
Thứ Bảy 18 tháng 5, 2024, Bích Liên và nhóm thân hữu đã thực hiện đêm nhạc tưởng nhớ 2 năm ngày giỗ nhạc sĩ Cung Tiến (10 tháng 5 năm 2022). Khoảng 100 vị khách được mời đến dự buổi văn nghệ đáng nhớ này, đa phần là những người bạn âm nhạc. Cũng nhân dịp này, Bích Liên ký CD “Vết Chim Bay-Bích Liên- Tưởng Nhớ Cung Tiến” chị vừa hoàn thành, để gửi tặng những người yêu nhạc Cung Tiến.

MC Ysa Lê giới thiệu tiếng hát Bích Liên. Photo: Nguyễn Lập Hậu.
Nói “chương trình bắt đầu lúc 7:30 PM” ngày 18 tháng 5 có thể không chính xác. Đêm Nhạc Nhớ Cung Tiến thật ra đã bắt đầu từ một ngày trước đó, khi những người trong nhóm bạn văn nghệ NTM đến để chuẩn bị việc trang trí sân khấu, bày biện khán phòng. Tấm băng rôn vẽ theo chủ đề Vết Chim Bay dài hơn 4 thước do họa sĩ Ann Phong & KTS Hùng Lê thực hiện, được chính hai tác giả săm soi, treo lên để làm nền sân khấu. Những người khác trong nhóm phụ một tay sắp bàn ghế, cắm hoa, trang trí khán phòng. Đêm nhạc cũng có thể xem như bắt đầu từ hơn một tháng trước, khi một vài thành viên nhóm NTM tự lập ra một nhóm hợp ca mới, tự đặt tên là Cung Trầm, tự tập hát bài Thu Vàng để góp mặt trong chương trình. Nhóm thân hữu Cát Trắng cũng chuẩn bị rất công phu cho bài Hoài Cảm, được hát hợp ca rất mới lạ qua phần hòa âm của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Còn cách nào tưởng nhớ một nhạc sĩ hay hơn là hát lên những ca khúc của chính nhạc sĩ đó?

Ban Cung Trầm hát Thu Vàng. Sỹ Dự, Phương Hà, Vành Khuyên, Kim Hiếu và Nguyễn Hoàng Hà. Photo: Nguyễn Lập Hậu.
Đêm nhạc thật ra đã định hình từ cách đây hơn ba năm, khi Bích Liên nói với nhạc sĩ Cung Tiến thuở còn sinh thời về ý định hát bài Hoàng Hạc Lâu; ông hẹn hôm nào gặp nhau sẽ chỉ cho chị một số điểm cần lưu ý khi hát bài này. Vậy mà ông đã ra đi trước. Điều này càng thôi thúc Bích Liên phải thực hiện cho được CD và chương trình nhạc Cung Tiến. Hoàng Hạc Lâu là ca khúc Cung Tiến được viết theo âm hưởng ngũ cung. Trước khi hát, Bích Liên nói rằng không biết mình hát có đúng với những gì mà Cung Tiến dự định chỉ bảo hay không. Nhưng một ca khúc hay khi hát với trái tim chắc cũng sẽ hay. Và thật sự như thế. Bích Liên đã hát Hoàng Hạc Lâu theo đúng tinh thần tri kỷ. Giữa lúc khán giả im lặng thả hồn theo giai điệu thâm trầm, sâu lắng, ngoài trời buổi đêm hè đã hoàn toàn tắt nắng. Có tiếng ếch nhái vang vọng từ ngoài vườn vào, như hòa điệu với tiếng hát, làm cho giai điệu ngũ cung càng thêm trầm mặc. Những khoảnh khắc cộng hưởng âm nhạc như vậy khó lập lại thêm một lần nữa.
Đêm nhạc cũng có thể xem đã bắt đầu từ gần ba mươi năm trước, khi Bích Liên lần đầu tiên được nghe ca khúc Vết Chim Bay qua tiếng hát của ca sĩ Nguyễn Thành Vân. Chị thích lắm, nhờ Thành Vân giới thiệu với nhạc sĩ Cung Tiến để xin được hát ca khúc này. Chị kể rằng có viết một tấm check gởi cho tác giả tiền bản quyền, nhưng tấm check đó không bao giờ được người nhận rút tiền. Cũng kể từ đó, chị dành nhiều thời gian, tâm huyết để tham gia việc tổ chức các chương trình nhạc Cung Tiến tại Hoa Kỳ. Lần đầu là với nhóm Ngàn Khơi vào khoảng cuối thập niên 1990s; lần thứ nhì là năm 2010 với Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ. Càng nghe, càng hát nhạc Cung Tiến, chị càng cảm thấy gắn bó với dòng nhạc này, càng thôi thúc thực hiện một CD Cung Tiến của riêng mình.
Nguyễn Thành Vân là khách mời đặc biệt của đêm hôm đó. Anh hát lại Vết Chim Bay, và cho biết mình có lẽ là người đầu tiên hát ca khúc này. Hình như cũng là nhân duyên, anh được làm việc với nhạc sĩ Cung Tiến từ rất sớm, thường được ông giao cho hát những ca khúc mới sáng tác ở Mỹ. Vì lý do sức khỏe, đã gần 20 năm anh không trình diễn trên sân khấu nào. Lần này, vì yêu quí nhạc sĩ Cung Tiến và chị Bích Liên, anh nhận lời “xuống núi” tham gia chương trình. Vậy mà khi anh hát chung ca khúc Đường Hoa (thơ Quang Dũng) với chị Bích Liên, nhiều khán giả nghĩ rằng họ vẫn thường xuyên song ca với nhau. Sự ăn ý không mất đi theo năm tháng có lẽ là do cả hai có một mẫu số chung: yêu nhạc Cung Tiến.
Chương trình nhạc được chia làm hai phần. Phần đầu là các ca khúc sử dụng đúng phần hòa âm bán cổ điển do chính tác giả viết cho phần nhạc đệm qua tiếng đàn dương cầm của Đỗ Bằng Lăng, keyboard và kèn Trumpet James Sherry, và tiếng sáo Woodwinds Damian Nguyễn. Phần thứ hai là các ca khúc với phần hòa âm theo thể loại nhạc “pop” và tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Sỹ Dự, cùng tiếng vĩ cầm phụ họa của nhạc sĩ Hoàng Công Luận. Trong phần đầu, nhiều người yêu mến nhạc Cung Tiến từ trước 1975 nhận ra nhiều ca khúc mình chưa bao giờ được nghe. Lý do là vì những ca khúc này chưa từng được thâu âm bởi những ca sĩ chuyên nghiệp. Có thể giải thích lý do của sự ít được phổ biến này bằng bức họa “The Old Guitarist” của Picasso mà Cung Tiến dùng làm bìa cho tập ca khúc duy nhất của mình trước 1975. Picasso là danh họa nổi tiếng vào bậc nhất của thế kỷ 20, là người đồng sáng lập trường phái Lập Thể. Dù biết là ông nổi tiếng, là thiên tài, nhưng nhiều người vẫn phải công nhận rằng mình chưa thể thưởng thức, hiểu trọn vẹn tranh của Picasso.
Trong âm nhạc, Cung Tiến cũng thế. Ông chịu ảnh hưởng nhiều bởi nền âm nhạc cổ điển Tây Phương. Sau những sáng tác đầu tay, ông nghiêng về khuynh hướng tân cổ điển. Nếu Hoàng Hạc Lâu làm gợi nhớ đến tuyệt phẩm Clair De Lune của Claude Debussy, thì Đêm, Khói Hồ Bay, Thuở Làm Thơ Yêu Em… sẽ làm người nghe liên tưởng đến những giai điệu phá cách, mới mẻ của Maurice Ravel, Igor Stravinsky, Dmitri Shostakovich… Trong thời đại âm nhạc cổ điển đi tìm con đường mới, những tác giả này vượt qua những khuôn mẫu bình thường để tự khám phá biên giới mới của nhạc cổ điển. Cung Tiến cũng vậy. Sau khi đã làm khán giả say mê với những ca khúc cổ điển như Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Mặt Biếc, Lệ Đá Xanh… ông bắt đầu khám phá chính mình trong những giai điệu trừu tượng, mới mẻ hơn.
Khi đi tìm cái mới, người nhạc sĩ sẵn sàng bỏ qua thị hiếu chung của quần chúng khán giả. Với những ca khúc như vậy, người nghe, người hát nhạc của ông càng kén hơn, thu hẹp hơn. Nhưng chắc chắn những người này cũng có niềm đam mê đi tìm cái mới trong âm nhạc giống như Cung Tiến. Trong số đó có Bích Liên. Chị không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng luyện giọng nghiêm chỉnh, luôn có tính cầu toàn, thích khám phá... Giọng chị xưa nay nổi tiếng là vững kỹ thuật, từ luyến láy, cách “nhả chữ”, cho đến “dynamics” của câu nhạc, chị nắm rất vững và thực hiện điêu luyện trên cả chuyên nghiệp. Đêm tháng Năm nhớ người nhạc sĩ, với tâm hồn bỏ hết vào cung bậc mình yêu mến, chị hát như xuất thần, âm giọng nhờ đó đầy chất thơ, một điều mà người không am hiểu và yêu mến nhạc Cung Tiến sẽ không thể làm nổi.
Người hát cảm nhận được, thì cũng sẽ có người đàn đồng cảm. Trong phần đầu, phần đệm nhạc được trình bày bởi những ngón đàn tài tình của Bằng Lăng, James Sherry, và Damian Nguyễn. Nhiều khán giả nói rằng ban tam tấu này giống như được lập riêng cho nhạc Cung Tiến vậy, chưa bao giờ được nghe phần đệm đàn hay thần sầu đến thế! Ban nhạc hay, hẳn rồi, nhưng điều quý giá hơn nữa tạo nên sự khác biệt ở đây là toàn phần I của chương trình được ban tam tấu của Bằng Lăng chơi theo sát hòa âm chặt chẽ được chính nhạc sĩ Cung Tiến biên soạn như một phần tác phẩm của mình.
Có người hát, người đàn đồng cảm thì cũng sẽ có người nghe cùng tần số. Nhiều khán giả nói rằng những ca khúc mới này của Cung Tiến càng nghe càng thấy thấm. Bích Liên hy vọng qua việc phổ biến CD Vết Chim Bay, sẽ ngày càng có nhiều người nghe, người hát những ca khúc ít phổ biến của Cung Tiến hơn.
Khách mời còn có Thu Vàng, một giọng hát rất phù hợp với phong cách quí phái của nhạc Cung Tiến. Nghệ danh Thu Vàng là vì từ thuở nhỏ, chị đã mê và thường xuyên trình diễn bài Thu Vàng. Chị dễ dàng chinh phục khán giả với hai ca khúc lãng mạn vào bậc nhất của Cung Tiến là Lệ Đá Xanh và Mắt Biếc.
Một vị khách mời đặc biệt được trân trọng và ngưỡng mộ là tiếng hát không xa lạ: Khánh Ly -“Nữ Hoàng Tango” hát Bản Tango Cuối, bài tình ca sau cùng được Cung Tiến sáng tác vào năm 1976. Khánh Ly đã “khớp” thật sự khi đứng trước nhóm khán thính giả mà theo bà là “rất khó tính”, nên đã không kịp bắt vào bài hát. Bà hài hước xin lỗi khán giả, nói rằng “Khánh Ly đứng đây đã là Khánh Ly 80 chứ không phải 30” của nửa thế kỷ trước. Nhưng tình yêu dành cho âm nhạc thì không có tuổi. Khi đã hòa nhịp theo tiếng dương cầm du dương của Sỹ Dự, theo tiếng vĩ cầm réo rắt của Hoàng Công Luận, “Nữ Hoàng Tango” ngay lập tức đưa khán giả vào giai điệu tango rạo rực, quyến rũ, tình tứ muôn thuở. Một khán giả khi bắt được câu hát: “…Ôm nhau giữa đêm này, mà lòng đã nhớ nhau những ngày…” đã liên tưởng ngay đến câu thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, một người bạn cố tri của Cung Tiến: “…ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới…” Người xưa yêu nhau sao mà đẹp lạ lùng, sao mà lãng mạn kỳ lạ…
Đêm nhạc có sự hiện diện đặc biệt của phu nhân nhạc sĩ Cung Tiến là bà Josee Cung và con trai Raphael Cung, cùng các anh chị em của Ông và Bà. Bích Liên đã gởi lời cảm ơn gia đình cố nhạc sĩ đã cho phép và khuyến khích chị thực hiện CD Vết Chim Bay. Chị cho biết thực hiện CD trong gần hai năm trời. Trong CD này, người nghe sẽ lại được thấy một Bích Liên cầu toàn trong âm nhạc Cung Tiến, giống như chị đã từng làm với CD Tạ Ơn Đời để tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy. Từng nốt nhạc, từng lời ca, từng câu hát đều được nâng niu, trân trọng. Chị nói CD này như là một nén hương thắp lên để tưởng nhớ người nhạc sĩ. Là một người luôn hướng đến sự toàn bích của âm nhạc, ở một thế giới xa xôi nào đó, chắc hẳn nhạc sĩ Cung Tiến sẽ cảm nhận được tấm lòng tri kỷ.
Mỗi khán giả đều được tặng một CD đem về. Ban tổ chức còn nhắc nếu biết có ai cũng yêu quí nhạc Cung Tiến, Bích Liên sẽ sẵn sàng ký tặng.
Đêm Nhớ Cung Tiến kết thúc gần như hoàn hảo trong tình thân âm nhạc. Một số khán giả ra về với lời cảm ơn ban tổ chức đã đưa mọi người đến với nhau trong một chương trình nhạc hiếm hoi thế này. Đối với những tâm hồn yêu âm nhạc nghệ thuật, đêm tháng Năm nghe nhạc hay, gặp bạn hữu cùng nâng ly tưởng nhớ về một “Vết Chim Bay” có lẽ là tạm “đủ” để thấy cuộc đời vẫn êm như tiếng hát của lứa đôi…
Doãn Hưng
* Trích từ câu: "Đêm ngời men nhớ nhạc tê ngời thuở xưa”, Nguyệt Cầm.
Nguồn: https://vietbao.com/a319072/tuong-nho-nhac-si-cung-tien-voi-bich-lien-va-than-huu-dem-ngoi-men-nho-