Cô tiếp viên hàng không tóc ngắn, duyên dáng, mảnh khảnh, với bộ đồng phục màu xanh biển đậm, áo sơ-mi trắng, phù hiệu USAirways, đang nhỏ nhẹ thông báo máy bay chỉ còn cách phi trường của Thành Phố Nashville, Tiểu Bang Tennessee 60 dặm. Nhìn qua cửa sổ, máy bay đang từ từ giảm tốc độ và cao độ để sửa soạn xuyên qua biển mây trắng. Ánh mặt trời buổi chiều vàng rực một góc đàng xa. Thấp thoáng qua những lớp mây, núi đồi xanh tươi và những nông trại rải rác khắp nơi. Thanh bỗng dưng bồi hồi, những hình ảnh trong ký ức trở lại ...
Ba mươi sáu năm trước, Thanh là một sinh viên trẻ tuổi từ vùng lửa đỏ Miền Nam Việt Nam, chàng may mắn được học bổng của Vanderbilt University để đến vùng đất thật xa và thật lạ này. Chẳng may, sau khi tốt nghiệp, Thanh trở về Sài Gòn trước 1975, dạy học ở Viện Đại Học Đà Lạt và bị kẹt ở lại một thời gian rất dài.
Sau bao nhiêu đổi thay và thăng trầm, giữa thập niên 90 chàng lại được nhập cư vào Hoa Kỳ, "làm lại từ đầu" và hôm nay, không ngờ có dịp đi công tác để trở về thăm Thủ Đô của Tiểu Bang Tennessee. Thành Phố Nashville với nửa triệu dân có con sông Cumberland River lững lờ uốn quanh, được mang tên trữ tình: Music City USA, Thành Phố Âm Nhạc Hoa Kỳ. Đây là cái nôi của "Nhạc Đồng Quê" Country Music.
Thanh còn nhớ vào thập niên 60, chàng không thích thú cho lắm mỗi khi nghe các nghệ sĩ hát loại nhạc này trên chương trình của Đài Truyền Hình Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Với những nhạc cụ giản dị như tây ban cầm và vĩ cầm cùng cách hát như "cải lương", loại nhạc này chẳng thấm vào lòng chàng như những bản nhạc của "tứ quái" The Beatles hay hai anh em trẻ với mái tóc đặc biệt dễ thương The Carpenters thời đó...
Máy bay đã đáp xuống phi đạo và từ từ tiến vào chỗ đậu. Thanh chẳng nhớ gì nhiều về phi trường này, tất cả đều mới lạ ngoại trừ cái tượng tây ban cầm thật to, màu sắc nổi bật ở phòng lấy hành lý, biểu tượng của Music City USA.
Sau khi lấy xe thuê, Thanh trực chỉ về trung tâm thành phố, nơi sẽ đi họp ngày mai. Trời vào cuối Xuân, gió thổi nhẹ và mát, phi trường chỉ cách thành phố khoảng nửa tiếng. Những tòa nhà chọc trời mới tô điểm thêm cho nền trời xanh, cái màu xanh thật đặc biệt mà chàng yêu mến từ khi mới đặt chân đến thành phố này. Khách sạn nằm ngay trung tâm, đối diện với Bảo Tàng Viện Nhạc Đồng Quê, Country Music Hall of Fame and Museum. Cạnh bên đó là Trung Tâm Trình Diễn Nhạc Gaylord Entertainment Center và Trung Tâm Hội Nghị Nashville Convention Center.
Chiều tối, sau khi đã nghỉ ngơi một chút, Thanh lang thang xuống đường chính Broadway. Một tương phản giữa kiến trúc xưa và nay: những tòa nhà cao với vật liệu bằng kính và hợp kim nhẹ sáng chói như muốn đè bẹp những căn nhà thấp, gạch đỏ cũ kỹ.
Những quán hàng dọc theo Broadway vẫn như xưa, đi ngang nghe tiếng đàn, giọng hát "rên rỉ" từ các ca sĩ chưa nổi tiếng, thay phiên nhau trình diễn cả ngày. Đây là nơi thực tập của các nghệ sĩ trước khi được các ông bầu để ý và tuyển chọn đến hát ở sân khấu lớn nổi tiếng như Grand Ole Opry. Thanh bước vào quán The Stage, chọn một bàn gần sân khấu nhỏ ấm cúng. Một cặp nghệ sĩ "rất-ư-là-đồng-quê" đang trình bày một bản tình ca: cả hai với mũ cao bồi trắng, quần "jean" xanh tơi tả phong sương với đôi giày "boot" cao cổ, cũ kỹ lấm bùn.
Thanh gọi một ly bia lớn và dĩa thịt heo nướng barbecue, đặc thù của Miền Nam Hoa Kỳ. Marlene, "cô bạn" sinh viên người Ý thời ấy, hay rủ chàng đến quán ăn nhỏ dễ thương này để hò hẹn. Có lẽ vì thế mà "Nhạc Đồng Quê" đã thấm vào máu của Thanh. Cô ca sĩ đang ngân nga và diễn tả cung điệu buồn vì "người yêu đã bỏ đi theo một cô gái trẻ đẹp...". Thanh bất giác mỉm cười vì nhận ra điểm tương đồng giữa Nhạc Đồng Quê Mỹ và Nhạc Việt: phần lớn là buồn và kể lể thân phận. Càng về đêm, người vào càng đông và quán ồn ào hơn. Chàng đứng dậy, bước qua khói thuốc như sương mù trước khi ra cổng. Một cô gái ở quầy rượu bật cười khúc khích với tình nhân. Thanh nổi da gà vì nhớ đến tiếng cười tương tự của Marlene, tiếng cười ngây thơ nhưng khiêu khích của người con gái vào tuổi xuân thì. Gió lạnh về đêm làm chàng hơi khó chịu. Thanh kéo cao cổ áo, châm một điếu thuốc và chân bước nhanh về khách sạn. Nỗi buồn dâng nhẹ. Ánh mắt trữ tình và nụ cười liêu trai của Marlene lởn vởn trong đầu làm Thanh trằn trọc mãi mới thiếp đi được trong đêm sáng trăng của Nashville ...
Cả buổi sáng ngày hôm sau, Thanh nóng lòng cho cuộc họp chóng xong để có nhiều thì giờ về thăm trường cũ. Khi công việc xong xuôi, chàng thoải mái lái xe dọc theo Broadway để xuống khu vực "campus" của Đại Học Vanderbilt University, chỉ cách trung tâm thành phố dưới 10 phút, nằm gọn trong khu tam giác giữa hai đường West End Ave và 21th Ave.
Trường được thành lập từ 1873 với khoảng 11 ngàn sinh viên, hiện là một trong 20 trường nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ. Thanh nhớ những năm tháng miệt mài với sách vở về Khoa Kinh Tế, chỉ hy vọng sau khi tốt nghiệp, mang kiến thức về phục vụ cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ sau chiến tranh. Giấc mộng ấy đã tan theo mây khói. Bây giờ qua đây, Thanh lại làm một nghề khác, tuy không thích nhưng dễ sinh nhai và đỡ mệt óc.
Con đường West End Ave trong niên khóa thường đầy sinh viên qua lại với nhiều tiệm sách, tạp hóa, quán ăn bình dân vì gần những "nhà trọ" của trường. Ngày trở về hôm nay, đường xá vắng vẻ, yên tĩnh vì niên khóa vừa xong, chỉ còn một ít sinh viên học mùa Hè. Thanh ghé xe vào một địa danh nổi tiếng của trường, lòng bồi hồi khi nhìn thấy tượng của Ông Vanderbilt bằng đồng vẫn oai nghiêm nhìn ra cổng. Phía sau là biểu tượng của trường với tháp đồng hồ cổ kính, kiến trúc đặc biệt ở tòa nhà Kirland Hall.
Thanh hít một hơi thật dài để cảm nhận cái không khí trong lành dễ chịu của buổi trưa, tuy nắng nhưng có gió thổi hiu hiu. Chàng đi dạo dưới những tàng lá rậm của các cây cổ thụ thật to, dễ chừng cả trăm năm rồi. Một điểm làm Thanh yêu quý trường này là đi đâu trong campus cũng có bóng mát của cây, màu xanh tươi khắp nơi. Nhiều nhất là cây phong "Maple tree", lá nhiều góc cạnh đặc biệt, đã để lại cho chàng nhiều ấn tượng khó quên. Thanh thường hay đi dạo những con đường yên tĩnh ở Sài Gòn với nhiều hàng cây như Tú Xương, Nguyễn Du nên thích những con đường quanh co trong Campus này.
Thanh quay trở lại xe, không quên lấy một bản đồ của trường trong một hộp nhỏ gần bảng chỉ dẫn. Chàng lái về phía nam của đường West End Ave. Đường 25th Ave quen thuộc đây rồi! Chàng đã đi bộ nhiều lần trên con đường này dẫn về nhà trọ. Quán ăn Ý Mama Italia ở góc đường không còn nữa, nay là một khu phố khang trang với tiệm sách Borders và khách sạn Marriott. Dọc theo đường 25th Ave, một bên là những nhà mới của trường xây cất với kiến trúc mới thật đẹp, bên kia cũng được tu bổ với những sân vận động, nhà thể thao, sân quần vợt với bãi đậu xe thật lớn. Thanh đậu xe đối diện với hai nhà trọ đồ sộ Morgan và Lewis House, sừng sững cao mười từng, màu trắng xen màu hồng đậm.
Thanh lững thững bước vào khuôn viên giữa hai tòa nhà, vẫn những thảm cỏ xanh, những băng ghế gỗ, vài ngọn đèn đường và cây cao bóng mát. Thanh nhìn lên từng lầu năm góc bên trái nơi chàng ở trọ chung với hai sinh viên, Paul và Marlene. Ôi sao mà nhớ quá những ngày thơ mộng cũ! Thảm cỏ trong khuôn viên này, thời chàng đi học, những hôm đẹp trời như ngày hôm nay, đầy những sinh viên nằm phơi nắng, trò chuyện, chơi bóng chuyền... Thỉnh thoảng lại có những tiếng cười ré lên vì có một sinh viên quỷ quái, tinh nghịch nào đó chạy ngang thật nhanh với "bộ-quần-áo-trời-ban-lúc-lọt-lòng". Đấy là thời kỳ "Hippie", giới trẻ sống buông thả, dùng ma túy, chống chiến tranh, để tóc dài, với dấu hiệu hòa bình "Make Love Not War" khắp nơi.
Nhặt chiếc lá phong ngả vàng trên thảm cỏ, Thanh thẫn thờ, lại nhớ đến nụ cười rạng rỡ và ánh mắt sáng ngời thông minh của Marlene. Đã bao lần tại khuôn viên này, hai đứa thủ thỉ dưới tàng cây và những tối trao nhau nụ hôn đắm đuối. Tình yêu đến rất nhanh vì Marlene tự nhiên và nhiều nữ tính nóng bỏng. Chàng muốn ngồi ở thảm cỏ này thật lâu để nhớ lại kỷ niệm xưa. Marlene bây giờ ở phuơng trời nào? Chàng mất liên lạc sau 1975. Có lẽ nàng đã trở về một tỉnh nào đó ở Ý sau khi tốt nghiệp. Từ khi quen Marlene, Thanh biết thêm nhiều về Ý, một quốc gia có nhiều điểm khá tương đồng với Việt Nam: từ hình thể địa lý đến tính tình gần gũi, thân yêu với gia đình và họ hàng. Chàng cũng làm quen dần với những món ăn Ý, hầu như không thể thiếu sốt cà chua, từ những món nàng nấu thường xuyên như mì "Spaghetti", "Lasagna" đến các món ở quán ăn Mama Italia như: "Pizza", mực chiên giòn, trái "Olive", cá "Anchovy". Nơi đây, trong khung cảnh ấm cúng, đèn mờ ảo, chàng cũng làm quen với rượu nho và bánh tráng miệng "Tiramisu" mà Marlene rất ưa thích...
Với một chút bịn rịn, Thanh đứng dậy, chụp nhiều tấm ảnh kỷ niệm rồi rảo bước rời Morgan và Lewis House để đi thăm những nơi khác trong trường. Chàng băng ngang qua bệnh viện và Trường Y Khoa, mới mở rộng thêm. Những sinh viên trường thuốc hay bác sĩ với áo khoác trắng qua lại làm chàng nhớ đến Paul, cùng ở chung "Apartment" nhưng ít khi có mặt ở nhà. Paul râu quai nón, tóc quăn đỏ, dễ thương, dân "gạo", học cả ngày ở thư viện trường hay đi thực tập ở các bệnh viện. Đôi khi, Paul cũng bỏ chút thì giờ để cùng Thanh và Marlene xuống quán The Stage ăn tối và nghe Nhạc Đồng Quê ...
Những con đường lát gạch màu xám và cây cối trong trường được bảo trì rất kỹ và sạch sẽ, thỉnh thoảng mới thấy vài sinh viên hay giáo sư đi ngang qua. Thanh nhớ khóa học đầu tiên, chưa quen đường đi nước bước, phải chạy từ giảng đường này sang giảng đường khác và trễ lớp hoài! Marlene và Thanh thường hẹn nhau ở bãi cỏ, trước thư viện chính của trường để ăn trưa. Cạnh bên là nhà thờ và Phân Khoa Thần Học Divinity School với những sinh viên và mục sư nghiêm trang, trịnh trọng, ăn mặc chỉnh tề chứ không như các sinh viên khác, quần "jean" và áo "polo" quanh năm.
Thanh không quên hôm hai đứa đi bộ từ trường về bị "ướt như chuột lột" vì cơn mưa lớn bất ngờ đổ xuống. Đi trong mưa chẳng thấy cái lạnh cho đến khi về đến phòng mới run cầm cập, dành nhau vào phòng tắm để tắm nước nóng và thay quần áo. Đó là một kỷ niệm khó quên vì Thanh đã "giới thiệu" cho Marlene công hiệu của dầu cù là chính hiệu Việt Nam khi nàng bị cảm, hắt hơi sổ mũi tối hôm đó. Marlene cảm động khi bàn tay ấm của chàng xoa nhẹ trên lưng nàng. Nàng đã ôm Thanh thật lâu và cũng là lần đầu cho chàng một nụ hôn dài đắm đuối. Thanh cũng không thể quên ngày sinh nhật của Marlene vào năm chàng sắp từ giã trường về lại Việt Nam. Chàng đã tặng cho nàng một món quà đặc biệt: một dĩa nhạc với bìa là hình nàng do chính chàng chụp. Dĩa này của giàn nhạc nổi tiếng Paul Mauriat, hòa tấu nhạc êm dịu tuyệt vời, trong đó có nhạc phẩm "Michelle" mà nàng rất ưa thích. Tối hôm ấy, hai đứa ôm nhau, tâm sự thật nhiều và hứa hẹn tương lai...
Gần 5 giờ chiều, Thanh lái xe trở ra xa lộ, hướng về phi trường. Đường kẹt xe vì đúng ngay giờ tan sở. May mà phi trường nhỏ và khám xét an ninh cũng nhanh nên Thanh không bị trễ chuyến bay. Khi máy bay rời phi đạo và từ từ tăng cao độ, Thanh cảm thấy vui và nhẹ nhõm trong lòng, chàng hát nhỏ riêng cho mình: "Rồi mùa xanh lá thắm, đi về ngày còn nắng ấm, nghe đời nhịp đều nối bước âm thầm. Đường cây xanh bóng mát, xanh màu trời chiều bát ngát, êm đềm vọng về tiếng hát xa xưa..."** Nhìn qua cửa sổ, Thành Phố Nashville nhỏ dần. Thanh nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi, trong giấc mộng, Marlene lại hiện về...
Phan Anh Dũng
**: Lời trong ca khúc: "Những Con Đường Thành Phố Tôi Yêu" của Nhạc Sĩ Thanh Trang.