User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
RA MAT SACH 400
(Nhà văn Trần Thị Diệu Tâm giới thiệu trong buổi ra mắt 2 tập truyện ngắn: Cầu Pont Neuf, Tập Sống. Từ trái: Nhà văn Trần Thị Diệu Tâm và Đặng Mai Lan trong buổi ra mắt sách.)
 
Tập truyện đầu tay của Đặng Mai Lan được trình bày như những dòng nhật ký độc thoại với chính mình, dàn trải trên nỗi niềm chua xót của một tâm hồn vọng tưởng về hạnh phúc tình yêu đã mất.
 
Nhân vật xưng tôi trong truyện là một người đàn bà mang một trái tim dịu dàng và mơ mộng, luôn luôn khắc khoải về ý nghĩa đích thực của tình yêu. Người ấy pha trộn lẫn nhau giữa mộng và thực, giữa cơn mơ với đời thường, rồi tự hỏi đâu là ranh giới giữa đôi bờ.
 
Bởi vì mộng là có, thực là không. Thế giới trong mơ là thế giới đầy nắng ấm, thế giới đời thường âm u, lạnh lẽo bóng tối. Trong mơ Tôi có anh, Tôi hạnh phúc. Với ngày thường Tôi không còn anh, Tôi mất anh, Tôi cô quạnh. Đây là một chủ đề diễn tả cái tâm thức phức tạp rối rắm, dằng co giữa điều Tôi muốn đạt tới và cũng là điều Tôi muốn phủ nhận. Nó nói lên trạng thái bất ổn của tình yêu.
 
Tình yêu là một biến dịch lạ lùng. Khi ta đón nhận nó cũng là lúc ta đánh mất nó.
 
Mỗi thứ hạng vật trong trời đất đều có một bản thể, nhưng riêng tình yêu có đến hai bản thể cùng một lúc. Nó vừa là hạnh phúc, lại vừa đớn đau. Hạnh phúc là mời gọi, quyến rũ, phục sinh. Đau đớn là hủy diệt.
 
Tác giả Đặng Mai Lan trình bày bản thể tình yêu ấy bằng giọng văn óng ả, êm đềm và tinh tế. Giòng văn ngọt ngào mà cũng rất ngậm ngùi.
 
Những tựa đề các truyện Về một nơi khác, Chiêm bao, Cơn mưa, Mùa nắng cuối cùng, Phía ngoài hạnh phúc, Chiếc bóng, Sang mùa, Phòng 111. Hiện ra cho thấy cả một không gian bát ngát thấm đượm hương hoa tình ái. Dù bây giờ hoa đã tàn, hương đã nhạt, nhưng vũ trụ ấy vẫn còn đây, để còn tưởng nhớ.
 
Trong Chiêm bao hãy đọc: "Anh quên tôi rồi nhưng không biết có lần nào tôi hiện diện trong giấc mơ anh. Và tôi như thế nào? Riêng tôi, ngay cả trong giấc mơ tôi cũng không tìm thấy mình hạnh phúc. Tôi quy hàng đời sống thực nhưng chiến đấu tận cùng mỏi mệt với chiêm bao. Anh vẫn gần gũi bên tôi, nhưng gần đó rồi lại mất đó vội vàng bằng những lý lẽ này, nguyên cớ khác và tôi vẫn phải đi tìm anh."
 
Đi tìm anh, là đi tìm cái bóng dáng hạnh phúc, đi tìm trong mơ. Tác giả lại viết:
 
"Mộng, thực đã cùng nhau hòa nhập trên nhịp sống tôi. Chỉ khác một điều là tôi, tuổi nào với bóng dáng mệt mỏi của một kẻ đi tìm, cái bóng dáng say đắm sôi động của chính mình một thời yêu đã mất, đã không còn nữa trong thực tại mà chỉ còn tìm thấy trong mơ."
 
Người đàn bà trong truyện như một kẻ lữ hành, cô đơn trong sa mạc mênh mông cát nóng, đi tìm nguồn nước hạnh phúc. Nhưng muốn tìm nguồn nước sống, phải giải đáp cho ra cái mật ngữ bí ẩn của nó. Để rồi tưởng chừng có thể uống được, lại chỉ là một ảo ảnh. Nhưng là ảo ảnh muôn thuở, muôn đời.
 
Trong Mùa nắng cuối cùng, câu chuyện xảy ra tại Reims (nơi tác giả cư ngụ) là thành phố có thể nhìn thấy sự xâm thực toàn vẹn nhất trong hiện tượng nguyệt thực. Ngày ấy, mọi người đang xôn xao, lo lắng cho những tai ương có thể xảy ra từ trời xuống theo như huyền giải của sấm truyền. Trên hè phố, có đôi tình nhân trẻ, quần jean bạc màu đang ôm nhau, nói với nhau: Hãy cho tôi hôn em một lần nữa, khi mặt trăng ôm trọn mặt trời.
 
Thế gian run sợ. Tình yêu thản nhiên vì ta có nhau. Câu nói lờn vờn trong đầu cô. Một khuôn mặt ngẩng lên, một đôi môi cúi xuống. Hình ảnh đẹp đẽ biết dường nào. Cô len lén nhìn anh, cái bóng đang bay đi, ngày mai sẽ bay đi của cô, nó dậy lên trong cô chút rạo rực khát khao cùng với một nỗi buồn rầu ngầy ngật.
 
Cô và anh, hai nhân vật của truyện, đến với nhau từ một thực tại bất toàn nào đó của đời sống để tìm chính họ, người này nơi người kia.
 
Họ có tìm thấy nhau mãi mãi suốt đời? Hay đấy chỉ là một chiếc bóng. Chiếc bóng tình. Óng ánh muôn màu sắc, nhưng lại tan vỡ ngay. Chiếc bóng của bọt xà phòng. Chắc hẳn ngày xưa thời thơ dại, cô gái đã từng say sưa nhìn ngắm cái vẻ muôn sắc của bọt nước xà phòng. Giờ đây cô tìm thấy lại nó trong dáng vẻ tình yêu.
 
Chiếc gối anh đang ôm trong tay là cái gối nằm của cô. Anh có ngửi thấy chút hương hơi nào của những giọt nước mắt thầm lặng đêm qua cô nhỏ xuống trên mặt vải trắng phau mềm mại ấy? Nước mắt chỉ có vị mà không có hương làm sao anh ngửi được.
 
Những giọt nước mắt ứa ra trong âm thầm lặng lẽ của người đàn bà xưng tôi, nhòe nhoẹt trên từng trang chữ của Đặng Mai Lan.
 
Nguyệt thực, mọi người ai nấy đều ra khỏi nhà ngẩng đầu nhìn lên cao, hồi hộp trông chờ cuộc gặp gỡ kỳ lạ của cô mặt trăng và anh mặt trời. Nghe nói họ đã hẹn hò nhau lâu lắm, từ muôn năm cũ. Mặt đất bắt đầu buông màn bóng tối êm dịu. Mặt trăng đang đến gần mặt trời, ôm gọn, chiếm hữu. Cô và anh đang yêu nhau như một hòa hợp vẹn toàn sung mãn của hai vầng nhật nguyệt... Cuộc chinh phục đã hoàn tất, mỹ mãn. Vầng trăng rướn mình quay đi bỏ lại mặt trời.
Câu chuyện tình của hai vầng nhật nguyệt.
 
Xa nhau từ muôn năm trước, gặp nhau trong mươi phút, rồi thiên di trong một thiên hà thiên thu vô tận. Không biết mặt trăng có nhỏ giọt nước mắt nào, có nói lời tha thiết nào cho cuộc hội ngộ vừa chia ly. Như cô gái trong mùa nắng cuối cùng: Em sẽ nói gì với anh cho một cuộc chia tay phải đến. Thế nào thì chúng ta cũng phải xa nhau. Cô ứa nước mắt.
 
Bao giờ mặt trăng gặp mặt trời,
Cho em gặp anh.
Bao giờ ta gặp lại nhau,
Kiếp sau.
 
Tựa đề cuốn sách là câu chuyện Phòng 111, một vở diễn hai màn đan chéo nhau gây một ảo giác cho độc giả. Đang ở trong căn phòng của đôi người yêu nhau tự do say đắm, căn phòng mà người đàn bà bước vào "như một kẻ bơ vơ tìm nơi nương náu cuối cùng" lại biến thành căn phòng của bệnh viện. Với nỗi đớn đau có thật do một tai nạn xe hơi vừa mới xảy ra.
 
Đây là bi kịch giữa cái tôi và đời sống thực. Giữa chấp nhận và phản kháng định mệnh. Hầu hết tập truyện, người đàn ông là duyên cớ, nhưng là duyên cớ im lặng, lẫn khuất trong chốn hậu trường. Chỉ riêng Phòng 111, duyên cớ ấy mới bước ra, hiện diện cho thấy một mẫu đàn ông có khả năng đưa người đàn bà thông minh xinh đẹp bước vào hầm chông có ba con số 1.
 
Đây là người đàn ông có tư cách, trí thức bặt thiệp... Cho nên lời nói của ông ta không cần phải triết lý văn chương bóng bẩy, đôi lúc táo bạo sỗ sàng mà vẫn làm cho cô Hảo xúc động. Hơn bốn trang giấy cô Hảo say đắm tả lại đặc tính quyến rũ của người đàn ông. Đặc tính ấy bẫy sập cô Hảo đang chán đời và cô đã nồng nàn dâng hiến.
 
Mối tình ba con số một sau đó để lại cho cô gái một bào thai. Bào thai cũng chết đi trong tai nạn xe hơi. Tủi hổ và đắng cay. Người đàn ông có tư cách, trí thức bặt thiệp ấy bây giờ hiện ra trong giấc ngủ của Hảo tầm thường tồi tệ!
 
"Hảo ngồi xuống chiếc băng đá ở trạm xe bus để đợi chuyến xe. Cô không biết chuyến xe này đi về đâu, sẽ đỗ ở bến nào? Cuộc phiêu lưu chấm dứt, đôi cánh bay của Hảo đã gãy lìa, rời rụng. Chỉ còn đôi chân chùng mỏi đang trở về đời.."
 
Thôi lý tưởng về đàn ông, về tình yêu và thôi mơ mộng. Đặng Mai Lan đã viết những giòng văn chương thật đẹp. Cũng thấy hiếm hoi, ít gặp trong chữ nghĩa trần gian trần trụi và sỗ sàng. Trong suốt cuộc du hành trên 170 trang chữ thơ mộng mà không kém phần vi phân với cuộc đời. Tôi là độc giả lắng nghe từng lời, từng chữ. Đọc truyện Mai Lan tôi không hấp tấp vội vàng. Tôi nhâm nhi, tôi gặm nhấm nỗi u hoài của một thân phận tình yêu.
 
Đọc xong, Tôi tự hỏi văn chương là gì? Có phải là giấc mộng đi tìm sự thật về hạnh phúc con người. Và hạnh phúc phải chăng chính là những điều mà ta không bao giờ có được. (Phía Ngoài Hạnh Phúc, trang 128).
 
Như thế, chúng ta, những người cầm bút viết văn đang đi tìm gì?
 
Tìm một chiếc bóng.
 
Trần Thị Diệu Tâm
Paris, tàn thu, hai ngàn.
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com