User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Mới đây, có người gởi đến cho tôi môt cái link video của báo The New York Times về một bác sĩ chuyên khoa mắt người Nepal, tên Sanduk Ruit, từng giúp cho hàng trăm ngàn người đồng hương bị mờ mắt vì cườm khô (cataract) được nhìn thấy lại ánh sáng. Trên thế giới có chừng 39 triệu người mù, và một nửa số này nguyên nhân là cườm khô (cataract), có nghĩa là thuỷ tinh thể (lens) trong mắt họ bị vẩn đục nên ánh sáng từ ngoài không đi vào tròng mắt được để chiếu hình trên võng mạc (võng mô, retina) ở đáy mắt.

Ở Mỹ, giải phẫu thay thuỷ tinh thể bị vẩn đục bằng một thấu kính nhân tạo (artificial lens, intraocular lens) cần dùng những trang bị đắt tiền, và tốn chừng vài ngàn đô la. Phương pháp của BS Ruit chỉ tốn chừng 25 đô cho mỗi mắt, và thấu kính do ông chế tạo giá chừng vài đô, so với mấy trăm đô ở các nước phát triển. Điều lạ là, dù lúc đầu bị nghi ngờ và chế giễu, một bài báo đăng trong chuyên san mắt "American Journal of Ophthalmology" cho biết so sánh với phương pháp và dụng cụ đắt tiền ở tây phương, kết quả cũng tương tự, với 98% trường hợp thành công sau 6 tháng. Viện mắt Tilganga của BS Ruit, gồm bịnh viện, phòng khám và ngân hàng mắt, hiện nay giải phẩu cho 30,000 người mỗi năm. Một nửa là không lấy tiền, một nửa trả lệ phí để tài trợ cho nhóm nghèo. Đây là một chuyện làm chúng ta lạc quan về khả năng của lòng nhân đạo của chỉ một con người. Khả năng chuyên môn của một bác sĩ giải phẫu, tuy không có gì gọi là thần thánh, có thể đem đến hạnh phúc cũng như sự sống cho hàng trăm ngàn người. Những người như bà Thuli Maya, 50 tuổi, vì mắt mờ quá, không đi làm nuôi con được và còn thường bị tai nạn phỏng lửa vì không thấy rõ. Chỉ 5 phút của một đồng hương giàu lòng vị tha đã biến đổi cuộc sống của bà.

Sông Long Hồ (khoảng 1966-67)

Đọc tin này làm tôi nhớ lại chuyện gần 50 năm trước. Lúc đó tôi còn học năm thứ 3 y khoa, nghĩa là còn 3 năm nữa mới ra trường nên chưa biết gì nhiều về nghệ thuật cũng như kỹ thuật y khoa.

Thời đó, Hội Bác Sỹ Hoa Kỳ (AMA) bảo trợ cho trường Y Khoa Sài Gòn và huy động được sự giúp đỡ về nhân lực cũng như vật chất cho trường chúng tôi. Mỗi khoa của trường được một trường y khoa Mỹ đỡ đầu, gởi giáo sư của họ qua dạy trong vài tháng, vài tuần, nhận các bác sĩ Việt qua Mỹ tu nghiệp... Ngoài ra còn có các bác sĩ dân sự cũng như quân đội Mỹ tình nguyện vào dạy cho các sinh viên. (Chương trình VPV/Volunteer Physicians for Vietnam = Bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam)

Hồi đó ở Đại học Y khoa Sài Gòn, cột trụ khoa mắt là Bs Nguyễn Đình Cát, người Huế, kiến thức văn chương uyên bác và một bác sĩ trẻ hơn là bác sĩ Nguyễn Ngọc Kính, người Bắc, cũng đứng dạy Cơ thể học (anatomy) cho chúng tôi. Hình như hai bác sĩ này không thích nhau, và mỗi vị đóng đô ở một bịnh viện khác nhau. Nhưng đối với một sinh viên mang 2-3 sao như tôi (cứ mỗi năm thêu thêm một sao trên áo blouse), thì chuyện đó không có ý nghĩa gì vì chúng tôi lớp dưới rất ít khi có dịp học trực tiếp với các thầy về chuyên khoa mắt. Chỉ có các nội trú (interne) là được thụ giáo, gần gũi các thầy mà thôi. Như một giáo sư rất nổi tiếng của trường Y thời đó từng tuyên bố về thân phận hẩm hiu những sinh viên vòng ngoài, lớp dưới như chúng tôi: "Các anh là sinh viên của tôi thôi, các anh không phải là học trò của tôi". Ở Mỹ hiện nay, các chương trình huấn luyện hậu đại học chuyên khoa mắt cũng rất kén chọn ứng viên trong giới những sinh viên mới có bằng MD, mới học xong trường y khoa ("very competitive residency programs"). Tôi nhắc đến chuyện hơi ngoài đề như vậy để nói đến hoàn cảnh may mắn tôi gặp được các bác sĩ mắt người Mỹ tình nguyện phục vụ ở Việt Nam lúc chiến cuộc đang tàn khốc nhất. Họ dạy cho bất cứ sinh viên nào muốn theo họ để học hỏi, với điều kiện duy nhất là nói được ít nhiều tiếng Anh. Chúng ta thử tưởng tượng một bác sĩ đang hành nghể bác sĩ giải phẫu mắt hiện nay ở Mỹ, bỏ phòng mạch hay bịnh viện vài tháng, một năm qua Iraq hay Afghanistan lúc chiến tranh còn sôi động để chữa hay dạy miễn phí ở bên đó, thì sự can đảm và hy sinh cho lý tưởng lớn đến mức nào.

Hồi đó, khoảng 1968, thời gian sau Tết Mậu Thân, chiến tranh rất khốc liệt. Tôi cùng một bác sĩ bạn cùng lớp ở Cư Xá Đắc Lộ của các Cha Dòng Tên trên đường Yên Đổ tháp tùng theo hai bác sĩ chuyên khoa mắt người Mỹ xuống bịnh viện Vĩnh Long để khám và mổ mắt miễn phí cho bịnh nhân. Chúng tôi đi máy bay nhỏ xuống Cần Thơ, rồi đáp xuống Vĩnh Long, ở trong một khu gia cư hình như dành cho Mỹ, có máy lạnh, phòng tắm tử tế. Ăn sáng có sữa bò và bacon (thịt heo ba rọi sấy khô) là những món chúng tôi sinh viên Việt thường ngày ít được ăn. Ban đêm, đôi lúc muốn tìm hiểu món ăn Việt Nam thì chúng tôi nhảy lên xe jeep, ra ngồi thưởng thức gió mát, ăn hủ tiếu bên bờ sông Long Hồ (?)

BS McDermott trầm tĩnh, ít nói nhưng mỗi tối, sau một ngày làm việc dài, vẫn giở sách chuyên khoa dạy cho chúng tôi, thấy gì ban ngày thì thì dạy về bịnh đó, muốn hỏi gì , bàn luận chuyện gì cũng được. Nói một cách khác dạy theo kiểu Mỹ bây giờ, hay nói cho oai một chút theo kiểu Socrates dạy học trò ngày xưa ở Athens, Hy Lạp. Bác sĩ kia người Úc, Dr Hodgkinson và tốt nghiệp ở Mỹ về chuyên khoa sâu (subspecialty) về bịnh võng mạc (retina specialist. Tôi có cơ hội làm việc với bác sĩ này nhiều hơn.

Trong một tuần lễ chúng tôi giải phẫu mắt chừng 100 trường hợp, đa số là các bịnh nhân mù vì bị cườm (cataract). Thời đó, chúng tôi chỉ lấy thuỷ tinh thể đục ra, nhưng không thay thế bằng thuỷ tinh thể nhân tạo như hiện nay, hình như sau đó bịnh nhân cần đeo một cặp kính rất dày để thấy rõ hơn. Cũng còn in trong trí nhớ của tôi là trường hợp ca mổ cuối cùng trước khi chúng tôi về lại Sài Gòn, ca thứ 100 mà cũng là ca làm bác sĩ Hodgkinson thất vọng vô cùng. Bịnh nhân hoàn toàn bị hư mắt bên kia, và đây là hy vọng cuối cùng của người đàn ông đứng tuổi. Từ lúc đầu, Bác sĩ Hodgkinson đã cho tôi biết lúc nào cũng có những trường hợp bất ngờ, dịch thuỷ tinh (vitreous humor) ở sau thuỷ tinh thể sẽ ào ra phía trước lúc bác sĩ giải phẫu kéo cườm cứng (cataract) ra ngoài. Đau đớn là trường hợp biến chứng xảy đến ở bịnh nhân chỉ còn một bên mắt còn hy vọng cứu vãn được bằng phẫu thuật, và ngay ngày cuối của chuyến đi, làm hỏng cuộc vui. Hai trường hợp thực hiện ghép giác mạc (cornea, phần cong và trong trước con ngươi) cho những người giác mạc bị đục. Một người là một phụ nữ trẻ chừng 20-30 tuổi, xanh xao vì mắc bịnh lao. Người kia là một thiếu nữ chừng 16-17 tuổi, mạnh khoẻ, chỉ có bịnh mắt giác mạc bị đục hai bên. Hai giác mạc được lấy ra từ mắt một người vô gia cư già, không thừa nhận trong nhà xác. Tối hôm đó, tôi cùng Bác sĩ Hodgkinson vào bịnh viện Vĩnh Long, thu hoạch hai giác mạc cho ngày hôm sau. Kết quả cũng buồn vui lẫn lộn, và khá bất ngờ: người phụ nữ bịnh hoạn thì giác mạc ghép tốt, có lẽ do đề kháng của bà ta yếu, trong lúc đó thì cô gái trẻ và khoẻ thì thất bại. Tôi còn nhớ người phụ nữ chắp tay vái bác sĩ Hodgkinson sau khi được gỡ băng và thấy lại ánh sáng sau nhiều năm. Cảnh tượng ấy vẫn còn gây nhiều ấn tượng trong tôi về khả năng của y học có thể làm vơi nỗi khổ của con người. Trong đời mỗi người, có những chuyện không lớn lắm nhưng lại để dấu vết suốt đời. Trong trường hợp của riêng tôi, trong suốt đời hành nghề y khoa của tôi, đấy là những kỷ niệm luôn luôn nhắc nhở tôi về lý tưởng cao đẹp của nghề thầy thuốc, với những thành công cũng như những thất bại chua cay kèm theo.

Gần đây tôi tìm trên internet thì được biết thêm về hai vị giáo sư của tôi gần 50 năm trước, và rất tiếc cả hai người đều đã qua đời. Bác sĩ John Jack McDermott (1932-2013) người gốc Claremont, California, từng học college ở Columbia và Y khoa ở New York University. Suốt cuộc đời của ông, ngoài việc hành nghề y khoa mắt ở Mỹ, ông liên tục làm công tác từ thiện ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan, Latvia... chữa bịnh và dạy cho các bác sĩ các nước nghèo về các tiến bộ trong phẫu thuật mắt. Ngay lúc còn là bác sĩ thường trú, ông từng tình nguyện trên chiếc tàu bịnh viện USS HOPE ở Ecuador. Ông qua Việt nam năm 1968 (là lúc chúng tôi được học với ông) và chuyến thứ nhì năm 1973, lúc đó thì tôi đã vào lính. Sau biến cố tháng 4 năm 1975,ông từng giúp người Việt tỵ nạn định cư tại Mỹ, và nhiều lần "mở cửa nhà riêng của mình" cho nhiều người tỵ nạn.

Bác sĩ Bernard John Hodgkinson (1935-2010) hồi đó có vẻ vui tính hơn, pha trộn với một chút óc khôi hài, mỉa mai nhẹ nhàng, và có thể hơi gàn. Ông tốt nghiệp Y khoa tại Đại học Melbourne, Australia, sau đó học thêm ở các trường Y khoa nổi tiếng của Mỹ, Johns Hopkins, Yale và Harvard. Ông chuyên về các bịnh của võng mạc (retina), là bộ phận nằm sau tròng mắt, nơi ánh sáng chiếu lên. Ông làm giáo sư cho Đại Học Y khoa Sài Gòn khoảng năm 1970. Sau đó ông có giúp đỡ cho một số sinh viên Việt Nam học thêm ở Mỹ, cũng như định cư một số trẻ em mồ côi Việt Nam qua Mỹ.

Tôi còn nhớ hồi đó, có lần BS Hodgkinson hỏi tôi "Anh có muốn đi Mỹ học Harvard không?" Nghe hỏi, hình như tôi cũng không quan tâm gì lắm vì lúc đó, trong lúc nước nhà chiến tranh khốc liệt, chuyện xuất ngoại hay qua Mỹ học đối với tôi là một chuyện không bao giờ mình nghĩ đến, dù là mơ ước xa vời đi nữa. Sau này, do thời thế đưa đẩy, chuyện tưởng như vô lý lại xảy ra thật, được đi huấn luyện thường trú tại Đại học Georgetown nằm ngay tại thủ đô Mỹ, tôi sực nhớ lại câu hỏi của ông thầy Mỹ ngày xưa. Hay là hồi đó ông ta có những "connections” mà mình không nghĩ đến. Trong obituary (ai tín) của ông có ghi là ông có giúp đưa một số sinh viên Việt Nam qua Mỹ sau đó.

Hoàn cảnh đưa đẩy, tôi không có "duyên nợ" với ngành chuyên khoa mắt (ophthalmology), nhưng tôi vẫn luôn luôn nghĩ đây là một ngành lý tưởng cho những người trẻ y khoa muốn tiếp cận với kiến thức khoa học "mũi nhọn" về vật lý, đi từ áp dụng laser để chữa bịnh cận thị (Lasik)cho đến những kỹ thuật vi giải phẫu tân kỳ nhất, kết hợp với khả năng đem hạnh phúc đến cho tha nhân một cách ngoạn mục nhanh chóng. Nhờ các bác sĩ mắt mà hôm nay tôi không cần phải mang kính cận thị, một điều làm tôi khá khổ sở trong suốt thời tuổi trẻ. Không những vậy mà bây giờ tôi còn thấy rõ hơn lúc còn mang gương, nhờ các thấu kính nhân tạo nhét vào mắt (intraocular lens, IOL) để thay thế cho các thuỷ tinh thể đã bị đục và bác sĩ giải phẫu mắt đã hút ra bỏ đi. Gần đây người ta đã khám phá khả năng của chất lanosterol có thể làm tan các cườm đục thủy tinh thể trong mắt thỏ và chó, hứa hẹn tương lai không xa có thể dùng thuốc nhỏ mắt làm tan cườm (Ling Zhao).

Nhìn về y khoa và những tiến bộ về ngành mắt mà những ông "thầy" của tôi đến từ phương xa đem đến cho chúng tôi gần thể kỷ trước, tôi không khỏi bùi ngùi, thán phục và biết ơn những người tuy chỉ qua đường trong cuộc đời mình, thật sự họ đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ cũng như lương tâm nghề nghiệp của tôi trong mấy chục năm qua.

References:

http://www.nytimes.com/2015/11/08/opinion/sunday/in-5-minutes-he-lets-the-blind-see.htm
http://www.legacy.com/obituaries/latimes/obituary.aspx?pid=167162447
http://www.sciencealert.com/scientists-have-developed-an-eye-drop-that-can-dissolve-cataracts-from-eyes
Ling Zhao et al: Lanosterol reverses protein aggregation in cataracts
http://www.nature.com/nature/journal/v523/n7562/full/nature14650.html

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Mùa Thanksgiving
Ngày 16 tháng 11 năm 2015

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com