User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
anh 1
Bìa sách The Migrant Rain Falls in Reverse - (Ảnh: Kalynh)
 
“Cơn mưa di tản trở về giữa quá khứ và hiện tại, giữa người chết và người sống. Đó là lăng kính mà mọi thứ đã được chắt lọc qua. Những năm tháng trở nên trong suốt như nước. Những gì chúng ta thấy là những hình dạng mờ nhạt đang trôi về nguồn. Tất cả những viễn cảnh và cách diễn giải của chúng ta khi chúng ta quay trở về là đường nét chuyển động của người khác. Để tồn tại, chúng ta đã di tản qua thời gian, và để nói, chúng ta học ngôn ngữ của mưa.”
 
Sau nửa thế kỷ với biết bao vật đổi sao dời, Tháng Tư, vẫn chưa bao giờ ngủ yên trong tâm trí người Việt – ở cả hai chiến tuyến. Ngày 30/4 của 50 năm trước không chỉ để lại cho Việt Nam một chương lịch sử thấm đẫm bi thương, mà vẫn tiếp tục là những trang sử mở đối với một thế hệ người Việt hải ngoại lớn lên sau chiến tranh. Trong số đó, bằng nhiều hình thức khác nhau có thể, có những người lặng lẽ tìm về nguồn cội. Vinh Nguyễn – với The Migrant Rain Falls in Reverse (tạm dịch: Nước Đi Ra Biển Lại Mưa Về Nguồn) – là một trong những người đó. Hành trình về nguồn của anh, vừa cô độc, vừa tuyệt vọng, vừa đầy ắp sự tưởng tượng, về một gia đình, một thế giới, một thân phận mà anh chưa bao giờ có, vì nó chưa bao giờ tồn tại.
 
Tác giả gọi The Migrant Rain Falls in Reverse là A Memory Of Vietnam – Một Ký Ức Của Việt Nam. Việt Nam đó là ngôi nhà nhỏ một lầu mà anh chỉ gắn bó đến năm 6 tuổi; là người cha đã biến mất bí ẩn khỏi cuộc đời của bốn mẹ con anh như chưa bao giờ tồn tại; là người mẹ tần tảo, lam lũ nơi xứ người nuôi bốn chị em anh thành người; là chính anh – một chàng trai mang trái tim đa cảm mong manh của người đồng tính. Một cuốn hồi ký nhưng không phải hồi ký. Vì hơn một nửa là hư cấu từ trí tưởng tượng của tác giả.
 
Nước Đi Ra Biển Lại Mưa Về Nguồn là cuốn hồi ký kể chuyện phi tuyến tính. Vinh dẫn dắt độc giả đi từ cánh cửa này sang cánh cửa khác với sự bất ngờ không đoán trước. Những diễn biến trong gần 300 trang sách của ba chương, như một thế giới viễn tưởng vừa hư vừa thực. Vừa mới ngồi trong nhà nghỉ ở Sài Gòn, nghe tiếng xe cộ náo nhiệt ngoài kia, tầng trên là tiếng khách trọ rổn rảng, âm thanh bộ phim thời thơ ấu vang lên từ chiếc tivi trong góc phòng, thì ngay sau đó, là cuộc đối thoại của hai mẹ con ở Toronto, Canada.
 
Sự sáng tạo của tác giả, phóng khoáng và mượt mà, như chính tâm hồn của anh.
 
“Để hiểu được những gì đã xảy ra với cha tôi và gia đình tôi, tôi cần phải nhào nặn ký ức, kéo căng sự thật, khơi dậy sự ham muốn. Tôi bày ra trước mặt mình tất cả những mâu thuẫn. Tôi phải tự tháo gỡ để tạo nên một câu chuyện. Vì vậy, tôi đã rơi lọt vào quá khứ, đón lấy những gì xảy ra, mạch lạc, không đứt gãy.
 
Cảm giác như tôi đang cố gắng giữ chặt cơn mưa đang rơi xuống đời.”
 
Chỉ với một buổi trưa lạnh và đầy gió của Toronto, Vinh dẫn người đọc quay về cái nóng oi bức của căn chòi trong trại tỵ nạn. Nơi đó, một viên đá lạnh là một vật thể xa xỉ và quý giá.
 
“Trong trại tị nạn, nước đá là một thứ xa xỉ. Nước đá là vàng. Chúng tôi mua của người dân địa phương gần đó. Cuộc mua bán diễn ra qua một lỗ hổng trên hàng rào. Tôi nhớ là ranh giới của trại không phải là bất khả xâm phạm. Hàng hóa, đồ vật và cả con người đều có thể lọt qua các khe hở của dãy hàng rào bằng tôn và thép gai. Nơi đó, những người lính canh nhận một vài tờ giấy ghi chú mà chúng tôi lén chuyển vào lòng bàn tay của họ.”
 
Vinh kể về giây phút cha mình ra đi trên giường bệnh ở bệnh viện, bên cạnh là mẹ anh và các chị anh. Vinh chọn làm người kể chuyện không có mặt – vì chuyến bay không đến kịp. Để rồi phần kế tiếp, anh thú nhận “Tôi đã giết cha mình.”
 
“Tôi đã muốn dành cho cha tôi những năm tháng mà ông chưa từng có và chưa từng sống, và rồi một điều gì đó đã thay đổi, những khao khát không thể bù đắp được sẽ được thỏa mãn bằng khả năng sáng tạo của chính tôi. Ông có thể là cái gì đó, bất kỳ ai, và tôi có thể là tác giả của số phận của chính tôi – của chính chúng tôi.
Đơn giản là tôi không thể tìm ra một cách nào khác. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, mây đen kéo đến, bầu trời hỗn loạn.”
 
Vinh đã cho cha của anh chết một lần nữa. Rồi cũng chính anh, tự dằn vặt hỏi mình, “có phải tôi là đứa con độc ác không?” Có lẽ đây là hồi khốc liệt nhất, đắt giá nhất trong cuốn hồi ký – hư cấu của Vinh. Đây chính là cách mà trước đó, Vinh đã nói “Tôi phải tự tháo gỡ để tạo nên một câu chuyện” không bị đứt gãy, liền mạch và có hồi kết.
 
Cha của anh đã chết trên biển khơi năm đó? Cha của anh không lên tàu vượt biển? Cha của anh vẫn còn sống? Cha của anh đang sống hạnh phúc với gia đình của ông ấy? Vì sao ông không tìm mẹ con anh? Vì sao? Và vì sao? Những câu hỏi nhiều như mưa rơi xuống đời suốt gần 30 năm qua được Vinh chắt lọc thành một thân phận do anh đạo diễn, để trả lời cho chính anh. Anh cho cha của mình “chết một lần nữa” trong hồi ký – để quá khứ có câu trả lời.
 
Ngôn ngữ trong Nước Đi Ra Biển Lại Mưa Về Nguồn là ngôn ngữ đậm chất điện ảnh, và mang màu của tiểu thuyết liêu trai. Vinh miêu tả, sắp xếp những diễn biến trong cuộc đời anh, nhẹ nhàng như những cơn mưa nghiêng trút xuống mảnh đất nơi anh đang đứng, đang đi. Dù đó là những biến cố của sự mất mát, hay đó là giây phút nếm trải vị ngọt của nụ hôn đầu đời trên toa xe lửa với một chàng trai khác trên đất nước Nhật Bản, thì ngôn ngữ của Vinh vẫn miên man như dòng sông êm ả.
 anh 2
Tác giả Vinh Nguyễn (áo đen) tại VAALA 2025. (Ảnh Kalynh Ngô)
 
Chiến tranh, mất mát, chạy trốn, di tản, chết chóc, tha hương, định cư, vật lộn, sống còn,… những trạng thái này là mẫu số chung là hàng triệu triệu người Việt sau biến cố 1975. Trong đó có Vinh, và gia đình anh. Để rồi tất cả những gì xảy ra trong ‘The Migrant Rain Falls in Reverse’ – gần như gắn liền với những cơn mưa định mệnh trong đời của Vinh. Những cơn mưa – thực thể có thật của vũ trụ – lại mang cho Vinh sự tưởng tượng mầu nhiệm về những gì anh không có và đã mất trong cuộc đời. Như anh đã từng tưởng tượng cách mà cha của mình bất ngờ xuất hiện bên mẹ con anh trong trại tỵ nạn.
 
“Tôi tưởng tượng cha của tôi, giữa đêm khuya, nhấc một góc hàng rào lên và chui đầu qua đó. Tôi tưởng tượng cha bước đến nhẹ nhàng đến nơi chúng tôi đang ngủ. Tôi tưởng tượng cha vén tấm mùng chống muỗi, rồi nằm xuống cạnh chúng tôi. Tôi tưởng tượng tiếng dế kêu nỉ non trong đêm khhuya. Bình minh mang một màu cam rực rỡ.”
 
Ngày đó, Vinh sáu tuổi. Gần 30 năm sau, anh chỉ có thể viết bằng trí tưởng tượng cùng với một vài chi tiết do mẹ anh kể lại. Ngay cả sự tưởng tượng của Vinh về một giai đoạn phân ly, cũng mang đầy chất thơ, nhẹ nhàng, không hờn oán, không hận thù. Anh đi tìm bản sắc của mình bằng cách ráp nối những hình ảnh rời rạc của tuổi thơ, bới tung ký ức từ những mẫu đối thoại trong cuốn phim bộ Hong Kong của năm 1986, Ỷ Thiên Đồ Long Ký.
 
“Ngày đầu tiên đi học” của Vinh ở xứ xa lạ, giữa mùa Đông ướt át đầy tuyết trắng xóa của Toronto, gợi cho bất cứ ai, dù mang căn cứ di dân hay tỵ nạn, cũng phải cảm thấy được cơn mưa ấy đang thấm vào thịt da của mình.
 
“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dẫn tôi đến trường. Đó là một ngày tuyết trắng xoá. Chúng tôi không nhìn thấy gì ở phía trước. Trời lạnh buốt. Lông mi của tôi dính vào nhau. Tôi cảm giác như hai gò má của mình đang nứt ra vì lạnh.
 
Khi đến trường, mẹ dúi vào tay tôi mảnh giấy nhỏ. ‘Nếu cuối ngày, con không thấy mẹ, đưa tờ giấy này cho người nào mà con gặp.’ Mẹ đọc địa chỉ, số điện thoại và tên của tôi. ‘Những gì người ta cần biết về con ở đây.’ Những chi tiết cần thiết về cuộc sống mới của tôi gói gọn trong một mảnh giấy vuông.
 
Cuối ngày, chuông tan học. Tôi đứng dậy bước ra cửa lớp. Tôi không nhìn thấy mẹ. Tôi sợ hãi. Tôi lấy mảnh giấy trong túi ra và đưa cho ai đó cao hơn mình. Tôi thấy khuôn miệng của họ chuyển động, nhưng những âm thanh đó vô nghĩa với tôi. Tôi gần như bật khóc, hoặc có thể tôi đã khóc. Tôi ngồi một mình trong văn phòng, đầu cúi gầm nhìn xuống mặt đất…”
 
Rồi ký ức về một mùa tuyết khác, ở Calgary, khi Vinh học lớp Sáu. Mẹ của Vinh hứa sẽ mang đến trường cho anh bánh mì kẹp gà (McChicken sandwitch) vào buổi trưa. “Nhưng khi tôi nhìn ra ngoài trời và thấy trận bão tuyết, tôi biết mẹ sẽ không thể đến. Vào giờ cơm trưa, tôi ngồi bên cạnh những người bạn trong phòng tập thể dục, nói dối là tôi đã quên mang phần ăn của mình.
 
Một trong những Giám Thị đã gọi tên của tôi. Tôi tưởng rằng ai đó chú ý đến việc tôi quên mang phần ăn trưa và báo với nhà trường. Tôi đã nghĩ mẹ của mình sẽ gặp rắc rối vì điều này. Chúng tôi đi đến phòng Hiệu Trưởng, và tôi thấy mẹ đứng ở góc phòng. Cả người phủ tuyết trắng xóa, tay cầm túi giấy màu nâu có những sọc vàng. Cái túi ướt đẫm gần như muốn vỡ vụn.
 
Người Giám Thị nói nhỏ, “Mẹ của em đây.”
 
Tôi đã khóc khi đọc đến những dòng này. Thân phận người phụ nữ, thân phận người tị nạn Việt Nam, mong manh như bông tuyết, nhưng cố hữu và kiên cường trong cơn bão.
 
Nhưng, Vinh chỉ quyết định đi tìm quá khứ của mình, của cha, của gia đình, sau cái chết của Don – người mà Vinh xem như bạn tâm giao, “người kề cận nhất mà tôi có theo nghĩa một người cha.” 
 
Cái chết của Don đã xuyên vào lỗ hỏng của vết thương trong quá khứ của Vinh. Nó làm bùng nổ một điều gì đó mà anh biết - thực sự sợ hãi với từng thớ thịt trong con người của Vinh, vốn đã quá hạn từ lâu. Trong gần ba thập niên, Vinh đã cố gắng không đối mặt với cái chết bí ẩn của cha anh. Nhưng đứng trước cái chết của Don, Vinh biết, một lần nữa, anh đã thật sự mất một người.
 
Từ đó, Vinh nhận ra “Về nhà” là một ý tưởng chưa từng được anh thật sự nhìn nhận. Bởi vì đó là “một huyền thoại dành riêng cho những người chưa bao giờ phải ra đi, những người không giống tôi, những người lớn lên có cả cả cha và mẹ, những người không phải là người đồng tính. Nhà là điều gì đó mà những người tị nạn và nhập cư như tôi mong muốn nhưng nó vẫn nằm ngoài tầm với. Trong những cuốn sách tôi đã đọc, mục đích của người tị nạn là tìm về nhà, và các vấn đề của chúng tôi được giải quyết bằng cách đạt được cái thuộc về mình.”
 
Vinh không kết thúc cuốn hồi ký The Migrant Rain Falls in Reverse (Nước Đi Ra Biển Lại Mưa Về Nguồn) của mình bằng hình ảnh hoặc chi tiết cụ thể. Trang cuối khép lại, nhưng mở ra cho Vinh một thế giới quan mới, một ảo giác mà có lẽ, anh sẽ tiếp tục đi tìm trong cuộc đời của mình.
 
“Tôi với tay ra đón bắt, trên những đầu ngón tay của tôi chỉ là một mảnh vải trắng lơ lửng trong không trung.” Khi đó, Vinh đang ngồi sau người tài xế xe ôm, chạy trên đường phố tấp nập như mắc cưỡi của Sài Gòn.
 
Kalynh Ngô
 
*: Mượn câu thơ Thề Non Nước của Tản Đà
 
Vinh Nguyễn là một nhà văn và nhà giáo dục. Anh có tác phẩm đăng trên Brick, Literary Hub, The Malahat Review, PRISM international, Grain, Queen’s Quarterly, Current và MUBI’s Notebook. Anh cũng là biên tập viên của tác phẩm phi hư cấu của The New Quarterly – về người tị nạn, người di cư; biên tập viên của các sách học thuật Refugee States: Critical Refugee Studies in Canada và The Routledge Handbook of Refugee Narratives; và là tác giả của Lived Refuge: Gratitude, Resentment, Resilience. Vinh đã đoạt Giải John Charles Polanyi về Văn học. Anh hiện sống tại Toronto, Canada.
 
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com