User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên vừa ra mắt sách “Mối Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho ‘Quan Phan’ Phan Thanh Giản” tại Viện Việt Học, Westminster, và được đông đảo giới trí thức người Việt Quốc Gia tại Nam California cùng cựu học sinh các trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) và trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh (Sài Gòn) tham dự.
 phandaonguyen4
Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên (thứ tư từ trái) cùng Giáo Sư Nguyễn Trung Quân (thứ ba từ trái) và các thành viên trong ban tổ chức ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Để ra đời cuốn sách này, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên đã rút bài ra khỏi một hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre, Việt Nam, với chủ đề “Giá Trị Văn Hóa và Nhân Văn của Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu Trong Thời Đại Ngày Nay” vào cuối Tháng Sáu, đầu Tháng Bảy, 2022.
 
Cuộc hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu nói trên được Đại Hội Đồng UNESCO (tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) chính thức thông qua nghị quyết chấp thuận cho tỉnh Bến Tre tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
 
Nguyễn Đình Chiểu là người thứ 60, người cuối cùng trong danh sách được UNESCO nhìn nhận theo quyết định này. Hồ sơ nhấn mạnh về những đức tính do ảnh hưởng Nho Giáo của Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có lòng trung hiếu và sự chân thật thành tín (faithfulness) của ông.
 
Bài tóm tắt tham luận của Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên
 
Sau khi nhận được thư mời không chính thức vào đầu Tháng Hai, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên viết một bài tóm tắt về nội dung bài tham luận của ông để gởi cho Ban Tổ Chức Hội Thảo, qua email, với tựa đề “Mối Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho ‘Quan Phan’ Phan Thanh Giản” như sau:
 
“Kể từ khi Phan Thanh Giản tự tử vào năm 1867, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tất cả các nhà nho ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, trong số đó có tú tài Nguyễn Đình Chiểu, đều tỏ lòng thương xót cho Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, người được họ gọi là ‘quan Phan.’ Là vị tiến sĩ khai khoa của đất Nam Kỳ, là một vị quan trung trực thanh liêm và đặc biệt là thương dân hết mực, Phan Thanh Giản chính là một vị lãnh đạo thực thụ của người dân Nam Kỳ. Khi ông mất đi, rất nhiều thơ và câu đối đã được gởi đến để điếu ông. Tất cả đều để ca ngợi con người mà sống cũng như chết đều nêu gương cho hậu thế. Trong số đó, đương nhiên là có thơ văn của ông Đồ Chiểu ở Ba Tri, người đồng châu với Phan Thanh Giản. Và trong số thơ văn để điếu Phan Thanh Giản nói trên, hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu, một bằng chữ Nôm, một bằng chữ Hán, là được ưa thích hơn hết.
 
Và đó là hai bài thơ sau:
 
Bài chữ Nôm:
 
‘Non nước tan tành hệ bởi đâu
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu
Ba triều công cán vài hàng sớ
Sáu tỉnh cang thường một gánh thâu
Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Minh sanh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ nay mặc gió thu.’
 
Và bài chữ Hán:
 
‘Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
Vi quân nan bảo nhứt phương dân
Long Hồ ninh phụ thơ sanh lão
Phượng các không quy học sĩ thần
Bỉnh tiết tằng lao sanh Phú Bật
Tận trung hà hận tử Trương Tuần
Hữu thiên Lục tỉnh tồn vong sự
An đắc thung dung tựu nghĩa thần.’
 phandaonguyen3
Những tài liệu quý về Nguyễn Đình Chiểu trưng bày trong buổi hội thảo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Hai bài thơ này đã luôn luôn được coi như là tiêu biểu cho sự kính mến của các nhà nho Nam Kỳ đối với ‘quan Phan,’ qua ngòi bút gây xúc động rất điêu luyện về thể loại thơ văn tế của ông Đồ Chiểu. Bắt đầu từ năm 1909 với cuốn ‘Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca’ của ông Nguyễn Liên Phong, hai bài thơ nói trên đã được sao lục lại rất nhiều lần và truyền bá khắp nước. Năm 1926, hai bài thơ này được nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác sao lục và đăng lại trên tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Năm 1927, ông Thái Hữu Võ cho đăng lại trong cuốn sách ‘Phan Thanh Giảng Truyện’ của ông.
 
Điều cần nói là tất cả các tài liệu kể trên đều lầm lẫn khi cho rằng bài thơ chữ Nôm là do chính Phan Thanh Giản làm. Việc này đã được ông Phan Văn Hùm đính chính trong cuốn ‘Nỗi Lòng Đồ Chiểu.’ Sau đó, vì lỗi lầm nói trên lại được ông Ngô Tất Tố lặp lại trong cuốn ‘Thi Văn Bình Chú,’ các nhà nghiên cứu Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Lê Thọ Xuân, Trực Thần đã lên tiếng chỉnh sửa điều này trên tờ Tri Tân Tạp Chí. Điều cần biết là hai ông Phan Văn Hùm và Lê Thọ Xuân, những người bà con và thân hữu của ông Nguyễn Đình Chiêm, con trai của Nguyễn Đình Chiểu, đã đưa ra hai phiên bản chính xác nhất về hai bài thơ.
 
Tuy vậy, phiên bản sai về hai bài thơ đã được lưu truyền quá lâu, cho nên đến tận ngày hôm nay mà nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn cho rằng bài thơ chữ Nôm là của Phan Thanh Giản chứ không phải của Nguyễn Đình Chiểu. Và phiên bản sai lạc của cả hai bài do ông Nguyễn Liên Phong đưa ra vẫn còn được tiếp tục trích dẫn.
 
Nhưng đó không phải là vấn đề ngộ nhận duy nhất về hai bài thơ này. Mặc dù đã làm tốn rất nhiều giấy mực, sự ngộ nhận nói trên vẫn không thể nào so sánh được với một sự cố tình ngộ nhận với ác ý bôi nhọ Phan Thanh Giản, mà đã được tạo ra sau này – và có lẽ sớm nhất là vào thập niên 1970 tại miền Bắc, nơi mà Phan Thanh Giản đã bị người anh cả của làng sử học là ông Trần Huy Liệu lên án bán nước với câu ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân.’
 phandaonguyen2
Buổi hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp từ người tham dự. Phía trên khán đài, từ trái, Giáo Sư Trần Huy Bích, nhà văn Phạm Phú Minh, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên, và Giáo Sư Nguyễn Trung Quân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Bởi vì cũng như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu đã được nhìn nhận là người Nam Kỳ yêu nước nhiệt thành, là ‘đâm mấy thằng gian bút chẳng tà,’ thì không thể nào lại ‘sai lập trường’ để ca tụng Phan Thanh Giản, người được coi là bán nước qua việc ‘thỏa hiệp’ với giặc hay dâng thành cho giặc được. Mà Nguyễn Đình Chiểu phải lên án Phan Thanh Giản, cũng như nhân dân và nghĩa quân Trương Định đã làm.
 
Và thế là hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu đã được đem ra và bẻ cong qua những sự giảng giải gượng ép, để biến thành hai bài thơ phê phán Phan Thanh Giản. Khởi đầu là bài của ông Trần Nghĩa, ‘Mấy Ý Kiến Về Công Tác Văn Bản Nhân Đọc Cuốn ‘Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu,’ tạp chí Văn Học, số 4, 1972. Tiếp theo là bài của ông Trần Khuê, ‘Tìm Hiểu Hai Bài Thơ Điếu Phan Thanh Giản Của Nguyễn Đình Chiểu,’ Nghiên Cứu Lịch Sử số 275, 1994. Sau cùng là bài của bà Phạm Thị Hảo, ‘Viết Về Phan Thanh Giản Nhà Thơ Nguyễn Đình Chiểu Đã Dùng Bút Pháp Xuân Thu,’ tuần báo Văn Nghệ TP.HCM, 2017.
 
Và thế là từ chỗ ngợi khen Phan Thanh Giản, hai bài thơ nói trên của Nguyễn Đình Chiểu đã bị xuyên tạc làm cho trở thành hai bài thơ phê phán Phan Thanh Giản. Dù cho phần lớn những người hiểu biết khi đọc những bài viết này đều nhận ra ngay sự cố ý xuyên tạc, nhưng đến nay thì vẫn còn một số người luôn luôn sử dụng luận điệu nói trên để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chê trách thay vì ngợi khen Phan Thanh Giản. Gần đây nhất là khi Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới.”
 phandaonguyen1
Giáo Sư Trần Huy Bích giải nghĩa bài thơ điếu tế cụ Phan Thanh Giản bằng chữ Hán. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Thư từ chối bài viết của Ban Tổ Chức
 
Ngày 9 Tháng Ba, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên nhận được Thư Mời chính thức từ Ban Tổ Chức Hội Thảo, được Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Chí Bền, phó trưởng Ban Tổ Chức Hội Thảo, ký đề nghị tác giả viết toàn văn tham luận, gởi cho ban tổ chức chậm nhất là ngày 29 Tháng Tư.
 
“Như vậy, rõ ràng là Ban Tổ Chức và ông Nguyễn Chí Bền đã biết tôi sẽ viết những gì. Và bài tóm tắt cũng chính là phần giới thiệu trong bài viết sau này của tôi. Tức là hoàn toàn không có ngạc nhiên gì hết về nội dung của bài viết, hơn nữa, ngay tựa của bài viết cũng đã nói rõ nội dung của bài,” luật sư nói.
 
Ngày 29 Tháng Tư, theo đúng yêu cầu trong thư mời chính thức của ông Nguyễn Chí Bền là “Kính gửi TS. Phan Đào Nguyên (Hoa Kỳ). Ban tổ chức hội thảo khoa học quốc tế ‘Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay’ đã nhận được tóm tắt tham luận của tác giả. Kính đề nghị tác giả viết toàn văn tham luận,” Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên gửi toàn văn bài viết “Mối Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho ‘Quan Phan’ Phan Thanh Giản” gồm 118 trang được gởi cho Ban Tổ Chức, qua email.
 
Ngày 17 Tháng Năm, ông Nguyễn Chí Bền gửi thư phản hồi, đề nghị cắt bớt bài tham luận, với lý do là bài “dài quá.” Theo đề nghị, bài viết bị cắt đi gần 80-90%, biến bài viết thành một bài nghiên cứu văn bản, thay vì nói lên chủ đề là Nguyễn Đình Chiểu nghĩ sao về Phan Thanh Giản.
 
Ngày 18 Tháng Năm, luật sư đề nghị nếu như lý do đã giải thích là vì bài “dài quá” thì đề nghị là chỉ cần tóm tắt bài viết, rồi dẫn đường link đến toàn văn bài viết sẽ được đưa lên mạng. Như vậy thì chắc chắn là không có vấn đề gì nữa về độ dài của bài viết.
 
“Ngày 19 Tháng Năm, tôi nhận được câu trả lời rất lạ lùng từ ‘Thường trực tiểu ban nội dung’ qua Thư Từ Chối Bài Viết, cho biết ‘phương án này khó có thể thực hiện được.’ Tôi xin câu trả lời chính thức từ Ban Tổ Chức để biết rõ hơn về ý nghĩa của lá thư trên do ‘Thường trực tiểu ban nội dung’ trả lời, nhưng sau đó là một sự im lặng hoàn toàn,” luật sư cho biết.
 
“Với email sau cùng ngày 25 Tháng Năm đến Ban Tổ Chức Hội Thảo, tôi thông báo chính thức rút bài của tôi ra khỏi hội thảo, sẽ tự in thành sách và tường thuật lại quá trình những gì đã xảy ra giữa Ban Tổ Chức Hội Thảo và tôi, một người theo lời mời của họ mà viết một bài tham luận về Nguyễn Đình Chiểu, nhân dịp UNESCO đồng ý kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ,” Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên nói.
 phandaonguyen
Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên ký tặng sách trong buổi hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Nhà cầm quyền CSVN phải khôi phục danh dự cho cụ Phan Thanh Giản
 
Trở lại lịch sử, từ khi Phan Thanh Giản tự tử vào năm 1867, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tất cả các nhà nho ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, trong số đó có tú tài Nguyễn Đình Chiểu, đều tỏ lòng thương xót Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, người được gọi là “quan Phan,” vị tiến sĩ khai khoa của đất Nam Kỳ, là một vị quan trung trực thanh liêm và đặc biệt là thương dân hết mực. Phan Thanh Giản chính là một vị lãnh đạo thực thụ của người dân Nam Kỳ, khi ông mất đi, rất nhiều thơ và câu đối đã được gởi đến để điếu ông. Tất cả đều ca ngợi con người mà sống cũng như chết đều nêu gương cho hậu thế.
 
Trong phần thảo luận, hội trường nóng lên với nhiều ý kiến đóng góp của người tham dự cho rằng Cộng Sản hay viết lại lịch sử theo quan điểm của người “chiến thắng” để phù hợp với sự tuyên truyền của họ, đem chủ nghĩa Mác-Lênin để xét đoán lịch sử Việt Nam từ hàng trăm, ngàn năm trước. Lại có ý kiến cho rằng người Cộng Sản dùng mưu mô thâm độc khi nâng cao cụ Đồ Chiểu là người yêu nước miền Nam, nhưng hèn hạ dùng cụ để đánh cụ Phan Thanh Giản…
 
Theo lời Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, cựu hiệu trưởng trường Trung Học Phan Thanh Giản (Cần Thơ) và Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh (Sài Gòn), ngay khi chiếm được miền Nam, nhà cầm quyền CSVN đã cho giật sập tượng cụ Phan tại trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Từ đó đến nay, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân cùng các nhà giáo miền Nam Việt Nam đã yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải khôi phục danh dự cho cụ Phan Thanh Giản nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
 
Chia sẻ trong buổi ra mắt sách của Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân nói: “Luật Sư Phan Đào Nguyên chỉ với hai cuốn sách đã làm sáng tỏ oan khuất của cụ Phan Thanh Giản. Những việc làm của ông sẽ vang vọng.”
 
Trước đó, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên đã ra mắt sách “Phan Thanh Giản và vụ án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” (Họ Phan, họ Lâm bán nước, triều đình bỏ rơi dân chúng).
 
Văn Lan/Người Việt
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com