Lại thêm một năm sắp qua đi… Bao nhiêu thay đổi lẫn buồn phiền đeo đẳng trong những tháng ngày qua, có lẽ vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên Noel năm nay không còn cảm giác nôn nao chờ đợi để chuẩn bị cho mùa lễ Giáng sinh, để tận hưởng những ngày nghỉ hè cuối năm được rơi đúng vào mùa này. Đầu óc như đặc quánh lại, mọi việc cứ trôi qua không suy nghĩ tính toán… hình như chỉ làm theo quán tính hay trong vô thức, không chủ định được chi cả…hay là mình đã đến lúc cần phải nghĩ đến chuyện về hưu?
Mọi năm, đầu óc sẽ nhẩm tính sắm sửa gì và làm gì cho kỳ mừng Chúa Giáng Sinh, cho dịp tết Tây, Tết ta. Rồi rộn rã với những ngày dạo shopping, thật là vui mắt với cảnh sắc trang trí từng cửa tiệm, êm tai với tiếng nhạc rộn rã vang lên của những bài hát Giáng Sinh quen thuộc. Dù thanh thản hòa nhập với âm thanh và màu sắc nơi khu phố đang dạo, nhưng đầu óc vẫn không ngừng làm việc, suy tính để phân vân lựa chọn giữa những món quà cần sắm theo từng lứa tuổi của con cháu và của cả người lớn nữa. Quà chất đầy trolley, thì biết là mình cần phải ngưng việc mua sắm để về nhà chuyển qua công việc gói quà. Nhìn những gói quà lớn nhỏ đủ màu sắc lần lượt đặt dưới cây thông, thì mệt nhoài nhưng lòng lại thấy vui với thành quả hì hục cắt dán và tưởng chừng như nghe văng vẳng đâu đây tiếng cười nói rộn ràng, những ánh mắt sáng rỡ của những đứa cháu với món quà ưng ý, hay hình ảnh mặt mày phụng phịu vì quà không trúng ý hoặc tiếng phân bì so đo với anh, chị, em họ bên cạnh…! Năm nào cũng thế, bận rộn, tất bật với chuyện mua sắm quà cáp nhưng bù lại đó là dịp cả đại gia đình đoàn tụ, gặp nhau ăn uống trò chuyện thăm hỏi rôm rã, một cơ hội mà hầu như những gia đình nơi xứ người luôn mong mỏi sau một năm dài làm việc hay học tập ít có dịp gặp gỡ nhau. Bởi thế dù mệt mỏi nhưng ai cũng mong chờ ngày ấy và nhất là lũ trẻ luôn chờ đợi náo nức lúc nhận và phát quà. Cô em kế luôn có nhiều sáng kiến để cho buổi phát quà vui nhộn hơn, nhớ có lần em mặc đồ giả làm ông già Noel xuất hiện, cả nhà đã cười vang vì ông già nhỏ thó lại ốm tong teo nữa chứ (dù cố tình độn bụng thật bự). Một người lên tiếng bình phẩm “năm nay ông già Noel ốm đói thế này chắc vì nhịn ăn để mua quà cho cháu đây”.
Cứ nhìn nét mặt của trẻ nhận quà – dù vui hay lặng thinh - thì cũng giúp mình thêm chú ý, quan tâm hơn cho món quà năm tới chứ không hề giảm đi cái thú vị - nhưng không kém phần căng thẳng - khi đi mua sắm và hầu như người lớn nào cũng hòa nhập vào cái vui của con trẻ, khi nhìn chúng hăm hở xé nhanh giấy gói quà để tìm xem cái gì ở bên trong. Những tiếng ồ lên thích thú, những ánh mắt ganh tỵ, dỗi hờn hay tiếng chân chạy thình thịch đuổi giành nhau để cùng chơi món đồ chơi ưng ý đã làm cho căn nhà như tăng thêm sinh khí, làm rộn rã tươi vui hơn và cuộc họp mặt của gia đình lại càng có ý nghĩa hơn…
Còn nhớ Noel năm đầu tiên ở xứ người, vẫn còn độc thân, cùng đám bạn quen biết khi ở chung hostel rủ đi lễ tại nơi đó rồi ngồi quay quần nhau với dĩa bánh, viên kẹo cùng những ly nước ngọt mà mắt đứa nào cũng long lanh khi nhắc lại những kỷ niệm trong mùa Giáng Sinh, và nhận ra sự thật rằng mình đang ở xa thăm thẳm quê nhà, xa những người thân yêu còn ở lại. Từ giã nhau về phòng mà bước chân nặng nề, lòng thẫn thờ buồn bã..
Năm thứ hai đã rời nơi hostel, thuê được căn nhà đâu đó, bạn mới, hàng xóm mới, công việc mới, bận rộn với những cái mới thay đổi khiến thời gian hình như không đủ để vén khéo công việc, làm quen với hoàn cảnh… một Noel nữa lại lặng lẽ trôi qua…
Lập gia đình, những đứa con thương yêu lần lượt ra đời… chuẩn bị Noel ngày mỗi khởi sắc, bận rộn hơn… với những gói quà, những món ăn và cả dắt con đi dạo phố những ngày cận Giáng Sinh trong những gian hàng rực rỡ màu sắc, tràn ngập đồ chơi liên quan đến mùa Giáng Sinh và tiếng nhạc vang lên rộn rã. Các con dí mắt vào những cửa sổ của cửa hàng Myer - nơi mà mỗi năm lại được họ trang hoàng theo một câu chuyện cổ tích nào đó, những hình ảnh di động, những lời giải thích, tóm tắt câu chuyện trên mỗi cửa sổ, không những hấp dẫn trẻ con mà ngay cả người lớn mang "mác nhà quê" như tôi cũng không kém phần thích thú, lạ lẫm. Những ngày hạnh phúc đó kéo dài khá lâu vì đại gia đình được đoàn tụ cùng nhau, mỗi năm thêm nhân số, cha mẹ con cái cháu chắt cứ đông dần nên từ chỗ hội họp trong phòng ăn của nhà ba má, lại được trải dài qua nhiều phòng khác hay ra ngoài sân, rồi lại thay phiên nhau di chuyển đến nhà từng đứa con khi tổ chức lễ mừng Giáng Sinh hằng năm. Thức ăn ê hề trên bàn vì mỗi gia đình đem đến một hay nhiều món thay đổi khẩu vị theo thông lệ để giảm bớt đi cái cực nhọc phải nấu món ăn của gia đình đảm nhiệm việc tổ chức. Vui nhất là lúc phát quà, các con cháu lại xuýt xoa, trầm trồ về những món quà của nhau còn các bà mẹ thì phải lo thu dọn những tấm giấy gói quà được xé tan và vứt lung tung trên sàn nhà. Mệt nhưng tiếng cười giòn giã của con trẻ vang lên làm cha mẹ nào cũng lâng lâng sảng khoái…
Khi Ba tôi lâm bệnh, kéo dài gần 10 năm trời, và các con cháu cũng dần lớn khôn, trưởng thành, việc sắm sửa quà cũng giản tiện đi nhiều, vì các con cháu đã thích phong bao lì xì hơn là món quà. Không khí bớt nhộn nhịp, giảm bớt người tham dự bởi có người phải đi làm xa hay di chuyển chỗ ở qua tiểu bang khác, nước khác. Ngoài ra, nhìn cha già ngày càng xuống sắc, thì đâu còn vui thú đùa giỡn như xưa. Căn nhà của ba má trở nên im lìm hơn, không khí trầm hẳn xuống, nét mặt những người lớn lộ vẻ đăm chiêu tư lự khiến con cháu nhỏ cũng không còn vô tư đùa giỡn nhiều như xưa. Ba ngồi đó, mỉm cười nhìn con cháu tụ tập, nói vài lời nhắn nhủ rồi thường là vào phòng nghỉ ngơi sớm…
Đến khi Ba mất, cả nhà gặp nhau nhiều hơn vì… tăng thêm một ngày giỗ…! Buồn, nhớ và ngậm ngùi biết bao! Hình như buồn bao giờ cũng chiếm số đa trong cuộc sống!
Năm nay, mùa Giáng Sinh đến mang theo không khí rộn ràng của những lễ hội cuối năm, dù trong lòng không thanh thản mấy nhưng hy vọng những giây phút ấm cúng đoàn viên của các thành viên trong gia đình - mà kể từ khi Ba tôi mất đến nay vì hoàn cảnh sinh sống đã phải xa rời nhau - có thể cùng gặp nhau, ngồi lại để đón chờ một năm mới đang đến, để tạo dựng lại không khí đông vui như xưa hay ít ra cũng mang đến một niềm vui, một an ủi cho Má tôi khi tuổi thời gian của bà không còn nhiều.
Mong là tất cả chúng ta hãy đón nhận món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho trong cuộc sống: đó là tình gia đình, để biết trân quý những gì hiện hữu và biết yêu thương, tôn trọng nhau hơn!
Hồ Diệu Thảo