User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Tôi vốn thích đọc sách viết về công việc đồng ruộng, cày bừa, cắt gặt, giăng câu, giăng lưới ở các tỉnh miền Tây Nam phần, vùng sông nước Cửu Long, lúc còn ở trên Boston, Massachusetts, tôi đã đọc quyển “Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn” của nhà văn Lê Cần Thơ (2000) và nay sau hai chục năm, tôi lai rai ngồi đọc lại quyển sách này nhằm mục đích vừa giải trí giữa mùa dịch bịnh Covid lây lan khắp mọi nơi vừa tìm lại chút tình quê qua các trang sách của tác giả. 

1/ Về tác giả

Bìa sau của quyển sách “Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn” xuất bản năm 2000, phần tiểu sử, tác giả Lê Cần Thơ ghi: “Sinh tại một quê nghèo miệt Cần Thơ; học Trung Học tại trường Phan Thanh Giản; Đi lính khóa 5/68 trường Bộ Binh Thủ Đức” và “Tập tành viết lách để tạo cho tinh thần bớt đi căng thẳng trước cuộc sống và tình đời”

Mặc dù nói vậy, nhưng qua phần bút danh và phần báo chí mà ông tham dự thì tác giả Lê Cần Thơ viết báo từ thời ông làm Thư Ký tòa soạn nguyệt san Triều Sóng Xanh của trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ) năm 1966; rồi làm Tổng Thư Ký tạp chí Văn Nghệ Miền Tây tại Cần Thơ do Ngũ Lang chủ biên năm 1967-1968; từ năm 1988 tới năm 2019 là Chủ bút tạp chí Văn Hóa Việt Nam do Phạm Quang Tân chủ nhiệm; ngoài ra, tác giả còn có rất nhiều bút hiệu khi làm thơ viết văn, cho thấy tác giả Lê Cần Thơ là nhà báo chuyên nghiệp với hơn nửa thế kỷ trong nghề!

quehuongxamaingutnganBìa bút ký Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn của Lê Cần Thơ, xuất bản năm 2000.


2/ Về làng Trường Long, Phong Điền, Cần Thơ

Trở lại với cuốn Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn của tác giả, ở phần “Vào Tập” (Thay lời tựa), tác giả nói rõ hơn về quê quán của mình:“Tôi đã sống trong miền quê Trường Long nghèo khó từ thuở mới chào đời, đã hít thở không khí thôn dã quê mùa, nên trong cách nhìn, cách nghĩ của mình cũng không thoát khỏi cái phong vị nơi mình chào đời.” (trang 9). 

Từ đó, người đọc biết quê tác giả là làng Trường Long và nổi tiếng về món cam ngọt mà trong thơ của Nguyễn Cát Đông- Trần Bang Thạch có lần đã nhắc:
 
“Ngun ngút đồng xanh Thác Lác, Bà Đầm
Tấp nập ghe xuồng ngã Bảy, ngã Năm
Cam ngọt Trường Long, khóm thơm Long Mỹ
Rộn rịp hát đình Bình Thủy, Cái Răng...”

Theo sách Địa Chí Hành Chính Các Tỉnh Nam Kỳ Thời Pháp Thuộc (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư xuất bản năm 2017(*), theo thống kê năm 1939, thì làng Trường Long thuộc tổng Thới Bảo, quận Ô Môn gồm các làng: Định Môn, Thới Đông, Thới Lai, Thới Thạnh, Trường Lạc, Trường Long, Trường Thành, và ngày nay thuộc quận Phong Điền (Cần Thơ); còn quê của nhà văn Trần Bang Thạch (Nguyễn Cát Đông), theo thống kê năm 1939, là làng Thường Thạnh Đông, tổng Định Bảo, thuộc quận Châu Thành, tức quận Cái Răng. Cả hai tác giả Trần Bang Thạch và Lê Cần Thơ là hai nhà văn tiêu biểu vùng Cái Răng và Phong Điền (Cần Thơ).

3/ Về cái tình quê của tác giả

Sở dĩ chúng tôi đi tìm quê quán như vậy nhằm tìm ra cái chất sông nước ruộng vườn nơi quê nhà lúc tác giả sống ở đó hồi còn nhỏ phần nào rất ảnh hưởng tới văn phong của tác giả trên những trang sách. Ví dụ, tả về “dòng sông quê tôi”của mình, tác giả, Lê Cần Thơ viết:
 
“Dòng sông quê tôi (…) nó tiếp giáp sông Cần Thơ vào Cầu Nhiếm, đến ngã ba chợ Phong Điền thì rẻ trái vào Vàm Bi, để từ đây có thể đi Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Bà con quen gọi là ngã cái. Bởi ngã cái chạy dọc uốn quanh năm bảy cây số còn có nhiều nhánh con tua tủa hai bên giống các rễ con của một thân cây đeo vào rễ cái, như Kinh Chợ, Rạch Vông, Mương Củi, Cai Cẩm, Mương Điều, Trà Ết, Mương Cau, Rau Muôi, Ông Hào, Cần Đước, Mương Kinh, Xẻo Lá…” (Dòng Sông Quê Tôi, trang 111)

Từ dòng sông quê tôi với nhiều kinh rạch chằng chịt như vậy, tác giả dẫn người đọc tới cái “nghề đăng cá” của gia đình mình qua bài thơ Ghe Đăng, có đoạn:
 
 “Miền Tây sông rạch đan màn lưới
Ba sống nghề đăng cá dưới sông
Hơn nửa kiếp đời thân khó nhọc
Thương con…ba khổ biết khôn cùng
 
Ba khổ từ khi vừa gặp má
Nhà nghèo, ruộng đất kiếm không ra
Phát thuê, đập mướn từng công đất
Để kiếm tiền mua gạo, muối cà…
 
Từ lúc xóm làng bừng lửa giặc
Cõng con, dẫn mẹ khắp miền quê
Ba lo chạy đói - cơm từng bữa
Khoai bắp thường hơn gạo lúa giê
 
Rồi ba học được nghề đăng cá
Lặn ngụp từng đêm dưới rạch sâu
Năm năm tháng tháng quen sông nước
Quen nỗi buồn đau kiếp dãi dầu.”
(Ghe Đăng, trang 114)
 
Niềm mơ ước của tác giả rất đơn sơ mà tha thiết:“Ước vọng của tôi là muốn được về bên chiếc ghe đăng cá, là về với dòng sông quê hương, về với kỷ niệm ấu thơ đậm sâu dấu ấn trong cuộc đời mình, vì ở đó đã luôn gợi nhớ trong tôi hình ảnh của Ba suốt đời gian khổ để tạo cho anh em chúng tôi có cuộc sống nên vốc nên hình.”(Dòng Sông Quê Hương, trang 116)
 
4/ Về cách diễn tả những nỗi niềm khi có nhiều cảm xúc

Dường như ngoài những trang văn xuôi, tác giả Lê Cần Thơ khi cần diễn tả tấm chơn tình của mình với nhiều cảm xúc, ông lại mời người đọc bước vào hồn ông qua những vần thơ khá mộc mạc mà chân tình! Những cuộn khói đốt đồng mịt mù ngày nào thuở tác giả còn là những đứa trẻ chạy giỡn theo những cánh diều bay bay trên bầu trời thơm thơm mùi rơm rạ ấy; những cuộn khói ấy nó lùa theo gió vây phủ một khoảng trời, câu thơ của ông rất đơn sơ, mộc mạc mà cảm động:

“Tháng này chiều tỏa khói đồng
Trôi xa lãng đãng bên dòng tuổi thơ
Tôi về thương chút mộng mơ
Bỏ quên từ lúc hững hờ chiến tranh
 
Tháng này trời thiếu màu xanh
Không gian nhàn nhạt buông mành tơ sương
Mùi rơm cháy - mùi khói đồng
Cho tôi cái nhớ khoảng trong kiếp đời
 
Tháng này đất ruộng nghỉ ngơi
Thuở xưa tôi thích đùa chơi thả diều
Bây giờ tất cả thương yêu
Vụt ngang tiềm thức giữa chiều quê hương
 
Tháng này chợt nhớ chợt thương
Miền thơ ấu cũ mù sương khói đồng
Nắng chiều tỏa sắc cầu vồng
Tôi men lối cũ mà lòng bâng khuâng…”
(Khói Đồng, trang 170)

5/ Về vài chữ dùng và không khí nhà quê với đời sống nơi làng Trường Long, Phong Điền (Cần Thơ) của tác giả thời thơ ấu

Tập sách Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn của Lê Cần Thơ, ngoài những trang sách nhắc về các di tích lịch sử văn hóa như chùa chiền, đình thần, núi non, sông rạch hoặc các khu thương mại chợ búa của tỉnh Sóc Trăng, Châu Đốc, Hà Tiên, Trà Vinh, Cần Thơ… nhưng đời sống nơi làng Trường Long (Phong Điền) của tác giả mới là phần chánh yếu dạt dào nỗi lòng của một người con xa quê mà lòng lúc nào cũng khắc khoải nhớ về một chốn cố hương. Theo thiển ý của tôi, các đề mục dưới đây là những nét tiêu biểu ấy:
 
Ngày mưa rủ nhau đi lượm trái rụng (trang 158).
Dầm mưa đi bắt kiến vàng (trang 160).
Ngày mưa dặm cù bắt chuột (164).
Nhớ mùa cá lên đồng (169).
Nhớ chuyện ruộng đồng (175).
Đuổi bắt chim trên ruộng lúa (trang 176).
Đặt trúm bắt lươn (trang 183).
Đặt lờ bắt cá sặt (trang 185).
Giăng câu bắt cá theo mùa (trang 186).
 
Là một người đọc gốc gác làm ruộng và già như tôi, tôi đã nhìn ra cái vui sướng của tác giả khi ông kể cho người đọc qua những kỷ niệm hồi còn nhỏ như lượm xoài rụng, bắt kiến vàng, dặm cù chuột, đi soi cá ban đêm, giăng câu, cắm câu, đặt lờ tôm, lờ cá sặc, đặt trúm và tôi nghĩ đây là những trang sách dù còn sơ sài nhưng nó giúp cho người đọc biết thêm nếp sống hồn nhiên của cư dân nơi vùng làm ruộng cấy của tác giả, dù mỗi năm chỉ cấy có một mùa!
 
Nhắc về ruộng cấy ở làng Trường Long, tác giả kể:
 
“Khi cá lên đồng tìm chỗ đẻ một thời gian là nông dân bắt đầu phát cỏ trên các đường lươn để cấy giâm. Lúa giâm bén rễ và bắt đầu nhảy rẻ mập ra… người ta có thể lội qua những đám lúa non đó để giăng câu hay soi bắt cá.” (trang 172)
 
“Khi nước đã tràn đồng, cá đã đẻ xong, cá mẹ dẫn từng đàn cá ròng ròng đi ăn khắp nơi, người ta cũng bắt đầu phát cỏ dọn đất để cấy (cấy giâm khoảng tháng 7 và cấy liền khoảng tháng 10 âm lịch- là cách làm ruộng mỗi năm một mùa vào thời điểm thập niên năm mươi, sáu mươi ở quê tôi). (trang 189).
 
Qua hai đoạn vừa trích, điều này cho biết cư dân các vùng Ô Môn, Cái Răng, Phong Điền, Phong Thuận và nhiều vùng làm ruộng cấy chắc hổng ai có ý thắc mắc gì; nhưng các vùng khác như miệt Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc là những vùng tới mùa nước lên mực nước ngập rất sâu và làm lúa sạ, lúa mùa chắc không biết “cấy giâm” và “cầy liền” tức là “cấy thiệt”, “cấy thực thụ”, là cấy thế nào? Hồi đó, mấy năm làm gò gạch Cái Côn, quận Phong Thuận, tỉnh Cần Thơ, ngoài những ngày làm gạch là công việc chính, chúng tôi còn làm thêm cái nghề cấy lúa cho đất ruộng của lò gạch và thỉnh thoảng những ngày cuối tuần còn lãnh cấy lúa mướn cho các miếng ruộng trong vùng nữa, nên tiện đây tôi xin phép ghi lại các giai đoạn của việc cấy lúa này.
 
Trong ruộng cấy có nhiều giai đoạn, nhưng trước nhứt là công việc rải mạ. Người ta dọn một miếng đất thật bằng phẳng rồi cày bừa cho nhuyễn và đem giống ra rải lên miếng đất ấy. Vì rải mạ nên người ta cần sạ giống cho dầy, vừa để tránh hao hớt vừa để sau này khi mạ đầy tháng còn nhổ mạ và chiết ra để cấy lại trên đất ruộng đang chờ để cấy. Bởi vậy trong dân gian khi có ai làm việc gì mà bị đổ đầy trên mặt bàn hay trên mặt đất người ta gọi rải mạ. Sau khi rải mạ như vậy mưa xuống hột giống sẽ lên dày bịt và đúng một tháng hoặc trồi sụt chút đỉnh là bắt đầu nhổ mạ và đem đi cấy. 
 
Nhổ mạ là nhổ nguyên một vạt đất như vậy và mỗi người nhổ mạ xong gom lại, mỗi bó độ chừng hai nắm tay thì họ dùng dây lạt tre hoặc lạt dừa nước bó mạ lại ở phần gần gốc cây mạ có ý làm cho bó mạ không bị sút sổ. Trước ngày cấy lúa trên đất đã cày bừa trục nhuyễn sẵn thì công việc kế tiếp là giang mạ. Giang mạ là người ta chở mạ hoặc gánh các bó mạ vừa mới nhổ xong bỏ đều trên miếng ruộng sắp cấy. Tùy theo muốn cấy dày hoặc cấy thưa mà mỗi công đất sẽ được phân phối số mạ nhiều hay ít. Trung bình người ta tính theo cây tầm đo đất, chiều dài 3 thước, gọi là tầm cấy hoặc tầm cắt. Mỗi tầm cấy như vậy cấy 12 bụi mạ, hoặc 14 bụi, gọi là cấy dầy; nếu cấy 10 bụi mạ, gọi là cấy vừa; còn cấy 8 hoặc 6 bụi mạ thì gọi là cấy thưa. 
 
Về động tác cấy có mấy động tác chính như sau: tay mặt vừa cằm nắm mạ vừa cằm nọc cấy, ngón cái bàn tay mặt vừa đẩy một ít mạ tách rời nắm mạ gọi là ra mạ, nếu ra mạ mà ít quá gọi là bắt nhẻ. Thông thường người đi cấy lúa mướn thì 3 người họ lãnh cấy chung nguyên một công đất, tức là mỗi người cấy một phần ba (1/3) công, còn gọi tắt là một góc ba. Do vậy tâm lý giữa chủ ruộng và công cấy có những suy nghĩ trái ngược nhau. Chủ thì lúc nào cũng muốn công cấy cấy dầy; còn công cấy thì muốn cấy thưa cho mau xong công đất để mau về sớm. Ở nhà quê có câu thiệu: “Bắt nhẻ, cấy thưa, tầm đưa vô đít”, ý nói “bắt nhẻ” là bắt mạ rất ít, thay vì vừa tay cho một bụi mạ khoảng năm gốc mạ thì người công cấy đi cấy mướn lại tách mạ rất ít, chỉ hai hoặc ba gốc mạ thôi, nhằm để cấy cho mau, khỏi mất công phải lấy mạ hoài lâu rồi công. “Bắt nhẻ” như vậy có cái hại là gặp trời nắng nước ruộng bị nóng và bụi mạ khó bén rễ, có khi mạ bị chết và miếng ruộng này khi lúa lớn lên sẽ hao hớt, thưa thớt. 
 
Cũng là ruộng cấy nhưng ở miệt Cái Côn (Cần Thơ) người ta không rải mạ mà dùng chày tỉa để tỉa mạ. Chày tỉa là một cái cây làm bằng cây tràm hoặc bất cứ cây gì mà săn chắc bào cho láng, dài vừa khỏi đầu, một đầu chuốt nhọn như trái vụ để khi cầm chày tỉa cắm xuống đất và khi lấy chày lên sẽ để lại một cái cái lổ vừa gieo mạ. Công việc tỉa mạ có hai người cùng làm, một người dùng chày tỉa xắn lổ và người kia bỏ hột giống và lấy tro trấu lấp hột giống lại. Sau vài ba ngày tùy theo giống khô hoặc giống ngâm mà mạ mau lên hoặc chậm lên. Cái này cũng có cái lợi và cái hại tùy theo thời tiết. Gặp trời nắng nóng thì giống khô ít hao, lúa giống nằm đó chờ mưa từ từ rồi mọc mọng và lên cây; trái lại gặp trời mưa thì giống ngâm mau lên cây hơn, mạ ít hao. Sau khi cấy mạ được một tháng, người ta bắt đầu dùng tay nhổ mạ. Nhổ mạ như vậy rồi cũng dùng dây lạt để bó mạ nhưng chưa đem ra ruộng cấy liền, mà phải dọn sẵn một miếng đất khác để cấy số mạ này. Công đoạn cấy lần này gọi là cấy giâm mà trong sách của tác giả Lê Cần Thơ có nhắc. Cấy giâm có nghĩa là đem mạ còn non cấy lại một lần nữa cho cây mạ cứng cáp và nở ra nhiều thêm rồi mới bứng mạ một lần nữa và lúc bấy giờ mới giang mạ và cấy thiệt thọ còn gọi như tác giả là “cấy liền” trên miếng đất mà mình muốn trồng lúa và chờ tới mùa lúa chín là lo kêu công cắt gặt. 
 
Sở dĩ gọi bứng mạ vì giai đoạn này mạ đã lớn, mỗi bụi mạ nở nhiều tép mạ rất mập và rễ mạ bám chặt xuống đất nên người ta phải dùng dao để xắn bụi mạ lên chứ không phải nhổ mạ bằng tay như lúc mạ còn non nữa. Con dao bứng mạ cũng chỉ là con dao yếm, tức là loại dao thông dụng trong nhà bếp mà dân quê thường dùng để xắt thịt, làm cá nhưng với dao yếm bứng mạ thì mũi dao bản bự hơn loại dao yếm thường, đặc biệt là được mài rất bén. Thông thường một bụi mạ người ta phải xắn ba góc mới lấy bụi mạ lên được an toàn không bị đứt rễ nhưng với dân bứng mạ chuyên nghiệp người ta chỉ bứng hai nhát dao là bụi mạ lấy lên được khỏi mặt đất và không bị đứt rễ. Cái hay của chuyên môn là ở cách bứng mạ ấy vì nhờ vậy mà công việc bứng mạ mau xong sớm. 
 
Còn cấy giặm là cấy thêm những chỗ ruộng lúa bị hao hớt vì lúa chết hoặc cua kẹp. Dù làm lúa sạ hay lúa cấy gì khi lúa bị hao người ta hay mướn công cấy và chiết mạ từ những chỗ lúa dày để giặm vá vào những chỗ trống này.
 
Vì phần nhiều các sự việc làm ruộng, phát cỏ, cấy lúa, bắt cá, bắt lươn… mà tác giả thuật lại trong sách là công việc ở làng Trường Long, quê của tác giả, có lẽ vì là vùng làm lúa cấy nên thời gian làm mùa cũng như những chi tiết về mỗi nghề có khác đôi chút với các vùng làm lúa mùa, lúa sạ miệt Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc và nhiều vùng nước ngập sâu có khi tới hai ba thước nước vào mùa nước lên vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, nên đọc sách của Lê Cần Thơ, người đọc ở thành thị có khi hơi ngờ ngợ. Chẳng hạn như câu thơ: 
 
 “Ba khổ từ khi vừa gặp má
Nhà nghèo, ruộng đất kiếm không ra
Phát thuê, đập mướn từng công đất
Để kiếm tiền mua gạo, muối cà…”
 
Hai chữ “đập mướn” theo tôi hiểu có lẽ tác giả muốn nhắc những ngày thân phụ của mình phải đi đập lúa mướn vào mùa cắt gặt; vì làm ruộng cấy, người ta không có gom lúa vô cà lang cao vòi vọi trong một cái sân rộng như lúa sạ lúa mùa miệt Long Xuyên. Bạn còn nhớ hồi xưa, khi tới mùa cắt gặt nếu bạn đi qua các vùng Mỹ Tho, Tân An dọc theo quốc lộ 4 ngày trước làm ruộng cấy, các bạn thấy người ta mướn công cắt và công đập lúa bông ra lúa hột. Lúc bấy giờ có người gom từng ôm lúa và đập vô cái bồ nhỏ dừng chung quanh bằng tấm mê bồ chỉ chừa cái cửa để người đập lúa ôm mớ lúa đập lên tấm vỉ tre cho lúa hột rụng ra và lúa không văng ra ngoài.
 
Nếu có dịp bạn đọc được cuốn sách này, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi đọc được đoạn tác giả đi soi cá, soi lươn được cá lươn nhiều lắm; vì cá lươn nhiều quá nên ham cứ mải miết men theo đường nước và soi cá bỏ đầy giỏ; nhưng khi mệt rồi lên bờ ngồi nghỉ thì thấy lại trong giỏ toàn là đất sét với chỉ có vài con cá hủng hỉnh thôi. Đó là lần duy nhứt tác giả bị ma cho cá lươn bằng đất sét. 
 
Nhắc điều này để thấy hồi đời xưa ở các vùng quê nói chung, không riêng gì làng Trường Long (Cần Thơ), ngay ở miệt Lấp Vò (Sa Đéc) hoặc Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) đâu đâu người ta cũng hay bị ma nhát, ma giấu vô bụi tre gai và ma cho ăn đất sét là chuyện kể hằng đêm mà hồi nhỏ mấy đứa nhỏ tụi tôi đứa nào cũng thích nghe kể chuyện ma nhưng khi nghe xong rồi tới khuya lại sợ ma hổng dám đi dìa nhà một mình!
 
Riêng tôi thì bị ma nhát hà rằm! Nhứt là những đêm đi ngủ giữ lúa giữa đồng hay những đêm đi giăng câu, giăng lưới, trong lúc ngủ chờ tới giác đi thăm câu, thăm lưới thì thường bị ma đè không nhúc nhích cục cựa gì cho nổi; dù có xuồng mấy bạn đậu cặp bên cùng ngủ với mình nhưng hổng cách gì mở miệng kêu tiếp cứu được; đến lúc tỉnh lại rồi mệt gần chết luôn!
 
Sở dĩ tôi nhắc qua chuyện ma nhát, chuyện ma biến cá lươn thành đất sét như tác giả kể hồi đời xưa trên trang sách là có thật chứ hổng phải chuyện hư cấu, tưởng tượng. Hồi đó cách nay sáu bảy chục năm, ở quê, tụi nhỏ chúng tôi đi bắt cóc, bắt ếch vào mùa mưa hoặc mùa cóc, mùa ếch hội vào tháng 9, tháng 10 âm lịch cũng vậy. Mùa cóc hoặc mùa ếch hội là mùa chúng bắt cặp và đẻ trứng; gặp cóc ếch bắt cặp ham lắm cứ mê mệt vì cóc ếch lúc bấy giờ con đực nằm lên lưng con cái mê man bất kể trời đất, và chúng gần giống như chết vậy, nên lúc bấy giờ mình chỉ cần lượm một cặp, một cặp rồi cứ thể bỏ đầy giỏ, mà nhứt là nơi các gò mả, đất nhị tì nước ngập lắp xắp cóc ếch càng rủ nhau tụ hội rất đông nữa; nhưng lượm cóc ếch một hồi mệt mới ngồi nghỉ và coi lại giỏ cóc gần đầy chưa thì ôi thôi, toàn là đất sét không hà! Lúc bấy giờ mới biết sợ là bị ma nhát! Ghê lắm!
 
haitraulecantho
Vài hình mùa cóc hội bên vạt rau đắng trong vườn nhà.
 
6/ Nhìn lại vài tác giả viết về đồng quê

Ngày nay, viết về đời sống nơi nhà quê cách nay sáu bảy chục năm có nhiều tác giả đã viết. Chẳng hạn như vùng Xà Tón (Tri Tôn) có nhà văn Phong Hưng-Lưu Nhơn Nghĩa với các tác phẩm tiêu biểu Như Cánh Chuồn Chuồn, Con Đường Cũ; viết về vùng Bắc Nam quận An Phú (Châu Đốc) có nhà văn Khiêm Cung- Dương Văn Chung (Úc Đại Lợi) với các tác phẩm Nội Ngoại Đều Thương, Thằng Mập, Nhớ Một Vàm Sông, Những Mảnh Hồn Tôi; viết về ấp Bà Bài (Tịnh Biên, Châu Đốc) có nhà văn Anh Phương- Trần Văn Ngà; viết về Vàm Kinh Cũ (Châu Phong, Châu Đốc) có chị Nguyễn Thị Lộc Tưởng; viết về con sông Láng Thé, làng Long Thuận, đồng Cây Cách (Trà Vinh) có Ký Ức của Huỳnh Văn Lang người sáng lập tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) và quyển “Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn” của Lê Cần Thơ… Mỗi tác giả có văn cách riêng nhưng dường như các tác giả đều gặp nhau ở một điểm chung là có những ngày tuổi thơ sống nơi các làng quê của mình và cỏ lẽ nhờ thế mà thiên nhiên đã un đúc nên cá tính của mỗi người, từ đó mỗi người có những kỷ niệm riêng và văn phong riêng làm nên những trang sách qua những hồi ức làm nên các tác phẩm riêng của chính mình.

7/ Thay lời kết

Những trang sách của Lê Cần Thơ qua quyển “Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn” là loại văn kể chuyện; tác giả kể về những hồi ức của mình thời ấu thơ, thời theo ghe đăng của cha, thời những Ngày mưa rủ nhau đi lượm trái rụng (trang 158), Dầm mưa đi bắt kiến vàng (trang 160), Ngày mưa dặm cù bắt chuột (164), Nhớ mùa cá lên đồng (169), Nhớ chuyện ruộng đồng (175), Đuổi bắt chim trên ruộng lúa (trang 176), Đặt trúm bắt lươn (trang 183), Đặt lờ bắt cá sặt (trang 185), Giăng câu bắt cá theo mùa (trang 186); tức là tác giả muốn phác họa lại bức tranh đồng quê về cuộc sống của cư dân nơi làng Trường Long (Phong Điền-Cần Thơ) của mình có một thời làm ruộng cấy như thế nên văn của ông tự nhiên, mộc mạc, giản dị, không tô chuốt, bóng bảy mà đượm cái tình quê, tình gia đình và tình bạn bè từ những ngày còn thơ ấu cho dĩ chí tới tuổi xế chiều qua dòng đời nhiều biến đổi nhưng những tình tự ấy không thay đổi trên các trang sách của Lê Cần Thơ! (**) 

Hai Trầu
Houston, ngày 22 tháng 11 năm 2020

Phụ chú:
(*) Theo sách “Địa Chí Hành Chính Các Tỉnh Nam Kỳ Thời Pháp Thuộc (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư, nhà xuất bản Tổng Hợp Tp HCM, 2017, trang 173.

 (**) Xin đính kèm vài hình ảnh kỷ niệm của nhà văn Lê Cần Thơ với các bạn văn nghệ:

 
Hàng ngồi, từ trái: nhà thơ Cái Trọng Ty, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà văn Lữ Quỳnh, nhà văn Lê Thị Hoài Niệm, Anh chị nhà thơ Tô Thẩm Huy. Hàng đứng, từ trái: nhà văn Lê Cần Thơ, nhà văn Lữ Kiều-Thân Trọng Minh, nhà văn Trần Bang Thạch, nhà văn Phạm Văn Nhàn. (Hình HT chụp tại nhà anh chị Tô Thẩm Huy (Houston) nhơn dịp anh chị Lữ Kiều & Thanh Hằng từ Sài Gòn ghé thăm Houston, ngày 26-5-2019)
 
 
Hàng đứng, từ trái: Nhà thơ Cái Trọng Ty, nhà văn Trần Bang Thạch, nhà văn Phạm Văn Nhàn. Hàng ngồi, từ trái: nhà văn Lê Cần Thơ, nhà văn Lữ Kiều-Thân Trọng Minh,nhà văn  Lữ Quỳnh, nhà văn Lê thị Hoài Niệm, nhà thơ Tô Thẩm Huy và phu quân của chị Lê thị Hoài Niệm. (Hình HT chụp tại nhà anh chị Tô Thẩm Huy (Houston) nhơn dịp anh chị Lữ Kiều & Thanh Hằng từ Sài Gòn ghé thăm Houston, ngày 26-5-2019)
 
Từ trái: Nhà văn Trần Bang Thạch, nhà văn Lê Cần Thơ, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà văn Lữ Quỳnh, nhà văn Lê Thị Hoài Niệm. (Hình HT chụp tại nhà anh chị Tô Thẩm Huy (Houston) nhơn dịp anh chị Lữ Kiều & Thanh Hằng từ Sài Gòn ghé thăm Houston, ngày 26-5-2019)
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com