Kéo sợi điện nối dài và mở chạy chiếc quạt thứ hai đứng ở góc khác. Mô tơ quay êm ru, cánh xoắn nhựa cứng quét phà phà những luồng gió giảm nóng cho khu vực phòng khách. Xong xuôi, Hai Chích xoa xoa hai bàn tay chờ mọi người chú ý:
- Tui linh cảm câu chuyện của dì Sáu Cần Giuộc có đủ mùi vị cho chủ đề hôm nay. Nhưng để tôn trọng người quá cố, bạn Sáu Bờ-rô có thể chấm dứt tại đây hoặc tiếp tục với cẩn trọng. Nếu bạn Sáu đồng ý kể tiếp thì Hai tui xin nhường lại cho Tám Lớ phỏng vấn bạn để bổ sung các chi tiết cần thiết công việc giấy bút của hắn. Xin mời hai bạn thương lượng về việc có nên sửa đổi tên nhân vật và địa danh.
- Dì Sáu của tui mất chưa đầy trăm ngày, một đứa con của dì đã đưa ra ý muốn chiếm ngự căn nhà đang thờ phượng dì. Đầu tiên chỉ thấy một trên bảy, nhưng tui nghĩ tỷ số sẽ nghiêng về đội bạn trong những trận gay cấn sắp tới.
- Chừng nào tỷ số lên đến 4/7, nghĩa là túc số có thể tin được.
- Ha ha! Vậy thì hôm trước có 'cờ-líp' đếm được mấy chục người dân xóm nhào ra đường nhặt thùng bia và lon chai rơi ra từ xe tải bị lật, mặc cho anh tài xế kêu khóc van xin. Đó là hành vi của số đông đúng đắn và 'tin được' hả Tám Lớ?
- Tám tui chịu thua Sáu keo nầy.
- Hồi nhỏ, con dì con cậu đồng trang lứa tụi tui thường hay tụ họp về quê ngoại mỗi mùa hè và lễ Tết mà thân thiết, lớn lên tản lạc tứ xứ ít gặp nhau. Nhưng ruột rà giữa hai người mẹ mà anh em thương cảm quan tâm. Còn bây giờ thì đèn nhà ai nấy thổi, Sáu Bờ-rô thấy bất bình ngứa miệng chút thôi. Chứ tui không thương ghét hay đụng chạm quyền lợi với các em con của dì Sáu mà nhảy ra xử bỉ.
- Sáu Bờ-rô ngứa miệng thì tự gãi đi.
- Chồng dì Sáu là trưởng nam của ông bà Hội Đồng C, chủ điền giàu nức tiếng trên một vùng Cần Giuộc. Dượng Sáu cưới dì vài năm thì gia nhập khóa sĩ quan bộ binh, dì ở lại nhà làm dâu ông bà Hội một thời gian rồi cũng theo dượng sống đời vợ lính. Con cái của dì dượng ngày càng lùm đùm, dì không tiện ở theo trại gia binh trong các hậu cứ của đơn vị. Dì ra ngoài cất nhà gần mặt lộ xóm Mít Nài thuộc phường An Cư, Cần Thơ, nơi rất tiện việc học hành của tụi nhỏ. Lâu lâu dì đi thăm dượng hoặc dượng về phép thăm gia đình.
Tháng ngắn năm dài trôi qua, hết mai vàng đến mai trắng nở trên cầu vai áo lính của dượng Sáu. Vật biết đổi sao biết dời, thì lòng người cũng không thích ở hoài một chỗ. Phần lương phụ cấp của vợ sĩ quan và các con nhỏ, dượng Sáu gởi cho dì rất thất thường, trông mong gì đến phần lương chánh của dượng. Khéo che đậy cỡ nào thì cũng phải có ngày vỡ lở chuyện dượng có gia đình thứ hai rất lâu. Dượng nhập ngũ gần hai mươi năm, bị thương nhiều lần, đủ điều kiện xin giải ngũ vì lý do sức khoẻ. Dượng quyết định ra làm dân rồi chung sống với người vợ sau và đàn con mới mà bỏ bè vợ con ngày cũ. Khi ván bài lớn đã lật ngửa sau 75, có người cho biết vợ bé của dượng ban đầu đóng vai cô gái quê chạy nạn đến xin chân giúp việc cho dì dượng Sáu lúc còn ở Cần Giuộc. Mục đích cô gái quê là xâm nhập vào nhà dượng Sáu để có cơ hội tiếp cận người em ruột của dượng là một Dân Biểu thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Cô ta không thể thanh toán mục tiêu mà kết quả quay ngược thành vợ bé và có bầy con với dượng Sáu.
Năm 1967, hàng xóm khu Đàn Tiên biết hoàn cảnh túng thiếu của dì Sáu vì chồng bỏ theo vợ bé. Có người quen thương tình giới thiệu một thiếu nữ trẻ và rất đẹp, tuổi độ hăm mấy, cô tên M đến nhờ dì nuôi mướn một bé lai mới sinh hơn tháng với thù lao rất hậu. Ngày đầu tiên, dì hỏi đứa bé tên gì, thấy cô M dần dừ thì dì cười vừa nói, tại đây thì cô cho tôi gọi nó là "Thằng Mỹ" nghen. Đứa bé con của cô M sinh sau Út Ngọc của dì đúng một năm. Theo giao kết, đứa nhỏ có bệnh thì dì cứ tự bồng đi bác sĩ thuốc men, cô ấy sẽ trả lại tất cả chi phí. Hàng tháng cô ấy đến thăm cháu bé một lần để gởi tiền công cho dì, mỗi lần cô ta đến thăm con là tặng thêm đủ thứ thực phẩm hộp mua trong PX của nhà binh Mỹ, giúp cả nhà dì ăn dư dả. Đâu chừng hơn một năm thì người mẹ gởi con nầy đột nhiên mất tăm dạng. Cô gái tên M chưa từng cho dì biết là con ai và ở đâu, dì chỉ đoán là cô ta là con nhà giàu, có học thức và hiền lương. Dì Sáu hỏi người giới thiệu thì bà ấy nói quen cô M lúc còn đi làm gần phi trường Trà Nóc, bấy giờ bà láng giềng nầy cũng đã nghỉ.
Không một thu nhập mà phải ngồi nhà nuôi hai đứa nhỏ, một là con nuôi một là con ruột, cuộc sống dì Sáu tức thời trở nên chật vật. Sau ngày có luật 'Người cày có ruộng', thì lâu lâu dì cũng được hồi sinh nhờ các cậu dì chia đều tiền truất hữu mà chính phủ bồi thường trên số đất trưng thu của các điền chủ để cấp thẳng cho người cày lâu nay thuê mướn.
Dư hương phụ ấm chưa bao nhiêu thì dì Sáu đối mặt khó khăn rất khi những đứa con cùng tựu về sau tháng 4/1975. Dì để những người con trai lớn và thằng con nuôi 8 tuổi ở lại căn nhà tại phường An Cư. Dì dẫn hai cô gái nhỏ về căn biệt thự nơi quê chồng ở Cần Giuộc, dì lén lút xin những người tá điền cũ của nhà chồng mỗi người san sẻ ít gạo để nuôi nửa gánh con còn lại ở Cần Thơ. Thời gian nầy có cậu con đòi cưới vợ siết tới, dì phải bán căn nhà ở phường Cái Khế để lo hôn sự cho con. Những đứa có gia đình thì tung ra tìm chỗ hoặc sống gần quê vợ. Riêng dì nhận thấy đứa con nuôi tóc quăn da sậm nếu ở Cần Thơ thì không lạ mắt lắm, còn dẫn nó về quê thì có sự khác biệt rõ ràng.
Thế rồi bao nhiêu bất hạnh nối nhau trút xuống thân phận dì. Sau một năm trở lại Cần Giuộc, dì bị đuổi khỏi biệt thự thừa hưởng của nhà chồng, cũng là niềm hy vọng cuối cùng vuột khỏi tầm tay. Gặp khó khăn với xã hội, vừa thắt ngặt tài chánh, dì quyết định đem đứa con nuôi trao cho chùa. Dì Sáu có một người chị kế kèo ở chợ Vĩnh Long. Thời gian tới lui thăm người dì nầy, dì Sáu thường viếng chùa lạy Phật và quen biết sư ông trụ trì ngôi chùa trên đường 8 Tháng 3, phường Năm thị xã Vĩnh Long.
Năm 1976, dì đến chùa trình bày hoàn cảnh và xin sư ông nhận nuôi giùm đứa bé trai lai Mỹ lúc ấy được 9 tuổi. Sư ông đồng ý nhưng thằng bé khóc la thảm thiết, Út Ngọc lúc đó 10 tuổi cũng van xin dì đừng bỏ em nó. Lần đó dì dẫn thằng bé về nhà để rồi 3 tháng sau trở lại. Đến chùa lần sau, dì lên chánh điện khấn nguyện Phật trời và các đấng thiêng liêng tha tội cho dì bởi quá nghèo mà phải cho con, cũng như không thể hoàn thành trách nhiệm với mẹ ruột thằng bé. Cô M sống khôn thác thiêng, xin hãy tha lỗi cho dì. Dì để thằng Mỹ ở lại chùa và nói gạt nó: "Má đi đằng nầy một lát rồi trở lại rước con". Dì dẫn Út Ngọc đi một mạch trở ra hướng cũ.
Năm, bảy năm sau dì mới dám ghé ngôi chùa ở Vĩnh Long để thăm thằng Mỹ. Lần buồn thứ nhì trong câu chuyện cho con của dì là khoảng năm tám mấy, sư cụ lúc đó cũng già lắm cho dì biết có người đến xin "Thằng Mỹ" để làm đơn đi diện con lai.
Dì Sáu và Út Ngọc từ giã sư cụ ra về. Đi đến dốc cầu Thiềng Đức, dì nhớ lời sư cụ nói sắp có tài lộc theo quẻ xăm sau khi lễ Phật, dì nhín trong số tiền ít ỏi mua một tấm vé số không cần lựa. Như được trời định, tấm vé số đó trúng độc đắc. Được tiền trúng số đúng lúc và vừa đủ mua miếng đất cỏ lác mương vũng trong một hẻm nhỏ cận bờ sông ven thị trấn Cần Giuộc.
Dì dựng một căn chòi trên nền tương đối khô ráo của miếng đất vừa mua như cho người ta biết không phải là đất hoang. Miếng đất xa chợ, dì vẫn tiếp tục mướn nhà gần thị trấn để tiện mua bán sinh nhai. Không lâu sau ngày mua đất, dì bị tai nạn xe lôi lật đè gãy tay, mà người đạp xe còn nghèo hơn dì. Túng thiếu hoàn túng thiếu, dì về quê ngoại mượn người em dâu 5 chỉ vàng để trị thương và sống qua cơn 'tọa thực'.
*********
Nhìn từ góc độ nào cũng thấy được tình trạng thiếu thốn bấp bênh trong một nhà toàn là phái nữ của dì Sáu. Người trong cuộc thì thấm thía hơn cả. Năm 2000, Út Ngọc treo gióng gánh tạm biệt Cần Giuộc để lên Sài Gòn thử thời vận đúng một năm. Thời gian chạy nhanh như những băng chuyền trong các hãng xưởng. Một ngày vào năm 2001, Út Ngọc trở về quê trình bày một quyết định quan trọng:
- Năm nay má đã gần tám mươi mà không có của cải gì nắm trong tay, xương sống má càng ngày càng cong xuống. Bản thân con cũng đã ba lăm, tuổi xuân đang mùa tàn héo. Con gái của con học lớp 2 và mỗi năm mỗi lớn. Con không thể rời khỏi gia đình nầy đi làm công nhân như người ta để gởi tiền về nuôi má. Trở lại bán chè tại thị trấn nầy thì chỉ cầm cự đủ tiền chợ mỗi ngày là mừng hết lớn. Mưa bão thất thường hay rủi má đau yếu thì con biết xoay trở thế nào. Năm con thi đậu vào Cao Đẳng Sư Phạm ngay thời nhà mình quá túng hụt, hoàn cảnh khiến con tự nguyện bỏ trường về bán buôn phụ tay với má. Nhớ hồi nhỏ theo má đi bán thấy vui vui, còn năm đó về nhà gánh chè mắc cỡ muốn chết. Cả tuần đầu một mình đi bán, con ngó xuống bàn chân mà trả lời lí nhí với những người vui tánh trêu ghẹo, cũng không dám nhìn thẳng bạn bè. Con không dám thố lộ nỗi lòng, sợ má nóng ruột mà dang thân gánh tiếp. Ngày con chính thức gánh chè và làm đủ cách sinh nhai cũng đã mười mấy năm rồi, con nhất quyết mọi giá không cho con của con nghèo khổ để tiếp tục kê vai gánh chè như đời ngoại và mẹ nó. Con xin má nghĩ lại thương con mà cho theo mấy đứa bạn xóm lấy chồng Đài Loan. Con nguyện cố gắng để gởi tiền nuôi má lúc tuổi già và đứa con gái nhỏ nầy phải ăn học thành tài.
Dì Sáu không nỡ gả con đi xa mù mịt. Nhưng dì biết rằng, còn nắm níu thì chết cả chùm. Dì đành buông núm ruột hiếu thảo của mình trôi nổi về nơi không một bạn bè hay thân thuộc. Đến Đài Loan được vài tháng, Út Ngọc gởi tiền cho dì mua 5 chỉ vàng trả cho người em dâu của dì. Nhưng không ai ở Việt Nam biết thời gian đầu của Út Ngọc từng chịu cảnh nước mắt lẫn máu chan cơm. Người 'chồng xứ Đài' có những người con ngang trạng với Út Ngọc, họ không thể nào tin một cô gái trẻ đẹp từ đất nước xa lạ chịu ưng một ông già góa vợ mà không hậu ý dòm ngó gia tài. Họ thường xuyên đuổi xô và có khi dùng bạo lực với Út Ngọc, khiến có lần Út Ngọc phải chạy ra bãi biển đông người và trống trải, để bọn người 'đánh ghen' cho cha họ không dám làm ẩu. Cuối cùng, ông Đài Loan còn minh mẫn để hiểu lòng người, ông ấy đến văn phòng Luật Sư làm di chúc nói rằng sau khi ông qua đời sẽ để lại phần lớn tài sản cho các con của ông với người vợ quá cố. Chỉ một phần nhỏ cố định cho Út Ngọc và con cô ta, nếu có con với ông sau nầy. Ông cũng cho họ thấy người phụ nữ Việt trẻ và đẹp đã chu toàn bổn phận người vợ và siêng năng làm việc để giúp gia đình ở quê nhà.
Gỗ đá cũng biết nghe lời phải. Sau những năm tháng bị nghi kỵ và thù ghét, Út Ngọc đã chinh phục tình cảm của thân thuộc và láng giềng nhà chồng, kết nối thân thiện với bạn bè đồng hương, đồng cảnh. Những năm sau đó, ông Đài Loan nầy thường hay đi cùng Út Ngọc về thăm mẹ vợ và luôn có thái độ quý trọng thương mến dì Sáu.
Trời chưa nỡ ngoảnh mặt với dì Sáu. Vài năm trước khi dì mất, nhà nước phóng con lộ đi ngang mặt hậu miếng đất. Dân cư dồn trở ra khu mà trước đây nằm ngoài rìa thị trấn. Nhờ vậy mà bãi đất cỏ hoang của dì trở thành vàng. Dì mướn thổi cát lấp trũng và chia miếng đất làm 3 nền nhà. Dì bán 1 nền được 600 triệu, dì truất 150 triệu để xây nhà trên nền thứ 2. Còn cái nền đầu tiên có căn nhà cũ mà dì sống trước đó với mẹ con Út Ngọc, dì bán giá nửa chỉ vàng cho cô con gái lớn lúc đó đã có cháu ngoại. Lý do dì làm giấy bán như vậy là tránh mọi sự khiếu nại có thể xảy ra sau khi dì mất. Cất nhà cho riêng dì chỉ vừa đủ ở, gọn gàng chắc chắn. Dì cho mỗi đứa con số tiền 10 triệu, chưa kể có vài đứa mượn thêm 10 triệu. Số còn lại dì giữ để dưỡng già. Coi như những năm cuối đau yếu của dì Sáu là phần đời hạnh phúc nhất.
Sáu Bờ rô nói thêm vài lời cám ơn thính giả chú ý lắng nghe đến hết câu chuyện. Thằng Tí thì có tật hay đứng dậy nói chuyện, vừa dợm đứng thì hắn bị Sáu Bờ rô kéo ngồi xuống:
- Bạn Tí cứ ngồi tại chỗ mà nói, mỏi miệng đủ rồi, không cần mỏi giò.
- Tí tui quanh năm ruộng đồng, chỉ thấy ngắn gọn trong vòng thân thuộc có vài vụ tranh chấp theo dạng nhà giàu cũng hơi đáng tiếc. Sau đây là những câu chuyện không theo trường phái nào cả. Tuy có tình có tiết, nhưng cũng có thể xem như truyện hoàn toàn hư cấu. Chuyện là, trong thân thuộc của tui có người anh em làm quan cỡ vừa vừa và đủ điều kiện đi diện HO. Anh Cả trong gia đình đó không làm giấy tờ ra đi mà ở lại Sa Đéc với các lý do: săn sóc mẹ già, lo chống đỡ kinh tế gia đình và giải tỏa áp lực sự công kích của người em tạm gọi là cậu Tư. Trước 1975, cậu Tư bỏ ngang người vợ cưới hỏi và đứa con gái nhỏ ở Thủ Đức để đi theo hẳn vợ nhì về sống ở Long Xuyên. Cha mẹ và hầu hết anh em của cậu Tư không chấp nhận cuộc hôn nhân mới.
Dòng sông khúc doi khúc vịnh nhưng nước chảy êm xuôi cho đến khoảng thập niên 1990, cậu Tư nầy trở về Sa Đéc ngỏ lời chia phần căn nhà cha mẹ đang sống chung với gia đình anh Cả và hai mẹ con là em gái kế cậu Tư. Dưới danh nghĩa 'con nào cũng là con', cậu Tư bắt buộc anh Cả đang quyền huynh thế phụ phải giải quyết chỗ ở cho gánh Long Xuyên. Anh Cả dàn xếp để gởi gia đình cậu Tư tá túc ngôi nhà mà ngày xưa ba anh cho người bà con mượn cư ngụ suốt mấy chục năm.
Bão táp bên ngoài vừa tạm êm vài năm thì bản thân Anh Cả xảy ra chuyện lớn. Sau một thời gian sống cực nhọc và kế đến chuỗi ngày khổ tâm, anh ta không chú ý cơ thể anh có sự khác lạ. Một ngày vào khoảng năm chín mấy không nhớ rõ, anh Cả lái xe Honda tự đến bệnh viện khám bệnh, bác sĩ quen bắt anh nhập viện liền và nhờ người mang thơ tận tay vợ anh. Cả nhà nhận được tin dữ trong sợ hãi kinh hoàng. Anh Cả được điều trị một tuần rồi giã biệt cõi đời vì ung thư gan thời kỳ cuối mà phát giác quá trễ. Không riêng gia đình anh Cả, bà con thân quyến đều thương tiếc người trung niên đàng hoàng ưu tú, có vợ con thật hoàn hảo. Ai cũng nghĩ, nếu anh nạp đơn HO từ những năm 88-89 như bè bạn, thì lúc thử máu hoàn tất thủ tục y tế sẽ sớm phát hiện viêm gan, chắc chắn việc điều trị rất dễ dàng. Nhưng tất cả sự việc xảy ra đều nghịch ý, xem như định mệnh.
Phần cậu Tư và gia đình an nhiên dọn đến tạm trú một góc nhỏ trong căn biệt thự. Tuy chủ quyền nguyên thuỷ là của ba cậu, nhưng sổ bộ thống kê hộ khẩu từ 1975 đến năm đó đều do một gia đình khác đứng tên. Dần dà, cậu Tư muốn giành quyền làm chủ vì giá trị 2 mặt tiền của căn biệt thự nằm trên đại lộ sầm uất nhất thị xã. Thì người bà con cũng đã chuẩn bị phản ứng một mất một còn vì có công gìn giữ lâu nay. Nhất là gia đình nầy có những quen biết rất đáng nể.
Người chiếm ngự thì khăng khăng cho rằng: "Không nhờ gia đình tụi tao ở đây thì căn nhà nầy đã bị tịch thu sau những lần đánh tư sản, chứ còn đâu mà tranh giành". Nhưng năm đó ngay thời chuẩn bị mở cửa hội nhập thế giới, do đó mọi người phải quên những vụ đánh tư sản hai mươi năm trước. Tuy vậy, Luật Sư kiện tụng cũng trầy vi tróc vảy để lấy lại căn nhà trả cho những người thừa kế hợp pháp. Được thắng kiện coi như lật ngược thế cờ, tài sản kỷ niệm của cha mẹ tiếp tục rơi vào cuộc tranh chấp của anh em ruột thịt. Rốt cuộc, căn biệt thự đó phải bán, chứ không thể ngăn phòng chia năm xẻ bảy. Kết thúc tranh chấp dằng dai bằng việc chia đều số vàng còn lại sau khi trừ các chi phí. Những kí vàng đã đánh mất tình nghĩa gia tộc, sứt mẻ tình cảm anh em trầm trọng đến mức không thể hàn gắn. Không lâu thì vai thứ hai trong bi kịch nầy cũng qua đời bởi chứng sơ gan. Tan đàn tẽ nghé, buồn bã do đâu?
- Hồi nãy nghe bạn Tí mình giới thiệu có vài trường hợp, vậy bạn có muốn kể thêm vụ nào hay nhận lớp cho qua?
- Tuy toàn là chuyện không chủ đề chủ đích, cũng không phải nói lên bài gì đáng học. Nhưng giờ nầy ngưng lại để ăn hủ tiếu vườn của bếp Hai Chích thì quá trễ, hỏng chừng nồi nước súp đã cạn từ khuya. Còn cơm trưa thì có lẽ chưa ai vo gạo, lóng tai hoài cũng không nghe tiếng dao chạm thớt. Thôi thì cảm phiền anh em uống trà nghe Tí kể thêm một câu chuyện cũ xì.

- Má tui kêu dì Bốn ở Cần Thơ là chị và có bà con liên hệ hơi xa. Hồi nhỏ hai người học chung và cùng ở trọ nhà ông Mười nhiều năm, vì thế mà má tui và dì Bốn thân thiết như chị em ruột. Má tui có dịp đi Cần Thơ đều ghé thăm dì. Dượng Bốn mất vào năm 1953, nghe nói có một toán lính Pháp đi "ba-trui" qua khu phố hơi vắng thì nghe có tiếng súng bắn ra. Tuy không làm ai bị thương nhưng toán lính cũng lùng sục khu đó. Họ khám phá dượng Bốn ẩn trong gác xép một ngôi nhà trống, họ bao vây và kêu dượng đầu hàng, nếu không thì 5 phút sau họ sẽ xạ kích. Sau 1975, nhìn tấm bằng liệt sĩ trên bàn thờ, bà con mới rõ dượng Bốn là cán bộ của Việt Minh trong đường dây hoạt động nội thành. Cũng nhờ các công trạng và quen biết của dượng trước kia mà hai người con trai lớn được những 'xì-thẩu' chợ Cần Thơ nhờ đứng tên đóng ghe tải chở mướn.
Hai anh nầy theo ghe chiếc ghe đó vượt biên rất sớm, một anh tên là Sĩ bỏ lại vợ và đứa con trai nhỏ. Những năm đó liên lạc rất khó và không ai nghĩ ra tình trạng "một thế giới phẳng" như hôm nay. Chắc là vì vậy mà anh Sĩ đến Cali không lâu thì ráp vào một bà khác và họ có một đứa con. Không thể đoán chừng cuộc ngang trái nầy do ai lỗi đạo, chỉ biết một điều là anh Sĩ không bao giờ trở lại Việt Nam trong những năm dễ dàng sau đó cho đến bây giờ.
Dì Bốn mất vào khoảng năm bảy mấy, dì để lại căn phố rất đẹp trong thành phố Cần Thơ cho các anh chị cư ngụ. Sau khi hai anh ô đi ghe thì lần lượt thì hai chị nhỏ hơn đi diện ô đi pi do các con bảo lãnh định cư nước ngoài. Chị Lớn sống đơn thân tu bổ giữ gìn căn nhà cho đến khi qua đời cách nay vài năm. Lúc chị Lớn còn khoẻ, chị có làm giấy di chúc sẽ nhường lại căn phố đó cho con của người em trai, hành động như chuộc lại phần nào lỗi của anh Sĩ bỏ vợ con ở lại Việt Nam và có vợ khác ở Cali. Lúc chị Lớn nằm liệt bán thân, thì có một chị khác ở Úc bay về ép chị Lớn phải làm lại di chúc nhường căn nhà đó cho con trai của chị, đứa con đó cũng đang thừa hưởng gia tài của dòng tộc dượng Bốn ở vùng Phong Điền.
Có lẽ như con cua lột ngo ngoe, chị Lớn không còn hơi để tranh cãi thiệt hơn, chị bất lực xuôi tay theo ý em gái. Để rồi chị nằm cô đơn những tháng cuối đời trong ngôi nhà lạnh vắng, bà con đến thăm chị Lớn phải qua nhà kế bên mượn chìa khoá cổng, vì người săn sóc chị có giờ đến làm nhất định. Người chị Việt kiều Úc đâu ngờ rằng, sự giành lại ngôi nhà của cha mẹ mà chị nghĩ là chính đáng. Có thể đã mang về cho đứa con một lỗi lầm hoặc tạo ra quả nghiệp. Nó chưa kịp tận hưởng căn nhà đó thì bị đột tử sau một trận nhậu. Nếu vợ nó ở vậy nuôi con, nhang khói phụng thờ ông bà thì nên khâm phục đáng khen. Còn nếu vợ nó muốn bước thêm, thì cô ta có quyền mang luôn những gì luật pháp công nhận "của chồng công vợ" mà ghé vào bến mới. Liệu rằng hương linh của thằng con, của chị Lớn và dì dượng Bốn có còn phảng phất cảnh xưa hay phải gởi vô chùa. Trường hợp đó xảy ra, chẳng khác nào chị giành gia tài cho người mà chị chưa từng quen biết.
*******
Năm Cua đinh đứng dậy lắc lắc cái đầu đã quá kỳ cắt tóc.
- Cả buổi sáng, Năm Cua đinh tao nhức đầu nghĩ không ra cái thai đề úp mở, bây giờ mới ngộ ra Tờ Lờ là chữ viết tắt của Tham Lam. Mai mốt chữ nào không thông dụng thì các cha nhớ đừng viết tắt để tránh hại não dân đen. Còn bây giờ cũng khoan bàn tới cái sinh tố quái dị do Hai Chích ám chỉ vụ gì, Năm tui muốn hỏi về nghĩa lý chữ Nôm trong tựa đề nầy. Tuy hồi nẳm học tới lớp 3, nhưng cô tui dạy đọc vần quốc ngữ Ah, Bê, Xê, Dê, Đê... tui nhớ đến bây giờ. Mấy mươi năm sau, tui đem cái sở học đến phạt ma xi hỏi mua sinh tố Bê 6, chớ không hỏi mua Bờ 6. Hoặc là hỏi người đẹp Thu Lan chủ tiệm thuốc tây ngoài chợ xã bán cho tui ve sinh tố Xê. Chớ Năm chưa từng hỏi mua ve sinh tố Cờ, cho dù ngay trong thời cải cách, cải tiến hoài hoài mà vẫn còn 'thiên bôi thiểu'. Hổm nay Năm còn nghe um sùm chuyện ông tiến sĩ nào đó chế ra một loại tiếng Việt mới, đến nỗi bà con đem ứng dụng 'thiên tài' của ổng để tấu hài, chế văn, nhái nhạc cười chơi nghiêng ngã. Năm nói nôm na mà có trúng được khía nào không hả tứ tú sao khuya?
- Sáu Bờ rô tao thấy anh Năm mình hơi bị đúng.
Năm Cua đinh bật cười khanh khách như tướng cải lương.
- Nếu không ai kêu sinh tố Bờ, Cờ, thì cho tại hạ biết nguyên cớ nào có loại sinh tố Tờ Lờ quê như trái sa bô chê, vậy hử các 'cao nhân tất hữu cao nhân trị'?
- He he, bữa nay Năm mình xài hàng 'xuyên táo' lụi qua Đông Tây kim cổ. Năm sáng mắt 'bắt vít' đúng còn hơn tìm ra 'mà' nhỏ như lỗ kim của con cua đinh chém vè trốn dưới bãi sình. Bây giờ Hai Chích tui tuyên bố: Thay vì tựa đề dự án ngâm cứu là Sinh tố Tờ Lờ, bắt đầu 10 giờ sáng hôm nay xin bà con đọc lại thành Sinh tố Tê Eolờ.
- Khoan! Trước khi tụi mình dơ tay biểu quyết. Tí tao chỉnh cách phát âm của Hai Chích vừa mới nói. Đọc Tê là ô kê, còn đọc Eo lờ thì phát âm cho thật đúng là Eo rồi cong lưỡi lại, nuốt mất âm lờ.
- Ha ha, cong lưỡi nuốt lờ tao nghi có thằng mắc nghẹn quá!
- Ê Năm, đàng hoàng nghen mậy.
- Tao làm gì không đàng hoàng hả Tám Lớ?
- Thì tao nhắc chừng mầy thôi, chớ như vậy là Năm đàng hoàng lắm rồi. Năm mình đến trễ buổi cà phe hội luận sáng nay. Tui là thơ ký có bổn phận nhắc lại cho Năm mình rõ, bữa nay nhóm mình được Hai Chích đưa ra một chủ đề xã hội, ngâm cứu về lòng tham con người đang phình to nở lớn ngay trong xóm Chòi Đồng của mình.
Năm Cua đinh đứng lên xoè tay quơ quơ đảo đảo cho Tám Lớ nhìn theo, rồi bất thần dùng sóng tay chém gió vào bàn tay kia xoè ra bên dưới rất là điệu nghệ.
- Khoan khoan Tám Lớ, tụi mầy bầu bán hồi nào mà đẻ ra ông Uỷ viên Thơ ký vậy.
- Có bầu cử gì đâu, hồi nãy Hai Chích kêu tao Tám tao gom ý kiến của anh em rồi viết lại một tờ như sớ Táo quân để nó xét đíc tê trước khi gởi đăng trên mạng. Sếp Hai đặt đâu, Tám tao ngồi đó thôi. Bút sa là con gà đang chạy cũng chết queo, tao không có quyền từ chối hay từ chức.
Hình như Năm Cua-đinh tha vụ bầu bán mà không có mặt của y, hắn xoay qua vụ khác:
- Đăng lên mạng có ích gì, người tốt thì đâu cần nghe tụi bây, họ vẫn tốt. Người xấu thì Năm tao nghĩ họ không nghe mà cũng không muốn ai nói tới. Mà họ đọc thì sao, hỏng chừng họ ghét tụi bây nhiều hơn chứ cầu mong đổi tánh thì đừng có nằm mơ. Tao thấy làng xóm yên lành, bà con vui vẻ ăn nhậu ì xèo tại quán Út Nhót mỗi ngày. Thôi thì bình bình an an, nước trôi tới đâu lục bình trôi tới đó. Cho vạn sự lành!
Sáu Bờ rô đang uống ly trà nguội, hắn bỏ nhanh xuống bàn để trả lời Năm Cua đinh:
- Vạn sự lành, lành cái búa đẽo nè Năm. Tụi giựt dọc nó có chừa dân cầu an cầu lành như bạn không. Hỏi bạn, đám lừa đảo tìm ai để gạt, mục tiêu của chúng là người thật thà hiền lương hay dân ba đá. Còn ăn nhậu mà bình an cái con khỉ. Thằng Bê kế nhà tao, hồi mới dọn tới hiền như cục đất. Lần hồi nó bắt đầu sanh tật, đi nhậu hoắc cần câu thì chết như bịch xi măng. Bữa nào uống ba mớ cửng cửng về nhà là kiếm chuyện rầy rà lằn nhằn vợ con không chịu nổi. Lúc đó mà ai xớn xác đến nhà nó can ngăn, nó cũng xực luôn. Sáu tui thấy mỗi ngày thằng Bê càng khó chịu hơn. Nhà nó có đám tiệc, tao không muốn qua. Còn phần tao, đôi khi cũng không muốn mời nó.
Hai Chích chen vô:
- Chất rượu không phải sinh tố, nhưng nó khả năng khống chế đầu óc con người, khiến người ta làm những việc ngoài kiểm soát hay ngược lại thói quen và suy nghĩ. Câu hỏi của chúng ta hôm nay là tại sao những thói tham sân si càng ngày càng lan tràn như một loại dịch. Bây giờ người ta không ngại, không còn mắc cỡ quậy to những chuyện vì tham mà đang tâm dứt tình đoạn nghĩa anh em, thậm chí từ bỏ tình thiêng liêng cha con, chấm dứt tình mặn nồng chồng vợ. Con số ít thì không nói làm gì. Đi tới đâu cũng nghe nói, nơi nào cũng thấy y khuôn. Thói tham lam lan rộng khắp mọi thành phần, mọi đẳng cấp trên toàn xã hội.
- Cho là lòng tham con người càng ngày càng vô giới hạn đi, thì cái đó do tâm ý cá nhân. Một là bởi di truyền huyết thống, hai là cuốn hút trong cộng đồng xã hội mà mọi thứ chỉ ư tiền. Chứ lòng tham làm sao lây lan kiểu vi-rút dịch cúm hay có thể bồi bổ tăng lực như sinh tố Ah-Bê-Xê-Đê... bổ máu cứng xương. Lòng tham cũng không thể giống chức năng sinh tố tổng hợp giúp cơ thể phục hồi hệ miễn nhiễm hoặc giúp ta sáng mắt sáng lòng chẳng hạn.
- Hai Chích tao nhắc để cho ai đó nhớ. Hôm trước tao nghe như vầy: "Em đi chợ nhớ mua bí đỏ nhiều nhiều, bí đỏ trữ lâu hư, dễ ăn lại còn bổ óc, tốt cho mấy nhỏ". Cho Hai tui hỏi, bổ óc là gì, có phải là tạo thêm tế bào óc, là giúp óc chứa nhiều thông tin. Là bồi bổ hệ thần kinh trung ương để con người phản ứng chính xác, hiểu biết và vận dụng linh hoạt hiệu quả nhiều việc hơn. Giả dụ óc người như phần mà người ta gọi là hardware chứa linh kiện điện tử trong desktop nầy, còn việc suy tư hay tánh ý tham sân si của con người thì như những con chip chứa phần mềm thông minh được các thảo chương viên cài đặt 'đồ chơi' cần thiết. Máy nào nhiều software tốt thì xài đã hơn, vậy thôi.
- Có phải ý của Hai Chích là thói xấu tham lam có thể phát triển bằng hóa chất hay một loại sinh tố nhân tạo có thể kiểm soát một địa chỉ bí ẩn ở trung khu thần kinh. Nếu vậy, thì ai khùng điên chế tạo ba cái hại đời đó.
- Thời Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều chính phủ tốn bao nhiêu tiền của cho những nhà Khoa Học hạng nhất của họ mọi điều kiện thử nghiệm để chế ra hóa chất cực mạnh, vi trùng độc hại cho cuộc chiến sinh học âm thầm nhưng mục đích là giết người hàng loạt và khủng khiếp. Bây giờ là thời LHQ cấm mọi nghiên cứu vũ khí vô nhân đạo loại đó. Người ta đi đường vòng bằng cách chế tạo sinh tố tham lam rồi đưa đến mục tiêu qua các loại bánh kẹo, đồ ăn, thức uống thơm ngon. Về mặt tâm lý thì phô trương sức mạnh vạn năng của đồng tiền, kích thích lòng ham muốn và tôn thờ vật chất càng ngày càng bốc cao độ.
- Tí tao hiểu lý do sinh ra cái hoá chất đó rồi. Tham lam là yếu tố ban đầu của nhiều loại tội ác, nguyên nhân mọi sự phản bội cộng đồng, tan rã xã hội. Lòng tham cũng phá huỷ nền tảng đạo đức, ăn mòn nội hàm, tiêu hao sinh lực của quốc gia.
- Xin hỏi, có phải lòng tham tự nhiên là do bẩm sinh hoặc do trời kêu ai nấy dạ. Lòng tham nhân tạo là nuốt đủ 'đô' một chất gọi là sinh tố Tờ Lờ?
- Trong khi chờ kết quả phân tích của các phòng thí nghiệm quốc tế, tụi mình tạm thời tin là như vậy!
Một Lúa