User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
huynhhvo
 
*Thắp nén hương lòng về hương hồn HHV
 
Trần Hoài Thư giới thiệu
 
Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ qua đời tại quê nhà của anh – Phan Rí. Anh cùng thế hệ với tôi, và là người thi sĩ ngoài vòng đai SG. Thơ anh thường thấy xuất hiện trên tuần báo Khởi Hành – cơ quan của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội. Chính tờ báo này đã sản sinh ra bao nhiêu nhà thơ tài hoa, mang niềm ngưỡng mộ.
 
Nay xin đăng lại một số bài của HHV được trích từ Thơ Miền Nam Thời Chiến I, II do chúng tôi sưu tập để bạn thấy rõ hơn bóng dáng của một thi sĩ ngoài vòng đai:
 
Những Bài Thơ Sưu Tập của Huỳnh Hữu Võ
 
Dưới Chân Đồi Xích Thố
(viết bởi chương trình Dạ Lan. Đài Tiếng Nói Quân Đội Sài Gòn)
 
1. Nơi Anh Đồn Trú
 
Dưới chân Đồi Xích Thố này có con sông
Con sông có cây cầu bắc qua
Bên này là vườn táo là nghĩa địa là ruộng hoang
Là lô cốt là hầm chông là bãi mìn
Buổi sáng anh ở nơi đây
Đu đưa lời tình bên khóm táo
Với bầy te te với tiếng gió sang mùa
Anh phải ngủ thật nhiều vào ban ngày
Để đêm từng đêm ngồi ôm súng gác
Anh phải cười nơi đây thật to
Để khỏi nghe tiếng súng
Anh phải văng tục nơi đây cho đã
Vì thiếu bóng đàn bà suốt tháng
Anh phải thủ dâm
Mỗi khi đài quân đội đưa lời: “Em yêu lính”
(Tất cả bạn bè anh vẫn thế
Có gì đâu mà giấu phải không)
Anh cởi trần ra tắm nắng
Khi mặt trời lên cao
Anh cởi trần ra tắm mưa
Khi mưa vừa nặng hạt
Anh đi giày bố Mỹ hút Quân tiếp vụ
Anh đội nón Đại Hàn ca nhạc Trịnh Công Sơn
Anh rất thương lính hơn hồi chưa nhập cuộc
Anh rất ghét lính khi đã lãnh lương xong
Anh ăn buổi sáng buổi trưa nhịn đói buổi chiều
Anh ăn buổi chiều nhịn đói buổi trưa buổi sáng
Anh cũng thường nhịn ăn suốt ngày
Sau những lần uống rượu
Nước bi-đông anh bữa ngọt bữa cay
Tâm thần anh ngày thanh bình ngày nội chiến
Anh ngủ nhờ trên đất
Đất mẹ Việt Nam mến yêu
Anh bới sâu lòng đất
Chôn xác những thằng người
Những thằng người bất hạnh
Trong một nội chiến tương tàn phi lý và bẩn thỉu
Trong một nội chiến nhục nhằn dằng dai và bịnh hoạn
Bạn bè anh đứa còn đứa mất
Đứa đào ngũ đứa vào bệnh viện
Đứa cụt tay đứa què giò
Những thằng còn ở lại đây
Những tháng qua ngày ngồi vỗ súng ca
Anh ca bài ca yêu thương
Của một quê hương chia cắt bởi những con tàu
(Không phải mấy nhịp cầu bắc qua dòng Bến Hải)
Anh ca bài tình ca quê hương
Quê hương của một dòng sông
(Dòng sông này không chia cắt tình người)
Anh ở đây dưới chân Đồi Xích Thố
Nhìn anh em bằng mũi súng ngoại bang
Anh ở đây dưới chân đồi nắng cháy
Vùng đấy khô cằn của một quê hương
Quê hương của một giống người bị trị
Một ngàn năm, một trăm năm
Rồi còn bao nhiêu năm?
2. Khi Anh Hành Quân
 
Bảy ngày gạo gói thương vào đó
Xua tay trần hung hãn một ngày vui
Bạn và anh đã nặng lòng yêu nước
Như đã nặng lòng yêu khói thuốc Capstan
Nếu bên cánh rừng này ví dụ:
Dù có em anh sẽ bắn tan tành
Cũng như lúc dừng quân
Anh đã bắn vào radio có tiếng em hát
Đặc lệnh hành quân bảy ngày “cơm no áo ấm”
Bảy ngày đi năm lít rượu trong người
Mở nắp bi-đông cho hơi nồng trận mạc
Cho đất trời một vũng dưới chân anh
Nếu rừng Thái An
Đạn bom không giẫm nát
Thì rượu nếp than sẽ đốt cháy tơi bời
Anh hiên ngang như con bọ hung lửa
Xới tan tành mấy bãi cứt trâu khô.
 
3. Chiến Tranh Và Bợm Nhậu
 
Không uống Lave suốt đời ta khổ
Uống Lave khổ chỉ một đời ta
Nên từ đó ta biến thành bợm rượu
Lương dẫu ít thôi còn mớ tiền nhà
 
Đường lả lướt ta thong dong một cõi
Sáng Lave chiều rượu đế lâng lâng
Dẫu đêm nay đơn vị ta đụng trận
Giặc có là trời ta coi như không
 
Thằng nào chết là nó không uống nữa
Rượu có say chưa hẳn ta say
Mơ danh vọng thì cần nhiều tiền bạc
Còn như ta uống rượu sướng dài dài
 
Những sáng những trưa ngồi phất phơ theo quán
Rượu ấm môi mềm ta hát ta ca
Cũng có dòng sông chảy qua trí nhớ
Và một cánh đồng bát ngát trong ta
 
Nhưng là lính ta thèm ca thèm hát
Thèm uống Lave thèm nói tục thèm đàn bà
Nếu không chiến tranh để làm môi giới
Thì chẳng bao giờ ta được giống ta.
 
Trong Tập I, Dưới Chân Đồi Xích Thố chỉ có hai bài: Nơi Anh Đồn Trú và Khi Anh Hành Quân. Bài Chiến Tranh Và Bợm Nhậu là bài cuối mà chúng tôi mới sưu tầm được.
 
Niềm Ước Vọng Hòa Bình
 
Khi chiến tranh chấm dứt
Tôi sẽ về miền thôn dã
Lấp hố bom trồng cây mận cây xoài
Chờ cây lớn đơm thật nhiều trái chín
Hái về cúng cha vì người chết nơi này.
 
Khi chiến tranh chấm dứt
Tôi trở về miền thôn dã
Múc nước hố bom tưới cau tưới trầu
Chờ cau lớn trầu đơm nhiều lá
Tất cả chỉ dành cúng mẹ tôi thôi.
 
Khi chiến tranh chấm dứt
Tôi sẽ trở về miền thôn dã
Đốn tre góc vườn đan thật nhiều mê rổ
Buổi sáng tôi bới đất sàng tìm mảnh xương
Buổi chiều tôi múc nước hố bom tưới vườn
Buổi tối tôi chong đèn suốt sáng
Cái này là mảnh bom!
Cái này là mảnh xương!
Còn đây là thịt vụn!
Thịt này là của ai?
Xương này là của ai?
Bom này là của ai?
Khi chiến tranh chấm dứt
Tôi sẽ dành một vuông đất trong vườn
Và chia ra thành ba phần mộ
Nấm chôn mảnh xương
tôi đề bia tên cha
Sanh năm 1916 tại Tăng Lộc Thôn
Người đã một thời dùng gậy gộc đuổi tây
Nấm chôn thịt vụn
tôi đề bia tên mẹ
Sanh năm 1920 nơi ruộng đồng Nha Mí
Suốt đời chan nước mắt nuôi con
Nấm chôn mảnh bom tôi khắc hai xương chéo
Vẽ lên trên một chiếc sọ người
Nhỡ mai này con tôi khôn lớn
Nhìn phần mộ này mà căm hận thay tôi
Khi chiến tranh chấm dứt
Tôi sẽ trở về miền thôn dã
Với mớ ý thức đen
Và hai bàn tay đã chai mòn thép súng.
 
Hiệp Định Ba Lê Về Việt Nam
 
Đài BBC rè rè bản tin buổi sáng
Tôi ngồi trong cầu tiêu
Nơi đây không có men bia nước ngọt
Không có bàn vuông bàn tròn
Không có người trước người sau
Không có anh không có em
Không bạn bè không kẻ thù
Đối diện là tấm vách
Không có hàng chữ trong trí nhớ
(kẻ nào xây cất cầu tiêu này bằng đôi tay mình) (*)
Xin cám ơn mọi người
Xin cám ơn tình yêu thương đồng loại.
 
Giữa khoảng không gian nhỏ bé
Trong khung cảnh một cầu tiêu
Tôi nhìn rõ mặt tôi trong hồ nước
Tôi nói chuyện tôi theo tiếng dội vách tường
Tôi hoan hô và cảm ơn tất cả
Cám ơn những cây cầu đã gãy
Trong niềm hy vọng tràn đầy buổi sáng
Cám ơn những Snach Bar đã mọc
Tô điểm thị thành Đông Phương mất gốc
Cám ơn những cánh đồng băm nát mặt mày
Để tuổi trẻ hôm nay không còn nhận diện được quê hương
Cám ơn bê bốn mươi em mờ bảy chín
Những khí giới tối tân
Đã nướng chín tình anh em bằng hữu
Hai mươi năm trên vai mẹ Việt Nam.
 
Giữa khoảng không gian nhỏ bé
Trong khung cảnh một cầu tiêu
Tôi nhìn rõ mặt tôi trong hồ nước
Tôi nói chuyện tôi theo tiếng dội vách tường
Tôi hoan hô và cảm ơn tất cả
Hỡi những người anh em đã chết
Đang chết và may mắn được chết
Để tôi ngồi mãi nơi cầu tiêu này
Nói chuyện yêu thương nói chuyện vách tường.
27.1.1973
(*) Câu thơ của Phạm Công Thiện
 
Giỗ Đầu Về Thăm Huế
 
Huế rồi Huế cũng đen mun
Tôi qua phố chợ ngồi chôn cuộc người
Xem tranh vẽ bóng lên đồi
Nhặt từng túc đạn thổi còi ru em
Bỗng dưng trọng pháo thắp đèn
Em trăm năm cũng khát thèm tình quân
Tôi về tìm lại người thân
Thấy mang súng đứng trong thần thoại xưa.
1969
 
Trò Chơi Của Người Chưa Lớn (*)
 
Tôi vào quê hương bằng cuồn dây thép
Bằng vết chân cùn nhọn hoắt của cha
Theo những thông hào ươm đầy trái phá
Tôi đưa bàn chân cào cấu trên da
 
Tôi vào quê hương bằng xe Traction
Chiếc xe chở đầy chất nổ ngàn cân
Tôi đặt nó lên xương sườn của mẹ
Thân mẹ a ha thân mẹ tanh bành
 
Tôi vào quê hương bằng đường nước mắt
Nước mắt bạn bè nước mắt anh em
Tôi lội tôi bơi mệt nhoài trong đó
Máu loang đầu tôi chảy xuống ruột mềm
 
Tôi vào quê hương theo nòng thép súng
Lửa cháy trong hồn máu chảy trong da
Trên da mặt tôi mọc lên cổ thụ
Cổ thụ sai oằn lựu đạn mọt chê
 
Tôi vào quê hương theo đoàn cải lương
Đứng lên làm hề đả đảo hoan hô
Lũ trẻ ngu ngơ cười phun nước bọt
Trên mặt mày tôi dưới yếm trên đầu
 
Tôi vào quê hương mang theo quà tặng
Carbin, thompson, garan, tiểu liên
Dành phát cho nhau mỗi thằng một đứa
Dành phát cho nhau mỗi đứa một thằng
 
Rồi tôi rời bỏ thành đô
Chông chênh đá dựng hang dò dẫm quanh
Việt Nam rách nát tan tành
Quê hương máu mắt chảy quanh địa cầu.
Sàigòn 1966
 
(*) Bài thơ này ký tên: Hoa Đất Nắng. Tiểu Thuyết Thứ Năm chọn đăng 1966. Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Đi Vào Quê Hương (1966). Ca sĩ thực hiện: Thái Thanh, Khánh Ly, Diễm Chi… (https://www.youtube.com/watch?v=6DTmdTa09ps) và in trong tập ca khúc Phạm Duy – Kỷ Vật Của Chúng Ta. Chủ đề Tâm Ca, nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc 1970. Nhà sách Khai Trí phát hành.
 
Sài Gòn Mưa
 
Sài Gòn trời mưa ướt dầm con phố
Bên em chiều nay lời chưa dám ngỏ
Chầm chậm theo mưa
 
Sài Gòn trời mưa ngồi trong quán nhỏ
Đôi chim sẻ nâu nép mình góc phố
Gió mưa bời bời.
 
Sài Gòn trời mưa mưa từng sợi nhỏ
Mưa ướt mặt đường ướt dầm nỗi nhớ
Những chiều vắng nhau.
 
Sài Gòn trời mưa ướt dầm con phố
Khi chuông giáo đường không còn vang đổ
Bâng khuâng, bâng khuâng.
 
Sài Gòn trời mưa ướt dầm con phố
Bóng đổ liêu xiêu đôi bàn chân nhỏ
Tung tăng, tung tăng.
 
Sài Gòn trời mưa ướt dầm con phố
Anh theo mưa về niềm vui rạng rỡ
Tình ơi, tình ơi.
 
Sài Gòn trời mưa ướt dầm con phố
Anh đứng một mình dưới trời mưa đổ
Một mình anh thôi!
Một mình anh thôi!
Xóm Củi 1966
 
Ngày Giỗ Ở Việt Nam
 
Mẹ đốt nhang và khấn thật nhỏ
Gọi tên Ba tên anh và bé thật buồn
Buồn như những lần nhận diện tiếng máy bay
Buồn như những lỗ xoáy chung quanh nhà mình
Buồn như những lần ba đi
Để lại Mẹ khăn và quần bô màu trắng
Mẹ nhọc nhằn năm tháng nuôi con
Và dỗ dành bằng lời bom tiếng đạn
Đêm đắp lên mình khói cay và trái sáng.
 
Mẹ quỳ xuống và đêm thật cao
Ba không về anh không về và bé không buồn lại
Mẹ dâng cơm và khấn thật nhỏ
Mẹ đốt nhang và khấn thật buồn
Ba trên bàn cùng anh và bé
Vẫn thản nhiên như người chết không hồn.
1969
 
Lời Dỗ Dành Ngày Hưu Chiến
 
Người mẹ đốt ba cây nhang
Đó các con cứ lạy mừng ngày hưu chiến
Đó các con hai mươi năm rồi tết đến
Các con cứ thản nhiên mà nô đùa
Cứ dặn dò nhau đừng đốt pháo
Âm thanh này làm đất hờn sủi bọt
Dặn dò nhau cho kỹ đừng đánh phá nghe con
Các con cứ thản nhiên mà nô đùa
Đừng thèm nghĩ gì đến tương lai
Đừng thì thào nhau chuyện đã rồi
Đừng nhìn nhau bằng ném đá
Cho Tết Nguyên Đán Việt Nam muôn đời
Cho cây cỏ hồi sinh
Trong hồn các con và Mẹ
 
Người cha đốt ba cây nhang
Hỡi các con ơi! Từ Cao nguyên sương lạnh
Hỡi các con ơi! Từ Đồng Tháp Mười sình lầy
Hỡi các con ơi! Từ Miền Trung cát bỏng
Đất và người thắm tình dân tộc Việt Nam
Ngủ đi con nơi miền cát bỏng
Có diều hâu và trái sáng canh giờ
Ngủ đi con nơi đồng chua lầy lội
Có người yêu đong gạo bán cho đời
Ngủ đi con nơi miền cao đất đỏ
Có khói cay un kín núi rừng
Ngủ đi con, ngủ đi con trên bờ quê hương đó
Có diều hâu và trái sáng canh chừng
Cha ở đây một đời mong ngóng
Mơ ngày Hòa bình nhưng có được gì đâu!
 
Trần Hoài Thư
 
 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com