User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
“With regards to the Composer Lê Văn Khoa, with great respect and gratitude for the development of cultural contacts between countries and peoples.”
 
Professor Violetta Dutchak - Vasyl Stefanyk Precarpathian National University
 
Câu bên trên là lời viết của Giáo sư Tiến sĩ Violetta Dutchak trong quyển sách “Lịch sử và sự phát triển của âm nhạc Ukraine trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21” do Đại học đường Vasyl Stefanyk Precarpathian University ấn hành, đã được gửi tặng tôi. Tác giả dành trọn chương sáu của sách để viết bài nhận xét về hai tác phẩm tôi dùng dân ca Việt viết lại cho đàn dân tộc Ukraine là Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng Tây phương. Bằng cách đó tên một người Việt Nam được ghi vào lịch sử âm nhạc Ukraine. Hiện có hai quyển sách bằng tiếng Ukraine có đề cập đến Lê Văn Khoa.
 
Giáo Sư Dmytro Stepovyk, người có ba bằng Tiến Sĩ: Văn Chương, Nghệ Thuật và Tôn Giáo. Ông là tác giả sách nghệ thuật Mosaic. Hiện là giáo sư nhiều trường đại học ở Kyiv, Ukraine và New York, Hoa Kỳ.
 
Trong một cuộc phỏng vấn thu hình năm 2017, ông đã hé lộ bí ẩn nằm bên sau cái duyên tiền định của Lê Văn Khoa với nhạc sĩ Ukraine và rộng hơn, những điểm tương đồng của Việt Nam Cộng Hà và Ukraine. Mời quí vị xem tiếp và nhận định.
 
dmytrostepovyk
 
“Ukraine và Việt Nam thuộc các nền văn minh khác nhau. Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau hàng ngàn cây số. Nhưng có một thứ kết nối chúng ta với nhau, đó là nền văn hoá và văn minh của chúng ta đều cổ kính. Dĩ nhiên, Đông Nam Á đạt văn minh sớm hơn. Chúng tôi coi văn minh Ukraine bắt đầu từ sự xuất hiện của Đấng Christ, bởi vì Ukraine và đặc biệt Kyiv, đã được chính vị tông đồ đầu tiên của Đức Chúa Jêsus Christ đến thăm. Vị ấy là sứ đồ Andrew. Thậm chí ở đây chúng tôi gọi ông là Người Đầu Tiên Được Ơn Kêu Gọi, vì ông là vị tông đồ đầu tiên được Chúa Giê-Su kêu gọi. Vì vậy, chúng tôi gọi nhà thờ Ukraine là Apostolic (Nhà Thờ Thánh Tông Đồ). Trên thực tế, lịch sử Ukraine hiện đại đã phát triển trong những điều kiện khó khăn. Nước tôi nằm giữa khu vực địa lý của châu Âu. 
 
Nếu Việt Nam được bảo vệ bởi một bên là đại dương và bên kia là các ngọn núi hùng vĩ với các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới, thì Ukraine mở ra cả hai phía. Vì điều này nên chúng tôi có một lịch sử rất khó khăn. 40% trong tổng số đất đai màu mỡ trên thế giới được tìm thấy ở Ukraine. Dân số của chúng tôi chỉ có 40-45 triệu người. Theo ước tính của các chuyên viên nông nghiệp, đất Ukraine có thể "nuôi" được một tỷ người; một phần bảy dân số thế giới.
 
Tạ ơn Chúa, cuối cùng từ hai mươi năm qua, chúng tôi không còn là nước thuộc địa. Chúng tôi đã bị cai trị bởi các người khác nhau, người Mông Cổ thế kỷ 13, người Ba Lan (hàng xóm của chúng tôi) và cuối cùng là người Moskal (tức là người Nga). "Rus" là tên Ukraine một thời nhưng đã bị người ta cướp mất.
 
Tạ ơn Chúa, không có quốc gia lân cận nào của các bạn, không phải Lào, Campuchia, cũng không phải Trung Quốc, Đài Loan, hay Indonesia dám xóa đi cái tên nước đẹp đẽ của Việt Nam. Tôi tin rằng tên này có nguồn gốc rất cao quý.
 
Điều gì làm chúng ta giống nhau? 
 
nhaclevankhoa
 
Nếu nền văn minh của chúng ta bắt đầu từ cùng một mốc thời gian, thì điều gì khiến chúng ta gặp gỡ nhau? Tôi vô cùng hạnh phúc khi năm 2012 nhờ qua Taras Myronyuk, nhạc trưởng của dàn hợp xướng và dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra, tôi được gặp một người tuyệt vời, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một người Mỹ gốc Việt, nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, tác giả những nhạc phẩm mang nét văn hóa Âu Mỹ kết hợp với giai điệu các ca khúc Việt Nam nổi tiếng. 
 
Điều nào khác nữa khiến chúng ta giống nhau? 
 
Chúng tôi thuộc về các nhóm sắc tộc khác nhau, chủng tộc Mông Cổ và Âu Châu. Tuy nhiên chúng ta có nhiều điểm chung.
 
Tôi nhớ lại lúc còn trẻ khi lần đầu tiên viếng thăm một nước tư bản là Na Uy. Ở thị trấn Northgamme trong viện Bảo Tàng Nhạc Cụ, bên cạnh nhạc cụ dân gian Na Uy, tôi thấy một cây đàn Bandura Ukraine. Nhạc cụ này được người Ukraine đem tới bởi vì họ không chấp nhận chế độ Cộng Sản do Nga áp đặt bằng những lời dạy của Engels và Marx. Chế độ đó không thuộc đất nước chúng tôi vì chúng tôi là dân tộc có lý tưởng dân chủ giống như dân tộc Việt Nam. Chế độ Cộng Sản ngày nay ở Việt Nam không phát xuất tự nhiên từ tâm hồn người Việt. Chính những điều này đã đưa hai quốc gia chúng ta đến với nhau bất chấp những khác biệt bên ngoài...
 
Ngày nay thế giới đang trải qua sự toàn cầu hóa, và chúng tôi rất hạnh phúc khi các bạn đến đây để thực hiện những tác phẩm tuyệt đẹp, trong đó Lê Văn Khoa đã sử dụng đàn Bandura - nhạc cụ Ukraine cổ nhất, có nguồn gốc từ đàn Kobza bằng cách thêm nhiều dây đàn hơn. Thật là một món quà tuyệt vời vì nhạc của Lê Văn Khoa giống như âm nhạc dân gian của chúng tôi. 
 thanhduongst.michael
Chúng tôi hiện đang vui mừng kỷ niệm hai mươi lăm năm nền độc lập. Liệu nước láng giềng Nga có thể sẽ tấn công chúng tôi chăng? Trong hai năm sau chiến tranh dưới thời Tổng Thống Poroshenko, Ukraine đã nâng cao khả năng quân sự để đối phó với các cuộc tấn công hung hăng. Điều đó cho thấy chúng tôi không chỉ có sức mạnh tinh thần và sáng tạo mà còn có cả sức mạnh cơ bắp. Chúng tôi có thể tự bảo vệ chính mình.
 
Tôi nhớ lúc còn trẻ, cuộc chiến bi thảm và đẫm máu giữa miền Bắc và Nam đang diễn ra tại Việt Nam. Thật không may, nền dân chủ đã không giành chiến thắng. Nhưng tôi thiết nghĩ sự phát triển của Việt Nam sẽ đạt đến thời điểm mà ý chí của các bạn rồi sẽ vượt qua sức mạnh của cái ác, và bắt đầu đi theo con đường các bạn đã bước đi trong những thế kỷ trước.
 
Lịch sử hiện đại của chúng tôi bằng cách nào đó đã vang vọng với lịch sử quốc gia tuyệt vời của các bạn.” 
 
Cái duyên tình tiền định giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã bật mở từ lần gặp đầu tiên, năm 2005, khi tôi qua Kyiv, Ukraine để thu thanh Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975. Sự thân thiện và cởi mở giữa chúng tôi dường như đã có từ trước rất lâu mà không ai biết, thình lình hiển hiện từ những nốt nhạc đầu tiên khi dàn nhạc khởi tấu lần đầu. Nó hiện ra trong tiếng đàn, hiện ra trên nét mặt của các nhạc sĩ. Nó hàm chứa niềm vui kín đáo khi gặp lại cố nhân. Nhưng rồi hiện ra rõ hơn sau buổi dợt đầu tiên, lúc chúng tôi phải ra đường lớn để đón taxi. 
 
Phòng thu thanh quốc gia ở trên một ngọn đồi thấp, nhưng một người lạ phải đi lần đầu tiên, trong bóng đêm, trên mặt đất phủ tuyết đã đóng băng, không dễ đi chút nào. Cô Svyatoslava Semchuck,  nhạc sĩ độc tấu violin bên trái, bà nhạc trưởng Alla Kulbaba, bên mặt, hai người hai bên sốc nách tôi, nâng tôi lên khỏi mặt đất để đi, tự nhiên như nâng người “em nhỏ” trong gia đình.  
 
Trong thời gian thu thanh Symphony VietNam 1975, tôi bị “đứng tim” nhiều lần. Nhưng mối tình nào chẳng có những giây phút hồi hộp?
 
Trong khi tổng dợt hành âm số 5 có tên “Trong Đêm Thâu”, khi cả ban nhạc yên lặng, rồi có tiếng nhạc thật êm, lạc lõng, lần lần từ xa tiến tới. Lúc đó, một câu nhạc ngắn trổi lên. Thình lình có một nhạc sĩ đứng lên, quơ tay chận nhạc trưởng, nói lớn với giọng gay gắt. Nhiều nhạc sĩ khác đứng lên. Cả sân khấu ồn ào. Tôi đang ở trong phòng thu với chuyên viên âm thanh, không hiểu chuyện gì xảy ra vì tất cả những người lên tiếng đều dùng tiếng Ukraine. Tôi nghĩ không biết mình viết nhạc bết bát thế nào mà bị chống đối dữ vậy? Vì không hiểu tôi chỉ còn biết tiếp tục quan sát. 
 levankhoacup
 
Tôi thấy bà nhạc trưởng vừa nói, giọng ôn tồn, vừa lật qua lật lại những trang nhạc trong quyển tổng phổ của tôi. Sau đó các nhạc sĩ ngồi xuống và đàn tiếp. Có đoạn họ gằn tiếng đàn như trút cơn giận trong âm thanh. Thu thanh hành âm đó xong, các nhạc sĩ ra về. Tôi không dám ló mặt ra khỏi phòng thu vì sợ bị hành hung. Đến khi ông phó nhạc trưởng vào phòng thu, tôi hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra. Ông cho biết nhạc sĩ phản đối vì có câu nhạc cộng sản quốc tế ca. Bà nhạc trưởng đã nghiên cứu nhạc trước nên hiểu câu chuyện trong âm nhạc và giải thích đây là bài nhạc về lịch sử Việt Nam. Nhạc kể cuộc chiến ở Việt Nam do cộng sản quốc tế xúi giục, nhưng sẽ bị chống trả mãnh liệt của quân dân miền Nam, trong đoạn nhạc sắp tới. Nghe vậy nên nhạc sĩ yên tâm ngồi xuống chơi nhạc tiếp. Nhạc sĩ bày tỏ: “Chúng tôi đã bị bắt chơi bài Quốc tế ca này cả đời rồi, và rất thù ghét nó, tưởng đâu thoát rồi, tại sao bây giờ bị chơi nữa?” Do đó khi trỗi Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, họ gằn phím đàn để thêm sự cương quyết cho tiếng nhạc. Qua sự việc này, ta thấy sự đồng cảm, đồng thuận của nhạc sĩ Ukraine. Nếu thu thanh ở một quốc gia khác, chắc chắn những rắc rối vừa rồi không xảy ra. Thêm một lần nữa duyên tình ẩn kín giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã lộ diện. Họ chơi nhạc với cả tình lẫn lý.
 
Một rắc rối khác xảy ra đang lúc tổng dợt hành âm số 6 của Symphony VietNam 1975. Lần này bà nhạc trưởng ra lệnh ngưng nửa chừng và chuyển qua bài khác. Tôi tái mặt, nghĩ thầm, không biết mình viết nhạc bị lỗi lầm quan trọng nào đây mà bà nhạc trưởng không cho chơi tiếp. Sau buổi thu thanh, bà nhạc trưởng hẹn tôi gặp riêng với bà hai hôm nữa.
 
Đến ngày giờ hẹn, tôi gặp bà. Sau lời chào hỏi, bà lật nhạc từ quyển tổng phổ, hành âm số 6, “Trên Biển Cả”.  Bà nói: “Cần phải chỉnh lại hành âm này.” Tôi bối rối vô cùng. Làm sao có đủ thì giờ viết thêm phần nhạc mới để thay phần bị bỏ ra? Nhưng bà nhạc trưởng nói tiếp: “Nhạc lớn quá và kéo dài quá lâu. Không ai chịu nổi.” Tôi yên tâm. Không phải mình viết nhạc sai. Tôi nhớ lại phần đối thoại với thính giả sau buổi trình diễn tác phẩm này tại Trung Tâm Biểu Diễn Nghệ Thuật Orange County, năm 1995. Có một khán giả nêu ý kiến: “Âm thanh không đủ lớn để diễn tả chiến tranh.” Nhạc trưởng Edward Cumming trả lời: “Ông Khoa yêu cầu thêm 6 cái trống lớn, đặt rải rác trong khán giả, để khi bị pháo kích thì tất cả đồng loạt vang lên. Nhưng chúng tôi không chấp thuận.” Tôi nghĩ lại, họ không chấp thuận là đúng. Trong khi chỉ có một tiếng đàn bầu thật êm nhẹ tỉ tê, mọi người đang tập trung lắng nghe âm thanh nhỏ yếu, thật tình cảm, thình lình tiếng trống ầm vang khắp phòng nổi lên điếc tai, thì sẽ có chuyện gì xảy ra, nhất là nếu có người đau tim ngồi gần đó? Hôm nay, ở đây, hoàn cảnh tương tự! 
 
Tôi nhẹ nhàng nói: “Xin bà đề nghị.”
 
Bà nhạc trưởng nói bằng tiếng Anh: “Tôi đề nghị cắt bỏ từ chỗ này…. Đến chỗ này.”
 
Tôi góp ý: “Tôi thấy không ổn vì câu nhạc bị phá và hòa âm bị thình lình cắt mất.”
 
Bà vừa lật trang nhạc và bật nói bằng tiếng Ukraine mà không hề ý thức việc mình làm. Đó là phản xạ tự nhiên trong cơn bối rối. Nhưng bằng cách nào đó, tôi hiểu ý bà và đáp lời bằng tiếng Anh. Bà hiểu tiếng Anh nhưng đáp lại bằng tiếng Ukraine. Cuộc tranh luận kỳ quái như vậy kéo dài nhiều phút. Rốt lại chúng tôi đồng ý cắt bớt ba trang nhạc. Với âm nhạc, ngôn ngữ con người dường như không còn cần thiết nữa. 
 
Những bối rối của tôi chưa hết. 
 aleksandrdudar
 
Có lẽ cảm thông với ý nghĩ thầm kín của tôi, một buổi chiều ông phó nhạc trưởng mời chúng tôi ra ngoài để giải khuây. Ông đưa chúng tôi đến một cơ sở mới. Ông mời mấy người trong phái đoàn người Việt ngồi nghỉ. Ông vào trong, dẫn ra một nhạc sĩ Ukraine với chiếc đàn accordeon, yêu cầu người nhạc sĩ chơi một bài nhạc để giúp vui chúng tôi. Nhạc sĩ chơi rất điệu nghệ. Hết bài nhạc, ông ấy xếp đàn lại để rời phòng. Ông phó nhạc trưởng giới thiệu với anh ta từng người khách lạ đã nghe ông đàn. Đến tôi, ông nói: “Đây là composer Khoa Lê.” Nghe đến composer, người nhạc sĩ trợn mắt, nói: “Composer à? Vậy thì tôi xin đàn thêm một bài nữa. Bài này do tôi sáng tác, tên là Ave Maria.” Ông ta dạo nhạc rồi cất tiếng hát với tất cả xúc động, đến rơi lệ. Tôi nghĩ ông ấy phải có một tâm sự đau lòng lắm. Khi nhạc sĩ đi khuất, ông phó nhạc trưởng nói nhỏ cho chúng tôi biết người nhạc sĩ ấy tên Aleksandr Dudar, là người hát dạo từ dưới tỉnh lên thủ đô, đi xin ăn ngoài đường phố. Ông ta đã tốt nghiệp âm nhạc từ Kyiv National Tchaikowsky Conservatory of Music. Có người rước ông về đây, cho ở tạm vài tuần lễ để ông ấy định tỉnh tâm thần trước khi trở ra ngoài đời. Tôi choáng váng. Một người hát dạo xin ăn ngoài đường phố là người đã tốt nghiệp nhạc viện danh tiếng quốc gia! Tôi nhớ lại việc Stalin dùng lời giả dối là cần sưu tập những sáng tác của người mù (những bài hát yêu nước) để in thành tập nhạc lưu lại cho hậu thế. Người Nga đã quy tụ được đến ba trăm người ăn xin mù lòa từ khắp Ukraine. Tập trung họ lại một chỗ rồi giết hết một lúc. Tôi tự hỏi: “Như vậy, trình độ âm nhạc của người dân Ukraine đến đâu? Mình có sánh được với họ không?”
 
Trở lại hành âm cuối của Symphony VietNam 1975 là Ca Ngợi Tự Do. Trong hành âm này tôi cố ý cho ban hợp ca Ukraine thêm vào với phần hòa âm riêng. Tôi muốn dùng ban hợp ca Ukraine hát đệm để về nhờ ban hợp ca Việt hát chồng lên cho đều và đầy. 
 
Khi tập dợt thì ban hợp ca tập riêng ở địa điểm khác với ban nhạc. Họ chỉ hát u ơ mà không có âm thanh nào khác thì khó biết mình hát gì. Đến khi tổng dợt với ban nhạc để thu thanh, họ được hát với ban nhạc lần đầu. Nhờ hát chung với ban nhạc họ thấy phần nhạc đệm có âm sắc khác thường. Họ nói nhạc có sự thôi thúc và phấn khởi mãnh liệt nhưng họ không hiểu nghĩa của lời ca. Đang hát, họ ngưng, yêu cầu nhạc trưởng giải thích cho họ. Nhạc trưởng không biết tiếng Việt nên gọi Lê Văn Khoa ra để giải thích. Khi được gọi, tôi không hiểu có việc gì xảy ra nữa đây, nhưng không né tránh được nên phải xuất hiện. Được biết ý họ, tôi nói tên bài hát. Chỉ cần chừng đó họ đã hiểu hết vì đã cảm với âm nhạc từ trước. Họ yêu cầu bài hát phải được dịch ra tiếng Ukraine để họ hát. Họ nói không phải chỉ người Việt Nam mới ưa chuộng tự do. Người Ukraine và cả người khác trên thế giới đều mong muốn tự do. Trước khí thế như vậy, tôi chấp nhận cho hoãn thu thanh hành âm cuối để đưa bài Ca Ngợi Tự Do cho người dịch ra tiếng Ukraine. Thế là tất cả ca, nhạc sĩ đều ra về. Điều cảm động là tất cả ca, nhạc sĩ, nhân viên thu thanh, nhạc trưởng, không ai nhận một xu thù lao nào cho buổi thu thanh bất thành đó. Thế mới thấy tinh thần của ca nhạc sĩ Ukraine. Họ tuy nghèo, nhưng rất có tình. Với hành động ấy họ công khai xác nhận mối duyên thầm với Lê Văn Khoa. Và cuộc tình còn dài.
 hoanhac
 
Ngay đêm đó tôi dịch lời bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Anh. Hôm sau ông phó nhạc trưởng đem bản nhạc và lời tiếng Anh đến nhờ người chuyên dịch các Opera Ý, dịch bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Ukraine để ban hợp ca hát. Hai ngày sau thì thu thanh. Vì bài ca hoàn toàn mới nên ban hợp ca phải nhìn vào bài để hát. Tuy kém thoải mái, nhưng mọi người thỏa lòng.
 
Nhạc trưởng Andrew Wailes của dàn nhạc The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra, Australia, nhận xét bài Ca Ngợi Tự Do như sau: “Trong hành âm cuối, ‘Ca Ngợi Tự Do’, nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ đại... Nhạc thật hay, rất sắc xảo, tinh vi....”
 
Điểm ấm lòng và có dấu hiệu đồng cảm sau mấy ngày thu thanh của chuyến đi Kyiv, Ukraine lần đầu của tôi năm 2005, là các nhạc sĩ của Kyiv Symphony Orchestra and Chorus yêu cầu bà nhạc trưởng xin tôi để nhạc lại cho họ chơi. Phải chăng cái duyên giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã đến lúc lộ rõ. Phải chăng nét nhạc của tôi đã nói lên được nỗi lòng âm thầm chịu đựng từ lâu của người Ukraine. Tôi tin phải có sự đồng cảm mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Nhờ đó mà từ năm 2005 đến 2017 tôi thực hiện được 5 CDs nhạc với Kyiv Symphony Orchestra, một CD nhạc Piano, một bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa và nhiều bản nhạc rời.
 
Một buổi chiều, sau khi thu thanh xong mấy bài nhạc, nhờ việc làm suông sẽ nên buổi thu thanh được kết thúc sớm. Chúng tôi có khoảng trống vài tiếng đồng hồ, bà nhạc trưởng và hai cô nhạc sĩ trẻ rủ tôi đi dạo phố với họ sau một ngày làm việc căng thẳng quá mức. Hai cô gái này tên Irina Starodub, giáo sư piano Nhạc viện Quốc gia, và Svyatoslava Semchuk, cũng là  giáo sư của Nhạc Viện Quốc gia tại Kyiv mà tôi có đề cập trong phần I, kỳ trước. 
 
Chúng tôi đi dạo trong công viên của khu đền kỷ niệm 10 triệu người bị Stalin bỏ đói cho chết hết trong hai năm 1932 và 1933, vừa đi vừa nói chuyện về âm nhạc. Có một điểm trùng hợp kỳ lạ, năm 1933 là năm tôi chào đời.
 
irina
 
Đi dạo độ một tiếng đồng hồ, chúng tôi ra đón taxi trở về phòng thu thanh để làm việc tiếp. Nơi đây tôi được học một bài học về đẳng cấp trong giới nhạc cổ điển.
 
Khi taxi tấp vô lề đường, cô Irina bước tới, mở cửa xe để mời tôi lên xe. Như đã nói ở phần trước, cô là một thiên tài âm nhạc. Năm 14 tuổi, cô đã đi trình diễn khắp nước Pháp, hiện là Giáo sư Piano cho Nhạc Viện Quốc Gia Tchaikowsky. Nhưng Irina bị cô Svyatoslava, người từng chiếm giải Quán Quân toàn Liên bang Sô Viết, từng chiếm giải thưởng quốc tế ở Đức, môn violin, Giáo Sư Violin của nhiều nhạc viện ở Ukraine, Đại Hàn và Nhật Bản gạt qua một bên, để cô mời tôi lên xe. Tôi chưa kịp bước lên xe thì bà nhạc trưởng đến gạt Svyatoslava qua, bà mở cửa xe và mời tôi lên xe. Tôi nói cách gì cũng không thể để bà lên xe trước tôi. Sau khi tôi ngồi an toàn rồi, bà đóng cửa xe cho tôi, rồi bà lên ngồi ở phía sau với hai nhạc sĩ trẻ.
 
Khi xe chạy, tôi quay ra sau hỏi ba phụ nữ:
 
“Tôi thấy có việc lạ, xin giải thích giùm tôi. Tại sao ở Hoa Kỳ thì đàn ông mở cửa xe mời phụ nữ lên xe trước rồi họ mới lên xe sau, ở đây tôi không thể mời ba vị lên xe được?”
 
Bà nhạc trưởng trả lời một câu ngắn gọn, làm tôi suy nghĩ rất nhiều:
 
“Because you are a composer.”
 
Câu trả lời rất ngắn đó xác định vị thế từng người trong giới nhạc cổ điển Tây phương, nhưng quan trọng hơn, nó minh xác tôi là một người trong nhóm của họ. Cái duyên tiền định giữa tôi và nhạc sĩ Ukraine đã lộ rõ ra ở đây.
 
Một cái duyên nữa là năm 2012, khi Vietnam Film Club nhờ tôi thực hiện một bài quốc thiều giá trị cho phim tài liệu về Quốc Kỳ và Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghĩ ngay phải tìm một ban nhạc tầm vóc quốc gia mới xứng hợp. Nhờ duyên tình tôi đã kết hợp với nhạc sĩ Ukraine từ năm 2005, và sau khi vượt mọi khó khăn vào giờ phút cuối, chúng tôi được Ban Quân Lễ Nhạc của Phủ Tổng Thống Ukraine trình diễn cho chúng tôi thu thanh và thu hình bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Duyên tình của chúng tôi càng kết chặt hơn.
 
tarasmyronyuk
 
Trong một buổi họp mặt với nhiều nhạc sĩ từ các trường nhạc lớn ở Ukraine, ông Taras Myronyuk của Kyiv Symphony Orchestra nói trước mặt mọi người: “Ông Khoa ơi, tôi thấy có hai con người bên trong ông, một là Việt Nam, người kia là Ukrainian. Nhưng tâm hồn ông thuộc về Việt Nam.” 
 
Vâng, tâm hồn tôi mãi mãi thuộc về Việt Nam Cộng Hòa.
 
Trong đêm cuối cùng ở Kyiv, năm 2017, có sự truyền cảm nào đó làm mọi người bịn rịn, không muốn chia tay. Tôi nói: “Đêm nay là đêm cuối cùng tôi ở Kyiv. Tôi chào từ biệt mọi người, vì sẽ không còn cơ hội để tôi qua Ukraine nữa.”
 
Bà nhạc trưởng Alla Kulbaba êm ái góp ý: “Xin đừng nói cuối cùng. Chúng ta chờ xem, coi có việc gì xảy ra...”
 
... Mấy năm sau, ngày 24 tháng Hai 2022, Nga xua quân xâm chiếm Ukraine và tàn phá quốc gia này. Nếu duyên hội ngộ giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine không còn tiếp được lâu dài, thì ít ra Việt Nam Cộng Hòa và Ukraine có điểm giống nhau: cả hai quốc gia cùng bị cộng sản sát hại. Nhưng điểm quan trọng là hai quốc gia đã được thắt chặt bằng sợi dây vô hình: ban Quân Lễ Nhạc Phủ Tổng Thống Ukraine đã trình diễn Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh và Âm thanh của việc này sẽ còn lưu dấu đến ngàn sau.
 
(Nếu quý vị muốn xem cuộc phỏng vấn của Jimmy show, trong đó có bản quốc thiều VNCH được trình tấu tại Ukraine, xin vào link sau đây của SBTN: https://youtu.be/57_AFRz4tas.)
 
 
Lê Văn Khoa
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com