User Rating: 4 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Inactive
 
kieuchinhnbt
 
Hôm qua được em là Phương Hằng ở Mỹ gửi express tặng quyển Hồi Ký của Kiều Chinh, vì nơi tôi ở không đặt mua sách được. Tôi thức đêm đọc một lèo đến hai giờ rưỡi sáng, và sáng nay đọc tiếp cho đến hết. Thú thật hồi ký Kiều Chinh đã làm tôi rơi lệ nhiều phen. Bà viết giản dị, chân thành và đầy xúc cảm để kể lại cuộc đời đầy sóng gió, và rất nhiều đau khổ của bà, từ một tiểu thơ được cưng chiều hết mực, tuổi thơ đẹp như chuyện thần tiên, tiếc thay ngắn ngủi vì chiến tranh ập tới, mẹ vừa sinh em trai thì cả hai mẹ con bị bom thiệt mạng ngay trong nhà thương, khiến em của bà „chưa kịp khai sinh đã bị khai tử“, nhưng bà vẫn còn được tình thương yêu hết lòng bảo bọc của cha cho đến khi hiệp định Geneve ký kết thì tất cả những mộng đẹp của cuộc đời tan biến thảm thương, khi bà được cha ném lên chuyến máy bay cuối cùng rời Hà Nội.
 
Từ đó là cuộc hành trình thật cô đơn, làm dâu, làm vợ ngay trong gia đình cưu mang bà, lúc bà vừa được 17 tuổi. Tuy được mẹ chồng yêu vì bà là dâu ngoan, nhưng có người chồng quá đào hoa bay bướm. Bà đã gặp cảnh những đoạn trường như: Sau một năm chờ chồng, bồng con ra phi trường đón, thì mới biết ông ta xin ở lại với bồ bên Mỹ… bà đã tuyệt vọng đến nỗi tính bế con tìm đường quay ra Bắc tìm cha để con của mình có ông ngoại, nhưng dự tính không thành vì tiền để dành bị đánh cắp hết…
 
Do một tình cờ mà bà được mời đóng phim, rồi từ đó trở thành nghiệp dĩ của bà. Con đường công danh đang rất hanh thông thì biến cố 30.04.1975 ụp xuống. Bà trở thành một người vô tổ quốc. Nhưng bà không chịu thua những chông gai nghiệt ngã của đời lưu vong, bà đã phấn đấu không ngừng, cùng với sự trợ giúp của người bạn đồng nghiệp, tốt như bà tiên hộ mạng Tippy Hedren, bà đã bước vào được thế giới phim ảnh đầy thách thức của Mỹ.
 
Nhưng cuộc đời không chịu để bà được hưởng sự êm đềm hạnh phúc, bà đã phải ly dị chồng, một mình lo cho ba con. Tuy nhiên tôi rất kính phục bà, bà không hề nói một lời nặng nề về người cha ba đứa con yêu của mình. Một biến cố kinh hoàng, bà tưởng chừng mất người con út vì một tai nạn quá nặng. Bà đã có lần cô đơn tuyệt vọng uống thuốc tự vận, may nhờ một phép lạ tình cờ mà bà được cứu thoát. Nhà cửa vừa xây dựng với tất cả sức lực, sáng tạo và thương yêu, những tưởng sẽ sống đến cuối đời với nó, nhưng phải bán và dời đổi năm lần….
 
Lâu nay tôi xem Facebook Kiều Chinh, cứ thấy bà viết „On the Road“ thật nhiều lần, không biết Kiều Chinh đi đâu, giờ mới biết bà có một nghề khác rất cao quí ngoài nghề diễn viên điện ảnh, đó là diễn giả chuyên nghiệp cho các tổ chức tư và Đại Học. Bà đã cùng tổ chức từ thiện Vietnam Children,s Fund xây cất rất nhiều trường học cho trẻ em nghèo tại VN, chuyện này đã làm một số người VN tị nạn chống Cộng cực đoan ở Bolsa hiểu sai hay cố tình hiểu sai. Họ đã chụp mũ Cộng Sản, đã phỉ báng, và xúc phạm bà, khi bà được Thượng Nghị Sĩ John McCain mời cùng đến thăm cộng đồng Việt ở Litle Saigon. Vậy nhưng mặc dù rất đau buồn, bà không hề tìm cách ngỏ lời biện bạch minh oan. Bà đã lẳng lặng để mọi chuyện lắng xuống, bà nói „Có những vết thương nhờ thời gian sẽ tự lành, nhưng cũng có những vết thương mà cả thuốc men lẫn ngày tháng không thể làm ngưng rỉ máu“.
 
Tôi đọc mà thương theo người cha của bà, cả đời tận tụy hy sinh cho con, goá vợ lúc mới 30 mà thương, và chiều con không lập gia đình nữa. Tôi cảm động rơi nước mắt khi đọc câu: "Xe chạy xa dần, để lại phía sau làng Mọc thân yêu của tôi. Tôi biết tôi ở xa, rất xa làng Mọc, nhưng nỗi nhớ làng sẽ dâng lên cao theo khoảng cách địa lý“
 
Tình bạn của Tippy Hedren dành cho bà thật vô cùng hiếm có, Kiều Chinh tả về con người Tippi thật kỳ lạ lý thú, bà làm vô số công tác xã hội, từ thiện để cứu giúp người sa cơ, yếu đuối, bà là „mẹ đỡ đầu ngành Nail Việt„, bà có một trang trại tên Shambala với 95 dã thú đủ loại… Kiều Chinh kể có lần đang ngủ trong phòng Melanie Griffith, chợt nghe tiếng động, giật mình thức giấc thấy một „em“ sư tử đang nằm ngủ ngon lành bên cạnh…..
 
Bà kể về chuyến thăm đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala thật kỳ diệu và thơ mộng, hôm đó nhằm ngày 30.04.2014 bà tự nhủ lòng „Tôi đang sống một đêm 30.04 khác. Khác không có nghĩa là quên mà để nhớ nhiều hơn. Nhớ và yêu mến hơn. Nhớ và xót thương hơn. Bác ái và từ bi. With Love and Compassion. Như lời Ngài nhắc“
 
Tôi được hân hạnh gặp Kiều Chinh cách đây 30 năm, gặp một lần mà đã sinh lòng yêu mến kính trọng. Nay đọc hồi ký của bà, tình cảm ấy lại tăng thêm lên. Cám ơn Kiều Chinh.
 
Xin ân cần giới thiệu sách quí cùng các bạn.
 
Phan Bình Minh
Nguồn: Fb BinhMinh Phan
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com