User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
cuocdoidoi
Ảnh: frank-mckenna-unsplash
 
Cuộc đời Ngọc êm trôi, với vài buổi dạy học, vài buổi đến hiệu thuốc… Chồng Ngọc cũng đã được về Thủ Đức trông coi bệnh viện Thuỷ Quân Lục Chiến ở căn cứ Sóng Thần nên hay ghé về thăm vợ con. Vợ chồng con cái đang êm ấm thì đất nước bỗng thay đổi bất ngờ.
 
Đầu Tháng Ba 1975, tình hình chiến sự bỗng biến chuyển đột ngột, Việt Cộng tấn công bất ngờ Ban Mê Thuột và nhiều tỉnh miền Trung. Mỹ đã quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam, dưới áp lực chống đối mạnh mẽ của dân chúng Mỹ khi số tử thương của lính Mỹ đã lên hơn năm chục ngàn người. Tổn thất hai miền Nam Bắc Việt Nam đã lên tới mấy trăm ngàn lính và sĩ quan…
 
Ngọc ở Sài Gòn, cũng như mọi người, theo dõi chiến sự trên Đài Truyền hình Việt Nam và các hãng thông tấn ngoại quốc như BBC, VOA… Ai cũng thấy rõ cảnh đồng bào miền Trung hoảng loạn bỏ nhà cửa, dắt díu chạy theo quân đội đi về miền Nam. Ngọc còn nhớ, vào cuối Tháng Tư, khi tình hình căng thẳng lắm, đại gia đình các cô chú tụ họp hết ở nhà Ngọc, mọi người lo âu tính chuyện thoát ra khỏi Việt Nam, tránh cảnh chiến tranh lan rộng và trốn thoát cộng sản đang tràn tới.
 
Ông chú rể của Ngọc, một Thẩm Phán Toà Án Quân Sự đặc biệt, chuyên xử Việt Cộng, nhất định bằng mọi cách phải ra đi. Ông nhờ một người cháu chở ra bờ sông Sài Gòn tìm cách thoát thân. Khi người cháu trở về, kể rằng ông chú đã lên được một tàu lớn thì vợ chú cùng ba con vội vã đi theo. Thế là đại gia đình Ngọc nháo nhào tính đi cùng… Anh rể của Ngọc được cử đi ngoại quốc họp nhiều lần, nên chán cuộc sống ở ngoại quốc vất vả, không muốn đem vợ con ra nước ngoài. Vợ chồng Ngọc với ba con nhỏ, thấy cảnh chạy loạn miền Trung nguy hiểm, cũng sợ. Chồng Ngọc, lúc còn trong quân đội, đã đi tu nghiệp ở Mỹ. Ngày ấy chồng Ngọc đếm từng ngày để được về với vợ con nên nay anh cũng ngại không muốn đi Mỹ nữa.
 
Tuy nhiên, khắp nơi, mạnh ai nấy kiếm đường ra đi, không có thông báo, hướng dẫn, giúp đỡ gì như hồi di cư năm 1954. Người đồn thế này, kẻ đoán thế kia, chẳng biết tin tức nào đúng và tin tức nào sai. Một số người có thân nhân ở ngoại quốc chen lấn vào các Tòa Đại Sứ xin đi. Sài Gòn chưa bao giờ hoang mang náo loạn đến thế. Gia đình Ngọc vô tình tìm được một mối đi Mỹ chỉ tốn $20 một người, do một thư ký ở Tòa Đại Sứ Mỹ giúp ghi tên vào danh sách thân nhân cùng đi Mỹ.
 
Trước đó, khoảng giữa Tháng Tư, ông anh thứ hai của Ngọc còn đang ở bên Pháp, thấy tình hình trong nước lộn xộn bấp bênh đã phone về Việt Nam hỏi rõ chuyện gia đình và gửi ngay giấy bảo lãnh về. Anh còn nhờ hai cậu em vợ, đang du học bên Mỹ, làm thêm giấy bảo lãnh cho từng gia đình anh chị em Ngọc đi Mỹ. Vợ chồng Ngọc nhận được một tờ bảo lãnh. Hai cậu này rất cẩn thận, nhờ mấy giáo sư Đại Học Mỹ giúp bảo lãnh và có chính quyền Mỹ đóng dấu thị thực. Được tấm bùa hộ mạng này, Ngọc chỉ biết ôm về nhà, sau nghe nói là giấy gì cũng phải vào trình Tòa Đại Sứ Mỹ, nhưng đông quá chen vào không nổi.
 
Đến cuối Tháng Tư, một cô em họ của Ngọc ghé chơi, bảo ai có giấy tờ bên Mỹ bảo lãnh thì vào Tân Sơn Nhất, họ cho đi ngay. Họ chỉ cần biết mình không phải là Việt Cộng và có người bảo lãnh ở bên Mỹ bảo trợ… Cô em ghé về nhà lấy thẻ căn cước vào phi trường thì gặp người chị lớn bảo “chuyện vô lý thế sao tin được”. Ngọc cũng thấy khó tin nên lại quay về. Sau này mới biết đó là tin đúng. Ngày hôm sau, một người anh họ rủ vợ chồng Ngọc đi cùng chuyến tàu nhưng Ngọc không đón được mẹ, vì cô em út đang đến ngày sinh con đầu lòng.
 
Cuối cùng, cả đoàn xe mấy chiếc của đại gia đình Ngọc hối hả chạy nối đuôi nhau theo xe của ông anh họ tiến ra bến Bạch Đằng. Đến một ngã tư, ông anh họ Ngọc chạy vượt đèn vàng, cả đoàn xe của đại gia đình Ngọc bị kẹt lại, rồi mất hút luôn bóng dáng chiếc xe ông anh, trong cảnh hỗn loạn của một thành phố trong cơn hấp hối. Xe của gia đình Ngọc cũng ra được đến bến tàu. Bến tàu người đông như kiến tìm không thấy xe anh đâu, hai vợ chồng Ngọc lòng vòng một hồi đành quay trở về. Về tới nhà, Ngọc thấy ông anh họ cũng đã có mặt ở phòng khách sau khi đưa cô và các em đi, chú rể út thì đang thao thao bất tuyệt bàn chuyện ở lại, chú bảo “sông Sài Gòn họ mới gài đầy thủy lôi”. Thế là cả nhà Ngọc nản lòng, chẳng ai còn lòng dạ nào đi nữa.
 
Những ngày đen tối hoang mang ấy, nhà nào cũng náo loạn, chạy ngược chạy xuôi tìm đường thoát như những con chuột bị nhốt trong lồng kín. Sau này, Ngọc vẫn tiếc nuối mãi “phải chi ngày ấy cầm giấy tờ trực chỉ Tân Sơn Nhất, phải chi ngày ấy chị dâu và em chồng không có bầu sắp sinh, phải chi chạy ngay đến nhà ông anh chồng cũng còn kịp, phải chi ông anh họ đừng đi cố đèn vàng…
 
Có lúc Ngọc tưởng như mình đang ngủ mê, gặp cơn ác mộng. Bóng đêm phủ chập lấy thành phố Sài Gòn. Thế rồi giờ phút đầu hàng tủi nhục đã đến. Tin Dương Văn Minh đầu hàng lan đi rất nhanh. Dân Sài Gòn bắt đầu thấy xe tăng và những anh bộ đội dép râu ngơ ngác tràn vào thành phố, những tay cán bộ đầy súng ống nhưng đầu óc rỗng không về kiến thức khoa học, kỹ thuật, đang chia nhau tiếp quản cả một miền Trung và miền Nam trù phú văn minh.
 
Sau những ngày bàng hoàng vì thời cuộc, những toan tính ra đi không thành, Ngọc tiếp tục đến trường dạy học, tiệm thuốc vẫn mở nhưng không khí căng thẳng, ai cũng chờ đợi những biến chuyển tệ hại… Chồng Ngọc bị gọi đi cải tạo. Ngọc bơ vơ ở lại với mấy đứa con nhỏ. Lần đầu tiên Ngọc hiểu thế nào là buồn khổ, là phải chịu đựng sự vô lý, áp chế. Sài Gòn lúc nầy coi thật khác lạ, vừa bề bộn vừa hối hả.
 
Chính quyền độc tài nhưng bất tài, nuôi dân không nổi, cả nước nghèo đói… Mọi người lo vượt biên rầm rộ. Vô vàn thảm cảnh kinh hoàng xảy ra khi người ta liều mạng ra đi, tìm Tự Do trong cái Chết… Những câu chuyện kể lại là những bi hùng ca cần được vang vọng mãi để thế hệ con cháu hiểu rõ Cộng sản, để không nghe lời đường mật xảo trá của cộng sản, và để ghi nhớ những hy sinh của thế hệ cha mẹ, ông bà; không quên những nạn nhân xấu số bị Cộng sản sát hại…
 
Thanh Ngọc
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com