Ngự Thuyết là một khuôn mặt rất quen thuộc của văn chương hải ngoại. Anh viết nhiều, viết đều và viết đủ thể loại. Truyện ngắn, truyện dài và nhiều tiểu luận của anh xuất hiện trên các tạp chí văn học giấy cũng như mạng suốt ba thập niên qua.
Bà mẹ quê. (Hình minh họa: Đức Nguyễn/Pixabay)
Về mặt sáng tác, anh có lối viết nhẩn nha, điềm đạm, từ tốn và đặc biệt nhất, là rất chi li. Trong thế giới gọi là “hư cấu” của anh, mọi sự, mọi vật đều “hiện thực” một cách đầy hiện thực! Chúng được anh mô tả tới nơi tới chốn và xuất hiện một cách bình đẳng. Từng chi tiết một, kể cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, đều được ngòi bút của anh chiếu rọi đến.
Đọc anh, tôi có cảm tưởng như không có gì trong cái thế giới thân thuộc chung quanh thoát khỏi con mắt quan sát tinh tường, độc đáo của anh. Không phải chỉ ở hiện tại, mà ngay trong quá khứ. Anh ghi lại chúng y như thể các tầng lớp ký ức xa xưa đều lũ lượt trở về, sắp hàng đi ngang trước mặt anh, để cho anh tuần tự chộp lấy và ghi lên giấy. Một ký ức tuyệt vời! Và một đầu óc quan sát nhanh, nhạy, mẫn cảm và… dân chủ. Anh không cưng sự vật này, bỏ bê sự vật khác. Tất cả đều có chỗ đứng đàng hoàng trong văn anh. Đọc anh, tôi mê mải theo dõi những điều anh mô tả đến nỗi quên – có khi quên bẵng – theo dõi… câu chuyện.
Tác phẩm mới nhất của Ngự Thuyết, gần 450 trang, do Diễn Đàn Thế Kỷ xuất bản năm 2021, là một tập hợp 18 bài viết gồm nhiều thể loại: truyện, ký, tùy bút và tiểu luận, trong đó, “Mẹ” là tựa đề tập truyện, mà cũng là tựa đề của truyện ngắn dài nhất trong cuốn sách.
Người Mẹ vốn là đề tài không bao giờ cạn nguồn trong văn chương Việt Nam và thông thường khi viết về đề tài này, các tác giả thường ghi lại ký ức về “mẹ của tôi.” Ngự Thuyết có khác. Người mẹ trong truyện này là một mẹ Huế cư ngụ ở một làng quê thuộc ngoại ô thành phố Huế khá nổi tiếng: Nam Phổ.
Nói đến mẹ, nhất là những bà mẹ quê, dường như ta vẫn có thể quy cho bà một loạt những phẩm tính tự nhiên mà không sợ nhầm lẫn: an phận, tần tảo, chịu thương chịu khó, thương chồng thương con mà không hề (hay không mấy khi) thương… mình.
“Mẹ” của Ngự Thuyết y chang như thế.
Người con gái ấy lớn lên, chưa hề yêu ai, được cha mẹ gả cho một người đàn ông góa vợ (may là chưa có con), lớn hơn chị 20 tuổi. Hai vợ chồng sống bằng nghề bửa cau, một nghề phổ biến ở làng Nam Phổ. Hai vợ chồng có hai đứa con, một trai một gái. Cuộc sống kham khổ, nhưng vui vẻ, hạnh phúc. Theo thời gian, người ăn trầu, cau càng ngày càng giảm, nên anh chị đành phải bỏ nghề cau, xoay sang làm đủ thứ nghề khác để kiếm sống. Anh chồng, trong một chuyến làm lơ xe đò chạy vào dịp Tết, xe bị trúng mìn, chết. Vì con gái lấy chồng tận trong Nam, nên nhà chỉ còn hai mẹ con. Người mẹ bán bánh canh nuôi con trai ăn học.
“Cái áo dài cũ rích, vá víu mấy nơi. Nối vai vì cái đòn gánh hết ngày nọ tới ngày tê đè lên nặng trĩu; nối tay vì hay xăn lên kéo xuống cho tiện làm đủ thứ công việc vặt vãnh; cái quần lem luốc nhăn nheo vì chưa một lần được là, được ủi; hai bàn tay gầy guộc xương xóc vì lao động cực nhọc chứ đâu còn là bàn tay thơm tho của cô gái Nam Phổ róc cau; hai bàn chân đất nứt nẻ, vì mang guốc, mang dép khó đi mau, lỡ vấp vào rễ cây, cục đá trên con đường hẻm, rứa là tiêu tan cả nồi bánh canh nóng hổi.”
Đứa con trai chịu khó học, đỗ Tú Tài. Bị động viên, theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ra trường, đi đánh trận. Năm 1975, miền Nam thất trận, anh con trai vừa mới lên Thiếu Úy phải ở tù. Anh trốn trại, bí mật về mang mẹ đi. Tại bờ biển Thuận An trong một đêm cuối năm, hai mẹ con núp kỹ, đợi thuyền tới chở đi trong một chuyến vượt biên.
“Một khối đen đặc quánh, thăm thẳm, mịt mùng. Mắt không thấy gì, nhưng tai nghe xôn xao. Nghe tiếng biển gọi rì rào, âm u, miên man, bí ẩn như nó đã từng gọi người ta như thế hàng ngàn năm. Nó vang dội vào lòng đứa con quả quyết, dứt khoát. Nó thâm nhập vào lòng người mẹ lo sợ, hoang mang.”
***
Truyện đơn giản chỉ có thế. Nhưng xoay quanh hình ảnh cuộc đời đau khổ của một người mẹ, Ngự Thuyết dựng lên khung cảnh một gia đình, và qua đó, một xóm nhà ở một làng quê Huế đậm đà tình vợ chồng, tình mẹ con, tình làng nước trải qua quá nhiều đổi thay trong cuộc nhiễu nhương.
Chữ nghĩa Huế, phát âm Huế, cung cách Huế tràn ngập trên từng trang văn từ đầu đến cuối truyện. Như chiếc máy quay phim quay cận cảnh, Ngự Thuyết mô tả mọi khung cảnh và sinh hoạt từ trong nhà ra ngoài, từ sân trước, vườn sau ra hàng xóm, láng giềng.
Ngòi bút của anh nhẩn nha lướt qua từng cảnh, từng vật, từng cây, từng con, từng động tác, từng cử chỉ một. Cái nhiều, cái ít, nhưng dường như không có gì bị bỏ sót: vườn tược, ao hồ, chuồng heo, chuồng gà, nhà bếp, cảnh ru con, cảnh gà ấp, gà kiếm ăn, giành ăn, đạp mái, cảnh nấu ăn, róc cau, bửa cau, xắt thuốc, rồi những là cây bông trang, cái bể cạn, cái bình phong, cho đến cây chuối, cây nhãn, cây khế, con chó vện, con mèo mun, cái kẹo cau…
Ký ức anh như một thùng chứa tài liệu sống. Hình dáng, màu sắc, chuyển động… tất cả tái hiện như những đoạn phim quay chậm, hiện ra từng chút, từng chút rõ nét.
Xin ghi lại vài cảnh:
Bửa cau: “Tay phải cầm dao, chiếc dao cau cán dài đến hơn hai gang tay, lưỡi cũng dài và sắc lẻm. Cái cán dài để có thể được kẹp vô hông khi róc cau mới có chỗ tựa. mới róc dễ và mau. Ngón cái của bàn tay trái ấn mạnh lên chùm cau, ngón giữa cùng với những ngón còn lại nâng lòng trái cau xoay nhanh. Lưỡi dao từ bàn tay phải róc vỏ trái cau, róc róc lia lịa như máy. Vỏ cau xanh, mỏng, rơi lả tả xuống cái nia lớn đặt bên dưới.”
Xắt thuốc lá vấn: “Một bửng gỗ hình chữ nhật bề cao khoảng ba gang tay, bề ngang khoảng hai gang tay, bề dày khoảng ba lóng tay, đặt dựng đứng, kẹp vào cái bệ gỗ phía dưới. Ngay giữa cái bửng gỗ đó có đục một cái lỗ tròn đường kính cũng khoảng dưới hai lóng tay, cho vừa với cuộn lá thuốc. Cuộn lá thuốc được đẩy qua cái lỗ tròn trong khi con dao to hình bán nguyệt ở mặt kia của cái bửng xắt lia lịa. Con dao có hai cán: cán dưới nối liền với cái bệ, cán trên dùng để cầm mà xắt. Những lát thuốc tròn và mỏng rơi xuống cái nia nhỏ đặt bên dưới.”
Bìa trước và bìa sau tập truyện “Mẹ.” (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)
Để dành thuốc hút (đây là thuốc lá vấn): “Hút không hết điếu thuốc, hoặc muốn để dành, thì phần thuốc lá còn lại được dán lên chỗ nào thuận tay. Dễ dán lắm. Khỏi cần keo, hồ. Chỉ việc đưa mẩu thuốc dư đó, nơi đầu thừa giấy, cho lướt qua cái lưỡi thè ra cho nó ướt vừa, rồi dán. Dính ngay. Những khi hết thuốc, không kịp mua hay không có tiền để mua, thì lột mấy miêng thuốc đã dán trên cột nhà, trên khung cửa, dưới chân phản, chân ngựa, có khi ‘cắc cớ’ dán lên chiếc nón llà đang đội trên đầu, xong đút vô miêng ngậm lặp nặp, tới bếp lửa gắp cục than hồng nhỏ xíu thắp thuốc lên.”
Cảnh gà trống “đạp” mái: “Con gà trống xù lông đuổi theo một con gà mái tơ, tức là chưa hề bị ‘đạp.’ Gà mái tơ chạy trốn tránh quanh cây rơm, qua bể cạn, xuống rãnh nước… vừa chạy vừa kêu cứu thất thanh nhưng không thấy ai tới giúp. Gà trống được thể cứ việc đuổi theo sát nút. Chỉ trong vòng mươi phút, gà trống đuổi kịp. Gà mái chịu thua, quỵ hai chân xuống, thì gà trống nhảy lên, mỏ quắp lấy mồng gà mái, và ‘đạp.’ Thế là xong chuyện, hết tơ. Sau đó, đã không biết ngượng là gì, con gà trống còn nhơn nhơn vươn cổ, vỗ cánh, gáy lên một tràng khoe khoang thành tích.”
Chị vợ nấu ăn: “Chị một mình vừa nấu cơm; vừa kho cá hoặc luộc rau, hoặc nấu canh; vừa coi chừng nồi cám heo. Hai tay thoăn thoắt với đôi đũa trui, rồi đôi đũa sắt, gạt tro lửa rơm ùn lên thành đống nơi bếp thứ nhất; lấy ống tre thổi phù phù vào nồi cám heo cho lửa mau bắt ở bếp thứ ba; với đôi đũa tre khác, trở khúc cá trên chão cho vàng da và chín đều và tay kia thì đẩy đẩy mấy que nè, nhánh cây khô nơi bếp thứ hai. Canh chừng lửa cho vừa vặn trong ba cái bếp cùng một lúc.”
Thiệt là quê, thiệt là Huế và thiệt là Mẹ!
Ngự Thuyết, tên thật Tôn Thất Ngự, sinh tại Huế, trước 1975, giáo chức, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, định cư ở Hoa Kỳ vào năm 1990.
Cộng tác với Văn Học, Văn, Chủ Đề.
Đã xuất bản chín tác phẩm đủ loại: “Sóng Trôi,” “Đào Thoát,” “Lưu Đày và Quê Nhà,” “Dấu Chân,” “Dấu Chân II,” “Tuyển Tập Ngự Thuyết,” “Bắc Hành,” “Về Đâu và Mẹ.”
Trần Doãn Nho