User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Trong bài viết này, tôi muốn bày tỏ sự trân trọng dành cho những tình khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Đó là một quý ông chinh phục tình ca bằng một cung cách lịch lãm, trang trọng. Ngô Thụy Miên – một quý ông đã mặc veston cho tình ca.
 
ngothuymien
Nhạc Sĩ Ngô Thuỵ Miên và phu nhân. (Hình: Tuổi Trẻ)
 
Ngô Thụy Miên sinh năm 1948, ông là nhạc sĩ có sự nghiệp âm nhạc thừa hưởng được những tinh hoa của một chặng dài phát triển Tân nhạc Việt Nam. Từ những thập niên 1930-1940 tạo nền, phôi thai thì đến những thập niên 1960-1970, Tân nhạc Việt Nam đã không còn là những bài nhạc điệu Tây-lời Ta đơn sơ, chắp nối nữa, mà chất Tây Phương đã len lỏi vào thẩm thấu, hòa quyện với tính Việt Nam trong kỹ năng sáng tác ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ đi sau. Nói cách khác, những thông điệp nghệ thuật của các nhạc sĩ chuyển tải vào ca khúc – càng về sau – càng có ngôn ngữ hiện đại và gần gũi hơn với thế giới (Âu, Mỹ…) bên ngoài.
 
Khi nói về người viết tình ca cũng là khi chúng ta nói về những ứng xử cảm xúc của nhân vật nghệ thuật. Theo cách nhìn nhận đó thì những hưng cảm có xu hướng nức nở, những u buồn dai dẳng của người nhạc sĩ sẽ cho ra đời những ca khúc Bolero, màu sắc ảo não.
 
Trong một xu hướng nhìn nhận khác Bolero, âm nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chủ yếu đi theo dấu tình yêu thật chậm rãi, lần theo xâu chuỗi cảm xúc lãng mạn, đề cao cái đẹp, hoàn toàn chủ động trong việc tập trung vào sáng tạo kiến trúc giai điệu và có sự tiết chế nhất định đối với việc bày tỏ sự nức nở, giảm nhẹ sự thống thiết của nỗi buồn nếu có. Nhạc sĩ đã có những thành công lớn trong âm nhạc chủ yếu ở những bản nhạc tình thể loại Ballad được hòa thanh theo xu hướng bán cổ điển (semi-classical).
 
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có hẳn hoi mấy chục ca khúc được yêu mến, tạo thành một dòng chảy, người nghe nhạc hay gọi là những Miên Khúc. Trong đó, phải kể đầu tiên là ca khúc Riêng Một Góc Trời, bài hát gắn liền với một chất giọng nam đặc biệt của ca sĩ Tuấn Ngọc. Không biết trong ca khúc này, chất giọng đặc biệt của ca sĩ Tuấn Ngọc và bản thân bài hát này thì yếu tố nào đã chắp cánh, nâng đỡ cho yếu tố còn lại. Nhưng rõ ràng, đó là một tuyệt khúc mang tính dành riêng, (dường như là) chỉ có Tuấn Ngọc hát thì bài hát mới có được một tọa độ hoàn hảo để tại đó, nghệ thuật lên ngôi:
 
Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi

Người vui bên ấy, xót xa nơi này, thương hình dáng ai
Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai
Đời như sương khói, mơ hồ, trong bóng tối
Em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi, riêng một góc trời…”
(Trích ca khúc Riêng Một Góc Trời – Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên)
 
Những Miên Khúc của Ngô Thụy Miên có được sự sang trọng trong kết cấu lẫn ca từ. Cái đẹp đó giúp nhạc sĩ có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người mộ điệu. Trong những thính phòng trang nhã, những buổi hoàng hôn rơi cùng nốt nhạc Ngô Thụy Miên, nhấp một ly vang màu, trạng thái tận hưởng đó giúp con người có cú chạm thật gần gũi và dễ chịu vào nghệ thuật.
 
Mắt Biếc của Ngô Thụy Miên là một ca khúc sau này đã được dẫn trích ở phần khai mở trong một truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đến những năm 2020 đã được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh có thành công không nhỏ:
 
“Mắt biếc năm xưa nay đâu
Bến ga tịch liêu vắng xa người yêu
Lá úa đơn côi bơ vơ
Cuốn theo chiều rơi người xa cách rồi
Dĩ vãng như bao cung tơ
Lướt theo chiều mơ kết muôn bài thơ…”
(Trích ca khúc Mắt Biếc – Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên)
 
Niệm Khúc Cuối của Ngô Thụy Miên lại có một đời sống trường cửu hơn khi nhiều năm qua, trong không biết bao nhiêu hôn lễ đã sử dụng, trong không biết bao nhiêu tình yêu đã cấu thành, bởi những lời hẹn thề. Những hẹn thề trong nhạc Trịnh Công Sơn có thể là những cơn mưa, nhưng những hẹn thề trong nhạc Ngô Thụy Miên có lẽ lại là những tia nắng (ấm áp, dịu nhẹ, không thiêu đốt, lại dễ tan lìa):
 
“Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em.
 
Dựa vai nhau cho nhau yên vui ấm áp cuộc đời
Tìm môi nhau, cho nhau rã nát, rã nát tim đau
Vừa đôi tay, ước muốn tù đầy,
Tóc rối bạc màu vết dấu tình sầu
Nhìn em, nhìn em giây phút, muốn nói yêu em…”
(Trích ca khúc Niệm Khúc Cuối – Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên)
 
Nằm trong âm hưởng tươi sáng cùng với Niệm Khúc Cuối¸ phải kể đến Mùa Thu Cho Em. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thật đậm chất galant, ông dành tặng cho đối phương cả một mùa thu ái tình:
 
“Em có nghe mùa Thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa Thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe nghe hồn Thu nói mình yêu nhau nhé
Em có hay mùa Thu mưa bay gió nhẹ
Em có hay Thu về hết dấu cô liêu…”
(Trích ca khúc Niệm Khúc Cuối – Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên)
 
Ở một khía cạnh khác, đối với những bài tình buồn, giới thưởng thức chủ yếu là tri thức trẻ ngày đó và cả cho đến bây giờ đến với âm nhạc Ngô Thụy Miên sẽ được giải thoát khỏi những đau khổ đến rạn vỡ. Dù cho có buồn đến khóc thì chỉ rơi một loại nước mắt đặc biệt, đó là một giọt nước mắt ngà mà thôi.
 
“Thôi một giọt nước mắt này
Cho cuộc tình đam mê, cho người tình trăm năm
Em về đan tóc lụa là
Kết từng chuỗi ngày buồn riêng mang.
Anh đi về dấu giáo đường
Cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao…”
(Trích ca khúc Giọt Nước Mắt Ngà – Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên)
 
Giọt nước mắt ngà ngọc, cho cuộc tình đầu, vừa buồn, vừa quý báu. Đứng ở phía người xây dựng ca khúc, có lẽ nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã dành nhiều luyến tiếc cho cái đẹp rơi xuống cùng giọt nước mắt ấy. Ca khúc trên, vì thế, cần được nhắc đến trong những bài hát tiêu biểu của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
 
Cũng có sự dịch chuyển khung khổ giai điệu cũng như gia tăng hàm lượng tâm tư chất chứa trong lời hát khá mạnh khi trong một số ca khúc, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã đẩy biên độ đau khổ xa hơn. (Nhưng chưa phải là xa nhất khi so sánh với những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc tình mơn trớn, vuốt ve, kể cả ở lại mãi mãi với sự đau khổ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn).
 
“Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn
Đường hoang vắng cho lá về nguồn
Người tìm đến xin gợi nỗi hờn.
Từ khi gió mang dấu địa đàng
Đường lên đá che vết nồng nàn
Người còn nhớ mãi hay quên lời…”
(Trích ca khúc Dấu Tình Sầu – Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên)
 
“Mưa đã rơi và nắng đã phai
trên cuộc tình yêu em ngày nào
Ta vẫn yêu hồn ta vẫn say
qua bao nhiêu năm tháng ơ thờ
Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu.
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người…”
(Trích ca khúc Bản Tình Cuối – Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên)
 
Đề cập hai bài hát có để lại màu sắc buồn bã như trên để thấy rằng, ngay cả khi trầm uất nhất, âm nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vẫn còn giữ được sự kiểm soát rất tốt về thể loại, về nội dung, không bị cảm xúc quá lấn át khi tạo tác. Ngôn ngữ âm nhạc của ông chọn lựa để trình bày nó có đặc điểm gói cảm xúc vào trong, không có tiếng thét lẫn tiếng khóc, chỉ để lộ sắc độ tàn úa mà thôi. Cho nên, dịch chuyển trong khung khổ những tình khúc buồn của Ngô Thụy Miên chưa đến mức độ nát tan của nỗi niềm như hàng loạt đồng nghiệp của mình thời bấy giờ, như Trúc Phương, như Trịnh Công Sơn. Dù sao đi nữa, dịch chuyển đó cũng đã tạo ra những điểm nhấn cần thiết cho những tình khúc Ngô Thụy Miên vốn khá mạnh về cấu trúc. Chúng đánh dấu một dấn bước khác của ông.
 
Đó là về những Miên Khúc. Sau đây chúng ta đề cập về những tình khúc mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ thơ rất thành công. Dành phần này để kết thúc bài viết, dù không liệt kê tất cả, chỉ nêu lại một bài hát phổ thơ thôi thì cũng một điều người viết đã cân nhắc. Vì nếu nói đầu tiên, biết đâu người đọc lại chỉ để tâm đến bài hát phổ thơ này mà xao nhãng đi những dấu ấn cá nhân trong những Miên Khúc cá nhân của người nhạc sĩ. Đó chắc chắn là ca khúc Áo Lụa Hà Đông.
 
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa…”
(Trích ca khúc Áo Lụa Hà Đông – Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa)
 
Lụa Hà Đông đi từ phường nghề nổi tiếng đến những cuộc thi nhan sắc đời xưa, đi vào triều đình trở thành thiên phục. Lụa Hà Đông và hình thể người phụ nữ Việt Nam tạo được một sự cộng hưởng lớn về giá trị khi ở cùng nhau. Thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên – một nhạc sĩ có xu hướng Tây học và một thi sĩ cùng xu hướng Tây học – cũng thụ sở những đắc lợi riêng như vậy khi đặt gần nhau, trong nhau.
 
Nếu chúng ta có một bảo tàng tình ca, chắc chắn những tình khúc Ngô Thụy Miên phải được bảo giữ ở những không gian trang trọng, thoảng gió, có những quầy phục vụ rượu vang, và nếu có những đôi tình nhân càng tốt. Nơi đó, âm nhạc sẽ buộc mọi thứ ở quanh im lặng, những đôi tình nhân sẽ khiêu vũ, sẽ dìu nhau, chầm chậm, nhè nhẹ, đi vào một góc trời riêng và chung.
 
Nguyễn Đăng Khoa

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com