User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
(Bài viết nhân 50 năm ngày chiến tranh kết thúc, và Văn học Việt hải ngoại)
 
(Chân dung nhà văn)
 
Thân phận người lính với những năm tháng khói lửa, rồi cải tạo tù đầy là nỗi ám ảnh, một đề tài luôn nóng bỏng của các văn nghệ sĩ mặc áo lính, dù chiến tranh đi qua đã nửa thế kỷ. Nỗi bi thương ấy được họ ghi lại một cách rất sinh động, sâu sắc mang đầy tính nhân bản. Tôi đã từng đọc, từng viết rất nhiều chân dung các văn nhân, thi sĩ mặc áo lính (ở cả hai phía) như: Tô Thùy Yên, Phạm Tín An Ninh, Thảo Trường, Cung Trầm Tưởng, hay Nguyên Vũ… Mỗi nhà văn, nhà thơ đều gây cho tôi những cảm xúc, và tâm trạng khác nhau khi đọc, và viết. Bởi, ở đó cái Tôi, cái đặc trưng riêng biệt của họ hiên lên rất đậm nét, sống động. Và mới đây thôi, tôi nhận được hai tập thơ: Gánh Gạo Nuôi Chồng và Như Biển Hồ Lai Láng của nhà thơ mặc áo lính Vinh Hồ, từ Nhà xuất bản Nhân Ảnh (Hoa Kỳ) gửi tặng. Từ hai tập thơ này, buộc tôi tìm đọc tiếp Vinh Hồ. Song thật tiếc, chỉ tìm được một số bài về tình yêu, chiến tranh hầu như được viết vào những năm gần đây. Do vậy, dường như khói lửa đã giảm nhiệt trong lòng người đọc. Và không hiểu sao thơ văn Vinh Hồ rất ít đưa lên các trang báo điện tử. Cho nên trong khuôn khổ bài viết này, tôi đi sâu hơn vào: Gánh Gạo Nuôi Chồng. Một tác phẩm bi thương và đớn đau nhất của Vinh Hồ và đồng đội, cũng như thế hệ ông. Và tôi cho đây, cũng là tác phẩm điển hình về hình thức nghệ thuật, cũng như nội dung thi ca Vinh Hồ. Tuy thời gian nghiền ngẫm Vinh Hồ không nhiều, song những trang thơ ấy, không chỉ ám ánh mà còn cho tôi cảm xúc thật bình dị, gần gũi và sâu lắng. Dù tôi không hề quen biết, hay một lần gặp gỡ tác giả. Và cái tên Vinh Hồ dường như tôi mới chỉ nghe, hoặc đọc loáng thoáng ở đâu đó.
 
vinhhodotruong 
Vinh Hồ tên thật là Hồ Văn Thinh, sinh năm 1948 tại Ninh Hòa. Ông đến với văn thơ rất sớm. Và ông đã đóng dấu tên tuổi vào làng văn bằng những truyện ngắn ngay từ khi còn là học sinh trung học. Tuy nhiên đến nay, Vinh Hồ mới cho in ấn, phát hành 9 tác phẩm (bao gồm) thơ và khảo cứu, phê bình. Vinh Hồ nguyên sĩ quan Quân lực VNCH. Sau 1975, ông bị tù cải tạo. Nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn ở giai đoạn này là nguyên liệu sống để cho Vinh Hồ viết nên những trang thơ hiện thực, mang tính sử thi. Vinh Hồ hiện đang sống và viết tại Hoa Kỳ.
 
Đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong thơ Vinh Hồ là yếu tố tự sự. Bởi vậy, tính chân thực, sống động qua phương thức kể chuyện, hay miêu tả của nhà thơ. Nếu ta đã đọc: Người kể chuyện bằng thơ Luân Hoán, thì đến với Vinh Hồ thì như có sự nối dài của đặc điểm này vậy.
 
Sinh ra trong một (giai đoạn) xã hội đảo điên, đất nước bất hạnh, với những năm tháng tuổi trẻ Vinh Hồ phải đi qua chiến tranh: “Khi tôi sinh ra/ Quê hương mờ khói lửa/ Ngày Tây ruồng, đêm Việt Minh về gõ cửa../ Khi tôi sinh ra/ Nồi da xáo thịt/ Ảm đạm bao trùm khắp làng khắp nước“ (Tuổi Thơ Tôi Chẳng Có Mùa Xuân). Bởi vậy, không chỉ đau về thể xác mà tư tưởng, tâm hồn Vinh Hồ luôn bi quan và chán chường. Và phía trước con đường đổ nát, âm u đó là cái đích buộc Vinh Hồ phải đến: “Ngày trước/ Ta bước lên/ Một nấc thang gãy đổ/ Một khúc nhạc buồn/ Cõi về âm u/ Cõi về khói sương/ Những linh hồn/ Đui mù và ảo ảnh“ (Cõi Về Âm U). Và đi sâu vào đọc, nghiên cứu Vinh Hồ ta thấy, thi ca như một khúc nhạc buồn tiễn đưa chính linh hồn ông, cũng như đồng đội ông trong cuộc chiến này. Cho nên, tôi xin mượn câu thơ, hay một tiếng kêu (có lúc) dường như tuyệt vọng của chính Vinh Hồ: “Tôi uống khổ đau trong rừng thẳm“ để làm lời tựa cho bài viết này.
 
*Chiến tranh với linh hồn rách nát
 
Bi quan và chán chường là vậy, tuy nhiên có một điều đặc biệt, viết về chiến tranh, người lính, song ta không hề thấy đạn bom, khói lửa trong thơ Vinh Hồ. Ở đó nhà thơ mượn tình yêu cùng cảnh vật thiên để bộc lộ, giãi bày nỗi đau, thân phận người lính. Do vậy, năm 1968, ngay khi mặc áo lính Vinh Hồ đã viết Cõi Về Âm U. Lời thơ tự sự, trữ tình, tuy không hề nhắc đến đạn bom, nhưng người đọc vẫn thấy được cái tương lai mịt mùng của đất nước và con người trong cuộc chiến đang vào giai đoạn tàn khốc, qua diễn biến tâm trạng của của nhà thơ người lính Vinh Hồ. Có thể nói, Cõi Về Âm U là bài thơ hay của Vinh Hồ cũng như của Văn học miền Nam ở thời điểm đó. Bài thơ không liên quan tí tẹo nào đến Thánh đường, hay cửa Phật, nhưng không hiểu sao đọc nó, tôi thấy giai điệu ngũ ngôn trộn vào tứ ngôn thơ, với hình ảnh so sánh, hoán dụ cứ như một lời kinh cầu vậy:
 
“Ta âm thầm nỗi chết
Ta chờ đợi ngày qua
Mười ngón tay củi mục
Giơ lên bầu trời xa
Lời ai vừa hát?
Linh hồn rách nát
Trái tim đói khát
Tình vẫn tha ma…
Người như thuyền xa sông
Còn để hồn gió bão
Ta như mây phiêu bồng
Nghìn năm còn ngó lại“
 
Nếu các nhà thơ lính chiến: Linh Phương, Nguyễn Bắc Sơn… hay Trạch Gầm đi sâu miêu tả trực tiếp nơi chiến trường, thì người lính Vinh Hồ tìm về chốn tĩnh lặng sau chiến trận. Ở đó, nhà thơ đến với những hàng mộ chí đã hoen mờ. Một không gian lạnh ngắt cả chiều hoàng hôn. Nỗi buồn đau ấy không chỉ ngút tanh bãi bờ, mà còn tím ngắt hồn thi nhân: “Dàu dàu ngọn cỏ sầu tư lự/ Ngút tạnh hoàng hôn lạnh bãi bờ“ (Hồn Oán). Đọc Hồn Oán, với những linh hồn cùng tiếng kêu oán than, chợt làm tôi liên tưởng đến linh hồn vất vưởng của những người lính Cổ thành cổ Quảng Trị trong Dạ Tiệc Quỷ của nhà văn Võ Thị Hảo. Đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy, gần đây có nhiều văn nhân thi sĩ đã mượn cõi âm để bộc lộ tư tưởng, giãi bày cảm xúc của mình. Thật ra, với thủ pháp này, ngay từ năm 1937 đã được Chế Lan Viên sử dụng rất thành công ở tập Điêu Tàn, với những bóng ma, đầu lâu, và hộp sọ, nắm xương khô cùng nhau tìm lại chính mình và dân tộc mình: "Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi". (Trên Đường Về). Và có thể nói, Hồn Oán là một trong những bài thơ thất ngôn, điển hình về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật viết về chiến tranh của Vinh Hồ. Ở đó, mỗi khổ đều có thể độc lập, như một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt vậy. Song từ những oan hồn ấy ta vẫn thấy được cái tàn khốc, phi lý của chiến tranh, nỗi đau của con người trong hồn cổ phong:
 
“Mang mang thiên địa hồn thi sử
Mặc mặc trường giang cọc nhọn trơ
Triệu triệu vong linh còn vất vưởng
Nương dâu hạ bạn đã đi về…
Ngàn vạn hồn oan không trở lại
Cô phòng ngọn nến cháy vu vơ
Lời ai than khóc trong mưa gió
Dạ bạc sầu đông đứng héo khô”
 
Năm 1972 đỏ rực Cổ Thành Quảng Trị, và chiến tranh đã lan ra cả miền Bắc. Nỗi đau cốt nhục tương tàn ấy, buộc người lính Vinh Hồ phải thốt lên: “Miền Nam lửa cháy tràn đường phố/ Đất Bắc bom rơi ngập xác người/ Bến Hải khóc tương tàn cốt nhục/…Mẹ hóa thành sông máu lệ… Ôi!” (Mẹ Việt Nam). Từ xót xa, phẫn uất ấy, như một câu hỏi tu từ, ngòi bút của Vinh Hồ điểm mặt, gọi tên những kẻ lừa bịp, mua bán chiến tranh, coi rẻ thân xác, phẩm giá con người: “Hỡi ơi! Cuộc chiến ai phong thánh?/ Ai đã nô đùa trên xác ai?/ Hỏi ai vương tướng còn run rẩy?/ Khi đi qua cuộc bể dâu này“.
 
Tôi đã được đọc khá nhiều thơ tình của Vinh Hồ viết từ nơi chiến trường, hay trên đường hành quân tác chiến. Tuy nhiên, gây cho tôi xúc động nhất là sự lạc quan, tĩnh tại, hồn nhiên và khát khao ngay nơi sống chết bất chợt ấy của ông: “Hành quân qua con suối/ Hoa bằng lăng, thạch thảo/… Ta hái cành hoa tím/ Thả trôi về cuối sông/ Sông bát ngát mênh mông/ Sao tình ta đói khát?” (Tình Yêu Màu Tím)
 
*Cải tạo, tù đày nỗi thống khổ của người lính thất trận
 
Cái đích phải đến của những người lính thất trận là cải tạo tù đày. Và chính năm tháng lưu đày ấy đã cho Vinh Hồ vốn sống, hay trải nghiệm đớn đau để vắt ra những câu thơ thấu hồn người: “Ngày tháng lưu đày đã mở ra/ Người đi biên giới kẻ vùng xa/ Rừng già nhiệt đới mưa như thác/ Đất đỏ bazan nắng cháy da” (Lưu Đày). Tôi đã đọc khá nhiều thơ về đề tài này của Vinh Hồ, song dường như không có sự hằn học, hay hận thù ở đó. Tôi không nghĩ, đó là sự cao thượng hay vị tha, mà có lẽ do cái an nhiên tự tại sống (và chấp nhận) của nhà thơ chăng: “Cải tạo không mong ngày tái ngộ/… Xin đừng chờ đợi trong vô vọng/ Mà hãy quên đi những xót xa/ Dũng cảm, xem như ta đã chết/ Đi tìm đất sống vượt phong ba”. (Thư Gởi Về Em). Vì vậy, từ cái địa ngục trần gian ấy được Vinh Hồ tự họa nên hình hài rất chân thực, và sinh động. Đọc nó, ai cũng phải xót xa, thương cảm: “Lao động đào gốc rễ/ Khổ sai còn xương da/ Hai tay dài quá gối/ Trên lối sầu tha ma” (Khổ Sai).
 
Đi sâu vào đọc, ta có thể thấy Vinh Hồ ít trực tiếp viết về nỗi cực nhọc, khổ đau nơi địa ngục trần gian ấy, mà ông thường mượn khung cảnh, thiên nhiên để nói hộ lòng mình, dưới thể thơ thất ngôn bát cú mang mang hồn cổ phong. Và, Trại Buồn là một bài thơ điển hình như vậy của Vinh Hồ. Với hình ảnh, từ ngữ dân dã, mộc mạc, cùng tài năng miêu tả, dưới cái nhìn, quan sát tỉ mỉ của Vinh Hồ, ở đó sự đày đọa, nỗi thống khổ của người tù cải tạo hiện lên rất chân thực:
 
“Mưa núi trại buồn đứng lặng thầm
Trên đường biên giới mù mù tăm
Rừng thiêng nước độc trăn bông quấn
Lũng thấp đồi cao báo đốm gầm
Sáng sớm chặt mây đỉa hút máu
Xế chiều khiêng nứa vắt chơi khăm
Đêm về cú rúc, ma rình rập
Lang sói tru dài đời lặng câm”
 
Vẫn thể thất ngôn bát cú, Qua Bến Cây Sung một bài thơ có hình ảnh rất mới lạ khi miêu tả, cùng với sự liên tưởng độc đáo (táo bạo) của Vinh Hồ. Với sự liên tưởng này, tuy gợi cảm, đầy chất thơ, song Vinh Hồ cho người đọc cảm giác chờn chờn, rợn rợn khi đứng trước bức tranh hoàng hôn ấy: “Qua bến cây Sung tắt nắng rồi/Mặt trời thổ huyết chết trên đồi/ Đường rừng sụp sữ trăng non đợi/ Bóng núi nặng nề sương muối rơi”. Và trong cái hẻo lánh, lặng câm của núi rừng, đường đi, số phận người tù cải tạo thật buồn đau, tăm tối. Với tôi, Qua Bến Cây Sung là một trong những bài thơ toàn bích nhất của Vinh Hồ ở thể thất ngôn:
 
“Cót két xe trành không bỏ chủ
Te tua nón cũ vẫn thương người
Nẻo về heo hút đời hoang lạnh
Chợt ánh sao băng xẹt cuối trời”
 
Đọc Một Ngày Trong Trại GK3, ta thấy bao trùm lên cả bài thơ không khí rùng rợn, chết chóc, qua sự liên tưởng của chính người đọc. Dù Vinh Hồ không hề nhắc đến sự nguy hiểm, tàn khốc, mà ở đó nhà thơ chỉ báo hiệu hiện tượng và đi vào miêu tả những hình ảnh, quy luật thiên nhiên. Thật vậy, loài chim kền kền xuất hiện, hay báo hiệu những cái chết của tù nhân. Sự ám ảnh này, không chỉ cho ta thấy tính hiện thực, mà còn chứng minh thêm tài năng sử dụng, sáng tạo từ ngữ, hình ảnh mới trong thơ của Vinh Hồ:
 
“Loài kền kền đã lù lù xuất hiện
Cuộc sống thiên nhiên bắt đầu
Ngàn vạn năm trước cũng bắt đầu như thế này (…)
Buổi chiều vàng
Vàng như da thịt người chết
Mặt trời treo cổ trên đồi núi xa
Như thúc giục đoàn tù về trại sớm
Đoạn đường dài, dài ra
Với nhiều đồi cao dốc thẳm”
 
Ông Đạo Khiết - một câu chuyện gồm 12 đoạn, như một trường ca về tình bằng hữu, tình người trong tù cải tạo được vắt ra từ trái tim Vinh Hồ. Với tôi Ông Đạo Khiết là bài thơ tự sự truyền cảm nhất ở tác phẩm Gánh gạo nuôi chồng. Có thể nói, nơi tận cùng địa ngục ấy, nếu không có sự hy sinh, tình yêu đồng đội, thì chắc Vinh Hồ không thể vẽ nên bức tranh sinh động, thấm đấm tình người như vậy: “Những món quý: thịt lợn, khoai mỡ các ngày lễ lớn/ Ông đều trút hết cho tôi/ Những năm về sau, ông càng khốn đốn/ Vì nguồn tiếp tế ở ngoài cạn dần/ Nhưng ông vẫn giữ một mực như cũ”. Có được tình yêu như vậy, bởi những người lính tù cải tạo ấy còn giữ được lòng tin, và nhân cách:
 
“Chúng ta gặp nhau
Trong các buổi kiểm điểm, tự kiểm điểm
Trong các lời đe dọa, xỉ vả, kể cả chĩa súng vào người
Chúng ta đã bị tước đoạt vũ khí
Chúng ta đã bị tước đoạt quyền sống/nhân phẩm
Chúng ta chỉ còn một thứ vũ khí duy nhất đó
Để giữ lấy lương tâm”
 
Nếu ta đã thấy được tình thương của người quản giáo tên Thà đối với tù cải tạo ở truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh, hay Trạch Gầm và những bạn tù nhận được sự đồng cảm của nữ xã đội trưởng, thì sẽ không ngạc nhiên, bất ngờ về đột kích đưa vợ vào trại, khi đến thăm nuôi trong: Vượt Gian Nan Sinh Tử Đến Với Nhau của Vinh Hồ. Có thể nói, đây là những chi tiết, hình ảnh rất mới, rất hiếm hoi có được trong các tác phẩm viết về đề tài cải tạo tù đày. Những chi tiết, hình ảnh này là một trong những động lực cho tôi đọc và viết về Vinh Hồ: “Chạng vạng tối đến nhà thăm nuôi/ Đột kích đưa vợ vào trại/ Đôi uyên ương chưa nói lời ân ái/ Thì ăng ten đã báo cán bộ rồi/ Rọi đèn Pin bắt tại giường ngủ/ Lạnh lùng nhốt vợ vào nhà kho/ Giận dữ giam chồng dưới đáy giếng/ Bù Gia Phúc đêm buồn co ro”
 
*Tình yêu, quê hương và nỗi đau
 
Dường như nỗi nhớ quê thường trực trong lòng thi sĩ, dù ở nơi chiến trường, hay những năm tháng tù đày. Mộng Quy Cố Hương là một bài thơ mang tâm trạng như vậy, khi Vinh Hồ đang ở chốn lao tù. Cả bài thơ là một giấc mộng buồn. Bởi tất cả đã đổi thay, xa lạ: “Cảnh cũ người xưa giờ đã khác/ Bè bạn chẳng còn ai nhận ra/ Ta bước đi như người xa lạ/ Cô đơn lạc lõng giữa quê nhà”. Và không chỉ xa lạ, mà đường phố xưa đã trở thành con đường chết. Từ tình yêu và nỗi đau dồn nén ấy, để Vinh Hồ viết nên Trở Về Phố Xưa. Một bài thơ có thể nói, từ ngữ dân dã mộc mạc. Nếu tách ra, nó chỉ là những câu nói, khẩu ngữ thường nhật, song ghép lại, trở thành bài thơ hay, và thật xúc động. Với tôi, đây là bài thơ hay nhất của Vinh Hồ về đề tài này ở thể ngũ ngôn:
 
“Mười hai năm thất tán
Tôi trở về xanh xao
Nha trang thành phố chết
Khung cửa đóng then gài
Hòn Chồng trơ tuế nguyệt
Tháp Bà đứng tang thương
Cầu xóm bóng im lìm
Khóc tình tôi sương khói”
 
Bởi vậy, luôn cho Vinh Hồ lạc lõng, bơ vơ. Tôi không nghĩ, đây là cảm giác riêng của nhà thơ, mà có lẽ tâm trạng chung của những người lính thất trận, phải trải qua những năm tháng tù đày: “Biển đêm nằm thao thức/ Bờ mi cong lá dừa/ Hồn tôi sầu chất ngất/ Nỗi lạc loài bơ vơ”. Và vết thương không bao giờ thành sẹo ấy, cần có một sự lý giải, hay giải phẫu tâm hồn chăng? Vâng, phải có cuộc giải oan cho cuộc bể dâu này. Đó là tâm trạng chung của những người lính, khi còn ở trong tù, và cả khi họ đã thoát ra nhà tù lớn hơn. Bởi vậy, dù nhà thơ có trở về phố xưa, con đường cũ thì nỗi đau nhân lên gấp bội:
 
“Mười hai năm thất đảm
Hồn mang nặng vết thương
Những vết thương muộn phiền
Của thù hằn chinh chiến
Của khổ sai ngục tù
Linh hồn còn rỉ máu
Dù cát nước xoá mau
Và dòng đời quên lãng” (Trở Về Phố Xưa)
 
Dù đã sống xa quê, xa nơi đã từng in dấu chân thời binh lửa đã rất lâu rồi, nhưng nỗi nhớ thương vẫn không hề nguôi ngoai trong lòng Vinh Hồ. Vẫn theo mạch thơ của Mộng Quy Cố Hương, có thể nói Vết Thương Muộn Phiền, một bài thơ được Vinh Hồ viết năm cách nay tròn hai mươi năm (2005) làm cho tôi xúc động rất nhiều. Nếu thơ thất ngôn (bát cú) Vinh Hồ mang mang hồn cổ phong, thâm trầm về nỗi đau, thì hồn thơ ngũ ngôn của ông mang đến người đọc nỗi nhớ u hoài. Có thể nói, Vinh Hồ có sở trường về hai thể thơ này. Bởi những bài thơ hay của ông thường ở thể thất ngôn bát cú, hay ngũ ngôn thơ:
 
“Tôi trở về ngây dại
Hàng phố xưa im lìm
Ngọn sầu đông nắng quái
Níu đời tôi bóng đêm (…)
Tôi về ôm thương tích
Mỗi ngày một hằn sâu
Tôi tìm em biển bắc
Mây bay sóng bạc đầu” (Vết Thương Muộn Phiền)
 
Dường như, văn nhân thi sĩ nào cũng vậy, tình yêu dành cho mẹ trong thơ chiếm một phần quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo. Viết cả một tập thơ về mẹ như Vinh Hồ, quả thực Văn học Việt Nam không có nhiều. Tôi đã đọc tập thơ Như Biển Hồ Lai Láng của Vinh Hồ trong những ngày nghỉ dưỡng bệnh càng thấm thía sự nhọc nhằn, cái tình yêu của mẹ. Đọc nó, tôi cảm tưởng Vinh Hồ như thể rút ruột mình ra mà viết vậy: “Nhọc nhằn gánh giữa chợ đông/ Gánh con thơ dại đi trong mịt mờ/ Chiều mưa sầu cả câu thơ…” (Nhọc Nhằn Gánh Giữa Chợ Đời). Với tâm trạng như vậy của Vinh Hồ làm tôi nhớ đến nhà thơ Phương Tấn cùng những câu thơ đầy hình ảnh viết về mẹ, hay đến độ tưởng chừng chưa bao giờ được đọc câu thơ cảm động, sâu sắc đến vậy: “Mẹ so đũa gắp lòng reo trong mắt/ Gắp một đời rót xuống chén cơm con”. Có thể nói, Nhọc Nhằn Gánh Giữa Chợ Đời là một trong những bài thơ điển hình nhất về mẹ của Vinh Hồ trong tác phẩm Như Biển Hồ Lai Láng. Bởi, bài thơ gồm bốn khổ. Mỗi khổ thơ hình ảnh mẹ hiện lên trong hoàn cảnh, thời gian và không gian hoàn toàn khác nhau. Sự cô đơn, gian khổ ấy suốt bốn mùa đè nặng lên tâm hồn, và đôi vai gầy của mẹ, làm cho ai cũng phải rung động, xót xa. Và có lẽ, không có thể thơ nào nào được sử dụng viết về mẹ nhiều như lục bát:
 
“Nhọc nhằn gánh giữa chợ đời
Sáng trưa chiều tối khản lời mẹ rao
Tháng ba đổ trận mưa rào
Giọt nào của mẹ, giọt nào của mưa? (…)
Nhọc nhằn gánh giữa u hoài
Năm mươi năm đủ bi ai phận người
Chồng con biền biệt phương trời
Mẹ còn gánh mãi một đời bể dâu?”
 
Viết Gánh Gạo Nuôi Chồng, Vinh Hồ như thể gửi lời tạ ơn đến người vợ. Không chỉ gánh gạo nuôi chồng trong những ngày tù cải tạo, mà còn vượt qua tất cả những giông tố, cạm bẫy xung quanh. Đức hy sinh của người vợ tù, có lẽ tình yêu chưa đủ mà còn một cái gì đó lớn hơn tình yêu nữa, chỉ Vinh Hồ (hay những người lính tù) cảm nhận được, nhưng không thể nói hoặc viết ra. Bởi vậy, cái sự mơ hồ ấy, Vinh Hồ chỉ biết giãi bày trong thơ, với nội dung cũng như lời tựa rất “ngục tù”: Ngày Còn Hoá Tượng. Và với tôi, đây cũng là bài thơ hay nhất viết về tình yêu đôi lứa ở thể lục bát mà tôi đã được đọc của Vinh Hồ:
 
“Tim anh tim anh ngục tù
Yêu em yêu em đến mù lòa thôi
Ôi yêu chi cho xa người!
Yêu chi cho tan hoang đời chung thân
Yêu chi trong cơn mê gần
Mà như xa hút nửa phần đời nhau
Đêm nằm mơ tưởng... Bấy lâu
Ngày còn hoá tượng chờ nhau kiếp nào?”
 
Có thể nói, thơ ca Vinh Hồ gắn liền với thân phận đất nước và con người. Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong bọm đạn và tù đày, do vậy thơ ông (kể cả thơ tình) luôn mang nỗi đau u uất.
 
Và tự sự trong thơ Vinh Hồ là yếu tố đưa tính chân thực của câu chuyện đến với người đọc một cách sinh động.
 
Trên đây là những suy nghĩ chủ quan của tôi về thi ca Vinh Hồ có thể không đúng. Tuy nhiên, đúng hay không, tôi coi đây như một lời tri ân gửi đến những người lính nhân 50 năm ngày chiến tranh kết thúc mà thôi.
 
Leipzig ngày 24.5.2025
Đỗ Trường
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Đỗ Trường

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com