Tôi rất đỗi vui khi nhận được tập thơ Tình Ca Thiếu Khanh từ amazon.com
Đây là cuốn sách Việt Ngữ mới nhất, xuất bản bởi nhà xuất bản Nhân Ảnh ở San Jose, tiểu bang California, Mỹ, và phát hành trên khắp thế giới bởi nhà tổng phát hành Amazon của Mỹ.
Cuốn sách vừa đủ dày, 170 trang giấy đẹp, bìa đẹp nhờ tranh bìa rất đẹp. Chữ in Thơ và những bài “ăn theo” thơ vừa tầm nhìn của mọi người đọc, kiểu chữ phổ thông, không làm điệu, làm dáng, không hoa hòe hoa sói, thấy rất trang nhã và dễ thương!
Tôi nâng niu cuốn sách. Tôi mở ra… và thấy tác giả, thấy những người thân, những người thương tác giả trải lòng. Tôi không thể nào không để ý đến các bức họa, tượng, nhạc mà các họa sĩ, nhạc sĩ và nhà điêu khắc dành cho Thiếu Khanh. Tôi chưa đọc đâu, tôi mân mê mà. Tôi sướng cái sướng của người yêu sách, thèm sách và thỏa thuê có sách mới trên tay trong tình hình sách, báo Việt ngữ ở ngoài nước thu hẹp dần theo thời đại và sự tiến bộ của loài người! May mà cuốn sách của Thiếu Khanh in và bán ở Mỹ, nếu trong nước, nơi tác giả đang cư ngụ, tác giả hay nhà xuất bản nào trong nước thực hiện thì đừng hòng mua được! Ngăn sông cấm chợ là đương nhiên dù Việt Nam đã là Hội Viên chính thức của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Lén lút “tuồn ra, mang vào” văn hóa phẩm là chuyện hiếm hoi, may, rủi…
Bây giờ, tôi bắt đầu:
Tập thơ Tình Ca Thiếu Khanh chắc chắn là do tác giả chọn lựa bài, sắp xếp bài, nên nó có cái “bố cục” rất là vững chãi:
Nội dung gồm bốn (4) phần:
1. Sâu trăm dặm biển, thưa mười ngón tay
2. Nhánh sông nào cũng chảy tới Hòa Vang
3. Sao nghe ngựa hí mãi trong lòng
4. Mười năm đi biệt không về biển
2. Nhánh sông nào cũng chảy tới Hòa Vang
3. Sao nghe ngựa hí mãi trong lòng
4. Mười năm đi biệt không về biển
Ba phần trên (1, 2 và 3) đăng những bài thơ. Đa số là thơ Lục Bát và Bảy Chữ, không nhiều lắm thơ Phá Cách. Một bài bốn chữ (dành cho nhi đồng hát). Phần chót, 4, tự sự, bình bàn, phỏng vấn (hỏi về chồng, vợ trả lời).
Thiếu Khanh làm thơ tình mà không phải Tình Lãng Mạn. Tình Thiếu Khanh yêu vợ thấy rất nồng nàn nhưng không nóng hổi kiểu vừa thổi vừa nhả thơ, coi như “nghiêm túc”, chỉ thiếu những từ Thưa Em, Thưa Mình thôi. Tình Thiếu Khanh dành cho Đất Nước Quê Hương rất ít lời nhưng đậm đà yêu quý.
Thơ Thiếu Khanh như lời giảng bài của một nhà giáo “chơn chánh”… nghĩa là không chảnh chọe, vòng vèo hay mắc mứu tối tăm. Thiếu Khanh hiền hòa lắm, chắc vậy. Thiếu Khanh không thầm thì, không thì thào, câu chữ bài nào cũng rõ ràng, có cân nhắc “cho vừa bụng em” và dĩ nhiên là nghiêm chỉnh với tất cả người đọc (không ai phải giấu giếm hay chép vào lưu bút ngày xanh, ngày sau). Tôi dám nghĩ rằng Thiếu Khanh theo trường phái Nguyễn Đình Chiểu chớ không mặn nồng trường phái Nguyễn Du. Dĩ nhiên là Thiếu Khanh đứng ngoài cõi thơ của Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu. Thiếu Khanh cũng không lả lướt như Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Lưu Trọng Lư… Thiếu Khanh là bạn thân của Luân Hoán mà không nghịch ngợm như Luân Hoán. Thiếu Khanh có cái riêng của Thiếu Khanh, vận dụng trí tuệ hơi nhiều, nhẹ phần tâm cảm… nên thơ của Thiếu Khanh đàng hoàng, từ tốn, mực thước, người đọc dễ… thuộc lòng (nhất là Bà Huyện của Thiếu Khanh khoe với phóng viên blog Vuông Chiếu: tôi thuộc hết thơ của ảnh).
Xin bạn đọc bài này cho phép tôi tăng chức cho người bạn đời của Thiếu Khanh, từ Bà Xã lên Bà Huyện cho đúng theo xu thế thời đại. Mai mốt lên tỉnh, lên thành phố… thì càng vui! Xưa nay tôi chưa thấy người đàn bà nào thương và quý chồng “mần thơ” như người yêu đời đời của Thiếu Khanh… Ờ nhỉ, Thiếu Khanh xưng thiếu là thiếu cái gì? Đòi làm Vua chăng? Từ từ nha, ra tập thơ nữa thì biết đá vàng, thưa ông “dịch giả”! Nên nhớ Thiếu Khanh cũng là người chuyên dịch sách chữ Anh ra chữ Việt và ngược lại, nhưng “chuyển dịch” trên đường tình cảm thì luôn luôn có bóng hình vợ con. Hiếu với Vợ mà! Có “hiếu” cũng là tình cảm phải không ạ?
*
Đọc thơ Thiếu Khanh tôi khoái, thích, ưa… và vui! Theo tôi, Thiếu Khanh sẽ là cái “gương” để các Thầy Cô dạy Văn cho học trò, học sinh “phân tích, nhận định” về thơ. Tập Tình Ca Thiếu Khanh là tập thơ Giáo Khoa Thư vậy!
Tôi không cắt thơ của Thiếu Khanh ra trình diện trong bài này. Tôi chép lại nguyên xi vài bài để bạn đọc chiêm nghiệm chắc là thích hơn.
Mời bạn đọc đọc một bài Thiếu Khanh nói về Quê Hương Đất Nước:
Bài Tình Ca Ở Hậu Nghĩa
Em mắt nghìn thu xanh cỏ biếc / Ta lên rừng thẳm ngủ chiêm bao / Vòng tay thân ái xa biền biệt / Ta gặp nhau mà vẫn nhớ nhau
Em nhớ ta hay ta nhớ em? / Từng đêm lặn lội giữa bưng biền / Ta qua Hậu Nghĩa ngày mưa xám / Róc vỏ thân tràm ta viết tên…
Năm tuổi chiến trường xuyên vạn lý / Núi sông biết mặt đứa phong trần / Yêu em ta bỗng thành thi sĩ / Thơ lính hong ngời mắt mỹ nhân.
Ta trót đam mê ngùn ngụt lửa / Nghìn đêm nuôi nấng mộng phi thường. / Cho em một cánh tay gần gũi / Dành một tay vào buổi nhiễu nhương.
Đôi lúc toan vung cờ nghĩa khởi / Cùng em đi tiếu ngạo giang hồ. / Ngao du trên suốt vùng biên giới / Về đóng quân doanh ở Hố Bò.
Mình không cười giễu ta cuồng vọng / Chỉ sợ nhàu phai áo học trò / Theo gã thư sinh làm loạn tướng / E mình lây phải mộng phiêu du!
Đêm ta đụng trận trong Vàm Cỏ / Lửa sáng rừng sâu nhớ mắt nàng. / Ngày hát nghêu ngao qua Thố Mố / Trong lòng nỗi nhớ chợt thênh thang!
Đức Huệ – Củ Chi đến Đức Hòa / Quê hương nàng hóa quê hương ta. / Năm năm vác súng giang hồ vặt / Chỉ nhớ tình nhân chẳng nhớ nhà.
Ta tự miền Trung vào Hậu Nghĩa. / Đồng chua ngâm nứt gót chân chai / Tóc em chao gió thơm rừng mía / Reo giữa hồn ta tiếng hát dài.
(Hậu Nghĩa, 1967)
(Hậu Nghĩa, 1967)
Mời bạn đọc đọc bài nói mênh mông trời nước:
Bóng Ngựa
Khuya chìm trăng quạnh đèo xa / Lung linh bóng ngựa nhạt nhòa nẻo sương / Cõi xưa lạ dấu quên đường / Trong chiêm bao ngỡ y thường thoảng bay / Đêm dằng dặc ngồi khoanh tay / Con trăng côi cút nhập bầy với ai / Lời nào mơn trớn bên tai / Nghe ra lau lách mọc dài châu thân / Ngựa về bóng ngả theo trăng / Chìm sau đuôi mắt tình nhân hững hờ. (Trên đèo B’lao, đêm 6.1.1966)
Biển Xưa
Lòng xao con nước vỗ về / Trải sương bãi thuộc nằm nghe cát buồn / Dấu còng đọng dấu trăng suông / Bữa xưa trút biển vào hồn ngậm đau / Lạt lòng tay nhả tay nhau / Ta theo ngọn sóng ngàn sau luân hồi
Càng đong dòng cát chảy xuôi / Sâu trăm dặm biển thưa mười ngón tay / Non mòn biển cạn không hay / Dấu chân cổ tích chan đầy mê cung / Lòng im bỡ ngỡ lạ lùng / Áp môi cát đẫm thinh không chợt buồn. (Không thấy ghi thời gian và không gian)
Càng đong dòng cát chảy xuôi / Sâu trăm dặm biển thưa mười ngón tay / Non mòn biển cạn không hay / Dấu chân cổ tích chan đầy mê cung / Lòng im bỡ ngỡ lạ lùng / Áp môi cát đẫm thinh không chợt buồn. (Không thấy ghi thời gian và không gian)
*
Tôi viết bài “bình” thơ Thiếu Khanh trong những ngày tôi không được khỏe vì tình trạng giới nghiêm chống dịch Coronavirus nên chắc không đậm đà mấy? Nhưng phải nói thật tình rằng thơ Thiếu Khanh cho tôi sự sảng khoái và tôi tự thấy mình “mạnh lên” để đi tới câu kết thúc bài này, là: “Tôi trân trọng thơ Thiếu Khanh! Tôi trân trọng Tình Yêu anh dành cho Người Yêu Thương Bên Cạnh đời anh rất là trong sáng và đằm thắm. Tôi cũng nghĩ thêm tiếng kêu của con chim Bắt Cô Trói Cột là lời “thủ thỉ” Thiếu Khanh chọc quê bà Huyện. Rồi anh chị “khúc khích” với nhau là chuyện riêng tư của anh chị!”
Trần Vấn Lệ