
Hôm nay chiều thứ 6 cuối tuần ông đưa thư có hàm râu xồm xoàn như lão Fidel Castro bấm chuông trao colis sách. Cuốn sách mới của nhà văn Vương Trùng Dương, sách nóng hổi và dày cộm. Ông đưa thư quay gót đi, tôi “bóc nhãn” xem ngay ông bạn Dương Trần viết gì trong đấy. Nhân nhận được sách mới, cám ơn ông anh văn nghệ vui tính, một thuở làm báo chung, khi Vương Trùng Dương (thường được viết tắt VTrD), ra tờ tuần báo Caliweekly do anh làm Chủ Nhiệm tự layout báo lấy, Nguyễn Ngọc Chấn làm chủ bút, và tôi giữ dốp TTK, khi ấy có bài vở của Phan Bá Thụy Dương, Vũ Uyên Giang, Phương Triều, Dương Viết Điền, Phan Nhật Nam, Trần Quang Hải, Thiết Trượng, Trạch Gầm, Trần Trung Đạo, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Quý Đại, Tiểu Tử, Tiểu Thu, Hồ Trường An, Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, Bùi Ngọc Tuấn, Phan Anh Dũng, Hoàng Thy, Quách Nam Dung, Khiếu Long, Đào Vũ Anh Hùng, Vũ Hối, Hồng Vũ Lan Nhi, Thái Tú Hạp, Trần Hoài Thư, Vũ Đình Trường, Mạc Phương Đình, Viên Luông, Hải Đà Vương Ngọc Long, Thanh Huy,… Nguyên băng l’amour yêu văn học è cổ ra viết bài, chủ nhiệm lo dốp quảng cáo, chủ nhiệm lo đánh Đông dẹp Bắc cả trăm thứ, chủ nhiệm mỏi mệt kiệt sức, đồng tiền ra nhiều mà vô ít, mà quảng cáo là huê lợi chính, báo mãi rỉ máu, bác sĩ chê bảo chúng tôi đình bản tờ Caliweekly sau gần 2 năm tung hoành.
VTrD yêu văn học, phải nói văn học nằm trong máu của VTrD, anh nhai nằm lòng những Thủy Hử, Tây Du Ký, Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, rồi những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung anh nhai nát cả. Đấy là bên văn chương HD891. Bên văn chương quốc văn phe ta, anh đọc Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chưong, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa, Bình Nguyên Lộc, Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Biểu Chánh,… VTrD có sự hiểu biết rộng, sức viết khỏe, mỗi trưa thứ Ba anh gọi phôn nhắc tuồng “Bài xong chưa bồ tèo?”, hay “Gần lễ Noël cho mình bài Giáng Sinh nhe bạn hiền!”. VTrD đọc Ernest Hemingway, Mark Twain, Charles Dickens, Fyodor Dostoyevsky, Leo Tolstoy, Aleksandr Solzhenitsyn, William Faulkner,… Truyện dịch hay nguyên bản Anh ngữ. Thật vậy, anh em chúng tôi thân nhau và còn thở được là do nguồn nhiệt năng ham vui chữ nghĩa văn học tiếp dẫn goût chơi chung.
Viết về sách mới, xin đơn cử một chuyện tình đẹp về kỷ niệm và thơ mộng như: “Lê Trạch Lựu và Tình Khúc Em Tôi”, ở trang 167, đây là một mối tình mang theo mãi một đời người. Nhạc phẩm Em Tôi ra đời đầu năm 1953 đến nay vẫn tiếp tục đem đến cho người nghe những xúc cảm như gần, như xa của một thời tưởng như đã thuộc về dĩ vãng nhưng vẫn tiếp tục làm rung động trái tim những thính giả trẻ tuổi ở thế hệ bây giờ. Đằng sau ca khúc lãng mạn này là một cuộc tình mang theo từ thuở vừa biết yêu cho đến tuổi xế chiều khi nhạc sĩ sáng tác liên lạc lại người xưa qua đường dây điện thoại viễn liên. Nay chuyện ấy đã chìm vào danh sách những thiên tình sử đẹp trong lãng mạn và lưu luyến kèm theo bạn tình ca Em Tôi bất hủ theo ý riêng của hàn bút ni.
Trong một buổi nói chuyện ở buổi họp mặt Thu Tao Ngộ tại Paris 2009, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu kể về câu chuyện tình đã đưa đến bài tình ca Em Tôi. Vào tháng 5 năm 1946 ông tham dự trại hè Sầm Sơn, đi với đoàn Hướng Đạo cùng nhiều đoàn khác, tập trung tại sân ga Hà Nội. Thoáng thấy một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã, có đôi mắt đẹp tuyệt vời, ông bị tiếng sét ái tình ngay phút đầu. Rồi mỗi ngày ông đều thấy cô gái ấy, đội nón, dưới nắng trang trang rũ áo, ông ngồi bên cửa sổ nhìn cô ta. Thỉnh thoảng cô nàng ngửng đầu lên, vành nón che đôi mắt, nhưng ông biết là cô ta đang nhìn chú ý đến ông. Khi về lại Hà Nội ông tìm nhà cô ta, vì có duyên nên tìm được ngay, nhà cô ta ở gần nhà ông. Dạo ấy có một chú bé đi theo ông bén gót, đó là chú Mỹ, em cô Phượng. Một hôm, ông viết một lá thư và chẳng dám trao đến cô, vì không đủ can đảm trao lá thư đến Phượng, nên ông nhờ chú Mỹ giúp cho công tác liên lạc.
Gia đình Phượng phải đi tản cư vì biến cố toàn quốc kháng chiến. Phần khác Lê Trạch Lựu sang Pháp du học. Tháng ngày qua khi ở Paris cũng là thời gian mà nỗi nhớ quay cuồng chàng thanh niên say trong cơn yêu, điều này đã là nguồn suối trào dâng để một ngày nọ bên những bạn bè văn nghệ như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, ông bấm lên phím đàn, đưa “Em Tôi” vào đời. Sau đó tác giả gửi bài nhạc tới nhà xuất bản Tinh Hoa. Những tháng năm trôi qua. Khi nhạc phẩm cất cánh bay cao tại Việt Nam, ông ở Paris nên không biết rõ tình trạng nó ra sao.
Rồi một hôm Lê nhạc sĩ tìm ra được địa chỉ của Phượng rồi viết về cho chú Mỹ, Mỹ cho biết cô Phượng đợi ông trong một năm dài, thấy ông không về Phượng tưởng ông đã mất. Rồi ba năm sau khi cô để tang ông, cô đi lấy chồng, gia đình đã êm thấm với chồng và con. Mãi về sau này, sáu chục năm sau, ông được biết tin qua một người bạn cùng trường năm xưa cho ông số phôn, thế là ông gọi thăm người yêu cũ. Nàng vừa ngạc nhiên vừa bối rối, phải chăng người chết trở về. Phượng òa ra tiếng khóc ngất ngây. Nhạc sĩ hỏi về lá thư tình năm xưa, thuở văn thời 16 viết trong tho ngây, trong lúng túng. Phượng trả lời ông: “Em để vào trong một cái hộp, nó đi theo em tất cả mọi nơi, trong đó có cả tập ảnh chụp hồi đó, nhưng chồng em thấy lúc nào em cũng buồn, nói với em nên giấu nó đi một chỗ, khi nào vui thì hãy mở ra. Thế là ông ta bỏ vào đâu không rõ, mấy năm sau ông ta mất, tìm kiếm khắp nhà không ra. Em chỉ nhớ anh viết dài lắm… viết dài lắm… Hôm nọ em muốn tìm cái hình anh hồi đó, mà không thấy đâu. Tủi thân, em lại ngồi khóc, may rằng con và cháu em bữa đó tụi nó không có ở nhà…”.
Ông cho biết: “Mối tình đối với cô Phượng theo tôi suốt đời, vì rằng đó là mối tình đầu, mà mình không biết nhau ở đâu, không biết người ta sống hay chết, tôi nhớ đến cô và tôi đã làm bài “Em Tôi”.”
Tôi nghiền ngẫm đọc trang 175, Vương Trùng Dương cho đoạn kết bài:
“Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu đã qua đời tại Paris ngày 6 tháng 2, năm 2015, hưởng thọ 84 tuổi. Với công việc phóng viên, ông không sinh hoạt trong môi trường âm nhạc, có lẽ sự sáng tạo khởi nguồn từ cảm hứng… nhưng không còn!
Để tưởng nhớ đến nhạc sĩ để lại cho đời tình khúc tuyệt vời xin trích những đòng trên để mỗi khi nghe tình khúc Em Tôi nhớ lại bóng hình xưa.”
Nhiều bạn bè hỏi tôi sao tên Vương Trùng Dương nghe giống tên kiếm hiệp Kim Dung quá vậy, tôi thầm nghĩ hỏi là đã trả lời rồi. Nay xin vắn tắt về Vương Trùng Dương Tàu Sĩ HD981 nhe.
Vương Trùng Dương (中神通王重陽, Wang Chongyang) là một đạo sĩ ở vào đời nhà Tống. Ông là người sáng lập ra Toàn Chân Giáo, là Bắc Tông của Đạo giáo bên xứ Tàu HD981 của thuở xa xưa. Sơ qua về gốc gác Vương Trùng Dương tên thật là Vương Trung Phu (1113 – 1170), theo trong tiểu thuyết hóa của Kim Dung là Thần Điêu Hiệp Lữ, tên của ông trước khi xuất gia là Vương Triết), ngoài đời tự là Duẫn Khanh, sinh ra tại Hàm Dương trong một gia đình giàu có. Thuở nhỏ ông chăm chỉ, tinh thông cả văn lẫn võ, lớn lên nhờ vậy mà nổi tiếng gần xa. Khi người Kim xâm lấn, ông tụ họp dân chúng nổi dậy chống lại nhưng không thành công. Theo sự loan truyền thì vào năm 1159, ông được gặp Lã Động Tân và Hán Chung Ly, hai vị tiên trong nhóm tám vị tiên sống ở Bồng Lai tiên đảo của xứ Tàu rắm rối, được truyền thụ khẩu quyết luyện đan là Toàn Chân. Ý nói bảo toàn tam bảo (toàn tinh, toàn khí, toàn thần) hội tụ trung cung, kim đan thành tựu. Nên từ đó ông chuyên tâm nghiên cứu Đạo giáo, đổi tên là Triết, tự là Tri Minh, thành lập ra giáo phái mang tên là Toàn Chân giáo. Tôn chỉ của Toàn Chân giáo là cứu giúp chúng sinh nên nhân dân rất kính trọng. Học trò tìm đến ông rất đông, nhưng ông dạy dỗ nghiêm khắc, thường đánh đập để thử thách nên cuối cùng chỉ còn lại bảy người. Đó chính là Toàn Chân thất tử.
Đấy là Vương Trùng Dương Tàu Sĩ của xứ Tàu HD981, còn Vương Trùng Dương aka me-sừ Dương Trần của xứ Việt ta vốn say mê hai phạm vi văn học và âm nhạc. Vì vậy cho nên trong tác phẩm mới ra đời này Vương Trùng Dương – Dương Trần xoáy bút vào 2 phạm trù này khá nhiều, nếu bạn đọc có sách trên tay như tôi vừa đọc và vừa gõ keyboard…
Nhà văn Vương Trùng Dương
Hãy đọc tiếp ở trang 36 phần trên của sách, Vương Trùng Dương trong bài viết khác mang nặng chất kiếm hiệp như “Tình Sử Phượng Cầu Hoàng” cho ta những chi tiết về ngôn ngữ và âm nhạc. Thiết nghĩ đọc một tác phẩm học được hay hiểu thêm điều mới, ấy là sự lạ lẫm, thích thú, phải không chứ lị? Tác phẩm này có nhiều và nhiều điều lý thú như thế. Hãy xem trích đoạn sau đây:
“Ngôn ngữ của âm nhạc rất đơn giản nhưng biến thành ngôn ngữ vô cùng đa dạng, phong phú, vi diệu. Đó cũng là ngôn ngữ chung của nhân loại, không còn không gian, thời gian, không còn phái tính, tuổi tác… cho cả lúc tỉnh lúc mê, cho cả cảm nhận của kẻ chính người tà. Ngôn ngữ âm nhạc là ngôn ngữ chung của con người, không có biên cương, bất luận thời gian… cảm nhận, thưởng thức, rung cảm theo từng giai điệu, cung bậc….
Âm nhạc Trung Hoa hình thành từ Linh Luân, Hậu Quỳ; đời Ngũ Đế, Tam Vương, âm nhạc trở thành lễ nghi trong cung đình; đời Xuân Thu nổi danh với Sư Khoáng tinh thông âm pháp đưa âm nhạc đến mức vi diệu, cao siêu. Và, Tư Mã Tương Như đời Hán với khúc “Phượng Cầu Hoàng” trở thành bất tử, lưu truyền hậu thế.
Tố Như tiên sinh trong thi phẩm “Kiều” đã đề cập về âm nhạc Trung Hoa cũng như Đông phương:
“Cung thương lầu bậc ngũ âm…
Lọt tai nghe suốt năm cung”.
Ngôn ngữ, âm giai của âm nhạc Đông phương chỉ có ngũ âm – năm bậc, năm cung: Cung, Thương, Dốc, Thủy, Vũ (Cống, Xừ, Xang, Xế, Líu) nhưng cũng được biến hóa muôn sắc, muôn âm, rất phong phú và huyền diệu. Theo Lê Qúy Đôn trong Vân Đài Loại Ngữ: “Lấy hoàng chung làm cung, lấy lâm chung làm chủy, lấy thái tấu là thương, nam lã làm vũ, cô tiến làm giốc, ứng chung làm biến cung, sanh tan làm biến chủy. Đấy là thất luật để làm đờn cho thanh âm điều hòa…”.
Nhạc khí Đông phương gồm đàn, sáo, nhị… Riêng sáo, có đến 6 loại, tên gọi khác nhau tùy theo thổi ngang, thổi dọc, không và có lưỡi gà, 2 ỗ, 6 lỗ, 7 lỗ, chín lỗ…: Tiêu, Địch, Hoàng, Quản, Trì, Huân.
Năm 1964, khúc “Phượng Vũ” với nghệ thuật sáng tác của Nguyễn Đình Nghĩa dựa vào giàn nhạc Bát Âm ở cung đình Huế qua tiếng sáo điêu luyện được trình diễn ở trong nước và hải ngoại đã làm vang bóng, giới thưởng thức say mê, ái mộ. Nghe “Phượng Vũ”, hình dung được hình ảnh phượng hoàng đập cánh, xòe cánh… lúc rỉa đuôi, giũ đuôi, cụp, xòe, quay, múa… nhặt, khoan theo từng vũ điệu.
Qua năm tháng, qua bao biến thiên, vật đổi sao dời, khúc “Phượng Cầu Hoàng” dù đã thất truyền nhưng tình sử… vẫn vượt thời gian, không gian với dấu ấn cuộc tình.
Vương Trùng Dương”
Tôi giở trang 7 là Lời Ngỏ của “Văn Nhân và Tình Sử”, Vương Trùng Dương cho lời giáo đầu dẫn nhập như sau:
“Tình yêu vẫn là đề tài muôn thuở. Văn hào Nga Tolstoy cho rằng: “Tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành những gì có ý nghĩa, làm cho những bất hạnh trở thành hạnh phúc”. Ngay cả Mahatma Gandhi cam chịu khổ hạnh để đấu tranh cho sự tồn vong của đất nước, người dân Ấn Độ tôn vinh như vị Thánh đã nói: “Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống”. Trong cuộc sống, mỗi người có lẽ mang theo hình ảnh mối tình nào đó, nhưng khi được bầy tỏ qua thơ văn, âm nhạc… không còn thầm kín nữa mà lưu truyền ở thế gian.
Đầu thế kỷ 19, Felix Arvers xuất bản tập thơ đầu tay Mes Heures Perdues, trong đó có bài thơ tình Un Secret (Sonnet d’ Arvers) chỉ có 14 câu, sau này nổi tiếng. Năm 1940, Khái Hưng dịch thành Tình Tuyệt Vọng, đăng trên báo Ngày Nay, được nhiều người ái mộ qua các thập niên. Chỉ có Un Secret gắn liền tên tuổi Felix Arvers. Quyển sách Văn Nhân & Tình Sử trích trong các bài viết của tôi gần hai thập niên qua. Quyển sách nầy, với tôi, không thuộc loại biên khảo, nhận định mà có tính cách tản mạn, tạp ghi về tác giả qua các khía cạnh cuộc sống, tình yêu và sáng tác (bài thơ, ca khúc…) được phổ biến. Một số bài lưu trữ trong computer đã bị virus, nhờ internet mới tìm lại được.
Trong thời gian đảm trách về văn học nghệ thuật cho các tờ báo, bài viết nhân dịp ngày sinh, ngày mất hay đọc bài viết liên quan đến tác giả. Vì viết trong thời đểm đó nên khi thực hiện thành sách, tôi viết bổ túc thêm. Năm 2004 tôi ấn hành quyển Ngẫm Chuyện Nhân Sinh, vì cộng tác các báo nên không có thời giờ để gom góp bài viết. Trong lúc chỉ còn đảm trách một tờ báo nên bạn bè gợi ý việc thực hiện sách. Cảm ơn anh em thân hữu, không biết thương hay ghét đã ‘xúi’ tôi làm công việc nầy. Những văn nhân trong quyển sách nầy đã ra người thiên cổ, chỉ có hai nhà văn còn sống ở quê nhà. Còn nhiều tác giả gắn liền với tác phẩm và đời sống như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bình Nguyên Lộc, Lê Trọng Nguyễn, Lê Mộng Nguyên, Hoàng Anh Tuấn, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng…. đã viết trong thời gian qua nhưng tôi nghĩ với 372 trang cho quyển sách, không dày và không mỏng.
Cảm ơn các tác giả, văn hữu, đồng nghiệp với các tài liệu, bài viết được phổ biến mà tôi trích dẫn trong quyển sách nầy. Cảm ơn vị mạnh thường quân khi nghe tôi đề cập đến việc thực hiện quyển sách đã có nhã ý đảm nhận việc ấn hành và quảng bá nhưng tôi từ chối vì vài anh em thân quen ở trong nước có tác phẩm mà bị cấm ấn hành cần sự hỗ trợ nầy.
Bậc thi hào tài hoa như Nguyễn Du để lại cho đời tác phẩm Truyện Kiều với 3.254 câu thơ lục bát, trở thành áng thơ tuyệt tác cho đất nước đã khiêm nhượng khi kết thúc bằng hai câu thơ:
“Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”
Với kẻ hậu sinh, kiến thức giới hạn chỉ hy vọng độc giả sau khi đọc xong còn nhớ tựa đề bài thơ, ca khúc, cuộc tình, tác giả nào đó chắp nhặt trong quyển sách nầy mỗi khi nhắc đến… cũng là niềm vui.
Vương Trùng Dương
Việt Hải Los Angeles
————————————————————
Tôi xin ghi ra chi tiết liên lạc với tác giả để có sách nhé.
Sách do Amazon ấn loát – Sách dày 372 trang
Ấn phí: 20 Mỹ kim
Sách có thể mua trực tiếp từ tác giả:
Xin liên lạc: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ,
hay:
Duong Tran
9353 Bolsa Ave. # E47
Westminster, CA 92683