“Lá Thư Trần Thế,” một sáng tác của Hòa Linh trong dòng nhạc tình mùa chinh chiến tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, là lời nguyện cầu tha thiết dâng lên Thiên Chúa của một người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa cùng gia đình cầu cho đất nước hết cảnh khói lửa chiến tranh và thanh bình sớm trở về trên quê hương, để cho người lính chiến được quay về với gia đình, tìm vui bên lửa ấm.
Tờ nhạc “Lá Thư Trần Thế” tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. (Hình: Tài liệu)
Một mùa Noel nữa lại về trong khói lửa chiến chinh trên đất Mẹ Việt Nam mến yêu. Tại các tiền đồn heo hút xa xăm trên toàn thể lãnh thổ miền Nam Việt Nam, các anh chiến sĩ Cộng Hòa vẫn luôn giữ vững tay súng để ngăn chặn mọi âm mưu của kẻ địch quyết phá hoại nếp sống an lành của người dân miền Nam hiền hòa.
Quanh năm, suốt tháng, vì mãi lo chu toàn nhiệm vụ của người lính trận ngoài biên ải nên anh lính chiến bỗng quên bẵng đi rằng Giáng Sinh đã lại về trên đồi cây, ngọn cỏ giữa chốn núi rừng, đánh dấu đêm Chúa Hài Đồng xuống thế để chuộc tội cho loài người.
Phải chăng vầng sáng muôn màu kia chính là ánh hào quang rạng chiếu trong đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, thay cho những đóm mắt hỏa châu thường bừng lên trong màn tối mà người lính chiến vẫn nhìn thấy đêm đêm từ dưới chiến hào: “Lạy Chúa con là lính trận ngoài biên/ Vì xa thành phố xa quá nên quên/ Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống/ Ánh sao lung linh muôn màu/ Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu”…
Trong những giờ khắc thuộc về tâm linh này của một năm, người thân trong các gia đình có những người lính xa nhà không thể nào không nghĩ đến người chồng, người cha của họ đang ở đâu đó chốn góc núi ven rừng, chân mây đầu gió, hay nơi đầu non, cuối ghềnh ôm cây súng canh rừng sâu. Người vợ lính từ nơi quê nhà xa xôi ấy làm sao khỏi chạnh lòng nghĩ đến người chồng đang biền biệt sơn khê.
Đã hai, ba mùa Giáng Sinh qua rồi mà gia đình chúng con vẫn xa cách phương trời, hết Xuân, sang Hè, qua Thu và nay Đông đã sắp tàn, xin Chúa hãy cho con biết được tin lành, rằng người con yêu vẫn bình an nơi chiến địa: “Lạy Chúa con là thiếu phụ miền quê/ Chồng con vì nước nên đã ra đi/ Hai ba năm chưa thỏa chí/ Hết Thu qua Xuân sang Hè/ Con đợi tàn Đông mới tin về.”
Ôi! Lạy Chúa tôi: “Đạn xé không trung đêm từng đêm vẫn nghe/ Từng lớp trai đi cho ngày mai vẫn đi/ Đêm nay Người xuống đời/ Xin đem nguồn vui tới/ Những đôi môi cằn cỗi lâu không cười.”
Quê hương Việt Nam còn vang ầm tiếng súng đêm đêm vọng về khi quân xâm lược vẫn chưa từ bỏ mộng thôn tính miền đất phương Nam hiền hòa, khiến cho bao chàng trai thế hệ, trong đó có người chồng yêu thương của con, đã phải rời xa mái ấm gia đình mà lên đường tòng chinh, hàng hàng lớp lớp chưa về, người người nối tiếp câu thề giành lấy quê hương.
Đêm nay, nhân Thiên Chúa Ngôi Hai giáng sinh xuống trần, xin người hãy xót thương dân tộc Việt Nam đang bị đọa đày trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mà mang lại nụ cười trên môi cho những kiếp đời còn chia ly, ngăn cách khi nước non khói lửa anh còn ước hẹn đời trai, ra đi là để tìm ngày hạnh phúc tương lai…
Nhưng không phải chỉ có người chồng và người vợ trong cuộc chiến mới khẩn thiết dâng lời nguyện cầu nửa đêm lên Thiên Chúa.
Lạy Chúa! Chúng con đang còn là những đứa trẻ học sinh nơi quê nhà mà người cha thì đang làm thân lính chiến miền xa. Chúng con cầu xin Chúa nhân từ hãy luôn quan phòng để cho cha yêu quý của chúng con được bình an, vô sự nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay.
Nhạc sĩ Hoài Linh. (Hình: Tài liệu)
Được thế, chúng con mới có thể yên tâm học hành, để hy vọng mai sau tiếp tục giúp nước, giúp đời, và cũng để cho mẹ hiền yêu dấu của chúng con khỏi trải qua những đêm lo lắng, ưu phiền, làm xao xuyến thôn nghèo dưới làn khói lam chiều buồn vương theo gió: “Lạy Chúa con còn lứa tuổi học sinh/ Vì cha là lính con thiết tha xin/ An vui cho người đầu tuyến/ Trẻ thơ yên tâm sách đèn/ Để mẹ hiền con hết ưu phiền.”
***
Hoài Linh, tức Lê Văn Linh, sinh tại Hải Phòng, là một trong các nhạc sĩ nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa.
Trước năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh hoạt động trong Đoàn Văn Nghệ Vì Dân với cấp bậc trung úy dưới quyền của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Hoài Linh bắt đầu sáng tác từ năm 1955, với các bản nhạc tình mang lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh, trong đó có bản “Em Ơi! Nếu Đừng Dang Dở” từng được nữ danh ca Lệ Thu trình bày qua làn sóng điện của các đài phát thanh tại miền Nam Việt Nam.
Kể từ đầu thập niên 1960, Hoài Linh bắt đầu nổi tiếng nhờ nhạc phẩm “Sầu Tím Thiệp Hồng” (cùng với Minh Kỳ). Ca khúc này đã trở thành bài hát lý tưởng dành cho các cặp song ca như Chế Linh-Thanh Tuyền và sau này là Tuấn Vũ-Giao Linh. Từ đó cho đến năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh liên tục cho ra đời những tác phẩm được khán, thính giả khắp nơi yêu thích.
Những sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh không chỉ hấp dẫn nhờ giai điệu tình tứ mà lời ca cũng đầy ý nghĩa và sâu sắc. Lời nhạc của Hoài Linh được đánh giá là bay bướm, văn hoa và có vần, có điệu. Vì vậy, ông nổi tiếng là người nhạc sĩ có tài đặt tựa bài hát và viết lời cho các ca khúc, kể cả những sáng tác chỉ có phần nhạc của các nhạc sĩ khác.
Nhạc sĩ Hoài Linh qua đời đúng vào ngày 30 Tháng Tư, 1995, tại Sài Gòn, thọ 75 tuổi.
Hoài Linh sáng tác rất mạnh, với hàng trăm ca khúc giá trị, vừa nhạc tình vừa “nhạc lính,” được phổ biến từ hậu phương ra tới tiền tuyến, từ các nhà hàng sang trọng nơi đô thành cho tới những xóm nghèo vùng ngoại ô, và luôn cả các tiền đồn heo hút trên bốn vùng chiến thuật tại Miền Nam Việt Nam.
Chúng con cầu xin Chúa nhân từ hãy luôn quan phòng để cho cha yêu quý của chúng con được bình an, vô sự nơi chiến tuyến mịt mờ. Trong hình, người lính Việt Nam Cộng Hòa vào Tháng Hai, 1968. (Hình minh họa: Bob Wildau/AFP via Getty Images)
Các sáng tác được nhiều người mến mộ của Hoài Linh, ngoài “Lá Thư Trần Thế” (từng được các ca sĩ Giang Tử, Ngọc Minh và Đan Nguyên trình bày trong đĩa nhạc Asia 66), còn gồm “Căn Nhà Màu Tím,” “Dù Hoa Lạc Lối,” “Hai Đứa Giận Nhau,” “Lính Nghĩ Gì?,” “Nhịp Cầu Tri Âm,” “Về Đâu Mái Tóc Người Thương”…
Vì chuyên viết lời cho những ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời, Hoài Linh còn là đồng tác giả của các nhạc phẩm được phổ biến rộng rãi tại miền Nam Việt Nam trước và ngay cả sau năm 1975. Chung với Minh Kỳ: “Chuyến Tàu Hoàng Hôn,” “Mấy Độ Thu Về”… Chung với Song Ngọc: “Chiều Thương Đô Thị,” “Một Chuyến Bay Đêm”… Chung với Mạnh Phát: “Bóng Thu Xưa,” “Nỗi Buồn Gác Trọ”… Chung với Tuấn Khanh: “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi,” “Quán Nửa Khuya”… Chung với Tấn An: “Bài Ca Của Nàng,” “Đầu Xuân Lính Chúc”… Chung với Văn Phụng: “Bóng Người Đi,” “Tiếng Hát Đường Xa”…
Nhạc phẩm “Lá Thư Trần Thế” của Hoài Linh
Lạy Chúa con là lính trận ngoài biên
Vì xa thành phố xa quá nên quên
Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống
Ánh sao lung linh muôn màu
Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu
Vì xa thành phố xa quá nên quên
Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống
Ánh sao lung linh muôn màu
Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu
Lạy Chúa con là thiếu phụ miền quê
Chồng con vì nước nên đã ra đi
Hai ba năm chưa thỏa chí
Hết Thu qua Xuân sang Hè
Con đợi tàn Đông mới tin về
Chồng con vì nước nên đã ra đi
Hai ba năm chưa thỏa chí
Hết Thu qua Xuân sang Hè
Con đợi tàn Đông mới tin về
Đ.K.:
Đạn xé không trung đêm từng đêm vẫn nghe
Từng lớp trai đi cho ngày mai vẫn đi
Đêm nay Người xuống đời
Xin đem nguồn vui tới
Những đôi môi cằn cỗi lâu không cười
Đạn xé không trung đêm từng đêm vẫn nghe
Từng lớp trai đi cho ngày mai vẫn đi
Đêm nay Người xuống đời
Xin đem nguồn vui tới
Những đôi môi cằn cỗi lâu không cười
Lạy Chúa con còn lứa tuổi học sinh
Vì cha là lính con thiết tha xin
An vui cho người đầu tuyến
Trẻ thơ yên tâm sách đèn
Để mẹ hiền con hết ưu phiền.
Vì cha là lính con thiết tha xin
An vui cho người đầu tuyến
Trẻ thơ yên tâm sách đèn
Để mẹ hiền con hết ưu phiền.
Vann Phan/Người Việt
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/la-thu-tran-the-nhac-tinh-mua-chinh-chien-cua-hoai-linh/