User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
vietphuong
Bìa tập nhạc Thét Gào
 
(Lời giới thiệu từ trang Việt Phương Facebook: Thứ Bảy, ngày 23/10/2021, lúc 3 giờ chiều, ca nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh sẽ có mặt tại Trung Tâm Công Giáo (Vietnamese Catholic Center), 1538 N. Century Blvd., Santa Ana, CA 92703, để ra mắt tập nhạc Thét Gào gồm 163 ca khúc của anh. Sách dày 278 trang. In trên giấy tốt. Và hai cuốn CDs mới nhất của anh gồm nhiều tiếng hát. Dưới đây là bài giới thiệu của Việt Phương được in trong tập nhạc Thét Gào.)

Thật ra, anh được biết đến là một ca nhạc sĩ, trước khi “lấn sân” sang làm thi sĩ và nhà văn. Tôi được quen biết anh từ những ngày tôi còn sinh viên trong thập niên 1980. Tôi gặp anh trong khuôn viên trường UT Austin (University of Texas at Austin). Anh được Hội Sinh Viên Việt Nam ở đây mời anh hát trong một chương trình văn nghệ đấu tranh. Tôi cũng đến đóng góp tiết mục từ một trường đại học khác. Gặp anh, giản dị trong chiếc áo sơ mi trắng và quần tây đen. Rồi, anh được trân trọng giới thiệu bước ra sân khấu là ca nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh.

Giọng hát anh vang động, rất sung mãn, có nhiều lửa và sức sống, cuốn hút người nghe. Anh đã cho phổ biến các băng cassettes ca nhạc đấu tranh của anh, như “Uất Hận Ca” (1981, Orange County, California), “Tiếng Mẹ Gọi” (1982, Orange County, California). Đặc biệt trong “Tiếng Mẹ Gọi” có sự góp mặt của danh ca Lệ Thu, Diễm Chi, Connie Kim, Thái Hiền, ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, Hoàng Tường và ca nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh.

Âm nhạc đối với anh là thứ vũ khí để đấu tranh, nói lên những uất hận của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh đất nước chìm dưới cơn tăm tối nhất. Cõi âm nhạc của anh, chuyên chở những hình ảnh đau tương, mất mát bằng một thứ ngôn ngữ rất nhân bản. Bằng những nốt thăng, giáng, tạo cho người nghe có cảm giác như kiến cắn, như dầu sôi, đau âm ỉ, rồi bùng lên như lửa cháy.

Hình ảnh những cái chết thương tâm trong tù, được anh đưa vào âm nhạc không những bằng tiếng đau thương, mà bằng nhiều uất nghẹn. Anh không dừng lại ở đây. Trong những hoàn cảnh đen tối sâu thẳm đó, anh cố thắp cho người nghe một ngọn lửa cho bớt âm u, cho tan niềm tuyệt vọng. Ngọn lửa đó có khi bùng lên niềm hy vọng:

“Trên mắt môi anh đã bầm tím vết căm hờn...
Anh phải sống để có ngày tranh đấu...”
(Anh Phải Sống, 1982).

Như thế mà đã gần 60 mươi năm, trong lãnh vực âm nhạc, anh đã ròng rã viết và cho ra đời trên trăm ca khúc (tôi nhớ không lầm là khoảng 160 ca khúc). Đáng nhắc đến là ca khúc đầu tiên của anh viết năm 1962:

“Anh đèo em trên chiếc xe đạp cũ
Làm sao quên hơi ấm của vòng tay...”
(Lá Me Bay, 1962)

Ca khúc làm thèm nhớ một vòng tay ôm sau lưng yên xe đạp của một thời hoa mộng hoàng kim, nay quá vãng. Để rồi tiếp sau đó là những âm thanh đổ vỡ, gào thét của ngục tù, trốn chạy. Của vượt biên, sống còn. Âm thanh với những gợi nhớ, những mất mát não lòng của người lưu xứ. Trong cassette “Tiếng Mẹ Gọi,” bài hát làm tôi xúc động nhiều nhất, mà đến bây giờ, 38 năm sau, tôi vẫn nhớ, đó là bài “Những Mùa Xuân U Uất” do Thái Hiền trình bày:

“Một mùa xuân nữa đã về
Năm tháng trôi qua
Ôi quá xót xa mơ về thời thơ ấu
Ôi quá xót xa nhìn quê hương rỉ máu
Từng dòng sông ngóng đợi
Từng hàng me đã già...”
(Những Mùa Xuân U Uất, 1983)

Bên cạnh đó anh còn làm thơ và viết hồi ký. Sức sáng tác, và trí nhớ của anh đã làm tôi khâm phục. Trong người anh có thơ, trong máu anh có lửa. Thế cho nên, những ca khúc của anh mang nặng chất thơ và bừng bừng ngọn lửa đấu tranh. Anh đấu tranh không biết mệt mỏi, cho quê nhà, cho dân tộc có được tự do, nhân quyền.

Càng về sau, những ca khúc mới của anh mang nặng trái tim nhân bản hòa quyện vào một chút thiền, rất ngậm ngùi, sâu lắng:

“Ngồi đây một mình tôi nhớ đến anh
Tôi khóc cho quê huơng
Khóc cho những người con của Mẹ Việt Nam...
Thắng hay thua anh vẫn là Anh Hùng
mang mang ôm mối sầu vạn cổ
Anh đi về đâu, niết bàn, thiên đàng
hay ngậm ngùi lang thang vào cõi vô cùng...”
(Anh Hùng Ca 2019)

Và một bản nhạc mới nhất nói lên tấm lòng kiên định của anh: đấu tranh chống họa diệt vong, đấu tranh tới cùng cho đất nước Việt Nam:

“Ở bên nhà nước non mình sắp mất
Thịt xương của tổ quốc ông cha
Mất biển đảo họa diệt vong dân tộc
Mất bốn ngàn năm dựng nước giữ sơn hà...”
(Không Mãi Chia Xa, 2021)

Điểm xuyết trong những ca khúc đấu tranh rực lửa. Tôi bắt gặp trái tim rung khẽ của nhạc sĩ qua vài khúc tình ca đẹp như thơ sau đây:

“Em đi rồi nơi này buồn tênh
Nhìn hoàng hôn xuống chờ bình minh lên
Bước chân vô hồn đi đứng chông chênh
Đôi tay dư thừa vịn thềm chênh vênh...”
(Em Đi Rồi, 2021)

Ca khúc nói lên thân phận của con người khi sắp hoặc đã buớc vào tuổi “cô đơn”. Tay chân thật thừa thải. Tâm hồn thật trống vắng. Cuộc sống quá chông chênh. Ca khúc được viết hợp âm chính La thứ (Am), đến phần điệp khúc anh khéo léo lách qua La trưởng (A), nói lên được cái chông chênh của một người vắng mất một người. Rất tuyệt.

Bên cạnh đó, là những ca khúc đẹp, dàn trải nỗi lòng an nhiên tự tại của một người nhạc sĩ đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống. Những bản nhạc cân bằng tình cảm con người. Một người có con tim thật sự biết yêu đời và yêu người.

“Một chút gió một chút mây
Gặp nhau cõi tạm lưu vong này
sẽ hiểu những điều em muốn hiểu
mất rồi sẽ hỏi ở mai sau...”
(Chút Mỉm Cười, 2021)

Ca khúc như chạm vào trái tim tôi. Trái tim khẽ khàng bật lên âm thanh buốt xoáy. Ôi, một “chút mỉm cười” sao chua chát quá!

Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh vừa là thi sĩ, nên anh có lợi thế trong việc sử dụng ngôn từ thi ca trong âm nhạc.

Một bài hát tôi cho là thú vị. Vì đây là là một bài thơ lục bát, được anh phổ thành ca khúc qua nhịp 4/4, tiết tấu nhanh, hóa thân thành điệu Rumba thật dí dỏm, sinh động:

“Tạ ơn tôi, tôi một mình
Tạ ơn nòi giống, tạ tình em cho
Tạ ơn đói tạ ơn no
Không biết kho nấu chẳng lo, có gói mì
Tạ ơn lĩnh lãng đôi khi
Coi vậy cũng đỡ ngơ đi thói đời...”
(Tạ Ơn Tôi, 2021)

Còn rất nhiều điều muốn nói về cõi âm nhạc của Huỳnh Công Ánh. Nhưng tôi như kẻ “cỡi ngựa xem hoa,” không thể quan sát hết khu vườn âm nhạc của anh với những đóa hoa đậm mầu sắc nhớ. Chỉ nhẹ nhàng chạm vào những đóa hoa tôi tình cờ bắt gặp mà thôi. Một bài viết ngắn với đề tài rộng lớn quá, thì thật là bất công đối với anh.

Tuy nhiên, nói cho cùng. Âm nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh là những tiếng gào thét từ miền uất nghẹn. Đó là miền đất lưu vong của người Việt trong và ngoài nước. Vâng! Có những người lưu vong trên chính đất nước mình. Đó là những uất nghẹn của những trái tim không có chỗ dựa tinh thần. Và, đó là những uất nghẹn từ những chặng đường trong quá trình lưu vong của thân phận con người Việt Nam cho tới tâm thức. Chính trong tâm thức đó. Những uất nghẹn có khi đã nở thành hoa để cân bằng và làm đẹp thêm cho đời sống.

(Chủ Nhật xám Feb. 28, 2021)
Việt Phương

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com