User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
muadongtrongamnhac
 
Thưa bạn đọc,

Chúng ta đã nghe những dòng nhạc, lời ca nhắc nhớ đến ba mùa: Mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Kỳ này, thầy trò tôi xin bàn nốt đến những nhạc phẩm liên quan đến mùa đông.

Xin mời thầy Nguyễn Túc.

Như chúng ta đều nhớ, trong thơ Tàu có 4 câu bàn về 4 mùa:

Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi

Đó là quan niệm và sở thích của các nhà nho, cho rằng mỗi mùa có một cái thú riêng để thưởng thức: Mùa xuân rong chơi trên cỏ non, mùa hạ thưởng thức hương thơm bên hồ sen, mùa thu nhắp chén Hoàng Hoa tửu. Riêng về mùa đông thì các cụ ưa ngâm vịnh cảnh tuyết rơi, tuyết bay, tuyết phủ.

Nói thật với bạn đọc, chứ tôi chúa là ghét cái cảnh mùa đông lạnh thấu xương, tuyết phủ ngập đường, ngập luôn cả xe cộ, không đi đâu được. Mà nằm mèo ở nhà thì buồn hiu hắt, buồn như chấu cắn, bó cẳng – bó gối – bó giò rất ư là bực dọc, khó chịu. Có lúc thấy ngứa ngáy tay chân, nhất quyết lái xe xuống phố trưa nay, lúc đem xẻng ra cào tuyết, xúc tuyết thì lại xúc nhầm xe người khác!!! Tức muốn chết!

Trong phạm vi tân nhạc, hẳn nhiều nhạc sĩ cũng đã hình dung ra cái khung cảnh mùa đông nó ảm đạm, tê tái như thế nào rồi. Nhưng trong đề tài này, chúng ta sẽ đi sâu hơn về chi tiết để tìm hiểu xem các nghệ sĩ đã gửi gấm can tràng ra sao qua những giai điệu cùng ý tình diệu vợi.

Nói như thế, có nghĩa là tôi muốn nhường lời để Cai tôi vào chính đề theo như bổn cũ.

Cai tôi: Em xin cám ơn thầy.

Thưa bạn đọc, Cai tôi xin nhập đề ngay để nói đến mùa đông trong tân nhạc. Và mỗi nói đến mùa đông là chúng ta nghĩ ngay đến bài Đêm Đông của Nguyễn văn Thương, lời Kim Minh.

Bản này, Bạch Yến, người được coi là đã ca diễn rất thành công nên mỗi khi nhắc đến Đêm Đông chúng ta liên tưởng ngay đến Bạch Yến. Trong bài viết về những nét đẹp trong tân nhạc, chủ đề Đêm Đông trong tân nhạc, chúng tôi đã chép cả bản nhạc rồi nên ở đây, chỉ xin nhắc lại một đọan nhỏ thôi:

…Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…
 
Đó là cái cảnh đêm đông lạnh lẽo, xa nhà, mơ ước một mái ấm gia đình. Không biết là người lữ khách lê bước chân phong trần tha phương nơi đâu, làm chi, bận rộn gì mà không về nhà trong những ngày đông tháng giá. Để mong được ai đó cảm thương cho cái cảnh cô lữ không nhà giữa đêm đông!

Qua một bản nhạc khác, chúng ta có Mùa Đông Binh Sĩ của Phan Huỳnh Điểu. Bài này nói rõ hơn một tí, kể lại cuộc đời chiến binh của những người trai hùng đi giữ biên cương, lạnh lùng nơi quan ải. Những rét mướt, gió mưa tầm tã, những u buồn cô đơn trong tâm hồn kẻ ở miền xa, Cai em xin nhờ chị Lệ Thu vui lòng nói giùm tác giả:

Lời 1:

Mùa đông giá lạnh lùng, gió lạnh lùng
Chim thôi bay, nhìn mưa gió hãi hùng
Ngoài xa, ngoài biên cương
Bao chiến binh ôm súng buồn nhớ quê hương.
 
Trời gió, gió chi cho thêm lạnh lùng
Thân chiến sĩ nơi chiến trường
Mưa đông theo gió rét lạnh
Vi vu buồn thổi lá cành
Buồn vang đây đó, chiến binh người ơi!
 
Nào ai đang ấm no, thấy chăng ngoài chốn xa
Một đoàn hùng binh trấn biên cương
Lạnh lùng với xa nhà
Nhìn thấy gương xả thân lòng đau xót
Thương người chốn xa.
 
Lời 2:

Miền sơn cước gập ghềnh, gió ào ào
Muôn quân Nam ngoài mưa gió thét gào
Đường đi đầy cheo leo bên núi cao
Vang tiếng hò giữa đêm đông
Trời rét, toán quân binh không ngại ngùng
Cơn gió bão tê tái lòng
Xông pha thây xác máu thù
Gươm thiêng nguyền giữ giống dòng
Thầm mưa băng gió, sá chi mệnh vong
 
Nào ai đang ấm no, nhớ công người chiến binh
Mùa đã về đông, chốn biên cương lạnh lùng với xa nhà
Nhờ gió thôi bớt reo niềm ai oán
Thương người chốn xa.
 
Thầy có ý kiến gì về bai này không ạ?

Cứ như tôi nghĩ thì chiến sĩ nơi biên thùy vào mùa đông lạnh lùng cũng buồn thảm thật đấy, chả khác gì chim thôi bay, nhìn mưa gió hãi hùng. Lại thêm nỗi nhớ nhà nữa – nhưng con chim thì nó chỉ nhìn mưa gió mà đâm ra hãi hùng thôi chứ nó không biết nhớ nhà – nên người lính chiến ôm súng mà rầu rĩ nhớ cố hương!

Không biết người ở hậu phương có thông cảm với nỗi buồn ấy của người xa xôi chốn biên thùy?

Em nghĩ là thầy hỏi tức là trả lời rồi!

Ừa, thế nghĩa là cậu bảo tôi đã có sẵn câu giải đáp? Hỏi làm chi nữa cho mệt phải không? Nếu ý cậu như thế thì tôi có nói nữa cũng bằng thừa. Vậy thì ta sang bài khác!

Sang bài khác, em thấy có bài này, chỉ đổi cái tựa dề đôi chút thôi, chứ nội dung chắc cũng sêm sêm như bài trước.

Thì cậu cứ nhờ ai hát đi rồi xem sao!

Dạ, cháu nhờ cô Thái Thanh diễn tả giùm bài Mùa Đông Chiến Sĩ của Phạm Duy:

(Điệp khúc)

Mùa đông đã tới nơi rồi
Gửi mau áo rét cho người chiến binh
Nào ai vui thú gia đình
Gửi ra chiến sĩ chút tình nước non.
1
Anh đi giết giặc ngoài xa
Em về may áo gửi ra chiến trường
Ư ừ ừ ừ ừ… Lòng nhớ thương!
Tay cầm tấm áo nhớ thương
Người đi một bước trăm thương nghìn sầu
Ư ừ ừ ừ ừ… Sầu vì đâu?
Đêm khuya gió lạnh vì đâu?
Bao người trai tráng rủ nhau đi giết thù
Ư ừ ừ ừ ừ… Ngoài gió mưa!
Ai về qua chốn gió mưa
Để em gửi áo chăn đưa tặng người
Ư ừ ừ ừ ừ… Người, người ơi!…
(về Điệp khúc)
2
Trăng ơi! Mắc ngọn cành tre
Em ngồi may áo mà se se tấm lòng…
Ư ừ ừ ừ ừ… Vì ước mong
Qua mùa rét mướt ướt mong
Người đi người sẽ trả xong thù nhà
À a à à à… Về cùng ta…
 
Bài này Phạm Duy viết ở Thái Nguyên năm 1947, thuộc thể điệu dân ca kháng chiến.

Thầy Nguyễn Túc:

Cậu thấy bài này có câu nào đắc ý không?

Dạ, có câu này: Tay cầm tấm áo nhớ thương, người đi một bước trăm thương nghìn sầu!

Có nghĩa là…?

Là nếu đi hai bước thì niềm thương nhớ nhân lên gấp đôi. Đi ba bước, nhân lên gấp ba. Đi bốn bước nhân…

Nhân nhiếc gì đâu! Đấy là cách diễn tả niềm thương nỗi nhớ nó nhiêu khê, diệu vợi, thắm thiết như thế đấy! Còn cậu cứ thẳng mực Tàu, tôi gọi là dùi đục chấm mắm cáy thì làm sao thấu hiểu được thâm ý của tác giả!

Dạ, thầy nói đúng đấy ạ! Có sao em nghĩ vậy nên lắm lúc nó vận vào người, đâm ra mụ mẫm lúc nào không biết!

Không biết thì sang bài khác đi!

Em thấy Nhật Bằng có bài Mùa Đông Tuyết Trắng. Chắc nhạc sĩ sáng tác bản này khi đã sang đến bên Mỹ, nhịp 3/4 tình cảm thiết tha. Em nghe không mấy quen thuộc nhưng cũng xin trích một đoạn để giới thiệu với bạn đọc:

Chiều nay tuyết đang rơi, đang rơi ngoài trời
Sầu dâng lắng tâm tư, nỗi bâng khuâng ngập tràn
Tưởng nhớ đến quê hương, cách xa xôi ngàn trùng
Kỷ niệm xưa cũ, nay tìm thấy đâu!

Ngoài hiên tuyết rơi mau, lá cây xanh bạc màu
Đường in vết chân sâu, lối đi bên nhịp cầu
Thời gian quá đi mau, những lo âu buồn sầu
Để lại tình khúc, dư âm ngày đầu…
 
Thầy Nguyễn Túc: Nhân nói về mùa đông, về tuyết trắng, cậu có thể nói qua-loa-rơ-măng vài hàng về tuyết được chăng?

Cai tôi: Thầy hỏi cái này hơi khó đấy nha! Em có biết mô tê gì về tuyết đâu mà giả nhời bây giờ!

Thì cậu mở Internet ra dò trong đó xem sao!

Cai tôi mở máy điện toán, mò vào chữ Snow có được mấy chi tiết như sau về tuyết:

Tuyết là tinh thể đá, nhỏ, màu trắng, 6 cánh, từ nhỏ li ti đến cỡ bự.

Sở dĩ tuyết có màu trắng vì nó chịu ánh sáng mặt trời cũng màu trắng.

Tuyết bắt đầu rơi khi nhiệt độ gần với độ đông lạnh, bầu trời u ám, gió nhẹ, khí hậu không điều hòa.

Vùng nhiều tuyết nhất ở Mỹ là Rochester, NY, trung bình hàng năm có tới 94 inches tuyết phủ. Đứng thứ nhì là Buffalo, cũng ở NY. Một ngày đầu tháng Chạp năm 1995, vùng này có tới 39 inches tuyết (chừng 1 thước), phải mất 5 triệu đô la để xúc tuyết!

Hàng năm trung bình có 105 trận bão tuyết ở Hoa Kỳ, mỗi trận bão kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Mỗi khi có bão tuyết là có người chết do tai nạn xe cộ, kẹt đường, tuyết đổ, trời đất sầu thảm mịt mùng!

Thầy Nguyễn Túc: Đấy là nói về bão tuyết, còn như mùa đông tuyết phủ trên đỉnh Phú Sĩ bên Nhật, tuyết trắng trên dãy Hy Mã Lạp sơn, trên các nước Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Thụy Điển, các nước Đông Âu, Liên Sô cũ, bên Trung quốc thì cảnh trí mùa đông cũng mang nhiều hình ảnh, màu sắc độc đáo lắm chứ! Ấy là chưa nói đến những môn thể thao mùa đông như trượt tuyết trên đồi núi, trên đá băng thật là hấp dẫn.

– Em nghe nói là chơi những môn thể thao này cũng tốn kém lắm. Phải là dân có tiền mới dám chơi sang như thế! Mà trượt tuyết cũng chả phải là dễ dàng gì đâu! Té oành oạch í chứ lị!

Thế cậu có thích tuyết không?

Dạ, hồi xưa em rất yêu thích tuyết, nhưng từ ngày Tuyết đi lấy chồng rồi thì em không còn hứng thú gì khi nghe đến cái tên này nữa!

Còn cái tên Bạch Tuyết thì sao?

Dạ, tên thì hay rồi, truyện cũng lâm ly nữa. Có tới 7 chú lùn chung quanh nàng Bạch Tuyết, chỉ tiếc là các chú ấy hơi lùn! Giá mà cao hơn một tí như em đây thì đỡ biết mấy!

Nhân nói đến cái tên đẹp này, em nghĩ cũng ngộ là nhiều cô có tên Bạch Tuyết, Như Tuyết, Tuyết Trinh… mà người thì đen như củ tam thất!

Kệ người ta! Cái đó là do cha mẹ đặt khi lọt lòng chứ ai chả muốn con mình đẹp như tiên, trắng như tuyết! Thế vợ cậu tên gì?

Tên Nga! Trong nhà em có mấy tên Nga, mà Nga nào cũng dễ sợ, kinh khủng còn hơn cả Nga Sô nữa cơ, thầy ạ! Hóa nên, bi chừ nghe ai nhắc đến cái tên Nga là em hồn siêu phách lạc rồi!

Cậu liệu hồn, ở vùng này nhiều cô nhiều bà tên Nga lắm đấy! Chớ có bô bô mà có ngày mang họa!

Em cám ơn thầy. Ta đi tiếp được không?

Còn gì nữa!

Dạ, còn Trên Đỉnh Mùa Đông của Trần Thiện Thanh Toàn.

Có phải cũng còn là Trần Thiện Thanh nữa phải không?

Dạ phải. Ông này còn mấy bút hiệu khác như Anh Chương, Anh Thy nữa cơ ạ! Bài này theo điệu Boston Rock, nhịp 3/4, chúng ta phải nghe chính tác giả trình bày mới thấy thấm thía. Đây, CD với tiếng hát Nhật Trường:

Từ một ngày xa trước, anh đưa em về, bóng ngã đam mê
Em dấu son gót mềm, nhủ lòng lãng quên, mà nhớ đêm đêm
Chuyện một lần yêu ái như chuyện một đời con gái
Cho anh một lần. Anh được gì không? Em còn gì không?

Ôi những câu chuyện lòng, làm thơm ngát thêm tuổi hồng
Em ơi! yêu đi yêu đi, trên đỉnh yêu đương, gió tỏa thêm hương
Ôi những câu chuyện lòng, từ lâu vẫn như mùa đông
Em ơi! Yêu đi, yêu đi nếm thử thương đau, khi hạnh phúc qua mau

Kể từ sau đêm đó, sân vui Đại Học mất tiếng chim ca
Cho dẫu không xóa nhòa, thì rồi cũng qua, tình cũng bay xa
Ngàn ngày trôi xa vắng, chưa cao một lần cay đắng
Xa nhau một đời, em còn gì đâu?Anh còn gì đâu?…
 
Thầy Nguyễn Túc:

Cậu làm ơn sì tốp, cho tôi hỏi cái đã! Tôi có thấy gì là Trên Đỉnh Mùa Đông đâu!

Dạ, ngụy trang í mà! Chính ra phải là Trên đỉnh yêu đương đấy ạ!

Ở chỗ nào?

Dạ, chỗ này: Từ một ngày xa trước, anh đưa em về, bóng ngả đam mê. Rồi sinh ra chuyện một lần ân ái, thế là xong một đời con gái. Rồi anh chàng mới hỏi lẩn thẩn rằng: Anh được gì không? Em còn gì không?

Hỏi có nghĩa là trả lời rồi!

Dạ, chính thế! Anh có mất mát gì đâu! Chỉ có em đang là con gái hóa thành liền bà thôi à! Vậy mà chàng ta còn hô hào: Em ơi! Yêu đi, yêu đi, trên đỉnh yêu đương!

Thế cô con gái vẫn tỉnh bơ tiến bước trên đường khuya?

Dạ, đã tiến là tiến luôn, không lùi được nữa. Đằng nào cũng đã thiệt đơn lợi kép rồi! Còn gì nữa đâu mà phải gìn vàng giữ ngọc!

Ừa nhỉ! Một liều ba bảy cũng liều. Thế hạ hồi tính sao?

Đâu có tính toán gì nữa, cứ tiếp tục yêu đương trên đỉnh mùa đông cho Yêu đương rũ rượi.

Tôi nghe hãi quá chừng chừng! Ngộ nhỡ có cái ắc xi đăng nào thì khốn chứ chẳng phải chơi đâu!

Chuyện đó hạ hồi phân giải!

Nghe ghê quá! Thôi tiếp đi!

Bài tiếp nghe còn ghê hơn nhưng không tai hại, vì chuyện tình đã nhạt phai. Không nghe nói đến Yêu đương rũ rượi, mê ly, ác ôn mà lại có phần oán trách người xưa.

Đâu, oán trách ra sao, cậu nói nghe coi!

Em không nói. Đây là Lê Hựu Hà với ca khúc của chàng mang tên Phiên Khúc Mùa Đông. Xin nhờ Khánh Hà và Lưu Bích vui lòng cất tiếng:

Nước mắt ấy đã lau khô rồi
Đôi môi ấy đã quen tiếng cười
Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi
Cuộc tình lỡ đã xa ta rồi
 
Tiếc nuối mấy cũng thêm thừa
Yêu đương mấy, nói sao cho vừa
Cuộc tình đủ để em cười đùa
Đọa đày đó giờ đã đến mùa…
 
Trong quan tài buồn hồn nghe thêm trống vắng
Tóc chưa xanh một làn nhưng tim nghe đã thương thân
Trong cơn gọi hồn đời nghe xa xôi lắm
Gót chân đi chưa mòn đường tình nay đã lơi dần…
 
Thầy Nguyễn Túc:

Tôi vừa nghe thấy trong bài này lại có cả quan tài nữa là sao vậy?

Dạ, là tình nhạt phai rồi, em đã vui đùa với ái tình rồi rũ áo ra đi. Bởi thế cho nên chàng ta mới chết điếng người, coi như tự mình chui vào nằm trong quan tài buồn một mình mà hồn thì nghe thêm trống vắng…

Vậy có được cái ích lợi gì không?

Dạ, được! Được dịp kể khổ cho đời đỡ khổ!

Tôi nghĩ là lại càng thêm khổ í chứ! Nhưng cứ như tôi theo dõi thì mùa đông có nhiều cái khổ hơn là cái sướng. Cậu nghĩ sao?

Em cũng nghĩ như thầy, nhưng còn hơn một tí nữa!

Tí nữa là thế nào?

Là thế này: Biết đâu nhờ ai oán can tràng như thế, may ra đến tai người đẹp, cô ấy mủi lòng thương hại, lại quay về với mối tình xưa thì có phải là ô mê ly đời ta không cơ chứ!

Cũng có thể và không thể! Nhưng không thể thì chắc đến 99,99% đấy cậu ạ!

Em cũng biết thế nhưng còn nước còn tát mà thầy!

Để thay đổi không khí, em xin mời thầy cùng bạn đọc thưởng thức một khúc ca tuy nói là Sầu Đông của Khánh Băng như lại mang điệu Twist. Bản này do chính tác giả chơi Guitare, Trần Vĩnh thổi Saxophone, tay trống Huỳnh Anh giữ nhịp, Việt Ấn sử dụng đại hồ cầm, qua một CD với nam tài tử Hùng Cường:

Chiều nay gió đông về, dừng chân trên bến xưa
Đời trai gió sương, về thăm cố hương
Tìm bao nhớ thương mà sao phố phường vắng!
Tình sầu lạnh buốt đêm trường

Rồi ngày mai sẽ ra đi phương trời
Biết đâu trên đường vạn nẻo từ ly
Biết đâu cuộc đời ngày mai đổi thay
Mà tôi vẫn còn tiếc nuối phút giây ban đầu

Ngại ngùng bước chân buồn, em đã sang ngang rồi
Đành thôi nhớ mong, cười theo gió đông
Tình yêu giá băng, vào nơi cuối trời…nhớ
Sầu đông còn đến bao giờ?

Thầy Nguyễn Túc:

Hình như mối tình của chàng này không có gì gọi là đậm đà cậu ạ! Vì chàng chỉ buồn khi nghe tin em đã sang ngang mà tiếc nhớ phút giây ban đầu thôi, chứ không đến nỗi nằm trong quan tài buồn mà kể khổ!

Dạ, thì đành cười theo gió đông vì tình yêu đã đông lạnh rồi!

Nhưng nói thế thôi, chứ bài này coi như vui đấy cậu ạ!

Dạ, em coi thầy vừa nhảy Twist vừa mơ màng đến người đẹp phương xa mà cũng thấy tội cho thầy hơn là tội cho Khánh Băng!

Thây kệ tui! Tiếp đi!

Vãn nói về mùa đông tuyết phủ, em có bài Tuyết Lạnh của Lê Dinh và Phương Trà, theo điệu Habanera. Xin bạn đọc nghe trước rồi ta sẽ bàn sau. Mời Giáng Thu và Mạnh Quỳnh ca giùm bản này:

Tại anh đó nên duyên mình dở dang
Em nào mộng mơ quyền quý cao sang
Một căn nhà nhỏ, đôi trái tim vàng
Một giàn thiên lý giăng ngang
Đường tình hai đứa thênh thang
 
Tại em đó nên duyên mình lẻ loi
Ai ngờ rằng đâu tình đã chia phôi
Tại em không hiểu hay bởi do Trời
Trời đày hai đứa hai nơi
Để rồi nay thấy buồn cả đôi.
 
Khi xưa anh không nói nên đâu ngờ
Để rồi anh trách em hững hờ
Để giờ anh trách em thờ ơ
 
Xa người thương đành phụ bạc lời yêu đương
Cho tình duyên tan tác, cho đôi đường chia ly
 
Giờ xa cách nhau anh hiểu vì đâu?
Anh đừng giận em, đừng trách chi nhau
Thì thôi kỷ niệm mình khắc trong lòng
Tình đầu nay đã không mong
Cầm bằng ôm tuyết lạnh mùa đông!

Thầy có ý kiến gì không?

Mới nghe qua thì hình như cặp này có gì trục trặc nên đồng đổ cho bóng, bóng đổ cho đồng, chả ra làm sao cả! Cậu thấy thế nào?

Em thấy là đôi bên đổ thừa cho nhau như thầy vừa nói đó. Em có thể tóm gọn lại là Tại anh, tại ả, tại cả đôi đường nên hư bột hư đường ráo trọi. Nhưng con gái bao giờ cũng khôn, nên nói vuốt đuôi là anh đừng có giận em tội nghiệp em, tình đầu nay đã không thành thì cứ coi như anh đang ôm một tảng tuyết giữa mùa đông để kỷ niệm khắc mãi trong lòng.

Thế cô í có ôm cái gì không?

Dạ, có ùù! Cô í đã đi lấy chồng rồi, đang ôm con, cho con bú chứ còn làm cái gì nữa!

Ừa, có thế chứ, chả nhẽ đi sóp pinh à?

Nếu cô í đi sóp inh thì em cá với thầy, chém chết là anh chồng cô ấy cũng ngồi dài người trong mall cả nửa ngày chờ vợ!

Ai bảo! Thôi thây kệ chuyện người ta. Tiếp đi!

Một người có nhiều mối tình buồn là Lam Phương đã than thở trong bài Tình Chết Theo Mùa Đông. Cuộc tình này coi như tình một chiều, chàng ngồi nhìn mây trôi, nước trôi, nhìn chim bay mà nhớ em, nhớ ơi là nhớ! Càng nhớ càng xa, mười năm rồi còn gì, nhắc lại làm chi! Và em đi đi mãi. Mình anh ngồi bơ vơ, chờ đợi kiếp sau họp mặt. Còn kiếp này đành thôi, em đang du dương với ai thì anh cũng cam phận!

Thôi, hát đi!

Dạ, xin nhờ anh Chế Linh lên tiếng ca giùm bản này ạ!

Chiều buồn ngồi một mình
Nhìn mây trôi mênh mang
Nhìn đôi chim lang thang, lang thang
Trời buồn ngày càng buồn
Trông mây nước thêm bâng khuâng
Nhớ em từng phút mong từng giây em ơi!
 
Biết rằng cuộc tình đầu
Thường gây bao thương đau
Càng yêu nhau càng xa nhau mãi mãi
 
Thà rằng người đừng về
Cho nuối tiếc thêm dâng cao
Để cho tình chết theo mùa đông năm nao
 
Người đến tìm tôi một đêm trời bão bùng
Giọng nói người xưa như hờn oán
Đừng nhắc người ơi, mười năm rồi còn gì
Anh sợ, anh sợ những ngày biệt ly
 
Thế rồi tình lại buồn
Vì ai gây chia ly
Vì ai em ra đi mãi mãi
Giờ thì còn lại gì?
Hay muôn kiếp khóc cho nhau
Chúc em hạnh phúc trong tình duyên mai sau.
 
Thầy Nguyễn Túc:

Tôi thấy cái anh chàng này thật là đoảng vị, chả biết tâm lý ái tình gì sốt cả! Như đoạn đầu chàng nói là nhớ em từng phút, mong từng giây. Rồi càng yêu càng xa nhau mãi mãi. Vậy là say mê đắm đuối lắm í chứ lị!

Dạ, chính thế!

Thế thì chả hiểu làm sao mà mãi đến 10 năm sau, nàng mới đến tìm chàng trong một cơn mưa gió bão bùng, đổ thừa rằng vì chàng mà em phải ra đi. Lý do nào, em không biết. Chỉ biết là chàng lại than trời như bọng. Giờ em có còn gì nữa đâu? Thôi thì muôn kiếp khóc cho nhau chứ thiệt tình chỉ có một mình chàng khóc thôi chứ em đâu có mắc mớ chi mà em phải khóc?

Này, tôi hỏi cậu: Vào trường hợp của cậu gặp lại em sau 10 năm đếm từng phút từng giây, thì cậu phản ứng ra sao?

Dạ, em cũng nghĩ như thầy, là em ôm chầm lấy, hôn tới tấp, xong em mời nàng ở lại đây đêm nay, xin em đừng về vì đường xa ướt mưa!

Ngộ nhỡ cô ấy biểu rằng phải về kẻo chồng cổ ngóng cổ chờ trông thì sao?

Thì em đã nói rằng gặp nàng là hun tới tấp rồi nên nàng còn hơi sức đâu mà nghĩ tới chồng con nữa? Chuyện đâu cứ để đó, vui trọn đêm nay rồi mai sẽ liệu…

Vậy là đúng tâm lý ái tình đấy! Tôi hoàn toàn đồng ý!

Em cũng nghĩ vậy đó! Còn câu chót, chúc em hạnh phúc trong tình duyên mai sau thì đó chỉ là câu nói chiếu lệ cho đủ lễ nghi thôi, chứ có ăn thua gì nữa đâu mà chúc với chiếc!

Thì cứ phải nuôi hy vọng chứ chẳng nhẽ ngồi đếm thời gian hoài à?

Anh chàng này đâu phải là cái đồng hồ Big Ben mà đếm kỹ thế? Còn phải đi làm đi ăn, ngủ nghê tắm táp, chuyện trò linh tinh các mục khác nữa chứ hơi đâu mà ngồi đếm…! Chẳng qua nói cho bi thảm hóa cuộc đời í thôi.

Cù lần như thế thì đào nó bỏ là cái cẳng! Thôi, nghe nực quá rồi, sang chuyện khác được không cà?

Dạ, được. Còn một bản này, vẫn nói đến mùa đông nhưng lại độc quyền của riêng anh thôi.

Làm gì mà ghê gớm vậy?

Dạ, chưa ghê gớm bằng nội dung của bài hát, nhiều chuyện còn kinh khủng hơn nữa kia!

Lạ nhỉ! Nói nghe coi!

Dạ, đó là bài Mùa Đông Của Anh của Trần Thiện Thanh. Em xin mời thầy và bạn đọc nghe cho thật kỹ rồi em sẽ xin ý kiến sau. Bài này cũng vẫn do Nhật Trường ca thì mới gọi là o-ri-gin, mới diễn tả đầy đủ ý tình của người nghệ sĩ:

Ngày nào anh yêu em? Anh đã quên trong cay đắng tuyệt vời
Ngày nào em yêu anh?Em hẳn quên với trời hạnh phúc mới
Em ơi! Đông lại về từ trăm năm lạnh giá
Tim anh như ngừng thở từ sau ân tình đó
Em nghe không? Mùa đông, mùa đông!
 
Ngày nào ta xa nhau? Anh bước sâu trong vũng tối nhạt nhòa
Từng mùa đông theo qua, anh đã quen với định đời băng giá
Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp
Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp
Nên anh yêu mùa đông, ôi mùa đông của anh.
 
Anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái
Anh chỉ là người say bên đường em nhìn thấy
Em đi đi…người điên không biết nhớ và người say không biết buồn
Những cuộc tình dương gian muôn đời không nghĩa lý
Nhưng người vẫn tìm nhau trong vòng tay tình ý
Như đôi ta, niềm yêu xưa chỉ còn một vì sao anh lẻ loi
 
Trời lập đông chưa em? Cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi
Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới
Đêm chia ly em về đường khuya em bật khóc
Anh xa em thật rồi lảm sao quên mùi tóc
Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian?
Có phải tình băng giá là tình nồng hai chúng ta?
 
Em xin tóm tắt nội dung bài này là: Ngày nào trong một mùa đông lạnh giá, hai đứa yêu nhau, anh đã ngụp lặn trong hạnh phúc mới tuyệt vời. Còn em thì em cũng không biết trời trăng mây nước gì nữa! Rồi từng mùa đông theo nhau, anh như bước sâu trong vũng tối nhạt nhòa, giữa trời băng giá. Thế mà chẳng hiểu vì sao cuộc tình lại đứt phim, em ra đi bỏ lại anh một mình giữa trời đông băng giá, khiến anh trở thành người say trong vườn hoa tình ái và người điên trong công viên Tao Đàn.

Tôi nghĩ, một người chỉ điên thôi cũng vỡ nợ rồi, huống chi đằng này vừa điên vừa say nữa thì quả thật là hết thước chữa!

Dạ, chữa được chứ thầy!

Chữa làm sao cà?

Là: Em về với anh, như chim liền cánh, như cây liền cành! Thế là anh lại tỉnh như sáo sậu, chẳng có điên chẳng có say một ly ông cụ nào cả!

Tôi hỏi khí không phải nhá! Thế tại làm sao mà đôi bên lại xa nhau í nhỉ? Lỗi ở như ai?

Dạ, cái đó thì em mù tịt vì tác giả không có lời giải thích. Nhưng theo thì có nhẽ tại… Trời! Trời làm cho đôi ngả chia ly.

Trời có cả trăm công nghìn việc để làm chứ hơi đâu mà để ý đến mấy cái lặt vặt ấy! Nhưng cụ thể nhất là chỉ biết anh đi một đường còn em thì em rẽ sang một nẻo!

Tôi lại còn biết rằng con đường em đi cũng là con đường hạnh phúc, yên vui với duyên phận gia đình. Còn đường anh đi thì bao giờ cũng mấp mô sỏi đá, bao giờ cũng ôm mối cô đơn quạnh quẽ, sống dở mà chết cũng dở. Thế nên mới hóa ra người điên trong thành phố, người say ngoài công viên. Những cử chỉ, hành động ấy có lôi cuốn được ai, có khiến cho ai cảm thương, nhung nhớ gì nữa đâu! Chỉ còn là kỷ niệm đau buồn mà phía thiệt thòi cả đơn lẫn kép vẫn là phía chàng trai khờ dại!

– Dạ, là vừa mất người yêu, vừa mất vợ. Có khi vì cú sốc đó, có anh hóa điên trở thành người mất trí, hát nghêu ngao ngoài Chợ Cũ, Chợ Ông Tạ, Chợ Bà Chiều, Chợ Bến Thành…

Cậu có kinh nghiệm gì về những cú này không?

Dạ, có nhưng nhẹ hều. Vả lại, người tình nào mà đá đít em thì em cũng ôm mông mà đi chứ không dám than thân trách phận chi sốt cả…

Sao vậy cà?

Dạ, vì muôn tội đều do em mà ra. Nhưng thầy có biết ông Trời sinh ra đàn bà để làm gì không?

Đàn bà là những đóa hoa làm tươi đẹp cuộc đời, khiến cho đời còn một chút gì gọi chút dễ thương! Được không?

Dạ, không phải như thế! Trời sinh ra đàn bà để đàn bà làm khổ đàn ông!

Cậu nghĩ như vậy cũng giống y boong một triết nhân vậy đó!

Bây giờ, em xin hỏi thầy là thầy có thấy câu nào được người nghe thích nhất không?

Tôi già rồi, không biết thiên hạ sự! Nhưng bài nào hay, câu nào nhiều ý nghĩa thì người ta hay đổi lời. Như vậy, chứng tỏ rằng bài hát đó được nhiều người ưa thích. Cậu thấy có câu nào trong bài hát này thiệt là xuất sắc không?

Xuất sắc hay không thì em không dám chắc. Nhưng em nghe mấy cô trong vũ trường Kiss and Run hát câu:

Xưa hôn em một lần rồi đau thương tràn lấp,
Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp

thì họ đổi ngay lại là:

Xưa hôn anh một lần, về ho lao gần chết
Xưa hôn em một lần, về đau lưng chẳng hết
Ôi mùa đông của anh!
Ôi mùa đông của em!

Nghĩa là thế nào cà?

Nghĩa là anh bị ho lao nên khi em hôn anh, em bị vi trùng Cốc nó nhẩy xổ sang, nó hành cho gần chết. Còn anh hôn em có một lần thôi mà về nhà đau lưng chẳng hết là vì anh hôn hít tham lam quá, kỹ quá, đuối quá, không tự lượng sức mình nên đi quá trớn, thành thử anh về nhà đau lưng là chuyện tất nhiên. Có gì lạ đâu mà than thở? Ai biểu…

Cậu có thể hát theo lời mới được không?

Em không có kinh nghiệm sống về yêu đương nên ca sẽ dở ẹc, không có hồn. Xin mời thầy biểu diễn.

Tôi già rồi, đâu còn gì nữa đâu mà biểu diễn!

Thầy vốn là nghệ sĩ thì tình nghệ sĩ đâu có tính đến tuổi già?

Nói vậy cho vui thôi, chứ tuổi già vẫn là tuổi đi vào quên lãng!

Thế thì như em đây cũng đang đi vào lãng quên đấy, thầy ạ!

Thôi được rồi! Quên lãng hay lãng quên cũng sêm sêm. Thế còn bài nào nữa hay ta khóa sổ được chưa?

Dạ, ta khóa sổ là vừa đấy ạ! Vì em nghe cái điệu thầy nói cũng thấy hơi nhạt rồi!

Nhưng mà này, tôi hỏi cậu, mấy câu hát đổi lời trên, tôi chưa hề nghe thấy bao giờ cả. Bây giờ nghe cậu hát đổi lời làm tôi đâm nghi thủ phạm chính là cậu chứù ai vào đó nữa!

Thầy đổ vạ, đổ thừa cho em thì làm sao em cãi được. Hình như những cái gì thầy không tìm ra manh mối, không biết rõ hư thực thì thầy cứ đổ diệt cho em là chắc ăn!

Không hẳn là như thế, nhưng tôi nói có sách, mách có chứng chứ! Bởi vì tôi nghe cái điệu đổi lời có dính tí sếch-xi thì chỉ có cậu chứ còn ai vào đấy nữa!

Đấy, thế là chết em rồi! Nhưng thôi, chuyện ấy để rồi sẽ bàn tiếp. Đến đây như mọi lần, trước khi dứt điểm xin thầy cho vài nhời đúc kết.

Thầy Nguyễn Túc:

Thưa bạn đọc, quý bạn đã duyệt xét cùng với chúng tôi cả thẩy 4 mùa xuân, hạ, thu, đông trong vòng đất trời của một năm với nhiều màu sắc, âm thanh, cảnh trí cũng như tâm tình của các nhà thơ, nhạc sĩ gửi gấm tấm lòng trong những tác phẩm của họ.

Tôi không biết kết thúc đề tài này ra sao, thì may thay tìm ra được một nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn thu tóm được cả ý lẫn tình của 4 mùa: Đó là nhạc phẩm Gọi Tên Bốn Mùa. Trước khi đưa ra các nhận xét, tôi xin mời Khánh Ly ca giùm bản này:

Em đứng lên gọi mưa vào hạ
Từng cơn mưa, từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà
Em đứng lên mùa thu tàn tạ
Hàng cây khô, cành bơ vơ
Hàng cây đưa em đi về gọi nắng nhấp nhô
Em đứng lên mùa đông nhạt nhòa
Từng đêm mưa, từng đêm mưa, mưa lạnh từng ngón sương mù
Em đứng lên mùa xuân mở nụ
Xuân xanh, cành thênh thang
Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
Rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi
Mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây
Rồi từ nay em gọi tình yêu dấu chim bay
Gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngây
Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi
Tuổi xuân ơi, sao lạnh dòng máu trong người
Nghe xót xa hằn trên tuổi trời
Trẻ thơ ơi! Trẻ thơ ơi!
Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người.
 
Thầy Nguyễn Túc:

– Cậu Cai chắc có nhận xét chứ?

Cai tôi:

– Dạ, bài hát này có những đặc điểm như sau:

- Thứ nhất, nhạc sĩ bắt em hát mùa nào cũng phải đứng thẳng người lên mới được hát. Đứng hát mới mạnh bạo, dõng dạc, chứ ngồi hát thì yếu lắm. Nhưng gọi tên xong 4 mùa, hình như em lại ngồi xuống thì phải?

- Thứ nhì, nhắc đến mùa hạ thì mùa hạ phải có những cơn mưa thì thầm dưới chân ngà.

- Thứ ba, nhắc đến mùa thu thì mùa thu phải tàn tạ, hàng cây khô, cành lá bơ vơ.

– Thứ tư, nhắc đến mùa đông thì mùa đông phải nhạt nhòa, có đêm mưa lạnh sương mù.

– Thứ năm, nhắc đến mùa xuân thì mùa xuân mơ û(mở chứ không phải là nở) nụ, xuân xanh, xuân thênh thang.

Rồi nhạc sĩ kết luận là mùa xuân không về, mùa hạ khói mây, mùa thu ra đi, mùa đông vời vợi… Nhắc lại, là mùa nào thì em cũng phải đứng lên mới hát được!

Rồi chàng nhắc đến tóc em dài đêm thần thoại. Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người? Tuổi trẻ xót xa. Tuổi thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người!

Thưa bạn đọc, té ra là bốn mùa xuân hạ thu đông, có mùa nào yên vui, đầm ấm đâu? Cuộc đời hoa niên chỉ thấy tóc em dài đêm thần thoại, chẳng có gì là hoa bướm mộng mơ, chẳng có tí ái tình nào cho cuộc sống lên men, cho đời thành mộng cả! Đến như tuổi xuân nóng hổi cũng lạnh dòng máu trong người, tuổi trẻ đầy lạc quan cũng đâm ra xót xa. Rồi nhạc sĩ chấm dứt bằng câu rất kinh hãi là thương hại cho tuổi thơ, mới sinh ra đã mang nặng kiếp người!

– Chắc nhiều bà mẹ nghe đến đoạn này cũng hoảng lắm chứ chẳng phải chơi!

Thưa thầy, em thiết nghĩ là phía phụ nữ, ai nghe chuyện này mà nghĩ ngợi sâu xa chắc không dám đẻ con nữa đâu!

Sao vậy?

Bởi mới đẻ con ra, nó đã mang nặng kiếp người, rồi khi lớn lên máu bị lạnh, nhìn đời toàn một mầu xám xịt, thì đẻ làm gì cho nó thêm khổ!

Nhưng đây là bài hát, hát cho vui chứ mấy ai nghĩ ngợi miên man như cậu đâu! Rồi, đến lượt cậu đúc kết để giã từ bạn đọc rồi mình đi ăn tối là vừa! Lần này cậu để tiền đấy cho tôi trả!

Dạ, để ở đâu ạ?

Để trên mặt bàn chứ để đâu nữa! Cậu Cai độ này đâm ra kém thông minh hoặc sắp bị bệnh An zai mơ rồi đó!

Dạ! Thưa bạn đọc, cứ theo như Cai em nhận xét thì:

Bài hát vui nhất là bài hát về mùa xuân

Bài hát nóng nhất là những bài ca tháng hạ

Bài hát tình nhất phải kể đến những bài hát mùa thu

Bài hát lạnh nhất, tất nhiên là những bài hát mùa đông tuyết phủ.

Nói về số lượng sáng tác thì mùa xuân và mùa thu, nhạc sĩ dễ có cảm hứng nhất. Còn về mùa hạ và mùa đông thì coi như số lượng ít hơn. Có nhẽ vì nóng quá hay lạnh quá dễ làm cho tâm hồn nghệ sĩ tan loãng ra hoặc đông đặc lại?

Đến đây, khi nghe đến tan loãng ra hoặc đông đặc lại hẳn bạn đọc cũng thừa hiểu là thầy trò chúng em sắp đi vào ngõ cụt, không còn chi để nói nữa, nên xin được tạm ngưng để sẽ tiếp tục chương trình viết về những nét đẹp trong tân nhạc trong một kỳ tới.

Kỳ tới sẽ là một đề tài đặc biệt, không giống ai, không ai hiểu đầu đuôi xuôi ngược như thế nào mà tình ý, ẩn ý lại sờ sờ ngay trước mắt.

Chẳng qua là bạn đọc dễ tính, không liên tưởng, không phân tích, không tìm hiểu nguyên do đấy thôi! Chứ mọi chuyện đã bánh đúc bầy sàng trên những dòng nhạc, lời ca rồi đấy ạ!

Đó là: Những bài ca kinh dị trong tân nhạc!

Xin đón coi hồi sau sẽ rõ!

Kính chúc quý bạn đọc một đêm yên lành.
 
 
Lê Văn Phúc
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com