Hồi năm 1964, danh tiếng của hai nhạc sĩ Nguyễn Vũ và Mặc Thế Nhân bỗng dưng chắp cánh bay cao khi danh ca Chế Linh cho ra đời đĩa nhạc mang tên “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em.”

Bìa một nhạc phẩm của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân. (Hình: Tài liệu)
“Vùng Biển Trời và Màu Áo Em” nguyên là nhan đề bản nhạc do hai nhạc sĩ nói trên sáng tác, trong đó còn có những ca khúc do chính Chế Linh viết nên, như “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ,” “Bài Ca Kỷ Niệm”…
Nhạc phẩm “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em” do Nguyễn Vũ sáng tác và được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân trau chuốt lại nên đã đạt tới mức hoàn mỹ, khiến những người yêu dòng nhạc tình mùa chinh chiến ở miền Nam tự do hồi trước năm 1975 ái mộ, để rồi ngày nay còn tiếp tục được khán, thính giả từ Nam chí Bắc yêu mến và đưa vào dòng nhạc “boléro” để gia tăng tình bất tử của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam Cộng Hòa.
“Giờ có riêng mình anh ở chốn này/ Trời mây bốn bề màu xanh áo em/ Thành Đô xa lắm, giờ anh ngồi đây/ Nhớ nhiều mà biết nói gì, có buồn không em/ Những chiều tan trường không ai đưa đón bước em đi.”
Giữa khung trời gió lộng chốn biển khơi, nay chỉ còn một mình anh ngồi nhớ về bóng hình em trong tà áo xanh, xanh xanh một màu xanh xanh ngát trời cao mà chẳng biết nói gì ngoài lòng băn khoăn không biết người nơi xa xăm ấy, người còn buồn còn thương, còn nhớ từ dạo anh lên đường không còn ai đưa đón bước chân em lúc tan trường như ngày xưa nữa.
“Ngày ấy, chúng mình chung một mái trường/ Chiều mưa, lối về dìu nhau bước đi/ Thành Đô lẻ bóng, mình anh ngồi đây/ Ngắm trời mà thương nhớ đầy, nhớ ngày chia tay/ Thoáng buồn nên trời thương kéo mây che thành đô.”
Nhớ những năm xưa, hai đứa tuy học khác lớp nhưng cùng chung một mái trường, và chiều chiều khi tan trường anh vẫn hay dìu em chầm chậm bước đi trên những con đường hoa mộng đang ướt đẫm sau cơn mưa chiều để về nhà. Giờ này, nơi thành đô em đang lẻ loi một mình trong khi anh lại ngồi đây chỉ biết ngắm trời mây mà nhớ đến ngày nào hai đứa chia tay. Lúc đó ông Trời có lẽ cũng động lòng thương đôi lứa xa nhau nên cho nhiều áng mây chiều giăng khắp đó đây, tạo nên khung cảnh u buồn như để hòa điệu cùng nỗi buồn ly biệt của đôi ta.
“Đôi khi thấy buồn/ Vì yêu đời lính chiến bấp bênh triền sóng/ Để anh thương nhớ/ Khi cánh chim trời tung cánh vào trùng khơi/ Đời anh vui say, kiếp phong ba hôm nay/ Để mong cho mai đây ta vẹn đầy/ Là ngày non nước hết binh đao/ Cuộc đời đôi lứa hết xa nhau.”
Dù vẫn nuôi mộng hải hồ và luôn yêu đời lính chiến bấp bênh triền sóng, đôi khi anh vẫn thấy lòng buồn vì phải xa người em bé nhỏ quê nhà. Đời người lính thủy cũng tỉ như cánh chim trời bay đi mãi, nhưng lạ lùng thay, càng đi xa anh càng nhớ em trước đại dương ngát xanh muôn trùng. Nhưng hỡi em dấu yêu! Anh vui kiếp phong ba hôm nay là để góp phần mình vào cuộc chiến tranh tự vệ của miền Nam, hầu sớm đem lại hòa bình cho đất nước. Lúc đó, tất nhiên là anh sẽ về với em, như chim liền cánh, như cây liền cành.
“Ngày đó, quay tàu, anh tìm lối về/ Mình đi giữa trời nhiều hoa lá bay/ Chờ anh em nhé, hẹn em ngày mai/ Có người nhặt hoa sóng về/ Kết thành vòng hoa/ Mỹ miều trao làm hoa cưới cho ta đẹp đôi.”
Nếu một mai khi hòa bình về trên quê hương thân yêu, anh sẽ quay tàu tìm lối về đất mẹ để gặp lại em, và hai đứa mình sẽ có dịp bước đi giữa khung trời hoa mộng đấy những hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng của người anh yêu. Vậy thì em hãy an tâm chờ đợi ngày về của anh nhé. Khi đó, thế nào cũng có người tìm nhặt những nụ hoa sóng từ biển khơi mang về để kết thành vòng hoa tươi đẹp, điểm tô cho ngày hai đứa mình đẹp duyên lứa đôi, em nhé!
***
Là một quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Vũ luôn gắn liền với biển cả, quê hương và người tình, là những đối tượng thường được thể hiện qua các nhạc phẩm của ông, tính ra thì chiếm hơn 1/3 trong tổng số các sáng tác của ngưởi nhạc sĩ tài hoa này.
Nhạc của Nguyễn Vũ thường có âm điệu du dương và tình tự tha thiết, chẳng những với người tình mà còn đối với quê hương, đất nước nữa. Nỗi bật nhất là lòng yêu chuộng hòa bình, không muốn cuộc chiến tranh Nam-Bắc (hồi hạ bán thế kỷ trước) kéo dài để người dân Việt phải tan cửa, nát nhà, chết chóc, chia lìa, cho dù bên nào là kẻ chiến thắng đi nữa.
Rõ ràng, đây cũng chính là khát vọng chung của đại đa số người dân miền Nam hiền hòa, ai cũng chỉ mong cho quê hương im tiếng súng và hận thù giữa đôi bên chấm dứt. Vì miền Nam không hề có dã tâm muốn đánh chiếm miền Bắc mà chỉ an phận dồn sức lực để tái thiết đất nước sau những tàn phá do cuộc Chiến Tranh Đông Dương (Chiến Tranh Pháp-Việt) trước đó để lại.
Anh chiến sĩ Cộng Hòa trong “Vùng Biển Trời và Máu Áo Em” cầm súng lên đường là để bảo vệ quê hương, đem lại hòa bình cho đất nước đặng nhà nhà được đoàn tụ, trong đó có chính mình và người tình chốn hậu phương, chứ không phải để giành lấy chiến thắng, chiếm được chính quyền rồi cai trị suốt đời như quân Cộng Sản Bắc Việt: “Đời anh vui say, kiếp phong ba hôm nay/ Để mong cho mai đây ta vẹn đầy/ Là ngày non nước hết binh đao/ Cuộc đời đôi lứa hết xa nhau.”
Không phải chỉ có nhạc của Nguyễn Vũ mới nói lên cái khát vọng hòa bình đó của miền Nam tự do mà nhạc của những nhạc sĩ khác như Nhật Ngân (“Qua Cơn Mê”), Lê Minh Bằng (“Đêm Nguyện Cầu”), Thông Đạt (“Hoa Cài Mái Tóc”)… cũng biểu lộ khát vọng hòa bình chân thật và hiền hòa của người dân miền Nam. Ngay cả Phạm Đình Chương, qua bài “Anh Đi Chiến Dịch,” cũng diễn tả tấm lòng nhân hậu của anh lính Cộng Hòa, với “lòng súng nhân đạo cứu người lầm than.”
Và khi nói lên ước vọng muốn thấy cuộc chiến tranh sớm chấm dứt để mình có dịp về thăm lại quê, cha đất tổ sau cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam năm 1954, người nhạc sĩ này cũng chỉ dám “rón rén” viết câu “Thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi!” nghe thật tội nghiệp, chứ đâu có mà hùng hùng, hổ hổ: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/ Tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô!” (“Tiến Về Sài Gòn” – Huỳnh Minh Siêng).
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, gốc người Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu sinh sống ở Đà Lạt. Lúc còn nhỏ, ông đã tham gia ban ca thiếu nhi của đài Phát Thanh Đà Lạt sau khi đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài.
Năm 1958, ông cùng gia đình chuyển về Sài Gòn. Nguyễn Vũ phục vụ trong Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1963 ông cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tựa đề “Một Loài Chim Biển.” Nguyễn Vũ chỉ thật sự nổi tiếng sau nhạc phẩm “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em” cùng các ca khúc có chữ “cuối,” như “Lời Cuối Cho Em,” “Nhìn Nhau Lần Cuối (với bút hiệu Anh Thái), “Bài Cuối Cho Người Tình”…
Nguyễn Vũ không di tản hoặc vượt biên sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà ở lại làm việc cho xí nghiệp Dược Phẩm Trung Ương 22 với chức vụ là cán bộ văn-mỹ-thể. Từ năm 1990, Nguyễn Vũ mở một lớp dạy nhạc tại Quận Tân Bình ở Sài Gòn.
Các nhạc phẩm được ưa chuộng nhiều nhất của Nguyễn Vũ trước năm 1975 là “Bài Thánh Ca Buồn,” “Biển Tím,” “Ga Chiều Phố Nhỏ,” “Huyền Thoại Chiều Mưa,” “Lời Cuối Cho Em” (1 và 2), “Một Loài Chim Biển,” “Nhìn Nhau Lần Cuối” (với bút hiệu Anh Thái), “Sao Rơi Trên Biển,” “Tiếng Hát Thiên Thần,” “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em”…
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, tên thật là Phan Công Thiệt, gốc người Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định. Người nhạc sĩ này còn có nhiều nghệ danh khác khi sáng tác nhạc, như Nhã Uyên, Phan Trần, Trùng Dương…
Mặc Thế Nhân học nhạc từ năm 17 tuổi với các danh sư tại Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông Sài Gòn, trong đó có Thẩm Oánh, Hùng Lân, Nguyễn Cầu, Nguyễn Quý Lãm… Tác phẩm đầu tay của Mặc Thế Nhân là “Trăng Quê Hương,” được xuất bản vào năm 1958.

Bìa một nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. (Hình: Tài liệu)
Cũng như Nguyễn Vũ, Mặc Thế Nhân gia nhập Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, cộng tác với ban kịch Hải Quân. Ngoài vai trò nhạc sĩ ra, Mặc Thế Nhân còn là một ký giả tân nhạc, kịch trường, cộng tác với các báo Lẽ Sống, Bình Dân với các bút hiệu Mộng Thu và Giáng Ái Sĩ.
Từ đầu thập niên 1970, Mặc Thế Nhân thực hiện loạt băng nhạc mang tên “Nhã Ca” và mở lớp dạy nhạc tại Đa Kao ở Sài Gòn. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, Mặc Thế Nhân không di tản hoặc vượt biên mà ở lại sinh sống tại Sài Gòn từ đó cho tới nay.
Các nhạc phẩm được những người yêu nhạc ái mộ nhiều nhất của Mặc Thế Nhân là “Cho Vừa Lòng Em” (với Nhật Ngân), “Em Về Với Người,” “Mùa Xuân Cưới Em,” “Thư Về Em Gái Dạ Lan,” “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em” (với Nguyễn Vũ), “Xích Lại Gần Anh Tí Nữa”…
Nhạc phẩm “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em” của Nguyễn Vũ và Mặc Thế Nhân
Giờ có riêng mình anh ở chốn này
Trời mây bốn bề màu xanh áo em.
Thành Đô xa lắm, giờ anh ngồi đây
Nhớ nhiều mà biết nói gì, có buồn không em,
Những chiều tan trường không ai đưa đón bước em đi
Trời mây bốn bề màu xanh áo em.
Thành Đô xa lắm, giờ anh ngồi đây
Nhớ nhiều mà biết nói gì, có buồn không em,
Những chiều tan trường không ai đưa đón bước em đi
Ngày ấy, chúng mình chung một mái trường
Chiều mưa, lối về dìu nhau bước đi.
Thành Đô lẻ bóng, mình anh ngồi đây
Ngắm trời mà thương nhớ đầy, nhớ ngày chia tay
Thoáng buồn nên trời thương kéo mây che thành đô
Chiều mưa, lối về dìu nhau bước đi.
Thành Đô lẻ bóng, mình anh ngồi đây
Ngắm trời mà thương nhớ đầy, nhớ ngày chia tay
Thoáng buồn nên trời thương kéo mây che thành đô
Đ.K.:
Đôi khi thấy buồn
Vì yêu đời lính chiến bấp bênh triền sóng
Để anh thương nhớ,
Khi cánh chim trời tung cánh vào trùng khơi
Đời anh vui say, kiếp phong ba hôm nay
Để mong cho mai đây ta vẹn đầy
Là ngày non nước hết binh đao
Cuộc đời đôi lứa hết xa nhau
Vì yêu đời lính chiến bấp bênh triền sóng
Để anh thương nhớ,
Khi cánh chim trời tung cánh vào trùng khơi
Đời anh vui say, kiếp phong ba hôm nay
Để mong cho mai đây ta vẹn đầy
Là ngày non nước hết binh đao
Cuộc đời đôi lứa hết xa nhau
Ngày đó, quay tàu, anh tìm lối về.
Mình đi giữa trời nhiều hoa lá bay.
Chờ anh em nhé, hẹn em ngày mai,
Có người nhặt hoa sóng về,
Kết thành vòng hoa,
Mỹ miều trao làm hoa cưới cho ta đẹp đôi.
Mình đi giữa trời nhiều hoa lá bay.
Chờ anh em nhé, hẹn em ngày mai,
Có người nhặt hoa sóng về,
Kết thành vòng hoa,
Mỹ miều trao làm hoa cưới cho ta đẹp đôi.
Vann Phan/Người Việt