User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
dong song me
Lên Đường – Tranh: Thanh Châu
 
Hành Phương Tây
 
Ta với ngươi hề phương Tây hành. Tóc xanh, nào phải, chỉ trời xanh! Lòng thơm? Không phải! Hương hoa cỏ. Mơ mộng… Mà ôi mộng chẳng thành!
 
Ta với ngươi hề đi lang thang. Không ai kinh ngạc người-Việt-Nam. Ai ai cũng vậy, đều lo sống. Đời ngược xuôi và… đời dọc ngang!
 
Ta với ngươi hề vào đây chơi. Mộ kia ngươi tựa tấm bia ngồi. Mộ đây… ta đọc tên người chết… hay nhỉ như là tên-họ-tôi!
 
Ta với ngươi hề đốt thuốc đi. Đốt cho bay khói tưởng đang về. Phương Đông Bất Bạt Ba Vì núi, một dải sông hiền chở bóng mây…
 
Ta với ngươi hề không thở than. Có hơi nào sót chẳng hơi tàn? Ba năm đường nhỏ lòng ngơ ngác, chí cả khác nào cọng khói tan!
 
Ba năm Mẹ già chừ ra sao? Ba năm đâu phải mới đây nào! Dốc tiền mua thẻ nhang ngồi đốt, Mạ với Ba hề đang ở đâu?
 
Ta với ngươi hề mai chia xa… Trời Tây không có một hiên nhà. Trời Nam di điểu mờ trong nắng… Mình cũng là loài di điểu, kia!
 
Trời ơi trời ơi ta và ngươi, dang tay như Chúa ngó lên trời, Ai đưa tay khép giùm con mắt, đừng thấy quê nhà nữa. Biển khơi!
Trần Vấn Lệ
 
Bài viết: Châu Thạch:
 
Đối với Châu Thạch tôi, nhà thơ Trần Vấn Lệ là bậc thầy về thơ. Không có bài thơ nào của ông mà tôi không yêu quý. Thế nhưng đã nhiều lần tính viết cảm nhận về thơ ông nhưng tôi đành buông tay. Buông tay bởi vì thơ ông dễ hiểu, không cầu kỳ, vận diệu uyển chuyển, âm ba êm ái, nhưng chính những điều đó khiến tôi không có chữ nghĩa đễ diễn đạt cho đúng, cho đủ về cái hay của mỗi bài thơ ông sáng tác.
 
Để nói về thơ Trần Vấn Lệ, tôi chỉ có cách nói chung chung, đạo một khổ thơ trong “Mùa Xuân Chín” của Hàn Mạc Tử, họa may nói được chút nào cảm nhận của tôi về thơ ông: “Tiếng thơ vắt vẻo lựng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc/Nghe ra ý vị và thơ ngây”.
 
Sáng nay, sau nhiều ngày bỏ viết vì trời quá nóng, lại thêm bận theo dõi bước đi của vị thầy kính trọng Thích Minh Tuệ, tôi lại ngồi vào bàn phím vì bài thơ “Hành Phương Tây” của Trần Vấn Lệ. Tất nhiên tôi không dám viết thành bài bản cái gọi là cảm nhận về bài thơ nầy, chớ nói chi đến chữ bình thơ. Tôi chỉ xin viết ra đây, lung tung như là trò chuyện quanh bàn cà phê, mong ai vui thì đọc giải khuây và xin đừng chê trách.
 
Đọc khổ thơ đầu tiên của “Hành Phương Tây” ta gặp ngay hai con người mà ta yêu mến vì dáng dấp nghệ sĩ, phong trần, lang thang phiêu bạt:
 
“Ta với ngươi hề phương Tây hành. Tóc xanh, nào phải, chỉ trời xanh! Lòng thơm? Không phải! Hương hoa cỏ. Mơ mộng… Mà ôi mộng chẳng thành!”
 
Đây là hai nhân vật chỉ nhìn qua thơ ta đã thấy được tâm hồn họ bao la như nền trời xanh, thơm như muôn loài hoa cỏ và họ là hai con người bất đắc chí giữa cuộc đời nầy.  Phải, họ phải là người bất đắc chí thì ta mới yêu mến họ, chớ nếu họ thành đạt thì chuyện rất bình thường, chắc không thể đưa họ vào thơ làm gì.
 
Vâng, chỉ một khổ thơ văn xuôi ngắn gọn, Trần Vấn Lệ đã giới thiệu hai con người mà ta ái mộ ngay. Ái mộ vì thấy được tâm hồn họ cao rộng, đơn sơ, thơm hương đồng cỏ nội.
 
Vào khổ thơ thứ hai, Trần Vấn Lệ đồng hóa hình ảnh hai con người nghệ sĩ lang thang với hình ảnh dân tộc Việt Nam, một dân tộc “ngược xuôi và… dọc ngang” đến nỗi không ai nhìn thấy mà kinh ngạc nữa, vì họ đã quen nhìn thấy sức sống dẻo dai của dân tộc  ấy, đã chịu đựng biết bao nhiêu là biến cố đau thương:
 
“Ta với ngươi hề đi lang thang. Không ai kinh ngạc người-Việt-Nam. Ai ai cũng vậy, đều lo sống. Đời ngược xuôi và… đời dọc ngang!”
 
Đọc khổ thơ nầy tôi nhớ ngay đến dân Do Thái với mấy ngàn năm bị lưu đày. Tôi thương cho Trần Vấn Lệ và hàng triệu người như ông, phải “Hành Phương Tây” gần suốt một đời người.
 
Khổ thơ thứ 3 hai người đi vào nghĩa địa, không phải để ngủ trong ấy như những nhà sư tu Hạnh Đầu Đà, nhưng tôi nghĩ họ cũng có chút ít tâm tình của Hạnh Đầu Đà, bởi vì vào nghĩa địa để làm chi nếu không muốn quán tưởng sự chết mà buông bỏ bớt sự đời:
 
“Ta với ngươi hề vào đây chơi. Mộ kia ngươi tựa tấm bia ngồi. Mộ đây… ta đọc tên người chết… hay nhỉ như là tên-họ-tôi!”
 
Ở hai khổ thơ tiếp theo, hai người vào nghĩa địa đốt thuốc để tưởng nhớ núi Ba Vì, họ nhìn khói thuốc bay mà nghĩ đến chí cả đời mình đã tan như khói thuốc:
 
“Ta với ngươi hề đốt thuốc đi. Đốt cho bay khói tưởng đang về. Phương Đông Bất Bạt Ba Vì núi, một dải sông hiền chở bóng mây…”
 
“Ta với ngươi hề không thở than. Có hơi nào sót chẳng hơi tàn? Ba năm đường nhỏ lòng ngơ ngác, chí cả khác nào cọng khói tan!”
 
Đọc cụm từ “Phương Đông Bất Bạt Ba Vì núi” tôi lại nhớ đến bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng có những câu thơ như sau:
 
Tôi ở thành Sơn chạy giặc về
Em từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
 
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
 
“Bất Bạt” ngày nay là một phố thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thủ đô Hà Nội, vùng đất có núi Ba Vì mà ngày xưa Quang Dũng đã đưa vào bài thơ bất hủ của mình.
 
Ngày nay, Trần Vấn Lệ quê tại Phan Thiết, sống nhiều ở Đà Lạt, vậy tại sao lại vào nghĩa địa để “Đốt cho bay khói tưởng đương về. Phương Đông Bất Bạt Ba Vì núi, một dải sông hiền chở bóng mây”?  Hỏi Trần Vấn Lệ có liên quan chi với núi Ba Vì để ông thương nhớ?
 
Ta biết “Núi Ba Vì chiếm một vị trí quan trọng, không những về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người Việt. Trong nhiều thế kỷ qua, nhiều sách vở, công trình nghiên cứu đã có một số kết luận về nền văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì.
 
Những truyền thuyết dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.
 
Cả trong chính sử như sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng dành nhiều sự chú ý đến núi Ba Vì và cho rằng “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.
 
Sau khi đọc lịch sử núi Ba Vì, ta suy diễn, và hiểu được thơ Trần Vấn Lệ:
 
Đối với nhà thơ Trần Vấn Lệ, “Phương Đông Bất Bạt Ba VÌ núi” là linh địa, là đất tổ của quê hương Việt Nam. Bài thơ nầy, nhà thơ không tâm sự cho riêng mình, mà viết cho nỗi lòng của tất cả những người đang “Hành Phương Tây” như ông, đang nhớ thương về quê hương Việt Nam yêu dấu của họ như ông.
 
Ba khổ thơ cuối cùng nói rõ thêm tấm lòng của nhà thơ Trần Vấn Lệ, tấm lòng của một người mang chí lớn không thành, nợ nước chưa xong đầu đã bạc. Tâm sự của nhà thơ bất đắc chí không khác chi tâm sự Đặng Dung:
 
“Ba năm Mẹ già chừ ra sao? Ba năm đâu phải mới đây nào! Dốc tiền mua thẻ nhang ngồi đốt, Mạ với Ba hề đang ở đâu?”
 
“Ta với ngươi hề mai chia xa… Trời Tây không có một hiên nhà. Trời Nam di điểu mờ trong nắng… Mình cũng là loài di điểu, kia!”
 
“Trời ơi trời ơi ta và ngươi, dang tay như Chúa ngó lên trời, Ai đưa tay khép giùm con mắt, đừng thấy quê nhà nữa. Biển khơi!”
 
Ba khổ thơ cuối cùng như nỗi sầu xoáy ba vòng đinh ốc, mỗi vòng mỗi cao lên và làm cho cây đinh ốc nhọn thêm. Mũi của cây đinh đâm vào tim, để tiếng sầu kêu lên giữa đời gần như tuyệt vọng: “Ai đưa tay khép giùm con mắt. đừng thấy quê nhà nữa. Biển khơi”. Vâng, dầu có ai đưa tay khép giùm con mắt thì nỗi sầu vẫn luôn còn đó, bởi vì nó không ở trên con mắt mà nằm trong con tim ta!
 
Đây là một bài thơ yêu của Trần Vấn Lệ, không phải yêu người nữ mà yêu quê hương. Bối cảnh của bài thơ là hai con người lang thang, mang dáng dấp mơ hồ của một nhà sư tu Hạnh Đầu Đà, vào nghĩa địa ngồi bên mộ bia để đốt thuốc mà tương tư, tương tư về một quê hương đã mất. Đọc bài thơ ta thấy có cái gì ngộ ngộ, nhưng từ cái ngộ ngộ đó đem đến cho ta một nỗi sầu thấm thía từ từ thấm đượm vào tim.
 
Ôi thơ Trần Vấn Lê, giá như ông cho hai chàng nghệ sĩ kia ôm thêm cái lõi nồi cơm điện, thì chắc sẽ có người quỳ khấn vái bài thơ.
 
Châu Thạch

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com