Anh ơi!
Đọc hàng chữ nghĩa trang quân đội
trên những trang báo viết bằng tiếng Việt Nam,
nhìn tấm hình bức tượng người lính trước nghĩa trang
bị kéo xuống,
mặt úp vào mặt đất;
trái tim em ai xé ra trong ngực
niềm xót thương nghẹn cứng không lời.
Ôi người lính miền Nam,
anh đã sống hết một đời cho Tổ quốc,
anh chết chưa kịp yêu cho riêng mình,
anh còn bận lòng yêu đất nước,
anh chết trước cha già,
anh chết trước mẹ già,
anh chết trước khi kịp về nhìn cây lựu ra hoa,
anh chết trước khi biết là mình chết trẻ.
Ôi những Tướng, Tá miền Nam,
Người nằm trong nghĩa trang này cùng với lính của mình,
những huy chương nào gắn trên áo trận,
nhành dương liễu nào trên mộ bia,
giải khăn tang nào cho con, tặng vợ
ai vuốt mắt Người như khép vì sao khuya.
Em đi trong nghĩa trang,
em vòng qua mộ chí,
làm sao em đếm hết những hàng bia,
làm sao em thắp nến,
làm sao em đốt nhang,
làm sao em chia nước mắt mình thành mười sáu ngàn giọt lệ,
nhỏ trên những nấm mồ đổ nát
đã thành những ụ đất hoang.
Em gọi mưa trên trời rơi xuống,
Trời khóc thương anh khóc thương em.
Trời khóc thương cho cả hai miền,
Trời khóc thương người mẹ quê miền Bắc,
sống cô đơn trong túp lều mục nát,
thương những người con đi xẻ Trường Sơn.
một ngày, mẹ nhận được mảnh giấy Ghi Công,
và xác con mất tích.
Hòa bình rồi, mẹ chống gậy khom lưng,
đi hỏi từng người,
đường đến đài tổ quốc ghi công.
Trời khóc thương cho người mẹ miền Nam,
con chết trận,
con chết tù,
cả hai con cùng mất mộ,
chiếc nôi cuối của một kiếp người
hiến cả đời cho đất nước,
ai nỡ đập vỡ đi.
Anh ơi!
Hãy cầu xin bằng ngàn giọt lệ,
cho những người đã nằm trong đất,
những người lính trận của hai miền.
Họ sống anh hùng và chết bình yên
đất ôm họ bằng vòng tay người Mẹ
Đất nước mình sao buồn bã thế
tiếng súng ngưng lâu lắm rồi
sao khói súng còn bay!

Tháng 6/2007
Trần Mộng Tú
(trích Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, 1969-2009- Tác giả xuất bản, 2009)
Thương Tiếc
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thụ người làm ra bức tượng nổi tiếng Thương Tiếc nổi tiếng một thời.
Khi cộng sản xâm lược miền Nam chúng đã hành hạ, bức hại ông cả thể xác lẫn tinh thần bằng sự thâm độc khó có chữ nghĩa nào diễn tả nổi.
Nhà thơ Trần Mộng Tú đã chơi chữ rất hay sáng tác bài thơ "tiếc thương" để nói lên cảnh khổ ải của những người đau khổ nhứt của cái ngày mang danh "giải phóng". Đó là những người phụ nữ của nước Việt Nam.
Nguồn: Fb Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến - Hoàng Cofi