User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
(Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Little Saigon tháng 1 năm 1996)
 pic 1 chan dung nam 2015
 
Nguyễn Mạnh Trinh, sinh năm 1949 tại Hà Nội, lớn lên ở miền Nam. Phục vụ tại Sư đoàn 6 Không quân Pleiku. Sau biến cố 1975, tị nạn tại Hoa Kỳ và tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật. Ngoài viết văn và làm thơ, ông thường viết những nhận định văn học và phỏng vấn các tác giả. Nguyễn Mạnh Trinh cùng với Nhã Lan thực hiện chương trình “Tản Mạn Văn Học” trên đài Little Saigon mỗi sáng thứ Bảy, được đông đảo người Việt theo dõi. Tác phẩm: Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt, 1985), Tập truyện 23 Người Viết Sau 1975 (cùng Trịnh Y Thư, Văn Nghệ, 1989); Tạp Ghi Văn Nghệ (Người Việt 2007)
*
Phần I
 
Nguyễn Mạnh Trinh [NMT]Xin anh cho biết tiểu sử của mình?
 
Ngô Thế Vinh [NTV]Tôi sinh năm 1941 tại Thanh Hóa, không phải quê nhưng cha tôi dạy học ở đó. Tốt nghiệp Y Khoa Sài gòn 1968. Trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương trường Y khoa Sài gòn từ 63 tới khi báo bị đình bản. Nguyên y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp ngành Y Khoa Phục Hồi tại Letterman, San Francisco. Trở về Việt nam, làm việc tại trường Quân Y. Sau 75, tù cải tạo 3 năm. Ra trại, về Sài Gòn, một thời gian sau trở lại làm việc tại trường Vật lý Trị Liệu và Trung tâm Phục Hồi Sài Gòn. Tới Mỹ 8 năm sau, cải tạo thêm 5 năm, chỉ có khác ở lần này là tính cách tự nguyện để trở lại ngành Y : thời gian đầu làm volunteer đẩy cáng ở bệnh viện để có thêm credit, làm một số công việc ngoài giờ với minimum wages, trước khi trở lại làm bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh viện Đại học SUNY Downstate, Brooklyn New York. Tốt nghiệp ngành Nội khoa American Board of Internal Medicine và hiện làm việc tại một Bệnh viện miền Nam California...
 
NMT: Anh bước chân vào văn nghiệp như thế nào, có kỷ niệm nào đáng nhớ?
 
NTV: Cha tôi dạy học, môn văn chương. Tôi sớm được dịp đọc những cuốn sách trong tủ sách của cha tôi. Cha tôi mất sớm sau di cư 54 một năm khi trở lại Huế lần thứ hai và dạy học ở trường Khải Định. Vẫn còn mẹ và anh, nhưng tôi ra đời sớm. Vào ở Đại học xá Minh Mạng khi vừa xong Trung Học. Cả thế giới mới như mở ra với rất nhiều va chạm giữa mộng và thực, Mây Bão là tiểu thuyết đầu tay, hoàn tất năm tôi 21 tuổi trong bối cảnh ấy, có mang nhiều dự phóng nhưng không ngờ cũng lại tiên tri cho một cuộc hành trình với rất nhiều gian truân nhưng không tới.
 
Kỷ niệm đáng nhớ về bản thảo cuốn Mây Bão lúc đó là với Bộ Thông Tin, khi lần đầu tiên được ông Giám Đốc Hội Đồng Kiểm Duyệt lên lớp thế nào là trách nhiệm của người cầm bút, rằng phải phản ánh chính diện cái xã hội mà nhà văn đang sống thay vì phản diện. Dĩ nhiên quan niệm viết của tôi lúc đó rất khác ông và ngay cho đến bây giờ vẫn không thay đổi.
 
NMT: Là một sinh viên có nhiều hoạt động chính trị, một bác sĩ và ở trong một binh chủng thiện chiến của QLVNCH, một nhà văn tới giờ này vẫn còn thao thức về dân tộc, những cái “là” ấy đã ảnh hưởng thế nào trong suy nghĩ và văn phong của anh?
 
NTV: Khi còn là một sinh viên, như các bạn đồng trang lứa, chúng tôi quan tâm tới những vấn đề xã hội. Mơ ước và phấn đấu cho công bằng xã hội, tôi nghĩ đó là giấc mơ chung của lứa tuổi thanh niên. Dĩ nhiên không đơn giản để tìm một con đường đi tới giấc mơ ấy. Từ những quan niệm khác nhau, phương thức hành động khác nhau, nảy sinh ra những đấu tranh và thuyết phục. Hòa mình vào dòng sinh hoạt chung ấy, bảo rằng đó là hoạt động chính trị, theo một nghĩa rộng điều đó không sai. Nhưng nếu chính trị hiểu theo nghĩa phe nhóm đảng phái, thì tôi chưa hề tham gia và cũng không muốn dấn thân vào con đường chông gai ấy...
 
Chọn ngành học thì Y khoa thường được ví von là “làm sinh viên suốt đời”, nhưng rồi sau 7 năm anh vẫn phải ra trường, đương nhiên chấm dứt thời sinh viên, để trở thành một bác sĩ Quân Y. Khi tôi ra trường, cuộc chiến Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm và trước đó đã có những y sĩ tiền tuyến bị tử trận. Tuy chỉ là bác sĩ trưng tập nhưng tôi đã chọn về binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, với địa bàn hoạt động là vùng cao nguyên, cũng do bởi mối nhân duyên sẵn có với những người Thượng ngay từ thời còn là sinh viên.
 
Đó như anh thấy, những cái “là” ấy chỉ là một và nhất quán, đánh dấu những giai đoạn khác nhau của đời người.
 
NMT: Anh nghĩ thế nào về nhà văn-bác sĩ và bác sĩ-nhà văn? Hai danh xưng ấy cái nào thích hợp với anh nhất?
 
NTV: Khi tôi mới chân ướt chân ráo vác Sac Marin về Tiểu Đoàn, thì chỉ mấy ngày sau có 2 Đại Đội được điều động đi tăng viện cho một đơn vị bạn. Theo thông lệ, ở cấp hành quân ấy chỉ cần đám y tá dưới Đại Đội và thêm một sĩ quan trợ y, nhưng tại phi trường tôi đã được ông Thiếu Tá biểu lộ ngay quyền uy với một khẩu lệnh ngắn ngủi: Trung Úy chuẩn bị hành trang đi hành quân hôm nay - Ông cố tình dằn giọng chỉ gọi tôi bằng cấp bậc. Tôi đã chuẩn bị cho cái giây phút này, nên rất bình thản và cũng thú vị với cuộc hành quân yên thấm ra ràng đầu tiên ấy. Binh nghiệp không phải là điều tôi lựa chọn nhưng tôi hiểu rất sớm thế nào là đời sống quân đội, nhưng phần quan trọng hơn theo tôi là thứ kỷ luật nơi chính mình...
 
Một số đồng nghiệp bạn tôi phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa y sĩ Trung Úy và Trung Úy y sĩ, nhưng đó đã chẳng phải là một “issue” đối với tôi lúc ấy và cho cả đến sau này. Dù ông Thiếu Tá ấy có gọi tôi bằng danh xưng nào thì tôi vẫn là người bác sĩ của đơn vị với những người lính mà tôi có bổn phận phải chăm sóc. Tôi nghĩ bằng câu chuyện ấy tôi đã trả lời câu hỏi nhà văn-bác sĩ hay bác sĩ-nhà văn rồi.... Kết hợp danh xưng theo cách nào thì cũng không có gì bảo đảm cho tính chất văn chương của tác phẩm ngay như đó là của một nhà văn được gọi là thành danh, phải không anh?
 
NMT: Nghề và nghiệp đôi khi có gì hỗ tương nhau hoặc có gì đối chọi nhau, thí dụ như nghề bác sĩ và nghiệp viết văn?
 
NTV: Cả hai công việc đều được tôi ưa thích nên có tính cách hỗ tương. Trong nghề thuốc, mỗi ngày tiếp xúc với bao nhiêu cái tôi không phải là tôi: không phải chỉ có bệnh mà là những người bệnh với từng hoàn cảnh, để đôi khi tôi được cùng theo họ leo lên cái dốc chênh vênh của cõi tử sinh ở những chặng đường khác nhau của mỗi đời người... Các nhà văn miền Bắc trước đây được nhà nước nuôi ăn cho đi thực tế các nhà máy, vùng mỏ hay nông thôn để có chất liệu viết. Theo một nghĩa nào đó nghề thuốc dù muốn hay không, đương nhiên là những chuyến đi thực tế mỗi ngày. Chất liệu, cảm xúc có đó và chồng chất nhưng lại có rất ít thì giờ để viết. Cái đối chọi của nghề thuốc và công việc viết văn là ở cái thời khóa biểu rất chặt và không cân bằng đó.
 
NMT: Khi viết, có khi nào anh tự hỏi: viết để làm gì? Nhân vật của anh có nhiều người là người lính thật sự cấp bậc khiêm nhường. Theo anh có phải họ mới là những người đáng nhắc nhở nhất trong cuộc chiến Việt Nam?
 
NTV: Tôi không có nhu cầu phải viết nếu không khởi đi từ một hoàn cảnh xúc động nào đó. Như truyện Người Y Tá Cũ, được viết trong bối cảnh sau 75 khi gặp lại người y tá cũ, tuy đã giải ngũ nhưng anh đã bị mất một chân khi đạp phải mìn ngay trên mảnh ruộng nhà. Người Thượng sĩ can trường ấy đã dạn dầy qua bao chiến trận kể cả bao lần Nhảy Toán vẫn là người sống sót trở về; nhưng nay thì... Tôi nhớ ở lần gặp cuối ấy, thầy trò không nói với nhau được gì ngoài những câu dặn dò về sức khỏe, qua giọng nói ấy ánh mắt ấy hình như anh ta không bỏ cái thói quen thường là quên mình để chăm sóc người khác trong đó có cả tôi như khi tôi vẫn còn là y sĩ trưởng của anh năm nào.
 
Tôi mong được viết nhiều hơn về những con người bình thường nhưng cũng rất lớn lao trong cuộc chiến đã qua ấy... Bảo rằng viết là để giải tỏa được ký ức nhưng thực sự là sống lại nỗi xúc động ấy lần thứ hai. Hạnh phúc và cũng cực nhọc lắm chứ? Nhưng bao giờ thì cũng có niềm vui ở ngay những bước đang hình thành chứ không phải chỉ ở sự hoàn tất.
 
NMT: Vậy mục đích của anh ra sao khi viết văn? Để nổi tiếng, để giãi bày tâm sự mình, để mang suy nghĩ của mình chia xẻ với người khác, hay...?
 
NTV: Tôi quan niệm tiểu thuyết như những hoàn cảnh được nhìn qua lăng kính của người cầm bút. Người viết nào thì cũng mong người đọc cùng tham dự vào đời sống của tác phẩm. Bởi những trang sách viết ra không có người đọc cũng không khác bức tranh không có người thưởng ngoạn. Đành rằng một cuốn sách hoàn tất và được in ra rồi, từ lúc đó có một số phận và hành trình riêng của nó; nhưng cái gọi là feedback từ phía độc giả, họ chia sẻ những cảm xúc ra sao đối với tác phẩm thì không thể không có tác động đối với người viết.
 
Bước vào lãnh vực văn chương, tôi không có được những bước khởi đầu giống như nhiều nhà văn khác, khởi đi từ một số truyện ngắn đầu tiên được đăng báo, từ đó được khích lệ tiếp tục sáng tác rồi thành danh một nhà văn. Tôi không có một truyện ngắn nào đăng báo trước đó khi hoàn tất Mây Bão là cuốn tiểu thuyết đầu tay, mà động lực viết lúc đó không phải với ảo tưởng đi tìm sự nổi tiếng. Sự nổi tiếng như một tấm huy chương đối với một người lính, nếu anh ta có can đảm xông pha trận mạc chắc động lực lúc đó không phải là để đi tìm tấm huy chương.
 
NMT: Đời sống bây giờ với thời giờ rất bận rộn đã ảnh hưởng thế nào trong đời cầm bút của anh?
 
NTV: Sau 75 ở Việt Nam, người ta luôn luôn nhắc tới 8 giờ vàng ngọc, lao động tiên tiến với những chiến sĩ đua, nhưng xem ra vẫn có nhiều thì giờ để tùy nghi hơn ở nước Mỹ này. Họ không có anh hùng lao động, làm việc mà cứ trông đợi những ngày thứ Sáu cuối tuần TGIF, các long weekends. Sống trong mainstream ấy, hình như chúng ta cảm thấy có ít thời giờ hơn cho những công việc ưa thích hoặc cần làm. Cái thú của những giọt cà phê phin nhẩn nha buổi sáng đã chuyển thành ly instant coffee ngồi uống trong xe trên đường tới sở làm, để rồi thực sự bắt đầu 8 giờ vàng ngọc.
 
NMT: Trở lại thời trước khi còn làm báo Tình Thương và hoạt động sinh viên, anh có ý nghĩ gì về vai trò của tờ báo cũng như về các phong trào thanh niên sinh viên trong những năm xáo trộn ấy?
 
NTV: Thời gian ở trường Y khoa, đó thực sự là những năm xanh của một đời người. Không phải chỉ có học, tôi còn có những bận rộn ngoài chuyên môn y khoa: hoạt động ban đại diện sinh viên và cùng các bạn trông nom tờ báo Tình Thương. Tờ báo ấy ra đời trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt ngay sau biến động tháng 11 năm 63. Hầu như các phân khoa đại học khác cũng ra báo trong khoảng thời gian đó. Riêng với trường Y khoa, tờ báo lấy tên là Tình Thương do ý nghĩa phù hợp với chức năng của Những Người Áo trắng. Khởi đầu với một ban biên tập khá hùng hậu, có chủ nhiệm và chủ bút đầu tiên là Phạm Đình Vy và Nguyễn Vĩnh Đức. Phải nói là có rất nhiều khuynh hướng trong tòa soạn từ những ngày đầu cho tới khi báo bị đình bản. Khuynh hướng academic phải kể tới Nghiêm Sỹ Tuấn (sau ngày ra trường đã tử trận ở Khe sanh 1968), Hà Ngọc Thuần, Đặng Vũ Vương; thiên về chính trị Phạm Văn Lương, Phạm Đình Vy, Trương Thìn, về văn nghệ Trần Xuân Dũng, Trang Châu, sinh hoạt sinh viên Ngô Thế Vinh và rất nhiều những cây bút khác viết về nhiều đề tài như Đường Thiện Đồng, Trần Xuân Ninh, Lê Sỹ Quang, Trần Đông A, Trần Đoàn, Vũ Thiện Đạm, Đặng Đức Nghiêm, Nghiêm Đạo Đại, Đỗ Hữu Tước... và cũng không thể không kể tới những bài đóng góp do các cây viết từ những phân khoa khác.
 
Tuy gọi là báo sinh viên nhưng cũng có sự góp mặt khá thường xuyên của cả các giáo sư y khoa như Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm, các giáo sư Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Đình Cát, Ngô Gia Hy, Bằng Vân Trần Văn Bảng... Về trình bày và biếm họa cho tờ báo là hai họa sĩ cây nhà lá vườn nhưng rất tài hoa là Liza Lê Thành Ý, Kathy Bùi Thế Khải, không thể không nhắc tới họa sĩ Nghiêu Đề cũng đóng góp những mẫu bìa rất đẹp cho tờ báo. Ban đầu tờ báo sống hoàn toàn nhờ quảng cáo của các hãng thuốc và một số tiền báo bán được trong giới sinh viên y khoa. Nhưng sau đó do số độc giả ngày một tăng thêm, không phải chỉ trong giới sinh viên mà cả ngoài dân chúng nữa. Tiến tới giai đoạn tờ báo có thể hoàn toàn tự túc về phương diện tài chánh, có cả tòa soạn riêng ở trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, là nơi sinh hoạt hội họp của ban biên tập, chỗ thăm viếng của các phái đoàn sinh viên quốc tế và các nhà báo ngoại quốc - một người mà tôi còn nhớ tên Takashi Oka phóng viên của báo New York Times tại Việt Nam thời bấy giờ. Tờ báo còn có khả năng - dĩ nhiên bằng phương thức nhà nghèo, gửi phóng viên như tôi ra miền Trung, lên Cao nguyên để làm những phóng sự đặc biệt tại chỗ. Vài kỷ niệm mà tôi còn nhớ từ những chuyến đi đó: một Quảng Ngãi trắng khăn tang sau vụ lũ lụt lớn nhất miền Trung; chứng kiến đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Lệ Mỹ -- nước mắt người Mỹ ở Đà Nẵng; sinh hoạt cố đô Huế khi sinh viên chiếm đài phát thanh và nhất là những lần lên Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột để theo dõi các vụ bạo loạn của người Thượng thuộc phong trào Fulro...
 
NMT: Đang là một sinh viên y khoa rất ư là bận rộn làm sao anh có thì giờ cho những công việc ngoài y khoa như vậy?
 
NTV: Quả thật lúc đó tôi không phải là một sinh viên y khoa gương mẫu theo cái nghĩa cổ điển của trường ốc, lẽ ra tôi ra trường sớm hơn, ở vào năm thứ tư mà tôi còn có ý định bỏ học để có toàn thời gian theo đuổi những sinh hoạt báo chí mà tôi đang rất say mê. Bây giờ nhớ lại, tôi không thể không cám ơn anh tôi đã khuyên tôi hoàn tất hai năm còn lại để ra trường và lúc đó không có ai cản trở tôi làm những công việc mà tôi thích. Và rồi tôi cũng học xong y khoa, làm đủ bổn phận người thầy thuốc đồng thời vẫn có cơ hội theo đuổi công việc viết lách.
 
NMT: Hình như trong giai đoạn đó không có phân khoa đại học nào mà không có ra báo: Báo Đất Sống của Dược khoa, các báo của Văn Khoa Luật khoa, rồi báo của Tổng hội Sinh viên... Anh còn điều gì nói thêm về tờ báo sinh viên Tình Thương?
 
NTV: Theo tôi sự bền bỉ sống còn của tờ báo là điểm thành công đầu tiên, cho dù không thiếu sóng gió trong sinh hoạt nội bộ của tòa soạn và có cả áp lực từ bên ngoài muốn ảnh hưởng chi phối tờ báo. Về nội dung tờ báo, nay có dịp nhìn lại, ngoài những mục thường xuyên có tính thời sự đáp ứng nhu cầu chính trị xã hội và văn hóa của giai đoạn ấy, cũng có một số công trình có giá trị dài hạn được đăng tải liên tục trong suốt những số báo, nhưng rồi cũng bị dở dang do tờ báo bị đình bản, vào khoảng tháng 8 năm 67. Tôi còn nhớ một tên một vài công trình ấy như: Lịch sử Y khoa của Hà Ngọc Thuần, Dưới Mắt Thượng Đế của Nghiêm Sỹ Tuấn, Nguyễn Vĩnh Đức dịch nguyên tác từ tiếng Đức, Nuôi Sẹo tiểu thuyết xã hội của nhà văn Triều Sơn mà bản di cảo duy nhất do giáo sư Trần Ngọc Ninh còn giữ được từ những năm 40, thì nay cũng thất lạc.
 
Thế mà đã hơn 30 năm kể từ ngày báo Tình Thương bị đình bản. Nếu tờ báo đã tạo được tiếng vang và một thành quả nào thì đó là cái thành công chung của cả một tập thể sinh viên y khoa chứ không do từ một vài cá nhân nào. Kinh nghiệm quý giá nhất mà chúng tôi học được trong thời gian ấy là sinh hoạt dân chủ và đoàn kết trong tinh thần Tự trị Đại học của tập thể sinh viên y khoa. Ngay trong nội bộ tòa soạn, mặc dầu có nhiều khuynh hướng rất khác nhau đôi khi cả đối nghịch nữa, đưa tới những cuộc tranh luận kể cả bút chiến công khai tưởng như có thể gây đổ vỡ nhưng do nơi ý thức trách nhiệm đối với sự sống còn của tờ báo, biểu tượng cho sinh hoạt dân chủ nên cuối cùng thì chúng tôi vẫn đi tới được sự dung hợp với một mẫu số chung rộng rãi: tờ báo luôn luôn như một open forum, diễn đàn tự do của những quan điểm khác nhau về mọi vấn đề chính trị giáo dục và xã hội.
 
Tôi còn nhớ sau 63 giữa những năm cực kỳ xáo trộn, với những cuộc biểu tình dắt dây ngoài đường phố. Ngay trong vòng thành trường Y khoa cũng là cái nôi của thứ sinh hoạt quá độ ấy. Điển hình là cuộc bút chiến, mà tôi còn nhớ rõ giữa hai anh, đều trong ban biên tập báo Tình Thương. Bùi Thế Hoành chủ trương sự ổn định và Tôn Thất Chiểu nghiêng về các phong trào tranh đấu, cả hai đều có những luận cứ sắc bén và thuyết phục. Cuộc bút chiến ấy lan cả ra báo chí bên ngoài, không ai thắng ai, mỗi người kéo theo được một đám đông. Và theo tôi đó mới thực sự là sinh hoạt dân chủ. Bây giờ thì cả hai anh ấy hiện đang sống ở Mỹ, nhưng hình như họ xích gần lại với nhau hơn ở quan điểm nhận định về tình hình đất nước...
 
NMT: Về các phong trào thanh niên sinh viên lúc ấy ra sao? Có thế lực nào chi phối đằng sau những phong trào ấy? Và anh rút ra được bài học gì trong những năm 60 ấy?
 
NTV: Theo tôi, do những động lực trong sáng, ở đâu và bao giờ thì các phong trào thanh niên sinh viên cũng rất dễ có quần chúng và vai trò của họ lúc nào cũng như một chất men làm thăng hoa xã hội. Họ thực sự chưa là một lực lượng chính trị đúng nghĩa nhưng họ là sức mạnh áp lực thúc đẩy tiến trình dân chủ. Có thể kể một vài trong rất nhiều những phong trào sinh viên thanh niên lúc đó: Tổng hội Sinh viên, Hội đồng Đại diện Liên khoa, Summer Program hay Chương trình Hè, Đoàn Thanh niên Thiện chí, Phong trào Thanh niên Sinh viên Hướng về Nông thôn, Phong trào Thanh niên Trừ gian, Đoàn Văn nghệ Gió khơi, Đoàn Văn nghệ Nguồn sống, Phong trào Du ca...Mọi công thức đều được đưa ra thử thách, tuy hiệu quả tác động trên xã hội lúc đó cũng hạn chế nhưng có khía cạnh tích cực là những người trẻ tuổi ấy đã được thử thách, và tôi không ngạc nhiên khi thấy những năm rất xa sau này họ vẫn dễ dàng xáp lại để cùng làm việc với nhau. Tuy nhiên ở bất cứ thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào, cũng không phải là không có lẫn vào một số “tuổi trẻ cơ hội”, tuy rất ít (hoặc bị lợi dụng hoặc có ý thức chủ động) nhưng chính thiểu số này lại là yếu tố phân hóa mạnh mẽ và làm mất niềm tin của quần chúng trong giai đoạn ấy. Có lẽ cũng cần sớm rút ra những bài học từ các phong trào thanh niên sinh viên sau 63, là những năm xáo trộn với rất nhiều giận dữ ồn ào nhưng đã kết thúc như một cơn mộng lỡ.
 
NMT: Đến bây giờ qua nhiều thay đổi, những ý nghĩ ấy có khác biệt gì với thời trước? Anh còn thích viết về cuộc chiến không? Và coi như một trang sách đã lật qua hay vẫn coi đó là vấn đề còn nhiều bức thiết cho chúng ta ngày nay?
 
NTV: Cuộc chiến tranh đã đi vào quá khứ hơn 20 năm rồi, bảo rằng coi đó như một trang sách đã lật qua cũng không phải là sai, nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta đã rút ra được bài học gì qua cái trang sách đẫm máu và nước mắt ấy. Dĩ nhiên chúng ta hướng về tương lai nhưng làm sao qua trang sử mới, đó không phải bước lặp lại của những lỗi lầm mà chính chúng ta cũng như các thế hệ sau đang phải gánh trả.
 
Mà làm sao có thể bảo rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã hoàn toàn đi vào quá khứ. Ngay bản thân tôi không ngày nào mà không có hơn một người cựu chiến binh Việt Nam trong số bệnh nhân của tôi: những vết thương với các mảnh đạn AK, B40 còn ghim trong hàm trong cổ họ và hơn 20 năm sau vẫn còn gây đau nhức... Họ vẫn còn nhớ và nhắc tới những địa danh Khe Sanh, Lộc Ninh, Cửa Việt mà họ đã trải qua và sống sót; có anh còn nhớ lõm bõm câu tiếng Việt như điên cái đầu, chắc là học được từ các cô gái Việt Nam trong các quán bán Bar mọc lên như nấm quanh các doanh trại Mỹ hồi đó. Cũng có cả bệnh nhân từ chối để tôi khám bệnh chỉ vì không muốn có flashback về những kỷ niệm kinh hoàng của anh ở Việt Nam. Rồi tôi không thể không liên tưởng tới những người lính Việt Nam và thương binh cũ còn ở lại bên quê nhà, bị chế độ mới nếu không ngược đãi thì cũng hoàn toàn bỏ rơi họ. Nỗi khổ của họ chắc là ngàn lần thấm thía hơn ... Đấy như anh thấy, làm sao mà thực sự bước ra khỏi cuộc chiến tưởng như đã thực sự đi vào quên lãng từ hơn hai chục năm rồi...
 
Còn về ý nghĩ, quan niệm của tôi hiện nay thì không có nhiều khác biệt so với thời trước, chỉ có cách nhìn trầm lắng hơn và muốn đi tìm sâu vào những nguyên nhân. Bảo rằng thích viết về cuộc chiến tranh ấy thì không đúng, nhưng có lẽ ký ức của cuộc chiến ấy sẽ đeo đẳng với tôi tới cuối cuộc đời còn lại. Đọc và viết đối với tôi có ý nghĩa như một tìm kiếm về Những Kinh nghiệm Việt Nam. Khi đọc những bài báo viết về một thời đã qua, tôi có thói quen sưu tập nếu như tìm được ở đó một chi tiết soi sáng những câu hỏi vấn nạn về cuộc chiến Việt Nam.
 
Như một chuyện bên lề. Chắc anh còn nhớ cuộc di cư 54. Khi ấy tôi mới 13 tuổi, tuổi anh chắc còn ít hơn. Hình ảnh người bác sĩ Mỹ trẻ Tom Dooley, mới ra trường tình nguyện sang Việt Nam tận tụy phục vụ đồng bào di cư nơi các trại lều vải ở cảng Hải Phòng, đẹp đẽ như một thần tượng. Cuốn sách Đến Bến Bờ Tự Do của anh trở thành best seller, làm xúc động cả nước Mỹ. Sau đó Tom Dooley lại tình nguyện qua bắc Lào, mở bệnh viện để chăm sóc người nghèo và các trẻ em thương tật. Lúc đó anh như một hình ảnh sáng rỡ của một Schweizer Á châu, thần tượng của các thế hệ trẻ sắp bước chân vào y khoa - trong đó có cả tôi. Để cho đến mãi về sau này, hơn 40 năm sau cũng chính những người cộng tác với anh xác nhận anh chỉ là một bác sĩ bị sa thải khỏi Hải quân Mỹ trong trường hợp không danh dự vì bị phát hiện là đồng tính luyến ái, anh tự nguyện trở thành công cụ rất sớm của CIA trong cả một hệ thống chiến dịch quy mô thông tin tuyên truyền sai lạc, chuẩn bị cho nước Mỹ thực sự phiêu lưu vào một vùng đất Á châu rối bời sau này...
 
Một thí dụ khác, hơn 40 năm sau ngày Tom Dooley đặt chân tới Hải Phòng, chúng ta lại phải chứng kiến cái cảnh ông McNamara bước thấp bước cao trên vỉa hè Hà Nội, tới hỏi ông Võ Nguyên Giáp là có vụ tấn công tàu Maddox hay không? Sau khi đã cả triệu người Việt và ngót 60 ngàn lính Mỹ chết, ông ấy thú nhận rằng chính ông và cả nước Mỹ đã lầm, rất sai lầm trong vụ can thiệp vào Việt Nam. Đâu là sự thật đằng sau cuộc chiến tranh Việt Nam ấy? Giả dối và tuyên truyền sai lạc là bản chất của cộng sản nhưng còn về phía những người bạn đồng minh thì sao? Nếu chúng ta không Nhìn Lại --In Retrospect, (chữ của ông McNamara) không lẽ trong một tương lai không xa Việt Nam, sau tấm thảm kịch tiền đồn của thế giới tự do, nay mai lại sắp được vinh danh là tiền đồn lần thứ hai để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung cộng?
 
Đấy như anh thấy, trong trang sách đã lật qua ấy có che đậy rất nhiều “cái chết của những ảo tưởng” mà ngay thế hệ chúng ta và thế hệ tương lai không thể không tìm hiểu. Hội chứng Việt Nam không chỉ là của người Mỹ mà của chính người Việt chúng ta. No More Vietnam, Vietnam Never Again, phải là điều tâm niệm của giới trẻ lãnh đạo cả bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam trong tương lai.
 
NMT: Trong các nhân vật Mây Bão, Bóng Đêm, Gió Mùa, Vòng Đai Xanh, có phảng phất con người thực với đời sống thực của Ngô Thế Vinh không? Trong tác phẩm của anh như Vòng Đai Xanh chẳng hạn, chất thời sự và thực tế đã hiện diện rất nhiều. Như vậy hư cấu chiếm một tỉ lệ thế nào trong những điều mà anh giãi bày trong tác phẩm?
 
NTV: Anh nhận xét đúng là chất thời sự và thực tế đã hiện diện rất nhiều trong các tiểu thuyết của tôi, điển hình là cuốn Vòng Đai Xanh. Nhưng đó không phải là ký sự hiểu theo cái nghĩa báo chí. Thực tại trong Vòng Đai Xanh chứa đựng rất nhiều chất liệu của cuộc sống nhưng đã được chọn lọc qua cảm quan của người viết để thấy được mối tương quan toàn cảnh, tiến tới một sự thực của tiểu thuyết.
 
Nhìn lại lúc đó không thiếu những bài báo viết về các biến động Cao nguyên, và báo Tình Thương cũng đăng tải những phóng sự tôi viết trong khoảng thời gian đó. Xúc động về tấn thảm kịch Kinh Thượng, nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ rằng đây là một vấn đề lớn có tầm vóc dân tộc nên thay vì viết ký sự, tôi đã xử dụng những tư liệu ấy cho một cuốn tiểu thuyết mà tôi nghĩ sẽ có tác dụng lâu dài hơn nơi người đọc qua các hình tượng văn học.
 
Vòng Đai Xanh đã được bắt đầu viết ngay khi tôi còn là phóng viên của tờ báo Tình Thương có nhiều dịp lên cao nguyên khi có những biến cố đẫm máu phát khởi từ phong trào các sắc dân thiểu số có tên gọi tắt là FULRO (Front Unifié de libération des Races Opprimés - Mặt Trận Thống nhất Giải phóng các Dân tộc bị Áp bức). Đó là những diễn tiến rất khúc mắc phức tạp tưởng như rất nghịch lý giữa người Việt thuộc các sắc dân Kinh Thượng, người Mỹ, Cộng sản và cả người Pháp nữa. Báo Tình Thương đã dành riêng những số chủ đề để theo dõi và phân tích các biến cố đó với slogan “Cao nguyên Miền thượng: một cỗ xe với ba tên xà ích”, Vòng Đai Xanh thực sự là một cuộc chiến tranh không kém phần bi thảm bị lãng quên giữa một cuộc chiến tranh Việt Nam được nhắc nhở tới nhiều nhất trong lịch sử báo chí Mỹ.
 
Có một chi tiết mà tôi còn nhớ liên quan tới chủ đề của cuốn sách lúc đó, là qua Tập San Sử Địa ở Sài gòn, tôi đã nhận được một bức thư dài của giáo sư Hoàng Xuân Hãn gửi từ Pháp, chia xẻ mối quan tâm về vấn đề chủng tộc ở Việt nam và cả bày tỏ thái độ khác biệt với quan điểm các nhà nghiên cứu Mỹ tới thăm ông... Theo tôi, vấn đề sắc tộc và địa phương ở Việt nam không phải đã đi vào quá khứ, nó vẫn còn là một vết thương gây đau nhức, cần tới một tầm nhìn xa và sự quan tâm thao thức đúng mức của các nhà lãnh đạo Việt nam trong tương lai...
 
Trở lại cuốn Vòng Đai Xanh, tôi đã có dịp hoàn tất cuốn sách này trong thời gian làm y sĩ trưởng của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Sách xuất bản năm 71 với nội dung bị nhiều cắt xén đáng kể, một phần do chính tác giả và một phần do phối hợp nghệ thuật của bộ Thông tin. Và rất tiếc sau 75 bản thảo gốc nguyên vẹn cũng đã bị thất lạc...
 
Nhân vật chính của Vòng Đai Xanh, ngôi thứ nhất. Và như anh thấy, cái tôi của Vòng Đai Xanh không phải là cái tôi của tác giả, nhân vật là một họa sĩ tài hoa - rất giống họa sĩ Nghiêu Đề bạn tôi, nhưng khác là anh ta bỏ vẽ bước sang nghề báo để rồi bị lôi cuốn sâu vào suốt tấn thảm kịch của miền Đất Hứa Cao Nguyên... Thường thì độc gỉa hay có khuynh hướng đồng hóa cái tôi trong tiểu thuyết với tác giả. Mới đây tôi nhận được thư người học trò cũ bên Úc lần đầu tiên được đọc cuốn Vòng Đai Xanh, như một khám phá em không ngờ thầy còn là một họa sĩ. Như anh thấy, tôi rất thích hội họa, có bạn là họa sĩ nhưng chưa bao giờ biết vẽ tranh. Đến nhân vật nữ có tên là cô Như Nguyện, không hiện diện nhưng thấp thoáng trong suốt cuốn sách có thể coi là phần hư cấu của tiểu thuyết.
 
NMT: Nếu có một tuyển tập viết về chiến tranh Việt nam với sự hiện diện từ nhiều phía, liệu anh có tham dự không nếu được lời mời? Sẽ từ chối hoặc chấp nhận? Xin cho biết lý do?
 
NTV: Câu hỏi của anh khiến tôi liên tưởng tới những sự kiện xảy ra quanh cuốn sách The Other Side of Heaven mới ra mắt gần đây: đúng là một cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam với sự hiện diện từ nhiều phía, có cả giọt nước mắt thứ ba nói theo chữ Nguyễn Mộng Giác, gồm một số nhà văn thuộc miền Nam trước đây... Vắng mặt có nghĩa là không có tiếng nói và bị lãng quên.
 
NMT: Đã có nhiều người viết về chiến tranh Việt Nam: Mỹ có, Bắc Việt Nam cộng sản có và dĩ nhiên có cả những người cầm bút Nam Việt Nam. Có người cho rằng tiếng nói từ phía Nam Việt Nam ít có tiếng vang trên văn đàn quốc tế, do số hiếm hoi những tác phẩm được dịch ra tiếng Anh hay nếu có những tác phẩm viết thẳng bằng tiếng Anh cũng ít gây được thành công đáng chú ý.
 
NTV: Theo tôi ngành xuất bản Mỹ bị chi phối bởi quy luật kinh tế thị trường. Các chủ nhà xuất bản Mỹ họ rất bén nhậy biết đâu là phần đầu tư mang lợi nhuận lại cho họ. Với bức màn tre bưng bít và tuyên truyền trong bao nhiêu năm, hình ảnh người lính Bắc Việt mang danh là quân đội nhân dân ấy được nhiều người Mỹ trước đây coi như huyền thoại. Độc giả Mỹ có nhu cầu muốn biết chân dung kẻ thù Bắc Việt ấy ra sao mà lại có khả năng đánh đánh bại cả nước Mỹ? Trong khi đó họ đâu cần tìm hiểu về người lính Việt Nam Cộng hòa đã từng được báo chí Mỹ mô tả với đầy những nét tiêu cực trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam - và cũng như biện minh một phần cho sự thất trận của họ. Nói rộng ra, những sản phẩm văn học nghệ thuật đến từ Bắc Việt Nam kể cả thơ, hội họa, điêu khắc không nhất thiết phải thực sự có giá trị nhưng chắc chắn vẫn còn sức hấp dẫn đáp ứng thị hiếu của quần chúng Mỹ trong một thời gian nữa.
 
Nói như vậy không có nghĩa quần chúng thưởng ngoạn Mỹ không biết đánh giá những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị của phía Nam Việt Nam, nhưng rõ ràng là có những bước khó khăn hơn về phương diện marketing để có những sản phẩm có thể đến tay họ. Tôi vững tin rằng khi mà Hội chứng Việt Nam qua đi đối với dân chúng Mỹ, thì một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cho dù từ phía nào vẫn có chỗ đứng xứng đáng của nó.
(Còn tiếp một kỳ)
Nguyễn Mạnh Trinh
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com