
Nhà thơ – Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Ảnh: Tăng Hưng)
Nếu hỏi tên một tác giả đương thời có nhiều đầu sách, được nhiều tầng lớp độc giả ở mọi tuổi tác thích đọc lẫn ngưỡng mộ và có nhiều bạn bè quý mến, có lẽ trong trí nhiều người sẽ nghĩ đến Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Thật vậy, ông có khoảng 60 đầu sách thuộc loại Văn chương, Y học và Phật học; đáp ứng cho nhiều độ tuổi, thường được trưng bày ở các vị trí trang trọng trên các kệ của các nhà sách, thuộc loại best seller, được xuất bản tái bản nhiều lần như “Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng”, “Gió Heo May Đã Về”, “Nghĩ Từ Trái Tim”, “Gươm Báu Trao Tay”… Đó là chưa kể những buổi chia sẻ, đàm đạo, thuyết giảng của ông về sức khỏe, nếp sống an lạc, thở và thiền, v.v… qua những phương tiện truyền thông khác. Cũng nên thêm, trong mục “Chuyện trò trên dutule.com”, tác giả Đỗ Hồng Ngọc là người có nhiều độc giả tham gia, đặt nhiều câu hỏi nhất, kéo dài với con số kỷ lục 24 kỳ và số lượt người vào đọc mỗi kỳ dao động trong khoảng từ 4.273 đến 7.500 (tính cho đến ngày 12-3-2024). Cuộc đời của ông cũng rất thú vị. Từ một đứa trẻ sinh ra trong thời loạn lạc, phải tản cư đến nhiều nơi không có trường học, cha bị bệnh mất sớm… Ông rất may mắn được người cậu (nhà văn Nguiễn Ngu Í) giúp đến trường và tình cờ sở hữu được cuốn sách “Kim Chỉ Nam Của Học Sinh” của học giả Nguyễn Hiến Lê bày bán “xôn” trên lề đường. Vốn rất thông minh, lại thêm ý chí và nghị lực, ông quyết tâm thực hành những điều trong sách để có thể học nhảy lớp theo kịp các bạn cùng trang lứa và thi đậu các kỳ thi…
Bài viết này chỉ là những mảnh ghép đó đây góp nhặt từ sách báo hoặc trên các trang mạng hầu giúp bạn đọc được biết thêm về một tác giả mà mình yêu mến. Hy vọng hành trình đến với cuộc đời của ông sẽ tạo cảm hứng và động lực cho những bạn trẻ muốn vươn lên và tiến xa (the sky is the limit).
Chân Dung Tự Họa
Đỗ Hồng Ngọc là tên thật và cũng là bút hiệu. Trước năm 1975, ông dùng bút hiệu Đỗ Nghê (ghép họ cha và họ mẹ) khi sáng tác. Bút hiệu Giang Hồng Vân chỉ được dùng một lần khi viết bài Dẫn Nhập cho tập “Quê Hương” của Nguiễn Ngu Í. Khi viết về Y học, ông dùng tên thật Đỗ Hồng Ngọc, thậm chí ghi rõ Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc, theo nguyên tắc, để chịu trách nhiệm chuyên môn về những bài viết của mình. Trả lời phỏng vấn của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm (2010) về câu hỏi, “Sau 1975, rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê, bước sang giai đoạn Đỗ Hồng Ngọc, ấn hành khá nhiều tản văn truyền đạt Y học rồi Phật học. Sự chuyển hướng này có ảnh hưởng thế nào giữa Đỗ Nghê và Đỗ Hồng Ngọc?” Ông cho biết, “Không phải ‘rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê’ đâu. Chỉ là ‘rửa tay gác kiếm tạm thời’ thôi! Thời đó có quá nhiều ‘Ông Đồ xứ Nghệ’, nên Đỗ Nghê tạm lánh đi để tránh nhầm lẫn. Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc vẫn là một đó chứ dù là viết dưới dạng nào đi nữa bạn không thấy sao?”
Ông viết sách dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi và được biết đến với nhiều tư cách: bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà tư vấn tâm lý…
Đỗ Hồng Ngọc tự nhận xét về mình: “Tôi vốn ít hay cười. Ngay từ nhỏ, người ta đã gọi tôi là “một ông cụ non”, vì lúc nào cũng có vẻ đạo mạo, nghiêm túc quá. Sau này ra hành nghề, làm một người thầy thuốc, một người dạy học, tôi như càng nghiêm túc, đạo mạo hơn. Tại cái tạng, biết sao! Thấy bạn bè vui vẻ, khoái hoạt… tôi cũng thích lắm mà không làm sao bắt chước được. Chỉ đôi khi đọc sách có chỗ nào dí dỏm thâm trầm kín đáo một chút, tôi mới tủm tỉm cười một mình. Tôi cũng không biết hút thuốc, không uống rượu, không bia bọt, thường chỉ ‘phá mồi’ trong những bữa họp mặt đông vui làm bạn bè vừa thương vừa giận! Cũng tại cái tạng thôi.” (Trích Lời Ngỏ Như Ngàn Thang Thuốc Bổ)
“Đó là một người có cái tên rất ‘đàn bà’ nhưng lại là một người đàn ông thứ thiệt. Hồi tôi giữ mục Phòng Mạch Mực Tím trên báo Mực Tím dành cho tuổi mới lớn, nhiều em viết thư: Thưa cô, em có điều này rất bí mật, không dám nói với ai…
Thứ hai, đó là một ông già mà nhiều người tưởng hãy còn trẻ lắm, nhờ tóc chưa bạc nhiều và viết lách lăng nhăng làm cho người ta cười…
Thứ ba, đó là một bác sĩ nhà quê đến nỗi người ta không biết là bác sĩ, vì toàn nói chuyện làm sao cho người ta biết tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe mình, ít phải lệ thuộc vào thầy vào thuốc…” (Trích Phụ lục Biết Ơn Mình)
Tuổi Thơ Trong Thời Loạn
Cha ông tên Đỗ Đơn Trì và mẹ là bà Nghê Thị Như, nhưng khi đi làm thẻ căn cước, người làm hộ tịch ghi bừa là họ Lê. Ngày còn nhỏ, ông thường được nghe mẹ đọc truyện Kiều, ca dao, hát ru…
Ông tâm sự, “mình chỉ có ‘Tháng Sinh Nhựt’ (!). Vì bà Má nói tuổi thì Canh Thìn (1940), sanh tháng 8, ở nhà bảo sanh Cô Mụ Bé, dưới chân cầu sắt Phan Thiết, ngày thì Bà không nhớ, giờ thì hình như… sáng sớm, vì thế Tử Vi coi cũng không được! Tản cư trong rừng bảy năm, về thành trễ học, phải làm lại Thế Vì Khai Sanh 1943 (con Dê) để vào lớp. Tóm lại tuổi thì vừa Rồng vừa Dê.”
“Lúc 5 tuổi, tôi cùng gia đình từ La Gi (Bình Tuy, nay là Bình Thuận) tản cư lên rừng ở vùng Láng Găng, Bưng Riềng (Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu). Bị sốt rét triền miên, kiết lỵ, suy dinh dưỡng… đủ thứ.
Lúc 10 – 11 tuổi (khoảng 1950), tôi ở nhà Ngoại đi học trường Gò Ông Nồm (gần Gò Đình bây giờ). Xung quanh lớp học, có đào nhiều hầm chữ U, chữ V, chữ Z để khi có máy bay đến thì tất cả nhào xuống hầm tránh bom… Ngày ngày đi học chân trần trên bờ ruộng, có mấy gốc mù u rậm rịt nghe nói có ma cũng ớn. Hàng ngày chỉ mang theo lủng lẳng cơm bó trong mo cau, kèm với con cá khô nướng. Buổi trưa cả bọn tắm ở mấy cái mương lớn, rồi đi móc đất sét vò thành mấy viên bi, bỏ vào lò gạch gần đó, đợi ít ngày thì viên bi chín cứng, màu sắc khá đẹp. Thời đó, bắn bi với đánh chõng là thú vui duy nhất của đám học trò. Các anh chị lớn, 15 16 tuổi cũng học chung. Chỉ có tới lớp Ba là hết.”
Người bạn cùng quê – nhà văn Nguyễn Hiệp – cũng chia sẻ, “Trường Gò Ông Nồm, đó là ngôi trường nhỏ vài ba lớp Tiểu Học, được cất sơ sài trong thời kháng chiến, trên gò đất cao thuộc thôn Hiệp Trí, xã Tân Hiệp, quận lỵ Hàm Tân (nay thuộc xã Tân Thuận, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), nơi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có những buổi học đầu tiên trong đời. Ngày nay trường không còn nữa nhưng thỉnh thoảng những người thân trong nhà cứ nhắc câu chuyện đôi giày của cậu bé Ngọc như một giai thoại đáng yêu của tuổi học trò miền quê. Chuyện rằng: Bé Ngọc được mẹ đi Phan Thiết mua cho đôi giày vải mới, cậu quý lắm, cứ ngắm hoài không chán. Sáng hôm sau, Ngọc mang đôi giày mới đến lớp với niềm vui thích hân hoan trong lòng, nhưng khi gần vào đến sân trường, nhìn chân các bạn hầu hết là mang guốc gỗ hoặc không giày dép gì cả, bé Ngọc dừng lại hồi lâu, nghĩ rằng mình mang giày mới mà các bạn thì không ai có, sợ các bạn buồn, Ngọc cởi giày đem giấu trong lùm cây và đi chân trần vào lớp cho giống các bạn. Chuyện của con nít, không có gì lớn lao, nhưng quả thực nó là tín hiệu nhạy cảm, tinh tế đầu tiên được biểu lộ của tâm hồn một con người biết thật sự quan tâm, thật sự yêu thương những người sống quanh mình.”
Ý Chí Và Nghị Lực Vươn Lên
Theo lời Đỗ Hồng Ngọc, cha ông bị bệnh lao mất khi tản cư ở rừng Bàu Lời vì thiếu thầy, thiếu thuốc khi ông mới 12 tuổi (1952). Ông theo mẹ về tá túc trong một ngôi chùa với người cô bị tật nguyền. Lúc đó ông chỉ cân nặng 25kg, da xanh mét, lá lách sưng to, mỗi ngày phải đi nhà thương thí để chích thuốc. Riết rồi ghiền cái mùi nhà thương. Và cũng từ lúc đó ông có ý muốn học Y khoa.
Ông kể, “Thế rồi, một hôm cậu Ngu Í điên của tôi đến thăm. Người ta nói ông điên vì ngộ chữ dù ở quê tôi ông là người hay chữ nhất, được bà con rất quý trọng. Thấy tôi 12 tuổi rồi mà học hành ấm ớ trong rừng, ông dẫn tôi tới trường Tiểu Học của một người bạn gửi cho học miễn phí. Ông còn tặng tôi một đống sách báo từ Sài Gòn mang về. Tôi mê tít. Mới đầu, nhà trường cho tôi vào học thử lớp 3. Vài tháng sau nói tôi học được cho lên lớp Nhì (lớp 4 bây giờ). Vài tháng sau nữa cho tôi vào thẳng lớp Nhất (lớp 5). Trường tư, trong một ngôi chùa, nếu học giỏi thì được miễn phí. Tôi học giỏi. Cuối năm nhất lớp, chở phần thưởng về chùa bằng… xe xích lô! Cô tôi khen ngợi thưởng cho 10 đồng, đủ ăn năm chén chè sâm bổ lượng với mấy người bạn thân!
Tôi thi đậu cao vào Đệ Thất (lớp 6) Phan Bội Châu. Hằng ngày vừa đi học, vừa lo cơm nước cho mẹ tôi bán hàng ngoài chợ. Thế rồi, giữa chừng lại bỏ học vì cả gia đình dời về quê cũ La Gi. Tỉnh mới thành lập, chưa có trường Trung Học. Tôi thất học, phụ bán hàng xén với mẹ ở chợ La Gi. Ba năm sau mới có lớp Đệ Thất đầu tiên trong một ngôi nhà thờ. Nhớ lại hồi nhỏ học nhảy tưng bừng của mình, tôi tính chuyện học nhảy tiếp. Nhân một chuyến theo xe chở cá nước đá về Sài Gòn bổ hàng cho mẹ, tôi lang thang lề đường nơi bán sách cũ, vớ được cuốn “Kim Chỉ Nam Của Học Sinh” của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Tôi đọc thấy trúng ý mình quá, bèn đánh bạo viết thư hỏi ý kiến ông nói muốn học nhảy có nên không. Ông trả lời ngay: “Cháu có thể học nhảy được, vì đọc thư thấy sức cháu có thể học lớp Đệ Tứ (lớp 9) rồi đó”. Tôi bèn lập chương trình học nhảy.
Thi đậu ngay Trung Học Đệ Nhất Cấp, lại nhảy tiếp bỏ Đệ Tam, đậu Tú Tài I rồi Tú Tài II. Khi đó tôi băn khoăn trước ngã ba đường giữa học Y, học Sư Phạm hay học Văn Khoa. Cái nào cũng thích. Ông Nguyễn Hiến Lê lần nữa khuyên nên học Y để giúp gia đình, giúp đời, nếu học giỏi có thể dạy học và nếu có tâm hồn vẫn có thể viết lách được. Đã có nhiều nhà văn là bác sĩ như Chekhov, Cronin, Sommerset Maugham… Tôi đã làm đúng như thế. Tôi học Y nhưng ghi danh học thêm Văn Khoa, Xã Hội Học, những ngành tôi thích. Những năm này tôi đã vào Sài Gòn ‘du học’, ở nhà trọ, ăn cơm tháng trong khu ổ chuột Bàn Cờ (Quận 3) và thường xuyên đến thăm ông Nguyễn Hiến Lê. Ông luôn động viên, khuyến khích việc học của tôi. Khi báo Bách Khoa ra số đặc biệt kỷ niệm 100 đầu sách của ông, tôi viết bài ‘Ông Nguyễn Hiến Lê Và Tôi’. Ông nói đây là ‘món quà’ quý nhất của ông. Ông đã coi tôi như một người học trò ‘chân truyền’ rồi vậy.”
Những Người Có Ảnh Hưởng Lớn
Trong một trả lời phỏng vấn, Đỗ Hồng Ngọc cho biết: “Chính là nhờ mẹ tôi luôn động viên khuyến khích – bà là người rất có ý chí – lại nhờ cậu tôi là nhà văn Nguiễn Ngu Í dẫn đến trường và nhất là nhờ những cuốn sách quý giá của ông Nguyễn Hiến Lê đã ảnh hưởng lớn đến tôi như Kim Chỉ Nam Của Học Sinh, Gương Danh Nhân, Gương Can Đảm, Gương Kiên nhẫn… Tuổi thơ tôi gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là luôn có những tấm gương tốt quanh mình để tôi noi theo.”

Về nhà văn Nguiễn Ngu Í, tên thật Nguyễn Hữu Ngư (1921-1979), Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ:
Mẹ tôi và ông là chị em cô cậu ruột. Mẹ ông họ Nghê nên ông còn có bút danh là Ngê Bá Lí, với cách viết “đặc biệt” của ông. Tôi gọi ông bằng cậu, gần gũi và thân thiết. Cha tôi mất sớm, mẹ con tôi về trú ngụ ở nhà cô tôi trong một ngôi chùa nhỏ ở Phan Thiết, lúc đó ông đang làm báo ở Sài Gòn về thăm, thấy tôi thất học bèn dẫn tôi tới gởi vào trường Tiểu Học của bạn ông là cô Hồ Thị Tiểu Sính (con ông Hồ Tá Bang) để tôi được đi học lại. Sau này khi vào Sài Gòn học, tôi gần như sống hằng ngày bên ông.
Ông viết văn, làm báo, có nhiều bút hiệu: Trinh Nguiên, Tân Fong Hiệb (ghép địa danh quê nhà Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa), Ngê Bá Lí, Trần Hồng Hừng, Ki Gob Jó Cì, Fạm Hoàn Mĩ… Bút danh Nguiễn Ngu Í được nhiều người biết đến, nổi tiếng là một ký giả chuyên phỏng vấn các vấn đề văn học nghệ thuật cho tạp chí Bách Khoa thập niên 60 tại Sài Gòn.
Ông có lối viết tiếng Việt rất đặc biệt, rất riêng, gây ít nhiều tranh cãi, ít nhiều khó chịu cho người đọc, nhưng vẫn có cái lý riêng của ông. Thí dụ ông thấy không hợp lý khi ta viết NGA, nhưng lại NGHE (ông sửa lại NGE), GA nhưng GHE (ông sửa lại GE…).
Ông có một vài tác phẩm về sử, đặc biệt về Quang Trung và về Hồ Quý Ly trong thời gian dạy Sử ở vài trường Trung Học, ký Fạm Hoàn Mĩ; ông cũng có vài cuốn tiểu thuyết như “Suối Bùn Reo”, “Khi Người Chết Có Mặt”, v.v… Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Sống Và Viết Với …”, do Ngèi xanh xuất bản (1966), tập hợp các bài phỏng vấn trên báo Bách Khoa với các nhà văn nổi tiếng đương thời Nhất Linh, Đông Hồ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Doãn Quốc Sỹ… (sau này Xuân Thu in lại ở nước ngoài). Ông cũng chuẩn bị ra mắt các cuốn “Sống Và Vẽ Với…” phỏng vấn các họa sĩ, và “Sống Và Đàn Với…” phỏng vấn các nhạc sĩ. Tiếc thay ý nguyện chưa tròn. Ngoài ra ông còn có một tập thơ “Có Những Bài Thơ”, do Trí Đăng xuất bản, 1973.
Trong thời gian nằm ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa vì bệnh thần kinh, ông cùng các “bạn điên” có ra một tập thơ, lấy tên là “Thơ Điên Thứ Thiệt” rất thú vị, do ông làm Chủ Biên (có mấy bài của Bùi Giáng). Thời đó, ngoài thuốc men, các bác sĩ ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa còn khuyến khích bệnh nhân làm thơ, vẽ tranh, đánh cờ, lao động tay chân, v.v… như một liệu pháp chữa trị tâm bệnh. Khi được hỏi vì sao gọi là “Thơ Điên Thứ Thiệt”, thì ông cười bảo vì lúc này có nhiều người làm thơ giả điên quá!
Ông thường xuyên ra vào các nhà thương điên Biên Hòa và Chợ Quán:
Cũng tưởng một đi không trở lại
Nào ngờ duyên nợ lại dằng dai
Bỗng nhiên sực tỉnh nằm trong “khám”
Khám của lòng ai, ai của ai…
Nào ngờ duyên nợ lại dằng dai
Bỗng nhiên sực tỉnh nằm trong “khám”
Khám của lòng ai, ai của ai…
(Bài Thơ Tái Ngộ Dưỡng Trí Viện, 1966)
Trong một bài thơ khác, ông viết:
Ta đi lang thang
Ta nói tàng tàng
Ta cười nghinh ngang
Ta chửi đàng hoàng
…
(Bài Thơ Tự Giết, 1966)
Ta nói tàng tàng
Ta cười nghinh ngang
Ta chửi đàng hoàng
…
(Bài Thơ Tự Giết, 1966)
“Chửi đàng hoàng” quả không phải là chuyện dễ, nhưng với ông thì ông làm được. Hỏi chửi ai? Ông nói: “Chửi cả và thiên hạ, trong đó có mình!”
Ông có nhiều bài thơ hay. Bài thơ viết cho Mẹ rất cảm động:
Má ơi con má điên rồi
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi…
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi…
Năm 1960, một lần tôi (Đỗ Hồng Ngọc) có dịp đi với ông trên bãi biển từ La Gi về Ngảnh Tam Tân (Bình Thuận) đến Nước Nhỉ, ông dừng chân nghỉ và nằm lim dim trên đống cát gạch vụn, dưới bóng mát của các bụi dứa gai um tùm nhìn lên trời mây… Một lúc ông gọi tôi đến và đọc cho nghe bài thơ vừa làm xong. Tôi còn nhớ mấy câu:
Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…
Thì ra ông nhớ mấy người bạn cũ, trong đó có Ba tôi, đã cùng nhau xây cái giếng Nguồn Chung ở Nước Nhỉ này cho khách bộ hành qua đường nghỉ ngơi, uống bụm nước ngọt, nhỉ ra từ động cát, giữa trưa nắng gắt trên đường dọc biển mênh mông đầy nắng và gió.
Cuộc đời ông nhiều truân chuyên, tài hoa nhưng mắc bệnh không thể chữa được. Tuổi lớn, cơn điên ngày càng nhặt. Có lần ông nằm giữa xa lộ Biên Hòa cho xe Mỹ cán, nhưng họ kịp dừng, chở thẳng vào nhà thương điên. Có lần ông trốn viện, bắt đom đóm làm đèn đi trong giờ giới nghiêm cũng bị bắt lại…
Trước đó, hình như ông biết trước cái chết của mình, viết một bức thư như là một di chúc cho vợ ông. Ông ước ao được thả trôi trên một chiếc thuyền nhỏ, đục thủng đáy, nhét nút lại, rồi để thuyền trôi lênh đênh trên biển Thái Bình Dương, để được nhìn trời mây nước cho thỏa thích, rồi rút nút cho thuyền chìm dần và chết trong bụng cá, cho “Ngư Về Với Cá”. Thế nhưng ông chết với lửa. Ông được hỏa táng ở An Dưỡng Địa Phú Lâm và đưa về đặt kề ông bà và dì Nga ở Ngảnh Tam Tân. Tôi nhớ hai câu thơ từ lâu của ông:
Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi.
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi.
Ông là bạn cùng lớp, cùng trường Pétrus Ký với Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước… Gia đình có làm một tập tư liệu về ông: Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư, qua ký ức người thân, do mợ tôi, bà Nguyễn Thị Thoại Dung thực hiện (1996), gồm các bài viết của Bà Tùng Long, Trần Văn Khê, Lê Ngộ Châu, Lê Phương Chi, Phan Chính, Hoàng Hương Trang, Hồ Trường An, Trần Huiền Ân, Tô Dương Hiệp, Đỗ Đơn Chiếu, Phan Khắc Khoan, Đỗ Hồng Ngọc…
Sau này, khi về La Gi – Tam Tân, tôi có một bài thơ viết cho ông:
Đêm Trên Biển La Gi
(Tặng cậu tôi, Nguiễn Ngu Í)
Sóng cuốn từng luồng trăng lại trăng
Đêm Hòn Bà dỗ giấc ai nồng
Phẳng lì bãi cát buồn hiu ngóng
Cao vút hàng dương quạnh quẽ trông
Đá cũ mòn rêu hoài đá Ngảnh
Nguồn xưa cạn nước vẫn Nguồn Chung
Về đâu mái tóc xanh ngày ấy
Câu hỏi ngàn năm có chạnh lòng…
Đêm Hòn Bà dỗ giấc ai nồng
Phẳng lì bãi cát buồn hiu ngóng
Cao vút hàng dương quạnh quẽ trông
Đá cũ mòn rêu hoài đá Ngảnh
Nguồn xưa cạn nước vẫn Nguồn Chung
Về đâu mái tóc xanh ngày ấy
Câu hỏi ngàn năm có chạnh lòng…
(Đỗ Hồng Ngọc, 1990)

Còn về học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), trả lời câu hỏi của ông Hai Trầu trên trang dutule.com (2013), Đỗ Hồng Ngọc cho biết, “Tôi may mắn được quen biết với ông Nguyễn Hiến Lê từ năm 1957 đến năm ông mất, 1984. Suốt thời gian đó, tôi thường gặp ông, khi trực tiếp khi thư từ qua lại. Đến nay tôi vẫn còn giữ nhiều thư viết tay của ông như một kỷ niệm. Tôi học được ở ông lối sống và lối viết. Ông là tấm gương nghị lực, gương tự học, chọn con đường làm văn hóa suốt đời mình.
Câu ‘châm ngôn’ của ông là ‘Viết để học và học để viết’. Tôi chịu lắm. Chỉ có cách đó mình mới học được nhiều, học được sâu. Tôi bây giờ còn đi dạy và vẫn nghĩ: ‘Dạy để học và học để dạy’.
Ấy là bắt chước ông đó.
…Tôi vẫn luôn nghĩ ông là một ‘người hiền’ – người hiền Nam bộ, dù sinh ở đất Bắc. Khiêm tốn, giản dị, chính trực. Ông sống tri túc, kham nhẫn, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Năm 1986, hai năm sau ngày ông mất, báo Thanh Niên nhờ tôi viết một bài về ông. Đó là bài đầu tiên viết về Nguyễn Hiến Lê sau 1975. Tôi đặt tựa là ‘Nguyễn Hiến Lê, Nhà Giáo Dục’, nhưng tòa soạn sửa thành ‘Nguyễn Hiến Lê, Một Tấm Gương Kiên Nhẫn’. Tôi nghĩ ông xứng đáng được gọi là ‘Nhà giáo dục’. Anh biết không, thật bất ngờ khi sách của ông bây giờ được rất nhiều bạn trẻ ở miền Bắc đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng. Họ thực hiện các tủ sách Nguyễn Hiến Lê, trao đổi cho nhau…”
Trong bài viết “Nguyễn Hiến Lê Và Tôi” (tạp chí Bách Khoa số 426 ngày 24-4-1975), Đỗ Hồng Ngọc cũng nhắc đến, “Quen biết ông mới thấy ít ai yêu tiếng mẹ như ông. Muốn cho ông ‘thao thao bất tuyệt’ thì cứ việc nói đến tiếng Việt, nói về tiếng Việt với ông. Ông chịu không nổi khi thấy một chữ bị dùng sai. Còn nhớ khi bọn sinh viên chúng tôi vận động chuyển ngữ Việt tại trường Y khoa, ông đã hỗ trợ bằng những bài báo nẩy lửa. Lúc đó giọng không còn cái vẻ nghiêm túc, hiền lành, điềm đạm thường ngày nữa mà sôi nổi, gay gắt, phẫn nộ, đầy khích động.
Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Cuốn sách đầu tay của tôi, ‘Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò’, chỉ là phần bổ túc cho cuốn ‘Kim Chỉ Nam Của Học Sinh’. Sau tôi viết thêm một cuốn khác, cũng loại Y học phổ thông, cũng nằm trong chiều hướng nâng cao trình độ đại chúng mà ông đã vạch. Ông nói muốn cho nước giàu, dân mạnh thì không phải chỉ một người hay một nhóm người làm được, mà phải toàn dân cùng ý thức, cùng thực hiện. Muốn vậy phải đặt nặng vấn đề giáo dục đại chúng.
Với tôi, ông là một tấm gương sáng. Tấm gương của Nghị lực, của Tự học và của Phụng sự. Nhìn lại toàn bộ tác phẩm ông, không ai chối cãi giá trị của những Đông Kinh Nghĩa Thục, Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, Đại Cương Triết Học Trung Quốc, Ngữ Pháp Việt Nam… và những Chiến Tranh Và Hòa Bình, Sử Ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc Sách… Những tác phẩm đó thực sự có ích cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên Đại Học và đã đóng góp một phần đáng kể cho nền văn hóa miền Nam. Nhưng theo tôi, những tác phẩm quan trọng trong đời ông, đáng cho ông hãnh diện chính là những tác phẩm nho nhỏ, ông viết nhằm giáo dục thanh thiếu niên, hướng dẫn họ trong việc tự huấn luyện trí đức. Đó là Kim Chỉ Nam Của Học Sinh, Tự Học Để Thành Công, Tương Lai Trong Tay Ta, Rèn Nghị Lực… Và nhất là bộ Gương Danh Nhân của ông.
Cuộc đời ông quả thật là một tác phẩm lớn. Tôi là độc giả của ông từ ngày còn là một học trò Đệ Thất, lại được quen biết ông hơn 15 năm nay, nghĩ lại, nếu trong thời thơ ấu không được đọc những sách đó của ông, không được gặp ông, có lẽ tôi cũng đã khác; nên tuy không được may mắn học với ông một ngày nào, từ lâu tôi vẫn xem ông là một vị thầy của mình, hơn thế, một người thân. Tôi đâu có cần phải nói cám ơn ông!”
Nghề
Nghe theo lời khuyên của học giả Nguyễn Hiến Lê, Đỗ Hồng Ngọc đã nộp đơn và trúng tuyển kỳ thi vào Lớp Dự Bị Y khoa (APM) năm 1962. Bên cạnh đó, ông cũng ghi danh ở Văn Khoa và về sau học thêm Xã Hội Học ở Đại Học Vạn Hạnh. Theo chương trình thời đó, Y khoa học 7 năm, sinh viên năm thứ ba được đi thực tập tại các bệnh viện. Ra trường phải thi tốt nghiệp, đậu bốn môn Bệnh lý (Nội, Ngoại, Sản, Nhi) thì được gọi là bác sĩ và hành nghề bác sĩ, sau khi đã đăng ký vào Y sĩ đoàn và thực hiện đúng Nghĩa vụ luận Y khoa. Sau đó, những ai làm luận án và bảo vệ thành công thì được nhận Văn bằng Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia (Doctorat en Médecine, Diplôme d’Etat). Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã đậu kỳ thi tốt nghiệp năm 1969 và trình luận án Tiến Sĩ, đề tài “Bệnh Sốt Rét Cấp Tính Ở Trẻ Em” vào năm 1970 với Hội đồng Giám khảo gồm GS Phan Đình Tuân, GS Nguyễn Văn Út và GS Nguyễn Thế Minh…
Ông là Bác sĩ chuyên khoa Nhi. Nguyên nội trú ủy nhiệm Bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn (1968-1969), Trưởng phòng cấp cứu Nhi (1973-1975), sau 1975 là Trưởng khu Phòng khám Cấp Cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1975-1985), Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh (1985-2005), Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997), Giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Nhi, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (1981-1995), Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (1995- 2014). Từ 2014 là cố vấn Bộ môn Y Đức – Khoa học hành vi, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nghỉ hưu ở Sài Gòn.
Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ, “Ngay từ khi còn là một sinh viên Y khoa, đi thực tập ở Bệnh viện Nhi Đồng, tôi đã mê trẻ con để trở thành một bác sĩ nhi khoa. Khám chữa bệnh cho trẻ con có cái thú là chúng không… biết nói, thỉnh thoảng còn giật kiếng cận và ống nghe của mình, lúc cao hứng còn… tè vào mặt mình. Thú vị nữa là chỉ cần bẵng đi một thời gian, đã thấy chú nhóc bệnh nhi dạo nọ bế trên tay một… chú nhóc khác – là con của chú – đến nhờ khám chữa bệnh tiếp!”
Nói về nghề thầy thuốc, Bs Đỗ Hồng Ngọc cho biết, “Tôi nghĩ y đức không chưa đủ. Còn phải có tay nghề, kỹ thuật chuyên môn nữa. Không nên tách bạch bởi hai cái là một. Nói y đức suông mà không có tay nghề thì… hại người ta nhiều hơn, làm người ta “đau” nhiều hơn. Còn giỏi kỹ thuật chuyên môn mà thiếu y đức thì làm cho người ta “khổ” nhiều hơn. Người thầy thuốc phải quan tâm cả cái đau và cái khổ của con người. Y đức không đơn giản, không phải là một khẩu hiệu, phải được học tập và rèn luyện xuyên suốt quá trình học y khoa và hành nghề.
Tôi không cảm thấy có bước chuyển nào cả khi bước vào tuổi hưu. Y khoa vốn là một nghề độc lập. Người thầy thuốc có thể làm việc suốt đời nếu còn đủ sức khỏe. Nghề văn cũng vậy, là một nghề tự chủ, có thể làm việc suốt đời, nếu còn thấy hứng thú. Tôi rất hoan nghênh các bạn trẻ muốn theo nghề Y. Đây là một ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội. Nhưng chọn học Y là chọn con đường gian nan, tiếp xúc thường trực với những nỗi đau, nỗi khổ của kiếp người (sinh, lão, bệnh, tử)… Phải thật sự yêu nghề và có năng lực. Nói chung, học Y cần có lý tưởng nhân đạo, một “tiếng gọi sâu thẳm” (vocation) của nghề nghiệp. Nếu học Y để mong đầu tư… làm giàu trên bệnh nhân thì không nên! Thật ra, học Y cũng rất thú vị, nhiều thử thách, đòi hỏi trách nhiệm cao. Người bác sĩ luôn đứng trước lương tâm của mình. Hạnh phúc rất lớn khi thấy mình sống hữu ích cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội. Cứu sống một mạng người bằng lập năm bảy kiểng chùa, phải không?
Và Nghiệp
Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ, “Tôi mê văn thơ từ hồi nhỏ, đọc gần hết tủ sách trong một tiệm cho mướn sách ở Phan Thiết. Cô Hai tôi (đi xe lửa trúng mìn, bị gãy cả hai chân) cư ngụ trong một ngôi chùa nhỏ, thường kêu tôi đi mướn sách về cho cô đọc, nhưng lại cấm tôi đọc vì con nít đọc truyện không tốt, mê, bỏ học. Mỗi lần đi mướn truyện, tôi lén đọc hết dọc đường đi, có khi ngồi gốc cây đọc xong mới về. Tôi còn ghi chép tóm tắt nội dung, các nhận xét của mình vào một cuốn vở.
Tôi nhớ những bài văn của mình hồi học lớp Nhứt (lớp 5) thường được thầy khen và đọc trước lớp. Rồi cậu tôi là ông Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư làm báo ở Sài Gòn về thăm, cho một đống sách báo, tranh ảnh. Tôi mê tít.
Bài thơ đầu tiên đăng trên báo Bách Khoa năm 1960, ký với một cái tên tắt. Tuy biết ông Ngu Í cậu mình làm ở đó nhưng tôi giấu ông. Khi báo đăng, tôi mới nói. Ông ngạc nhiên và khen ngợi. Sau đó tôi lấy bút hiệu Đỗ Nghê và đăng nhiều thơ trên Bách Khoa, Mai, trong Ban biên tập báo Tình Thương (với Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Trần Mộng Lâm…), rồi ở trong nhóm chủ trương bán nguyệt san văn học nghệ thuật Ý Thức (Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương…)
Năm 1967, đang là sinh viên Y, tôi in tập thơ đầu tay Tình Người và sau đó là các tập Thơ Đỗ Nghê (1974), Giữa Hoàng Hôn Xưa (1993), Vòng Quanh (1997), Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác (2010)…
Tôi không viết ‘chuyên nghiệp’ được như Nguyễn Hiến Lê, tôi chỉ viết khi có hứng. Bây giờ có máy vi tính cũng tiện. Khi hứng đến, tôi cứ viết ào ào rồi để đó, năm bảy ngày sau cho nó ‘hoai’ đi mới ‘chỉnh’ lại đôi chút. Tuy nhiên, khi báo đặt bài gấp thì cũng viết ngay được. Lâu lâu gom lại có thể in thành một cuốn sách như Thư Gởi Người Bận Rộn, Chẳng Cũng Khoái Ru, Nhớ Đến Một Người, … Tôi không viết được truyện, vì không có khả năng… hư cấu!”
Đến nay, họ Đỗ có khoảng 60 đầu sách thuộc ba tủ sách Văn học, Y học, và Phật học được xuất bản, trong đó vài cuốn được dịch ra ngoại ngữ. Có thể nói nhờ có văn chương mà sách Y học và Phật học của ông dễ đi vào lòng người, được độc giả ưa chuộng.
Riêng về phần thơ, với người viết, thơ Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc không bí hiểm, kiểu cách hoặc màu mè… Những từ, những chữ rất đời thường được ông khéo léo đặt vào đúng vị trí nên thành “đắc địa”, rất tuyệt, khiến người đọc có thể cảm được cái không khí, cái thời tiết được nhắc đến trong bài thơ nên rất thích và rất thấm. Chẳng hạn:
Đi giữa Sài Gòn
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết
Phố nhà cao ngất
Hoa nở rực vàng
Mà không thấy Tết
Một sáng về quê
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay xuân về
Vỡ òa ngực biếc!
Chợt nghe gió bấc
Ơ hay xuân về
Vỡ òa ngực biếc!
(Đỗ Hồng Ngọc – Gió Bấc)
Hay là:
Tuyết bay
Bay nhẹ
Phố Tàu
Bay nhẹ
Phố Tàu
Gió co
Ro lạnh
Phố
Đìu hiu
Theo
Ro lạnh
Phố
Đìu hiu
Theo
(Đỗ Hồng Ngọc – Tuyết)
Người viết rất đồng thuận với nhà thơ Trịnh Y Thư, “Thơ ông là tiếng nói, tiếng nói thầm thì nhưng trong veo và có sức mạnh chuyển tải cảm xúc, biểu hiệu cho một tâm hồn thơ giàu suy cảm. Nhờ thấm đẫm Thiền vị, thơ Đỗ Nghê thắt buộc sự hiện hữu của con người vào thế giới xung quanh, và quan trọng hơn, tìm ra được quan hệ hài hòa giữa sự hiện hữu ấy với thế giới.”
Và Cũng Có Một “Họa Sĩ” Đỗ Hồng Ngọc
Có lẽ ít người biết Đỗ Hồng Ngọc vẽ tranh, trừ nhóm bạn của ông. Những tranh bút sắt ông vẽ rất “tới” như Đà Lạt, Quê Nhà, Tà Cú, Phan Thiết, Harvard Square… Ông cũng vẽ những phác thảo chân dung bạn bè: Thầy Tuệ Sỹ, Đinh Cường, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Khuất Đẩu, Lê Ký Thương, Nguyễn Lệ Uyên, Trần Vấn Lệ… Và cả những bức chân dung rất thú vị khi “len lén” quan sát những nhân vật mà ông có dịp gặp gỡ đã được kể lại trong “Áo Xưa Dù Nhàu…” như nhà thơ Huy Cận (1996), Giáo sư Trần Văn Khê (1997).
Còn nhớ năm 2014, khi biết tôi về thăm nhà lúc cuối năm, họa sĩ Đinh Cường “bỏ nhỏ”: “Khi nào về Sài Gòn nhớ nói Ngọc vẽ cho một bức…” Tôi chỉ trả lời: “Em không dám đâu…” vì nghĩ tới Khánh Minh… Thời đó, anh Ngọc toàn vẽ các bạn nam, chưa người nữ nào có hân hạnh được anh vẽ. Một bữa, chị KM nói anh Ngọc vẽ cho một bức chân dung, nhưng anh thoái thác bằng một bài thơ:
Thục Nữ
gởi Khánh Minh
em bảo vẽ cho em một bức chân dung
chân dung người làm thơ
một người làm thơ nữ
trời đất ơi
làm sao vẽ được chân dung
một người làm thơ nữ
đom đóm hái sao
chân dung người làm thơ
một người làm thơ nữ
trời đất ơi
làm sao vẽ được chân dung
một người làm thơ nữ
đom đóm hái sao
tôi nhắm mắt lại nhìn em
cho rõ
lần đầu gặp ở trương thìn,
đây khánh minh
rồi làm thinh
cho rõ
lần đầu gặp ở trương thìn,
đây khánh minh
rồi làm thinh
tôi thấy em thục nữ,
tại sao mà làm thơ
rồi nhìn thêm lần nữa
oan oan thư cưu
tại sao mà làm thơ
rồi nhìn thêm lần nữa
oan oan thư cưu
cho đến một hôm nơi ồn ào kia
quanh bè bạn thân quen đâu từ kiếp trước
em tặng mỗi người tập thơ còn ướt
những bài thơ hình hiện muôn đời
như không thôi đi được…
quanh bè bạn thân quen đâu từ kiếp trước
em tặng mỗi người tập thơ còn ướt
những bài thơ hình hiện muôn đời
như không thôi đi được…
tôi nhắm mắt nhìn em cho rõ
thử hình dung ra cái hình dung
rồi vẽ vào không gian trong
một người làm thơ nữ
thử hình dung ra cái hình dung
rồi vẽ vào không gian trong
một người làm thơ nữ
khi mở mắt ra
em tan biến
đành ghi vội mấy dòng
tạ lỗi!
em tan biến
đành ghi vội mấy dòng
tạ lỗi!
Đỗ Hồng Ngọc
(9.2014)
(9.2014)
Nhưng cuối cùng, chị Khánh Minh đã đạt được ước mơ có một bức phác thảo chân dung do anh Ngọc vẽ vì cảm bài thơ “Sắc Màu Bay” của chị.
Nghĩ mình kém cỏi, không thể nào làm thơ hay được, nên tôi chọn im lặng… Chẳng ngờ, anh Đinh Cường nói với anh Ngọc sao đó, nên rốt cuộc tôi cũng được một bức phác thảo anh vẽ tặng. Vui ơi là vui! Anh Đinh Cường khen bức đó lắm “nét là tài hoa hồn là người”… Sau này, anh Ngọc còn vẽ cho chị Duyên và Thu Vàng nữa…
Bài Thơ “Thư Cho Bé Sơ Sinh”
Giáo sư Huỳnh Như Phương nhận xét, “… Với bài ‘Thư Cho Bé Sơ Sinh’, ngòi bút Đỗ Nghê không chỉ tranh đấu cho hòa bình như một lẽ phải đương nhiên, mà còn suy ngẫm về thân phận con người trong một thời buổi nhiễu nhương và phả hơi ấm tình yêu con người trong một cấu trúc ngôn ngữ hiện đại. Thật kỳ lạ, ở tuổi 25, Đỗ Hồng Ngọc đã tự đặt cho mình một cột mốc thơ ca mà chính ông không dễ gì vượt qua. Ni sư Giải Nghiêm ở Canada có lý khi cho rằng nhiều bài thơ và bài viết của Đỗ Hồng Ngọc về sau này dường như là một sự nối dài ‘Thư Cho Bé Sơ Sinh’.
‘Thư cho bé sơ sinh’ còn đặc trưng cho thơ Đỗ Hồng Ngọc ở điểm này: tác giả khai thác nhiều khía cạnh tương phản của đời sống: tiếng khóc và nụ cười, màu sáng và màu tối, thực chất và nhãn hiệu, cái bé bỏng nhỏ nhoi và cuộc đời rộng lớn; nhưng không đẩy nó vào thế đối lập mà đưa những tương phản đó thành những hợp thể. Phải chăng đây cũng là dấu ấn của lý tưởng hòa hợp trong thơ ông sau này, khi ông viết những bài thơ mang hơi thở thế sự hay mang tâm thức thiền học.”
Trường hợp sáng tác bài thơ này được Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ:
“Bài thơ ‘Thư Cho Bé Sơ Sinh’ tôi viết năm 1965, trong một đêm trực ở Bệnh viện Từ Dũ, sau một ca đỡ đẻ đầu tiên trong đời của một sinh viên Y khoa thực tập. Hồi đó, phải học đến năm thứ ba Y khoa chúng tôi mới được phép đỡ đẻ trên người. Mỗi sinh viên phải đỡ ít nhất 20 ‘ca’ sanh thường, không bệnh lý. Tối tối, chúng tôi túc trực ở phòng nhận bệnh để ‘bắt ca’. Một hôm, tôi bắt được ca ‘4 cm’, nghĩa là ca mà cổ tử cung đã nở gần trọn, sắp sanh. Tôi đưa sản phụ lên phòng sanh, thăm khám, làm vệ sinh các thứ, theo dõi cơn co tử cung, ghi chép cẩn thận vào hồ sơ bệnh án rồi ngồi bên trò chuyện cho sản phụ quên đau. Tôi nghĩ đến mẹ mình, đến những giọt mồ hôi của biết bao bà mẹ chờ sanh khác. Đến gần sáng thì cơn đau đã rột. ‘Lúng túng’ một cách lành nghề, tôi cũng đã đỡ được ca đầu tiên mẹ tròn con vuông! Lòng lâng lâng tôi đẩy xe cho hai mẹ con về phòng, rồi viết bản ‘phúc trình’. Trời đã hửng sáng. Bên ngoài khung kính cửa phòng sanh, Sài Gòn tấp nập và hừng hực không khí ngột ngạt những ngày tháng này của năm 1965.
Đột nhiên, một cảm xúc trào dâng, tôi viết liền một mạch ngay sau phần bệnh án một bài thơ nhỏ:
Thư Cho Bé Sơ Sinh
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến
Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút đó
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút đó
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng, với hoang mang,
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng, với hoang mang,
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…
Đỗ Nghê
(Đỗ Hồng Ngọc, Bệnh Viện Từ Dũ, 1965)
(Đỗ Hồng Ngọc, Bệnh Viện Từ Dũ, 1965)
Sáng hôm sau, giáo sư HNM đọc bản phúc trình của tôi, gọi tôi vào rầy: ‘Đỡ đẻ không lo đỡ đẻ, lo làm thơ!’ Chẳng ngờ bài thơ viết vội trong đêm trực đã phổ biến nhanh trong giới sinh viên và nữ hộ sinh thời đó. Không biết ai đã viết lên bảng đen! Bài thơ được đăng trên báo Tình Thương, rồi in lại trong tập thơ ‘Tình Người’ của tôi, năm 1967.
Số phận bài thơ khá ly kỳ. Năm 1973, Bác sĩ Lương Phán đăng lại ‘Thư Cho Bé Sơ Sinh’ trong một tạp chí Y học do ông phụ trách, và đã trả nhuận bút rất hậu! Tôi nhớ thời đó thơ ít khi được trả nhuận bút. Ngay cả báo Bách Khoa cũng chỉ trả trung bình 50 đồng cho một bài thơ, nhưng bác sĩ Lương Phán đã trả tôi… 5000 đồng! Ông nói, ‘vì tôi rất thích bài thơ này’. Điều cảm động là sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu (sinh ở Phnom-Penh 1935 và mất ở Sài Gòn 1998, tốt nghiệp nhạc viện Paris, còn có bút danh là Phạm Trọng) chống nạng đến thăm tôi – trước đó chúng tôi chưa từng quen biết nhau – nói chỉ để tặng cho tác giả thơ bài hát ‘Thư Cho Bé Sơ Sinh’ mà anh đã phổ nhạc từ trong nhà tù nhờ đọc được cuốn tạp chí Y học của bác sĩ Lương Phán. Anh nói anh viết bài này là để dành riêng cho ca sĩ Thái Thanh hát! Và cũng từ đó nhạc sĩ đã rất thân thiết với tôi. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau luôn, nhất là mỗi khi anh có bài hát mới, thường kêu tôi tới để hát cho nghe! Anh luôn ‘mày tao’ rất dễ thương, vì anh lớn hơn bọn tôi đến mấy tuổi!
Còn chú bé – hay cô bé? – sơ sinh của tôi lúc đó thì nay đã gần 40 rồi còn gì! Biết đâu cũng đang là một người “bận rộn”, chẳng có thì giờ để đọc những dòng chữ này. Dầu vậy, tôi vẫn rất muốn nói cảm ơn em!
Khoảng năm 1995 tôi có dịp làm việc với ba vị bác sĩ, là giảng viên của trường Trung Học Y Tế tỉnh Phú Thọ ở miền Bắc lần đầu vào Sài Gòn. Trong lúc chuyện trò, có người tình cờ nhắc bài thơ ‘Thư Cho Bé Sơ Sinh’ của tôi thời sinh viên thì thầy Nguyễn Hồng Hải, một trong ba vị bác sĩ đến từ Phú Thọ bỗng chồm lên, ôm lấy tôi, mừng rỡ: ‘Thế ra anh là tác giả bài thơ đó ư?’
Rồi thầy đọc liền một mạch. Thầy nói gần 20 năm nay, năm nào dạy lớp nữ hộ sinh ở Phú Thọ, thầy đều đọc cho họ nghe bài thơ mà thầy không biết tác giả là ai, chỉ nói ‘khuyết danh’ thôi. Gần đây, tôi tình cờ phát hiện trên mạng, có một bản dịch sang tiếng Anh bài ‘Thư Cho Bé Sơ Sinh’ của Phát (Phat’s blog), một người không quen biết, với những lời bình thật sâu sắc!”
Nhịp Cầu Ô Thước
Nhà văn Trần Hoài Thư chia sẻ, “Tôi có được cơ duyên gần gũi với nhà thơ họ Đỗ này trong một thời gian khi tôi làm lính vùng Hai. Cứ mỗi lần đi phép, tôi hay chọn Sài Gòn để về. Có hai nơi để tôi qua đêm. Đó là cái cabin của vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức & Bé Ký và căn lầu của Đỗ Nghê tại một hẻm gần khu Bàn Cờ.
Và những lần rảnh rỗi, Đỗ Nghê vẫn hay chở tôi bằng chiếc Vespa đi rong chơi các phố Sài Gòn, hoặc có khi đêm đêm hai đứa ghé tại một quán bánh cuốn lộ thiên ở đầu hẻm. Một chàng bác sĩ luôn luôn chỉnh tề chững chạc, miệng hay nở nụ cười, với đôi kính trắng, dáng người phốp pháp, đi đứng thì ung dung, nói năng từ tốn, không bao giờ chửi thề, hiền như bụt… lại làm bạn với một tên lính bụi đời, phóng đãng, thì quả là chuyện lạ, khiến một số bạn bè ngạc nhiên không ít.
Làm sao họ biết có một thứ chung như keo kết dính chúng tôi. Đó là lòng yêu mến nghệ thuật, thi ca chảy trong máu huyết.
Bằng chứng? Hãy nhìn quanh ông: bạn bè toàn là nhà văn, nhà thơ.
Với mẫu người như vậy, nào ai biết ông đã lập một kỳ công là xây cái nhịp cầu Ô Thước ngay tại con đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn, gần tòa soạn Bách Khoa để giúp một chàng Ngưu Lang từ chót vót Trường Sơn và nàng Chức Nữ ở mút tận đồng bằng châu thổ gặp nhau! Cái cầu ấy được thực hiện bằng chiếc Vespa mà ông đã làm tài xế để thả chàng xuống trước tòa soạn, rồi sau đó dzọt lẹ!”
Đỗ Hồng Ngọc cũng kể: Trần Hoài Thư từ xa về, ở tạm nhà tôi mấy hôm để tôi đưa đến Tòa soạn Bách Khoa “coi mắt” người trong mộng đã hò hẹn qua thư. Nàng ở tận miền Tây, mê Trần Hoài Thư qua thơ văn… Hai người chưa hề biết mặt nhau. Suốt mấy ngày, Trần Hoài Thư đi vào đi ra nôn nao lắm. Tôi đưa anh đi bằng cái xe Vespa cà tàng của tôi nơi này nơi khác, lúc café, lúc bánh cuốn nóng đầu hẻm cho vui, nhưng anh không vui mấy mà có vẻ lo lo. Đi phép có mấy ngày. Thời chiến. Bách Khoa có Lê Ngộ Châu như ông mai, môi giới cho hai trẻ…
Hôm đó đúng hẹn với Y, người trong mộng tại báo Bách Khoa, tôi thấy anh hồi hộp lắm, ăn mặc có chút chải chuốt hơn như chàng rể đi coi mắt vợ. Tôi lấy xe Vespa cà tàng của mình đưa anh đến Bách Khoa và lén bỏ đi ngay cho họ tự do tâm tình mà không có mặt mình. Ai dè lát sau Trần Hoài Thư về nhà, tiu nghỉu, đầy vẻ thất vọng vì nàng không đến như lời ước hẹn mà cũng không một lời giải thích. Ngay sáng sớm hôm sau, anh “cuốn gói” lên đường, trong một nỗi tuyệt vọng rã rời chưa bao giờ tôi thấy ở một chàng trai “giang hồ” đầy khí phách nơi gió cát như vậy. Tôi không dám có một lời khuyên. Đành đưa anh lên đường và hai bạn vào một quán café góc phố trên con đường Phan Đình Phùng xóm Bàn Cờ quen thuộc.
Tôi nhìn anh rít thuốc lá như nuốt hết khói vào trong. Thời chiến. Mùa hè đỏ lửa. Tôi biết anh đi không chắc trở lại. Bỗng dưng tôi viết rất nhanh:
Ta cũng muốn ngâm tràn câu tống biệt
Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng
Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt
Có ai còn thổi sáo trên sông…
Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng
Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt
Có ai còn thổi sáo trên sông…
Trời buổi sáng mù sương lớp lớp
Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời
Và khí phách thôi một thời trẻ dại
Ta nói gì cho bớt chút chia ly…
Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời
Và khí phách thôi một thời trẻ dại
Ta nói gì cho bớt chút chia ly…
Rồi đột nhiên không cầm lòng được, tôi bỗng viết tiếp:
Người yêu thương cũng vội vàng lỗi hẹn
Còn gì không hay một thoáng chiêm bao
Ơi cánh chim của mùa xuân lỡ đến
Khoảng trời xanh còn chất ngất xôn xao
Còn gì không hay một thoáng chiêm bao
Ơi cánh chim của mùa xuân lỡ đến
Khoảng trời xanh còn chất ngất xôn xao
Ta bè bạn dám đâu lời can gián
Một giờ yêu cũng đủ một đời vui
Hãy tin tưởng có hôm nào trở lại
Cho trời xanh và mây trắng đẹp đôi…
Một giờ yêu cũng đủ một đời vui
Hãy tin tưởng có hôm nào trở lại
Cho trời xanh và mây trắng đẹp đôi…
Rồi tôi quay trở lại với dòng thơ “tống biệt” của mình:
Đưa người ta nâng ly cà phê nhỏ
Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi
Rồi khói súng người tập tành nỗi chết
Ta trở về hiu hắt đường khuya
Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi
Rồi khói súng người tập tành nỗi chết
Ta trở về hiu hắt đường khuya
Ta đã nói gì hình như chưa nói
Những dặn dò những hứa hẹn bâng quơ
Rồi người bước đường hoang lạnh quá
Ta đứng nhìn nghe ngày tháng đong đưa…
Những dặn dò những hứa hẹn bâng quơ
Rồi người bước đường hoang lạnh quá
Ta đứng nhìn nghe ngày tháng đong đưa…
(Đỗ Nghê, 1972)
Khi in tập Thơ Đỗ Nghê năm 1974 – (Ý Thức xuất bản, ronéo, dành tặng bạn bè anh em – do Lữ Kiều Thân Trọng Minh, Trần Hữu Lục, Nguyễn Sông Ba… thực hiện ở Đà Lạt với hình bìa tranh Nguyễn Trung do Hoàng Đăng Nhuận trình bày, rồi Hoàng Khởi Phong mang xe chở sách về tận Sài Gòn cho Đỗ Nghê) thì tôi đã đăng nguyên 6 khổ của bài Buổi tiễn đưa này, thế nhưng 20 năm sau, khi in lại trong tập Giữa Hoàng Hôn Xưa, tôi cắt bỏ hai khổ giữa, vì nghĩ đây là chuyện rất riêng tư, không nên nhắc, có thể khiến Trần Hoài Thư buồn! Vả lại, bài thơ cắt gọn sẽ cô đọng hơn.
May thay, tôi còn giữ được bản thảo do Lữ Kiều gởi lại cho. Chuột gậm, mối nhấm, nhưng có hề gì! Bản thảo đánh máy trên giấy pelure mỏng, máy chữ Olivetti, cắt dán, phết keo phía sau thời đó trông cứ tưởng như bài thơ bị xóa.
Không đâu, keo hồ đó thôi, phải không Trần Hoài Thư?
Đỗ Châu La Ngà
La Ngà là con sông lớn chảy qua La Gi quê nhà của Đỗ Hồng Ngọc. Theo Wikipedia, sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh ven khu vực thành phố Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai. Đó cũng là tên người con gái đầu lòng của ông đã mất năm 1990 vì tai nạn giao thông trong một chuyến đi công tác xã hội tại Bình Chánh với các bạn ở trường Y.
Câu chuyện được Bác sĩ / Nhà văn Minh Ngọc, người bạn cùng lớp với Đỗ Châu La Ngà, hiện ở Nữu Ước, Hoa Kỳ, là Clinical Assistant Professor khoa Gây mê, Chăm sóc chu phẫu và Thuốc giảm đau tại Trường Y khoa NYU Grossman Long Island, chia sẻ trong tùy bút “Người Bạn Trong Mơ” viết vào tháng 10/2018:
“Đỗ Châu La Ngà, con gái đầu lòng của BS. Đỗ Hồng Ngọc, là bạn cùng lớp với tôi hai năm đầu sinh viên. Lúc đó BS. Đỗ Hồng Ngọc phụ trách Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Sở Y Tế, ông bà dạy con rất nghiêm theo nề nếp gia đình trí thức hồi xưa nên Ngà giản dị hồn nhiên, bạn bè ai cũng thương mến. Tôi bây giờ gần nửa đời, gặp gỡ không biết bao nhiêu người, vẫn thấy hiếm có ai như Ngà, luôn luôn nở nụ cười tươi tắn trên môi, hòa nhã ôn tồn với mọi người, không hề thấy Ngà cao giọng hay lớn tiếng, giận hờn trách móc ai.
Lúc đó chúng tôi chuẩn bị lên năm thứ ba. Nghỉ hè, các lớp được phân công trực đêm ở trường. Đêm đó lớp tôi trực, cũng đủ trò như mọi khi, ăn uống, cười giỡn, kể chuyện ma, đánh bài, đàn hát. Đám con gái ngồi bàn tán chuyện mua sách giáo khoa vì đã lâu trường chưa tái bản nên rất khó tìm. Tôi khoe vừa mua được ở tiệm sách cũ gần trường Dự bị Đại học, Ngà biết tiệm đó nhưng không hiểu sao một mực bắt tôi hứa phải đi mua sách với Ngà, tôi hứa để hai ba bữa nữa rồi đi. Sáng, chúng tôi thu dọn đồ đạc đi về, Ngà ngồi một mình trên băng đá trước phòng bảo vệ đọc cuốn “Kiến Và Chim Bồ Câu” của Leo Tolstoy. Tôi hỏi sao chưa về, Ngà cười nói Ngà chờ đoàn công tác xã hội của trường. Tôi nói vậy đi vui nghe, rồi tôi về nhà ngủ.

Buổi chiều trời mưa dông nên sập tối sớm, tôi mới ngủ dậy thì nghe đám con trai trong lớp kêu cửa inh ỏi. Chị tôi ra mở cửa và lấy nước cho rửa chân. Kim Minh thấy mặt tôi nói liền: “Bà thay đồ đi với tụi tui. La Ngà chết rồi!” Tôi nói: “Giỡn gì kỳ vậy?” Mân và Thái Minh kể sáng hôm đó Ngà đi theo đoàn công tác xã hội lên trường khuyết tật ở Bình Chánh. Ngà đạp xe đi song song với Thúy Nga, tới Phú Lâm thì bị chiếc xe buýt từ phía sau tông trúng. Lúc đó đường vắng không có xe, anh trưởng đoàn phải kêu chiếc xích lô chở Ngà về Chợ Rẫy, một nhóm chạy về nhà báo tin cho ba mẹ Ngà. BS. Đỗ Hồng Ngọc chạy tới phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy thì Ngà đã tắt thở trên đường đến bệnh viện, ông đứng khóc ròng. Ngà bị thương tích quá nặng.
Tôi vào hỏi ba má tôi, chắc mặt tôi thất thần lắm nên ba má tôi khuyên để hôm sau hãy đi, sợ tôi xúc động quá (tôi vốn bị loạn nhịp tim nhanh, supraventricular tachycardia). Chiều hôm sau tôi đến, đã có một nhóm bạn trong lớp. Ngà nằm trên chiếc giường trong phòng khách, mặc chiếc áo trắng quen thuộc, thanh thản như ngủ say. Chúng tôi lên thăm căn phòng xinh xắn của Ngà, những cuốn nhật ký, sổ tay chép thơ dán ảnh trang trí, Ngà cũng có làm thơ nữa mà chúng tôi không biết. Ngày đưa tang Ngà lên nghĩa trang nằm bên bờ sông La Ngà quê nội, trời mưa dầm sụt sùi. Chúng tôi nhìn tấm ảnh Ngà tươi cười lồng trên bia mộ mà không cầm được nước mắt, nụ cười và đôi mắt tinh nghịch sau cặp kính đó vĩnh viễn chúng tôi không bao giờ còn thấy được nữa.
Sau ngày đưa tang Ngà, đêm nào ngủ mơ tôi cũng thấy Ngà mặc chiếc áo trắng, năn nỉ đi mua sách với Ngà đi. Má tôi bàn hay là đem cuốn sách đốt cho Ngà rồi khấn cho Ngà siêu thoát.
Chưa kịp làm thì cuốn sách của tôi tự nhiên biến mất tìm không ra, rồi tôi cũng không thấy Ngà nữa.
Ngày Ngà mất, BS. Đỗ Hồng Ngọc làm một bài thơ với những câu cuối như sau:
Cô học trò Minh Khai
– Gia Long của mẹ –
Cô sinh viên trường thuốc
– Tuổi trẻ của ba –
Con đã lớn lúc nào ba má không hay biết
Cứ tưởng con còn nhỏ xíu thôi
Đến khi con mất đi rồi
Mới biết con đã lớn!”
– Gia Long của mẹ –
Cô sinh viên trường thuốc
– Tuổi trẻ của ba –
Con đã lớn lúc nào ba má không hay biết
Cứ tưởng con còn nhỏ xíu thôi
Đến khi con mất đi rồi
Mới biết con đã lớn!”
Đó là vết cứa sâu thẳm trong tim, nỗi đau âm ỉ vô cùng, và sự mất mát quá lớn mà bậc cha mẹ phải gánh chịu, dù vẫn nhận biết: “Cuộc sống tự nó là nỗi hiểm nguy và sự bất an, sự chuyển động bất tuyệt, và tự nó cũng là nỗi hân hoan, là niềm cực lạc. Thật là tuyệt khi ý thức cuộc sống là vô thường, luôn thay đổi, chuyển động… để rồi tuyệt vọng, thất vọng vì không được như ý”.
Đã bao nhiêu năm qua nhưng không lúc nào ông quên người con yêu với nụ cười hiền dịu, tươi tắn. Những bài thơ ông viết cho La Ngà là những bài thơ xót xa nhất, xúc động nhất, không thể ngăn được dòng lệ tiếc thương.
Tình Yêu
Trước mộ con còn ướt
Ba nói với bè bạn ba rằng
Hãy yêu thương con mình cách khác
Đừng như ba
Giấu kín trong lòng
Ba nói với bè bạn ba rằng
Hãy yêu thương con mình cách khác
Đừng như ba
Giấu kín trong lòng
Bởi tình yêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa
Ba đã sai lầm bao nhiêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa
Ba đã sai lầm bao nhiêu
Hãy tỏ bày đi
Vồ vập đi
Âu yếm ồn ào đi
Tình yêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa
Vồ vập đi
Âu yếm ồn ào đi
Tình yêu
Có bao giờ cho đủ
Có đâu sợ dư thừa
Ba đã sai lầm bao nhiêu
Vì cứ chờ cứ đợi
Có biết đâu
Đời như mây nổi
Như gió thổi
Như chiêm bao
Ơi bài học tự thuở nào
Sao bây giờ mới hiểu
Vì cứ chờ cứ đợi
Có biết đâu
Đời như mây nổi
Như gió thổi
Như chiêm bao
Ơi bài học tự thuở nào
Sao bây giờ mới hiểu
Muốn vồ vập con hôm nay
Muốn âu yếm con mãi mãi
Thì đã muộn rồi
Có bao giờ thừa thãi
Muốn âu yếm con mãi mãi
Thì đã muộn rồi
Có bao giờ thừa thãi
Tình Yêu? (Đỗ Hồng Ngọc 1990)
La Ngà 5
Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút
Mỗi ngày
Một chút
Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con
Như ba đã học
Từ con
Nỗi Mất! (Đỗ Hồng Ngọc – 1990)
Ngày giỗ con, ông viết bài thơ “Giỗ Một Dòng Sông” se sắt được nhạc sĩ Thuần Nhiên Nguyễn Đức Vinh ở Đà Lạt phổ thành bài nhạc “Sông ơi cứ chảy…” vào mùa Giáng Sinh 2017 như một khúc réquiem cho nước mắt lặng lẽ trôi ngược vào tim.
Giỗ Một Dòng Sông
Sông ơi cứ chảy
Cứ chảy về trời
Cứ về biển khơi
Cứ làm suối ngọt
Cứ làm thác cao
Cứ đổ ầm ào
Cứ làm gió nổi
Cứ làm mây trôi…
Cứ chảy về trời
Cứ về biển khơi
Cứ làm suối ngọt
Cứ làm thác cao
Cứ đổ ầm ào
Cứ làm gió nổi
Cứ làm mây trôi…
Sông ơi cứ chảy
Chảy khắp châu thân
Chảy tràn ra mắt
Chảy vùi bên tai
Chảy khắp châu thân
Chảy tràn ra mắt
Chảy vùi bên tai
Dòng sông không tắt
Dòng sông chảy hoài…
Dòng sông chảy hoài…
(Đỗ Hồng Ngọc)
Một Ngày Của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Trò Chuyện với Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Nhà thơ Đỗ Nghê) kỳ 23 – 30.9.2013 (Nguồn: dutule.com)
Sáng thức dậy, không cần biết mấy giờ. Trừ những ngày phải đi dạy học còn thì cứ ngủ… thẳng giấc. Ngủ cần thiết cho tuổi già lắm. À, mà già chưa nhỉ thì không biết. Vệ sinh cá nhân các thứ xong,… ngồi thiền chừng 30 phút, tựa lưng vào giường, lim dim nhìn vào vách (diện bích?) vì nhà chật quá. Chỉ theo phương pháp thiền “quán niệm hơi thở” (Anapanasati) vì đây là một phương pháp thiền có cơ sở khoa học, sinh học, đáng tin cậy nhất, dưới cái nhìn của một bác sĩ, không có chuyện thần bí, mê tín dị đoan ở đây. Mươi năm nay, ngày nào cũng vậy, đã thành một thói quen, thiếu thì thấy… thiếu! Tiếp đó là thể dục, cũng chừng 30 phút, với những động tác tự “sáng chế” riêng phù hợp với thể chất mình, sức khỏe, tuổi tác mình. Phật dạy “hãy quay về nương tựa chính mình” là vậy. Bởi nếu có thầy dạy cho thì thầy thường ép mình phải theo cách của thầy. Chỉ nên nắm lấy nguyên tắc thôi! Nhờ thiền và thể dục đều đều như vậy mà mươi năm nay không bị đau lưng, nhức mỏi như trước, làm việc dẻo dai hơn và không phải dùng nhiều thuốc. Chỉ dùng mỗi một thứ để ổn định huyết áp sau cái vụ stroke phải mổ năm xưa.
Từ những trải nghiệm bản thân này, tôi cũng vừa cho in cuốn “Thiền Và Sức khỏe” để chia sẻ kinh nghiệm cùng bè bạn gần xa, nhất là những người có tuổi hay ốm đau, phiền muộn.
Tắm rửa xong thì tự pha cho mình một ly café filtre, với yaourt thay vì sữa đặc có đường (trừ những ngày đi dạy hoặc đi “nói chuyện sức khỏe” đâu đó thì tăng cường một gói mì gói cho đủ calo). Café-yaourt ư? Phải. Cũng tự chế ra vậy thôi, vì yaourt tốt hơn sữa đặc! Nhớ André Maurois kể, một hôm ngồi café vỉa hè Paris, đang dùng muỗng lách cách khuấy tách café sữa thì đột nhiên “ngộ” ra một điều thú vị: Thì ra cái dải Ngân Hà (la Voie lactée) vĩ đại kia hình thành chỉ do ai đó tình cờ hí hoáy khuấy tách café sữa khiến dòng sữa vỡ ra thành những dải tinh vân xoay vần trong vũ trụ…
Lúc này tôi vẫn còn dạy chút ít ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn, ít thôi, lai rai thôi. Đi dạy thì có cái thú được gặp sinh viên và nhớ lại thuở đôi mươi của mình. Tôi dạy kiến thức chút chút, những điều cốt lõi thôi, còn thì dành thì giờ kể chuyện xưa nay, đông tây kim cổ cho các em nghe, để từ đó rút ra bài học về cách sống, cách học, cách hành nghề sau này… Mấy năm nay tôi cũng ít trực tiếp khám bệnh, vì đã có đứa con “nối nghiệp”. Chẳng bao lâu nữa, tôi nghĩ mình cũng sẽ như người bắn cung thiện xạ nọ không còn biết cây cung, mũi tên là cái chi chi! Trái lại, tôi thường được mời đi đây đó để “nói chuyện sức khỏe” (health talk), với các đề tài như Thở để chữa bệnh, Thiền và sức khỏe, Một nếp sống hạnh phúc, Một tuổi già hạnh phúc, Cân bằng cuộc sống, Stress trong đời sống hằng ngày v.v… Mỗi buổi đi nói chuyện như vậy, với tôi, là một cơ hội để giao lưu và học hỏi.
Sau đó rồi thì ngồi vào máy vi tính. Trả lời “meo”. Đọc chút báo mạng. Có hứng thì lọc cọc gõ chút gì đó, sai be bét cũng mặc, đợi ít lâu cho nó “hoai” đi rồi sửa dần. Có cái vi tính cũng hay. Không khổ sở như hồi máy đánh chữ! Lại tiện lợi gởi “meo”, gởi hình trong nháy mắt. Ở Việt Nam, người ta đùa: “Dân ta phải biết sử ta / Ai mà không biết thì tra Google!”…
Từ ngày về hưu rồi thì thứ Bảy và Chủ Nhật mới là ngày… làm việc thực sự! Lu bu nhất mấy ngày đó. Đi dự đám cưới đủ mệt. Thỉnh thoảng dạo cảnh chùa. Có dịp thì lang thang đây đó, lên rừng xuống biển, về quê. Tôi vẫn thường ngồi tán gẫu với bạn bè ở các quán café vắng vẻ, nơi bờ ao, bờ hồ, còn chút thiên nhiên… Nhớ lần ngồi café với Nguyễn Tường Bách ở Đức về, nói chuyện trên trời dưới đất, từ Big Bang đến Niết Bàn các thứ, lúc ra về Bách nói ai mà nghe mình nói chuyện sáng nay chắc nghĩ bọn mình điên!
Bây giờ đọc ít thôi. Mắt kém. Đọc trên mạng nhiều hơn sách báo vì có thể phóng to lên được. Lạ, từ ngày nghiền ngẫm kinh sách Phật, thấy cũng mê như đọc kiếm hiệp!
Xưa viết cho nhiều báo, nay gần như chỉ viết cho Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Từ Quang…
Nhớ năm đó nhóm bạn Ý Thức ngồi café cùng Nguyễn Mộng Giác, Giác bảo viết như Đỗ Nghê mà hay đó, hỏi tại sao, đáp tại vì Đỗ Nghê viết về “sanh lão bệnh tử”… của kiếp người! Lúc đó Giác vừa mới mổ gan về thăm anh em. Nhớ Jean Paul Sartre bảo cuốn La Nausée của ông không có ý nghĩa gì trước một em bé sắp chết đói ở Châu Phi! Lúc đó ông chỉ mong có một ổ bánh mì!
Cũng tại cái “nghiệp” thầy thuốc của tôi thôi! Nó thế. Tôi không có khả năng “hư cấu” nên không viết được truyện dài truyện ngắn tiểu thuyết như các bạn mình. Thơ tôi bây giờ cũng đặc quánh lại, có khi chỉ vài câu như khi viết mấy câu cho Mẹ trong ngày Vu Lan năm ngoái:
Con cài bông hoa trắng
Dành tặng mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
Dành tặng mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
Hoặc một bài cho tình xa:
Lá chín vàng
Lá rụng về cội
Em chín vàng
Chắc rụng
Về anh…
Lá rụng về cội
Em chín vàng
Chắc rụng
Về anh…
Đại khái vậy. Không biết có phải là thơ không nữa!
Nhắc lại, giấc ngủ rất quan trọng. Phải ngủ đủ. Khoảng 7-8 tiếng một đêm ở tuổi này. Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ, không thì thôi. Bài viết “Có một nghệ thuật ngủ” của tôi được nhiều bạn bè chia sẻ. Nhà văn Hồ Anh Thái ở Hà Nội bảo đã photocopy ra khá nhiều để gởi cho bạn bè vì lúc này nhiều người mất ngủ quá! Trên thế giới thì thuốc ngủ vẫn là thuốc bán nhiều nhất! Tuổi càng cao, càng cần ngủ, như pin điện thoại xài lâu, sạc phải càng lâu. Ăn thì rất đơn giản thôi. Có gì ăn nấy. Tôi thường tự chế biến thức ăn cho mình, theo ý mình. Càng ngày tôi càng học tốt hơn hạnh sống “độc cư”, “kham nhẫn / tri túc”.
Quỹ Thời Gian
Hình như tôi không có ý niệm có một “quỹ thời gian” nào đó, bởi tôi không thể biết trước tôi có bao nhiêu, đã xài hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu để… lên kế hoạch. Bùi Giáng có câu “Một đời lận đận đo rồi đếm / Gối mỏi người đi đứng lại ngồi” nhớ không?
Tôi sống có vẻ hồn nhiên quá chăng? Lúc Mẹ tôi còn sống bà hay bảo tôi ngu hạng nhất, nhưng tôi cãi, chỉ ngu hạng nhì hay hạng ba thôi! Bà đành cười trừ!
“Xưa nay hiếm” là cái thời của Khổng Tử. Mới mấy hôm trước đây, tôi làm “em xi” (MC) cho một buổi “giao lưu” của những người cao tuổi, có bác sĩ-họa sĩ Dương Cẩm Chương, 103 tuổi, giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê, 93 tuổi; nhà giáo Đàm Lê Đức, 83 tuổi, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Với họ, tôi hãy còn quá trẻ! Kinh nghiệm là khi mình có tuổi, nên thường xuyên gặp gỡ những người cao tuổi hơn để lúc nào mình cũng “quá trẻ” như vậy! Nhớ nhà văn Võ Hồng ở Nha Trang năm xưa kể vào năm tuổi 70 của ông, người ta làm một buổi họp mặt long trọng mừng thầy Võ Hồng, ai cũng phát biểu chúc mừng thầy “cổ lai hy”. Khi đứng lên đáp từ, ông trịnh trọng đưa tay sờ vào cổ mình và nói thất thập cổ lai hy, rồi lần tay xuống ngực lục thập ngực lai hy, ngũ thập bụng lai hy… và tứ thập… làm mọi người la hoảng và cười vỡ một trận!
Lâu lâu gặp bạn cũ tôi giật mình thấy bạn già quá, da mồi tóc bạc, nhăn nhúm trong khi tôi… vẫn như xưa! Dĩ nhiên, lúc đó bạn tôi cũng thấy tôi già quá, da mồi tóc bạc, nhăn nhúm trong khi bạn vẫn như xưa. Thì ra, đó là một diễm phúc của cuộc sống! Không ai ngờ mình già cả. Nguyên Sa bảo “người ta chỉ có thể đo đếm được tuổi mình qua ánh mắt cố nhân”. Mà lạ, khi gặp lại “cố nhân”, bạn bè hồi niên thiếu, ôn lại chuyện xưa một lát, bỗng thấy mình nhỏ xíu lại, như không hề có thời gian. Mà thật, không hề có thời gian. Cái đồng hồ, cái ngày tháng nọ kia, chẳng qua là những giả định, vui thôi! Khi tôi viết những dòng này, thì tôi đang ở giữa trưa ngày thứ bảy trong khi bạn đang ở nửa khuya ngày thứ sáu! Cho nên Phật dạy: đừng bám vào ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì mới “thoát” được. Thế nhưng, tuổi già sinh học thì có. Một lần nọ, một chị còn khá trẻ bồng đứa bé đến tôi khám bệnh. Đứa bé la khóc om sòm, chị dỗ: “Nín đi, nín cho ông ngoại khám con!”. Thì ra tôi đã đến ông ngoại rồi mà không hay. Tôi hỏi theo thói quen: Chị là gì của cháu? “Dạ, bà ngoại”. Chị trả lời ngon ơ. Rồi bỗng đâm ra bẽn lẽn. Tôi phải đánh trống lảng ngay! Nhưng chuyện đó xưa rồi, hai mươi năm trước rồi. Mới đây, tôi gặp lại một người quen cũ quê nhà, hơn nửa thế kỷ chưa gặp. Nàng nhắc chuyện đi câu cá, hái chùm ruột đến trèo động cát như mới ngày nào. Đột nhiên nàng nói bây giờ em đã có cháu gọi bằng bà Cố!
Tôi nhớ Trịnh Công Sơn viết: “Về thu xếp lại/ Ngày trong nếp ngày/ Vội vàng thêm những lúc yêu người… Cuồng phong cánh mỏi/…” mà tôi đã trích dẫn trong cuốn Gió heo may đã về (1997), nhưng khi gởi tặng cho anh bạn nhạc sĩ Miên Đức Thắng lúc đó đang ở Đức, anh phone phản đối: làm gì có chuyện vội vàng thêm những lúc yêu người! Tôi hiểu, anh vẫn đang còn rất… ung dung, từ tốn kia mà!
Phần tôi, đôi khi cũng thấy mình cần về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày mà… không dễ.
Bừa bãi quen rồi. Lười biếng quen rồi. Xung quanh chỗ ngồi là một chồng sách ngổn ngang, cao nghệu, rất mất trật tự, nhưng có ai lỡ tử tế sắp xếp lại thế nào tôi cũng la toáng lên! Mất trật tự mà tôi biết cái nào nằm ở đâu!
Còn “làm những việc mình thích” ư? Đương nhiên rồi. Nhân sinh quý thích chí. Không cần phải đợi “cổ lai hy” mới vậy. Phải làm những việc mình thích ngay bây giờ đi! Bởi già dẫn tới già cả, già khú đế mau lắm đó!
Thi Sĩ – Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một trong những tên tuổi rất quen thuộc những ngày này. Bạn trẻ Đồng Xuân đã vào “còm” trên trang nhà của ông (ngày 23/01/2024 lúc 6:34 sáng), thật cảm động:
“Ngôn từ không thể diễn đạt hết sự biết ơn của con (hay của mọi độc giả). Trang nhà của Bác, nơi trở về của con. “Như không thôi đi được”, phải ghé qua, dạo qua, canh xem bài mới, đọc chầm chậm, thưởng thức, như sợ hết món ngon. Nghiền ngẫm, ứng dụng, tự nhắc nhở, và luôn thấy mình quá may mắn!!
Chúng con như có GPS dẫn đường, một đại lộ sáng sủa, với 26 “cửa hàng” là những hàng hiệu, chất lượng miễn bàn, an tâm, bình yên, thong dong mà well-being và well dying.”
Dù là Đỗ Hồng Ngọc hay Đỗ Nghê, ông đều được nhiều người yêu quý. Nói về ông, học giả Nguyễn Hiến Lê nhận định, “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị.”
Còn với nhà thơ Phạm Chu Sa, “Nhiều người nghĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ làm thơ, viết văn và gọi anh là bác sĩ – nhà văn. Nhưng tôi vẫn thích gọi anh là thi sĩ – bác sĩ bởi Đỗ Hồng Ngọc có cốt cách thi sĩ trong con người bác sĩ.”
Trần Thị Nguyệt Mai
Tháng 3/2024
Tháng 3/2024
Tham khảo:
1) Trang nhà Đỗ Hồng Ngọc
2) Trang nhà Du Tử Lê
3) Thư Viện Hoa Sen và các trang mạng khác
4) Sách báo Đỗ Hồng Ngọc
5) Tạp chí Thư Quán Bản Thảo
——-
Câu “Như Không Thôi Đi Được” trong đề tựa bài viết lấy từ câu văn của Chu Hy: “Có người hỏi rằng: Thơ tại sao mà làm ra? Ta giả nhời rằng: Người ta đẻ ra mà tĩnh, là tính Giời cho nguyên như thế; cảm ở vật ngoài mà mới động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ; đã có nghĩ phải có nói; đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ.” (Chu Hy, Bài tựa Thi tập truyện 詩集傳 , Tản Đà dịch.)
1) Trang nhà Đỗ Hồng Ngọc
2) Trang nhà Du Tử Lê
3) Thư Viện Hoa Sen và các trang mạng khác
4) Sách báo Đỗ Hồng Ngọc
5) Tạp chí Thư Quán Bản Thảo
——-
Câu “Như Không Thôi Đi Được” trong đề tựa bài viết lấy từ câu văn của Chu Hy: “Có người hỏi rằng: Thơ tại sao mà làm ra? Ta giả nhời rằng: Người ta đẻ ra mà tĩnh, là tính Giời cho nguyên như thế; cảm ở vật ngoài mà mới động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ; đã có nghĩ phải có nói; đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ.” (Chu Hy, Bài tựa Thi tập truyện 詩集傳 , Tản Đà dịch.)