User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
dungmuccannoibuon
 
Đọc xong tập thơ của Ánh Huỳnh, tôi rất buồn vì nước ta nhìn chung, hầu như thiếu nhà phê bình có con mắt xanh, toàn là một thứ bốc thơm nhau vô tội vạ. Ánh Huỳnh làm thơ tự do, ít khi có vần. Thơ chị hầu như bài nào cũng có tứ hàm súc, ẩn chứa tư tưởng sâu xa, có nhiều câu hay đến giật mình như khi chị viết về mùa thu, hay đến mức chưa có thi sĩ nào viết về mùa thu hay thế: “Thương lá vàng làm con ở mùa thu”.
 
Tôi chưa từng được đọc một tập thơ nào trong vòng 40 năm nay lại hay như “Đừng Múc Cạn Nỗi Buồn”. 50 bài thơ trong tập toàn từ khá tới hay, hầu như không có bài dở. Xin trích bài thơ đầu tiên của tập:
 
Từ Giấc Ngủ Sinh Ra
 
Có phải trời theo gió leo vào mũi con
Đất hóa thành cơm chui vào bụng con
Sông nước mượn cơn khát chảy vào máu thịt con
Nên khi con nhắm mắt
Vẫn nhìn rõ bầu trời
Khi con ngủ say
Vẫn sờ được tay vào sông vào bể
 
Con là hạt ủ mầm trong lòng mẹ
Con là chồi vươn tự khoảng trời cha
Cái con nhìn thấy khi thức
Nhỏ hơn nhiều lần từ giấc ngủ sinh ra!
 
Ánh Huỳnh gói tư tưởng mình vào cảm xúc để nó bừng lên ở hai câu cuối, rất thăng hoa: “ Cái con nhìn thấy khi thức / Nhỏ hơn nhiều lần từ giấc ngủ sinh ra”. Chao ôi, con có thể đi hết cái thế giới của thực tại, của ý thức, nhưng con không bao giờ đi hết được thế giới trong giấc mơ của mình. Hình như chúng ta được sinh ra từ giấc mơ của Chúa Trời, từ giấc mơ của cha mẹ? Ánh Huỳnh, thi sĩ thoát thực tại và được sinh ra từ giấc mơ thi ca.
 
Chúng tôi xin trích nguyên một bài thơ cuối cùng của tập: “Đừng múc cạn nỗi buồn”:
 
Kiếp Trước Mù Tăm
 
Đôi khi khùng
em ước
treo cổ lên cọng cỏ
như một giọt sương
sướng nhá
em long lanh
tan ra
cho chồng con kiếm tìm chơi
lại hoảng
vì trước khi hóa giọt sương
em chưa rửa chén
 
làm người
thật khó bốc hơi
chuồn khỏi thế giới này
em, con bé lá vàng mặc quần áo đất
chơi trốn tìm với gió
rên rỉ hồn thu
ú… u …
 
có khi tỉnh queo
kiếp trước mù tăm
tai em thành hang dế
ai kêu trong đầu mình
những tiếng ngàn xưa
rích.. rích…
 
buồn quá
đành phải vui
ai đang hát
yêu đi yêu đi
nhạt miệng kinh khủng
 
thử lấy tay nắm tóc
tự kéo mình lên khỏi thế giới
để làm gì
em không biết!
 
Ánh Huỳnh viết bài thơ này rất hiện đại, có phần đùa chơi, thậm chí nhí nhảnh con cá cảnh, nhưng quả tình sâu sắc, khiến người đọc buồn vui giật thót. Bài thơ này là phong cách đặc biệt Ánh Huỳnh, không hề giống ai, và không ai bắt chước được lối thơ có vẻ cà rỡn này của chị. Siêu! Dường như chị bị đời sống thường ngày dồn tới chân tường, muốn thét mà không thể thét, muốn la mà không thể la, muốn khóc mà không thể khóc, muốn chết quách cho xong mà không thể chết: một cái tức cười nghèn nghẹn, đùa tếu mà đau thương mới thốt ra giọng điệu thơ này: “buồn quá / phải đành vui” Chị than: “Làm người / thật khó bốc hơi”. Nhưng nhà thơ ạ, chị đã bốc hơi thành thi ca và phả sương mù vào làm cay khóe mắt người đọc. Tư tưởng của bài thơ là tư tưởng mù tăm – một khóe cười rơm rớm nhân sinh.
 
Thơ Ánh Huỳnh có cấu tứ rất chặt, lối cấu tứ của ngẫu nhiên hứng khởi không phải cấu tứ của ý thức. Dường như mạch thơ đã nằm sẵn trong tâm hồn chị, như nham thạch trong đất ứ đầy phụt lên núi lửa, nên rất khó trích, đành để nguyên cả bài thơ giữa tập này để bạn đọc thưởng lãm:
 
Bìm Bịp Kêu Thương
 
chim bìm bịp
 
ai bịp mày chim ơi
mà bìm bịp suốt đời
hay sông Vàm Cỏ bỏ mày
đi lấy vợ
hay Đồng Tháp Mười bỏ mày
đi lấy chồng
bìm bịp
tiếng chim kêu
làm góa cả buổi chiều
 
cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước
kêu thương chi cho đau lòng nhau
bật máu cây trạng nguyên
đốt cháy tán bàng
 
cứ bíp bịp hoài
chị không về Sài Gòn đặng
sợ chồng ghen
có ai lại lấy tiếng chim bìm bịp làm chồng?
 
thôi chị phải bỏ đi
không dám ngủ trọn một đêm với tiếng kêu thương
tiếng chim có bùa ngải
 
bìm bịp bìm bịp…
tiếng kêu vò xé cả trời
nghe chim
có thể chết người
như không!
 
Ánh Huỳnh có lẽ là nhà thơ viết hay nhất về chim bìm bịp. Bài thơ như một kiệt tác thi ca, chặn hết lối của nhà bình thơ, không còn cách gì khen chê được nữa. Đọc bài thơ mà mắt rơm rớm. Cái rơm rớm hơn mọi lời bình. Ôi chao là những câu thơ rớm máu:
 
ai bịp mày chim ơi
mà bìm bịp suốt đời
hay sông Vàm Cỏ bỏ mày
đi lấy vợ
hay Đồng Tháp Mười bỏ mày
đi lấy chồng
bìm bịp
tiếng chim kêu
làm góa cả buổi chiều
 
cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước
kêu thương chi cho đau lòng nhau
bật máu cây trạng nguyên
đốt cháy tán bàng.
 
Hình như Ánh Huỳnh có nuôi một con chim bìm bịp trong hồn. Một hôm nó bay ra và đậu lên trong giấy. Và trang giấy chợt bật khóc nghẹn ngào. Tác giả bài thơ sợ tiếng chim kêu ma ám quá, sợ chồng ghen, đành bỏ chạy khỏi đêm Cần Đước:
 
cứ bíp bịp hoài
chị không về Sài Gòn đặng
sợ chồng ghen
có ai lại lấy tiếng chim bìm bịp làm chồng?
 
thôi chị phải bỏ đi
không dám ngủ trọn một đêm với tiếng kêu thương
tiếng chim có bùa ngải…
 
Không hẳn tiếng chim bắt hồn mà thơ chị có bùa ngải. Hình như cả tập thơ này đều ám ảnh bởi tiếng chim bìm bịp kêu thảm khốc, khiến nhà thơ mất hết hồn vía, sợ chồng ghen! Thế này, ai mà là chồng nữ sĩ phải chấp nhận sự lãng mạn này: cái gì đã lọt vào mắt và thơ chị, cái đó bị Ánh Huỳnh hóa, bị thi ca hóa, bị cuồng si hóa. Nghe tiếng chim kêu trong đêm mà phải bỏ chạy về Sài Gòn thì trên đời này, chỉ có nữ thi sĩ quê Cần Đước Long An thôi! Sợ vãi!
 
Trong thơ mình, chủ thể xưng ngôi thứ hai là chị, xưng là vợ, xưng là em, xưng là mẹ… có thể là chính tác giả mà có khi không phải là tác giả. Ngôi thứ nhất trong thơ chị, chìm đi, nhòe đi, nửa hư nửa thực hiện ra hình ảnh một người đàn bà sống cam phận, gần như một nô lệ tại gia, trong cảnh chồng chúa vợ tôi, có ông chồng (ông xã, ba sắp nhỏ) ghen trời thần đất lở. Tiếng thơ chị cũng là tiếng kêu than đòi quyền sống của người đàn bà, nói gọn lại là đòi nữ quyền, đòi quyền được đối xử dịu dàng, đả đảo mọi sự thô bạo. Chưa có nhà thơ nữ nào trong đời như chị, thèm sự dịu dàng như bóng đêm thèm ban mai. Cả thế giới này, chẳng lẽ không ai đem đến cho chị sự dịu dàng hay sao mà lời thơ chị lại nghẹn ngào dường này, như một kẻ ăn mày sự dịu dàng của cả loài người. Xin bạn đọc đừng làm bay mất sự dịu dàng khi đọc bài thơ “Dịu Dàng Ơi” của Ánh Huỳnh:
 
Dịu Dàng Ơi
 
Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi
(Olga Bergon)
 
Se sẽ thôi ba của sắp nhỏ ơi
Vì ngoài kia hoa quỳnh đang nở
Tươi tỉnh lên ba của sắp nhỏ ơi
Vì ngoài thềm ánh trăng đang tỏ tình với hoa lài
Rạo rực lên ba sắp nhỏ ơi
Vì ngoài đại dương lưỡi sóng đang liếm cát
 
Thảnh thơi lên ba của sắp nhỏ ơi
Vì trên mái nhà ta trời dịu dàng đang ôm đất
Từ từ thôi ba của sắp nhỏ ơi
Vì ngoài sông phù sa đang hoài thai…
 
Ôi sự dịu dàng
Có thể biến sư tử thành nai
Thiếu sự dịu dàng
Con nai trong nhà ta có khi thành sư tử
 
Tôi được hưởng sự dịu dàng trong giấc ngủ
Của người đàn ông ảo không rõ mặt
 
Ba của sắp nhỏ ơi
Đừng ghen với kẻ hào hoa cuối cùng đang đợi để ga – lăng tôi
 
Kẻ đó có tên là Đất
Để chết rồi tôi được dịu dàng ôm…
 
Ánh Huỳnh làm chúng ta bất ngờ vô cùng ở câu kết: “Để chết rồi tôi được dịu dàng ôm”. Hóa ra sự dịu dàng của mẹ đất là sự dịu dàng đời đời sẽ được ôm ấp người phụ nữ bất hạnh; sự dịu dàng của nỗi tủi thân ôm phận người ngủ say dưới nấm cỏ. Nói cho cùng, đất và cỏ mới chính là tình nhân vĩnh hằng, là người chồng muôn thuở của thi ca chị. Cám ơn người đàn ông ảo nào đó đã đi về trong giấc mơ để ban tặng nữ thi sĩ món quà của Chúa Trời là sự dịu dàng vô tận trong cuộc đời thô bạo, bỗ bã hố hầm này.
 
Người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh hi vọng sinh ra để được “sướng muốn chết”:
 
Sướng Muốn Chết
 
Anh bảo em:
– Má mày lấy tao sướng muốn chết!
– Không lấy tao chắc giờ này bán vé số!
 
Ngày ấy không gặp anh
Em vẫn là con chim manh manh
Lẻ loi đậu tít cành chanh
Lấy chồng như lấy mảnh sành đứt tay…
Lấy chồng sướng muốn chết
Làm mẹ ba đứa nhỏ sướng muốn chết
Thành bà nội được làm ôsin sướng muốn chết
 
Sướng muốn chết khoảng trời xanh sau bếp
Mưa cho suối chảy trong nhà
Có khi trời xuống la đà nồi niêu
 
Sướng muốn chết mùi dạ lan hương ngạt thở
Ăn ở với cà với dưa
Đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình
 
Sướng muốn chết đàn ông dạy vợ
Thương lá vàng làm con ở mùa thu
Đám mây muốn chết thành mưa
Tự dưng chim hót tưởng chưa có chồng…
 
Có cảm tưởng như Hồ Xuân Hương tủi phận hóa thân thành Ánh Huỳnh khiến ngòi bút chị bỗng cay đắng vô vàn, tủi phận vô vàn: “Ăn ở với cà với dưa / Đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình”. Tiếng kêu đòi quyền làm một người đàn bà đích tực luôn dằn vặt, vò xé tâm hồn nữ sĩ. Chị là “lá vàng làm con ở mùa thu”! Cái đẹp của tàn tạ, của héo úa vẫn có lúc le lói trong thơ chị thành niềm lạc quan, dù là lạc quan tếu, đọc lên mà xót xa, mà mủi lòng:
 
“Đám mây muốn chết thành mưa
Tự dưng chim hót tưởng chưa có chồng…”
 
Nhờ nữ sĩ, ta mới biết đám mây chết hóa thành mưa; và chia vui với chị, dù trong cái bếp khói um, tiếng chim vẫn lọt vào rủ rê chị về cái thuở “chưa có chồng”, cái thuở chị được quyền ngoại tình với cả trời đất, như trong bài thơ lục bát rất Nam Kỳ, rất Ánh Huỳnh, rất hay như sau:
 
Người Đàn Bà Viễn Chinh
 
Có ai đang đi ngoài kia
Vào đây chút để tôi chia muộn phiền
Bàng hoàng cơn gió nổi điên
Xé tan tành đám mây thiền trời xanh
 
Tôi ngồi dưới mái nhà tranh
Mà tâm hồn chạy loanh quanh ngoài đường
Chồng tôi bảo tôi đáng thương
Chuyện nhà lo ít muôn phương lo nhiều
 
Tôi không nói cũng lắm điều
Hồn tôi như một con diều đứt dây
Tại trời xanh hút lòng cây
Giấc mơ cũng bị trời gây phiền hà
 
Lại còn chim bướm còn hoa
Lá vàng dụ dỗ tôi ra khỏi mình
Hồn tôi là cuộc viễn chinh
Người chung thủy thích ngoại tình thiên nhiên.
 
Xin chào người đàn bà viễn chinh, người đàn bà phải lòng với tất cả, “ngoại tình với thiên nhiên”. May mà cái thế giới ảo trong tâm hồn người đàn bà này vẫn còn nguyên cả thiên nhiên trinh bạch, còn nguyên chàng gió, còn nguyên trời xanh cứu rỗi. Ta tìm thấy một tuyên ngôn thơ tuyệt vời của nữ sĩ:
 
“Hồn tôi như một con diều đứt dây”
 
Chỉ có gió mới ghen với con diều đứt dây này mà thôi. Không một người thực tại nào đuổi bắt được tâm hồn “đứt dây” của chị, dù người ấy là “ba sắp nhỏ” đi chăng nữa.
 
Không phải trai hay ông râu xồm râu quặm nào rủ rê nổi người đàn bà này bỏ bếp núc, bỏ chồng con đi bụi, mà chính chàng “Sở Khanh” có tên là “lá vàng” dám lẻn đến rủ rê tâm hồn chị đi ngoại tình với mùa thu. Đây cũng là một tuyên ngôn thơ thú vị của Ánh Huỳnh:
 
“Lá vàng dụ dỗ tôi ra khỏi mình”
 
Một câu thơ hay tuyệt. Trời ơi, chỉ một chiếc lá vàng rơi đã “dụ dỗ” được chị ra khỏi hồn mình phiêu du với anh gió, với chị mây. Hình như thân xác ta càng bị kẻ khác dồn vào bế tắc cùng đường thì tâm hồn ta càng tìm mọi cách tự giải thoát mình ra khỏi hoàn cảnh, càng thích phiêu du với trăng sao sông nước. Cám ơn Trời Phật, cám ơn Chúa đã ban cho ta linh hồn biết bay nhảy khắp vũ trụ, biết tìm thấy sự an ủi của tha nhân, dù là tha nhân ảo như thơ Ánh Huỳnh đã tìm được tri âm tri kỷ lá vàng.
 
Người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh đã tìm ra hạnh phúc ngay trong nỗi bất hạnh hôn nhân. Bài thơ “Trăng Sừng Bò” là bài thơ tình hay một cách hóm hỉnh, cái hay của tiếc nuối thời con gái, chấp nhận tàn phai vì chồng con, hi sinh cho hạnh phúc gia đình. Xin trích cả bài:
 
Trăng Sừng Bò
 
Anh bảo em:
ngước mắt lên dòm buổi tối trên đầu
trăng sừng bò nằm trên nhà ta
ôi trăng sừng bò
anh đã yêu em bởi vầng trăng vểnh ngược
con bò đi chơi
chỉ để lại cặp sừng
em
nghênh đêm
 
anh ơi
ngày xưa ta chớm đôi mươi
anh với tay lên trời
bẻ trăng sừng bò xuống
cho các con anh bú
 
giờ chỉ còn trăng
không phải sừng bò!
 
Bài thơ là một niềm vui sống nơi người đàn bà của chịu đựng, của bếp núc, của chén bát nồi niêu, nhọ nồi khói bếp. Thật bất ngờ câu thơ:
 
anh với tay lên trời
bẻ trăng sừng bò xuống
cho các con anh bú
 
Người đàn bà đã mang vầng trăng sừng bò thiếu nữ trên ngực mình, đặng dâng hiến cho chồng con, làm thiên chức phụ nữ. Cái dáng “anh” trong bài thơ thật ngạo nghễ, thật phi thường: “bẻ trăng sừng bò xuống / cho các con anh bú”. Ôi chao, người đàn bà cao lớn như vũ trụ, như thiên nhiên, dùng vú trăng nuôi nấng các hài đồng. Để mấy chục năm người đàn bà ngó xuống: “giờ chỉ còn trăng / không phải sừng bò”. Cám ơn những người mẹ đã nuôi lớn cả loài người bằng cả tâm hồn mình từng cong vút hai sừng bò sự sống. Thơ Ánh Huỳnh đã chạm vào trái tim những kẻ từng bú sữa sừng bò của bà mẹ trẻ ngày xưa, trong đó có người đang bình tán thơ chị.
 
Thơ Ánh Huỳnh trong tập này, hầu như bài nào cũng khá, cũng hay, không thể trích ra cả tập để khen được. Chúng tôi đành trích câu để bình phẩm hầu độc giả:
 
Người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh có thứ vũ khí vô song, như một trái bom thu nhỏ bằng hạt sương, mạnh hơn bom nguyên tử. Ấy chính là nước mắt. Nữ thi sĩ dặn con:
 
khi yêu
có nước mắt dẫn đường
 
Có thể nói, con đường nước mắt đã dẫn Ánh Huỳnh tới thi ca. Chừng như kẻ ác không biết khóc? Khóc là dấu hiệu của nhân tính, của trái tim yêu đạt đến tột cùng. Hình như cả Phật và Chúa đã đi theo con đường này để đến với nhân loại? Chị dặn con hãy tin vào giọt nước mắt và đi theo nó đến cuộc đời này. Câu thơ hay một cách kinh ngạc. Hình như con đường của dân tộc ta đang đi cũng là con đường nước mắt, con đường đau thương mà thi ca Ánh Huỳnh đã trải qua. Chị lại viết thật hay về nước mắt, chao ôi chết rồi nằm trong mồ sao lệ vẫn còn tuôn:
 
Mẹ giấu nước mắt vào thơ
Cám ơn giọt lệ bơ vơ làm người
Cám ơn khóc núp trong cười
Cám ơn nước mắt chết rồi còn tuôn…
 
Tôi yêu “giọt lệ bơ vơ làm người” này biết bao nhiêu cho vừa. Hèn gì Huy Cận từng viết: “Trái đất ba phần tư nước mắt / Đi như giọt lệ giữa không gian”. Từ “giọt lệ bơ vơ” đến trái đất bơ vơ chừng như chỉ cách một câu thơ của Ánh Huỳnh và Huy Cận? Người đọc nhờ thi ca mà tìm được cái bơ vơ của bản thể vũ trụ. Chính vì bơ vơ quá, anh phải tìm em mà núp. Chúng ta chừng như đang bơ vơ giữa sa mạc cuộc đời. Cần phải níu vào nhau mà tồn tại. Bơ vơ à ơi hỡi bơ vơ…
 
Thơ Ánh Huỳnh đầy những phát hiện sâu sắc. Mẹ sinh ra con, đồng thời mẹ cũng sinh lại chính tuổi thơ mình. Con là tâm hồn mẹ, tuổi thơ mẹ được tái sinh. Xin đọc ba câu thơ rất hay của Ánh Huỳnh ca ngợi con mình đã sinh ra tâm hồn mình:
 
Cám ơn con
Mẹ đã sinh ra thân xác con
Nay con chợt sinh ra tâm hồn mẹ!
 
Con chợt sinh ra tâm hồn mẹ! Câu thơ nhân ái vô cùng và hay khôn xiết không chỉ bởi tính triết học của nó. Triết học trong thơ Ánh Huỳnh là triết học thơ ngây, triết học của xúc cảm! Nhờ câu thơ này, tôi mới phát hiện ra rằng tâm hồn ta cần con trẻ, cần sự bi bô hài nhi để được sinh ra mãi mãi. Chả thế mà Chúa đã phán: “Này ta bảo cùng Phê rô: nếu ai không hóa thành con trẻ thì nước trời không thuộc về kẻ ấy”. Tâm hồn ta tồn tại trong kẻ khác, bằng kẻ khác. Hãy làm cho tâm hồn mình hóa hài nhi, thưa bạn, bạn đã đạt được Niết Bàn hay thiên đường. Tôi chưa tìm thấy một câu thơ nào trên đời như câu thơ viết về mối quan hệ mẹ con hay như Ánh Huỳnh đã viết: mẹ sinh ra thân xác con, con sinh lại tâm hồn cho mẹ.
 
Nhưng tâm hồn cũng như thân xác, cần được nuôi bằng thực phẩm riêng của nó. Thân xác phải ăn, phải uống, phải hít thở mới tồn tại. Người chồng bảo người vợ trong thơ Ánh Huỳnh sao không lo cái hầu bao, chỉ lo cái tào lao vớ vẩn. Nhưng những món tào lao, món vẩn vơ, món không đâu, món ấm ớ nửa hư nửa thực kia mới chính là thực phẩm của tâm hồn. Xin hãy đọc khổ thơ sau của tác giả để cảm nhận cùng chị, rằng để có một tình yêu, một tâm hồn mơ mộng lãng mạn, đặng cân bằng với thực tế phũ phàng hầu như không phải là chuyện dễ:
 
Một đời nô lệ hầu bao
Một đời bỏ cái tào lao theo chồng…
Bỏ đom đóm miệt vườn về phố
Ngất ngây hương lúa thơm tào lao
 
Suýt chết đuối đáy hầu bao
Nhờ đom đóm miệt vườn cứu thoát
Nhờ tiếng chim hót quên mất mình là ai
Như chết đuối sông sâu níu được vạt lục bình
 
Nổi lên mới biết còn mình
Cái không ăn được là tình đó anh.
 
Xin cám ơn những món không ăn được kia, những miệt vườn đom đóm, những vạt lục bình bâng quơ, những sớm mai chim hót, những bờ bao hương lúa xôn xao trong thi ca, trong cuộc đời đã cứu rỗi tâm hồn ta.
 
Ánh Huỳnh thường thấy những buổi chiều liêu trai bị thực tại hắt đổ đi như đổ một bát nước. Câu thơ rất hội họa, rất điện ảnh này đang cầu cứu chúng ta hốt lại những buổi chiều thi ca bị thói vô cảm đổ sông đổ biển:
 
Đám mây màu bã mía
Đã hắt chiều
Đổ đi!
 
Chao ôi là những đám mây màu bã mía, những đám mây bị gió vắt kiệt cùng đã hắt chiều đổ đi. Ai đã đổ chiều vào đêm, đổ anh vào em cho cái hôn bão táp, cái hôn bốc lửa:
 
Nhớ tối nào
anh hôn em
bầm dập cả trăng non
 
Cái hôn “bầm dập cả trăng non” làm nảy đom đóm mắt, làm nhòe nát cả trời khuya tưởng còn quằn quại câu thơ, vết thương yêu tưởng nuốt mất môi người:
 
ước gì trời rét
để em được gói đôi môi mình
vào chiếc khăn len.
 
Môi đã bị thương vì cái hôn thi ca, muốn được gói vào khăn len gửi tình xa rét mướt. Thi ca, chừng như đã vượt qua mọi giới hạn thực tại để tới miền đất hứa của mình là tưởng tượng, là vô biên. Và người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh chết rồi còn thấy rét, còn cần chiếc chăn của tình yêu có tên là nấm cỏ đắp lên cho ấm thi ca, cho ấm hồn người:
 
Mai sau
Em ngủ giấc muôn đời
Chỉ còn sóng
Thuỷ chung
Anh đắp lên mồ em
Từng sóng cỏ…
 
Những câu thơ tỏ tình với gió của Ánh Huỳnh sao buồn thương thế, ám ảnh thế, mênh mông thế:
 
Thế rồi gió cướp em đi
Bóc em như bóc hành khi điên cuồng
Gió ngoan thì thổi ngoài đường
Sao vô phòng ngủ gió lường gạt em?
 
Nhà thơ bị cơn gió tình si lường gạt rủ rê hoài: đi đi, thoát khỏi cái thế giới tẻ nhạt và buồn đau này để đến với bao la, đến với cái không bờ bến của hư vô, của cõi địa đàng thăm thẳm xa xưa vẫn nằm trong mộng tưởng. Nàng thơ rủ cả thế giới chưa trưởng thành này đi làm vua, những ông vua xách dép, vua cởi truồng, vua bị mẹ rượt mếu máo khóc ù ơ:
 
Nào các anh hai, anh ba…
theo em đi làm vua
ta trở về thời con nít
một thế giới chưa trưởng thành
ai cũng thích làm vua!
 
Thơ Ánh Huỳnh tồn tại trong nỗi buồn; xin độc giả đừng múc cạn nỗi buồn trong chiếc giếng cô đơn của nữ thi sĩ:
 
xin anh
đừng múc cạn nỗi buồn
trong đôi mắt em
để em còn là giếng nước.
 
Xin đọc những câu thơ rất hay, rất thi sĩ này của Ánh Huỳnh mà chia sẻ với những buổi chiều góa bụa hoàng hôn, những buổi chiều tâm hồn chị trải lá vàng cho thi ca se sẽ dấu chân chim:
 
ôi những buổi chiều
không có hôm qua
 
em vẫn còn anh
mà goá những buổi chiều
 
chiều hôm nay ơi
anh ơi
nhẹ chân thôi
chúng ta đang giẫm lên
xác những buổi chiều
 
Linh hồn những chiều đã bị thi ca bắt mất. Xin hãy nghiêng mình mặc niệm cho “xác những buổi chiều” của chị được yên nghỉ dưới hoàng hôn thi tứ…
 
Tôi tin rằng thi phẩm kỳ lạ “Đừng Múc Cạn Nỗi Buồn” của nhà thơ Ánh Huỳnh sẽ còn mãi trong tình yêu thi ca bạn đọc. Tiếc thay, tập thơ đã ra đời 9 năm, hôm nay tôi mới được đọc. Tôi sẽ mang “những buồi chiều không có hôm qua” của nữ nhà thơ đi vào cõi lặng, để chiêm nghiệm và để yêu tiếng Việt của chúng ta đến trọn đời.,.
 
Sài Gòn ngày 01-9-2017
Trần Mạnh Hảo
 
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com