1. Chim Thiên Di
Chim Chìa Vôi chuyền cành muốn hát
Trên hư không ve cưới mùa hè
Em có nghe suốt dọc đường về
Sỏi đá gọi tên người yêu dấu…. (Mường Mán)
Thời sinh viên nội trú, ở ngôi trường Đại Học Liberal Arts nho nhỏ ở Washington State xanh mướt cây lá già hoang sơ, tôi thường ngồi học trên cỏ xanh hay “nằm dài nghe chim”. Có khi thinh lặng ngồi trên phiến đá rêu xanh, cạnh dòng suối con nghe nước chảy róc rách.
Học trò quên sách vở, ngắm chim trời và mây bay, bâng khuâng trong cõi thơ lục bát Phạm Thiên Thư… “tiếng chim trong cõi vô cùng…. nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa… theo chân chim gặp mây trời”…
Tôi rất yêu thích chim trời. Thường dõi mắt theo chim bay bay và chim trên cây. Chim rất nhiều ở Đại Học này cổ kính 150 năm. Trong ba lô tôi thường mang theo một ống nhòm, một dụng cụ nhỏ làm ra tiếng chim hót, và cuốn cẩm nang “The Audubon Society Field Guide to North American Birds” mô tả các loại chim ở Bắc Mỹ Châu.
Ở một khuôn viên Đại Học khác, bốn đứa chúng tôi kết nghĩa “mày tao”, trong đó có Việt Dzũng là anh hai. Có những ngày bọn tôi ngồi tựa cây xanh, với cây đàn, buổi chiều 6 giờ nghe chuông ngân nga bản nhạc cổ điển Moonlight êm đềm của Beethoven. Nghe có tiếng chim hót theo. Ta là con chim, đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi”… Trời, thời sinh viên thật là tuyệt vời!
Thời Tiểu Học trường Pháp, tôi rất thích giờ ngôn ngữ Việt “Dictée Vietnamienne”. Ở ba năm Trung Học trường Việt, rồi chạy sang Hoa Kỳ 1975 tị nạn Cộng Sản. Thời mới di tản tới nước Mỹ, học trò tôi ngày đêm đối phó với English, khiến tôi càng ghiền đọc sách báo tiếng Việt.
Thời làm việc ở Seattle, tôi thường tới thư viện University of Washington để photocopy sách tiếng Việt. Vừa lãnh lương, là tôi chạy ra tiệm mua sách Việt. Nay là thời đại điện tử đầy những e-book và tài liệu electronic, chúng tôi làm gì với mấy ngàn cuốn sách đầy nhà?
Trong các truyện ngắn, tôi nhớ nhất chuyện “Rừng Mắm“ của Bình Nguyên Lộc kể chuyện rừng U Minh, rừng tràm rừng đước, rừng mắm. Những thế hệ cây già ngã xuống phù sa làm nên đất thịt, cho thế hệ con cháu trồng cấy. Tôi đọc mà thích thú hết sức, như “thằng Cộc thích chí hết sức”…., “chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại”… “nó theo dõi con chim thầy bói từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút này đây”… “màu xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp“…
Tôi chép xuống tên chim chóc miệt rừng U Minh đã được nhắc tới trong truyện ngắn này: chim thầy bói, chim thằng chài, cò ma, cò lông bông, cò quắn, cò hương, chim nhạn, chim lông ô, chim cao cẳng…….
Hồi năm 2002, ở lớp Hán Việt 7 năm sinh hoạt trên yahoogroup, thầy trò chúng tôi vui thích trao đổi đủ thứ chuyện đời thường và văn chương cổ của tiền nhân. Tôi được học câu này: cận giang tri ngư tánh, cận lâm thức điểu âm. Gần sông biết tính cá, gần rừng hiểu tiếng chim. Chẳng cũng khoái sao!
Chim chóc sinh sống thật tự do dưới trời bao la rộng. Cha tôi ở tù Việt cộng 13 năm. Đời tù quá cực khổ. Các tù nhân chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã viết hồi ký đời tù ẩn nhẫn luyện chí. Tù nhân thường dõi mắt theo chim, mơ ước được tự do như chim trời, tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nhưng mà các chiến sĩ ấy can trường ấy “vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu, chạy mỏi chân thì hãy ở tù”…(Ngục Trung Thư). Nào có hề gì đâu!
2. Từ trong tiền kiếp kết lời thủy chung
Tôi ưa thích thiên nhiên, nên chọn học 2 ngành Địa Chất Học và Sinh Vật Học (geology-biology). Thời ấy, thập niên 70-80, làm gì có computer, world wide web, google mà search ra những thắng cảnh, sông biển, hoa lá, chim trời cá biển mỹ thuật như thời này? Chim trời ở khắp các lục địa. Chúng xinh xắn quá, lộng lẫy nhiều màu sắc, dễ thương quá, như được thể hiện qua tập thơ Bách Linh Nhất Điểu của nhà báo nhà thơ Kiến Hoa Võ Thành Đông!
Tìm kiếm tên chim tiếng Việt tiếng Mỹ, học trò tôi đã tra tự điển. Những cuốn tự điển nặng nề dầy cộm, mà thời đại điện tử này chẳng còn ai sử dụng. Và như thế, khi trời nắng ấm, khi chim chóc nhảy nhót chuyền cành ca hát trên cây, thì tôi thú vị lôi ống nhòm ra ngắm chim trời (bird watching).
Sẵn có cuốn cẩm nang Audubon, tôi tìm kiếm các loại chim giống chim (description), tên chim, môi trường chim sinh sống (habitat) khu vực chim ở (range), chim làm ổ ra sao (nesting), tiếng chim hót kiểu cách nào (voice)….. keer keer, ka-ha-ha, bow-wow, cooo cooocoo-ah coo-ah, chack chack, see see see, whit whit, che-che-che, peer ppeeer, zick-zick, kak kak kak, ok-a-lee, k-yewk k-yewk…
Rời Đại Học nay đã gần 40 năm, nước thời gian gội tóc trắng phau phau rồi, đã dọn nhà mấy lần, mà tôi vẫn còn giữ cuốn cẩm nang Audubon Society này, dù chim chóc đầy Internet. Giở lại 2 trang chót, tôi cảm động đọc lại cái Glossary về chim, mà mình tỉ mỉ ghi bằng cây bút máy favorite, bơm mực đen, nét chữ mỏng và nhỏ xíu:
stork (cò), ibis (cò quăm), spoonbill (cò thìa), egret (cò bạch), heron (con diệc), bittern (con vạc), ring dove (chim cu), robin (chim cổ đỏ), redstar (chim đỏ đuôi), bulbul (hoành hoạch), kingfisher (chim bói cá), jay (chim giẻ cùi, chốc mào), warbler (chim chích), flycatcher (chim giẻ quạt), swallow (én, nhạn), oriole (chim vàng anh), cardinal (chim giáo chủ), siskin (chim hoàng yến), sparrow-hawk (chim bồ cắt), kingbird (chim thụy hồng), kinglet (chim hồng tước), tern (hải yến), wagtail (chim chìa vôi), plover (chim choi choi), starling (chim sáo), sparrow (chim se sẻ), lark (chim chiền chiện), pigeon (bồ câu), swan (thiên nga), owl (cú), magpie (chim ác là), nutcracker (chim bồ hạt),eagle (diều hâu), thrush (họa mi), hummingbird (chim sâu)
Tôi vô cùng yêu thích chim. Hồi nhỏ ở Việt Nam, nhà Ba Mẹ đầy chim se sẻ và bồ câu bay rào rào trên nóc nhà, kêu gù gù trong những chuồng xinh xắn Ba dựng ở ngoài sân. Thời trẻ tham dự các Trại Họp Bạn Tây Bắc Hoa Kỳ, tôi để ý thấy nhiều chim Jay đuôi dài, lông xanh bleu rất đẹp, lại có tên rất xấu là “giẻ cùi”? Thắc mắc này vướng trong trí tôi, lúc vui giỡn cùng các trại sinh và hướng đạo sinh ca hát trên rừng núi Tây Bắc xanh xanh ngàn thông:
Con chim vàng ca trên cành
Đời mà vui sướng là do chúng ta
Con chim vàng ca trên cành
đời mà vui sướng ta hát vang lừng
3. Trời cho non nước hữu tình
Cuộc đời dẫu có trăm năm, vẫn quay về một chỗ nằm thiên thu. Ắt chim cũng biết việc đời trăm năm như chớp mắt. Chim đã bay rồi, khiến ta mãi mãi nhớ thương người đã khuất núi. Sao mây đầy núi trắng mà hạc không về? Vân mãn không sơn, hạc bất quy. Đã thành người thiên cổ rồi, thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi. Cuộc đời đầy những nhớ thương man mác bâng khuâng. Những chia ly dằng dặc phân kỳ hình xưa bóng cũ. Những sóng gió lay động.
Chim bay đi rồi, không trở lại. Thiên địa hà man man, trời đất mênh mông vô cùng tận, biết đâu mà tìm? Chỉ còn lại những nhớ thương. Chim sống trong cõi vô cùng, ắt cũng biết quyến luyến cành cũ. Hà nhân bất khởi cố viên tình, ai chẳng động lòng nhớ vườn xưa quê cũ?
Quách Tấn “theo mây đi một buổi, trời đất nhẹ phiêu phiêu”. Chim sống trong mây, trong trời mưa trời gió. Gió rừng hay khí lạnh. Tôi chạnh nghĩ tới khúc gỗ có khắc hai câu đối cổ treo trên tường nhà bác Mây: hàn khí tri tùng tiết, lâm phong thức trúc can. Khí lạnh, người ta biết khí tiết của cây tùng. Gió rừng, người ta hiểu sự can trường của cây trúc.
Người ta ở dưới đất, chim trời ở trên cao. Người ta ắt cũng biết thương thương những thân chim bé nhỏ giữa núi rừng giá băng hiểm trở. Như những cô bé yếu đuối lạc chân giữa những khu rừng già âm u cổ tích.
Cám ơn thi sĩ Kiến Hoa Võ Thành Đông đã ưu ái làm thơ lục bát vinh danh chim trời. Tâm hồn thi nhân thật xúc tích. Những con chim được nhân cách hóa, mang tâm hồn nhân gian. Chim đài các hay bình dị. Chim linh hoạt, chim mơ mộng, chim yêu đời, chim âu sầu, chim thao thức. Chim bay bay ở phố thị hay ẩn nhẫn ở trong rừng. Ai đó nói rằng trời mưa là Trời gởi tình cho đất. Phải chăng chim trời là Trời gởi tình cho nhân gian?
4. Gặp nhau như thể phù vân tình cờ
Chim ơi là chim. Chim trời thật là quyến rũ. Lũ chim giang hồ rày đây mai đó, chẳng cần nơi nương tựa. Chim sinh sống ở muôn phương, thanh thoát giữa nhân loại bát nháo. Chim thôi miên ta. Chim là tâm hồn mình thao thức. Hãy theo chân chim gặp mây trời, gặp rừng núi bạt ngàn san dã mà thề non hẹn biển. Hãy lắng nghe chim ríu rít kể những chuyện tình nắng mưa.
Có khi chim lao xao đi tìm bạn, vui vẻ nồng nàn yêu đời “giỡn nắng ban trưa…. ríu rít ngoài song… Sang thăm bè bạn tận bên ven rừng… Bay sang hàng dậu vào trong hiên nhà… Trọn lòng tương kính ắt thành tâm giao…. Tìm bạn tâm đầu kết tóc se tơ…. Miễn là bằng hữu ngại gì xả thân”.
Có khi chim ẩn cư trên non ngàn, rồi xuống núi tung bay trên ngàn hoa nội cỏ. Có khi chim “tìm hoa dại ven đồi… Hỏi xin một ít hương hoa… Thấy trong hơi gió có ngàn đời hoa… Hái hoa tim tím nỗi niềm mang theo.. Hút mật tàn nhụy hoa đời…. Hoa tàn trên đỉnh hoang vu…”
Tiếng chim trong cõi vô cùng. Cái cõi vô cùng ấy khiến người ta rưng rưng nhớ nhau, người ta bước bước nhẹ tênh vào cõi thơ. Có những ngày ta chẳng muốn làm gì. Chỉ nghe nhạc và đọc sách. Như một con thuyền thả lỏng trên sông trăng. “Thuyền mấy lá Đông Tây lạnh ngắt, một vầng trăng trong vắt lòng sông” (ca dao).
A, một vầng trăng trong vắt lòng sông! Thần trí
ta trống không, thinh lặng, mặc tịch và thiền.
5. Líu lo tiếng hót gởi tình bay xa
Thật thú vị đọc thi tập 101 bài thơ lục bát 4-câu viết cho chim chóc, tựa đề Bách Linh Nhất Điểu, của thi sĩ Kiến Hoa Võ Thành Đông, chủ bút nhật báo Phương Đông ở Seattle thành phố trời mưa khiến người ta không ngủ được (sleepless Seattle).
“Theo nghiên cứu của các nhà sinh học riêng cho bộ cầm thì Việt Nam hiện nay có khoảng 830 giống chim. Trong thi tập này, chúng tôi chỉ chọn 101 loại chim có tên tiêu biểu mà đa phần chúng ta từng biết, nghe nói đến hoặc đã từng thấy đâu đó ở quê nhà”– (Lời giới thiệu của tác giả).
Chim ơi là chim! Chim đến từ thiên thu vạn cổ. Chim là vật tổ thiêng liêng của dân tộc Bách Việt. Chim hồng chim lạc, chim đứng chim bay, được tiền nhân ghi khắc tinh vi trên trống đồng, cổ vật ngàn năm của Lạc Việt.
Chim đã hót từ thiên thu vạn đại, từ nghìn xưa bao thế hệ. Chim mang thông điệp của Tổ Tiên Bách Việt vọng về từ rừng núi trùng điệp xa xưa 15,000 năm dựng Nước giữ Nước, từ những chốn địa đầu hoang dã, xẻ núi lấp sông…
Hãy tìm xem chim Đỗ Quyên lạc tiếng trong mưa, Cuốc kêu nhớ nước não lòng, Họa Mi hát khúc trăng mơ, Bồ Nông khóc cuộc tình rơi, Bồ Cắt xa lắc lưng trời, Sơn Ca líu lo tiếng hót gởi tình bay xa, Bồ Câu gù gù gọi bạn từ phương xa về, Cò Ngang cõng nắng đội mưa, Sếu tìm hoa dại ven đồi, Hạc vào cõi niết di đà, Bạc Má gột thù rửa oán thành không…
Hãy tìm xem Chim Lam khoác áo hành tu, Phụng Hoàng huyền thoại trong tranh. Uyên Ương sánh cặp nhởn nha, Se Sẻ tha về từng cọng vàng rơi xây nhà, Én chao nghiêng lệch góc trời, Bìm Bịp nhớ chăng giây phút tơ đồng ngày xưa. Mỏ Nhát chờ nắng lên rừng, Chim Sâu ríu rít ngoài song, Ó Biển vượt sóng lên thuyền, Đại Bàng giỡn bóng giữa trời, Cao Cát nghĩa trọng hèn khinh…
Ai không yêu thương chim chóc ngoài thiên nhiên? Chim hồn nhiên và u mặc. Hình như những con chim nho nhỏ ít âu sầu, nghệ sĩ và yêu đời. Chúng nó tung tăng chuyền cành nhảy nhót hát ca vô tư. Những “cái cò cái vạc cái nông” thì đủng đỉnh ra vẻ cao niên đạo mạo, trầm ngâm suy tư….
6. Những người năm cũ vẫn chờ thiên thu
Thấy chim, là thấy bốn phía mênh mông thân một mình. Như cụ Phan Bội Châu tứ cố thương mang ngã nhất nhân, bôn ba ở hải ngoại, ngày đêm canh cánh lo việc cứu nước cứu dân (đồng bào như thế dạ sao nguôi). Mong dân mình sớm được giải thoát, được sống tự do như chim trời bay thấp bay cao.
Có khi chim não lòng nhớ nước nhớ nhà và mỏi mong chờ đợi… ”đợi ánh chiêu dương… Muôn trùng hải lý vẫn nguyền hồi hương… Theo mây lưu đày… Ẩn thân xứ lạ chờ ngày hồi hương… Buồn cảnh không nhà… Rũ bên gương nước soi ra bóng chiều…. Cuốc kêu nhớ nước não lòng… Xa xôi đất mẹ chờ mong tin người…. Lối về quê cũ dặm trường mù xa….”
Thấy chim là thấy trời xanh mây trắng hạc vàng trong cổ thi và nhớ hai câu thơ Vũ Hoàng Chương dịch mỹ miều “vàng tung cánh hạc đi đi mất, trắng một màu mây vạn vạn đời“. Là thấy những dòng sông dài soi bóng chim nhạn bay ngang.
Nhạn quá trường giang
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Ảnh vô lưu thủy chi tâm
–(Thiền sư Hương Hải thời Lê)
Thấy chim là thấy sầu vạn cổ. Tan ngay nghìn sầu hay nỗi sầu gấp trăm? Người ta nói vạn pháp tùy tâm tạo. Có phải buồn vui là do ở tâm hồn mình?
Thấy chim là chạnh lòng thương. Dẫu chẳng biết ta thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai. Thấy chim là thấy lá xanh lá vàng, nhìn những mùa thu đi và tưởng nghĩ đến ngày về. Là có thể thảng thốt như người xưa hỏi nói hà nhật quân tái lai, ngày nào anh trở lại?
Thấy chim bay là thấy cuộc đời vạn nẻo, thế sự buồn vui, và những dòng sông chảy xiết. Sông không trở lại những khúc quành cũ. Thấy chim bay, là thấy có nỗi sầu chia ly. Tương kiến thời nan biệt diệc nan, gặp nhau đã khó, chia tay càng khó hơn. Chim đã bay mất rồi, tương cố bất tương kiến, cùng trông lại mà cùng chẳng thấy…
Thấy chim, là tưởng nghĩ tới tương phùng và chia ly. Tưởng nhớ những người xưa đã khuất. Thấy tuổi trẻ tuổi già và lẽ sinh tử. Là thấy những dòng sông vạn lý trường giang bi dĩ trệ, đượm sầu thương. Là thấy gió muôn dặm chiều tà có bóng chim bay và biệt ly nhớ nhung từ đấy.
7. Cuộc đời dẫu có trăm năm
Trời, chim ở đâu mà nhiều quá! Bách thanh chim hót trăm tiếng…. Có khi chim “vân du bốn mùa… Thảnh thơi hợp xướng núi non điệp trùng”. Ngàn giống chim thân ái hót trăm điệu “Bổng trầm trăm điệu chuyền cành véo von… Bách Thanh tiếng hát khuynh thành… Đôi khi vang vọng tiếng cười”… Đời sống phiêu bồng.. “Từ nơi xa ấy có quên chốn này?… Lạc vào phố thị có về được không?”
Có khi chim bay hoài không mỏi mệt… ”lên đỉnh núi cao….. chẳng lo tử biệt sinh ly… Vớ mây phủ cánh bay vào hư không….. Ôm màu hạ trắng đợi mùa thu sang… Theo dòng suối tìm hồ nước trong”….. Trời nắng trời mưa khiến chim bâng khuâng. ”Tình trong mỗi hạt mưa tuôn… Trong hương đồng nội chứa nhiều nắng mưa”..
Có khi chim “giấu kín tâm tư”, nào ai biết chim nghĩ gì? Đời sinh tử, trời đất vô thường, có đó rồi mất đó. Có khi chim ẩn nhẫn như người tu sĩ áo lam áo vàng trên non sông “sống lành an thiện cho đời, sẽ qua khổ nạn do nơi tâm từ….. chẳng màng hai tiếng được thua”.
Có khi chim âu lo về sự chia ly ngăn cách…. ”chợt buồn bâng quơ, sợ thu quyến rũ bỏ trơ cây cành… lạc đàn mỗi kẻ một phương”…. Biết ngày nào sinh lực “Héo tàn theo tháng năm bay… Đôi cánh mỏi mòn…. Âm thầm quạnh quẽ héo cuộc hôn nhân…. Đời người một kiếp mong manh…… Cuộc đời dẫu có trăm năm, ẩn quay về một chỗ nằm thiên thu”
Có khi chim nhớ những ngày tù ủ rũ “Giữa nơi rừng núi buồn thêm phận tù… Trong chốn đọa đày vẫn vẹn thủy chung… vì bạn hy sinh… Nhường cơm sẻ áo dẫu tình hẩm hiu”…
Có khi chim một mình thinh lặng, “tự sống biệt giam…. Chọn nơi khép kín ẩn danh tánh mình… Dựng lều hốc đá chịu kham khổ đời”. Có khi chim cô đơn cùng cực, tưởng chừng như nhân loại chẳng còn ai. Chỉ thấy mặt trời mọc buổi sáng và buổi chiều chết đuối ở mênh mông thiên địa.
Gõ Kiến lỗi nhịp canh dài
Chờ trăng soi lối gót hài mỹ nhân
Nhiều khi qua chốn bạc phần
Gặp nhau như thể phù vân tình cờ
Có khi chim cô đơn, âu sầu vắng bạn… “trông bạn mỏi mòn… Sao bàn tay ấy biệt tăm không về… Chờ tình lang mãi xa xôi không về…. Hát câu ca cũ thuở chưa xa chàng…. Sương đêm thấm lạnh một hình hài côi… Thuyền đi bỏ bến bơ vơ sông buồn… Người đi kẻ ở lòng đau chia lìa”.
Có khi chim mong đợi tình nhân, lều cỏ tịch liêu đêm trăng.…. ”Chờ trăng soi lối gót hài mỹ nhân… Chờ đêm lặng lẽo trăng rơi…. Trăng rơi mái chiếc song thưa một mình…. Sóng lùa trăng lạc muôn nơi…. Vầng trăng khuất nẻo mịt mờ rừng xanh..”
Có khi chim ngẩn ngơ nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai? (ca dao). Nhớ mây trên non vắng, nhớ bạn xưa “nhớ người mỏi mòn…. Trong từng nỗi nhớ tươm màu tim côi… Vẫn vương mi mắt dấu tình đã trao… Gặp nhau như thể phù vân tình cờ…”.
Túc điểu luyến bản chi, an từ thả cùng thê (Đổ Phủ). Có khi chim quyến luyến cành cũ, không nề hà, vẫn đậu ở những chốn khốn cùng.
Ở những chốn khốn cùng, những tên khùng đã ra lệnh gõ nồi soong ầm ĩ cho chim không đậu được, chim đói khát mệt lả, rồi chim rớt xuống đất chết! Những chế độ điên khùng đó còn đang tiếp diễn, khiến đời sống hoảng loạn. Người ta đốn cây phá rừng, phá hoại ruộng nương sông biển. Người ta làm cho chim chóc bị tuyệt chủng!
Chiền Chiện thức muộn sáng nay
Đêm sương gặp lại trăng ai đã mờ
Tình xưa dù có hững hờ
Nhưng người năm cũ vẫn chờ thiên thu
Chờ thiên thu? Trăng ai đã mờ? Chàng tráng sĩ đó có còn mài kiếm dưới trăng? Chừng nào Việt Nam thanh bình? Thanh bình còn ẩn sơn khê. Ở chế độ cộng sản khốn cùng đó, người dân đói nghèo, bị áp bức và luôn phản kháng.
8. Hợp tan hạnh phúc chỉ ngần ấy thôi
Họa Mi hát khúc trăng mơ
Lồng son gác tía chơ vơ kiếp tằm
Cuộc đời dẫu có trăm năm
Vẫn quay về một chỗ nằm thiên thu
Bạch Mi tìm chút ngọt bùi
Trong hơi đất ấm ẩn mùi tóc xanh
Lá ôm xao xuyến tình cành
Gió về lặng lẽ hợp thành tình nhân
Hải Âu về đảo ngủ say
Quên tình biển bạc đổi thay ba đào
Bỏ thuyền lặng lẽ trăng sao
Tìm về bến hẹn nỗi xao xuyến còn
Bông Lau lên núi dựng cờ
Hoang vu hốc đá lặng lờ khe sâu
Mai sau hai kẻ giang đầu
Tìm nhau chốn cũ qua cầu gió bay
Bắp Chuối theo mây lưu đày
Ẩn thân xứ lạ chờ ngày hồi hương
Lạc đàn mỗi kẻ một phương
Lối về quê cũ dặm trường mù sa
Nhà thơ Kiến Hoa Võ Thành Đông đã sáng tác nên thi phẩm Bách Linh Nhất Điểu khác thiên hạ! Càn khôn kim cổ vô cùng ý, thi nhân đã thả hồn theo những cánh chim phiêu bồng, mây xanh biếc, lá cây xanh, hoa rừng cỏ dại, rừng sâu núi thẳm, sông dài biển rộng, sóng lớp lớp….
Thi tập 101 bài thơ lục bát 4-câu viết cho 101 loài chim dễ thương này dễ dàng trở thành sách giáo khoa cho một nước Việt Nam Tự Do. Cho thiên hạ yêu thương Chim, nhận dạng Chim, chạnh lòng thương mà bảo vệ các loài Chim quý.
Chim Thiên Di
Tháng Sáu trời mưa 2019
https://www.youtube.com/watch?v=x_U7Wnxn47A&feature=youtu.be