
Trên văn đàn, người ta thường gọi Trần Hoài Thư là nhà văn, nhưng tôi lại mê thơ của anh hơn, nhất là thơ viết về những ngày tuổi trẻ trong một đêm theo đoàn quân băng qua những “cánh đồng trăng mênh mông” giữa đất trời Phù Cũ, hay một nơi nào đó của xứ dừa Tam Quan, Tuy Phước, Cù Mông, Kỳ Sơn:
“Rồi trước khi trèo ngọn Kỳ Sơn
Anh lạc trên cánh đồng trăng mênh mông
không biết nơi nào là cõi dữ ....”(*)
Trần Hoài Thư, người lính, người thơ, người tình luôn tràn đầy cái chất lãng mạn trữ tình. Thế hệ anh cùng thế hệ tôi, những người trẻ thời thập niên 60, khi vào đời chính là lúc đất nước khói lửa tơi bời và Trần Hoài Thư đã thay mặt tuổi trẻ hôm qua bộc bạch một chút lòng:
“Thế hệ chúng tôi, những đứa đôi mươi
Hồn đã mọc những nụ buồn rất sớm
Khi trở lại, dựa lưng vào vách quán
Để giọt buồn pha đậm tuổi suy tư...”
(Thế Hệ Chúng Tôi, trong Ô Cửa, thơ tuyển toàn tập, 2004, trang 12)
Tôi mê nhất những chữ dùng tuyệt diệu trong hai câu thơ này “hồn đã mọc những nụ buồn rất sớm”, “để giọt buồn pha đậm tuổi suy tư”, nó mang cả một cái nhìn mới của thế hệ chúng ta, một nhân sinh quan mới về cuộc đời mà giờ khi tuổi của chúng ta chưa già hẳn nhưng đầu đã bạc nhiều, ngồi ngâm nga hai câu thơ của anh mà rưng rưng về cái buổi bình minh của những ngày tuổi trẻ ngày nào!!! Cả một đời thơ, tôi nghĩ anh chỉ cần hai câu thơ này thôi cũng đủ để an ủi một hồn nghệ sĩ sau bao nhiêu năm lăn lóc gió sương khi có dịp nhìn lại năm mươi năm chìm vào thế giới văn chương mà anh đã từng đắm đuối!
Tuổi trẻ và chiến tranh với Trần Hoài Thư không những chỉ là thế. Ngay từ buổi ấu thơ, người lính cận thị hồi còn bé bỏng đã được mẹ cõng con chạy giặc về Nha Trang bỏ lại sau lưng núi rừng Đà Lạt chìm trong màn sương trong ngậm ngùi với nỗi buồn chiến tranh “buồn hơn nước mắt”:
“Những đồng cỏ, những rừng thông,
đường lên, dốc xuống
Những vườn rau xanh ngắt, không người trông
Tôi lớn khôn, không ngày tháng năm sanh
Sớm biết chiến tranh buồn hơn nước mắt....
Nhớ gì không, Đơn Dương, quán gió
Sương ôm trời, sương ngùn ngụt chân mây...”
(Giữ Chút Mong Manh, trong Ô Cửa, thơ tuyển toàn tập, 2004, trang 102)
Với Trần Hoài Thư, bao giờ cũng là những “cánh đồng trăng mênh mông”, trăng trong màu mắt em, trăng trong màu rượu, trăng trên đỉnh trời cao, trăng bao la huyền diệu biết chừng nào....
“Xin tạ từ những tháng ngày gian khổ
Nhớ lúc buồn bày cuộc nhậu dưới trăng
Thầy trò chuyền nhau nắp rượu bi –đông
Màu rượu, màu trăng....
long lanh cả sao trời chinh chiến ...”(*)
hoặc một vài đoạn thơ khác:
“Một bãi sông trăng đầy ảo mộng
Tôi về. Trăng cũng nhớ về Nam
Em xa. Mái tóc mềm hơn lụa
Có tắm lõa lồ trong suối trăng?
Tôi về. Trăng cũng nhớ về Nam
Em xa. Mái tóc mềm hơn lụa
Có tắm lõa lồ trong suối trăng?
Tôi quá ngẩn ngơ nhìn chẳng thở
Trăng rơi vào cốc rượu lung linh
Trăng theo dài bãi tìm trăng đậu
Chỉ có buồn một nỗi lặng thinh...”(*)
Trăng rơi vào cốc rượu lung linh
Trăng theo dài bãi tìm trăng đậu
Chỉ có buồn một nỗi lặng thinh...”(*)
Với nhà thơ lính giàu chất lãng mạn như Trần Hoài -Thư, trăng hiện diện trong cùng khắp, trăng có trong tim, trăng vằng vặc ở tuổi mộng mơ như ôm cả bầu trời hay tận cùng trong trái tim của người lính xa nhà mà lúc nào nhà nghệ sĩ cũng cất giấu bóng hình nơi tận cùng của đời quân ngủ:
“May mà còn
em
vầng trăng mười sáu
anh giữ
ở đáy ba lô ....”(*)
Trăng trên cành lá, trăng trên bãi xa và trăng trên đường một buổi tháng Giêng khi người lính dừng quân nơi căn nhà em gái nhỏ đã in lại trong hồn thi nhân một chút gì lâng lâng, xao xuyến:
“Tháng Giêng qua làng em
Dừng quân bên hiên nhà nhỏ
Trăng lung linh trên tàn vú sữa
Xôn xao gió gọi thì thầm...”
(Con Đường Trăng, trong Ô Cửa, thơ tuyển toàn tập, trang 52, 2004)
Nhưng có lẽ một trong những vần thơ mô tả ánh trăng mà Trần Hoài Thư đã lột tả thật thần kỳ là một buổi “chị về bàn chân trần bỏ guốc”, mà lần nào cũng như lần nào cứ mỗi lần đọc lại tôi không thể tưởng tượng nhà nghệ sĩ sao quá giàu lòng rung cảm trước cảnh người phụ nữ tắm trăng bên bờ sông im vắng:
“Chị có về bàn chân bỏ guốc
Dòng sông đêm trăng. Thở dài não nuột
.....
Mười sáu trăng tròn hồn chị bâng khuâng
Đêm ra tắm ngoài bến sông im vắng
Chiếc gáo dừa. Múc trăng. Trăng động
Dòng suối trăng lai láng cả bình nguyên
Ai khỏa thân lồ lộ cả trăm miền
Chị có thẹn vì trăng nhìn trên lá....”
(Khi Chị Về, trong Ô Cửa, trang 75, thơ tuyển toàn tập, 2004)
Ngắm nhìn thiên nhiên với lòng yêu trăng yêu người đến nỗi thấy “trăng nhìn trên lá” là một sự cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên đến mức tuyệt diệu mới có thể nhân cách hóa cái nhìn của trăng đang đậu trên lá trên cành. Nghệ thuật đó người Trung Hoa gọi là “tỉ luận” (analogie), mà không phải “tỉ luận” bởi lẽ hòa nhập và tinh luyện đến thế chúng ta phải cảm nhận rằng người nghệ sĩ đã đạt đến cái tinh túy của cảm hứng rồi. Nhân nói về lòng yêu thiên nhiên và bút pháp “tỉ luận” ở Trần Hoài Thư như là một sở trường, trong bài thơ mới nhất tác giả vừa cho chào đời, nhà thơ đã ví “đôi mắt em xanh da trời tháng Sáu”, bởi “Sài Gòn có mùa hạ dài hơn mùa đông”. Phải yêu Sài Gòn dữ lắm mới biết được mây Sài Gòn trong và xanh màu thiên thanh để hòa nhập giữa màu mây và màu mắt làm một, phải nhớ Sài Gòn dữ lắm mới mơ tưởng đôi mắt tình nhân tựa hồ nắng ráo Sài Gòn:
“Sài Gòn có mùa hạ dài hơn mùa đông
Nên Sài Gòn có mắt em xanh da trời tháng Sáu...”(*)
Trở lại hình bóng ánh trăng, ngày xưa, Tạ Phương Đắc đời Tống sống vào thời kỳ hỗn loạn, mỗi tướng chiếm một vùng làm bá chủ, trong bài “Tàm phụ ngâm”, qua vầng trăng chiếu sau đám liễu cũng cho thấy được cái lòng bi cảm của thi nhân qua buổi loạn ly mà vô cùng ý vị:
“Tử qui đề triệt tứ canh thi,
Khởi thị tàm trù phạ diệp hi.
Bất tín lâu đầu dương liễu nguyệt,
Ngọc nhân ca vũ vị tằng qui.”
Khởi thị tàm trù phạ diệp hi.
Bất tín lâu đầu dương liễu nguyệt,
Ngọc nhân ca vũ vị tằng qui.”
Nguyễn Hiến Lê dịch:
“Con chim tử qui đã báo canh tư,
Dậy xem tằm có đủ dâu ăn không.
Mặt trăng chiếu sau đám liễu ở trên góc lầu,
Ngờ đâu bọn “người ngọc” đó còn múa hát vẫn chưa về.”(**)
Trong thơ Trần Hoài Thư cũng cho chúng ta thấy vầng trăng đôi lúc là người bạn cận kề cùng chia sớt những nỗi niềm:
“Từ buổi ra về xao xuyến mãi
Một vầng trăng lạnh, một dòng sông
Dòng sông một nhánh mà hai ngả
Trăng lạnh tìm đâu để tạ lòng ...”
Một vầng trăng lạnh, một dòng sông
Dòng sông một nhánh mà hai ngả
Trăng lạnh tìm đâu để tạ lòng ...”
(Từ Buổi Ta Về, trong Ô Cửa, thơ tuyển toàn tập, trang 268, 2004)
Chúng ta thấy có cái gì trong cách nhìn ánh trăng mà cảm hoài một chút riêng giữa các thi nhân mà bất cứ thời nào họ cũng muốn trút cạn một nỗi niềm qua nét bút diễn tả một chút ý, một chút tình để dẫn đến một thứ nghệ thuật vừa gần gũi vừa siêu việt, vừa giản dị vừa thanh cao mà chúng ta quen gọi là thơ ca.
Thật vậy, qua thơ Trần Hoài Thư, người đọc bắt gặp ở những vần thơ mang đầy màu sắc thiên nhiên mà chứa chan niềm luyến nhớ về một bến bờ xa, về một ngọn đồi cao, về một vùng đầy hoa rừng hoang dại mà tha thiết những bóng hình. Chính vì vậy mà những cánh đồng trăng mênh mông trong thơ Trần Hoài Thư cũng chính là một liều thuốc quí báu vô cùng hàn gắn mọi vết thương của thời chinh chiến cũ... Nó cho ta hình dáng một cảnh đời êm ấm hơn, vui hơn và hy vọng hơn nhiều, đặc biệt, nó cũng cho người đọc nhận ra thơ Trần Hoài Thư đậm sắc màu tình tự con người hiếu hòa, nhân ái hơn nhiều...
Thơ là một nghệ thuật diễn đạt đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài năng khiếu trời cho, nó còn cần một tài năng cảm biết bao quát, nói cách khác, đó là một tài năng biết nhìn đời dưới nhiều lăng kính với một tâm hồn luôn nhạy cảm trước mọi cảnh đời. Thơ tuyệt đối có hồn là do sự tác tạo bởi tình cảm; nó là sự kết tinh của tình cảm mà không liên quan gì tới khái niệm phân tích, chia cắt. Trong thơ yếu tố cọng và trừ hoặc nhân và chia không có chỗ để làm những bài toán mất hay còn, hoặc chẻ sợi tóc làm chín làm mười, mà chỉ là những dạt dạo của một tâm hồn chan chứa những chất liệu sống động với niềm cảm hứng vô tận.
Thơ hay là nhờ có âm tiết vần điệu. Mà âm tiết vần điệu lại do tài dùng chữ của thi sĩ. Trần Hoài Thư đã sử dụng nhạc điệu vừa tự nhiên vừa nhuần nhuyễn khiến cho câu thơ của tác giả như những dòng nhạc đang gợi cho người đọc những bước chân đang nhảy nhót nhịp nhàng theo từng đoạn, từng khúc, từng dòng mà chữ dùng của nhà thơ đã làm dội lại một tiếng vọng mang mang, bất tận của những gợn sóng hồn dào dạt từ cõi nào thật tha thiết, bâng khuâng:
“Ừ nhỉ, cuối năm nơi đất lạ
Mưa mênh mông và sông mênh mông.”(*)
hoặc như:
“Thì xa vắng, thì mênh mông xa vắng...”(*)
hoặc:
“Khi chị về gió len bờ khe hạ
Mơn man từng nụ thắm, Mơn man...”(*)
Mơn man từng nụ thắm, Mơn man...”(*)
hoặc:
“Bụi thì mù, mưa thì phủ tai ương
....
Bóng thì xa, sương thì khói mịt mù
Ta thì ngậm cả tang hồ rách nát
Sông với núi, sá gì mưa với nắng
Sá gì đêm ngoi ngóp những bùn đen
Sá gì ngày nhầy nhụa biển u minh...”(*)
....
Bóng thì xa, sương thì khói mịt mù
Ta thì ngậm cả tang hồ rách nát
Sông với núi, sá gì mưa với nắng
Sá gì đêm ngoi ngóp những bùn đen
Sá gì ngày nhầy nhụa biển u minh...”(*)
Với những điệp ngữ “mênh mông”, “xa vắng”, “mơn man” được lập đi lập lại rất tự nhiên mà giàu chất nhạc, hoặc với những cặp chữ đối nhau từng chập “bóng thì xa”, “sương thì khói”,“sông với núi”, “mưa với nắng” v.v.., là cái nét độc đáo trong bí quyết dùng chữ của Trần Hoài Thư mà không ai bắt chước được. Còn nhiều lắm, rải rác trong khắp các thi phẩm của tác giả và chính nhờ đó mà thơ Trần Hoài Thư có một chỗ riêng, rất riêng, không thể lẫn lộn với cả trăm, cả ngàn thi phẩm khác trong kho tàng thi văn hiện đại. Dĩ nhiên có được cái nét riêng của mình, có lẽ Trần Hoài Thư cũng đã phải trải qua cái giá gần nửa thế kỷ làm thơ viết văn, một quãng đời không dễ dàng trong đời lính cũng như đời văn nhiều bẽ bàng bất trắc....
Không những “tắm trăng”, thương trăng mà nhà nghệ sĩ của chúng ta còn tâm sự với trăng trong nỗi nhớ trôi theo dòng sông cũ:
“Sông chảy dưới chân đồi
Nhớ hoài đêm không ngủ
Ra bờ sông gọi mãi
Chỉ vầng trăng lắng nghe ...”
(Đêm Trên Đồi Bánh Ít, trong Ô Cửa, thơ tuyển toàn tập)
Nhớ hoài đêm không ngủ
Ra bờ sông gọi mãi
Chỉ vầng trăng lắng nghe ...”
(Đêm Trên Đồi Bánh Ít, trong Ô Cửa, thơ tuyển toàn tập)
Nhưng có lẽ nhờ nhận ra cái nỗi cô đơn của chính mình quá hắt hiu nên người nghệ sĩ cảm nhận ra cái cô đơn của trăng cũng một đời lữ thứ:
“Ngày hôm ấy tôi lên xe bỏ lớp. Theo vầng trăng cô độc mênh mông. Nhòa nhạt lạnh còm Đại hùng hun hút. Vì sao nào trở lại miền Nam. Tôi cũng muốn người chăn cừu cô lữ. Tôi cũng thèm em ngủ trên vai. Yêu dấu hỡi. Sao vẽ vời để dỗ. Đời lênh đênh núi lạ sông dài. Trằng dài bãi hằng hà tinh hệ. Một ngụm trăng còn lại đọng trên tay. Tôi già mục. Lòng xanh như bậc đá. Rêu phong đầy Đại Nội. Ồ hay. Thì ô hay trăng là trăng miên viễn. Xe thì lăn. Đèn đóm lập lòe. Khi sum họp là khởi đầu ly biệt. Chắc tôi phải về xin chút bao che.”
(Thơ của văn, trong Ô Cửa, thơ tuyển toàn tập, trang 62, 2004)
Trong các bài thơ rải rác trong các thi phẩm trước đây và với 374 trang thơ mới nhất trong tuyển thơ toàn tập của Trần Hoài Thư có tên “Ô Cửa”(*) mà chúng tôi được đọc, “cánh đồng trăng mênh mông” chính là cái yếu tố duy nhất Trần Hoài Thư thể hiện rõ nhất về khái niệm con người và vũ trụ cùng một thể. Có lẽ chính tác giả không cố ý sáng tác ra những dòng thơ như vậy mà do sự trào dâng của cảm xúc hòa quyện vào cảnh vật với những bãi bờ, cao nguyên, núi rừng, đèo cao lũng thấp, cùng những cánh đồng nơi bình nguyên hay một chốn cũ nào đó mà thi nhân có dịp ghé qua làng, nó đã làm cho tâm hồn Trần Hoài Thư vốn mang tình yêu thiên nhiên, yêu con người mà những vần thơ cứ một mạch trào tuôn như một mạch đời đang giàu sức sống. Thơ anh là một phần của sự sống đời anh, nên có thể nói cánh đồng trăng mênh mông cũng chính là một phần của đời nghệ sĩ mà anh lúc nào cũng muốn chìm vào những bãi bờ trăng thênh thang bất tận đó. Ở đó nó không còn một phân chia nào giữa con người và thiên nhiên mà đã hòa nhập thực sự giữa thiên nhiên và con người qua bút pháp của nhà thơ mang trên mình bộ đồ trận dày dạn phong trần với cặp kính dày hơn bảy độ mà vẫn miệt mài cho chào đời những vần thơ đầy rung cảm giữa chốn nhân gian...
Nói như Lâm Ngữ Đường: “thơ miêu tả thiên nhiên mà làm lành được nhiều vết thương tinh thần” (**) và cách nào đó, Trần Hoài Thư đã tự chữa lành vết thương của đời mình về cả hai phương diện thể xác và tinh thần do hệ lụy của mấy mươi năm chiến tranh còn đeo bám mãi bằng chính tình yêu thiên nhiên nồng nàn ấy. Anh đã mang được cái đạo sống vào trong thơ và giữ cho thơ mang cái hồn tải đạo thật hoàn mỹ.
Lương Thư Trung
Boston , ngày 16-10-2004
Houston, đọc lại và bổ túc ngày 23-12-2008
Ghi chú:
(*)Các câu thơ trích trong bài viết bao gồm các thi phẩm của Trần Hoài Thư, do Thư Quán Bản Thảo ấn hành tại Hoa Kỳ:
1/ Thơ Trần Hoài Thư (năm 1998)
2/ Qua Sông Mùa Mận Chín (năm 2000)
3/ Người Lính (năm 2004)
4/ Ô Cửa (Tuyển thơ toàn tập) (2004)
(**) Trích “Nhân sinh quan và thơ văn Trung hoa”của Lâm Ngữ Đường, Nguyễn Hiến Lê dịch, do Ca Dao ấn hành, năm 1970 (Sài Gòn), Xuân Thu tái bản năm 1991(Hoa Kỳ)
(Trích trong “Người Đọc và Người Viết” sắp xuất bản trong năm 2017)