
Dalat 1968.
Rời khỏi quân Trường Thủ Đức vào giữa tháng 10, cuối tháng đó tôi đã có mặt ở Dalat để trình diện tại Trường Võ Bị Quốc Gia với chức vụ Giáo Sư Kinh Tế. Qua tháng 11, mùa Đông ở vùng này, người bạn gái tôi quen ở trường Luật từ nhiều năm trước, lúc bấy giờ làm việc tại Sài Gòn, cùng với cô em gái lên thăm tôi. Hai chị em ở lại đấy một tuần lễ. Thị Xã Dalat xem trên bản đồ thì với các vùng phụ cận, Ấp này Ấp nọ, trông có vẻ rộng, thế nhưng những khu vục có nhà cửa phố xá xây cất từ sang trọng đồ sộ cho đến “coi được” về mặt xây cất thì cũng “vầy vậy thôi” chứ chả có thấm tháp gì so với thị xã Đà Nẵng chẳng hạn!
Có những sĩ quan cao cấp trong QLVNCH lên đấy tham dự các lớp học quân sự chuyên ngành chừng dăm bữa nửa tháng đã có lần đùa với tôi rằng những khu phố chính của Dalat, xung quanh chợ Hòa Bình, chỉ cần hít một hơi thở cho sâu, đi giáp hết một vòng rồi thì mới cần hít thở bình thường trở lại!
Kể như thế là để dẫn đến sự thể là khi người bạn gái của tôi lên thăm thì chúng tôi thường quanh quẩn nơi khu phố xá trên và dưới chợ Hòa Bình, rồi vài đoạn quanh bờ hồ Xuân Hương, chỗ có ngôi nhà “Thủy Tạ”, rồi dắt nhau lên mấy ngọn đồi tiếp giáp với bờ hồ. Từ đấy có thể ngó về phía Giáo Hoàng Chủng Viện, Viện Đại Học Dalat và khu trường Yersin ở hướng Đông Bắc. Chẳng đi đâu xa hơn như Hồ Than Thở, “Thung Lũng Tình Yêu”,
… Phần vì trời lạnh, phần vì trong ngày có những giờ giấc tôi vẫn phải ra vào quân trường, và chủ yếu cũng vì khi người ta yêu nhau và có nhau bên cạnh thì hình như cũng chả cần đến ngọai cảnh cho lắm! Đi lang thang đây đó là khi người ta buồn tình đời gì đầy kìa! Gần nhau như thế khoảng một tuần thì đến ngày tạm biệt. Cô ấy về lại Sài Gòn rồi thì tôi bắt đầu có những mối băn khoăn lớn.
Quen biết, gần gụi với nhau đã nhiều năm thì tất nhiên cũng phải nghĩ đến chuyện chừng nào thì lấy nhau làm vợ làm chồng. Tôi là đàn ông con trai, năm ấy mới có hai mươi sáu thì chả có làm sao cả, thế nhưng người ta là con gái, mà con gái trên hai mươi lăm thì người ta rất “làm sao” từ cữ tuổi ấy trở đi!
Trước kia còn quanh quẩn với nhau ở Sài Gòn thì không nói làm gì, nhưng bây giờ đã là một sự “đôi ngả đôi ta” về mặt khoảng cách; và tôi lúc ấy cũng đã bắt đầu suy nghĩ cho thật kỹ về kế họach nhà trường gửi các Giáo Sư của mình đi ngoại quốc du học. Không phải tu nghiệp mà là du học, bởi trình độ giảng dạy cho Sinh Viên Sĩ Quan về mặt văn hóa trong bốn năm đã tương đương với bậc Đại Học trong toàn quốc.
Những ngày như thế thì chiều đến, sau giờ làm việc ở quân trường, tôi mới bắt đầu lang thang ở những quán cà-phê nổi tiếng phía bên trên khu chợ Hòa Bình! Bắt đầu lang thang đến khu nhà “Thủy Tạ” ven hồ. Bắt đầu lang thang lên mấy ngọn đồi giáp ranh với bờ hồ, nhìn ngang ngó ngửa giữa trời mây non nước trong tư thế “trầm ngâm”. Lúc bấy giờ đã qua tháng Mười Một trong năm. Có nghĩa là ban ngày trời dã lạnh thì đêm đến lại lạnh hơn, và sương sớm hay sương khuya cũng dày đặc hơn.
Một đêm như vậy, tôi trở về khu Cư Xá dành cho Sĩ Quan Độc thân là cái Khách Sạn Thủy Tiên II mà chính phủ đã trưng dụng! Người cùng phòng với tôi là một anh Kỹ Sư Điện mà trùng hợp thế nào trước đấy cùng chung Đại Đội với tôi ở Thủ Đức, cùng về trình diện một ngày với tôi ở quân trường, được bổ nhiệm làm Giáo Sư trong Khoa Điện, rồi cũng lại đuợc sắp xếp cho ở cùng phòng với tôi tại khu Cư Xá Sĩ Quan! Suốt mấy tuần liền anh ấy mất ngủ triền miên. Hỏi lý do thì khai ra rằng “vì nhớ cô bồ ở Sài Gòn”.
Tôi hỏi: ”Thương nhau nhiều không?”
Đáp: ”Tụi tôi thương nhau lắm! Trước sau gì cũng lấy nhau!”
Tôi nói: ”À, thương nhau và gắn bó với nhau cỡ đó rồi có mất ngủ thì ít ra cũng còn có lý“!
Vậy thì nếu như anh bạn cùng phòng có mất ngủ vì nhớ người yêu thì riêng tôi lại chả có sao cả, tôi vẫn ngủ bình thường! Bây giờ nhìn lại thì tôi mới sực nhớ ra là suốt một cuộc đời, dù trong hòan cảnh nào đi nữa tôi cũng không bị chứng mất ngủ.
Kể cũng lạ! Có điều là khi nào “trâm ngâm” hay “tư lự” thì tôi “trầm ngâm”, “tư lự”. Nhưng bình thường ra thì tính tôi thích trào lộng. Một hôm như thế, tôi hỏi anh bạn cùng phòng :
”Này! Cậu thương cô bồ của cậu như thế! Nhưng cậu có chung tình với cô ấy không?”
Đáp: ”Chung chứ sao lại không chung?”
Tôi hỏi: ”Anh em đàn ông con trai với nhau tôi hỏi thật: Vậy chứ có bao giờ cậu nằm mơ thấy mình giao du thân mật với một người con gái khác hay không?”
Bấy giờ đến lượt anh ta trâm ngâm vài giây nhưng rồi gật gù, trả lời: ”Cũng có!”
Tôi nói: ”Thế thì có khi nào cậu nghĩ rằng cô bồ cậu thương nhớ đến mất ngủ hàng đêm thì có khi chính những đêm cậu mất ngủ cô ấy lại mơ dung dăng dung dẻ với một anh nào khác?”
Anh bạn cùng phòng nhìn tôi đăm đăm, nói hấp tấp: ”Ờ nhỉ? Ờ nhỉ?".
Rồi với nét mặt cau có: ”Nhưng ông ăn nói cái kiểu ấy thì tôi lại càng thức trắng đêm thêm!"
Tôi đâm chột dạ vì hình như mình có sơ hở điều gì đấy cho nên vội vàng trấn an anh bạn: ”Ấy chỉ là giả thuyết thôi cậu ạ!" Miễn sau này người ta chịu lấy cậu là được, còn họ có mơ thấy ai khác thì tốt hơn cả là mình cứ coi như không biết cho nó khỏe cái tấm thân!”
Anh bạn lại càng cau có: ”Đâu có đuợc!”
Không đầy nửa năm sau thì anh bạn ấy đuợc biệt phái trở về Sài Gòn. Tôi đi du học trở về nước vào năm 73, một buổi chiều đi ngang khu Bưu Điện Sài Gòn, thấy có ai đứng một bên đuờng kêu tên mình ơi ới. Hai bên cùng băng qua đuờng để tay bắt mặt mừng với nhau thì đấy không ai khác hơn anh bạn cùng phòng năm xưa như vừa mới kể. Người đi bên cạnh anh ấy mà anh ấy giới thiệu là vợ thì cũng không ai khác hơn cô gái mấy năm xưa khiến anh chàng mất ngủ triền miên ở Dalat! Trông mặt là tôi nhận ra liền, bởi anh chàng kia để hình cô nàng nơi bàn ngủ đầu giường tại căn phòng của khu Cư Xá Sĩ Quan độc thân của Trường Võ Bị Quốc gia khi xưa!
Anh Kỹ Sư tên Đức, người bạn tôi vừa kể ở trên là người đầu tiên nghe bài “Tình Khúc Mùa Đông” qua tiếng đàn ghi-ta của tôi ngày ấy. Một đêm, khoảng hai ba giờ sáng tôi chợt thức giấc, lấy giấy kẽ nhạc ra, bật đèn lên để viết các nốt nhạc cho đoạn giữa của bài hát. Hình như trong giấc ngủ thì tâm trí của con người ta vẫn tiếp tục làm việc. Trọn ngày hôm sau, dù là đi đâu hay đang làm gì thì đầu óc tôi cũng cứ quanh quẩn với phần lời hát. Khuya đến, tôi ngồi chép lại toàn bộ lời hát như trong ngày mình đã tạm coi như ưng ý.
Xong rồi thì lôi đàn ra đàn từ đầu đến cuối để coi xem lời hát và giai điệu đi với nhau ra sao. Ở giường phía bên kia, anh bạn cùng phòng nằm nghiêng, một tay chống cằm, lắng nghe. Nghe xong thì anh ta lò dò buớc đến bên cạnh tôi, cầm bản nhạc lên đọc lời và yêu cầu tôi đàn lại cho anh ta nghe! Nghe xong anh ta kết luận:
”Thế này thì ông lại càng làm tôi nhớ cô bồ của tôi thêm nữa! Ở chung phòng vói ông thật là tai họa!”
Cách đó ít ngày tôi gửi bài hát cho Mai Hương ở Sài Gòn. Mai Hương là người đầu tiên hát bài này trong ban nhạc của Nhật Trường bên Đài Quân Đội. Sau Mai Hương thì đến phiên Nhật Trường hát. Nhật Trường hát xong rồi thì tìm người liên lạc với tôi để xin được xuất bản!
Ngày Nhật Trường lái chiếc xe “Simca 1000” đến tận nhà tôi ở ngôi biệt thự thuộc khu An Phú, trên đuờng đi Thủ Đức, để giao tận tay cho tôi mấy chục bản đặc biệt, để có dấu mộc và chữ ký của tác giả, thì ít hôm sau tôi đã lên máy bay Boeing rời khỏi nước, đi du học. Người vợ của tôi lúc ấy, và cả cho đên bây giờ, là nhân vật nữ trong bài “Tình Khúc Mùa Đông”.
Mắt đã một chiều thu hoen lệ sầu
Tiếng đã lạc loài trong tim nghẹn ngào
Đưa em về chiều thu reo dưới gót
Âm thầm từng hồi giá buốt
Nghe tiếng đông sang
Nhớ những đường về sương rơi mịt mùng
Mắt biếc là màu riêng tôi lạnh lùng
Thương cho người về cô đơn với bóng
Mây chiều lạc loài đã xuống
Với thu mênh mông
Anh lãng du đêm dài cùng khói mây
Hôn tóc em, nghe hồn mình đắng cay
Tháng năm buồn miệt mài từng ngón tay
Khi về còn xao xuyến ru hồn người đắm say
Nhớ mãi từng chiều thu rơi ngàn trùng
Tóc đó là vùng mây trôi ngập ngừng
Đêm mong người về cho vơi giá buốt
Nghe hồn từng mùa đã khuất
Tiếc thu mênh mông....
Thanh Trang 2008