User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nguyenkhenche
Tạp Chí Đọc Và Viết Số 03 Tháng 8, 2021
 
Anh bạn thi sĩ, Nguyễn Bá Trạc, cho tôi một lời khuyên, khi mới vừa bước chân vào xóm văn chương. Anh nói: -“Ai khen mình, dù không đúng, cũng vui. Nếu khen đúng, lại càng vui hơn. Ai chê mình, dù không đúng, cũng buồn. Nếu chê đúng, lại càng buồn hơn.” Thật là chí lí. Tôi có hàng trăm kinh nghiệm về chuyện này. Trong các loại chê, lời vợ chê là đau đớn nhất, lưu trữ lâu dài nhất, thông thường là đúng nhất. Nếu biết sửa đổi những gì vợ chê, những người đàn ông đó đều trở thành thiên tài. Còn lời vợ khen thì sao? Đề phòng, sắp tốn tiền.

Tôi thường gặp những người hay tuyên bố: “Nếu khen đúng nên tỏ vẻ khiêm nhường. Nếu chê đúng, phải nhận mà sửa sai.” Lý thuyết này chỉ để nổ, ít khi hữu hiệu. Đa số những ai nói điều trên, họ thuộc thành phần mang mặt nạ. Những ai tin tưởng lời khuyên trên, thuộc vào hạng nhẹ dạ.

Có lẽ xã hội nào cũng vậy, riêng trong xã hội Việt, lời khen, lời chê là hai thứ được sử dụng bừa bãi nhất. Tiếp theo là sự đáp trả, phản hồi của lời khen chê, cũng cẩu thả không kém. Đôi khi, trở thành khốc liệt và thù hận dai dẳng.

Gặp nhau ngoài đường hoặc vào chốn đông người, chúng ta thường nghe, đàn ông khen đàn bà: -“Hôm nay cô đẹp quá.” Câu trả lời thông thường e thẹn một cách sung sướng, tuy từ chối nhẹ nhàng, mà cầm chặt không thả: -“Anh quá khen,” hoặc “trời ơi, hôm nay em trúng số.” Những cô quen thuộc chiến trường, tiền pháo hậu ngăn, sẽ vừa trả lời, vừa báo động: -“Em mà đẹp gì, vợ anh mới đẹp,”  hoặc “em đẹp sao bằng chị.”    

Phụ nữ khen phụ nữ đẹp, giỏi, có tài, mặc thời trang đúng điệu, trang sức đắc tiền … là lời lẽ thông dụng như mỗi lần gió thổi hoa lung lay. Nhất là khi miệng khen, mắt nhìn nơi khác, nghĩa là, rung cây không chờ trái rụng. Hầu hết thể loại này được xếp và hạng lịch sự và xã giao. Núp sau bình phong lễ phép, tha hồ nói ngược. Tôi đã từng nghe một cô khen cô kia, hơi bị lé kim: -“Ánh mắt chị mơ màng quá.”
 
Nhưng điểm nhấn ở đây là việc khen quá lời trước mặt nhau, sau đó, quay lưng, bàn tán; trở về nhà, gọi điện thoại; chê không tiếc lời. Như thể người khen kia là ai xa lạ khác và người bị chê như kẻ thù. Có điều gì ngược ngạo, buồn cười, cay đắng, khó giải thích.

Đó là chưa kể những lời khen lưỡi câu để nhử mồi, lời khen lưỡi hái để móc ruột, lời chê giáng họa để vu khống, lời chê nhận chìm để mình được trồi lên. Rumi nói: “Im lặng là ngôn ngữ của Chúa, còn những lời khác là lời dịch sai, dịch dở.” (Silence is the language of God, all else is poor translation.)
 
Trong thực tế, ngày nào còn miệng lưỡi, ngày đó còn lời khen chê. Bản chất của khen chê không phải tệ hại, như con dao giúp cho việc gia chánh thêm tốt đẹp, nhưng có người lại dùng để đâm sau lưng. Nếu khen đúng chỗ, chê đúng điều, mục đích và hiệu quả của khen chê rất cần thiết trong đời sống.
 
Phải chăng quan điểm trên đưa đến phẩm chất và thẩm mỹ của trung thực? lời khen chê trung thực có thâm mỹ? Lời khen chê trung thực hay và đẹp?
 
Khi bỏ đi những mục đích như nịnh bợ, lấy lòng, khôn khéo, trục lợi, ghét bỏ, ganh tỵ, âm mưu … lời khen chê sẽ xuất hiện ít hơn và chính xác hơn. Không cần phải nói ra sự thật. vì chẳng có ai biết rõ sự thật để nói, nhưng mỗi người khi nói, sẽ tự biết mình có trung thực hay không.

Cổ nhân có câu, đánh lưỡi bảy lần trước khi nói. Dù đánh lưỡi vài chục lần, nếu không trung thực thì đừng nói. Đâu có ai bắt mình phải khen hoặc chê. Im lặng và cười cầu huề là đủ rôi. Thân ái ở ánh mắt, thiện cảm nơi mỉm cười, đâu cần phát ngôn. Phát thanh bừa bãi thông thường như phun nước miếng vào người khác, sau đó tự phun nước miếng vào minh và nhận thêm nước miếng của người đối diện phun lại.

Nên tiết kiệm lời khen ý chê càng nhiều càng tốt. Khi cần phải khen chê, nên trung thực. Người ta nói, thuốc đắng dã tật, nhưng nói thật mất lòng.  Như vậy, thuốc đắng làm sao cho dễ uống. Nói thật làm sao cho khỏi mất lòng. Việc này thuộc về nghệ thuật thẩm mỹ. Khen hoặc chê trung thực bằng lời lẽ hay và đẹp là nghệ thuật thuyết phục. Không liên quan đến du thuyết, cầu tài, cầu lợi. Càng không nên lầm lẫn với khéo léo. lễ phép, nói cho vừa lòng nhau. Lời khen chê phải như tặng phẩm thay vì phỉnh phờ hoặc trừng phạt. Nhận được tặng phẩm ai mà chẳng thích, nhưng nếu là tặng vật giả, trước sau gì họ cũng nhìn ra.      

Trong kinh thánh, có ngụ ngôn “Cái Lưỡi.” Món ăn ngon nhất, nấu bằng lưỡi. Món ăn dở nhất, nấu bằng lưỡi. Tôi nghiệp cái lưỡi. Nó chỉ làm công. Giựt dây phía sau, chính là tấm lòng. Tôi nghiệm ra một điều, khen chê khó biết được đúng hay sai, thật hay giả, nhưng lòng thành thật khi nói, rất dễ nhận ra.
 
 
Ngu Yên
Trích trong Tạp Chí Đọc Và Viết Số 03 Tháng 8, 2021.
 
Mời đọc và giới thiệu tạp chí đến bằng hữu
 
Xem và tải xuống miễn phí:
 
 
Mục lục
 
1- Thơ Zuhair Abu Shayib (Palestine. 1958 - )
2- Giá Trị Thời Gian Cá Nhân.  Đoản Luận.
3- Khi tôi 14 tuổi, dì tôi dẫn đi ăn trưa rồi nói: 
     Alexis Rhone Fancher. Thơ dịch.
4- Nhà Văn Lão Thành.  Thơ
5- Khen Chê Không Mất Tiền Mua. Phiếm Luận.
6- Ông Từ. Somerset Maugham (1874-1965)
    Truyện Ngắn.
7- Giới Thiệu Kịch 10 phút;
    Đường 12. David Nice. Kịch dịch.
8- Giới thiệu sách:
    Brief Answers To The Big Questions,
    Stephen Hawking. Ngu Yên dịch tiếp theo.
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com