
Cầm trên tay tập thơ “Thơ Hai Dòng & Cỏ Biếc” của anh Trần Hoàng Vy gởi tặng mà thấy vui chi lạ. Tập thơ đẹp, trang nhã và tươi rói như còn thơm mùi mực. Tập thơ dày 148, được ấn hành bởi nhà xuất bản Nhân Ảnh, tháng 4/2024.
Trần Hoàng Vy là một cây bút sung sức, viết từ lứa tuổi học sinh-sinh viên của thời VNCH. Anh từng cộng tác viết bài cho các báo thời ấy như: Tin Sáng, Sóng Thần, Điện Tín, Văn Học, Phương Đông… Sau 1975 anh vẫn tiếp tục viết, miệt mài viết và viết ra đến hải ngoại. Bài của anh đăng trên: Trẻ, Việt Báo, Người Việt… và các trang mạng như: New Viet Art, Văn Chươgn Việt, T-Vấn… Anh viết đủ các đề tài từ văn, thơ, tiểu luận, tạp văn… và viết cho nhiều đối tượng từ thiếu nhi, tuổi mới lớn, người lớn, tôn giáo... Với tập thơ “Thơ Hai Dòng & Cỏ Biếc” là tác phẩm thứ 20 của anh.
Cảm nhận đầu tiên của tôi về tập thơ “Thơ Hai Dòng & Cỏ Biếc” là thơ anh bình dị, dễ thương, nhẹ nhàng… như lời tình tự, tự sự. Anh làm thơ một cách tự nhiên như hơi thở, như ăn cơm uống nước. Thơ anh trong sáng, dễ hiểu, gần gũi với đời sống. Tuyệt nhiên không thấy những vấn đề “vĩ đại”, không dùng đao to búa lớn, không sử dụng những thuật ngữ triết học để khoe mẽ, không dùng kiểu cách làm màu hay thủ pháp làm ra vẻ “tân thời”, không xài nhiều từ Hán-Việt… Bởi vậy dòng thơ của anh cứ róc rách chảy như nước suối mát trong.
Thơ hai dòng, thoạt xem qua tưởng nhạt nhưng đọc hết sẽ thấy thú vị, tuy hai dòng, ít chữ nhưng gói gọn nội dung cần nói, ý nghĩa đủ đầy. Có thể xem thơ hai dòng như là một “Haiku Việt” vậy.
Rằng thưa người ở trời Tây
Mới về. Khách lạ? Chỗ nầy quê hương!…
Người về từ trời Tây về là khách ư? Không đâu! Chẳng phải mới về mà “về” đã lâu! Quê hương chính ở chỗ nầy! Tự hỏi lòng mình: “Mình là khách ư?”. Mình sống xa quê, nhớ quê nhưng ngạn ngữ Tây phương cũng có câu: “Home is where heart is”. Chính chỗ này là quê nhưng trong tâm hồn vẫn phảng phất: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị”. Mình là con người mà, hơn nữa là một thi sĩ thì cái tình, cái nhạy cảm còn nhạy hơn những người ít dụng đến chữ nghĩa văn chương.
Mưa chiều ướt giậu mồng tơi
Làm loang mực tím một trời tuổi thơ!…
Tứ thơ thì không mới, hình ảnh cũng được nhiều người sử dụng, tuy nhiên đọc lên vẫn cảm nhận được cả “một trời tuổi thơ”, một thời mực tím tuổi học trò. Trong nước có tờ báo “Mực Tím” được giới học sinh yêu thích vô cùng.
Rời ru neo giữa đêm dài
Mẹ và cánh võng thức hoài à ơi!…
Mẹ và cánh võng thức hoài à ơi!…
Đọc lên tự nhiên thấy hình bóng mẹ yêu thương, nào đâu mẹ của anh, mẹ của tất cả những người Việt Nam. Ai cũng có một bà mẹ từng hát ru à ơi. Cánh võng đu đưa đã đưa ta từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành. Hai dòng thôi, cần chi nhiều hơn nữa, nhiêu đó đủ để nhớ thương mẹ ngập lòng.
Ta là hạt bụi ngàn năm. Độ
Rơi xuống trần, gặp hoa. Làm thơ!
Người bên giáo đều tin ta là cát bụi, cát bụi sẽ trở về cát bụi. Nhạc Việt cũng có lời ca: “ta là cát bụi, xin người nhớ cho”. Từ hạt bụi ngàn năm lại tái sanh làm người mà là người thơ để rồi gặp hoa và lại làm thơ. Hạt bụi rơi xuống trần, tự dưng tôi liên tưởng để những thi sĩ xa xưa từng tự ví hay được ví là “Trích Tiên”, là những vị bị đày xuống trần gian để rồi vẫn tiếp tục làm thơ, yêu thơ… và để rồi:
Những phút linh thiêng cầm thơ đứng đợi
Có từ nào rơi rụng hóa thành sao?
Có từ nào rơi rụng hóa thành sao?
Trời ơi, yêu thơ, mê thơ đến thế là cùng. Những phút ấy linh thiêng như thể một tín đồ đang tán dương ca tụng bậc thánh thần nào đó vậy! Và từ ngữ thơ rơi rụng hóa thành sao. Ca ngợi thơ, trân trọng thơ đến như vậy là nhất rồi!
Trần Hoàng Vy đi qua bao nhiêu địa phương từ trong nước ra hải ngoại, dĩ nhiên những vùng đất đi qua đều để lại ít nhiều kỷ niệm trong tâm hồn và điều ấy trút cả vào thơ
Hãy cứ nón bài thơ xứ Huế
Áo tím chiều Đại nội bay bay
Cho đến
Kontum em,
Kontum em,
Độ xuân thì
Trước hết thì anh là người con xứ Quảng, quê hương của núi Ấn sông Trà. Dù anh đã vào Nam từ lâu nhưng tình cảm dành cho đồng hương vẫn rất mặn nồng
Chủ xe mì gõ người Châu Ổ
Tôi nghe giọng em khua suốt hẻm sâu
Đồng cảm với nỗi vất vả mưu sinh của những người con xứ Quảng ở Sài Gòn. Trên giải đất chữ S Việt Nam, đâu đâu cũng có người cùng khổ, đói nghèo. Những người vì đói nghèo mà lưu lạc tha phương cầu thực thì càng đau thương hơn. Anh viết bài thơ này có lẽ đã hơn một lần nghe tiếng rao mì gõ trong đêm khuya.
Vàm Cỏ Đông. Vàm Cỏ ngày tím
Lục bình mùa tụ hội
Sinh sôi
Chợt câu hát nghe tím lịm
“Anh đi anh nhớ sông Trà”
Quê hương trong anh thật khó xóa nhòa, đi đâu, ở đâu cũng nhớ quê. Lại thêm một bài thơ về Châu Ổ
Xa thật rồi Châu Ổ
Nào có châu báu gì mang theo, một hồn quê mộc mạc
Tôi nhớ có một câu danh ngôn (quên tên tác giả), đại khái ý chính nói: Có thể rứt một con người ra khỏi quê hương chứ không thể rứt quê hương ra khỏi trái tim con người.
Trần Hoàng Vy là minh chứng trong nhiều minh chứng vậy! Hồn quê mộc mạc nhưng còn hơn châu báu, ra đi mang theo hồn quê, đi đâu cũng nhớ về quê hương, nhớ giọng nói quê: “Boác mua gì không boác?”, nhớ đặc sản “Cá bống sông Trà kho tiêu”, nhớ “kẹo mạch nha, đường phổi, đường phèn…
Khi ra hải ngoại, dù ở xóm Lạch Cầu (chữ của anh) hay ở Đồng Xuân (Springfield) thì quê hương vẫn đau đáu trong tâm tưởng. Nghe mưa mà ngỡ tiếng thì thào quê xa
Ta vừa tỉnh giấc chiêm bao
Tiếng mưa như tiếng thì thào quê xa
Tiếng mưa như tiếng thì thào quê xa
Những chiều mưa ôi nhớ nhà đến tím cả hoàng hôn, Xóm Lạch Cầu, Texas, Cali, Florida… xứ này giàu sang, hiện đại, bao la… nhưng anh vẫn nhớ lắm Châu Ổ, Hương Giang, Vàm Cỏ, Nhơn Trạch, Lái Thiêu, Sài Gòn... Quê hương không chỉ là đất, không chỉ là nơi sinh ra lớn lên. Quê hương cũng chính là mẹ, là cha
Cha giờ sương khói quê xa
Còn thương núi Ấn, sông Trà đậm sâu
Bài thơ Cỏ Biếc cũng là tên của tập thơ, có lẽ anh rất yêu bài thơ này. Chữ biếc này khó diễn dịch cũng giống như mắt biếc. Ở đây không hẳn là màu sắc mà là cái gì đó ngây thơ, trong trắng, sâu lắng tận đáy lòng
Cỏ của xanh xưa, ngày hoa trắng
Ta quá thì xuân mỏi bước chiều
Vun cánh, nhặt hơi tìm hương cũ
Nghe quanh mình cỏ biếc đang yêu
Tình yêu không có tuổi, sá gì chuyện quá xuân thì, dù có mỏi bước chiều nhưng vẫn tìm nhặt hương cũ, để rồi biết cỏ biếc đang yêu. Cỏ nào đây? Chỉ là cách nói ngụ ý tỏ tình. Ta có qua xuân thì nhưng cỏ biếc của xanh xưa vẫn trong tâm hồn, vẫn mãi một thời hoa trắng. Để rồi
Vắt bên trời trong veo tiếng hạc
Thu đã rằm. Cỏ biếc long lanh
Trong tập thơ còn có một số bài thơ có chất thiền, tuy nhiên thiền ở đây cũng rất gần gũi và dân dã như đời thường, khác với cái thiền “cao siêu” của các vị thiền sư.
Tập tàng, rau nấu canh suông
Ngồi canh lửa héo, vẽ tuồng, bôi râu
Ngồi canh lửa héo, vẽ tuồng, bôi râu
Chợt thiền, bướm hóa thành sâu
Cỏ vô tư hát, vườn sầu Nam ai
Chỉ bốn câu nhưng thâu tóm thật nhều trong ấy, vừa có canh rau tập tàng dân dã nhà quê, vừa có vẽ mặt hát tuồng, lại có cả một chút hơi hướm Trang Châu khi “bướm hóa thành sâu” cái vòng tử – sanh, tái sinh bất tận. Kết lại thì một khúc sầu Nam ai.
Kết thúc tập thơ là là một khổ thơ mang chữ của Tâm Kinh
Xòe tay, sắc sắc, không không
Dấu chân quê cũ phiêu bồng xứ xa
Dấu chân quê cũ phiêu bồng xứ xa
Không cần phải luận bàn “sắc không” mà chi, xòe tay ra đủ thấy “sắc không” như thế nào thì tự mỗi người nhận biết. Bàn tay xòe ra che không hết dấu chân phiêu bồng xa xứ người ơi!
Hiền Nguyễn
Ất Lăng thành, 0424