnh lại, tôi thấy mình vẫn còn ở phía “chân lý”, nhưng bây giờ, có lẽ tôi sẽ không dám trực diện với dì, không dám đối thoại với dì nếu dì đề cập đến chuyện cũ. Có lẽ tôi sẽ viện cớ, sẽ lảng đi bằng nhiều câu chuyện vô bổ khác, không mích lòng đến dì. Chiều hôm qua tôi đã cố ý chờ dì Thuyền nói dăm câu than vãn với mình, để có dịp phân trần, để có dịp tỏ bày các quan niệm của tôi về cuộc sống, về tình yêu, và cả về đạo đức luân lý thường tình như tôi đã mong có thể được nói với dì một lần, vậy mà bây giờ tôi lại thấp thỏm lo sợ cái giây phút ấy sẽ xảy ra. Tôi sợ phải ngồi với dì, nhìn rõ vào đôi mắt nâu trong, buồn thảm, sợ phải nói lên một vài điều nào đó. Tôi sợ đụng chạm. Sợ cả sự thật.
Tôi ngao ngán thở dài. Não nề nhận ra càng lớn lên, càng già đi, con người ta càng thấy mình nhỏ bé lại, càng cảm thấy sợ sệt, càng muốn an phận thủ thường. Có đôi khi, dẫu được phép nhân danh công lý, cũng chỉ muốn chọn phần hòa hoãn, chọn phần không liên lụy gì đến mình. Tôi chép miệng than thầm, vẫn biết vậy, nhưng dầu sao cũng lạy trời, cho dì Thuyền đừng nhắc nhớ gì đến chuyện cũ, đừng bắt tôi phải ngoái đầu lại phía sau lưng…
Tôi ngập ngừng bước theo dì Thuyền lên bậc tam cấp, tự trách mình đã chưa sẵn sàng để trải qua với dì vài ba ngày ở nơi này mà vẫn đi.
Hoàng Nga