User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ngothevinhnmtrinh
 
(Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Little Saigon tháng 1 năm 1996)
 
NMT: Sự sụp đổ của chính quyền năm 75 tại Nam Việt Nam đã có ảnh hưởng nào trong đời sống thực và đời sống văn chương của anh?
 
NTV: Từ những cuối năm 60, tôi đã không có ảo tưởng nào về một dứt điểm bằng sự thắng trận của miền Nam. Không phải vì một đối phương quá mạnh mà là sự suy yếu do quá trình tự hủy của xã hội miền Nam. Ngay từ trang đầu tiên của cuốn Vòng Đai Xanh tôi đã có ngay một nhận định về cuộc chiến tranh Việt Nam lúc đó, rằng “khi người Mỹ đã bước qua giai đoạn cố vấn thì ai cũng hiểu rằng đây là một cuộc chiến tranh của họ, một cuộc chiến được nuôi dưỡng và giải quyết theo quan điểm quyền lợi của nước Mỹ.” Tuy nhiên tôi không thể không bàng hoàng về tấm thảm kịch sụp đổ mau chóng của cả miền Nam khi vẫn còn một triệu quân tại ngũ với vững tay súng.
 
Tôi đã chọn ở lại, để rồi chứng kiến những ngày cuối cùng của những người lính. Thảm kịch không phải trận chiến cuối cùng đã bị thua, nhưng chính là cái nhục và nỗi thất vọng ê chề của những người lính về sự hèn nhát của cấp chỉ huy và giới lãnh đạo của họ. Cũng may mà cuộc chiến ấy đã chấm dứt sớm hơn; bởi nếu kéo dài thêm, chết chóc và tàn phá thêm thì cái kết thúc cũng không thể khác hơn được với phẩm chất của giới lãnh đạo như vậy.
 
Chia sẻ nỗi khổ với người lính trong chiến trận, chứng kiến nỗi nhục của họ sau đó, giữa một đám người thắng trận nhếch nhác và chẳng hơn gì... Từ đó tôi nhìn tấm thảm kịch trên cả hai miền đất nước. Sống sót qua cơn địa chấn ấy, bảo làm sao mà không có dấu hằn trên cuộc sống thực và cả văn chương?
 
NMT: Anh là một người lính viết văn. Có người nhận xét rằng anh không viết với đời sống quân ngũ đơn thuần mà chính ở đó là một cái cớ để anh có thể đề cập đến những vấn đề khác, phức tạp hơn có tính cách chiến lược hơn... Theo anh nhận xét ấy có chính xác không?
 
NTV: Tôi chưa bao giờ nhân danh là một người lính viết văn. Đời sống quân ngũ đối với tôi có ý nghĩa như một hoàn cảnh. Nếu có viết về những hoàn cảnh đó tôi cũng không dừng lại ở đời sống quân đội đơn thuần của những mảnh đời người lính, không phải là không phong phú nhưng đúng như anh nhận xét đó chỉ là cái cớ giúp tôi có một cái nhìn toàn cảnh, của những vấn đề phức tạp khác, đôi khi tưởng như rất rời rạc và tự phát nhưng thực ra lại rất kết hợp trong mối tương quan nhân quả của vận động lịch có tính cách quy luật và chiến lược...
 
NMT: Trong cuộc chiến tranh anh phải chịu nhiều gian lao và lang thang hết từ chiến trường này tới chiến trường khác. Thế mà chất phẫn nộ được ít thấy. Ngay cả khi anh viết một bài báo nói lên tâm sự của người lính trận lạc lõng trong thành phố giữa những cuộc xáo trộn chính trị của quốc gia. Anh cho biết tại sao?
 
NTV: Khi đã chọn lựa, tôi không coi đó là những gian lao khổ cực. Nếu có thì cũng không thấm gì với những nỗi khổ cực của những người lính trong chiến tranh và ngay cả sau chiến tranh, cùng với những hậu quả tang thương đã reo rắc trên gia đình họ. Phải sống trong dài đẵng những chịu đựng gian khổ, cả hy sinh chết chóc trong chiến tranh để phải chứng kiến một xã hội đầy rẫy bất công, ai mà chẳng phẫn nộ. Chỉ có khác nhau ở phong cách biểu lộ. Những ngày phép của người lính khi trở về thành phố, hình như được nhắc tới và diễn tả khá nhiều trong văn chương miền Nam trước đây: trong phòng trà rạp hát, thường xảy ra cái cảnh anh ca sĩ hay kép hát bị lôi ra khỏi sân khấu bị hành hung chỉ vì anh ấy dám mặc đồ rằn ri hát bài ca của lính mà trong khi anh ta lại trốn quân dịch, vân vân và vân vân... Tôi hiểu được và rất cảm thông với những người lính phẫn nộ ấy nhưng theo tôi thì anh kép hát kia cũng chỉ là nạn nhân. Cách phản ứng mang vẻ phẫn nộ của những người lính ấy mà tâm lý học gọi là displacement, phản ứng sai chỗ. Thay vì giận cá là cái xã hội bất công, anh kép hát trốn quân dịch kia bỗng trở thành cái thớt để phải chịu những nhát chém. Tôi không bênh vực nhưng cũng không phải là nhà đạo đức để lên án họ, nhưng là người cầm bút tôi muốn đi tìm những nguyên nhân ẩn tàng thay vì cảm tính. Anh bảo chất phẫn nộ ít thấy nơi tôi nhưng thực ra có chứ, chỉ có khác ở cách biểu tỏ, và cũng như bao giờ, tôi không ở cả hai phía của sự cực đoan. Ngay khi còn rất trẻ, mới bắt đầu cầm bút, làm phóng viên của một tờ báo sinh viên, tôi vẫn giữ sự chừng mực của những dòng chữ viết.
 
NMT: Trước 75 anh đã bị ra tòa vì một bài báo. Việc ấy xảy ra thế nào? Anh có thể kể lại cho độc giả?
 
NTV: Như anh biết, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù là một đơn vị tổng trừ bị mà địa bàn hoạt động chính là núi rừng cao nguyên, nhưng họ cũng lại tỏ ra rất xuất sắc với các trận đánh trong thành phố như ở Cây Thị Cây Quéo hồi Tết Mậu Thân. Có lẽ vì lý do đó mà năm 71 Trung Ương muốn đưa đơn vị thiện chiến này từ cao nguyên về Sài Gòn để đương đầu với các cuộc biểu tình dắt dây kéo dài trong thành phố.
 
Tôi nhớ lại thì lúc đó cũng là thời gian các toán Biệt Cách Thám sát phát hiện ra con đường mòn Hồ Chí Minh rộng như một xa lộ vận chuyển ngày đêm chạy suốt tới vùng Tam Biên. Nó đã như mũi dao nhọn đâm vào cổ vùng địa đầu chiến lược cao nguyên lúc bấy giờ. Từ Phủ Tổng Thống xuống đến bộ Tổng Tham Mưu, không thể không biết sự kiện này.
 
Cũng mở một dấu ngoặc: cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu được tại sao, lúc ấy đã không có một nỗ lực nào, kể cả phía người Mỹ với thừa thãi B52 nhằm thanh toán mục tiêu chiến lược ấy.
 
Liên Đoàn 81 BCD được gọi về Sài Gòn trong bối cảnh ấy. Thay vì là rừng xanh, những người lính dũng cảm bị cầm chân ở trong sân Tao Đàn, phía sau phủ Tổng Thống, bên hông hội Kỵ Mã. Họ bơ vơ lạc lõng, như những con thú hoang về thành. Họ được giao cho mặt nạ lưỡi lê cắt xé đàn áp những cuộc biểu tình. Nhưng trong đám biểu tình ấy họ là ai: có thể là những thanh niên sinh viên lý tưởng hăng say, đám cô nhi quả phụ đói khổ hay chính những thương phế binh -- những người anh em què cụt đã từng cầm súng sát cánh với họ chiến đấu.
 
Trấn đóng giữa trái tim Sài Gòn, chìm khuất giữa những buildings cao dập dìu đĩ điếm, nằm kế bên hội Kỵ Mã lúc nào cũng nhởn nhơ những con ngựa giống với từng bờ mông láng nhẫy. Bỗng những người lính ý thức được rằng, trên đời này không phải chỉ có cuộc chiến tranh buồn thảm làm họ điêu đứng, mà hơn thế nữa ngay giữa quê hương này, chỉ ngay bên kia vòng rào vẫn còn một xã hội trên cao, lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc. Cái thế giới khác xa họ, chỉ có ngào ngạt hương thơm và hưởng thụ thừa mứa. Của một đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến tranh ấy.
 
Mặt Trận Ở Sài Gòn là tên một truyện ngắn viết trong bối cảnh ấy với phần kết là giây phút phản tỉnh của người lính với ý thức rằng ngoài cái chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến mỏi mệt hơn - đó là cảnh thối nát bất công của xã hội. Rằng không phải ở chốn biên cương xa xôi mà chiến trường thách đố của họ là ngay ở Sài Gòn.
 
Truyện ngắn ấy đăng trên tập san Trình Bày số 34 và dĩ nhiên báo bị tịch thu. Tác giả và chủ báo bị truy tố ra toà vì tội danh làm lũng đoạn tinh thần quân đội và làm lợi cho cộng sản. Lúc đó tôi đang cùng đơn vị trở lại hành quân trên cao nguyên. Tôi nhận được trát tòa về Sài Gòn, đứng trước vành móng ngựa trong quân phục như một bị can. Dù với đủ nghi thức của chốn pháp đình nhưng tôi thấy mình đang ở trong một vở kịch mà các diễn viên từ ông chánh án tới công tố viên, không ai còn tin gì ở vai trò của mình. Báo chí theo dõi vụ án kể cả báo quân đội, với các bản tin và bài bình luận. Đưa tới cái tình cảnh đảo ngược, trước dư luận phía khởi tố là bộ Nội Vụ nay trở thành bị can. Rồi chính quyền lúc đó cũng thấy chẳng có lợi gì để kéo dài thêm cái trò chơi giả dân chủ đó nên vụ án kết thúc nhanh chóng bằng bản án treo cho người viết và một số tiền phạt lớn đối với tờ báo.
 
NMT: Thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa có kiểm duyệt và có biện pháp cứng rắn với báo chí ấn loát phẩm. Với chính quyền cộng sản còn chặt chẽ và tàn bạo hơn nữa. Vậy hỏi anh, bây giờ ở hải ngoại thì sao? Có sự kiểm duyệt nào không chính thức nhưng rất ảnh hưởng như nhiều nhà văn đề cập đến?
 
NTV: Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên về câu hỏi này, có một chế độ kiểm duyệt ở hải ngoại sao? Nhưng rồi tôi hiểu ý anh, rằng tuy sống ở một xứ sở tự do nhưng người cầm bút vẫn phải thường xuyên chịu áp lực của đám đông, của những người đồng hương tỵ nạn ở bên này. Cực đoan thì áp lực ấy là súng đạn dập tắt ngay tiếng nói của người cầm bút. Ít bạo động hơn thì là những bài báo, bài phát thanh phê bình nặng nề, gán ghép cho màu sắc chính trị và tệ hơn nữa là thái độ chụp mũ xô người viết về phía bên kia... Nhưng theo tôi, nếu tin tưởng ở điều mình viết, tin ở lẽ phải với một cái tâm lành, không ác ý hại ai, thì tại sao phải sợ và chịu ảnh hưởng. Và có để cho bị ảnh hưởng hay không là do nơi khí phách của nhà văn.
 
Nhìn vào sinh hoạt báo chí Việt ở hải ngoại, thực tế vẫn có những hình thái kiểm duyệt tinh vi. Một là qua ảnh hưởng liên hệ tới sự sống còn của tờ báo: cắt và không cho quảng cáo. Đe dọa ấy là có thật khi nó phát xuất từ những tập đoàn có thế lực về tài chánh kinh tế. Nhưng không phải chỉ có trong phạm vi cộng đồng non trẻ Việt Nam mà ngay cả giới truyền thông Mỹ cũng không thoát được sự chi phối của các thế lực tư bản. Hai là độc quyền nắm lấy tờ báo chỉ để phổ biến những bài và quan điểm của riêng mình, nhân danh tự do dân chủ nhưng lại giành độc quyền chỉ trích và đồng thời ngăn chặn không chấp nhận đối thoại từ mộr tiếng nói khác trên cơ quan ngôn luận của mình.
 
Trong cuộc sống, ngay giữa xã hội Mỹ tưởng là tự do nhất, lựa chọn một thái độ nào cũng có cái giá phải trả của nó. Tôi suy nghĩ nhiều về trường hợp một Phan Nhật Nam, một Như Phong, một Doãn Quốc Sỹ... với một quá khứ rất dầy, tranh đấu trong tù đầy trung bình không ai dưới 10 năm, nếu chết trong tù họ có thể được vinh danh như anh hùng, nhưng chẳng may - chữ của nhà văn Thảo Trường, họ sống sót ra được tới ngoài, họ cũng dễ dàng bị vùi dập như bất cứ ai nếu như phát biểu của họ không rập khuôn như một số người ở bên ngoài mong muốn.
 
Không còn rõ ràng trắng và đen như khi ở trong tù, ra ngoài bước vào một vùng xám giữa những tiếng hoan hô và đả đảo, chặng đường đi tới của họ bỗng trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều... Và như vậy không bao giờ và ở đâu có một chỗ trú ẩn an toàn cho người cầm bút. Một nhà văn khi lựa chọn một thái độ, ở hoàn cảnh nào cũng vẫn là một thử thách.
 
NMT: Tới bây giờ lằn ranh quốc cộng vẫn còn hiện hữu ở một số người trong suy nghĩ và hành động. Riêng anh thì sao? Có khi nào anh có cảm tưởng mình là một loài chim báo bão, với linh cảm đi trước thời gian về một số biến cố bi thảm cho dân tộc chúng ta?
 
NTV: Anh muốn nói tới lằn ranh nào: sông Bến Hải, vĩ tuyến 38 hay bức tường Bá Linh? Có thực sự còn một chế độ cộng sản giáo điều hay chỉ là một chế độ độc tài quan liêu tại Việt Nam hiện nay. Chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung, mô thức tư bản cũng chẳng phải là mẫu mực cho một Việt Nam bước vào ngưỡng cửa thế kỷ 21. Nhìn về những con rồng Á châu, Đài Loan, Nam Hàn, Tân Gia ba... mô thức nào gần gũi với Việt Nam nhất? Có một lằn ranh rất rõ giữa dân chủ và độc tài, phải kể cả thứ độc tài của những người tự nhận là quốc gia nhưng xem ra không kém tính bạo động so với người cộng sản trước đây. Người cầm bút không đứng về phía nào của làn ranh giả tạo ấy, họ hướng về tương lai, nếu không được là tiên tri thì họ cũng không phải là sức cản cắt xé những giấc mơ Việt Nam.
 
NMT: Viết văn anh có nghĩ mình đứng phía bên này chống đối phía bên kia không? Nhà văn còn phải là nhà chiến sĩ, có phải?
 
NTV: Tôi thích câu nói bình dị gần như mộc mạc của Hoàng Khởi Phong phát biểu trong cuộc phỏng vấn của anh ở báo Thế kỷ 21: Nhà văn nhiêu đó đủ rồi. Không cần phải gắn thêm một nhãn hiệu hay bất cứ cụm từ nào khác cho người cầm bút. Các cuộc tranh cãi tốn nhiều giấy mực: vị nghệ thuật hay nhân sinh, dấn thân hay viễn mơ... đều có tính khiên cưỡng và cũng không giúp gì cho cả người viết lẫn người đọc. Từ những giòng chữ viết ra, dù muốn hay không cũng được hiểu như là thái độ lựa chọn của nhà văn, mà sự độc lập và tự do là yếu tính và đồng thời cũng là nhân cách của người cầm bút.
 
NMT: Anh nghĩ gì về giao lưu văn hóa? Một chiều, hai chiều? ở bây giờ và trong tương lai?
 
NTV: Một chiều hay hai chiều, chúng ta không cần tới những viên cảnh sát giao thông ấy ở cả hai phía. Yếu tính văn học nghệ thuật là sự tự do cho nên mọi hạn chế từ bất cứ phía nào cũng đáng bị lên án. Cho xuất bản ở hải ngoại những tác phẩm bị cấm đoán ở trong nước không phải chỉ để phục vụ lớp người đọc hạn chế ngoài Việt Nam, mà bằng các phương tiện truyền thông hiện nay một phần có thể đưa tới tầng lớp độc giả trong nước. Ai cũng thấy tự do văn nghệ không phải là tặng vật chờ nhà nước ban cho, có một cái giá phải trả của người cầm bút ở bất cứ đâu khi họ có một thái độ lựa chọn.
 
NMT: Anh có đọc những tác phẩm xuất bản ở trong nước? Và anh có thể cho một vài cảm nhận tổng quát?
 
NTV: Trước 75, ngay thời sinh viên và cả về sau này, tôi vẫn có ý tìm đọc các sách báo ngoài Bắc, trong đó có sách văn học. Trong một chừng mực nào đó, công bằng mà nói họ thực hiện được một số những công trình nghiên cứu khoa học xã hội tốt do tính làm việc của tập thể và được sự hỗ trợ phương tiện trực tiếp của nhà nước. Gạt sang một bên cái quan điểm nghiên cứu được mệnh danh là Maxít-Lêninít, thì trong những bộ sách lớn ấy là những kho tư liệu quý giá cho những công trình nghiên cứu khách quan trong tương lai.
 
Nhưng về phương diện văn học mà căn bản là tính sáng tạo, chúng ta thấy rất rõ một thế hệ các văn nghệ sĩ tiền chiến và những người tiếp nối sau này, do bị tính khiên cưỡng hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã giết chết tài năng của họ. Phải sáng tác trong sự trói buộc, phải có tính đảng, nên không ngạc nhiên khi chỉ thấy một thứ văn chương phải đạo, cả một vườn cúc vạn thọ như nhà văn Phan Khôi trong nhóm Nhân văn Giai phẩm đã phát biểu.
 
Gần đây, ở trong nước người ta nói tới Đổi Mới rồi Cởi Trói cho các văn nghệ sĩ. Tôi thích câu nói của nhà văn Mai Thảo khi phát biểu về hiện tượng này: nghệ sĩ nhà văn đâu phải là thứ heo gà mà nói chuyện trói mở. Nhưng ở đâu thì cũng có những người cầm bút dũng cảm, hoặc lập thành phong trào như Nhân văn Giai Phẩm, hoặc những cá nhân riêng lẻ. Cho dù không thành công nhưng họ là một thứ ánh sáng nơi cuối đường hầm, nuôi dưỡng hy vọng và những mầm mống phản kháng sau này.
 
Trong cuốn sách Thư cho Mẹ và Quốc hội, do nhà Văn Nghệ mới xuất bản, có đoạn nói tới cuộc họp mặt “Anh em Câu lạc bộ - những ngưòi kháng chiến Nam bộ cũ, bốn mươi người làm lễ tưởng nhớ một người của Nhơn Văn Giai phẩm - thi sĩ Phùng Quán mới mất 22-01-1995, xin anh hãy ngậm hờn xem cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do dân chủ đang được tiếp tục không lơi.” (sđd, tr.18).
 
Một mai khi tiến tới được một nước Việt Nam tự do và dân chủ, mọi người không thể quên sự can đảm hy sinh của những người cầm bút. Tôi nghĩ tới một đài tưởng niệm nhóm Nhân văn Giai phẩm ngay giữa thủ đô văn vật Hà Nội, nơi đặt tượng Lênin trước kia, đó sẽ là một biểu tượng của Tự Do Văn Hóa Việt Nam. Nó cũng có ý nghĩa nhắc nhở và thách đố với các nhà độc tài mầm non trong tương lai.
 
NMT: Theo anh, đã có những thay đổi văn học ở trong nước sau những thay đổi về kinh tế xã hội?
 
NTV: Đổi Mới chỉ là cách nói của một tiến trình lột xác của các xã hội cộng sản, khi mà chính giới lãnh đạo chủ chốt trong thâm tâm họ không còn tin tưởng gì ở các tín điều. Nhằm mục đích sống còn, họ thay đổi vá víu và pha trộn chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường, như nước với dầu, cho dù có quấy ngầu lên cũng không thể nào hòa tan. Nhưng cũng thật là ngây thơ - như một thứ wishful thinking, về phương diện chính trị nếu chúng ta đòi hỏi hay chờ đợi họ êm thấm trao lại chính quyền cho nhân dân. Nhân dân ấy là ai nếu không phải những tổ chức chính trị có thực lực ngay từ bên trong hay bên ngoài.
 
Kinh nghiệm Ba Lan ở Đông Âu là điều đáng cho chúng ta suy ngẫm: Walesa lãnh tụ lẫy lừng của Công đoàn Tự do thắng thế phe Cộng sản lên cầm quyền, nhưng chỉ 5 năm sau chính người hùng Walesa ấy bị một người cộng sản trẻ không mấy thành tích hạ ngã bằng một cuộc bầu cử dân chủ. Nhưng ai cũng thấy rằng cho dù người cộng sản trở lại cầm quyền thì cũng không thể nào có sự phục hồi của chế độ cộng sản cũ, và chính người cộng sản cũng ý thức được cái xu thế hay tiến trình không thể nào đảo ngược...
 
Trở lại câu hỏi của anh, nói đến sự thay đổi về văn học trong nước “sau” những thay đổi về kinh tế xã hội. Theo tôi, tuy ít nhưng không phải là không có những nhà văn đi trước Đổi Mới. Từ một phong trào rầm rộ như Nhân Văn Giai Phẩm bùng lên giữa một thời điểm của thành trì xã hội chủ nghĩa đang vững chắc, tuy bị nghiền nát nhưng đã thực sự gây mầm mống mất niềm tin không phải chỉ trong quần chúng mà chính ngay hàng ngũ cán bộ đảng viên cộng sản. Từ Nhân Văn Giai Phẩm cho tới những nhà văn, nghệ sĩ phản kháng tiếp theo, họ là những con chim báo bão, thực sự đi “trước” đổi mới và đẩy nhanh tiến trình cáo chung của chế độ cộng sản. Dĩ nhiên tôi không đề cập tới thứ nhà văn công bộc của nhà nước chỉ làm như đổi mới sau khi đã được chỉ thị của đồng chí Tổng bí thư.
 
NMT: Anh có nhận xét gì về văn học Việt Nam ở hải ngoại? Bi quan, lạc quan? Và phóng chiếu tới một cái nhìn ở tương lai?
 
NTV: Tại sao lại bi quan? Tôi có thói quen như một méo mó nghề nghiệp, nhìn phần nửa ly nước đầy thay vì nửa ly vơi. Khi ở trong nước, có bao giờ anh nghĩ có thể có một sinh hoạt về xuất bản và văn nghệ thuần túy tiếng Việt đa dạng đến như vậy ở hải ngoại nơi có quy tụ ngườiViệt Nam sinh sống? Rồi báo chí, truyền hình, đài phát thanh tiếng Việt, hầu như tất cả có thể tự phát triển mà không cần nguồn trợ cấp từ chính quyền nào.
 
Có người bỉ thử về tính chất xô bồ, tính thương mại và trình độ thấp của những sinh hoạt như vậy... Nhưng công bằng mà nói, đó là những sinh hoạt đáng khích lệ cho việc duy trì và phát triển ngôn ngữ Việt ở hải ngoại. Dần dà mỗi ngày chúng ta có những tờ báo, những chương trình phát thanh tốt hơn; những cuốn sách đẹp hơn về hình thức lẫn nội dung thuộc nhiều thể loại, được sáng tác từ hải ngoại hay được đem ra từ trong nước. Rồi tới các buổi ra mắt sách khá đều đặn, đôi khi không phải là hàng tháng mà là hàng tuần, như một truyền thống tốt đẹp tạo mối tương quan giữa tác giả và người đọc. Ấy là chưa nói tới cái tác dụng đòn bẩy của sinh hoạt ấy đối với trong nước.
 
Với phương tiện truyền thông ngày nay, với computer, với fax modem rồi Internet - sách báo Việt Nam đã bắt đầu lên Internet, thì tôi nghĩ rằng mọi nỗ lực kiểm duyệt bất cứ từ phía nào cũng đều là vô hiệu... Nếu bảo phóng chiếu cái nhìn về tương lai, tôi rất lạc quan. Mạng lưới tiếng Việt trên Internet không thể không có Việt Nam. Tôi lại muốn ví von rằng nếu còn một ông Nguyễn Chí Thiện thứ hai, chắc ông ấy không cần phải cảm tử xông vào Tòa Đại Sứ Anh để chuyền tập bản thảo; thô sơ thì cũng chỉ cần một diskette nhỏ không phải chỉ chứa tập thơ Hoa Địa Ngục, mà còn dư dung lượng chứa hết văn thơ phản kháng của các văn nghệ sĩ trong nước nếu có và dễ dàng để đưa ra ngoài. Còn nếu lên lưới qua Internet... Là một chuyên viên điện tử, chắc anh cũng đã thấy rất rõ cái tương lai phóng chiếu ấy nó như thế nào?
 
Bây giờ với Con Đường Trước Mặt ấy (Bill Gates), cũng không phải là quá sớm để chúng ta bắt đầu tự hỏi sẽ xử dụng cái tự do thênh thang trên Siêu-Xa-lộ Tin học ấy ra sao? Có lẽ đây sẽ là đợt phỏng vấn thứ hai rất là thích thú của anh năm 2000?
 
NMT: Anh có nghĩ đang có sự khựng lại trong công việc viết lách của những người cầm bút ở hải ngoại? Nếu có xin anh cho một vài lý do? Nếu không cũng xin anh cho biết lý do tại sao lại nhận xét phủ định như thế?
 
NTV: Tôi không nghĩ là đang có sự khựng lại trong công việc viết lách của những người cầm bút hải ngoại. Phải chăng người ta có quá nhiều kỳ vọng ở sự xuất hiện của những tác phẩm lớn?
 
Riêng đối với những người cầm bút, người tới Mỹ sớm nhất là cách đây 20 năm, rồi từng đợt người mới tới trễ tràng sau này, tất cả đều phải khởi sự từ đầu để thích nghi với cuộc sống mới mà thời gian để ổn định ấy phải tính bằng đơn vị năm. Bị bứt rễ ra khỏi quê nhà, tới một nơi hoàn toàn mới và xa lạ, với khoảng thời gian chưa dài và thì giờ mỗi ngày lại eo hẹp: muốn có ngay những tác phẩm vừa vụ hay và lớn, tôi nghĩ là một đòi hỏi quá đáng đối với nhà văn hay người nghệ sĩ nói chung. Theo chỗ tôi biết thì hiện nay không phải không có những nhà văn tài năng tuy không tuyên bố những câu xẻ núi lấp sông nhưng họ đang ẩn nhẫn làm việc dài hạn cho một cuốn sách lớn mà họ hằng ấp ủ. Vả lại kinh nghiệm sau những cuộc chiến tranh, cũng cần một khoảng thời gian lùi lại đủ dài cho những biến cố lắng xuống, trước khi có xuất hiện những tác phẩm lớn, như người họa sĩ phải có bước lùi - recul để có cái nhìn toàn cảnh bức tranh lớn mà mình đang định vẽ.
 
Nhiều người lo ngại cho tương lai nền văn học Việt Nam ở hải ngoại khi mà thế hệ thứ hai chẳng còn bao lâu nữa đã hoàn toàn hội nhập, phần đông quên tiếng Việt, không có nhu cầu đọc sách Việt và cái tình cảnh viết cho ai sẽ là một thứ feedback âm đối với giới sáng tác. Nhưng tôi có ý nghĩ khác, tiếng Việt sẽ vẫn còn trong đời sống cộng đồng Việt hải ngoại và sẽ phát triển hơn khi nó có đối tượng phục vụ cho cả hơn 70 triệu người dân trong nước.
 
Tôi cũng muốn dùng cái hình ảnh của tờ báo LA Times đưa ra khi ngoại trưởng Mỹ tới Hà Nội sau bình thường hóa bang giao, ông đã biết tìm tới nói chuyện với một Việt Nam tương lai là giới trẻ thanh niên sinh viên. Chứng kiến diễn tiến ấy ngay giữa thủ đô Hà Nội sau 20 năm người Mỹ thất trận, một nhà báo Mỹ phát biểu cảm tưởng rằng bây giờ thì người Mỹ mới thực sự thắng trận chiến tranh ở Việt Nam không bằng súng đạn mà với đội ngũ những doanh nhân với laptop, tự do ra vào Việt Nam để xây dựng một mạng lưới kinh tế thị trường.
 
Rồi tôi nghĩ tới vai trò của hai triệu người Việt ở hải ngoại. Đã qua rồi thời kỳ tổ chức đội quân kháng chiến, hô hào lập chính phủ lưu vong, mà ai cũng biết là hữu danh vô thực. Sức mạnh đó là tiềm năng khoa học kỹ thuật của một thế hệ trẻ đông đảo các chuyên gia cộng với tiềm năng kinh tế của các nhà doanh thương, chính họ sẽ là đội quân hùng mạnh không phải chỉ để giải phóng mà còn góp phần xây dựng bền vững cho một tương lai Việt Nam của hơn 70 triệu dân chứ không phải một thể chế chính trị nhất thời nào.
 
Tôi nghĩ chẳng phải là quá mộng tưởng trong một tương lai rất gần, chúng ta sẽ có những cuốn sách, những tờ báo in ra cùng một lúc với ấn bản ở trong nước. Sẽ chẳng còn bức màn sắt bức màn tre nào và nỗ lực duy trì kiểm duyệt bưng bít sẽ trở thành không tưởng. Thư của độc gỉa đến từ Lạng Sơn hay Cà Mau, gửi ra từ trong nước, sẽ là một khích lệ đối với người viết hay làm báo ở hải ngoại, phải không anh?
 
NMT: Anh kỳ vọng gì ở văn chương trong đời sống bây giờ không? Và có thấy một cách rất là vô thức cái sứ mệnh cầm bút mà nhiều người luôn trăn trở?
 
NTV: Đất nước bị phân chia và cuộc chiến kéo dài hơn 30 năm, ngôn ngữ đã bị tận dụng cho những mục tiêu chính trị phân hóa và dối trá nên đã làm cho nó bị kiệt quệ. Chữ không còn mang nghĩa thật của nó nữa. Người ta nói tới tổn thất của chiến tranh về nhân mạng và sự tàn phá vật chất, nhưng theo tôi là sự hủy hoại ngay nơi chính những con người còn sống, đáng buồn là trên cả những đứa trẻ, mà khi sinh ra chúng đâu có thiếu vắng lòng từ, mà sự sa đọa của ngôn từ không thể không là một trong những nguyên nhân. Rồi tôi tự hỏi phải cần bao nhiêu năm nữa mới phục hồi sự trong sáng của chữ Việt? Đây chính là phần tôi kỳ vọng ở văn chương. Tôi nghĩ tới chức năng của nhà văn, bằng những tác phẩm nghệ thuật chân chính đủ sức làm xúc động sâu xa lòng người: chữ và nghĩa trở lại như một thực thể nhất quán, trở lại với chức năng như một nhịp cầu của giao lưu và đối thoại giữa và trong xã hội.
 
NMT: Một ngày của nhà văn Ngô Thế Vinh?
 
NTV: Thường thì tôi không có được một ngày như mọi ngày. Nhưng vẫn có thói quen buổi sáng dậy sớm, đọc lướt qua tờ báo xem bản tin tức TV đầu ngày, rồi tới bệnh viện cũng rất sớm, nếu không phải lên thăm trại bệnh, thì tôi có gần một tiếng đồng hồ trong văn phòng thanh lặng để tùy nghi. Tôi có một thời khóa biểu thay đổi, nhưng nói chung thì mỗi ngày có tám giờ bận rộn cho nghề nghiệp. Hạnh phúc, như một cách nói đối với tôi là những giờ buổi tối, trong không khí gia đình, nếu không đọc sách, thì cũng được ngồi trước chiếc computer viết hay sửa lại những trang sách viết dở dang.
 
NMT: Anh có dự trù nào bây giờ về công việc cầm bút? Hình như anh đang sắp cho in một tác phẩm? Nếu có thể xin cho biết sơ lược về nội dung của tác phẩm ấy?
 
NTV: Cũng tình cờ được một anh bạn từ Luân đôn gửi cho một truyện ngắn đã đăng trên tạp chí Trình Bày số 34 Mặt Trận ở Sài Gòn viết năm 71, số báo bị tịch thu vì bài báo này và những rắc rối phải ra tòa sau đó như anh đã biết. Nhân có dịp đọc lại bài báo ấy, kể cả những truyện mới viết gần đây với một thời gian cách khoảng khá xa từ những năm 70 tới 90 nhưng vẫn với một nội dung nhất quán. Do đó tôi có dự định đưa nhà Văn Nghệ xuất bản tập truyện này, gồm 12 truyện ngắn: Mặt Trận Ở Sài Gòn sẽ là truyện đầu tiên và Giấc Mộng Con Năm 2000 sẽ là truyện cuối. Tên của truyện ngắn đầu tiên được chọn sẽ là tiêu đề cho cuốn sách, dự trù ra mắt đầu năm 96.
 
NMT: Anh có hay ước mơ không? Và ước mơ ấy có vượt thời gian và không gian không?
 
NTV: Qua những kinh nghiệm và đổ vỡ, qua những hoàn cảnh tưởng chừng như mất hết cả hy vọng, ở cái tuổi năm mươi ngoảnh nhìn lại rồi hướng về tương lai, xem ra tôi vẫn còn nhiều mơ mộng: với giấc mộng lớn, giấc mộng con - theo cách nói của thi sĩ Tản Đà. Sau 75, hồi còn ở Việt Nam còn trong tù, tôi và các bạn mình từng hy vọng từng mơ ước, khi ra ngoài này sẽ làm những gì... Lúc đó tôi không nghĩ trở lại nghề thuốc, mà chỉ ước mơ tới một cuốn sách mình sẽ phải viết. Nhưng rồi tám năm sau, lần thứ hai trở lại Mỹ như một người tỵ nạn, tôi tạm xếp lại mộng văn chương, để phải qua một khúc sông nếu không bơi thì chìm. Cũng có lúc cũng tưởng như đã chìm đắm trên chính cái dòng sông mà mình đã chọn bước vào. Tôi trở lại ngành y năm 50 tuổi. Theo một nghĩa nào đó, tôi vẫn thích nghề thuốc, nên cũng không quá đáng mà nghĩ rằng đó là trả món nợ áo cơm. Bây giờ tôi đã có thì giờ hơn để nghĩ và làm việc cho cuốn sách ấy...
 
Câu hỏi ước mơ ấy có vượt thời gian không gian không, làm tôi nhớ tới quan niệm viết tiểu thuyết của nhà văn Nhất Linh, rằng một cuốn tiểu thuyết hay thì đọc bất cứ lúc nào và ở đâu thì nó vẫn hay. Viết cho được một cuốn sách hay và giá trị bao giờ mà chẳng là ước mơ của người cầm bút. Tôi lại muốn dùng hình ảnh một câu thơ của Tản Đà hai vai gánh nặng con đường thời xa. Còn đi được bao nhiêu xa thì đó là do tâm và thức cùng bản lãnh của mỗi nhà văn, có phải không anh?
 
Tôi còn một ước mơ, không hẳn là văn chương nhưng chắc phải là giấc mơ chung với toàn thể những người Việt tỵ nạn ở hải ngoại: đó là sự hình thành một Công Viên Văn Hóa năm 2000. Nếu không sớm hơn thì cũng đồng thời với sự hình thành của Valor Park- Công viên Hào hùng, do người Mỹ thiết lập ở Maryland, một viện bảo tàng của sáu cuộc chiến tranh mà người Mỹ đã tham dự kể từ ngày lập quốc, dĩ nhiên có cuộc chiến Việt Nam. Từ khả năng tới hiện thực, còn một khoảng cách, đó là làm sao đạt tới được mẫu số chung quy tụ lòng người.
 
Một bác sĩ Mỹ gốc Do Thái bạn tôi khá ngạc nhiên về tỉ lệ cao các nội trú thường trú người Việt tới thực tập nơi bệnh viện chúng tôi đang làm việc. Anh đưa ra nhận định rằng cộng đồng Việt nam các anh chỉ mới 20 năm mà đã tiến bằng hoặc hơn các sắc tộc Á châu khác tới đây trước cả trăm năm. Rồi khi anh cầm trên tay đĩa nhạc CD-ROM Con đường Cái quan của Phạm Duy, đĩa nhạc Chopin của Đặng Thái Sơn... Anh tiếp tôi thì không nghĩ rằng các anh có thể đi vào lãnh vực High Tech sớm như vậy. Và chắc anh cũng đồng ý với tôi rằng đó không phải một lời khen xã giao...
 
NMT: Câu chót, xin để nhà văn Ngô Thế Vinh tùy nghi tâm sự với độc giả những điều cần nói thêm?
 
NTV: Lúc nào thì tôi cũng mong được chia sẻ với bạn đọc qua những trang sách đã và đang viết. Tôi nghĩ tới cả những người đọc ở trong nước.
Nguyễn Mạnh Trinh
Little Saigon, California 01/1996
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com