
hình Nhạc Xưa Blog
Trong dòng nhạc trữ tình, có lẽ ca khúc “Tình Lỡ” của nhạc sĩ Thanh Bình qua tiếng hát Khánh Ly đủ làm mê đắm lòng người. Tuy nhiên, về tác giả bài hát thì có rất ít thông tin. Một tình cờ may mắn, người viết đã lần tìm ra được tung tích của người nhạc sĩ bí ẩn này…
Do có trí nhớ khá tốt nên hơn nửa thế kỷ nay, ca khúc Tình Lỡ với tác giả là nhạc sĩ Thanh Bình luôn ám ảnh trong ký ức của người viết, nó thôi thúc một ước muốn được gặp gỡ và viết về nhạc sĩ này...
Qua nhiều năm dò tìm vô vọng, vào khoảng Tháng Mười, 2013 khi đang lang thang trên mạng Facebook, người viết tình cờ bắt gặp bức ảnh chụp một tờ giấy (là trang vở kẻ ô dành cho học sinh) có ghi hàng chữ (nội dung được xem như là một bằng chứng): “Tôi là T. – người thân của nhạc sĩ Thanh Bình có nhận được số tiền giúp đỡ cho nhạc sĩ gồm... USD của ca sĩ Thanh Thúy và... USD của diễn viên Giang Kim. Ngày tháng... Người nhận ký tên (phía dưới có ghi số điện thoại của anh T – người nhận). Từ số điện thoại này, người viết trao đổi với anh T và được anh cho biết nhạc sĩ Thanh Bình đang ở số… đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.I-TP.HCM). Tới đúng địa chỉ này hỏi thì người ta lắc đầu, không biết nhạc sĩ Thanh Bình là ai. Phải mất vài ngày chạy vòng vo nữa tôi mới đến đúng nơi. Hóa ra, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có một đoạn ở phía bên kia vòng xoay Điện Biên Phủ (gần kênh Nhiêu Lộc). Hôm tôi đến địa chỉ trên, gặp một ông già trên 80 tuổi, khuôn mặt thật hiền lành, mặc bộ đồ pyjama đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa nhà. Hỏi: Chú là nhạc sĩ Thanh Bình phải không ạ? Ông cười hiền: Đúng rồi! Tôi tặng ông cuốn Chuyện Tình Nghệ Sĩ do tôi biên soạn và nói với ông là mình rất thích bài Tình Lỡ của ông, ông hỏi: Bài đấy hay không? – Hay chứ ạ, cháu hát cho chú nghe nhé: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha…” Ông ngồi gật gù nghe tôi hát, thỉnh thoảng hỏi xen vào “Bài này hay không?” Cơ khổ, đầu óc của một ông già hơn 80 tuổi đã không còn minh mẫn, ngoài tên thật: Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1930 tại Bắc Ninh, còn thì… chẳng nhớ gì cả! Người viết phải cố gợi lại trong trí nhớ của ông từng chi tiết nhỏ. Ông cho biết mình gọi nhạc sĩ Phó Quốc Thăng là cậu ruột nhưng lại học nhạc với thầy Phạm Sửu ở Thanh Hóa dạo tản cư thời kháng chiến chống Pháp (1946, 1947), rồi sau đó tự học và phát triển thêm…
Những Nẻo Đường Việt Nam là sáng tác đầu tay của ông, nói về tình yêu quê hương đất nước qua chuỗi ngày lang bạt kỳ hồ, từ Bắc Ninh về Hải Phòng rồi xuống Thanh Hóa: “Những Nẻo Đường Việt Nam. Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan. Ôi những nẻo đường Việt Nam. Ơ! Ta đắp đường làng ta. Nhắn ai đi, xin chớ quên quê nhà. Con đường về thôn vui quá!” Tôi nhớ mẹ tôi, ngày xưa… xưa lắm. Cách đây gần 50 năm, lúc ấy bà mới ngoài 30 tuổi, khi làm những công việc lặt vặt bà thường hát “Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng. Sắt son gửi trong mấy hàng. Thăm bà con dãi năm tháng..." - Một bức tranh quê rất Việt Nam hiện ra trong bài hát “Thương những già sớm hôm làm màn. Em thơ ơi! có còn học hành sớm tối? Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười. Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi...” Đến giờ tôi mới biết ông là tác giả của ca khúc Lá Thư Về Làng mà mẹ tôi vẫn hát ngày xưa… Lời ca chân chất, chan chứa nỗi niềm sắt son yêu nhớ bà con xóm làng, qua cách dùng từ mộc mạc, cùng giai cảm đơn thuần nhẹ nhàng luyến thương sâu sắc ấy. Sao mà xuyến xao hồn người quá đỗi…
Hỏi về bóng hồng nào đã khiến ông phải đau khổ để viết nên tác phẩm bất hủ Tình Lỡ, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào Nam. Đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi thì đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào. Tôi vào Nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình Lỡ (1954)…
Đó là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cái thời khắc phân ly kẻ đi người ở đã để lại cho đời một tác phẩm mà mãi đến bây giờ hầu như ai ai cũng biết, cũng nghêu ngao thấm thía đến từng từ của cái phận đời đen bạc “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay, men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người! bỏ ta trong mưa bay.” Bài hát ông viết cho chính cuộc đời mình và cho một cuộc tình đẹp không phần kết. Cuộc tình ấy đã theo đuổi nỗi nhớ trong ông. Đến tận bây giờ ông vẫn còn nhớ đến người con gái ấy, nhưng chỉ còn lại cái tên Hằng mà thôi!
Là ông nói thế, còn theo tìm hiểu của người viết thì Tình Lỡ là ca khúc chính trong phim “Nàng” do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện năm 1970 (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, phim đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á Châu ở Đài Loan lần 17). Góp mặt trong phim này có: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân và cả ca sĩ Phương Hoài Tâm… Ở cuối phim, Vân (Thẩm Thúy Hằng) đi dọc bãi biển trong buổi chiều lộng gió, tà áo dài bay phất phơ lồng trong tiếng hát của Khánh Ly: “…Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi… Con đường mình đi sao chông gai. Bước vào đời nhau qua bao nay. Em ơi, em ơi! sao đắng cay…”
Học xong bậc Trung Học, từ Bắc Ninh ông tản cư đến Hải Phòng và cho ra đời hai tập truyện dài rất thu hút độc giả thời ấy có tên Mưa Dập Gió Vùi và Mình Còn Trẻ Lắm. Mối tình đầu với người con gái tên Hằng cũng xuất hiện từ đây, gieo cho trái tim “chàng trai trẻ” ấy nhiều xúc cảm của “cái thuở ban đầu lưu luyến” Họ lạc nhau khi đất nước chia cắt để rồi trọn đời ly biệt.
Đời nghệ sĩ lại tiếp tục đưa ông lang bạt kỳ hồ từ Hải Phòng, Nam Định, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hà Nội rồi vào Nam, nhưng cũng chẳng tránh khỏi phận long đong... Đám cưới đầu tiên của ông với cô con gái một chủ hiệu vàng được mai mối từ trước. Nhà gái lo hết mọi bề, sắm lễ cho cả đàng trai. Mẹ vợ rất hào phóng hứa, nếu ông đồng ý cưới, họ tặng ngay căn nhà tại Hà Nội. Ông im lặng chưa có phản ứng gì, thì hôm sau các sính lễ linh đình đã đầy ắp nhà trai để đưa sang nhà gái. Thế nhưng, đúng vào giờ phút thiêng liêng ông đã bỏ trốn vì cho rằng mình không hợp tính và... mặc cảm!
Đám cưới thứ hai không diễn ra, nhưng họ đã sống với nhau bằng lời giao ước, được một thời gian rồi vỡ tan.
Lần thứ ba, trước giờ lễ hỏi, ông vội vàng trốn ra bến xe về Hà Nội. Thế là, cả cái làng quê ở Nam Định lúc ấy xôn xao ầm ĩ cả lên.
Rồi ông trải qua nhiều cuộc tình bể dâu không thành. Mãi đến năm 1973 ông mới chính thức lập gia đình với người phụ nữ xinh đẹp, sống trong căn hộ chung cư ở đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, Quận 1, Sài Gòn). Cuộc sống khá đơn sơ bằng cái nghề nhà giáo, sáng dạy lớp tiếng Anh, chiều lớp tiếng Pháp, Và có lẽ cũng hạnh phúc được vài năm. Sau 1975, vợ chồng ông lập quán cơm ven đường Đồng Khởi. Những tưởng đâu sẽ an lành bên vợ đẹp con xinh, nhưng rồi cũng đến lúc cơm không lành canh không ngọt. Bà đã bỏ đi khỏi nhà, bỏ lại ông khi con gái mới hơn ba tuổi. Nhớ con, thỉnh thoảng bà có về thăm, sau thưa dần rồi không thấy nữa. Ông rơi vào cái cảnh gà trống nuôi con mọn, kinh tế túng quẩn, cuộc sống vá víu đắp đỗi qua ngày. Ông mơ hồ nói, “có lẽ cô ấy đã rẽ sang bước khác, tôi không chắc, cũng chẳng nhớ nữa...”
Tôi đang cố khơi gợi lại trí nhớ của ông thì chị chủ nhà đi công chuyện về. Chị tên Phượng và là cháu gọi nhạc sĩ Thanh Bình bằng cậu ruột. Qua chị, tôi biết thêm một số điều. Quả thật câu hát “Nghe vàng mùa thu sau lưng ta” đã vận vào số phận đầy đau khổ của nhạc sĩ. Vậy là “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm, cho đến lúc gả chồng cho con. Ông ở với vợ chồng người con gái trong một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp. Tuổi già, lại đeo thêm những chứng bệnh về tim mạch và cao huyết áp. Thỉnh thoảng các nghệ sĩ ở nước ngoài gởi biếu ông chút tiền chữa bệnh. Rồi người con gái phải lâm vào vòng lao lý, vì buôn bán nanh ngà động vật quý hiếm. Người con rể (chính là anh T, người để lại số điện thoại trên trang giấy) sau một thời gian nuôi ông bố vợ đã bệnh tật lại đểnh đoảng đến phát chán nên đã đem ông ra bỏ ở Bến xe miền Đông, rồi nhắn với anh công an khu vực nơi chị Phượng đang ở. Phải 15 ngày sau chị Phượng mới tìm được ông cậu và đưa người nhạc sĩ già này về nhà mình nuôi dưỡng… Hằng ngày ông bắc ghế, ngồi nhìn ra đường, giữ nhà cho con cháu đi làm ăn, học hành. Chắc ông chẳng còn nhớ, chẳng bận tâm rằng mình một thời từng sáng tác được những ca khúc khiến bao trái tim thổn thức. Và nếu như có ai nhắc lại, ông gật gù hỏi: “Bài ấy có hay không?
Thanh Bình không chỉ có mỗi ca khúc Tình Lỡ, mà ông còn là tác giả của những ca khúc: Còn Nhớ Hay Quên? Đừng Đến Rồi Đi (1959), Tiếc Một Người (1972)... Những cái tựa của các ca khúc kể trên khiến người ta tự hỏi: nhạc sĩ Thanh Bình viết cho ai đây, người yêu đầu đời hay người vợ đoạn tình?
__________
Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Bình: “…có còn lại chăng dư âm thôi!
Ngày 23.5.2014 mới 4 giờ sáng mà điện thoại đã reo. Đầu dây bên kia là ca sĩ Ánh Tuyết, chị rủ tôi qua nhà nhạc sĩ Thanh Bình vì cô Phượng (cháu gái của NS Thanh Bình) vừa khóc vừa gọi cho Ánh Tuyết, bảo là "Cậu em nguy lắm rồi". Ánh Tuyết đi qua đó một mình thì sợ nên rủ tôi đi cùng. Chỗ tôi ở lại là nhà trọ, chủ hộ khóa cổng, rất bất tiện khi dắt xe ra ngoài... Đến 4 giờ 45 thì Ánh Tuyết gọi lại, bảo: "Không kịp nữa rồi. Chú Thanh Bình đã mất từ lúc 4 giờ.” Tôi lặng cả người...
Trưa hôm qua, khi xuống tầng để xe của tòa soạn, gặp đồng nghiệp Thanh Tùng (chuyên viết mảng y tế). Thấy tôi, Thanh Tùng hát liền: "Thôi rồi còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi...” Thanh Tùng nói với tôi: "Hồi trẻ nhạc sĩ Thanh Bình đẹp trai quá anh nhỉ? Cả nhà em ai cũng thích hát bài Tình Lỡ của ổng"... Ai dè, mới nhắc tên ông thì chỉ vài giờ sau là ông mất...
Một nhạc sĩ đẹp trai, tài hoa nhưng long đong lận đận, đau khổ bệnh tật đeo bám suốt đời. Có lẽ từ sau khi báo Thanh Niên phát hiện rồi viết bài về ông (Tháng Mười Một, 2013), được bạn đọc của báo Thanh Niên quan tâm giúp đỡ, rồi ca sĩ Ánh Tuyết vận động bằng hữu quyên góp cũng như làm đêm nhạc cho ông, ca sĩ Lệ Quyên cũng hưởng ứng làm đêm nhạc cho ông, rồi vài mạnh thường quân, nghệ sĩ trong và ngoài nước giúp đỡ thêm chút đỉnh… Có lẽ - chỉ được mấy tháng nay thôi - con tim cằn cỗi, bệnh tật của ông mới ấm lên đôi chút. Số tiền giúp đỡ ông, được khoảng gần 200 triệu, cũng không dám để ông ăn uống cho thỏa, mà gởi tiết kiệm, để dành... Ai ngờ lại dành để lo hậu sự cho ông. Xót xa quá...!
Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1930 tại Bắc Ninh, ông là tác giả các ca khúc: Lá Thư Về Làng, Còn Nhớ Hay Quên, Đừng Đến Rồi Đi, Tiếc Một Người, Tình Lỡ… Linh cữu của nhạc sĩ quàn tại chùa Diệu Pháp (188 Nơ Trang Long nối dài, P.13, Q. Bình Thạnh-TP.HCM). Lễ động quan lúc 9 giờ 15 ngày 25. 5.2014 (nhằm ngày 27 tháng 4 Â.L), hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Hà Đình Nguyên
Nguồn: https://dutule.com/p114a11100/ha-dinh-nguyen-tac-gia-ca-khuc-tinh-lo-nghe-vang-mua-thu-sau-lung-ta-