
Ca nhạc sĩ Thanh Trang ghi lại một vài cảm nghĩ về “lời “ và “giai điệu” trong nhạc của Hoàng Trọng qua bài ông viết mang đề tựa là: “Bạn Lòng” và “Bắc Một Nhịp Cầu”. Ðó là tên hai bài hát của Hoàng Trọng mà NS Thanh Trang nhớ lâu nhất. Lời (lyric) và giai điệu (melody) là hai điểm cơ bản làm cho bài nhạc trở nên hay, cũng như thơ, lời và vần điệu là yếu tố chính làm cho bài thơ có giá trị. Người ca sĩ chỉ hát thật hay khi lời và giai điệu của bài hát đã hoàn toàn nhập vào tâm hồn họ. Thanh Trang tâm sự:
Xưa đến giờ thì tôi chỉ hát những bài nào tôi thích vì giai điệu đẹp, lời lẽ dung dị mà hay, rồi với thời gian thì bài hát lại chất chứa thêm những kỷ niệm. Riêng khi hát bài “Bạn Lòng” thì ... tôi thấy như có cái gì nó nghẹn trong cổ họng. Tôi hát và thu vào CD một lần để “làm nháp”, nhưng khi hát lại chính thức thì thấy là không được nữa! Cứ đến đoạn như “Tôi đang còn ghi nhớ sớm nào trời đẹp màu nắng, ta cùng hòa nhịp đồng tâm trong câu...” hoặc ở câu cuối: “Ðể hồn vui nhớ câu mơ ước ngày xưa nay dâng đẹp tình thơ...” thì cảm thấy như lòng mình bị thắt lại! ...
Nhân đây thì tưởng cũng cần nêu lên một điểm mà với thời gian khi nhìn lại thì càng thấy rõ: Bài “Bạn Lòng” không có những lời hát như nó vẫn có thì tôi e rằng tôi cũng chỉ nhớ nó như bất kỳ một bài hát xưa nào khác với giai điệu giản dị mà đẹp. Mà nhạc sĩ HT thì đâu phải là không viết được lời hát hay cho chính những bài hát của mình! Ông sử dụng lời của Hồ Ðình Phương (không phải một bài thơ phổ nhạc) chứng tỏ ông thấy rõ rằng viết lời cho một bài hát có giai điệu đẹp đẽ thì không thể tự dễ dãi với chính mình nếu như không có đúng những lời lẽ mình muốn viết! Không thể chỉ cốt viết sao cho xong chuyện; những cái lảm nhảm, sáo rỗng!...
Nếu ai từng theo dõi các bài hát của NS Hoàng Trọng từ cuối thập niên 40 cho đến trước nắm 1975 đều dễ nhận thấy một một nét chung nhất: Chả có bài nào nghe qua một đôi lần mà người ta lại không nhớ ngay đến giai điệu của bài hát! Người ta nghe nhạc Hoàng Trọng thường nhớ đến những bài hát của ông theo tiết điệu Tango. Các cô thiếu nữ trong Nam khi xưa thì mười người như một đều dễ yêu thích cái chu kỳ yêu đương của đôi lứa qua bài “Mộng Lành”, điệu Tango, lời của Hồ Ðình Phương, khi người ta đang mơ ước đến nhau với những lời lẽ như:
Ấy tơ đồng chờ ta chắp nối
Nhưng nào hồn ta dám nói
Vì muốn duyên còn đẹp hoài
Vì tình ấm không là tình hòa
Mà ấm khi lòng còn chờ
Thầm ước mơ rồi ước mơ
Rồi sau đó dẫn tới giai đoạn yêu thương hò hẹn với nhau như trong bài “Mộng Ban Ðầu”, điệu Tango, cũng lời của Hồ Ðình Phuong, với những lời lẽ như:
Nhớ về thăm em nhé
Ðừng than nỗi đường xa
Và
Hôm qua buồn nhìn đâu
Thoáng mẹ già nom thấy
Hỏi, - con chờ ai đấy?
Em níu lấy cành dâu
Che giấu mộng ban đầu
Tới đoạn đó thì tương lai của đôi lứa cũng đã có phần rạng rỡ!
Xưa kia giới trẻ, nhất là các cô, thích mấy bản Tango của HT như vừa nêu là bởi trước sau gì các cô, các cậu cũng thấy là những bài hát “giống” như thể viết cho riêng mình!
...
Thuở xưa mỗi lần nghe bài “Bắc Một Nhịp Cầu” tôi cảm thấy lạc quan bao nhiêu khi nghĩ đến viễn ảnh cho ca# một đất nước tự do, thanh bình thì giờ phút này tôi cảm thấy ngậm ngùi bấy nhiêu. Hát nó lên như tưởng niệm một ước mơ đã mất, một ước mơ chung cho mọi người chứ chả cứ của riêng ai!
(Thanh Trang, Nam Cali, mùa thu 2004) Phím Ngà
*
Nữ Ca Sĩ Kỳ Cựu Quỳnh Giao Viết về Hoàng Trọng
Ban đầu, tên tôi là Quỳnh Dao với chữ “D” mới đúng, nhưng Hoàng Trọng cứ ghi là Quỳnh Giao với chữ “G”. Thành thử cũng chính ông là người làm tôi phải giữ tên mình là Quỳnh Giao với chữ “G”, nhất là khi có truyền hình, generique bao giờ cũng ghi chữ G mặc dù tôi có dặn các chú Phạm Duy, Anh Ngọc, Hoàng Lang đều ghi là Dao. ... Ông bướng lắm đấy!
Lúc bấy giờ chủ Phòng Văn Nghệ của đài là Vũ Thành. Vốn là nhạc sĩ chân chính và cẩn thận, ông chú ý đến phẩm chất nghệ thuật nên dành nhiều đặc ân cho các nghệ sĩ có chân tài như Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Nhật Bằng. Ông trả thù lao rất cao cho phần hòa âm công phu, nhờ đó mà các ca khúc nghệ thuật của chúng ta được thăng hoa và tồn tại mãi trong lòng người yêu nhạc. Và ông vua tango Hoàng Trọng còn là vua hòa âm thời đó.
Ông hòa âm cho dàn nhạc đã hay mà viết cho hợp ca càng xuất sắc. Hát bè phụ của ông là dùng hết công phu để nâng giọng solist, để làm nổi giọng bè chính. Bè ông viết không rườm rà mà đan lượn uyển chuyển đầy nghệ thuật. Hát trong ban của ông, ngoài đơn ca, tôi còn song ca, tam ca, hợp ca, rồi phụ họa, bài nào cũng tân kỳ và độc đáo. Vì vậy mà tôi thường háo hức trước ngày thu thanh như chờ ngày hội vậy. Tính ông cẩn thận, thường đưa bài trước để tập dượt. Ngoài xấp bài còn kèm theo miếng giấy nhỏ ghi chú mà giờ đây tôi còn thấy rõ trước mắt:
Mưa Trên Phím Ngà (đơn ca)
Tình Xuân (tam ca) Quỳnh Giao bè nữ 1
Thương Về Quê Cũ (hợp ca)
Bạn Lòng (song ca với An)
Thiên Thai (phụ họa)
Cứ như thế hàng tuần, HT lái chiếc Lambretta màu xám, áo Chemise màu xám hoặc xanh, chứ không có áo màu nào khác, đến đài phát thanh. Ông luôn luôn đến đài trước giờ ấn định. ....
Vào thời kỳ bắt đầu có truyền hình, HT lập Ban Tiếng Tơ Ðồng. Mỗi lần đi thu mất cả một ngày thật là vất vả cho giới nghệ sĩ chúng tôi. Ông chọn và mua vải bắt may đồng phục cả nam lẫn nữ, và thành phần ca sĩ thì mời thật đông. Chúng tôi biết chắc là ông lỗ vốn. Vậy mà HT say mê không mệt mỏi. Ngay cả giây phút cuối cùng trên sân khấu ở San José mà tôi kể đoạn trên, ông vẫn say mê. Nhìn bàn tay ông run rẩy, tôi chỉ sợ ông ngất ngay lúc ấy... Hát xong, tôi chào khán giả, rồi quay lại nắm tay cám ơn ông. Tôi thấy hai hàng lệ ông tuôn rơi mà mình chợt nghẹn ngào. Hôm đó, tôi không thốt được lời cám ơn ông. ...
Các ca nhạc sĩ đều từ giã ông để về ngay sáng hôm sau. Riêng tôi vì đến từ xa, đã ở lại đến tối hôm sau mới đi Virginia. Buổi sáng Chủ Nhật đó, vợ chồng Hoàng Cung Pha, con trai ông đưa tôi đến thăm ông và dự định ở chơi cho đến giờ tôi ra phi trường. Vừa vào tới nhà, không khí đã có vẻ u buồn: người vợ hiền bé nhỏ của ông cho biết cả đêm qua HT không ngủ được và vừa nôn hết thức ăn ra rồi. Tôi vẫn cố hồn nhiên, cười cười: “Chắc là chú vui quá vì đã xong chương trình hôm qua nên mới không ngủ được chứ gì?” Tôi trêu tiếp: “Và lúc chị Tâm hát xong bài “Chiều Rơi Ðó Em”, cháu mới hết lo, chỉ sợ chú cảm động quá mà ngất đi ngay chứ!”
Tôi nói đùa mà như tự trấn an mình, vì lúc đó chú than là hơi bị khó thở. Cả nhà bàn bạc không biết là có nên đưa đi nhà thương hay không, vì nhà thương đã có hẹn là thứ năm mới vào khám để hôm sau mới mổ tim. Người con trai tên Út mới 17 tuổi mà chũng chạc như người lớn, đột nhiên thưa với mẹ là nên đưa cha đi nhà thương ngay. Nét mặt cậu giống hệt chú HT của tôi lúc trẻ, nên càng nhìn càng thấy xót xa. Cô gái út tên là Kim Mi mới 12 tuổi xinh thật là xinh, mà hầu cha cũng thật là giỏi, đang ngơ ngác đứng nhìn. Cung Pha và Bạch La là hai người con lớn từ xa đã về dự ngày nhạc hội của cha. Bạch La và Phước cùng hai con về từ bên Ðức. Còn Cung Fa và Dung về từ Virginia. Cả nhà lo lắng, ủ rũ. Mọi người chờ chú vào nhà trong thay quần áo rồi đi hai xe đưa chú vào nhà thương Palo Alto. Tôi ngồi xe do chị Thu Tâm lái. Nhìn chị, tôi thương cảm hết sức và hiểu được tình yêu của hai người. Tình yêu của họ có lẽ bắt đầu bằng sự cảm phục về tài và tồn tại bằng sự chia sẻ nghệ thuật trong những năm cô đơn và đau buồn của người nhạc sĩ sau 75.
Tôi thấy họ đẹp vô cùng và tôi cũng thấy được cái hạnh phúc cuối cùng của chú HT. Tôi ngồi ghế ngoài phòng đợi cùng với Phước và Bạch La, khi hai mẹ con đưa chú vào phòng khám mà lờ mờ nghĩ rằng có thể đây là lần cuối tôi được nhìn thấy chú.
Trở về Virginia vài ngày, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, thì gặp ngay giọng của Dung, người con dâu trả lời, tôi giật mình lo sợ: Dung và Cung Fa đã về Virginia rồi, nay lại có mặt ở đó, nghĩa là tình hình không khả quan, có khi bệnh tình đã nguy ngập. Dung nói: “Chị gọi ngay vào nhà thương cho cha em đi, chắc ông vui lắm đó. Mấy hôm nay cha nói mớ toàn tên bài hát và có nhắc tới tên chị nữa đó”. Tôi nghẹn ngào xin số của nhà thương. Gọi vào gặp chị Thu Tâm và được chuyển ngay cho HT. Tôi hỏi thăm và cố nói vui: “Chú ơi! Ráng khỏe lại nhé. Mình còn làm vài chương trình nữa chứ!” HT chỉ ừ ừ cám ơn, giọng thều thào như qua tấm lá chắn. Tôi lại hỏi: “Chú ơi! Cháu muốn hát một bài Tango của chú. Chú khuyên hát bài gì? Tình Trăng được không?” Tôi nghe như có niềm vui: “Ừ, hát Tình Trăng thì hay lắm. Chưa hát đĩa bài ấy đấy.”
Vài tuần sau thì mẹ tôi gọi từ Quận Cam của Cali báo cho biết chú HT vừa đi. Sau đó, Nguyễn Thành Vân (người song ca với tôi bản Lạnh Lùng ở San José) gọi báo tin kèm lời than: “Trời ơi! Ai biểu ông làm chương trình nhạc làm chi. Mệt quá, ông mới vào nhà thương đó.” Tôi an ủi Vân: “Không đâu. Ông có được niềm vui sau cùng đó, Vân à.” ...
Khi qua Mỹ năm 1992, HT mang theo một cuốn sách nhạc nhỏ, giấy rất xấu, tự chép tay tất cả các tác phẩm của mình, từ bài đầu tiên cho đến về sau, từ lời tim óc của mình đến lời ca của người khác, với đầy đủ năm sáng tác nữa... Ông đã in lại tặng cho vài người trong chúng tôi mấy bản chép tay thật tỉ mỉ, công phu đó. Ðối với tôi, đây là món quà vô giá. ...
Thưa chú Hoàng Trọng,
Giờ đây, hồi tưởng lại cả một đoạn đường sáng tác của chú, từ Bắc tới trong Nam, và trong những ngày cuối cuộc đời trên đất Mỹ, cháu thật kính trọng lòng say mê và phục vụ âm nhạc nơi chú. Những người có may mắn để biết, làm việc, và sống gần chú, đều yêu thương và quí trọng chú. Có một điều rõ ràng hơn cả là chú không bao giờ giả dối, làm dáng, cường điệu. Ngay cả sự vụng về của chú cũng là điều làm cháu yêu quí chú. Cháu biết ơn chú và cũng biết là chú không cần cháu nói ra điều đó. Chú thấy không, đến phút cuối cháu vẫn chỉ nắm tay chú mà không nói lên được điều gì cả. Cháu chỉ mong là chú hiểu cháu và nghe được lời cám ơn của cháu bây giờ và mãi mãi. ...
Giờ đây, ở nơi đó, chú có biết không, cháu vẫn còn nghe văng vẳng bên tai câu hát mà cháu có lúc đùa nghịch, bắt bẻ chú, vì chú dùng chữ “mà” lập đi lập lại nhiều lần:
Mà mơ, mà nhìn lên cõi trời cao
Mà ngùi thương những năm nào
Mà mong tìm một ánh sao...
Xin vĩnh biệt ánh sao
Quỳnh Giao
Tháng 7, 1998
*
Thể Ðiệu (style) và Chủ Ðề Nhạc của NS. Hoàng Trọng
NS. Hoàng Trọng thường viết nhạc theo chủ đề nào và theo thể điệu nào, và tại sao thính giả thích nhạc Hoàng Trọng?
Nhìn chung, hầu hết những bài ca của NS. Hoàng Trọng là những bài nhạc tình cảm lãng mạn trải rộng trên nhiều đề tài vốn nằm trong tâm tư của mọi người và trong chính tâm tư của ông. Ða số thính giả ưa chuộng nhạc HT vì lời ca đầy tình cảm và điệu nhạc mới mẻ và vui tươi; dễ thuộc và cũng dễ hát. Ông cũng được mệnh danh là vua nhạc điệu tango bởi vì ông là một trong những người đầu tiên đưa thể điệu tango vào nền tân nhạc Việt mới phôi thai và đó là một trong hơn 50 thể điệu nằm trong 7 nhóm: (1) nhóm điệu March, (2) nhóm Tango (3) nhóm Valse, (4) nhóm Rhumba, (5) nhóm Slow, (6) nhóm Ballet, và (7) nhóm Opéra.
Thể điệu Tango là một nhịp điệu vũ nhảy với sáu bước căn bản, xuất xứ từ Bắc Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 15, và được dùng trong các buổi lễ lạc. Nhờ dân du mục sống (Gitans) nay đây mai đó nên điệu Tango được truyền bá đi các nơi. Người Á Căn Ðình (Argentine) sáng chế lại thành tiết điệu mệnh danh là Tango – Argentine. Thể điệu này lọt vào Nam Mỹ được biến cải thành Tango-Habanera.
Tóm Kết về NS Hoàng Trọng
NS. Hoàng Trọng là một nhạc sĩ tiên phong trong phong trào tân nhạc Việt vào thập niên 1930. Nhạc của ông được rất nhiều người đương thời ưa chuộng bởi vì điệu nhạc của ông mới mẻ, vui tươi; lời nhạc truyền cảm, dễ nhớ, dễ hát; và khoảng 200 bài hát của ông trải rộng trên nhiều lãnh vực tình cảm chung của con người. Nói đến Hoàng Trọng, người ta nhớ đến những bài hát theo thể điệu tango, một thể điệu nhẩy rất nhịp nhàng và uyển chuyển, rất thịnh hành thuở đó. Ông chiếm được tình cảm của thính giả không những vì những bài ca lãng mạn chan chứa tình người mà còn vì đức khiêm tốn và tinh thần phục vụ cao độ cho nghệ thuật và cho đại đa số khán thính giả.
NS Hoàng Trọng sống trong thời đất nước bị chiến tranh nhưng nhạc của ông rất ít bài có màu sắc chiến tranh. Chắc chắn ông không phải là không có lòng với đất nước mà có lẽ vì loại nhạc đó là sở trường của ông. Thời đó, cũng có một số văn thi sĩ như tự tách mình ra khỏi cuộc chiến, chỉ viết về tình yêu. Chẳng hạn, thi sĩ Nguyên Sa, ông chỉ chuyên viết những bài thơ tình.
Tuy nhiên, khi được đài BBC (hay đài VOA, không nhớ rõ) phỏng vấn và nêu câu hỏi nếu ông được sống lại những ngày như trước 1975, ông sẽ viết như thế nữa không. Nguyên Sa trả có lẽ ông sẽ viết khác.
Thanh Trang